Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 11

Không phải đến bấy giờ người ta mới thăm chùa, thăm đền, thăm miếu hay du ngoạn cảnh vật, đi đến nơi non xanh nước biếc mà vì chính phong trào viết du kí và nhờ những trang du kí đăng trên tạp chí mà nhiều người mới biết đến các cuộc hành trình cũng như biết đến những danh lam, thắng cảnh đó. Qua những trang du kí, mọi người đã biết được tâm thức con người Việt Nam gắn bó quá sâu nặng với Phật giáo, có lúc lấn át cả những tín ngưỡng dân gian. Nước Việt Nam có nhiều núi non, hang động thì những chỗ đó đều mang những dấu tích Phật giáo. Vì thế mà nhiều nơi, danh lam đã thành thắng cảnh và trong nhiều thắng cảnh đã thấp thoáng hình ảnh chùa chiền. Tuy nhiên, chùa chiền mỗi nơi trên nước ta đều có một nét riêng, không nơi nào giống nơi nào. Nguyễn Thế Hữu đã viết trong Hành trình chơi núi An Tử:

"Cho hay, đâu cũng non xanh nước biếc, nhưng mà mỗi cảnh mỗi khác. Như nước ta, chốn Hương Sơn là nơi tịch mịch u thâm; Sài Sơn là nơi bán thành thị bán lâm tuyền; mà cảnh An Tử sơn này là nơi bồng lai tiên cảnh và là chốn cực lạc Phật độ".

("Hành trình chơi núi An Tử", Nam Phong, số 105, tr.326) Hành trình đến núi An Tử không phải là đi lễ Phật như mọi người mà Nguyễn

Thế Hữu muốn chiêm bái quê hương phái thiền sư Trúc Lâm Việt Nam. Việc leo núi

vất vả để lên được chùa Hoa Yên nằm trên đỉnh núi không phải để ngắm cảnh mà được trải nghiệm bản thân, được đề lên cột chùa sự trải nghiệm đó:

"Tôi vào đến cửa sẵn bút của nhà chùa để trên bàn tôi cầm lấy đề 4 câu trên cột rằng:

Trông lên vẫn tưởng bò chân núi, Ngoảnh lại thành ra đứng trốc mây. Rừng trúc hoa rào riêng cảnh Phật, Bảy mươi hai động nhất là đây.

Phụ thân tôi cũng đề mấy câu rằng: Ai bảo rằng núi An Tử cao, khi ta lên đến đỉnh thì ta cao hơn núi, nhưng cao hơn ta là đạo Phật."

("Hành trình chơi núi An Tử", Nam Phong, số 106, tr.451)

Du lịch là hoạt động hỗ trợ đắc lực cho sự ra đời của du kí. Từ những năm 20 của thế kỉ XX, ngành du lịch nội địa ở Việt Nam đã có những tuyến lữ hành đến những nơi có thắng cảnh nổi tiếng như: Hương Sơn, hồ Ba Bể, Phú Quốc, Bà Nà,… Với vai trò người đi du lịch, Minh Phượng đến thắng cảnh Hương Sơn, nơi có động Hương Tích nổi tiếng. Tác giả không tả cảnh chùa Ngoài hay chùa Trong (Thiên Trù) mà kể chuyện

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.

gặp cố nhân họ Lê hiệu là Cúc Đình, rồi nghe câu chuyện cố nhân kể về người con gái "tính nết dịu dàng, kiến thức cao lớn, mà duyên phận long đong", mặc dù nhan sắc ngày càng đẹp hơn nhưng nguyện lên chùa, xuống tóc đi tu. Cảnh chùa Hương đẹp như thế, huyền bí như thế, nhưng mỗi bài du kí viết về Hương Sơn không có bài nào giống bài nào. Minh Phượng đã nhận ra vẻ đẹp huyền thoại của thắng cảnh này, nên ngoài câu chuyện tăng ni xinh đẹp kia là chuyện linh thiêng của núi rừng:

"Núi Trụn cũng gần Kim Sơn. Sông Phố chảy qua ba phía. Dưới núi có hang sâu ăn thông với vực Ác bên Thông Giang. Tục truyền dưới vực có Long Vương ở. Xưa có người lái thuyền ở tỉnh về lúc qua ngã ba phủ nghe trên không có tiếng gọi rằng: "Nhờ đi qua vực Rầm báo hộ rằng ông Bụt thất trận rồi", người lái thuyền lấy làm lạ. Nhưng khi thuyền về tới Nầm quên đi không gọi, cho nên thuyền cứ vô cố lênh bênh không chèo chống được, sực nhớ lời dặn vội gọi to lên, bỗng nghe được dưới vực ầm ầm như thiên binh vạn mã kéo đi, rồi tự nhiên gió thổi như bão, mưa sa như trút. Người ta nói đó là quân Long Vương kéo đi. Núi thì năm ba năm tự nhiên sụt xuống cho nên gọi núi Trụn."

Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 11

("Hương Sơn du kí", Nam Phong, số 109, tr. 272)

Đảo Phú Quốc nằm ở cực nam của Tổ quốc trong du kí của Đông Hồ là hòn đảo lớn, xung quanh có nhiều hòn đảo nhỏ: "Hòn Ráng về bên tả ngạn vịnh Trủng Kè. Trước vịnh Trủng Kè là Hòn Ngang, Hòn Châu, Hòn Gỏi rồi Hòn Ráng. Trủng Kè vịnh lớn nước sâu, trước mặt một dải quần đảo bao bọc, kín như trong buồng, mặt nước không bao giờ có sóng lớn, làm một chỗ hải cảng rất tốt." ("Thăm Phú Quốc", Nam Phong, số 124, tr.533). Những hòn đảo đó, trong du kí của Mộng Tuyết lung linh kì ảo: "Cảnh đêm giữa biển thật có vẻ thần bí lạ. Mấy chòm cù lao nằm êm lặng trên mặt nước âm thầm. Thỉnh thoảng một con cá lội qua làm xao động mặt nước hiện ra một vệt sáng trắng lòe rồi lại tan ngay." ("Chơi Phú Quốc", Nam Phong, số 199, tr.23).

Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã vẻ lên hình ảnh cảnh vật của đất nước trong văn học. Cảnh vật trong du kí giai đoạn này đã có đủ mọi đối tượng. Cảnh vật thiên nhiên có núi, có sông, có hồ, có biển. Cảnh vật nhân tạo, có chùa, có tháp, có lăng, có điện, có thành quách, lâu đài,… Tất cả tạo nên hình ảnh đất nước Việt Nam hài hòa và đẹp đẽ.

3.1.4. Đề tài quốc tế

Nghiên cứu về tiểu thuyết của Hanry James nửa cuối thế kỉ XIX, khi dẫn ra

Những bài du kí (1875) của ông, Kathryn Van Spanckeren đã phân tích đề tài nổi tiếng của Hanry là “đề tài quốc tế”, mà đề tài này đã đề cập đến các cuộc hành trình ra nước ngoài với những mục đích khác nhau và phân tích “mối quan hệ phức tạp giữa những người Mĩ ngây thơ và những người châu Âu có tư tưởng quốc tế” [66]. Xét trong nghĩa hẹp, đề tài quốc tế trong du kí Việt Nam đã có từ thế kỉ trước, qua những tác phẩm của Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đán, Lý Văn Phức, Phan Huy Chú,… viết trong những chuyến công cán ở nước ngoài, mang ý nghĩa quan hệ quốc tế giữa Việt Nam với các nước khác. Với một nghĩa rộng hơn, đề tài quốc tế không chỉ là quan hệ chính trị, quan hệ chủng tộc, quan hệ văn hóa mà có cả quan hệ cá nhân,… thì những tác phẩm du kí Việt Nam viết trong các cuộc hành trình đi đến các nước khác với bất cứ mục đích gì đều thuộc đề tài quốc tế.

Tiếp nối du kí thế kỉ XIX viết về các cuộc hành trình ra nước ngoài, du kí đầu thế kỉ XX đã mở rộng thêm không gian và mục đích cuộc hành trình cũng đa dạng hơn. Với đích đến là nước Pháp có các bài du kí: Pháp du hành trình nhật kí của Phạm Quỳnh, Trên đường Nam Pháp của Trọng Toàn, Mười tháng ở Pháp của Phạm Vân Anh, Đi Tây của Nhất Linh. Hành trình sang Lào có: Ai Lao hành trình của Trần Văn Huyến, Du lịch xứ Lào của Phạm Quỳnh, Hà Nội – Viên trong hai giờ của Vũ Nhật. Hành trình đến các nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Thái lan, Nhật Bản có các bài du kí như Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác, Một chuyến đi của Nguyễn Tuân, Tôi thầu khoán hay là: Ba tháng ở Trung Hoa của Lê Văn Trương. Ngoài ra, còn có các bài du kí thuật chuyện đi tàu thủy ra nước ngoài như Đáp tàu André Lebon của Cao Văn Chánh, Hành trình đi Fai Foo của Tuyết Minh Dương Đình Tẩy,…

Đề tài quốc tế trong du kí, căn cứ vào cuộc hành trình và điểm đến, có thể chia ra ba nhóm tác phẩm: du kí về mối quan hệ Pháp – Việt, du kí về mối quan hệ Trung – Việt, du kí về mối quan hệ Việt Nam với các nước Đông Nam Á.

Du kí về mối quan hệ Pháp – Việt tiêu biểu cho đề tài quốc tế trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Mục đích của cuộc hành trình không phải là cái tạo nên nội dung của du kí về mối quan hệ Pháp – Việt mà chính là cuộc hành trình. Phạm Quỳnh là người mở đầu cho du kí có đề tài quốc tế ở đầu thế kỉ XX. Trong Pháp du hành trình nhật kí, mục đích của chuyến đi là "thay mặt Hội Khai trí tiến đức để dự cuộc đấu xảo Marseille, lại được quan Toàn quyền đặc phái sang diễn thuyết mấy trường lớn ở Paris" nhưng trong toàn bộ tác phẩm không phải để kể lại câu chuyện mang nhiệm vụ chính trị

này mà là câu chuyện chứng kiến trên lộ trình của cuộc hành trình: câu chuyện bắt đầu đi, chuyện gian nan trên biển, chuyện gặp gỡ các nhân vật khác, chuyện xem các di tích văn hóa, lịch sử nước Pháp,…Cũng trong chuyến đi công cán quan trọng này, vua Khải Định đã có tập thơ Đi Tây với 60 bài thơ, nói lên cảm xúc của mình từ lúc xuất phát, đến châu Phi, đến Pháp và trở về. Cuộc hành trình của Phạm Vân Anh trong Sang Tây

– Mười tháng ở Pháp, là sự trải nghiệm của một cô thiếu nữ "đi cho biết đó biết đây", nhưng những câu chuyện kể về sự gặp gỡ những người ngoại quốc trên lộ trình phản ánh thái độ người phương Tây với người An Nam và cuộc sống học sinh An Nam, người Trung Quốc, người Nhật sống trên đất Pháp.

Nhất Linh muốn thể hiện sự trải nghiệm của mình đến được nơi mà nhiều học sinh Việt Nam mơ ước. Trong vai nhân vật Lãng Du, tác giả đã thực hiện được chuyến hành trình của mình và kể được câu chuyện trên đất Pháp. Câu chuyện tìm người đồng hương của tác giả mang ý nghĩa quan hệ quốc tế:

"Thỉnh thoảng tôi đương đi lại gặp một người da vàng. Nhưng tôi không biết người Tầu, người Nhật nay người An Nam. Sau tôi tìm được một mẹo tôi cho là thần tình. Hễ thấy một người da vàng đi trước mắt, là tôi rảo cẳng tiến đến gần, rồi nhìn lên trời và nói một mình:

- Này "đồ mặt mẹt".

Nếu người đi trước tôi là người Nhật hay người Tầu, thì họ đi thẳng, vì không hiểu tôi nói gì. Nhưng nếu đó là người An Nam, thì tất nhiên quay lại ngay. Người đó cũng không có cớ gì giận được tôi, vì người đó lúc quay lại là đã tự nhận mình là "đồ mặt mẹt."

("Đi Tây", Phong Hóa, số 159)

Câu chuyện của Nhất Linh liên tưởng đến câu chuyện trong tác phẩm Vi Hành của Nguyễn Ái Quốc, khi người Pháp coi tất cả mọi người da vàng, mũi tẹt đều là vị vua An Nam cả.

Du kí về mối quan hệ Trung – Việt, ngoài tác phẩm Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác viết về địa lí, phong tục, lịch sử các nước, trong đó có Trung Quốc phải kể đến các tác phẩm Một sự du lịch đất Hải Ninh của Trần Trọng Kim, Một chuyến đi của Nguyễn Tuân và Tôi thầu khoán hay là: Ba tháng ở Trung Hoa của Lê Văn Trương. Câu chuyện của Lê Văn Trương làm thầu khoán ở Trung Hoa là câu chuyện mang hàm ý văn chương: từ bỏ nghề cầm bút để lăn lộn kiếm tiền bằng nghề thầu khoán, phải chịu sự thất bại để "lăn mình vào tầng sâu của cuộc đời". Trong câu chuyện thầu khoán ở

Trung Hoa, tác giả đã kể lại mối quan hệ làm ăn với người Trung Hoa, khi thuê cu li Tàu và cách ứng xử với họ, khi gặp gỡ các quan Tàu, "những người chỉ biết túi tham", tác giả phải nén lòng:

"Ông quan Tàu nói nhiều lắm. Tôi nghe đã chán cả tai muốn ném một hòn đất vào cái mồm cả ngão kia cho tắc họng im đi. Nhưng buồn thay cái sự đời, đến khi ông nói xong tôi là người đầu tiên vỗ tay để làm hiệu cho bọn tôi hưởng ứng. Và tôi cũng là người đầu tiên đến bắt tay ông quan Tàu và ban cho ông một lời khen có lẽ ông tin là thành thực."

("Tôi thầu khoán", Đi Tàu Đi Tây du kí, tr.354)

Câu chuyện của Lê Văn Trương mang ý nghĩa quan hệ quốc tế với các "quan Tàu" từ xưa đến nay. Nhưng dân chúng Tàu, như người bạn đồng sự tên là Wa Lâm, đã tỏ ra thông cảm với nỗi nhọc nhằn của tác giả: "Tôi tần ngần nhìn ngắm con đường thì Wa Lâm tần ngần ngắm tôi. Một lúc lâu, tôi quay sang thì gặp cái nhìn của Wa Lâm". Đó là cái nhìn sáng suốt của một nhà văn trong mối quan hệ lân bang.

Du kí về mối quan hệ Việt Nam và các nước trong khu vực ngoài các tác phẩm viết về chuyến hành trình đi nhiều nước của Nguyễn Bá Trác phải kể đến các tác phẩm viết trong các chuyến đi du lịch xứ Lào của Phạm Quỳnh, Trần Văn Huyến, Vũ Nhật. Du lịch xứ Lào của Phạm Quỳnh không chỉ đơn thuần là bài du kí viết về chuyến du lịch sang Lào mà là một công trình khảo cứu trên nhiều mặt: địa giới, lịch sử, địa chí, kinh tế, Việt kiều,... Trong tác phẩm của mình, ngoài việc kể chuyện về non xanh nước biếc xứ Lào, Phạm Quỳnh đã nói lên quan điểm của mình về mối quan hệ Lào - Việt và vấn đề cư dân người Việt sống trên đất Lào, phản ứng lại thái độ của của một số người Pháp về vấn đề Việt kiều bên đó.

So với du kí thế kỉ XX, đề tài quốc tế trong du kí giai đoạn này không nặng về quan hệ chính trị hay ngoại giao mà thông qua hình thức du lịch để thể hiện quan hệ văn hóa giữa chủ thể và khách thể, mặc dù nó được viết trong hoàn cảnh tác giả đi công cán hay đi du lịch để thực hiện các quan hệ nói trên. Với đề tài này, du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX mang nhiều ý nghĩa khác nhau, không chỉ là xác định quan hệ văn hóa cá nhân mà còn mang ý nghĩa về cả những vấn đề dân tộc và thuộc địa.

3.1.5. Đề tài dân tộc thiểu số

Trong các chuyến hành trình được viết trong du kí Việt Nam đầu thế kỉ XX, hành

trình đến thăm các nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã trở thành một trong những đề tài của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Các cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam sinh sống ở các miền núi và trung du phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ đã được các nhà du kí Việt Nam tìm đến. Những cuộc hành trình khám phá đời sống, phong tục, con người của một số dân tộc ở các miền đất nước đã bổ sung thêm bức tranh về văn hóa và con người Việt Nam. Đó là cuộc sống của người Mèo hiện lên trong bài Sau tám năm trở lại thăm Laokay của Nhật Nham, cuộc sống và phong tục người Ê đê trong Lữ ký Ban Mê Thuột của Biệt Lam Trần Huy Bá.

Trong khi mối quan hệ giữa các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam chưa được khai thông, vẫn có thái độ hoài nghi, chưa bình đẳng và tôn trọng các cộng đồng dân tộc thiểu số thì các nhà văn, nhà báo giai đoạn này đã có những cuộc hành trình tìm hiểu đời sống và văn hóa của họ. Tản Đà đã đi và viết: Mấy bước đường rừng, Một sự đi chơi Lào Kay, Thái Hữu Thành đã viết: Mười ngày với Mọi có đuôi, Giống Mọi ở Đồng Nai thượng, Ngải Mọi ở Đồng Nai thượng, Mọi “Xà niên”,

Đề tài dân tộc thiểu số trong du kí như là một cuộc nghiên cứu về các tộc người định cư trên lãnh thổ Việt Nam để khai thông những quan niệm mơ hồ về một bộ phận dân cư thường được gọi là "người Hời" đối với dân tộc Chăm, "Mọi" đối với các dân tộc thiểu số sống dọc theo dãy Trường Sơn. Đề tài dân tộc thiểu số tiếp cận từ nhiều phía với những mục đích khác nhau: tìm hiểu về cuộc sống sinh hoạt, tìm hiểu về những điều đang còn bí ẩn.

Với lối tiếp cận văn hóa, đề tài dân tộc thiểu số trong du kí của Biệt Lam Trần Huy Bá thường viết về phong tục, sinh hoạt của các dân tộc ở Nam Bộ, Tây Nguyên. Người Thượng ở Tây Nguyên trong tác phẩm của Trần Huy Bá có cái gì đó gần gũi, thân thương.

"Những người đàn bà Rhadée họ ngồi ruỗi chân dệt cửi ở đó, trong lúc mát giời. Khung cửi rất đơn sơ, để ngay ở trên lòng, họ buộc một đầu chỉ vào cột nhà, hoặc vật gì nặng. Còn đầu gỗ khô thì đặt trên đầu gối. Hai tay đưa thoi trông rất nhẹ nhàng êm ái. Coi bộ nhiều cô cũng có vẻ xinh xinh khả ái."

("Ban Mê Thuột", Tri Tân, số 55, tr.12)

Đặc trưng của du kí là đem đến cho độc giả những điều mới lạ, kì bí, hấp dẫn mà do chính tác giả chứng kiến, trải nghiệm. Thái Hữu Thành đã có nhiều chuyến du hành đến vùng rừng núi Đồng Nai để tìm hiểu về "Giống Mọi", đối tượng chưa được nhiều

người biết đến lúc bấy giờ.

"Lần thứ ba tôi để chân đến xứ Mọi Đồng Nai thượng. Một giống dân chưa khai hóa triệt để còn sống cả muôn nghìn năm về trước; ăn lông, ở lỗ là chi ngành của người rừng ở rải rác giữa Trường Sơn. Gống Mọi Đồng Nai thượng ở tràn lan khắp núi non, bắt đầu từ Biên Hòa đến Lagna (La Ngà), Blao (Bà Lào), Dalat (Đà Lạt), Banméthuot (Ban Mê Thuột), Djiring (Gia Rinh), Sông Trao, Hà Lôn, Gia Bác, Ma Lâm và Mường Mán. Đấy là những chỗ đặc điểm, ai ai cũng được hiểu biết, còn biết bao nhiêu giống vào ở núi non chớn chở, sông núi hiểm nguy như Đạ Lú, Đạ Nga, Đạ Rào, Đà Rù, Kông Cạ, Tố Ra thì hỏi ai được đi đến đó bao giờ."

("Giống Mọi ở Đồng Nai thượng", Nam Kỳ, số 58)

Thời bấy giờ, nhiều người chưa biết tên những dân tộc thiểu số, cũng không ai dám bước chân đến bản làng của họ. Người Việt không chỉ khinh miệt họ, ghê tởm họ mà còn sợ sự huyền bí của họ, nhất là hiện tượng bùa ngải. Thái Hữu Thành trong vai người hướng đạo, đã can đảm đến tìm hiểu cuộc sống, phong tục của những người "Mọi" này. Hành trình của Thái Hữu Thành cũng được xem như cuộc du lịch mạo hiểm.

"… nếu muốn vào tận chỗ chúng thì con rất nhiều điều kiện nữa: là chúng ta phải cơm gói, nước bầu, quần đùi, áo cụt bởi vì xóm làng của chúng, theo sự cạnh tranh sinh tồn, đã lui xa vào tận chân non ngọn suối, muôn hiểm nghìn nguy."

("Giống Mọi ở Đồng Nai thượng", Nam Kỳ, số 58)

Cất công lội suối băng rừng như thế, tác giả đến tìm hiểu những giai thoại, những lời đồn đại về bản năng huyền bí của người dân tộc thiểu số. Trong bài Mười lăm ngày với Mọi có đuôi, tác giả đã cho người đọc biết về cái đuôi của những người này:

"Một điều tôi để ý là dưới đất, gần bên bếp, chỗ chúng ngồi ăn cơm có nhiều lỗ lớn bằng miệng chén, hơi sâu và mòn lẳn. Tôi hỏi Klung thì mới biết rằng, giống Mọi Mạ có nhiều "họ" có cái xương sống dài quá khu gần nửa tấc, y như cái đuôi vậy. Bởi thế, ngồi tự nhiên như mình không được, phải khoét lỗ dưới đất cho cái xương sụp xuống, thành thử mới có lỗ hang chung quanh bếp lửa, làm cho tôi ngạc nhiên như vậy."

("Mười lăm ngày với Mọi có đuôi", Nam Kỳ, số 68)

Về cái tài độc bùa ngải của người dân tộc thiểu số, Thái Hữu Thành đã làm một chuyến phiêu lưu đến tận bản của những người này để khai thông bí mật của họ. Ngải Mọi gọi là "cà ngao ngòn", được làm từ các thứ "độc địa" không phải ai cũng lấy được. Ngải làm từ ba thứ: thứ nước hứng được từ bộ phận sinh dục của con voi cái và voi đực

đang giao hợp gọi là "Đa Rô As", kinh nguyệt của vượn khỉ gọi là "Ham Hô Are", cây ngải (cây nghệ rừng) gọi là "Kinh Ny Bri". Theo tác giả, đây là một loại cây độc một cách ma quái "Hễ mỗi lúc có người lạ đi ngang thì cây lá nó rung lên phần phật, thành những tiếng răng rắc, nếu biết thì nhờ những "Ôn Djâu" (pháp sư) Mọi chữa cho, bằng không thì bị nó "ăn" hoặc đau bụng, đau đầu, đau cổ, mắt vàng lưỡi nám mà chết". Để tạo nên vẻ kì bí của thứ ngải Mọi đó, đồng thời để cho bài du kí trở nên hấp dẫn, tác giả dụng công miêu tả cách lấy những chất này của các "Ôn Djâu", một công việc đòi hỏi nghệ thuật và tính kiên trì, không phải ai cũng làm được.

"Bọn "Ôn Djâu" tìm được đám lá ngải ấy, che chòi ăn nằm bên chúng, nói chuyện cười giỡn với chúng hằng ngày, rồi lựa hai cây thật tốt (cây đực và cây cái) vuốt ve khuyên nhủ để cho chúng cạ gần nhau, y như là "làm mai" cho chúng vậy. Vậy mà không sớm thì muộn, hai cây ấy gie ngọn lại gần nhau, rồi quấn nết với nhau như ta xe đầu tóc vậy, như thế là ngải chịu đực, phải lấy rượu trắng phun lên hàng ngày cho đến cây cái chửa, rồi trổ hoa, tiết ra một thứ nhựa đùng đục. Bọn "Ôn Djâu" hứng lấy và đào lấy củ cây cái đem lên núi cao ngâm trong nước nhựa kia, hấp lấy sương nắng cho khi nhựa rút khô hết vô củ ngải là được …"

(" Ngải mọi ở Đồng Nai thượng, Nam Kỳ, số 61) Trong khi mọi người coi ngải mọi là thứ vũ khí giết người đầy bí hiểm thì Thái

Hữu Thành đã ca ngợi cái công dụng tích cực của nó như: chữa bệnh mê cờ bạc, hút

xách, rượu chè, chắp nối lại tơ duyên cho các cặp vợ chồng xa nhau, làm cho người buôn bán thịnh vượng trở lại. Những "Ôn Djâu" là những người cao thượng, tốt bụng, vì nghĩa, vì tình mà không ham tiền của. Tác giả còn kể đến chuyện thần kì của ngải Mọi mà chính mình chứng kiến. Em gái tác giả bị mất cắp chiếc kền vàng để quên ở buồng tắm, nhờ một vị "Ôn Djâu" làm phép đem ngải về để tìm kẻ gian; đứa ở bị trúng phép, đem đào cái kền trả lại, van xin rối rít. Những câu chuyện trong du kí kể về người dân tộc thiểu số vừa có vẻ hoang đường vừa hiện thực, câu chuyện được kể vừa lạ vừa quen, con người và cuộc sống của họ vừa kì bí lại vừa trần trụi. Với những bài du kí này đã tác động đến sự hiếu kì của con người, thúc đẩy những cuộc hành trình đi đến núi rừng của Tổ quốc, gặp gỡ những con người xa lạ, đem đến cuộc sống và tình thương cho những con người đang sống trong hoang dã ấy.

Có thể nói, với đề tài dân tộc thiếu số trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, du kí là thể loại khai thông hiện thực xã hội trong văn học dân tộc xét trên mối quan hệ

Xem tất cả 213 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022