Tiếp Cận Đối Tượng Trên Phương Diện Lịch Sử

nho. Cái tâm dùng để điều khiển cái tài, cái tài lại dùng tư tưởng để dẫn dắt con chữ biến hóa trong văn chương, để văn chương khi chuyển sang quốc âm cũng không bạc đãi tinh hoa Hán học. Đó là cái tạo nên sắc thái văn phong du kí Nguyễn Đôn Phục trong vườn hoa du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

5.1.2. Tiếp cận đối tượng trên phương diện lịch sử

Cách chơi và cách viết có mối quan hệ lẫn nhau. Du kí của Nguyễn Đôn Phục thường tập trung vào các đề tài: chơi cổ tích, chơi núi, chơi xuân. Dù ở đề tài nào, Nguyễn Đôn Phục lấy điểm nhìn lịch sử làm hệ qui chiếu, dù tả cảnh hay thuật chuyện du hành cũng để nói chuyện lịch sử, dùng điển tích lịch sử để xây dựng cấu trúc tác phẩm.

Từ điểm nhìn lịch sử mà thể giới trong các bài du kí: Bài kí chơi Cổ Loa, Cuộc xem cổ tích miền Hải Dương, Cuộc đi quan phong làng Thượng Cát, Lời cảm cựu mấy ngày chơi Bắc Ninh, Cuộc chơi Sài Sơn,... Nguyễn Đôn Phục đưa người đọc đến với thế giới cổ tích của các nhân vật và sự kiện lịch sử mà ông quan niệm "nước nào đã có lịch sử thì dấu vết của tiền nhân để lại tức là cổ tích, cổ tích tức là quốc hồn" Nam Phong, số 102, tr. 53). Đó là thế giới được xây dựng bởi các tư liệu lịch sử và văn hóa, văn học mà tác giả tích lũy được. Những tư liệu này chỉ được khơi dậy tại thời điểm tác giả đặt chân đến địa danh hay di tích mang sự tích đó. Khi đến di tích thành Cổ Loa, Nguyễn Đôn Phục đã làm sống lại truyền thuyết thành Cổ Loa bởi mục đích tìm kiếm dấu tích lịch sử chi phối cuộc hành trình này.

“Cuộc đi chơi này, đã là cuộc đi chơi về lịch sử, thì cái lịch sử Loa thành này thế nào chắc là phải có một đoạn sử bút khá dài, khá kì dị, khá ai oán, khá lâm li kí giả cũng không dám ngại phiền, xin tả rò ra đây để những khách hữu tình trong bạn đồng bang ta cùng xem mà cùng cảm.

("Bài kí chơi Cổ Loa", Nam Phong, số 87, tr. 203)

Nguyễn Đôn Phục có tài kể chuyện lịch sử, cái tài của một nhà nho kinh thông chữ nghĩa, hiểu biết về điển tích, điển phạm, giàu xúc cảm và trí tưởng tượng. Câu chuyện tường thuật du lịch của Nguyễn Đôn Phục đã nhuốm màu sử tích. Nhân vật Mị Châu là tâm điểm của sử tích (khác với truyền thuyết tô đậm yếu tố thần kì của chiếc nỏ thần) nên khi đến đoạn cuối câu chuyện, lúc thần Kim Qui xuất hiện, không có cảnh An Dương Vương giết con, mà chỉ là sự xả thân của nàng để tỏ nỗi oan khuất: "Nói xong, thì nước mắt với nước máu, nước triều tuôn ra, mà lai láng trong miền Nam Hải. Than

ôi! Than ôi! Oan thay! Oan thay!" Giọng kể đầy cảm xúc xuất phát từ tâm khảm của một con người tự xưng là kí giả, thuộc "giống đa tình thâm bỉ những phường mắt trắng ngũ luân; bình sinh vẫn kính nàng và thương nàng; khi chép truyện nàng, cũng muốn tìm ra một cái triết lí, để gỡ tội cho nàng, giải oan cho nàng,..." (Nam Phong, số 87, tr. 207). Cảm quan lịch sử kéo Nguyễn Đôn Phục đi xa hơn để khát quát lên vấn đề mà chưa có nhà sử học nào đưa ra phán quyết như thế: "Nhận xét ra, lịch sử nước Nam ta, có hai người đàn bà, thiên cổ vẫn phụ cái án vong quốc. Một là nàng Thục Mỵ Châu. Hai là bà Lý Chiêu Hoàng. Nhưng Chiêu Hoàng là người bị động, mà Mị Châu lại là người chủ động..." (Nam Phong, số 87, tr. 208).

Quan điểm lịch sử của Nguyễn Đôn Phục có nhiều sự tiến bộ, gần gũi với quan niệm của nhân dân, mang nhiều yếu tố thời đại, gợi những ý nghĩa sâu xa về thái độ của người đời đối với quá khứ, thái độ vị tha và chiêu tuyết cho những nỗi oan khuất. Văn học như là một chức năng không bị giới hạn bởi những định kiến xã hội và thời đại. Tiếng nói của nhà văn không chỉ là sự phát ngôn của thời đại mà là tiếng nói lịch sử, là cầu nối lịch sử với nhân dân. Điểm nhìn lịch sử chi phối nhiều tác phẩm du kí của Nguyễn Đôn Phục.

Quan niệm lịch sử như là một phương thức nghệ thuật trong mối liên hệ giữa cá thể và cộng đồng, Nguyễn Đôn Phục cho rằng:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.

“Phàm con người ta sinh ra ở đời, cái lịch sử thiếu thời của mình, dù vui vẻ, dù gian nan, dù li kì, dù chuyết lậu thế nào cũng tức là cái lịch sử bắt đầu chú tạo ra cái hình ảnh mình. Vả lại cái lịch sử trong một con người dù thủa lớn, dù thủa nhỏ thế nào, cũng đều có trực tiếp với non sông, với nhân vật, với cỏ hoa trong một còi. Ăn cơm mới há lại quên chuyện cũ đó hay sao.”

("Lời cảm cựu mấy ngày chơi Bắc Ninh", Nam Phong, số 100, tr. 348).

Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 19

Lịch sử của con người trong lịch sử non sông đất nước. Lịch sử non sông đất nước có được chỉ khi con người nhận thức được mình tồn tại, nhận thức được lịch sử của mình. Quan niệm này thể hiện trong du kí của ông để xây dựng cấu trúc truyện kể lồng trong tác phẩm du kí: kể chuyện danh nhân lịch sử, văn hóa bằng cảm quan của người đến thăm di tích gắn liền với nó; kể chuyện mình như là một kiểu nhận thức và đối ứng lịch sử.

Trong thế giới nghệ thuật du kí của Nguyễn Đôn Phục có nhiều nhân vật không chỉ đầy đủ tên tuổi, danh tính, dấu tích và công trạng của họ mà còn cả số phận, tính

cách thông qua cảm nhận và trí tưởng tượng của tác giả. Mỗi tác phẩm có nhiều nhân vật, có tên, có tuổi, có gốc tích trong lịch sử; có những nhân vật được tác giả định danh dựa trên sự cảm phục tài năng của họ. Câu chuyện lịch sử trong du kí của ông chỉ hướng đến nhân vật quan trọng, hoặc ít ra là ông yêu mến, cảm phục để kể lại. Trong tác phẩm Cuộc xem cổ tích miền đông bắc tỉnh Hải Dương có nhiều tên nhân vật lịch sử được nêu ra: Chu Văn An, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh,... và có tên hai nhân vật nữ được tác giả gọi là “tài nữ Nguyễn Thị Lộ, nữ khảo quan đời Trịnh Nguyễn Thị Du”. Trong tác phẩm này, có hai nhân vật lịch sử được tác giả kể lại một cách chi tiết: Phạm Sư Mạnh và Nguyễn Thị Du. Cụ Phạm Sư Mạnh là người được tác giả cảm phục nhất, bởi cụ là người tài năng rộng rãi, khí độ cứng mạnh, thật là một nhân vật nhập thế, có quan hệ sâu sắc với cuộc đời. Cụ Phạm Sư Mạnh có đầy đủ nhân cách và bản lĩnh nhà nho nên được tác giả gọi là “Nho tướng đời Trần. Về tính cách, cụ lại hay thích đi chơi lịch-lãm, những nơi sơn-thủy thanh-kì, đi đến đâu có thơ ngâm đến đấy, thơ có vẻ phóng-dật hào-hùng” (Nam Phong, số 87, tr. 57). Tác giả còn kể ra được giai thoại ít người biết đến về Phạm Sư Mạnh: “Có một phen cụ sang sứ Tàu, người Tàu thấy cụ đặt tên là Sư Mạnh, hỏi cụ, cụ cứ thực cụ nói. Người Tàu bắt cụ ám tả bảy thiên trong sách Mạnh Tử, cụ ám tả không sai một chữ nào, người Tàu đều lấy làm lạ” (Nam Phong, số 102, tr. 58). Câu chuyện về cụ Phạm Sư Mạnh liên quan đến rặng núi Kính Chủ, nơi có cái đỗng (động) mà ngày xưa cụ ngồi đọc sách. Xem cảnh mà nhớ người ngẫm muôn sự là phong thái nhà nho đi du lịch. Nguyễn Đôn Phục đã xúc động trong sự đồng điệu nhân cách mà thốt lên: “Than ôi! Núi Kính Chủ kia còn, thì cụ Phạm Sư Mạnh còn, thì học thuyết ông Mạnh Tử cũng nên còn vậy”.

Nguyễn Đôn Phục không phải là nhà nho thủ cựu mà là một nhà nho thức thời. Thú đọc truyện, ông thích Quan Âm Thị Kính, Kim Vân Kiều Truyện,... là những truyện về thân phận nữ giới. Kể chuyện lịch sử, ông thường chú trọng đến nhân cách và số phận những "tài nữ". Đối với Nguyễn Thị Lộ, ông đưa ra lời nhận xét:

“Xem ra cô Thị Lộ cũng là một gái tài hoa yểu điệu, lại là một gái phong vận lẳng lơ; kẻ lão đại khanh tướng chung tình, ông thiếu niên hoàng đế liếc mắt cũng là phải. Duyên cô cũng may, số cô cũng kì, mà mệnh cô cũng bạc. Cô xuất hiện trong nhân thế chưa được mấy ngày, mà cái bộ luật chuyên chế kia đã làm thiệt thòi cho kẻ hữu tình mà vô tội. Thiên hạ về sau chỉ biết ông Nguyễn Trãi là oan, ít người xét cô cũng là oan.”

("Cuộc xem cổ tích miền đông bắc tỉnh Hải Dương", Nam Phong, số 102, tr. 62)

Chuyện bà Tinh Phi tên là Nguyễn Thị Du, người giả trai thi đỗ Trạng nguyên dưới triều Mạc, “Mạc Chúa thấy dung mạo giống đàn bà, hỏi ra biết là thực, lấy làm vợ”, sau được chúa Trịnh tin dùng, Nguyễn Đôn Phục đã kể lại giai thoại về bà như sau:

“Đời Trịnh Nghị Vương khoa tân vị thi tiến sĩ, có một quyển văn của tên Nguyễn Thọ Xuân, văn thì hay mà nhiều nghĩa khó lắm, triều sĩ ít người hiểu, Trịnh Chúa phải đem quyển văn ấy vào hỏi bà, bà giải thích ra được rò ràng, rồi tên ấy được đỗ đệ nhất”.

(Nam Phong, số 102, tr. 65)

Nhân vật trong các câu chuyện sử tích của ông thường có dấu hiệu về nhân cách chí sĩ hoặc mang bóng dáng nhà nho. Đó là bởi cái tâm nho học của ông vậy.

Sự uyên bác lịch sử đã đào luyện ngòi bút của Nguyễn Đôn Phục trở nên linh hoạt hơn, tinh vi hơn ở tài năng hư cấu lịch sử. Nguyễn Đôn Phục không hư cấu nhân vật mà chỉ hư cấu sự kiện, không “xâm phạm” về mặt tư tưởng đối với lịch sử dân tộc mà chỉ dựng bối cảnh để nói về lịch sử gia đình hay của một địa phương. Trong Lời cảm cựu mấy ngày chơi Bắc Ninh, Nguyễn Đôn Phục thuật lại hoàn cảnh bản thân mình trong bối cảnh loạn lạc của đất nước lúc ông “tuổi mới lên năm, lên sáu lên bảy, thân mẫu với một người thứ mẫu phải ẳm, phải dắt ở bên tay, khi chạy đêm chạy ngày, khi ở đây ở đó, khi chui vào bụi rậm, khi lội qua đồng sâu, khi lẽo đẽo dọc đường, khi xông pha trên bãi cát,..”. lúc chạy trốn giặc Tàu và giặc Cờ Đen, chạy trốn vì khiếp sợ những kẻ “nghiện thuốc phiện, đi đến đâu đánh xóc xỉa như sấm, giết người như nhái”. Trong bối cảnh quân giặc giày xéo khắp nơi, người dân chạy loạn khổ ải thì xuất hiện người hào kiệt khả kính, theo quan niệm của tác giả, người ấy trong tay lúc nào cũng có năm bảy mươi tên kinh binh, mà trong lòng lại từ thiện, sẵn lòng bảo hộ tài sản tính mệnh cho một địa phương. Người mà tác giả nói đến chính là “ông Nguyễn Hữu Thống người làng Cổ Loa là người hào kiệt vùng đó”. Đây là một kiểu tôn vinh con người thành nhân vật lịch sử theo quan niệm dân gian. Nguyễn Đôn Phục đến Bắc Ninh, hồi tưởng lại kí ức những ngày thơ ấu, lúc theo mẹ chạy loạn được người hào kiệt cứu giúp, lúc đi chơi với bạn hữu trong rừng làm bạn với mấy chú tiều phu, lúc nghe tiếng cười tiếng hát trong rừng, đến “năm Canh Tí, mình tuổi hai mươi ba mới bắt đầu từ đất Bắc Ninh xuống tràng thi Nam Định”, ... chỉ là tưởng tượng để nói lên những lời cảm cựu về mảnh đất, con người đã nuôi dưỡng mình thuở thiếu thời, là lời nhắc nhở đừng quên quá khứ, bởi “kí giả tự đấy là người Hà Đông, không phải người Bắc Ninh(Nam Phong, số 100, tr. 355). Đó cũng chính là thái độ du lịch của Nguyễn Đôn Phục, biết ơn những nơi đem

đến sự yêu thích và cơ hội giải bày mà “lòng cảm tưởng ấy không phải cuộc đi chơi này mới phát hiện(Nam Phong, số 100, tr. 332).

5.1.3. Ngôn từ cổ kính và biểu cảm

Những vấn đề về tính quan điểm của tác giả nói trên chưa thể khái quát thành sự đại diện cho một kiểu văn bản trong hệ hình thể loại với những đặc điểm phong cách của nó. Nếu không xem xét hình thức của tính tư tưởng là gì mà chỉ lấy tư tưởng làm kim chỉ nam để bắt mạch ngữ nghĩa thì tác phẩm không tồn tại trong phạm vi văn chương, mà chỉ ở dạng thức văn bản, như là đơn vị cao nhất của cấu trúc ngôn ngữ. Laios Nyrio khi đề cập đến nghĩa và kết cấu của tác phẩm đã đề xuất: "Để khám phá ra thế giới tư tưởng của tác phẩm, cần phải làm sáng tỏ những nhân tố của hoạt động của nghĩa ở bên trong tác phẩm. Điều đó cho phép chúng ta theo dòi những con đường của những thành tố của tác phẩm, trong đó có cả những sự kiện hiện thực, xem chúng hình thành, biến đổi như thế nào, xem chúng truyền nghĩa của chúng cho các yếu tố cấu thành khác như thế nào và đồng thời thấy được nhờ những tính qui luật nào các sự kiện của thực tại có được nghĩa mới trong văn cảnh nghệ thuật" [46]. Quan điểm phương pháp luận về mối quan hệ chặt chẽ giữa tư tưởng và hiện thực vật chất của kí hiệu văn bản có thể được sử dụng để tiếp cận du kí Nguyễn Đôn Phục trên phương diện phong cách nghệ thuật.

Du kí của Nguyễn Đôn Phục như là một hình thức đối thoại nghệ thuật giữa hai trường phái tư tưởng: cách tân và thủ cựu, trong đó đông đảo nhà văn Hán học bị xếp chung vào lớp “hủ nho”, theo Lê Văn Siêu (1911-1995), họ là những người “trước đã cản lối canh tân xã hội, nay là tiếp tục ngăn đường duy tân[54, tr.342] hay “như những xe bò gãy bánh ngăn chặn bước đường tiến hóa” [54, tr.346]. Đứng chân trong đội ngũ làm báo một tờ tạp chí văn hóa của người trí thức là Nam Phong, Nguyễn Đôn Phục cũng như nhiều nhà nho khác “gắn bó máu thịt với văn chương truyền thống nhưng cũng đều có thể sử dụng chữ Quốc ngữ, đặc biệt lại được sự hỗ trợ khích lệ của những tờ tạp chí với chủ trương “điều hòa tân cựu”, “bảo tồn cổ học”…” [68, tr.147] đã phát huy tinh hoa cổ học vào trong sáng tác để tạo ra một kiểu văn du kí đặc trưng của những thập niên đầu thế kỉ XX. Dựa vào phương thức tiếp cận tư tưởng – cấu trúc để xác định đặc điểm phong cách, du kí của Nguyễn Đôn Phục có thể được xem xét ở các yếu tố: kết cấu và cấu trúc văn bản, phương thức kể chuyện và người trần thuật, tổ chức ngôn ngữ và sử dụng chất liệu, điển pháp - điển phạm - điển tích, giọng điệu và lời văn.

Du kí của Nguyễn Đôn Phục là kiểu du kí “chơi cổ tích”, là sự trải nghiệm lịch sử, địa danh thắng tích đi, kiểu du kí ra từ sách vở, giáo lí đi ra và đến với những nơi “cổ tích”; và kiểu du kí tùy hứng, phóng túng bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc, tâm hồn. Nhiều bài kí “chơi cổ tích” của Nguyễn Đôn Phục cũng bắt đầu bằng hai từ “chơi” và “xem” (chơi Cổ Loa, chơi Sài Sơn, chơi Bắc Ninh, xem cổ tích, quan phong). Những bài không có từ “chơi” hoặc “xem” đều được đưa vào mục “Văn uyển” của Nam Phong tạp chí như các bài Ngọc Tân du kí Du Tử trầm sơn kí đi kèm với phụ đề thể loại là “tản văn”. Hai kiểu bài du kí của Nguyễn Đôn Phục thể hiện hai cách chơi của từng kiểu người: chơi suy nghiệm của kẻ phong nho và chơi đàm văn của văn sĩ. Tuy nhiên, cách phân ra hai kiểu như thế này chỉ là tương đối, bởi vì dù chơi kiểu gì, dù viết lách nghiêm túc hay tùy hứng, phóng bút như thế nào thì du kí của Nguyễn Đôn Phục cũng không vượt ra khỏi quan niệm về sự chơi thanh cao, lịch lãm, mang màu sắc cổ điển được.

Những bài du kí “chơi cổ tích” của Nguyễn Đôn Phục cũng có cốt truyện hành trình như một số tác phẩm của những nhà văn đương thời nhưng chỉ khác ở yếu tố liên kết các thành phần cốt truyện trong một chỉnh thể. Yếu tố liên kết cốt truyện trong du kí của Nguyễn Đôn Phục khá đa dạng và linh hoạt, không phải là mạch cảm xúc tự nhiên của tác giả thể hiện một cách tự do mà là một sự chủ ý trong cấu trúc chủ đề tác phẩm.

Yếu tố liên kết cốt truyện du kí Nguyễn Đôn Phục thường được thể hiện ở hai dạng cơ bản: câu chuyện cổ tích lịch sử và lời bình luận của tác giả. Tác phẩm Bài kí chơi Cổ Loa tiêu biểu cho dạng cấu trúc này. Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Đôn Phục dành một trang văn để luận về sự chơi, cho việc giới thiệu đi chơi Cổ Loa thành chỉ một câu:

“Như ngày rằm tháng tám năm Khải Định thứ chín, lịch Tây năm 1924 vừa rồi, tôi với ông Phạm Quỳnh, ông Nguyễn Hữu Tiến, ông Phạm Văn Duyệt cùng nhau đi chơi Cổ Loa thành há vị gì đâu, cũng vì chút cảm tình với lịch sử mà đi chơi vậy.”

(Nam Phong, số 87, tr.203)

Với mục đích là “cuộc đi chơi lịch sử”, chuỗi câu chuyện lịch sử được kể lại: chuyện An Dương Vương đắc quốc, chuyện An Dương Vương đắp thành và chế nỏ, chuyện chiến và hòa giữa quân Thục và quân Triệu, chuyện nàng Mị Châu và chàng rễ xảo quyệt Trọng Thủy, chuyện nỗi oan của nàng Mị Châu. Sau khi kể hết các câu chuyện liên quan đến nơi cổ tích Loa Thành, tác giả tiếp tục luận bàn về lịch sử rồi mới bắt đầu câu chuyện đi đến Loa Thành như thế nào. Tưởng rằng di tích Cổ Loa hoành tráng và đồ sộ lắm, nhưng chỉ vài ba dòng tác giả đã bao quát hết toàn bộ cảnh vật nơi đây:

“Đến ga Xuân Kiều thì xuống xe, đi bộ vài mươi bước, trèo lên một cái đống như hình trán con voi, cao độ ngót vài trượng. Thân đống chia ra hai ngả, như hình cái cánh cung, một ngả vòng lên phía đông bắc; một ngả chạy thẳng gần đến chỗ trung tâm, rồi lại chuyển sang phía đông nam. Nhận ra thì hai ngả là hai cánh bờ thành, mà cái đống ấy tức là chỗ góc thành. Đứng trên đống mà nhìn ra bốn bên, đàng đông thì trực tiếp ngay con đường Điền Việt thiết lộ; còn tây bắc ba mặt, chỗ thì cánh đồng sâu, chỗ thì mô đất phẳng, chỗ thì dãy cây dài, chỗ thì thôn trúc biếc;...”

(Nam Phong, số 87, tr. 208)

Sau đó là chuyện đi thăm miếu, thăm đình, thăm nơi thờ An Dương Vương, thăm bi đình, thăm mả nàng Mị Châu. Đến đâu, tác giả cũng luận bàn sự tích. Phần tả người, thuật chuyện đi được lồng trong những lời diễn giải đó nên người đọc khó nhận ra. Lối thuật chuyện kiểu “vòng vo tam quốc” của Nguyễn Đôn Phục được sử dụng như là phương “trì hoãn” để kéo dài hành trình với ý nghĩa: cuộc thăm Cổ Loa, hành trình về với lịch sử lâu đời của dân tộc là cuộc hành trình lâu lâu dài.

Lời bình trong tác phẩm của Nguyễn Đôn Phục là những câu văn bình phẩm về đối tượng, sự liên hệ bản thân và có nhiều câu mang tính chất châm ngôn, triết lí.

“Cho nên xưa nay không gì thú bằng cái cảnh lên lầu, mà cũng không gì buồn bằng cảnh lên lầu. Nhưng anh em ta thì không thế; khi mới sinh ra đời không dám chọn ngày mà sinh, khi muốn vỗ nợ đời cũng không dám cả gan mà vỗ, không phải là không có dạ thơ, nhưng thơ cũng không dám ngâm phí ngâm hoài, không phải là không có nước mắt, nhưng nước mắt cũng không dám lạm dụng về đường vô ích; khi đăng lâm du lãm, âu cũng chỉ một niềm trông xa non nước mà ngắm lại sử xanh, để cầu lấy một cái gương cho thân thế ấy mà thôi.”

(Nam Phong, số 87, tr.210)

Ngoài ra, Nguyễn Đôn Phục cũng thường dùng những đoạn thán văn chứa thán từ để kết thúc một câu chuyện, một sự việc nào hay bộc lộ tình cảm của mình về người, vật, việc gặp phải trên lộ trình. Có thể lẩy ra đây những câu chứa thán từ trong các đoạn thán văn trong Bài kí chơi Cổ Loa: "Chao ôi! Cái thần nỏ ấy..." (Nam Phong, số 87, tr. 205), "Trời kia nở phụ đấy ư! Trời kia nở phụ đấy ư!..." (Nam Phong, số 87, tr.206), "Trời kia chẳng thấu cho ư! Trời kia chẳng thấu cho ư!..." (Nam Phong, số 87, tr. 207), "Than ôi! Than ôi! Oan thay! Oan thay!..." (Nam Phong, số 87, tr. 208), "Than ôi! Cái cây có tội gì..." (Nam Phong, số 87, tr. 209), "Than ôi! Nàng Mị Châu bị oan! Hòn đá

này cũng bị oan!..." (Nam Phong, số 87, tr. 209), "Thương ôi! Oan tình chưa tỏ cho ai!..." (Nam Phong, số 87, tr. 209), "Than ôi! Tự cổ hồng nhan đa bạc phận..." (Nam Phong, số 87, tr.214), "Than ôi! Nàng Mị Châu xưa kia ở đây!..." (Nam Phong, số 87, tr.215). Hình thức cảm thán còn có ý nghĩa liên kết trong cấu trúc tác phẩm du kí của Nguyễn Đôn Phục.

Người trần thuật trong du kí Nguyễn Đôn Phục xuất hiện ở hai vị thế: cá nhân và người đại diện cho phát ngôn xã hội. Người trần thuật thường xuất hiện trong vai người kể chuyện xưng “tôi” và người kể chuyện xưng “kí giả”. Người kể chuyện xưng “tôi” xuất hiện trong vai trò đại diện cho cá nhân mình phát biểu quan niệm, tự thuật bản thân; xưng “kí giả” trong vai trò là nhà văn, cho phép vượt qua giới hạn hiện thực khách quan để tiếp cận hiện thực chủ quan. Đơn cử một vài trường hợp sau đây:

Trong bài du kí Lời cảm cựu mấy ngày chơi Bắc Ninh, người kể chuyện xưng “tôi” trong những trường hợp:

- Phát biểu quan niệm:

"Như trên kia tôi đã nói, phàm đi chơi, sự cảm-tưởng mỗi người mỗi khác, mà trong một người khi đi chơi mỗi chỗ mỗi khác".

- Tự giới thiệu:

“Ngót ba mươi năm nay, tôi đã là người tỉnh Hà Đông; có chè, pha nước Hà Đông; có mạ, cấy ruộng Hà Đông; có thơ, vịnh trăng Hà Đông; có vợ lên chùa niệm Phật Thích Ca Hà Đông, có con ra chợ mua long mã Hà-Đông; có học trò cập môn tặng nem Hà Đông. Tôi sở dĩ làm người Hà Đông là tôi phụng thờ cái biệt nghiệp của tiên nghiêm tôi ở La Đình”.

Người kể chuyện nhân xưng là “kí giả” trong những trường hợp:

- Người đi du lịch, quan sát cảnh vật:

“Kí giả bấy lâu ít khi dạo gót đến thành Bắc Ninh..., Kí giả đối với cái đầm ấy là một vị cố nhân, tình duyên thắm thiết, gặp gỡ buổi sơ đầu...”

- Người “xây dựng” tiểu sử cá nhân:

“Kí giả bấy giờ thân phụ đi làm quan ở Trung Kì,..., Kí giả thuở ấu thời, thân phụ đi vắng xa..., Kí giả thiếu thời học chữ nho, thật là người biếng học..., Kí giả tự đấy mình là người Hà Đông…”.

Trong những tác phẩm khác, người kể chuyện nhân xưng “kí giả” lấn át người

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022