Đặc điểm truyện ngắn Lan Khai - 8


sóng kình bị tan nát trước dải bờ sơn lâm bất di bất dịch. Lần ấy là lần thứ nhất, Vân mầy mò tới nơi đèo heo hút gió. Lần ấy là lần thứ nhất, Vân dấn mình vào cõi huyền bí của rừng xanh…" [61, 192].

Khi đọc truyện Mũi tên dẹp loạn ta lại có cảm giác như đang lạc vào một cánh rừng nguyên sinh. Ta được tận mắt ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên kỳ diệu ấy. Bức tranh đã hiển hiện lên vẻ đẹp hoang sơ ngay từ những ngày còn sơ khai: "Cái cảnh hoang vu cổ lai như chưa từng bị loài người xâm phạm. Vì, trên da mặt xù xì rêu mốc, tuyệt nhiên không có dấu chặt đẽo của búa rìu, và dưới từng cỏ rác mọc lũy khiếm lên nhau, cũng không hề thấy di tích của nhà, đường sá. Những loài thảo mộc tự hồ lấy đấy làm quê hương. Nhất là về mùa tháng năm tháng sáu, lá cây rườm rà che khuất cả mặt trời. Bên dưới thì những dây mây dây mé, thiếu cóc, nhựa vàng chằng chịt từ cành nọ sang cành kia, nối liền gốc cây này với gốc cây khác, kết thành một khối xanh xanh vĩ đại" [61, 48]. Thậm chí cả ngày tán cây che kín không thấy ánh sáng mặt trời: "Dưới trần lá kín mít, trong chỗ tranh tối tranh sáng lạnh lùng ẩm ướt chỉ thấy toàn những chim rừng, thú dữ, sâu, kiến, rắn, rết bay, chạy, nhảy, ẩn núp, rình mò...Cả cuộc sinh hoạt tối tăm ghê tởm, nhịp theo tiếng gió vụt đầu cành, suối dồn kẽ đá ấy chưa từng bị ngăn trở, chưa từng bị quấy rối bao giờ" [61, 48].

Cảnh vật ở đây hoàn toàn xa lạ, đầy bí ẩn đối với con người. Ở đó dường như chỉ có đất trời và rừng hoang: “Mặt trăng mọc đã khá cao, ẩn hiện sau lớp mây đen loang loáng. Cảnh vật khi mờ khi tỏ, bí mật hãi hùng. Từ xa đưa lại tiếng suối đổ sườn non, tiếng thông reo kẽ đá, tiếng gió thở dài trên ngọn cây, tiếng hoẵng âm thầm trong quãng tối, trăm nghìn thanh âm gở lạ cùng xôn xao và cùng hòa hợp thành cái lặng lẽ ghê gớm của đêm rừng" (Dưới miệng hùm). Trước cảnh tráng quang hùng vĩ của vũ trụ, các du khách cảm thấy thân mình như cát bụi: “Quanh mình biết bao là cảnh tượng gớm ghê, chỉ liếc nhìn qua cũng đủ thấy rùng mình sởn gáy. Vòng theo chân núi, cái thung lũng, cái vực sâu không đáy tựa cái mồm to rộng lúc nào cũng há hốc ra như muốn


nuốt ngay lấy chiếc xe vô tội" (Chiếc xe trên đường). Trong bức tranh ấy hiện lên dáng hình của núi, của sông, của cây cối và lơ thơ vài nóc nhà lúc ẩn lúc hiện: "Dưới ánh sáng dãy Móng Sơn như một con rắn đen lớn đang vặn mình uốn khúc chạy thẳng về phương nam. Trên sông, xóm Ninh Thành, lơ thơ mấy nóc nhà mái sẫm hiện ra như một cảnh mơ hồ tả trong các truyện thiên thần. Rặng xoan khô in hình lên nền trời trắng những nét đen nghệch ngoạc lờ mờ" (Lyđêan,).

Ngoài ra, nét hoang vu của vùng mạn ngược còn được tác giả nhắc đến thông qua sự ngự trị của thú dữ: "Phải, quanh mình ta, rặt những thù địch cả. Từ con ong cái kiến, từ hùm beo, rắn rết, đến gió mưa bão chớp, nước tràn, đất động, hết thảy đều là kẻ thù ta đáng sợ...Sống trong cái tình thế gieo neo ấy, loài người, nếu chẳng biết yêu thương, đùm bọc lấy nhau, tránh sao thoát khỏi cái chết nó rình đợi mình luôn?..." (Dưới miệng hùm). Trong Người hoá hổ cũng nhắc đến sự hiện diện của kẻ thù nơi rừng xanh "Nắng to làm khô cạn cả ngòi lạch, vàng úa cả hoa màu; mưa lớn tràn ngập cả đồng áng, lở sụt cả núi non; bão táp vặn đổ cả cây cối, xiêu vẹo cả nhà cửa; sấm chớp làm ù tai, hoa mắt, chết người, cháy rừng, hết thảy đều được coi như những vật có linh hồn, có cảm giác, rất huyền bí, rất hung tàn, đáng cho loài người phải kinh khiếp. Ngoài ra thì nào hùm gấu, sài lang, rắn rết, đỉa vắt là những kẻ thù hàng ngày người ta phải đối địch để giữ lấy sinh mệnh của mình. Sau cùng đến cỏ rả, lau sậy thường lấn hiếp hoa màu, luôn luôn định phá hoại những công cuộc mồ hôi nươc mắt của người ta. Cả đến những cây to trong rừng, mỗi khi bị chém gần đổ, cũng biết rền rĩ lên để nguyền rủa kẻ vác đìu đẵn gốc. Thành thử quanh mình anh ta chỉ thấy rặt những mặt thù" [61, 64].

Nét hoang sơ không chỉ thông qua sự ngự trị của thú dữ mà còn ở thế lực thác lũ, giông tố: "Một ngày kia, trời bỗng nổi cơn giông. Rồi tự đám mây đen buông xuống một làn khí bao phủ cả đàn ngựa của chú Mèo thả cỏ trên đầu non" [61, 53]. Mây mưa, sấm chớp hiện lên vô cùng dữ dội, làm xoay chuyển

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.


Đặc điểm truyện ngắn Lan Khai - 8

cả đất trời. Con người lúc này càng trở nên nhỏ bé, không đủ sức chống lại sức mạnh của thiên nhiên: "Vụt chốc, mọi người thấy tối sầm lại, mây đen kéo khắp trời. Dải đất tối mù, giáp mặt không trông thấy nhau. Gió bão tự chân rừng xa, kéo đến như thiên binh vạn mã. Cây cối đổ gẫy rầm rầm. Chỉ trong nháy mắt, mái nhà tốc sạch, lá lợp bay tung như bươm bướm. Súc vật hoảng kinh chạy phá vào rừng. Đàn bà trẻ con líu ríu gọi nhau. Nước hồ cuồn cuộn. Những làn sóng cao ba bốn thước, trắng xóa tự ngoài khơi kế tiếp ném vào bờ như một đàn thủy quái điên cuồng. Một làn chớp lóe mắt rạch ngang khoảng đen tối, tiếp ngay mấy tiếng sét long trời chuyển đất, hồi lâu còn vọng vào thẳm rừng sâu những tiếng rền rĩ ghê người...Mưa trút xuống như thác, tiếng ồn ào át cả tiếng người kêu vật rống. Nước hồ dâng lên trông thấy, mặt gò hẹp mãi lại. Nỗi kinh hoàng của một dúm người mất tăm giữa trận phong ba ấy thực khôn xiết nói. Gió mỗi lúc một gào thét, mưa mỗi lúc một bàng đà, sóng mỗi lúc một tơi bời thì chớp mỗi lúc một liền, mà sấm sét mỗi lúc một cấp, như tiếng trống trời điểm nhịp cái khúc nhạc mê hồn... Sau cùng, mặt đất bắt đầu chuyển động, cái gò đất hình như đã không chịu nổi sức sóng vỗ tay" (Con bò dưới thủy tề).

Thế lực thiên nhiên hắc ám luôn ngự trị và đe doạ con người trong mọi thời khắc, không chỉ ban ngày mà ban đêm cũng vậy: "Đêm đã khuya rồi, một đêm giông tố phũ phàng. Ngọn gió, như con vật cuồng nộ tung mình trong quãng tối, gieo rắc sự hãi hùng. Những giọt mưa to, những tàu lá úa áp vào mái chùa rào rào những trận. Thỉnh thoảng bị thốc mạnh, cánh cửa gỗ lăm le muốn bật tung ra. Thêm vào mớ ồn ào ghê gớm ấy, con cú bạt phong chốc chốc kêu thê thảm" (Giông tố).

Rừng rậm thâm u, chướng khí mù sương là những hình ảnh đầu tiên khi con người đặt chân lên mảnh đất này. Mỗi vùng đất của Tổ quốc ta vốn có những nét đặc sắc, kỳ thú riêng. Có lẽ do những năm tháng sống hoà đồng với đồng bào trong các thôn bản và những cuộc hành trình trong thế giới sơn


lâm đã giúp cho Lan Khai cảm nhận sâu sắc về nơi này. Tác giả cảm thấy thời khắc của cảnh vật rất gợi cảm: "Trước mặt tôi bên đối ngạn dòng sông Gấm, núi Thần sừng sững in hình xanh ố trên nền mây son nhạt. Dưới chân núi, dòng nước trong xanh chảy lững lờ. Về bên trái mở ra một đồng cỏ lau bát ngát, những bông trắng như ngùn ngụt cháy dưới lửa chiều tà" [63, 631].

Đọc một loạt truyện ngắn của Lan Khai như Con bò dưới thủy tề, Đôi vịt con, Mũi tên dẹp loạn, Tiền mất lực, Gò thần, Khảm khắc, Bên rừng xuân, Mưu thằng Đợi, Người hóa beo, Lẩn sự đời, Chiếc xe trên đường, Lyđêan,…chúng ta có thể thấy rằng thế giới tự nhiên của miền Tây Bắc cực kỳ huyền bí nhưng cũng cực kỳ sinh động. Tác giả đưa chúng ta đến chiêm ngưỡng sức sống mãnh liệt đến kỳ lạ của núi rừng. Đó là cảm nhận của bé Đợi trong lúc theo dõi tìm nơi trú ẩn, nơi đóng quân của bọn giặc Cờ Đen: "Cảnh trong rừng lại đẹp lắm nữa. Vì lá cây mọc dầy như lợp kín thành mái nên ánh nắng không lọt xuống được, hay chỉ lọt xuống từng chỗ nom như những bó tơ vàng. Ánh nắng rọi xuống các lá cây xanh bóng, bị hắt trở lại, tỏa ra thành một thứ sáng lờ mờ xanh chẳng khác sáng trăng" (Mưu thằng Đợi).

Và trên cái nền xanh tươi tràn đầy sinh lực là cả một không gian như bừng sáng, lấp lánh và trong trẻo lạ thường. Nhà văn đưa người đọc hoà mình vào cảnh thiên nhiên tươi sáng và rực rỡ ấy. Đáng chú ý nhất là khung cảnh bầu trời miền sơn cước được miêu tả ở mọi thời điểm khác nhau, khi bình minh, lúc chiều tà, khi trăng xế, lúc đêm khuya. Vào lúc sáng sớm, bầu trời hiện lên thật diễm lệ "Trời sáng. Trên đỉnh núi ở phương đông, mây trắng lấp lánh như mầu bạc mới. Rừng cây mờ mờ trong sương trắng. Không khí mát lạnh, rung lên vì những tiếng chim đua hót" (Gò thần). Khi mặt trời lên cao, không khí miền sơn cước thật mát dịu, ánh sáng bừng lên thật huy hoàng "Vượt qua đỉnh núi, mặt trời đã nhô lên như một chiếc đĩa tây vàng. Trong nắng mới ấm áp dịu dàng, rừng xuân lộng lẫy đẹp như một bài thơ. Gió ngàn hiu hắt thổi, màn lá cây rung rinh nổi lên như muôn làn song lượn" (Bên rừng


xuân).

Tuyệt đẹp biết bao là khung cảnh bầu trời được tác giả miêu tả về buổi chiều thu trong Mũi tên dẹp loạn: "Cái cảnh mới rực rỡ làm sao! Ánh chiều in lên mọi vật, làm cho toàn cảnh sáng trưng lên như một hoàng kim thế giới. Trên mặt đồng lúa chín, nhà cửa rải rác ẩn khuất sau những rặng chuối rườm rà. Rừng thu căng lên chân trời một tấm sa dài màu úa sẫm. Vòm trời cao tít, điểm vệt mây lòng tôm, hạt lựu, lửa đỏ, cánh sen, tàn hương, bạch yến, phớt tím, sạm vàng. Nước ngòi in sắc mây trời, lung linh như một con đường ngữ sắc chạy xa về cõi mộng mơ...Mấy vệt khói tự nóc nhà tranh bốc lên cao như cái ý nghĩ vẩn vơ. Không khí ấm áp, sực nức mùi lúa chín, thỉnh thoảng một vài cái mõ trâu rung lốc cốc, điểm lên cái yên lặng của cảnh vật những tiếng cổ lỗ xa xôi" [61, 51]. Trong cảnh chiều thu ấy luôn có sự vận động của vạn vật "Trên không mấy con chim ba, vẽ lên bầu trời xanh những dòng đen biến ảo. Lượn quanh một lúc, chúng vỗ cánh bay xa, xa tít mãi chân trời" (Bên rừng xuân).

Ngay cả khi màn đêm buông xuống, khắp nơi ngập đầy bóng tối thì bầu trời vẫn được thắp sáng bởi ánh sáng của trăng khuya: "Một đêm kia, một đêm thu tàn lạnh. Bên ngoài, ánh trăng khuya pha cùng sương trắng nhuộm sự vật một vẻ mơ màng như cảnh mộng" (Khảm khắc). Khi thì ta bắt gặp một ánh sáng lấp lánh của bầu trời in xuống mặt hồ thật nên thơ: "Trên nền thiên thanh trong vắt, sau những dải mây nhè nhẹ, mặt trời hiện ra, chói lọi, tươi cười. Nước hồ gợn những vệt vàng lấp lánh. Lúc ấy, ví có người khách lạ phương xa đứng nhìn cảnh vật, tưởng không ngờ đâu, vừa mươi phút đồng hồ về trước đã xảy ra một trận phong ba chìm đắm biết bao cuộc đời" [61, 39 - 40]. Có khi bầu trời lại hiện ra trong cảnh: "Qua những đám mây xốp trắng, mặt trăng tròn vành vạnh như một cái đĩa ngọc dạ quang treo lơ lửng giữa vòm trời xám nhạt. Ánh sáng trong và mát dịu soi xuống mặt sông chảy như một dòng thiếc lỏng, in lên mặt đường trắng lốp và những mái nhà tranh âm thầm. Chân trời sáng trưng lên. Những chòm cây lẻ loi đằng xa thu bóng đứng cù rù" (Đôi vịt con).


Cảnh lặng đêm thu, lúc ấy như “mơ màng dưới cái ánh sáng mát dịu trong xanh" (Lẩn sự đời).

Trên nền trời thu thơ mộng ấy là sự chuyển động của thế giới muôn loài. Chúng luôn cựa mình, xoay vần trong mọi thời khắc. Ánh sáng lộng lẫy soi xuống một cảnh tượng thần tiên: “Quanh mình nàng, rừng cây man mác, chỗ nấp trong bóng tối mát dịu màu xanh, chỗ phơi ra ánh nắng rự rỡ vàng hoe. Trên nền trời phơn phớt hồng, những chỏm núi xa in những nét thiên thanh dịu. Giọt sương mai long lanh trên ngọn cỏ như nghìn vạn hạt pha lê. Ẩn hình trong búi rậm, con hoàng oanh chào đón chiêu dương" [61, 70]; "Tiên Nhân nhìn vơ vẩn những dải núi xa in lên chân mây vàng rực, những cánh rừng xanh thẫm hoen ố màu thu, những đám ruộng hoang bát ngát…Thỉnh thoảng một đàn chim bay tung ngang không, kêu ríu rít rồi xa xa chập vào ngọn cây trên đồi cao" [61, 58].

Dưới con mắt của người hoạ sĩ, Lan Khai đã sử dụng mọi gam màu để tô điểm cho bức tranh thiên nhiên càng thêm phần sinh động và hấp dẫn. Những gam màu sặc sỡ của cỏ cây, hoa lá, của các nguồn ánh sáng hiện lên lung linh và rực rỡ: "Cảnh rừng xanh núi đỏ, cảnh đèo heo hút gió” [61, 44]; "Dưới bầu trời thu tịch mịch, cảnh vật nhuộm một màu xanh pha lẫn ánh vàng của chiều thu tha thướt" [61, 236] và “Ánh chiều in lên những chỏm cây cao, những bãi cỏ áy cái sắc vàng rực rỡ” [61, 58].

Ngay cả khi vào những ngày cuối thu thì bầu trời thu vẫn không hề phai sắc màu, mà vẫn trong trẻo, nồng nàn, cảnh vật tràn trề nhựa sống "Tuy đã cuối thu mà nắng vẫn gắt như mùa hè. Vầng thái dương chói lọi trên vòm trời trong biếc. Dải Lịch Sơn lờ mờ sau đám hơi nóng bốc ngùn ngụt. Ánh nắng nhảy nhót trong đám lá cây rung trước gió. Vẻ thu chỉ biểu lộ trong mấy đám cỏ gà cằn cỗi, trên cái màu vàng nhuộm ô sắc cây xanh " [61, 87].

Bức tranh phong cảnh ấy có nhiều thú vị đặc biệt, nhiều cái rất nên mộng nên thơ. Có thể nói trong truyện ngắn Lan Khai thì hình ảnh thiên nhiên hiện


lên với dáng vẻ hoang sơ kỳ ảo in đậm sắc màu của một miền sơn cước. Nơi ấy, đất trời và vạn vật ngạp trong màu sắc tươi sáng, rực rỡ sắc vàng thẫm của buổi bình minh, sắc xanh biếc của da trời, sắc hồng, tím phớt của mây, sắc xanh non mơn mởn của cỏ cây hoa lá…Bởi vậy, miền núi tuy xa xôi nghìn trùng nhưng vẻ đẹp thiên nhiên cùng cuộc sống tươi trẻ của muôn loài, được nhà văn mô tả làm chúng ta cảm thấy yêu thương, khát khao và gần gũi thế giới này.

Miêu tả cảnh sắc miền sơn cước, Lan Khai còn đặc biệt chú ý miêu tả những âm thanh tạo nên một thiên nhiên âm vang, sôi động muôn hình, muôn vẻ như bản thân hiện thực cuộc sống mà chúng ta có thể cảm nhận được bằng mọi giác quan. Ta nghe rõ âm thanh của ếch nhái côn trùng "hàng vạn con muỗi đói bay vù vù", "những con rắn, những con cầy giựt mình chạy roàn roạt", "những con ếch, nhái khổng lồ, gan góc hơn thì giương mắt nhìn thao láo, đoạn kêu rầm lên" (Mũi tên dẹp loạn) và "giun dế cử khúc nhạc năm canh" (Mũi tên dẹp loạn ). Đó còn là tiếng kêu của những "con tu hú", "tiếng rền rĩ của con dế" (Người hóa beo). Chúng luôn luôn luôn hoạt động trong thế giới rừng thiêng ấy. Bé Đợi nghe thấy "tiếng gáy của con gà lôi, tiếng gù của đôi chim ngói gọi nhau, tiếng hươu oang oác, tiếng yểng, tiếng suối chảy, tiếng lá cây bị gió rung rì rào, tiếng ve, tiếng giun dế kêu không ngớt" (Mưu thằng Đợi)...Âm thanh của cỏ cây, hoa lá, chim muông, của núi rừng Tây Bắc cất lên ở mọi thời khắc, không chỉ ban ngày mà về đêm nó vẫn vang lên rộn rã: "Đêm đã gần hết. Bóng tối mỗi lúc một nhạt và trắng dần ra với cái màu trắng của sương mù. Cảnh rừng mỗi phút càng trở nên xôn xao. Tiếng bìm bịp kêu, tiếng gà rừng gáy vang, tiếng khướu, yểng, họa mi, chích chòe đua nhau hót tưng bừng như những tiếng reo trong một đám hội" [61, 151].

Tất cả âm thanh ấy như một dàn nhạc đồng thanh cùng cất lên rộn đã làm xốn xang lòng người. Những khúc nhạc kỳ diệu ấy giống như những bản hợp âm đa thanh, đa điệu khi réo rắt, lúc trầm bổng ngân vang mãi theo lời của gió,


của sương, của dòng ngòi cô tịch và của tiếng thông than thở rì rầm: "Lá cây rì rào trong gió thoảng" (Mũi tên dẹp loạn), tiếng "gió thổi, sương rơi, dòng ngòi cô tịch vẫn chảy âm thầm trong đêm tối" (Gò thần). Hình như chúng đã làm cho cái tĩnh mịch trong rừng phảng phất như nghe thấy được.

Bên cạnh những âm thanh thực tác động vào thính giác, ta còn nghe thấy nhiều âm thanh ảo qua sự cảm nhận tinh tế của Lan Khai."Cây thông lẻ loi đang than thở rì rầm. Nghe tiếng thông reo trong khoảng tĩnh mịch chiều hôm" (Khóc thông reo). Kỳ diệu hơn khi ta nghe được những âm thanh của hoa cỏ biểu hiện sức sống mãnh liệt chốn rừng xanh: "Trước mặt em lúc này, cảnh trời tốt đẹp nên thơ lắm: Hoa nở đầy vườn đua nhau cười với nắng xuân mà lòng em cũng đang tưng bừng, chỉ muốn ngâm nga góp một tiếng vào khúc nhạc vui sống của muôn loài" (Chung tình).

Tiếp xúc với những truyện ngắn về miền núi của Lan Khai là ta đi vào thế giới như thực, phong phú và đa dạng với đủ mọi âm thanh và màu sắc. Hòa mình vào trong cảnh vật thiên nhiên, Lan Khai dường như nghe trọn âm thanh muôn điệu của những bản nhạc rừng tộn rã, tươi vui. Tiếng chim hót, tiếng suối chảy, tiếng gió, tiếng cỏ cây hoa lá và tiếng côn trùng rì rầm reo vui. Những âm thanh ấy đã tạo nên mạch sống thì thầm ngày đêm tuôn chảy. Tác giả cảm nhận được những âm thanh ấy không chỉ bằng các giác quan mà còn nghe bằng cả tâm hồn, cả tấm lòng của con người yêu và sống hết mình với thế giới tự nhiên ấy. Đó là thế giới sống động, hiền hòa, gắn bó chan hòa với con người. Xây dựng lên bức tranh ấy, Lan Khai đã sao chụp bức ảnh về rừng qua bút pháp miêu tả tài tình. Đồng thời nhà văn đã tái tạo được thế giới tự nhiên ấy với sức sống mãnh liệt, diệu kỳ. Bức tranh ấy là sự khám phá, phát hiện riêng của tác giả về thế giới nghệ thuật, khác với các nhà văn cùng thời khi viết về truyện đường rừng. Đó là sự tổng hòa của những cái đẹp, làm cho vẻ đẹp của thế giới tự nhiên chốn lâm tuyền ngày càng phong phú và hấp dẫn.

Bên cạnh thiên nhiên hiện lên với dáng vẻ hoang sơ, huyền bí và thơ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/10/2023