Bảng 3.14. Hiệu quả của cây trồng xen với sinh trưởng của cây Sơn tra
Thí nghiệm Đỗ trồng xen | ||||
Công thức | Chiều cao cây (m) | Đường kính gốc (cm) | Chiều cao cây (m) | Đường kính gốc (cm) |
CT1 | 3,51 | 4,53 | 3,56 | 5,07 |
CT2 | 3,46 | 4,53 | 3,63 | 5,12 |
CT3 | 3,30 | 4,33 | 3,38 | 4,93 |
CT4 | 2,79 | 4,26 | 3,38 | 4,82 |
Đối chứng | 3,05 | 3,56 | 3,43 | 4,58 |
LSD0.05 | 0,64 | 0,41 | 0,63 | 0,44 |
CV% | 8,2 | 6,9 | 7,1 | 6,9 |
Có thể bạn quan tâm!
- Hiện Trạng Trồng Sơn Tra Tại Huyện Thuận Châu
- Kết Quả Nghiên Cứu Xác Định Mật Độ Và Cơ Cấu Cây Trồng Xen Hợp Lý Cho Từng Loại Cây Trồng Xen Giai Đoạn Kiến Thiết Cơ Bản
- Các Chỉ Tiêu Và Năng Suất Thực Thu Của Ngô Nk54 Trồng Xen Sơn Tra Giai Đoạn Kiến Thiết Cơ Bản
- Đánh giá hiệu quả của mô hình trồng xen một số cây nông nghiệp với Sơn tra Docynia indica giai đoạn kiến - 11
- Đánh giá hiệu quả của mô hình trồng xen một số cây nông nghiệp với Sơn tra Docynia indica giai đoạn kiến - 12
- Chiều Cao Cây Ngô ……………………………………
Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.
Ghi chú: Đối chứng là Sơn tra trồng thuần.
Sau 1 năm thực hiện thí nghiệm, cây Sơn tra vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường. Các cây trồng xen với công thức trồng mật độ khác nhau không ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây trồng chính (Sơn tra) mà còn làm cho Sơn tra sinh trưởng tốt hơn.
Cụ thể:
+ Chiều cao cây: Trong các công thức thí nghiệm khác nhau, chiều cao của Sơn Tra không khác nhau ở mức ý nghĩa thống kê 95%. Chiều cao cây tương đối đồng đều, dao động từ 2,79 – 3,63m. Chiều cao cây Sơn tra trong công thức trồng xen Ngô với mật độ 54.000 cây có chiều cao cao nhất, thấp nhất là công thức trồng xen Ngô với 75.000 cây/ha.
Với các công thức đỗ đen trồng xen, công thức 2 (trồng Đỗ đen với mật độ 25 cây/m2) cây Sơn tra đạt chiều cao cao nhất. thấp nhất là công thức đối chứng (Sơn tra trồng thuần).
+ Đường kính gốc: Trong các công thức ngô trồng xen, đường kính gốc của Sơn tra không khác biệt nhau nhiều, đường kính gốc Sơn tra ở công thức 1, 2 (trồng xen ngô với mật độ 54.000 cây/ha và 65.000 cây/ha) đạt cao nhất. Sơn tra trong các công thức trồng xen đều có đường kính cao hơn so với công thức đối chứng.
Trong các công thức trồng xen đỗ đen, đường kính gốc Sơn tra không khác biệt nhiều. Tuy nhiên, đường kính gốc Sơn tra trong công thức 2 (trồng xen đỗ đen với mật độ 250.000 cây/ha) đạt cao nhất. Sơn tra trong các công thức trồng xen đều có đường kính cao hơn so với công thức đối chứng.
3.3.4. Đánh giá hiệu quả môi trường của các mô hình trồng xen trong nương đồi Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản
Xói mòn là một trong những nguyên nhân chính làm suy thoái đất, giảm năng suất cây trồng. Đất bị bào mòn sẽ mang theo một lượng lớn dinh dưỡng ở lớp đất mặt (tầng đất canh tác), ở mức độ nghiêm trọng có thể làm mất sức sản suất của đất. Như vậy việc bảo vệ đất là một vấn đề rất quan trọng trong sản suất, đặc biệt là canh tác trên đất dốc. Cây Sơn tra trồng ở Sơn La chủ yếu trên đồi có độ dốc lớn, trong những năm kiến thiết cơ bản (từ năm thứ nhất đến năm thứ 4) Sơn tra chưa khép tán, mật độ cây lại thưa, do đó xói mòn, rửa trôi là nguyên nhân chính làm suy thoái đất, giảm năng suất cây trồng, ở mức độ nghiêm trọng có thể làm mất sức sản suất của đất. Lựa chọn công thức trồng xen ngoài đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân thì việc bảo vệ, cải thiện độ phì đất có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Kỹ thuật canh tác cây lương thực ngắn ngày trong nương đồi Sơn tra đã chấm dứt tập quán canh tác “Đốt nương làm rẫy” của đồng bào các dân tộc thiểu số trên các nương đồi trồng Sơn tra. Phụ phẩm cây trồng (thân lá ngô, đậu đỗ, …) được cày vùi làm phân xanh cho nương đồi Sơn tra là một lượng lớn chất hữu cơ mùn được trả lại cho đất, giữ ẩm, tăng độ thông thoáng, cải
thiện lý tính đất nhờ lớp thực vật này. Mặt khác, nhờ có lớp phủ này sẽ bảo vệ đất, hạn chế tối đa sự xói mòn, rửa trôi đất. Việc trồng xen làm tăng khả năng che phủ cho đất trong thời kỳ Sơn tra chưa khép tán.
Như vậy trồng xen trong vườn Sơn tra ở thời kỳ KTCB có tác dụng làm đất tơi xốp. Mặc dù các loại cây này có sử dụng dinh dưỡng của đất nhưng nó hoàn trả lại cho đất một lượng chất xanh khá lớn sau khi thu hoạch, đồng thời các loại cây trồng xen đã tạo nên một thảm phủ có tác dụng hạn chế xói mòn, rửa trôi, cải thiện và nâng cao độ phì đất. Do đó, trồng xen không ảnh hưởng xấu đến dinh dưỡng đất mà còn có xu hướng cải thiện dinh dưỡng đất (đặc biệt là trồng xen Đỗ đen), trồng xen không tác động xấu đến sinh trưởng của cây Sơn tra và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn Sơn tra trồng thuần (làm cỏ theo quy trình).
Qua quá trình theo dõi chúng tôi nhận thấy mô hình trồng ngô đại trà, Đỗ đen vẫn xuất hiện một số loại sâu bệnh hại chính như mô hình Ngô, Đỗ đen trồng xen. Mô hình Sơn tra trồng thuần cũng nhiễm rệp hại lá nặng làm xoăn hết lá Sơn tra. Cụ thể trong bảng sau:
Bảng 3.15. Sâu bệnh hại Ngô, Đỗ đen, Sơn tra
Sâu đục bắp | Rệp hại cờ | Đốm lá lớn | Dòi đục quả | Rệp | |
1. Ngô đại trà | 1,3 | 1,0 | 1,5 | - | - |
2. Ngô trồng xen | 1,4 | 1,0 | 1,7 | - | - |
3. Đỗ đen đại trà | - | - | - | 2,3 | 1,6 |
4. Đỗ đen trồng xen | - | - | - | 3,1 | 2,7 |
5. Sơn tra xen Ngô | - | - | - | - | 5 |
6. Sơn tra xen Đỗ đen | - | - | - | - | 5 |
7. Sơn tra thuần | - | - | - | - | 5 |
Ngô trồng đại trà, Đỗ đen trồng đại trà nhiễm sâu bệnh hại có mức nhẹ hơn so với trồng xen Sơn tra tuy nhiên mức độ nhiễm vẫn tương đối cao.
3.3.5. Đánh giá hiệu quả xã hội của các mô hình trồng xen trong nương đồi Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản
Theo kết quả theo dõi và tính toán, cho thấy mô hình trồng xen tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Theo đó, việc trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày đã giải quyết vấn đề lao động nhàn rỗi ở đồng bào dân tộc miền núi. Cụ thể:
Bảng 3.16. Hiệu quả xã hội của mô hình Ngô trồng xen Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản
CT1 | CT2 | CT3 | CT4 | Đối chứng | |
1. Công làm đất | 10 | 10 | 10 | 10 | |
2. Công trồng | 07 | 06 | 08 | 09 | |
3. Công làm cỏ, chăm sóc | 35 | 35 | 37 | 39 | 30 |
4. Công thu hoạch | 18 | 20 | 20 | 22 | |
Tổng cộng | 70 | 71 | 75 | 80 | 30 |
Ghi chú: Công thức 1: mật độ trồng 54.000 cây/ha; Công thức 2: mật độ trồng 65.000 cây/ha; Công thức 3: mật độ trồng 70.000 cây/ha; Công thức 4: mật độ trồng 75.000 cây/ha; ĐC: Sơn tra trồng thuần; Giá công lao động tại địa phương là 100.000 đồng.
Số công lao động từ mô hình trồng ngô xen Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản tạo ra cho người nông dân từ 70 – 80 công/vụ. Với thời gian 1 vụ ngô là 110 - 120 ngày, tiền công lao động tại địa phương là 100.000 đồng/ngày công thì 1 ha trồng xen cho gia đình thu nhập từ 7.000.000 đồng – 8.000.000đồng. Trung bình mỗi tháng cho thu nhập từ 1.750.000 đồng –
2.000.000 đồng. Cộng với lãi thuần của mô hình ngô mang lại từ 13.701.000 đến 15.056.000 đồng/ha thì với 1 ha ngô trồng xen Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản đã tạo ra việc làm và thu nhập cho người nông dân. Trong khi đó 1 ha Sơn tra trồng thuần người nông dân phải bỏ ra 30 ngày công làm cỏ và chăm sóc nhưng không cho một khoản thu nhập nào.
Bảng 3.17. Hiệu quả xã hội của mô hình Đỗ đen trồng xen Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản
(ĐVT: công)
CT1 | CT2 | CT3 | CT4 | Đối chứng | |
1. Công làm đất | 10 | 10 | 10 | 10 | |
2. Công trồng | 06 | 05 | 07 | 08 | |
3. Công làm cỏ, ngắt ngọn | 32 | 30 | 34 | 36 | 30 |
4. Công thu hoạch | 17 | 15 | 19 | 19 | |
Tổng cộng | 65 | 60 | 70 | 73 | 30 |
Ghi chú: Công thức 1: mật độ trồng 300.000 cây/ha; Công thức 2: mật độ trồng 250.000 cây/ha; Công thức 3: mật độ trồng 350.000 cây/ha; Công thức 4: mật độ trồng 400.000 cây/ha; ĐC: Sơn tra trồng thuần; Giá công lao động tại địa phương là 100.000 đồng.
Còn với mô hình Đỗ đen trồng xen Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản tạo ra cho người nông dân từ 60 – 73 công/vụ. Với thời gian 1 vụ đỗ là 90 - 100 ngày, tiền công lao động tại địa phương là 100.000 đồng/ngày công thì 1 ha trồng xen cho gia đình thu nhập từ 6.000.000 đồng – 7.300.000 đồng. Trung bình mỗi tháng cho thu nhập từ 2.000.000 đồng – 2.433.000 đồng. Cộng với lãi thuần của mô hình đỗ mang lại từ 5.972.000 đồng đến 7.217.000 đồng/ha thì với 1 ha Đỗ đen trồng xen Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản đã
tạo ra việc làm và thu nhập cho người nông dân từ 3.990.000 đồng/ha đến
4.838.000 đồng/tháng.
Như vậy, việc trồng xen cây nông nghiệp với Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản đã tạo ra 60 công/ha công đến 80 công/ha, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân từ 3.990.000 đồng/tháng – 5.764.000 đồng/tháng, góp phần đảm bảo an ninh xã hội, ổn đinh đời sống cho người trồng Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản.
3.4. Một số đề xuất kỹ thuật trồng xen cây nông nghiệp với Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản
Từ các kết quả nghiên cứu đạt được, có thể đưa ra một số biện pháp kỹ thuật trồng xen cây nông nghiệp với Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản để có thể mở rộng mô hình và giúp người trồng Sơn tra thu được hiệu quả cao nhất:
- Trồng Ngô xen Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản với mật độ 65.000cây/ha mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả với sinh trưởng của cây Sơn tra cao nhất.
- Nên trồng Đỗ đen xen Sơn tra với mật độ 300.000 cây/ha để đạt hiệu quả kinh tế và hiệu quả với sinh trưởng của cây Sơn tra cao.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
Qua một năm nghiên cứu việc trồng xen Ngô lai NK54 và Đỗ đen trong nương đồi Sơn tra theo mô hình Nông lâm kết hợp, có thể rút ra một số kết luận như sau:
(1) Ngô trồng xen Sơn tra với mật độ 65.000 cây/ha có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng, chiều cao cây cuối cùng đạt 236,7 cm.
(2) Năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất Ngô NK54 trồng xen Sơn tra với mật độ 65.000 cây/ha đạt cao nhất. Năng suất lý thuyết đạt 8,1 tấn/ha, năng suất thực thu đạt 5,7 tấn/ha.
(3) Các công thức trồng Ngô xen Sơn tra đều nhiễm nhẹ một số loại sâu bệnh hại chính (sâu dục bắp, rệp hại cờ, đốm lá lớn) từ điểm 1 – 2. Trong đó công thức trồng xen ngô với mật độ 65.000 cây/ha nhiễm các loại sâu bệnh hại dưới điểm 2.
(4) Đỗ đen trồng xen Sơn tra với mật độ 300.000 cây/ha cho thời gian thu hoạch sớm nhất 92,7 ngày. Các công thức trồng Đỗ đen xen Sơn tra đều nhiễm ròi đục quả và rệp hại từ điểm 2 – 3. Tuy nhiên công thức trồng xem Đỗ đen với mật độ 400.000 cây/ha đạt năng suất cao nhất 3,81 tạ/ha, thứ hai là công thức Đỗ đen trồng xen Sơn tra với mật độ 300.000 cây/ha (3,79 tạ/ha).
(5) Hiệu quả của các mô hình trồng xen Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản khác nhau. Mô hình trồng Ngô NK54 xen Sơn tra với mật độ 65.000 cây/ha cho hiệu quả kinh tế cao nhất 15,056 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng Đỗ đen trồng xen Sơn tra với mật độ 300.000 cây/ha đạt cao với 7,217 triệu đồng/ha.
(6) Các công thức trồng xen khác nhau đều mang lại hiệu quả tốt với sinh trưởng của cây Sơn tra. Cụ thể là cây Sơn tra trong các mô hình trồng xen đều sinh trưởng mạnh hơn Sơn tra trồng thuần.
(7) Cây trồng xen đã tạo nên một thảm phủ có tác dụng hạn chế xói mòn, rửa trôi, cải thiện và nâng cao độ phì đất. Như vậy, trồng xen không ảnh hưởng xấu đến dinh dưỡng đất mà còn có xu hướng cải thiện dinh dưỡng đất (đặc biệt là trồng xen Đỗ đen). Ngoài ra trồng xen đều không có ảnh hưởng tới sâu bệnh hại giữa các loại cây trồng xen và cây Sơn tra.
(8) Việc trồng xen cây nông nghiệp với Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản đã tạo ra 60công/ha công đến 80công/ha góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân từ 3.990.000 đồng/tháng – 5.764.000 đồng/tháng (giai đoạn trồng xen), góp phần đảm bảo an ninh xã hội, ổn đinh đời sống cho người trồng Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản.
2. Tồn tại
- Do thời gian nghiên cứu ngắn nên chưa thể lượng hóa được một cách chính xác về hiệu quả trồng xen đối với việc làm tăng độ phì đất và hạn chế xói mòn.
- Tương tự, ảnh hưởng của trồng xen cây nông nghiệp tới sinh trưởng của cây trồng chính là Sơn tra cũng mới chỉ bước đầu đánh giá được tại thời kỳ kiến thiết cơ bản; hiệu quả tới năng suất và sản lượng quả chưa đủ thời gian để kiểm chứng.
3. Khuyến nghị
- Nên trồng xen 2 vụ cây nông nghiệp ngắn ngày vào nương đồi Sơn tra giai đoạn kiến thiết cơ bản. Ngô xuân hè – Đỗ đen thu đông.
- Cần có những nghiên cứu sâu hơn về các hiệu quả môi trường, hiệu quả xã hội để có thể lượng hóa được những ảnh hưởng này của việc trồng xen. Nếu có điều kiện tiếp tục theo dõi sinh trưởng của cây Sơn tra và tìm ra mối liên hệ giữa trồng xen với sinh trưởng và sản lượng quả trong từng mô hình để có những đánh giá thuyết phục hơn khi khuyến cáo nhân rộng mô hình.