Đặc Điểm Nội Dung Của Du Kí Việt Nam Nửa Đầu Thế Kỉ Xx

Anh Ngọc,...mà mỗi tác phẩm của họ đều làm nên một phong cách riêng.

Sự lên ngôi của các cây bút nữ đầy cá tính này cho thấy sự vận động mạnh mẽ của du kí Việt Nam trong sự tiếp nối du kí giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX, đồng thời là sự phản ánh sự lên ngôi của những cây bút trẻ, mang bản lĩnh thời đại, biết lựa chọn cho mình hướng đi khi đến với văn chương bằng chính cuộc đời của mình mà du kí các giai đoạn trước đó không thể có được.

Trên cơ sở kế thừa và phát huy những tinh hoa du kí nửa đầu thế kỉ XX, du kí đương đại đã bắt gặp những điều kiện thuận lợi như: sự mở rộng quan hệ ngoại giao và giao lưu quốc tế trên nhiều phương diện, sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông và công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi vị thế của chủ thể: công dân của một nước Việt Nam độc lập và thực hiện được khát vọng tự do, du kí bùng phát trở lại như là một tất yếu.

So với du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, du kí đương đại hướng ngoại nhiều hơn hướng nội, hướng đến du lịch khám phá nhiều hơn hành trình trở về cội nguồn văn hóa, lịch sử dân tộc, được sự tiếp sức của các nhà xuất bản và nhà sách nhiều hơn báo chí, hướng về tính hiện đại hơn là truyền thống, hoài cổ, tiếp cận với du kí của văn học nước ngoài nhanh và nhiều hơn so với kế thừa tài sản của nó. Những sự khác biệt đã minh chứng cho sự vận động không ngừng của thể loại du kí nói chung, du kí Việt Nam nói riêng.

*

* *

Du kí là hiện tượng của lịch sử và là đối tượng mới của lí luận văn học. Điều làm cho mọi người hoài nghi về du kí có thuộc loại hình nghệ thuật hay phi nghệ thuật, là thể loại hay chỉ là tiểu loại đã được chúng tôi kiến giải qua một số đặc trưng về thể loại của du kí và khẳng định: đặc điểm loại hình của du kí là văn xuôi tự sự. Tuy nhiên, du kí là thể loại luôn luôn có sự biến đổi và sự biến đổi đó mang tính lịch sử. Nhằm làm rò những vấn đề lí thuyết thể loại du kí, chúng tôi còn sơ khảo lịch sử phát triển thể loại của du kí Việt Nam qua các thời kì văn học. Những nghiên cứu ở trong chương này có ý nghĩa cơ sở phương pháp luận để nghiên cứu đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

Chương 3: ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA DU KÍ VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX

Cái làm cho mọi người dễ nhận diện du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX là sự phong phú về đề tài và sự đa dạng của cảm hứng của nó. Nói cách khác, du kí có sức hấp dẫn, làm cho người ta thích đọc nó hơn là nghiên cứu về nó. Mỗi tác phẩm du kí không chỉ mang theo một cuộc hành trình của chủ thể mà còn là một bức tranh, một cuốn phim tư liệu về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, danh lam thắng cảnh nơi mà tác giả đến. Người đọc có thể chia sẻ những cảm xúc, tình cảm hay một quan niệm nào đó về thế giới và cuộc sống mà tác giả gửi gắm trong mỗi trang du kí.

3.1. Sự phong phú về đề tài

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.

Nói một cách khái quát, đề tài là phạm vi đời sống được miêu tả, phản ánh trực tiếp trong tác phẩm văn học. Đối với du kí, tác phẩm tồn tại dựa trên nguyên tắc khách quan của sự phản ánh hiện thực nên đề tài là phạm trù đặc trưng về nội dung của du kí. Nói đến phạm vi phản ánh hiện thực trong tác phẩm du kí, không chỉ đơn giản là điều "ghi chép" mà còn là sự miêu tả, thể hiện hiện thực có chủ đích. Nếu chỉ nói đến “sự đi” thôi thì đó là sự di chuyển của con người từ không gian này đến không gian khác vốn không có qui ước về giới hạn, đồng nghĩa với phạm vi hiện thực của du kí rộng lớn và đa dạng. Những tác phẩm du kí mang các yếu tố tưởng tượng (fiction), không gian và thời gian lại càng đa dạng và tinh vi hơn. Mặt khác, không phải bất cứ văn bản nào viết về sự đi đều là du kí. Vì vậy, khảo sát về đề tài có ý nghĩa xác định đặc trưng thể loại của du kí trên phương diện nội dung.

3.1.1. Đề tài khảo cứu văn hóa

Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 10

Có thể nói, chưa bao giờ trong du kí Việt Nam, đề tài khảo cứu văn hóa như là một cuộc tổng điều tra về văn hóa dân tộc rộng lớn như giai đoạn này. Phải chăng chính sách thuộc địa của người Pháp đặt ra cho đội ngũ trí thức Việt Nam nhận thức về sự cần thiết phải nhìn lại vấn đề văn hóa của dân tộc mình? Những năm đầu thế kỉ XX, trên các báo đã xuất hiện thêm các mục thông tin về các vấn đề văn hóa dân tộc như phong tục, tập quán, lối sống, sản xuất. Từ năm 1913 đến năm 1914, trên tạp chí Đông Dương, Phan Kế Bính đã đăng các bài viết về phong tục tập quán của người Việt. Tập hợp các bài báo này, năm 1915, ông ra mắt bạn đọc cuốn Việt Nam phong tục nổi tiếng. Trong 365 trang sách đó chứa đựng ba nội dung: phong tục trong gia tộc, phong tục hương

đảng, phong tục xã hội, mà theo ngôn ngữ khoa học dân tộc học hay văn hóa học ngày nay, có thể phân loại ra thành các lĩnh vực: văn hóa sản xuất, văn hóa vật chất, văn hóa xã hội, văn hóa tinh thần. Vấn đề văn hóa dân tộc trở nên tâm điểm của xã hội và được giới trí thức đương thời quan tâm nên hàng loại tờ báo có chủ đề văn hóa ra đời như: Nam Phong, Thanh Nghị, Tri Tân, Phong Hóa, Tao Đàn,… Các bài du kí viết về đề tài khảo cứu văn hóa dân tộc trong giai đoạn này khá đa dạng và thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài những vấn đề có tính chất phổ quát về văn hóa người Việt được các báo đăng tải, các nhà báo, nhà văn của chúng ta đã thực hiện những chuyến đi đến những nơi đang tiềm ẩn về các giá trị văn hóa mà ít người biết đến. Về khảo cứu văn hóa cung đình và các di sản văn hóa cung đình có các bài như: Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh, Các lăng điện xứ Huế của Nguyễn Đức Tánh,… Khảo cứu về truyền thống văn hóa có các bài như: Qua chơi mấy nơi cổ tích đất Ninh Bình của Nguyễn Hữu Tiến, Cuộc xem cổ tích miền Đông bắc Hải Dương Cuộc quan phong làng Thượng Cát của Nguyễn Đôn Phục, Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh của Nguyễn Đức Tánh, Lời cảm cựu mấy ngày chơi Bắc Ninh của Nguyễn Đôn Phục, … Khảo cứu về các nền văn hóa cổ đại có các bài như: Indrapura Đồng Dương Thiên Y A Na của Mãn Khánh Dương Kỵ, Hai tháng ở gò Óc Eo của Trần Huy Bá,… Giới thiệu địa danh văn hóa như: Tây Đô thắng tích của Thiện Đình, Chơi Lạng Sơn – Cao Bằng Một tháng ở Nam Kỳ của Phạm Quỳnh, Định Hóa châu du ký Thụy Anh du ký của Đặng Xuân Viện, Quảng Yên du ký của Nhãn Vân Đình. Giới thiệu về địa danh lịch sử có bài như: Một buổi đi thăm đền Lí Bát Đế của Phạm Văn Thư,... Thông qua những chuyến hành trình ngoại quốc, các nhà du kí Việt Nam đã tìm hiểu về các nền văn hóa khác như Phạm Quỳnh với Pháp du hành trình nhật kí, Phạm Vân Anh với Sang Tây - Mười tháng ở Pháp, Nguyễn Bá Trác với Hạn mạn du ký, …

Trong du kí Việt Nam, có những tác phẩm, đề tài khảo cứu văn hóa gắn với mục đích của cuộc hành trình, có những tác phẩm, đề tài khảo cứu văn hóa xuất hiện khi cuộc hành trình đã xảy ra, tức là những điều mà tác giả gặp gỡ trên lộ trình của mình.

Trong những tác phẩm mang đề tài khảo cứu văn hóa, hiện tượng gặp gỡ văn hóa cá nhân và giá trị văn hóa của đối tượng được khảo cứu khảo cứu như là một cách triển khai đề tài trong tác phẩm. Vì thế, đối tượng được phản ánh trong tác phẩm du kí còn phụ thuộc rất nhiều ở văn hóa cá nhân, tức là trình độ, nhận thức và thái độ ứng xử trước

các hiện tượng văn hóa mà tác giả tiếp xúc, chứng kiến.

Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh có thể được xem là tác phẩm có đề tài khảo cứu văn hóa mẫu mực của du kí Việt Nam. Mục đích của chuyến đi Huế và nội dung chính của câu chuyện đi Huế trong cuộc hành trình này của Phạm Quỳnh là để xem cho được lễ tế đàn Nam Giao. Vì thế, câu chuyện về lễ tế đàn Nam Giao được thuật lại như là một cuộc khảo cứu văn hóa kinh thành và nghi lễ phong kiến mang tính truyền thống của văn hóa Việt Nam. Câu chuyện hành trình được thuật trong Mười ngày ở Huế là sự đan xen hai câu chuyện: chơi Huế và dự lễ tế đàn Nam Giao với tư cách là một nhà báo. Câu chuyện kể về Huế trong tác phẩm tường thuật về các sự việc: xem đàn Nam Giao, dự lễ, thăm cung điện và lăng tẩm. Những đối tượng mà tác giả nói đến trong câu chuyện kể về Huế thuộc thuộc di sản văn hóa cổ truyền đang hiện hữu một cách sống động ở ngay thời đương đại. Như sợ thời gian làm phai mờ đi những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này, tác giả quan sát tỉ mỉ, miêu tả đối tượng từ nhiều hướng khác nhau: khi thì bằng đôi mắt của người đi xem lễ để cố nhìn cho rò "Hoàng-thượng ngồi trong loan- giá, mặc áo vàng, chít khăn vàng…", khi thì "lấy đôi mắt triết học mà giải nghĩa Giao", khi thì "lấy con mắt nhà mỹ học, nhà thi nhân mà xét"… Nhưng chi phối bởi cách nhìn ấy là thái độ đối với những di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước sự vô tình của thời gian và người đời "Đổ nát đâu phải chữa đấy, đừng để cho rầm mục tường xiêu, nhưng chữa không được làm sai qui-củ cũ" (Nam Phong, số 10). Lễ tế đàn Nam giao được thuật lại trong du kí Phạm Quỳnh như là một chứng tích sống động về nghi lễ tế cáo trời đất tôn miếu của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử văn hóa dân tộc được văn học lưu giữ.

Đề tài khảo cứu văn hóa trong Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh của Nguyễn Đức Tánh với mục đích là để giáo huấn học trò bằng du lịch nên lộ trình đến nhiều nơi với nhiều đối tượng được sắp xếp theo một trình tự: di vật văn hóa, danh nhân văn hóa, địa danh văn hóa. Trong tác phẩm, tác giả không thuật hết toàn bộ lộ trình này mà chỉ lựa chọn một số đối tượng trên lộ trình để kể lại, có cả câu chuyện đến thăm các di tích gắn liền với các danh nhân văn hóa – lịch sử như: Nguyễn Du, Nguyễn Xí, Nguyễn Đình Đắc, có cả câu chuyện đi chơi ngắm cảnh như: đi chơi Lam Thành, đi chơi phủ Diễn, đi chơi động Lạc Sơn,… hay đi xem hội tại làng Hoành Sơn. Với cách thể hiện đề tài này, tác phẩm du kí của Nguyễn Đức Tánh không bị sa vào lối văn ghi chép địa chí như một số nhà văn đương thời.

Qua khảo sát những bài du kí có đề tài khảo cứu văn hóa, chúng tôi nhận thấy, mỗi nhà văn có một cách tiếp cận với đối tượng văn hóa theo cách riêng của mình. Trên phương diện nội dung, những tác phẩm du kí viết về các cuộc hành trình đến thăm và khám phá các địa danh, di tích văn hóa đều mang ý nghĩa giáo dục. Đến với những di tích văn hóa, viết về cảm nhận của mình qua sự gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tượng văn hóa các nhà du kí muốn trải nghiệm và kiểm nghiệm trình độ văn hóa của mình trước sự đa dạng và giàu có của văn hóa cổ truyền dân tộc, đồng thời đem đến cho độc giả những hiểu biết, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước.

3.1.2. Đề tài lịch sử

Du kí giai đoạn này còn có nhiều tác phẩm mang đề tài lịch sử. Tuy nhiên, khác với đề tài lịch sử trong tiểu thuyết, du kí không nhằm dựng lại thế giới nhân vật và sự kiện lịch sử mà chỉ hướng đến mục đích thông tin về các địa danh sử tích và giả định rằng những nơi đó ít người biết, hoặc nếu có biết thì chưa tường tận. Với Bài kí chơi Cổ Loa, Nguyễn Đôn Phục không nhằm khơi dậy triều đại An Dương Vương mà bằng cái nhìn lịch sử để nhìn nhận lại nhân vật Mị Châu trong sự đối sánh với thái độ của nhân dân. Bài kí chơi Bàn Thành và đền Hiển Trung của Trần Quang Hoàn đã đưa người đọc đến nơi an nghỉ của vị tướng có công mở mang bờ còi mà sử sách chưa nói đến. Vị thái

thú cai trị đất Giao Chỉ thời Bắc thuộc là Sĩ Tiếp 士 燮 (bị gọi chệch tên là Sỹ Nhiếp),

ít sử sách nói đến đã được Nguyễn Trọng Thuật bàn đến trong một chuyến du lịch qua bài Thăm lăng Sỹ Vương. Một số bài du kí mang ý nghĩa trở về cội nguồn dân tộc như: Dâng hương đền Kiếp của Hoa Bằng và Cách Chi, Dâng hương đền miếu Hát của Hoa Bằng, Một cuộc hành hương của Trúc Khê và Lê Thanh, Mấy nơi thắng cảnh có quan hệ với Trần sử (Núi Yên phụ và động Kinh chù, nơi đền thờ đức An Sinh Vương Trần Liễu và nơi đọc sách của cụ Phạm Sư Mạnh) của Nguyễn Đan Tâm, …

Nếu trong tiểu thuyết, đề tài lịch sử được tái hiện bằng phương thức mô phỏng thì trong du kí, đề tài lịch sử được kết nối bởi hai yếu tố: quan sát và trải nghiệm. Hành trình đến nơi có di tích lịch sử là hành trình mang ý nghĩa "về nguồn", mà ở đó, chủ thể thông qua quan sát các hiện vật để thể nghiệm sự hiểu biết, nhận thức lịch sử của mình. Vì thế mà trong du kí Việt Nam, đề tài lịch sử không tập trung phản ánh những gì gọi là "chính sử" mà chỉ là "cận sử", những điều ít gặp trong sử sách mà chỉ nghe nói đến qua những truyền thuyết trong dân gian. Chẳng hạn như đoạn sau đây trong tác phẩm Thăm cảnh Hoa Lưu của Khái Sinh:

"Đền vua Đinh cũng cổ kính mà thấp, nhưng có vẻ rộng rãi phong quang hơn đền vua Lê. Và cột đền sơn son thiếp vàng. Lúc giở (trở) ra, mưa càng nặng hạt, chúng tôi đành đứng lại dưới mái hiên một lúc, trông ra làn cỏ lá cây ở ngoài đồng ruộng tưởng chừng như ngọn cờ lau còn phấp phới đâu đây, trận gió thổi mạnh vào khe đá hốc vọng lại từng cơn khác nào tiếng còi mục đồng ngày xưa của vua Đinh đã chơi giỡn cùng lũ trẻ chăn trâu còn đương bên tai văng vẳng" (Tri Tân, số 41, tr.21).

Miêu tả trong du kí là tái hiện sự vật, sự việc, con người thông qua tư tưởng. Đoạn văn của Khái Sinh mang tính so sánh lịch sử giữa hai vị vua của hai triều đại Đinh và Lê. Vua Đinh không phải là người xuất thân từ hoàng tộc nhưng có công thống nhất đất nước, xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền, lập nên kinh đô Hoa Lư, kinh đô đầu tiên của nước Đại Cồ Việt. Trong khi sử sách thường ca ngợi Lê Hoàn, người có công chống lại quân Tống bảo vệ đất nước và ít nói đến nhà Đinh thì Khái Sinh đã nhận ra Đinh Bộ Lĩnh là vị anh hùng dân tộc. Cảm tưởng về cái công đầu của vua Đinh, Khái Sinh không nói đến một ông vua của triều đại nhà Đinh là Đinh Tiên Hoàng, mà nói đến ông Đinh Bộ Lĩnh khi chưa lên ngôi. Thay vì bình luận về lịch sử thì tác giả đã dùng yếu tố tưởng tượng để gợi nên hình ảnh về nhân vật lịch sử thường được dân gian gọi là "Vua cờ lau".

Nếu đề tài lịch sử trong du kí giai đoạn 1917 – 1934 được triển khai bằng việc tái hiện lịch sử trong sự suy nghiệm của chủ thể thì du kí giai đoạn 1935 – 1945 thường mang yếu tố tưởng tượng hoặc sử dụng bút pháp huyền ảo. Trong những tác phẩm như Am Tiên của Hoàng Minh, Indrapura – Đồng Dương của Mãn Khánh Dương Kỵ, quá khứ hiện lên thông qua yếu tố kì ảo đã đưa người đọc vượt qua những trở ngại của thời gian và không gian để chứng kiến đời sống lịch sử thông qua các di tích, hiện vật như đang ở thì hiện tại của nó. Khác với tiểu thuyết, yếu tố tưởng tượng trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX không mang tính hư cấu, đó là kiểu tưởng tượng khách quan, nhà văn không câu nệ đến vấn đề nhân sinh mà chỉ quan tâm đến những gì mang tính thông tin, những điều có khả năng đưa đến cảm giác mới lạ cho người đọc.

Đề tài lịch sử và đề tài văn hóa trong du kí Việt Nam thường song hành với nhau, bổ sung cho nhau nên có nhiều trường hợp, đề tài văn hóa và đề tài lịch sử thống nhất trong một tác phẩm. Với hai đề tài này, du kí Việt Nam không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử xét về mặt tư liệu mà nó còn thể hiện vai trò của nó đối với cộng đồng, nhất là về chức năng giáo dục.

3.1.3. Đề tài danh lam thắng cảnh

Đề tài danh lam thắng cảnh là đề tài mang tính truyền thống của du kí Việt Nam. Thắng cảnh chùa Hương Tích được nói đến đầu tiên và là đề tài được nhiều người chọn, từ bài Hương Sơn hành trình của Nguyễn Văn Vĩnh đăng nhiều kì trên Đông Dương tạp chí (1914), đến Chẩy (trẩy) chùa Hương (1919) của Phạm Quỳnh, Vịnh cảnh chơi chùa Hương Tích (1921) của Nguyễn Văn Đào, ... Đề tài thắng cảnh chùa Hương không phải là để nói đến một danh lam mới lạ mà là nơi quen thuộc nhưng có ranh giới tục và tiên không rò ràng, nơi có đã thu hút cả nhà báo (Nguyễn Văn Vĩnh) và nhà nghiên cứu văn hóa (Phạm Quỳnh), nhà thơ (Nguyễn Văn Đào) đến với nó. Có một ngôi chùa cổ lâu đời gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam là chùa Thầy được Lê Đình Thắng ghé thăm và viết Bài kí chơi chùa Thầy. Núi Yên tử cũng gắn liền với lịch sử Phật giáo, nơi Trần Nhân Tông sáng lập ra Dòng Thiền Trúc Lâm được Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu chọn đến thăm và viết bài Hành trình đến núi An Tử. Còn nhiều ngôi chùa khác ở trong các làng, các núi ít người biết đến, và đã xuất hiện trong các bài du kí ở các đề tài khác như chùa Bối Khê tức “Đại Bi Tự” trong bài Một buổi đi thăm làng Bối Khê của Vu Ngã, chùa Non Nước và chùa Linh Ứng trong Nam du đến Ngũ Hành Sơn của Nguyễn Trọng Thuật, …

Nổi bật trong giai đoạn này là có nhiều bài du kí viết về những chuyến tham quan, du lịch đến các nơi là các di tích, thắng cảnh của đất nước. Nước ta có nhiều núi non trở thành những thắng cảnh đẹp. Ngoài những địa danh đã từng là đề tài trong du kí truyền thống như núi Dục Thúy, hồ Hoàn Kiếm, nhiều núi non ở Việt Nam trở thành nổi tiếng nhờ công của những nhà báo, nhà văn đầu thế kỉ qua những bài du kí. Những bài du kí viết về thắng cảnh đất nước phải kể đến: Kí núi Dục Thúy của Đạm Trai, Ngày xuân chơi núi của Đạm Phương, Du Tử Trầm Sơn kí Cuộc chơi năm tầng núi của Nguyễn Đôn Phục, Bà Nà du kí của Hoàng Thị Bảo Hóa, Nam du đến Ngũ Hành Sơn của Nguyễn Trọng Thuật. Du kí viết về những địa danh thắng tích nổi tiếng có nhiều bài như: Chơi Hạ Long của Nguyễn Hữu Tiến, Chơi cảnh Sầm Sơn của Phạm Vọng Chi, Quảng Xương danh thắng của Thiện Đình, Cuộc đi chơi Huế của Phục Ba, Tết ở Đà Lạt của Trịnh Như Nghệ, … Nước ta nhiều nơi có cảnh đẹp hữu tình, do xa xôi cách trở mà ít người biết đến. Đó là những địa danh như: Hà Tiên, Phú Quốc, Cát Bà, Lào Cai,… Đến với Phú Quốc, Đông Hồ có bài Thăm Phú Quốc, Mộng Tuyết có bài Chơi Phú Quốc. Đến với đảo Cát Bà, Vân Đài có bài Bốn năm trên đảo Cac-ba (Cát Bà). Ngượi lên miền Tây

Bắc, Nhật Nham có bài Sau tám năm trở lại thăm Laokay và Tản Đà có bài Một sự đi chơi Lào Kay. Đi du lịch Hồ Ba Bể, Hoàng Văn Trung có bài Ba Bể du kí, Nhật Nham có bà Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể. Đến với Lạng Sơn, Nguyễn Thế Xương có bài Mấy ngày chơi Thất Khê, Phạm Quỳnh có bài Chơi Lạng Sơn – Cao Bằng … Du kí không chỉ đưa người đọc đến những nơi có những thắng cảnh đẹp mà còn đem đến cho người đọc về những tên đất, tên miền, những địa danh hành chính của đất nước. Nghiên cứu du kí trên tạp chí Nam Phong, Nguyễn Hữu Sơn có công thống kê các tác phẩm theo chủ đề địa phương như: Du kí viết về Hà Nội, Du Kí Viết về Ninh Bình, Du kí về vùng văn hóa Sài Gòn – Nam Bộ trên Nam Phong tạp chí (tạp chí Kiến thức ngày nay, số 619), Du kí viết về Hà Tiên nửa đầu thế kỉ XX (tạp chí Kiến thức ngày nay, số 688), Đam Phương nử sử và những trang du kí viết về xứ Huế (tạp chí Kiến thức ngày nay, số 751), Du kí Quảng Nam nửa đầu thế kỉ XX (báo Tổ quốc online), Du kí Ninh Bình nửa đầu thế kỉ XX (báo Tổ quốc online), Du kí Quảng Ninh nửa đầu thế kỉ XX (báo Tổ quốc online)Không phải tìm đến những thắng cảnh ở nơi xa xôi mới viết du kí mà những thắng cảnh ở ngay Hà Nội quen thuộc cũng đi vào du kí như sông Nhuệ, hồ Hoàn Kiếm cũng được hiện lên qua: Cuộc chơi trăng trên sông Nhuệ của Nguyễn Mạnh Hồng, Cuộc chơi trăng sông Nhuệ của Mai Khê, Đêm tháng sáu chơi hồ Hoàn Gươm của Hội Nhân.

Đề tài danh lam thắng cảnh trong du kí giai đoạn này xuất phát từ mục đích của cuộc hành trình chứ không phải cuộc hành trình. Phạm Quỳnh đi trẩy chùa Hương, cũng say sưa trước vẻ đẹp cảnh vật: "Ngồi trong cái đó lênh đênh ở giữa khoảng non nước này tưởng như đứng trước một bức trành thạch tiên cực lớn"; nhưng khi đã vào trong chùa, chứng kiến cảnh ồn ào, chen chúc hỗn độn của người đi trẩy chùa đã "khiến cho nhà khảo cứu như vào chốn mê li chẳng biết chỗ nào mà dò", và tác giả đã nhận ra sự thật về cái động Hương Tích "cũng chẳng lấy gì làm đẹp, tưởng không xứng đáng cái huy hiệu "Nam thiên đệ nhất động" chúa Trịnh khắc ở cửa hang đời xưa" ("Trẩy chùa Hương", Nam Phong, số 23). Với mục đích khảo cứu văn hóa, Phạm Quỳnh quan sát tổng thể cảnh vật ở chùa Hương, đưa ra những nhận xét xác đáng, những lời bình luận giàu tính triết lí và nhân văn. Còn Nguyễn Đôn Phục khi đi chơi núi Sài Sơn đã ghé thăm chùa, nhưng để tìm hiểu cái mà người đời truyền tụng về sự tích li kì ở chùa và núi này. Nguyễn Đôn Phục chỉ tả cảnh chùa trong vài câu, nhưng lại dành nhiều trang để kể về ông Từ Đạo Hành được người đời truyền tụng là vị Bồ Tát Kim Cương ("Cuộc đi chơi Sài Sơn", Nam Phong, số 93).

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022