Đặc trưng kết cấu ca dao trữ tình - 18


Chàng trai muốn “mượn cô ấy về khâu”, hứa sẽ “trả công”. Nhưng sự “trả công” đó rất không bình thường vì đó là những lễ vật dẫn cưới, rước dâu đầy đủ, chu đáo mà chỉ chú rể tương lai mới có thể và có quyền làm. Từ xa tới gần, lời tỏ tình kết lại ở ước muốn trở thành đôi lứa với “cô ấy” của chàng trai [139, tr 318].

Một ví dụ khác cũng rất tiêu biểu cho thủ pháp thu hẹp dần tầng bậc hình tượng:

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn tháng nạn Đi vay, đi dạm được một quan tiền

Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái về nuôi Hắn đẻ ra mười trứng

Một trứng ung Hai trứng ung Ba trứng ung Bốn trứng ung Năm trứng ung Sáu trứng ung Bảy trứng ung

Còn ba trứng đẻ ra ba con Con diều tha

Con quạ bắt Con mặt cắt xơi

Chớ than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc, còn chồi lên cây.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 176 trang tài liệu này.

Rõ ràng là từ rộng đến hẹp, từ xa tới gần. Từ bức tranh tháng ba ngày tám đói kém, gian khổ đến bức tranh đi chợ. Từ mười quả trứng, mất gần hết, chỉ còn ba. Ba con gà cũng dần mất hết. Trắng tay. Nhưng từ trong hoàn cảnh


Đặc trưng kết cấu ca dao trữ tình - 18

khốn cùng, cạn kiệt đó, nhân vật trữ tình vẫn không để hoàn cảnh dìm xuống, không chịu gục ngã. Kết thúc bài ca vẫn là lời nhắn gửi, là tiếng hát lạc quan. Cho mình và cho mọi người.

3.5. Biện pháp lặp

Ca dao, như đã nói, rất ngắn gọn. Đa phần những bài ca dao gồm một cặp lục bát hoặc hai cặp lục bát, hay lục bát biến thể. Ca dao ngắn nhưng lại thường sử dung biện pháp lặp. Chính biện pháp lặp một mặt góp phần làm cho ca dao ngắn gọn, mặt khác giúp ca dao diễn tả hay hơn, sâu hơn nhưng nội dung muốn nói. Biện pháp lặp góp phần tạo nên đặc trưng kết cấu của ca dao.

Biện pháp lặp là phương thức liên kết mà ở câu (dòng) thơ, khổ thơ sau tồn tại những yếu tố đã xuất hiện ở câu (dòng) thơ, khổ thơ trước đó. Biện pháp lặp là sự trùng về âm tiết, từ vựng, về cấu trúc câu nhằm nhấn mạnh, gây ấn tượng cho người đọc (người nghe). R.Jakobson trong “Ngôn ngữ học và thi pháp học” đã viết: “Tính lặp đi lặp lại có được nhờ việc phổ biến nguyên lý tương đương vào chiết đoạn làm cho không chỉ các chiết đoạn cấu thành của thông điệp thi ca mà toàn bộ thông điệp có thể lặp lại. Khả năng lặp lại này, cho dù ngay lập tức hay chậm trễ, sự vật chất hóa một thông điệp thi ca và các yếu tố cấu thành của nó, sự chuyển một thông điệp thành một thứ tồn tại bền vững, quả thực, tất cả những điều này là hiện thân của một thuộc tính cố hữu và có hiệu quả của thơ ca” [175, tr.584].

Có nhiều cách lặp: lặp âm, lặp vần; lặp từ vựng, lặp cấu trúc.

Lặp âm, lặp vần

Âm được tạo nên bởi một hoặc nhiều nguyên âm. Những âm gần giống nhau (không kể các phụ âm đứng trước hay đứng sau hay sự tác động của các dấu thanh gây nên sự trầm bổng) tạo nên vần trong thơ. Vần là những chữ có


cách phát âm giống nhau (hoặc gần giống nhau) được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Vần được dùng để nối các dòng (câu) trong bài thơ với nhau.

Lặp âm là một dạng của phương thức lặp, sử dụng trong kết ngôn những yếu tố ngữ âm (như âm tiết, số lượng âm tiết, khuôn vần, phụ âm đầu, thanh điệu,…) đã có ở chủ ngôn. Trần Ngọc Thêm đã viết: “Trong văn vần, tất cả các phương tiện liên kết lặp ngữ âm đều được tận dụng: lặp số lượng âm tiết, lặp âm tiết hoặc lặp vần”. I.R.Gal Perin cũng đã rất đúng khi cho rằng liên kết về mặt hình thức sẽ tạo ra nhịp điệu, một trong những yếu tố về hình thức đó là vần: “Vần đưa ta quay trở lại dòng trước, buộc ta nhớ lại nó. Vần bắt tất cả các dòng thể hiện cùng một tư tưởng phải đứng cạnh nhau. Vần liên kết các dòng…” [172]. Cách nối kết các câu (dòng) thơ, khổ thơ trong ca dao theo phương thức lặp âm, lặp vần rất phổ biến vì ca dao chủ yếu được sáng tác theo thể lục bát.

-Thiệt hơn, hơn thiệt, trước sau như lời Hay gì lừa đảo kiếm lời[138, tr135]

Trong đó “lời” vừa lặp âm vừa lặp vần (vần chân).

-Cái cò, cái vạc, cái nông

Ba cái cùng béo, vặt lông cái nào?

(TL.I (1), L.80, tr.360)

Âm “cái” (cũng đồng thời là từ) được lặp đi lặp lại trong lời ca dao này.

Lặp từ vựng

Lặp từ vựng là một dạng của phương thức lặp, thể hiện qua việc lặp lại trong kết ngôn những từ hoặc những cụm từ (ngữ) đã có ở chủ ngôn. Phép lặp từ vựng thường tạo ra kết cấu song song giữa hai dòng. Ví dụ:

Anh thương em chẳng phải phú, quý, thế thần

Anh thương em chỉ vì một nỗi tảo tần, anh thương.

(TL.I (1), L.503, tr.159)


Điệp ngữ “Anh thương em” lặp lại ở vế thứ hai vừa có tác dụng liên kết hai câu (dòng) vừa nhấn mạnh tình cảm chân thật mà chàng trai dành cho cô gái. Tương tự như thế, hai dòng ca dao sau có điệp ngữ vừa liên kết hai câu (dòng) vừa nhấn mạnh đến hình ảnh “con dao ăn trầu”:

Để em sắm sửa con dao ăn trầu

Con dao ăn trầu cho lẫn cần câu?

Phép lặp từ vựng có thể chia thành hai loại: lặp từ, ngữ đồng nghĩa (hay gần nghĩa); lặp từ khái quát.

Lặp từ, ngữ đồng nghĩa (hay gần nghĩa) là cách thức lặp lại những từ, ngữ hay các loại từ (danh từ, động từ, tính từ,…) mang nghĩa giống (hay gần giống) nhau. Lặp từ, ngữ đồng nghĩa (hay gần nghĩa) thường kết hợp với các biện pháp khác như lặp âm, lặp cấu trúc; phép đối,…để tăng thêm hiệu quả biểu hiện.

Ví dụ:

-Chiều chiều mây phủ Đá Bia Đá Bia mây phủ, chị kia mất chồng

Mất chồng như nậu mất trâu

Chạy lên chạy xuống, cái đầu chờm bơm.

Đây là bài ca dao sử dụng cách lặp từ đồng nghĩa để liên kết dòng thứ nhất với dòng thứ hai, các từ “mây phủ”, “mất chồng” như bổ sung ý nghĩa cho nhau. Hay trong bài ca dao:

-Áo vá vai, vợ ai không biết

Áo vá quàng, chí quyết vợ anh

Áo vá quàng còn đang chỉ lược... (TL.I (1), L.709, tr.194)

Các cụm từ “áo vá vai”, “áo vá quàng” gần nghĩa với nhau.


Lặp từ, ngữ đồng nghĩa (hay gần nghĩa) làm cho ngôn từ trong phép lặp rất phong phú nhờ phạm vi mở rộng nghĩa của từ. Đa số các cặp từ đồng nghĩa (hay gần nghĩa) thường bằng nhau về số lượng âm tiết, tạo ra sự cân đối, hài hoà trong lời ca dao.

Lặp từ khái quát – từ có nghĩa bao trùm - là hiện tượng sử dụng những từ ngữ mà nghĩa cụ thể của nó nằm trong một phần nghĩa của từ trước đó.

Ví dụ:

-Năm ngoái anh lên ngọn sóng Ngâu Dầm sương dãi nắng chẳng tìm đâu bằng nàng.

Năm nay anh về, lắm bạc nhiều vàng Để anh sắm sửa thời nàng lấy anh Lấy anh, anh sắm sửa cho,

Sắm ăn, sắm mặc, sắm cho chơi bời….[141, tr375].

Khổ thơ sau liên kết với khổ thơ trước qua phương thức lặp từ (lấy anh). Các dòng thơ liên kết với nhau qua phương thức lặp âm, lặp vần (Ngâu – đâu, nàng – vàng, vàng – nàng,…), lặp từ vựng (sắm), lặp từ khái quát (sắm sửa) – có nghĩa bao trùm cho tất cả những thứ sẽ mua sắm, được liệt kê ở dòng ca dao tiếp theo.

Việc liên kết dòng thơ (khổ thơ) trong ca dao bằng phép lặp sẽ làm cho nội dung diễn đạt thêm ấn tượng, tạo ra sự mới mẻ trong cách thể hiện, nhất là khi diễn đạt nội dung có sự tăng tiến. Cách liên kết này còn nhấn mạnh thêm sắc thái ý nghĩa, làm nổi bật những từ ngữ, tình tiết, hiện tượng quan trọng, khiến lời nói có sức thuyết phục hơn. Ngoài ra, cách liên kết này còn tạo nên sự cân đối, tạo nhịp điệu, tính nhạc cho lời ca dao.


Lặp cấu trúc

Phép lặp cấu trúc là phương thức liên kết mà dòng thơ sau lặp lại cấu trúc của dòng thơ trước. Các dòng thơ này thường có số âm tiết bằng nhau. Ví dụ:

-Bố vợ là vớ cọc chèo

Mẹ vợ là bèo trôi sông...[141, tr438].

Lặp cấu trúc là cách sắp xếp các dòng thơ, các ý song song với nhau. Nội dung các dòng thơ này có khi tương phản, có khi tương đồng với nhau. Trong ca dao lặp cấu trúc giữa các dòng thơ chủ yếu có nội dung tương đồng. Ví dụ:

-Đau ba năm không ốm Đói sáu tháng không mòn (TL.I (1), L144, tr.809)

Hay:


-Đấng trượng phu đừng thù mới đáng Đấng anh hùng đừng oán mới hay

(TL.I (1), L166, tr.813)

Lặp cấu trúc trong ca dao còn thể hiện qua cách chuyển đổi từ ngữ

trong các dòng thơ nhưng nội dung vẫn tương đồng với nhau. Từ đứng ở dòng thơ trước được lặp lại nhưng đảo vị trí trong dòng thơ sau, ngược lại. Điều này giúp cho việc biểu hiện cảnh và tình thêm sinh động, tăng thêm sức biểu cảm. Ví dụ:

-Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông

Cách lặp cấu trúc như vậy làm tăng thêm cảm giác bao la, vô tận cho cánh đồng.

Biện pháp lặp cũng góp phần tạo nên sự song hành về hình thức và nội dung rất lý thú giữa các bộ phận, thành phần trong một đơn vị tác phẩm ca dao.


Ngày đi lúa chửa chia vè

Ngày về lúa đã đỏ hoe ngoài đồng Ngày đi em chửa có chồng

Ngày về em đã con quấn con quýt con bế con bồng con mang.

Trong bài ca dao trên, có sự song hành về từ ngữ, về cấu trúc hai cặp lục bát, về nhịp điệu của chúng và có sự song hành giữa bức tranh về cảnh và người. Chinh biện pháp lặp lại đã tạo nên sự song hành đó.

Bài ca dao dưới đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho vai trò kết cấu, ý nghĩa kết cấu của biện pháp lặp:

Khăn thương nhớ ai Khăn rơi xuống đất Khăn thương nhớ ai Khăn vắt lên vai

Khăn thương nhớ ai Khăn chùi nước mắt Đèn thương nhớ ai Mà đèn không tắt Mắt thương nhớ ai Mắt ngủ không yên.

Rất nhiều hình thức lặp. Lặp ngữ pháp, lặp dòng thơ, lặp hình ảnh, nhịp điệu, lặp từ và nhóm từ. Lặp để diễn tả, để khắc sâu tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật trữ tình. Bài ca dùng cái ngoại hiện để diễn tả cái bên trong của tâm trạng con người. Hỏi khăn, hỏi ngọn đèn, hỏi đôi mắt cũng chính là hỏi lòng mình. Dằng dặc những nhớ thương, bồn chồn, lo lắng. Có cảm giác không biện pháp tu từ nào thay được biện pháp lặp lại trong bài ca này. Toàn bộ đặc trưng kết cấu nổi bật nhất của bài ca, không đâu khác, chính là biện pháp lặp lại. Về bài ca này, Hoài Thanh đã viết: “Nếu chỉ có hai câu sau cùng thì ta đã


thấy bài thơ hay rồi, nhưng là loại hay có thể hiểu được. Còn hai câu đầu thì hay đến mức cơ hồ không hiểu được, không rõ hẳn là nói gì mà vẫn thấy hay. Tôi xem đó là một trong những câu ca dao hay nhất của Việt Nam” (“Một vài suy nghĩ về ca dao”, Văn nghệ số 1, ngày 2-1-1982).

Phương thức lặp là một hiện tượng thường thấy nhất trong các phát ngôn. Về mặt hình thức, nó là sự lặp lại, nhưng về nội dung thì hiện tượng này lại muốn nhấn mạnh một giá trị nào đó mà người sáng tác muốn gửi gắm. Việc sử dụng hiện tượng lặp một cách có ý thức đều thực hiện được các chức năng cơ bản của phương thức lặp, đó là chức năng liên kết và chức năng tu từ. Việc lặp lại có ý thức, có tính chủ động, nhằm tạo nên những ấn tượng mới mẻ, nhấn mạnh một sắc thái ý nghĩa, một sắc thái biểu cảm nào đó thì phương thức lặp đã thực hiện được mục đích tu từ. Phương thức lặp thực hiện được mục đích liên kết khi nó được dùng để tạo nên tính liên kết trong tác phẩm, tức là giữa các dòng có sự liên kết chặt chẽ, gắn bó với nhau về nội dung lẫn hình thức. Như vậy là phương thức lặp là một dạng thức liên kết dùng để thực hiện liên kết chủ đề của tác phẩm.

3.6. Phương thức kết nối

Trong ca dao, hiện tượng kết nối một phần hay toàn bộ bài ca dao này với một phần hay toàn bộ bài ca dao khác để tạo thành một bài ca dao mới, khá phổ biến. Đây cũng là đặc trưng kết cấu ca dao, tạo nên sự khác biệt giữa ca dao và thơ trữ tình.

3.6.1. Kết nối nội dung

Liên kết nội dung trong ca dao thể hiện ở việc gắn kết đề tài, chủ đề, thống nhất chủ đề (chủ đề được duy trì, triển khai, phát triển); liên kết lôgic, chặt chẽ về lôgic (các ý được sắp xếp theo một trình tự hợp lý) và hình tượng trữ tình của phát ngôn.

Xem tất cả 176 trang.

Ngày đăng: 02/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí