hữu hiệu về vấn đề thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Điều đó cũng tác động không nhỏ đến xây dựng nông thôn vì nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn gắn liền với nhau, tác động lẫn nhau cùng phát triển.
Hệ thống sông ngòi
Ngoài tác động của khí hậu, địa hình, tỉnh Phú Thọ với một hệ thống sông ngòi, đầm hồ phong phú cũng góp phần thúc đẩy nông nghiệp trong tỉnh phát triển. Các đoạn sông lớn chảy qua tỉnh như sông Hồng (sông Thao), sông Lô hay sông Đà đã bồi đắp phù sa màu mỡ cho các cánh đồng ven sông, đồng thời tạo điều kiện giao lưu đường thủy giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh bạn.
Phú Thọ có gần 70 con ngòi lớn nhỏ, nằm rải rác khắp các huyện, điển hình có ngòi Lao (Hạ Hòa), ngòi Me (Sông Thao), ngòi Lát (Thanh Thủy).v.v.. Ngoài ra, còn có nhiều đầm hồ thiên tạo như: đầm Ao Châu, đầm Chú, đầm Lãi, đầm Năng (Hạ Hòa), đầm Chính Công (Thanh Ba), đầm Dị Nậu, Liên Từ (Cẩm Khê).v.v.. Các đầm hồ này vừa có tác dụng tích nước phục vụ cho thủy lợi, lại vừa có tác dụng điều hòa khí hậu. Đó là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc tự nhiên từ nhiều nguồn địa lý khác nhau, tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp, du lịch, và đó cũng là tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi và góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tài nguyên đất
Bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý, về những đặc điểm tự nhiên riêng có, Phú Thọ còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, điển hình là nguồn tài nguyên đất. Hiện nay, tỉnh mới sử dụng được khoảng 54,8% tiềm năng đất nông – lâm nghiệp, đất chưa sử dụng còn 81,2 nghìn ha, trong đó đồi núi có 57,86 nghìn ha. Theo tài liệu thổ nhưỡng trước đây và kết quả điều tra bổ sung những năm gần đây, Phú Thọ có 13 loại đất nằm trong 7 nhóm đất: Đất phù sa, đất lầy, đát xám, đất đỏ vàng, đất mùn, đất thung lũng, đất xói mòn trơ sỏi đá.
Diện tích tự nhiên của khu vực nông thôn ở tỉnh là 342.591,52 ha, chiếm 96,98% diện tích tự nhiên toàn tỉnh (bao gồm cả xã Tân Đức). Trong đó: chủ yếu là đất nông nghiệp (chiếm 77,79% tổng diện tích tự nhiên), đất phi nông nghiệp chiếm 13,57% tổng diện tích tự nhiên và đất chưa sử dụng chiếm 8,67% tổng diện tích tự nhiên [70, tr.51].
Cơ cấu sử dụng đất chung của vùng đã có sự chuyển dịch theo hướng hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của vùng trong những năm qua. Diện tích đất chưa sử dụng giảm dần, tỷ lệ đất phi nông nghiệp trong cơ cấu sử dụng đất tăng là những nhân tố tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội của vùng. Sau hơn mười năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng nói chung và cơ cấu sử dụng đất nói riêng, thu nhập của người dân được tăng lên đáng kể, an ninh lương thực được đảm bảo. Cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển khá, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.
1.1.2. Kinh tế, văn hóa - xã hội tỉnh Phú Thọ trước năm 2008
Sau khi tái lập tỉnh (1/1/1997), theo chủ trương đổi mới toàn diện của Đảng, trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, Phú Thọ đã ra sức phấn đấu, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thách thức để nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Phú Thọ phát triển sánh cùng với các tỉnh bạn trong khu vực.
Tăng trưởng kinh tế
Tổng GDP của tỉnh năm 2007 (theo giá năm 2000) đạt 5.469 tỷ đồng, tăng 10,84% so với thực hiện năm 2006 (cả nước tăng 8,5%). Trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,3%, Công nghiệp- xây dựng tăng 13,7% và Dịch vụ tăng 12,4% [69, tr.21]. Trong những năm qua kinh tế của tỉnh có sự phát triển. Tổng GDP đều tăng qua các năm. Tổng sản phẩm bình quân đầu người cũng tăng lên. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khá chậm. GDP bình quân đầu người tăng chưa đáng kể. Điều đó phản ánh kinh tế của Phú Thọ phát triển với tốc độ trung bình. Riêng ngành nông, lâm thủy sản cần được đầu tư để trở thành “bệ đỡ” cho nền kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Nhìn chung, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ: tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, tuy nhiên tốc độ tăng vẫn còn chậm. Tốc độ tăng của ngành công nghiệp không đạt kế hoạch, giá của hầu hết các vật tư và nguyên liệu đầu vào của sản xuất đều tăng cao làm chi phí sản xuất tăng, dẫn đến tỷ lệ đóng góp vào GDP giảm. Cơ cấu GDP theo ngành kinh tế năm 2007: tỷ trọng ngành nông nghiệp đạt 26,1%, ngành công nghiệp – xây dựng đạt 38,8%, và ngành dịch vụ đạt 35,1% [69, tr.22].
Sản xuất công nghiệp
Bảng 1.1: Giá trị sản xuất công nghiệp của Phú Thọ (2005 – 2007)
Đơn vị | Năm 2005 | Năm 2006 | Năm 2007 | |
Giá trị sản xuất (giá 1994) | Tỷ đồng | 6.258 | 7.054 | 8.174 |
1.Quốc doanh | ” | 3091 | 3298 | 3.139 |
- Trung ương | ” | 2714 | 2936 | 2.874 |
- Địa phương | ” | 378 | 363 | 265 |
2.Ngoài quốc doanh | ” | 1458 | 1.812 | 2.734 |
3. Có vốn ĐTNN | ” | 1709 | 1.944 | 2.302 |
Có thể bạn quan tâm!
- Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lãnh đạo xây dựng nông thôn mới từ năm 2008 đến năm 2014 - 1
- Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lãnh đạo xây dựng nông thôn mới từ năm 2008 đến năm 2014 - 2
- Tình Hình Văn Hóa - Xã Hội Ở Nông Thôn Phú Thọ Trước Khi Xây Dựng Nông Thôn Mới
- Chủ Trương Của Đảng Về Xây Dựng Nông Thôn Mới
- Đảng Bộ Tỉnh Phú Thọ Lãnh Đạo Thực Hiện Xây Dựng Nông Thôn Mới (2008 – 2014)
Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.
(Nguồn:Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Phú Thọ giai đoạn 2011- 2015 –
UBND tỉnh Phú Thọ )
Năm 2007, ngành công nghiệp tỉnh có tổng giá trị sản xuất hơn 8.174 tỷ đồng, tăng lên 15,6% so với năm 2006 (bảng 1.1). Tốc độ phát triển ngành công nghiệp của tỉnh đạt khá, cao hơn so với một số tỉnh lân cận như Yên Bái, Sơn La… Từ năm 2001 đến năm 2007, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phát triển khá nhanh. Các thành phần kinh tế đã có những đóng góp quan trọng về giá trị sản xuất và tăng trưởng kinh tế, góp phần làm thay đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh theo hướng CNH, HĐH. Điều đó có gây ảnh hưởng ít nhiều tới khu vực và ngành kinh tế khác, trong đó có kinh tế nông nghiệp và khu vực nông thôn.
Ngành dịch vụ
Năm 2007, tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt 2.792 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2006 (2.529 tỷ đồng), đặc biệt ngành xuất, nhập khẩu đã có bước đột phá (tăng mạnh từ 132,3 triệu USD lên 220,7 triệu USD năm 2006 – 2007) [69, tr.25]. Phú Thọ có vị trí địa lý rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế với các khu vực lân cận. Đây là động lực để tỉnh mạnh dạn xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, thủ công nghiệp. Các mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh như: chè khô, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ.v.v.. góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng.
Nguồn nhân lực
Phú Thọ có nguồn lao động dồi dào, 817,3 nghìn lao động với tổng dân số 1.350.565 người (chiếm 60,51% dân số toàn tỉnh năm 2007). Trong đó, số người trong độ tuổi lao động chiếm đa số (với 795,8 nghìn người năm 2007) [13, tr.44].
Số người đang làm việc trong các ngành kinh tế là 661,2 nghìn người (năm 2005, tăng lên 679,7 nghìn người năm 2007). Năm 2008, số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế tăng lên 690 nghìn lao động, cao hơn so với một số tỉnh lân cận như: Vĩnh Phúc (597,4 nghìn lao động), Yên Bái (390,5 nghìn lao động), Sơn La (583,0 nghìn lao động)... Trong đó, lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động: tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 69%; lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 16%; ngành dịch vụ chiếm 15% cơ cấu lao động (năm 2007)[69, tr.21].
Trình độ học vấn của dân cư Phú Thọ hiện nay vào loại khá. Số người trong tuổi có khả năng lao động và đang đi học có xu hướng tăng lên (từ 80 nghìn lên 86,7 nghìn người năm 2005-2007) [13, tr.44]. Bởi vậy, chất lượng lao động khá tốt. Bản tính người lao động lại rất cần cù, chịu khó, thông minh và dễ thích với nghề nghiệp.
Cơ sở vật chất – kĩ thuật
Cơ sở vật chất kĩ thuật hiện có của Phú Thọ tuy chưa đủ mạnh để biến tiềm năng thành hiện thực nhưng so với những năm cao trào của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp thì có bước phát triển, chuyển biến mạnh mẽ. Các công trình thủy lợi đã và đang được xây dựng, củng cố và hoàn thiện. Hệ thống kênh mương tưới tiêu thủy lợi nội đồng hiện có đã và đang phát huy tác dụng, có thể chủ động, đảm bảo cho khâu tưới, tiêu nước trên diện rộng.
Ngoài cơ sở vật chất và những đầu tư phát triển trong ngành nông nghiệp, tiềm năng của các ngành kinh tế khác cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ. Ngành sản xuất công nghiệp đã dần đi vào ổn định, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (theo giá so sánh 1994) tăng (từ 6.258.602 triệu lên 8.174.308 triệu đồng năm 2005-2007) [13, tr.196]. Ngay sau khi Phú Thọ được tái lập, xuất phát từ tiềm năng thế mạnh của địa phương, tỉnh đã định hướng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và tiểu thủ công nghiệp của địa phương, trong đó ngành công nghiệp chế biến là ngành có ảnh hưởng chủ yếu tới sản xuất nông nghiệp. Do được tăng cường đầu tư, năng lực sản xuất tăng đáng kể, nhiều sản phẩm công nghiệp có mối quan hệ với sản xuất nông nghiệp đã đạt mức khá như gạo, ngô xay xát, sợi.v.v.. Đồng thời, các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng tăng nhanh, thu hút lực lượng lao động khá lớn trong xã hội vào làm việc: khu công nghiệp Thụy Vân, Trung Hà; cụm công nghiệp làng nghề Phượng Lâu; cụm làng nghề Vân Phú (thành phố Việt Trì); cụm công nghiệp làng nghề Sông Thao (Cẩm Khê).v.v.. và các làng nghề truyền thống ở các địa phương. Sản xuất công nghiệp có sự ổn định và bước đầu có sự phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong thời kì đổi mới, do được Nhà nước quan tâm đúng mức và đầu tư kịp thời, nên cơ sở vật chất kĩ thuật trong tỉnh được cải thiện đáng kể. Điển
hình như mạng lưới điện đã được đầu tư cải tạo và xây dựng, đủ đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội của tỉnh, nhất là nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp. Hệ thống giao thông tỉnh với tổng chiều dài 11.483 km đường bộ, 248 km đường sông, 90 km đường sắt, đang ngày càng được chú ý xây dựng, phân bố tương đối hợp lý, thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, hành khách.v.v..
Với điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất kỹ thuật của Phú Thọ cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể của các cấp, ban, ngành đã tạo điều kiện cho tỉnh nhà không ngừng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt đời sống nhân dân được nâng cao đáng kể, khu vực nông thôn thay đổi từng ngày. Đó là bước đầu tiên trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà Nhà nước đang phát động và Phú Thọ là một tỉnh hưởng ứng và có nhiều kết quả tốt.
Tình hình văn hóa – xã hội tỉnh Phú Thọ
Điều kiện văn hóa – xã hội cũng là nền tảng cho sự phát triển nền kinh tế của tỉnh Phú Thọ, là bước tạo đà cho việc triển khai kế hoạch thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Xác định giáo dục là sự nghiệp “trồng người” bởi vậy đây là lĩnh vực luôn được tỉnh quan tâm xây dựng. Quy mô và mạng lưới trường, lớp học phát triển hợp lý, theo hướng đa dạng hóa và từng bước xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Những năm 2000 – 2005 tỉnh đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục, triển khai chương trình đổi mới giáo dục phổ thông. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên. Số học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế, học sinh trúng tuyển vào đại học tăng lên. Cơ sở vật chất trường học phục vụ giảng dạy được đầu tư, đã có 139 trường đạt chuẩn quốc gia [29, tr.53]. Trường Đại học Hùng Vương được thành lập và đi vào họat động, Trường Trung học Y tế của tỉnh được nâng cấp thành trường Cao đẳng… Quy mô đào tạo, dạy nghề được mở rộng, cơ cấu đào tạo đã chuyển hướng sát với nhu cầu sử dụng lao động hơn.
Chăm sóc sức khỏe cộng đồng luôn được tỉnh quan tâm để mang lại cho người dân những dịch vụ y tế tốt nhất. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố. Một số bệnh viện tuyến tỉnh, huyện được đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Họat động y tế dự phòng, giám sát dịch bệnh thường xuyên được tổ chức nên đã chủ động phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, từ đó bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Phú Thọ đang triển khai nhiều họat động để khai thác hết tiềm năng của tỉnh, đặc biệt là về du lịch, giữ gìn và phát huy truyền thống dân gian với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức trọng thể. Chương trình về miền cội nguồn dân tộc được tổ chức thành công góp phần tạo sự lan tỏa của không gian văn hóa vùng Đất Tổ. Các họat động văn hóa diễn ra sôi nổi ở hầu hết các xã, phường, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh được coi trọng. Phong trào “tòan dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Đến năm 2000, toàn tỉnh đã có 58 xã, phường, thị trấn có phong trào thể dục thể thao [30, tr.322].
Các chương trình an sinh xã hội được quan tâm chú ý. Trong 5 năm đã giải quyết việc làm cho 74.130 người lao động. Công tác xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%. [29,tr.49]. Chính sách xã hội với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Cùng với những kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, Phú Thọ là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử. Phú Thọ vừa là vùng đất Tổ, vừa là vùng đất Cổ, cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt. Trên mảnh đất này còn lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa gắn với các thời đại Vua Hùng. Đặc trưng cơ bản nhất của hệ thống di sản văn hóa phi vật thể ở Phú Thọ là gắn với tín ngưỡng thờ các Vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương dựng nước và giữ nước. Phú Thọ có thể phát triển nhiều loại
hình du lịch có sức hấp dẫn du khách như tham quan, du lịch sinh thái tại các khi du lịch tự nhiên như Đầm Ao Châu, Ao Giời – Suối Tiên (huyện Hạ Hòa), Rừng Quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn).v.v.. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa được tăng cường; Tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức thành công các hoạt động văn hóa lễ hội lớn mang đậm bản sắc văn hóa lịch sử truyền thống như: Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, tổ chức chương trình Lễ tôn vinh, đón bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công về kinh tế - xã hội, Phú Thọ vẫn còn là một tỉnh nghèo, có điểm xuất phát thấp, tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của một tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế toàn diện. Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các huyện miền núi, nhân dân vùng đồng bào dân tộc, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu trong tình hình mới cần được quan tâm đầu tư và xây dựng. Cùng với đó khí hậu, thời tiết diễn biến rất phức tạp. Những năm gần đây các hiện tượng mưa đá, lốc xoáy, hay lũ quét vẫn thường xuyên xảy ra. Đời sống văn hóa ở cơ sở chưa thực sự đồng đều; cùng với đó là tình trạng thiếu việc làm và việc làm hiệu quả thấp còn phổ biến.
Với tất cả những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, về kinh tế, văn hóa và xã hội như vậy, cũng như những khó khăn trên chính là một lí do, một nền tảng, và là động lực mới để Phú Thọ xây dựng thành công mô hình nông thôn mới, từ đó nâng cao đời sống vật chất, cũng như tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là cư dân nông thôn, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
1.2. Nông thôn Phú Thọ trước khi xây dựng nông thôn mới
1.2.1. Tình hình phát triển sản xuất khu vực nông thôn
Nông nghiệp, nông thôn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần củng cố an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường