là “quan phụ mẫu”, những người đại diện cho chính quyền quản lí xã hội điều hành đất nước. Trong Pháp du hành trình nhật kí, hình ảnh bọn quan lại xuất hiện nhiều trong tác phẩm và đi liền với các từ: “tham lam”, “nhu nhược”, “đê tiện”, “siểm mị”,... Có những chỗ Phạm Quỳnh sử dụng thủ pháp đòn bẩy kết hợp với kéo dài câu văn:
“Người Tây thường có tính “hiếu thắng” , nghĩa là mạnh bạo tự cường, muốn cho người khác đối đãi với mình cũng có cái tính ấy; nhưng người Việt Nam ta đối lại, - nhất là trong bọn quan liêu, - thời lại nhu nhược dút dát quá, nói không dám nói thẳng, đứng không trông ngay mặt, tựa hồ như kính sợ mà kì thực là siểm mị một cách đê tiện; người ngoài người ta trông thấy vô nhân cách như thế cũng phải tức thay, tức mà sinh ghét, ghét mà muốn nhục đả cho xấu hổ để chừa đi, nhưng cũng không biết rằng những kẻ ấy nhiều khi cũng không biết xấu hổ là gì.”
(“Pháp du hành trình nhật kí”, Nam Phong, số 68, tr. 437)
Tư tưởng Phạm Quỳnh có nguồn gốc sâu xa từ lòng yêu nước thương nòi, truyền thống đạo lí dân tộc nên tâm hồn ông luôn rộng mở để đón nhận hình ảnh của cảnh đời cơ cực, lầm than, tìm lối thoát một cách huyễn hoặc ở những di tích tôn giáo. Cùng một hiện tượng của cuộc sống, như cảnh cúng bái của người đi lễ chùa, trong khi Nguyễn Văn Vĩnh (trong bài du kí Hương Sơn hành trình) quan niệm là tập tục mê tín dị đoan, đáng phê phán thì Phạm Quỳnh thấy được cái nguyên căn của nó :
"…cái gốc sự lễ bái là tự cái lòng tín ngưỡng thâm thiết của loài người, thời những khi ấy phải lấy bụng cẩn trọng mà suy xét, không nên nhất thiết mới báng bổ, không nên nhất thiết hoài nghi cả. Người ta có cực mới phải cầu, cầu mà đỡ cực được thời chẳng phải là một sự hay ru? Cái lòng tín ngưỡng của người ta là một mối cao thượng,.."
("Trẩy chùa Hương", Nam Phong, số 22, tr. 361)
Với sự kết hợp giữa ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp thu văn hóa hiện đại đã tạo ra cho Phạm Quỳnh một cách nhìn riêng đối với hiện thực. Hiện thực trong du kí của Phạm Quỳnh là hiện thực khách quan lọc qua tư tưởng, hiện thực có chủ đích, hiện thực đã được biểu đạt chứ không phải hiện thực được ghi chép, chụp lại bởi những cách thông thường.
5.2.2. Kết cấu và ngôn ngữ mang tính hiện đại
Du kí truyền thống phản ánh hiện thực bằng phương thức mô tả và biểu cảm, thường có dung lượng ngắn, thời gian và không gian không lớn. Du kí hiện đại phản ánh hiện thực bằng các phương thức tự sự và có dung lượng lớn tương ứng độ dài của thời
gian, độ lớn của không gian cuộc hành trình. Du kí hiện đại trong văn học Việt Nam đã có mầm mống từ thế kỉ trước với Tây hành kiến văn kỉ lược (1831) của Lý Văn Phức, Hải trình chí lược (1834) của Phan Huy Chú, Như Tây sứ trình nhật kí (1864) của Phạm Phú Thứ, Chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi (1886) của Trương Vĩnh Ký,... Tuy nhiên, các tác phẩm này mang nhiều đặc điểm của văn tư liệu, tính nghệ thuật không cao. Đến nửa đầu thế kỉ XX, xét về nội dung phản ánh, qui mô và hình thức ngôn từ, có thể qui du kí Việt Nam về hai loại: du kí mang tính truyền thống, du kí mang tính hiện đại. Du kí mang tính truyền thống đi liền với đề tài danh lam thắng cảnh, lộ trình và thời gian ngắn, không gian không lớn, thường là một vài địa danh ở một địa phương nào đó. Du kí hiện đại có cốt truyện hành trình diễn ra nhiều ngày, đến nhiều nơi mới lạ, có nhiều sự kiện, biến cố, có khi có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc phân chia như vậy chỉ là tương đối. Những cuộc hành trình của Phạm Quỳnh thường diễn ra nhiều ngày (ít nhất là bốn ngày như Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng, nhiều nhất là sáu tháng như Pháp du hành trình nhật kí) và đi đến những nơi xa xôi hoặc nơi gần thì cũng hẻo lánh, ít người lui tới. Tuy nhiên, nói đến tính hiện đại trong tác phẩm du kí không phải ở qui mô của tác phẩm mà là cách sử dụng các phương thức biểu đạt và tổ chức tác phẩm trở thành chỉnh thể mang tính phổ quát của văn học của thời kì hiện đại. Tính hiện đại về hình thức trong du kí Phạm Quỳnh có thể tìm hiểu trên nhiều phương diện, ở đây chúng tôi chỉ khảo sát trên phương diện kết cấu và ngôn ngữ.
Có thể bạn quan tâm!
- Nguyễn Đôn Phục – Phong Cách Du Kí Truyền Thống
- Tiếp Cận Đối Tượng Trên Phương Diện Lịch Sử
- Phạm Quỳnh – Phong Cách Du Kí Hiện Đại
- Mãn Khánh Dương Kỵ - Phong Cách Du Kí Huyền Thoại Hóa
- Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 23
- Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 24
Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.
Kết cấu trong tác phẩm du kí biểu thị ở cách tổ chức, sắp xếp các sự kiện diễn ra trong cuộc hành trình và cho mỗi sự kiện để tạo ra tính chỉnh thể của tác phẩm. Xét trên mối quan hệ của chỉnh thể, hai cấp độ kết cấu này có thể gọi là kết cấu bên ngoài và kết cấu bên trong; kết cấu bên ngoài là kết cấu của khung văn bản, kết cấu bên trong là kết cấu biểu thị các sự kiện.
Xét trên cấp độ văn bản, kết cấu tác phẩm du kí Phạm Quỳnh cũng khá đa dạng. Tác phẩm có dung lượng lớn và được nhiều người biết đến là Pháp du hành trình nhật kí, kết quả của chuyến Pháp du mang ý nghĩa có một không hai trong cuộc đời ông. Về kết cấu khung, Pháp du hành trình nhật kí chia thành ba phần: ra đi (kể chuyện hành trình hơn một tháng từ Hải Phòng sang đến cảng Marseille), trên đất Pháp (kể chuyện đi thăm những địa danh văn hóa, lịch sử nổi tiếng của nước Pháp), trở về (thuật cuộc hành trình trở về). Phần đầu và phần sau của tác phẩm chủ yếu được kết cấu theo hình thức nhật trình thuật lại chuyến hành trình cùng với những cảnh vật, con người mà tác
giả chứng kiến trên lộ trình. Với lối kết cấu này, Phạm Quỳnh không chỉ cho người đọc thấy sự xa xôi và gian nan của chuyến hành trình trên biển của mình mà còn đưa người đọc đến với các địa danh văn hóa nổi tiếng (bởi mỗi nơi tàu dừng, hành khách lại được xuống tham quan). Trên đoạn hành trình từ Hải Phòng đi Sài Gòn, từ Sài Gòn đi tiếp Singapore, khi đến hải cảng ở Singapore, Phạm Quỳnh nhận xét “Cửa Hải Phòng, cửa Sài Gòn của ta kể cũng khá to, nhưng sánh với cửa Singapore này còn kém xa nhiều” (Nam Phong, số 58, tr. 258). Từ Singapore đi Penang (Malaysia), một cửa biển nằm ở phía Tây Malacca, Phạm Quỳnh chọn và giới thiệu một thắng cảnh gọi là Cực lạc, có lẽ đây là Genting bởi nó nằm trên một ngọn núi cao, phong cảnh rất đẹp lại có tảng đá viết “Vật vong cố quốc”, vùng đất của người Hoa và ông đã nhận ra: ở đâu người Hoa cũng gây nên sự nghiệp cơ đồ lớn dù ở đất nước người. Đoạn hành trình từ Penang đi Colombo, Phạm Quỳnh miêu tả qua loa về ngôi đền của người Chà thờ thần Siva, Vishne và khi miêu tả về họ, tác giả tỏ thái độ không mấy thân thiện. Trên đoạn hành trình từ Colombo qua Djibouti, Phạm Quỳnh mới nhận ra ở Sri Lanka đạo Phật được duy trì chứ không như ở Ấn Độ. Đoạn hành trình từ Djibouti qua Hồng Hải, biển ở đây rất xanh mà lại gọi là hồng, Phạm Quỳnh đã suy đoán là ở hai bên bờ có những núi đá trơ trọi, ánh mặt trời chiếu vào như có sắc đỏ, có lẽ vì vậy mà gọi là Hồng Hải. Đoạn hành trình qua kênh đào Suez tới Port Said (thành phố cảng của Ai Cập), tàu qua eo biển Messina, một bên là đất của Italia, một bên là đảo Sicily, qua núi lửa Stromboli, Phạm Quỳnh đã thấy núi lửa ngày đêm phun tro ngùn ngụt, tiếp theo là tàu qua đảo Corse và cập bến Marseille vừa tròn một tháng. Qua mỗi nơi, đến mỗi địa danh, bao giờ Phạm Quỳnh cũng phát hiện ra một điều lí thú. Đó cũng là kiểu hành trình khám phá và nhận thức thế giới mà người phương Tây thường hay làm trong các chuyến du hành của họ ở thế kỉ XIX.
Viết về cuộc hành trình sang Pháp, đã có những tác phẩm như: Trên đường Nam Pháp, của Trọng Toàn, Đáp tàu đi André Lebon của Cao Văn Chánh. Mỗi tác phẩm này đều có một kiểu kết cấu khác nhau: Trên đường Nam Pháp có lối kết cấu nhật trình theo kiểu “trích lục các bức gia thư” của một nhân vật hành trình khác tên là Tùng Hương, mà tác giả chỉ là người lượm lặt, chấp bút; Đáp tàu đi André Lebon có lối kết cấu trực quan để thuật chuyện hành trình của mình và miêu tả không gian, cảnh vật, sinh hoạt. Đối với Pháp du hành trình nhật kí của Phạm Quỳnh, kết cấu nhật trình ở đoạn đầu gợi cho người đọc về hải trình đi ra thế giới, khám phá và mở rộng mối quan hệ quốc tế. Nhưng người đọc còn nhận ra trong lối thuật chuyện của Phạm Quỳnh về sự tiếp xúc
với các nền văn hóa không chỉ bằng lí trí mà bằng cả cảm giác. Trái ngược với hành trình ra đi, hành trình trở về được tác giả thể hiện theo lối ghi nhật kí, đơn sơ, ngắn gọn, không miêu tả, không nhận xét, tưởng chừng như cuộc hành trình trở về diễn ra nhanh chóng và không có gì để thuật nữa.
Du lịch xứ Lào là một trong những tác phẩm viết về đề tài quốc tế tiêu biểu trong giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Lào là một nước láng giềng của Việt Nam. Dù không có quan hệ lịch sử sâu nặng với nước ta nhưng nước Lào nằm chung đường xương sống (là dãy Trường Sơn) với Việt Nam. Vì thế mà nước Lào có một vị trí quan trọng trong mối bang giao với nước ta. Du lịch xứ Lào là bài du kí viết về câu chuyện du lịch sang nước Lào nhưng Phạm Quỳnh không hoàn toàn nhấn mạnh đến tính chất du lịch, ông còn quan tâm đến nhiều vấn đề: lịch sử, chính trị, ngoại giao, định cư của người Việt trên đất Lào. Sự bề bộn thông tin tạo thường ra cho tác phẩm du kí Phạm Quỳnh kiểu kết cấu tổng hợp mà Du lịch xứ Lào là một trường hợp tiêu biểu.
Mở đầu tác phẩm là đoạn giới thiệu về đường đi sang Lào, dù không xa so với hành trình đi sứ đến Yên kinh nhưng nhiều trắc trở. Mặt khác, Lào là nơi không để dành cho việc đi du lịch, vì “Đường đi đã cách trở, mán mọi còn thú gì” (Nam Phong, số 158, tr. 5). Cách giới thiệu này cho thấy cuộc du lịch của Phạm Quỳnh không phải là du lịch bình thường mà là du lịch công vụ. Để nói lên mục đích chuyến đi Lào, Phạm Quỳnh bắt đầu trình bày những vấn đề về lịch sử mở mang bờ còi của cha ông ta từ cách tiếp cận địa hình, địa lí mà ít người nghĩ đến, sau đó mới nói đến việc đi Lào của mình. Với lối mở đầu như vậy, tác giả không thuật chuyện khởi hành mà đưa ra các vấn đề có tính luận đề để chuẩn bị một kết cấu theo lối trình bày mang tính tổng hợp trong bài du kí.
Cuộc hành trình xuất phát từ Hà Nội đi đến Huế, rồi từ Huế ra lại Quảng Trị và sang tỉnh Savanakhet của Lào, sau đó đi đến Thakhek, rồi từ Thakhek lên Vientiane bằng tàu thủy mất ba ngày. Đi đến đâu, tác giả cũng thuật lại những gì mình thấy và mình biết, đặc biệt là ở Vientiane, nơi có nhiều di tích Phật giáo. Nửa bài du kí còn lại, tác giả giới thiệu về địa chí nước Lào và vấn đề người dân An Nam ở Lào qua cách nhìn của người Tây trong tiểu thuyết của ông Mever. Từ đó, vấn đề người dân An Nam được tác giả đưa ra bàn bạc cho đến kết thúc tác phẩm. Du lịch xứ Lào là tác phẩm không hoàn chỉnh về kết cấu khung và cấu trúc lộ trình, thuật chuyện đi mà không thuật chuyện về, có mở đầu mà không có kết thúc, câu chuyện hành trình bắt đầu từ thuật chuyện du lịch đến bàn chuyện chính trị. Người đọc cảm thấy bề bộn về thông tin, nhiều chiều về
hướng tiếp cận hiện thực nhưng cũng nhận ra được ý đồ của tác giả: câu chuyện nước Lào không thể kể một lần là hết, cũng không thể đi một lần là thôi mà là câu chuyện của sự hứa hẹn.
Xét trên cấp độ sự kiện, kết cấu tác phẩm du kí Phạm Quỳnh được sắp xếp và tổ chức sự kiện trong tác phẩm và mỗi sự kiện cũng có một cấu trúc riêng làm cho diễn biến cuộc hành trình trở nên phong phú, đa dạng. Trong những cuộc hành trình, nhân vật đến thăm những địa danh hay di tích nổi tiếng. Mỗi nơi đến là một cuộc tham quan và được kể lại bằng những cách khác nhau, có khi là câu chuyện về một sự chứng kiến bất ngờ trước sự việc hay cảnh vật, có khi như một câu chuyện hành trình hoàn chỉnh về cuộc đi thăm một địa danh nào đó. Trong Pháp du hành trình nhật kí, do đến thăm nhiều nơi nên các câu chuyện sắp xếp bên nhau tạo ra một chuỗi liên tục, diễn ra theo mỗi khoảng thời gian nhất định. Có thể nhận ra lối kết cấu của Pháp du hành trình nhật kí là “đi” – “thăm” – “gặp gỡ”. Về “đi”, mặc dù điểm đến chính là thủ đô Paris nhưng từ Paris, Phạm Quỳnh đã đi đến nhiều nơi như: Versaille, Saint – Cloude, Maisons Laffitle,... đi qua những con đường như: Bonapac, Avenue du Route, Sorbonne, Saint – Germain L’auxerois, Saint – Michel,... Những điểm đến thăm của Phạm Quỳnh là những di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng như: cung điện Luis thứ 14, điện Le Louvre, bảo tàng Guimet, đền Pathéon, sở Sorbonne, Đại Pháp đồ thư, thành Reims, nghĩa địa Poubourg Pavé, tòa báo Le Martin, Le Journal, La Liberte, viện mĩ thuật cổ Le Louvre, viện mĩ thuật kim Luxembourg,... Những nhân vật mà Phạm Quỳnh gặp gỡ cũng là những người có vị thế xã hội như: quan thượng thư Sarrant, ông nghị viên Outrey, ông nghị trưởng Raoul Peret, nhà du lịch Madrolle, ông hội trưởng Đông phương Sevart, chủ nhà báo De Nalèche,... Với lối kết cấu này, Phạm Quỳnh không chỉ giới thiệu đến người đọc một nước Pháp văn minh và văn hóa mà còn thể hiện sự hiểu biết phong phú về lịch sử, văn hóa, văn minh phương Tây. Trong quan hệ quốc tế truyền thống, những sứ giả nước ta thường có các cuộc hành trình sang Trung quốc và các nước lân cận. Sang đầu thế kỉ XIX, triều đình mới bắt đầu cử sứ giả sang các nước phương Tây. Vì lần đầu tiên tiếp xúc với phương Tây, mọi thứ đều mới mẻ nên trong du kí của Lý Văn Phức, Ngụy Khắc Đản, Phạm Phú Thứ, Phan Huy Chú nặng về ghi chép những cảnh, những sự, những điều làm cho các tác giả này ngạc nhiên và thán phục. Còn đối với Phạm Quỳnh, dù lần đầu tiên sang Pháp nhưng ông đã biết nước Pháp qua sách vở, qua những người Pháp đã từng là cộng sự với ông. Vì thế, du kí của ông không chỉ mang tính chất khảo cứu văn
hóa mà còn là sự thể hiện trình độ và nhân cách của ông. Với lối kết cấu xâu chuỗi và đan xen các sự kiện theo hành vi của nhân vật như trên, đối với những người có nhu cầu tìm hiểu nước Pháp thì Pháp du hành trình nhật kí quả là một bách khoa toàn thư cả về du lịch, văn hóa và lịch sử nước Pháp. Vì thế, ý nguyện “quan sát được điều gì hay về biên tập để cống hiến cho đồng bào” của Phạm Quỳnh đã được thực hiện.
Du kí hiện đại hướng đến tính nghệ thuật của ngôn từ trong việc khai thác những khả năng diễn đạt của nó. Nếu đem văn du kí của Phạm Quỳnh đặt trong các tác phẩm du kí cùng thời thì có thể nhận ra việc sử dụng ngôn ngữ của ông như muốn thoát ra khỏi ảnh hưởng của Hán tự. Nhưng về mặt tiếng Việt thì phải đặt tác phẩm du kí trong lịch sử của du kí viết bằng chữ Quốc ngữ. Để thấy được điều này, có thể so sánh với một tác phẩm khác viết bằng chữ Quốc ngữ là Sách sổ sang chép các việc (1822) của Philipphê Bỉnh (1759-1830), tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ ở đầu thế kỉ XIX.
Đoạn văn của Philipphê Bỉnh:
"Thói nước người bổn đạo cho cho nam nữ cùng ngồi vuối Vít-vồ cùng Thầy Cả mà thói Anam là thói lịch sự, cho đến nỗi có nhà thì vợ chồng cũng chẳng ngồi ăn cơm vuối nhau, vì cha thì ngồi vuối các con blai, mà mẹ thì ngồi vuối các con gái..." [8, tr.132]
Đoạn văn của Phạm Quỳnh:
"Tối ăn cơm ở nhà ông bà V. Từ bữa nhân đến chơi với ông con là André được biết hai cụ, thì hai cụ cũng có lòng yêu mến, cố hẹn làm thế nào tối hôm nay cũng đến ăn cơm để nói chuyện. Hai cụ lại hẹn đến trước giờ ăn cơm để nói chuyện được lâu. (...)"
("Pháp du hành trình nhật kí", Nam Phong, số 90, 12/1924, tr.480)
Hai đoạn văn đều dùng chữ Quốc ngữ để miêu tả một bữa cơm, nhưng trong văn của Philipphê Bỉnh, nhiều từ cổ vẫn còn tồn tại như "vít-vồ" (quây quần), "vưới" (với), "con blai" (con trai), mà không thấy trong văn Phạm Quỳnh.
So với các nhà du kí cùng thời như Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Hữu Tiến, văn du kí của Phạm Quỳnh thoát khỏi ảnh hưởng của Hán tự về mặt từ vựng và cú pháp và có lượng từ thuần Việt khá lớn, khả năng sử dụng cú pháp tiếng Việt khá nhuần nhuyễn, phong phú và chuẩn mực.
Về việc dùng từ vay mượn, tiếng Pháp được Phạm Quỳnh sử dụng nguyên dạng, chủ yếu là danh từ tên riêng. Nhiều người đọc Pháp du hành trình nhật kí cho rằng, Phạm Quỳnh dùng nhiều tiếng Tây. Cách dùng tiếng Tây của Phạm Quỳnh nhiều khi là có chủ ý. Chẳng hạn, danh từ riêng "tiếng Tây" trong câu văn tiếng Việt là một lối chơi
chữ:
"Đứng cạnh Notre Dame thì sở này ví như một hòn ngọc bội để trên một pho tượng đồng, hay như cái miệng cười của cô con gái thanh-tân sánh với cái vẻ rực-rỡ nghiêm trang của một bà mệnh-phụ".
("Pháp du hành trình nhật kí", Nam Phong, số 95, tr. 414) Nhưng ở những trường hợp khác, Phạm Quỳnh dùng "tiếng Tây" để phụ chú
khi kết hợp với từ Hán Việt.
"Nguyên chỉ có làng sở tại đó mới có quyền chở đò suối, đón khách vào Chùa cùng đưa khách ở Chùa ra, quyền ấy tức là một cái "chuyên quyền" (monopole) không ai tranh được."
("Chẩy chùa Hương", Nam Phong, số 23, tr. 363)
hoặc :
"Nghe đâu đời Cách mệnh, nhà thờ này đã dùng làm "điện Chiến thắng" (Temple de la victoire) và ngày 5 tháng 11 năm 1799, vua Nã Phá Luân bấy giờ còn là tướng Bonaparte thắng trận trở về, dân mở tiệc mừng ở đấy."
("Pháp du hành trình nhật kí", Nam Phong, số 95, tr. 415)
Phạm Quỳnh có tài diễn thuyết, kể cả sử dụng tiếng Việt hay tiếng Pháp. Là người có kĩ năng giao tiếp và tài diễn thuyết nên đi đến đâu Phạm Quỳnh cũng chuẩn bị cho mình những điều kiện cần thiết để diễn thuyết hoặc tiếp xúc với các nhân vật xã hội. Trong du kí Phạm Quỳnh, ta cũng thường bắt gặp những hoạt động này của nhân vật. Điều này đã ảnh hưởng đến du kí qua lối hành văn, cách lập luận, cách sử dụng từ ngữ để thể hiện tư tưởng hoặc bộc lộ quan điểm trước những vấn đề thuộc về lịch sử, văn hóa hay chính trị - xã hội. Lối hành văn này cũng tham gia vào kết cấu của trần thuật trong tác phẩm du kí: gặp đối tượng – miêu tả – nhận xét. Có những câu văn có đủ cả ba thành phần này. Chẳng hạn: " Đi qua con đường d'Ulm, thấy trường Cao đẳng sư phạm (Ecole Normale Supérieure), trong bọn học sinh thường gọi tắt là “cái nhà đường d'Ulm” (la maison d'Ulm), nhà cũng thường thôi, không lấy gì làm to lớn đẹp đẽ lắm, nhưng có cái vẻ nghiêm trang bình tĩnh, thật là một nơi học hành cao thượng" (Nam Phong, số 70, tr. 276). Có những chỗ, nếu sự việc được thuật lại có tầm quan trọng hay liên quan đến quan điểm tác giả, thì Phạm Quỳnh sử dụng câu văn kéo dài để cùng lúc diễn ra nhiều ý khác nhau. Chẳng hạn:
“Có người An Nam thì mới mở mang sinh sản ra được, mới khỏi bế tắc mà giao thông được với nước ngoài, không thành một cái đất tịch mịc xa xôi để cho mấy nhà du lịch
ngoại quốc đến xem các cô "phu sao" với các tượng bụt ốc, mà có thể sinh hoạt theo cái đời kinh tế ngày nay.”
("Du lịch xứ Lào", Nam Phong, số 159, tr. 112)
Trong nhiều trường hợp, Phạm Quỳnh thường vận dụng thành ngữ, tục ngữ hoặc ca dao vào trong lời văn của mình. Chẳng hạn câu sau đây được vận dụng thành ngữ để tăng mục đích phê phán: “Khi họp hội đồng thì chẳng khác chi họp việc làng, tranh nhau mà nói ồn ào lộn xộn, mà ít ai nói được câu gì cho có nghĩa lý, chỉ bẻ hành bẻ tỏi nhau những cái vặt chẳng đâu vào đâu” (Nam Phong, số 65, tr. 329). Chất "diễn văn" kết hợp với chất "hùng biện" trong văn du kí của Phạm Quỳnh không những bộc lộ tư tưởng của ông trước hiện thực mà còn tạo ra những cung bậc cảm xúc khác nhau, có khi say sưa, tha thiết, có khi mạnh mẽ, dữ dội có khả năng tạo ra sức lôi cuốn, hấp dẫn đối với người đọc.
Trên quan điểm lí thuyết diễn ngôn, hình thức nhật trình là ngữ cảnh của lời nói, cơ sở tồn tại của phát ngôn, nội dung của nó là tiền giả định của phát ngôn mang ý nghĩa nhận thức; không có nó không thể nói được điều khác, không thuyết phục người khác tin rằng tính xác thực của không gian và thời gian của lời nói. Những đoạn văn đi liền sau mục chỉ thời gian của lộ trình là các diễn ngôn chứa các hành động ngôn ngữ: kể, tả, nhận xét, bình luận, tự thuật, tự cảm,... Hình thức nhật trình trong Pháp du hành trình nhật kí của Phạm Quỳnh cũng hết sức đa dạng, với các kiểu: nhật trình thông báo, nhật trình mô tả, nhật trình biên niên, nhật trình tự thuật,... nên hình thức của văn bản ở mỗi đoạn vì thế cũng thay đổi về cấu trúc, lời văn và phương thức biểu đạt cũng khác nhau.
5.2.3. Văn du kí giàu chất triết luận
Chất triết luận trong tác phẩm văn học thường bị chi phối bởi các quan điểm triết học của trường phái hay trào lưu văn học mà nhà văn cùng với những tác phẩm của mình "đứng chân" trong đó. Trong cấu trúc ngôn từ, chất triết luận thường biểu hiện ở các hình thức diễn giải, các thủ pháp ẩn dụ, tương phản,... Văn du kí Phạm Quỳnh dài dòng thật, nhưng đó là những “kiến văn” chứ không phải là sự ghi chép lôi thôi dài dòng, thấy gì ghi đó khi gặp trên lộ trình. Vì thế, có những đoạn du kí thể hiện sự chọn lọc của tác giả, có đoạn hàm súc đến nổi nhầm tưởng rằng ông tiết kiệm chữ nghĩa. Chẳng hạn những câu chuyện tường thuật về thời tiết, sinh hoạt trên đường, thời gian du phiếm,... được ông điểm qua vài dòng qua loa để thiên du kí không bị gián đoạn về mặt thời gian của cuộc hành trình chứ không nhằm mục đích thuật chuyện. Có những đoạn khá dài dòng, ở những đoạn đó ông dành thời gian để quan sát và suy ngẫm trước sự vật, sự việc