Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 13

Thuật đã tận mắt chứng kiến hoàng cung Huế. Không chỉ miêu tả tỉ mỉ hoàng cung Huế mà ông đã nhận ra từ khung cảnh xứ Huế có một dòng sông Hương “không những phân chia địa thế kinh thành Huế làm hai phần mà còn lại giới hạn cho cái văn minh khác nhau cùng nhau cùng khoa diệu ở góc trời Đông Á” (Nam Phong, số 184, tr. 442).

Cảm hứng văn hóa giúp nhà văn nhìn sâu vào hiện thực. Không phải các nhà văn du kí của chúng ta quá tỉ mỉ khi miêu tả, quá nhạy cảm khi chứng kiến những hiện tượng phi văn hóa đang xảy ra mà trách nhiệm của người cầm bút phải mang lại một điều gì đó cho nước nhà. Cảm hứng văn hóa đã dẫn đường cho cảm hứng thế sự.

Hương Sơn hành trình của Nguyễn Văn Vĩnh là bài du kí xuất hiện khá sớm viết về thắng cảnh Hương Sơn, nhưng không phải như Chu Mạnh Trinh thành kính hướng về còi tâm linh mà là sự quan sát của người đi vãn cảnh chùa.

“Chỗ bầy thờ Phật thì cũng tựa như chùa khác, mà lại có phần thiếu sót vì hai bên không có Thập điện, La Hán, chỉ thấy bàn thờ tạp nhạp, chẳng biết thần chi chi. Mỗi cái lòi đá lòi ra lòm vào, là có một cái tên, có một thần riêng, kì nhất là núi chỗ các cậu, các cô, cũng là hai cái thạch nhũ, đó chính là nơi Phật bầy hàng con giai con gái, để cho đàn bà đi cầu tự đến mà chọn.”

(Đông Dương. số 44, tr.23)

Cảnh người đi chùa thì:


“Những bà kém âm đức, đi cầu chín mười lần rồi chưa được thì đồ rằng xin con giai quá lạm, Phật ngài chẳng cho đành phải sang kêu bên núi các cô, chẳng giai thì gái vậy (…). Nực cười thay mà não nùng thay! Ước gì trong cái tục con trẻ và dã man ấy, khi có mất đi cũng còn để sót lại cái nghĩa ham gây dòng giống ấy.” (tr.24).

Và điều xảy ra ở nơi cái chốn linh thiêng ấy cũng được kể lại bằng huyền thoại của di tích tâm linh này bằng giọng điệu trào phúng:

“Trong thẳm cùng, có một cái lỗ, người ta kể chuyện rằng, ngày xưa, khi các nhà sư còn thực bụng tu hành, bấy giờ chưa biết hút á phiện, sư chưa lấy vợ lẽ, chưa mở cửa hàng bán hương khói, buôn bùa bèn, như sư cụ chùa Hương ta ngày nay, thì phàm các sư tu ở Hương Sơn cứ bữa bữa vô đó lấy thóc lấy gạo ra mà nấu cơm ăn.” (tr.25)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.

Phạm Quỳnh cũng quan tâm về vấn đề này. Trong bài Chảy (trẩy) chùa Hương,

Phạm Quỳnh đã đưa ra ý kiến:

Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 13

“Lòng tôn giáo không thịnh, các giáo hội không có, mới sinh ra vô số những sự thờ cúng, lễ bái vô nghĩa, vô lí, lắm khi hại cho phong tục luân thường. Bây giờ các nước

văn minh đều lấy tôn giáo làm cái động lực rất mạnh trong xã hội, hết sức chấn hưng để lấy đấy mà chống đối lấy cái phong trào vật chất đời nay: nước mình có người nào sáng suốt mà nghĩ tới không.”

(Nam Phong, số 23, tr. 368)

Cảm hứng văn hóa chi phối du kí Phạm Quỳnh. Dù đi Tây, đi lễ, đi du lịch, đi xem hội Phạm Quỳnh cũng cốt nói cho được vấn đề văn hóa, nhưng không phải là văn hóa trừu tượng mà chính là những điều tai nghe mắt thấy, hiện hữu trong nhận thức và suy nghĩ của ông. Chính điều này đã làm nên một trong các đặc điểm quan trọng của phong cách du kí Phạm Quỳnh.

Cảm hứng văn hóa có nhiều lúc chi phối bởi cảm hứng lịch sử. Đi đến đâu, nếu là địa danh nước Việt đều có sự tích, tất phải có câu chuyện truyền thuyết, câu chuyện lịch sử. Trong du kí Việt Nam giai đoạn này, các câu chuyện lịch sử không phải những điều nói trong sử sách mà là những điều tác giả thu thập ở nhiều tài liệu khác nhau, kể cả những câu chuyện dân gian. Ngay cả đến vùng thượng du Bắc Kì, nơi rừng thiêng núi hiểm mà cũng được Nhật Nham kể đến mấy câu chuyện lịch sử xảy ra ở đất Tuyên Quang, Bắc Cạn. Đến lúc ngồi ăn trên thuyền, giữa hồ Ba Bể, ông còn tưởng tượng rằng:

“Ngồi ăn trên mặt nước, bên cạnh bờ lau, rừng sậy, tôi có cảm tưởng như Triệu Quang Phục cắm thuyền độc mộc ở bến Dạ Trạch, chia bùi xẻ ngọt với quân sĩ trong một bữa ăn trước khi ra trận đánh quân Trần Bá Tiên nhà Lương nước Tầu.”

("Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể", Tri Tân, số 72, tr.12)

Cảm hứng văn hóa – lịch sử trong du kí giai đoạn này như là một hình thức biểu hiện một phương diện chức năng của du kí, như Hoàng Văn Trung đã bộc lộ trong tác phẩm Ba Bể du kí: “Người trong một xứ mà không biết nơi danh thắng xứ mình, sao gọi là người trí thức”

3.2.3. Cảm hứng tâm linh

Phản ứng trước các hiện tượng của tín ngưỡng, không phải trí thức Việt Nam không coi trọng đời sống tâm linh mà ngược lại, đời sống tâm linh chính là một phần của đời sống tinh thần của họ. Chính vì thế mà các cuộc hành trình đến chốn chùa chiền, di tích trong du kí Việt Nam giai đoạn này là để đi đến những nơi có thể là đang hiện hữu những điều tâm niệm hay ẩn ức trong đời sống tinh thần của họ. Không kể đến hàng loạt bài du kí nói về những cuộc hành trình vãn cảnh chùa, chiêm ngưỡng nơi được coi

là Phật hiển linh mà còn có nhiều bài du kí đến những nơi mà theo dân gian, là chốn linh thiêng, có miếu, có đình, có tháp và cả những nơi sinh hoạt tâm linh đang diễn ra. Không phải vì họ tò mò muốn những biết được điều truyền tụng trong dân gian mà việc thực hiện các cuộc hành trình đến những nơi đó, trái lại họ mang tâm trạng thành kính, ngưỡng mộ, lòng tự tôn dân tộc, suy nghiệm lẽ mất còn, hi vọng điều thiêng liêng, … Tất cả điều này có khả năng làm nên cảm hứng tâm linh trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

Cảm hứng tâm linh trong du kí là nhu cầu, khát vọng của nhà văn thực hiện điều tâm nguyện bằng cuộc hành trình hoặc trong khi thực hiện cuộc hành trình đã gặp gỡ những điều mang tính tâm linh. Trong văn học nhân loại, yếu tố tâm linh trở thành đề tài của du kí: đề tài tôn giáo, đề tài hành hương, đề tài thần thoại,… Những tác phẩm của như: Nhân gian du kí, Thiên đường du kí, Địa ngục du kí, …của Thánh Hiền Đường viết về những câu chuyện tâm linh thông qua hình thức đối đáp giữa Tế Phật với các nhân vật khác muốn biết về những nơi trong kinh sách, Đại đường Tây Vực kí của Trần Huyền Trang kể về cuộc hành trình đến đất Phật, Á châu huyền bí của Blair kể về cuộc hành trình đến Ấn Độ, … đều thuộc về đề tài và cảm hứng tâm linh. Trong du kí Việt Nam, những đề tài này rất mờ nhạt, mà chỉ là cảm hứng đan xen với những cảm hứng khác. Nếu du kí phương Tây có những tác phẩm viết về các cuộc hành hương về nơi đất thánh, mang cảm hứng tôn giáo thì đề tài “hành hương” trong du kí Việt Nam là sự trở về cội nguồn, mang ý nghĩa nhận thức lịch sử và khám phá chính mình. Cảm hứng tâm linh trong bài du kí Một cuộc hành hương được Trúc Khê và Lê Thanh viết trong dịp đến thăm quê cũ của nhà Trần không phải tín ngưỡng tôn giáo mà là sự thành kính đối với những gì do con người tạo ra trong quá khứ:

“Hôm nay là mồng một tháng tám ta. Cùng hai bạn Hoàng quân và Ngô quân với một tâm hồn hoàn toàn của một kẻ hành hương đầy lòng tín ngưỡng, tôi đi thăm Tức Mặc quê cũ của nhà Trần.”

(Tri Tân, số 19, tr. 5)

Trong du kí Việt Nam, những cuộc du lịch, tham quan đến chùa, đến miếu, đến đền, đến kinh đô cổ xưa đều mang cảm hứng tâm linh. Tuy nhiên, cảm hứng tâm linh trong du kí Việt Nam mang các đặc điểm về văn hóa Việt Nam và tâm lí con người Việt Nam. Những vấn đề nói trên thuộc về văn hóa học nghiên cứu tâm linh, vấn đề của khoa học tương lai. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận ra trong du kí Việt Nam: cảm hứng tâm

linh là cái động lực làm cho nhà văn phê phán những cái phàm tục, cái thiếu hiểu biết về tri thức văn hóa đã làm ô uế hoặc biến dạng những điều tốt đẹp về thế giới mà con người gửi gắm vào đó niềm tin và những giá trị tinh thần của mình. Cảm hứng tâm linh thể hiện qua cảm nhận về sự cuồng tín như một số tác phẩm của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh; cảm nhận nỗi đau mất nước của vương quốc Chămpa như trong Indrapura của Dương Kỵ; suy tưởng đến những người đã gián tiếp hay trực tiếp có công với đất nước mà không người thờ cúng như Dâng hương đền Kiếp hay Dâng hương đền miếu Hát của Hoa Bằng. Cảm hứng tâm linh còn là tâm nguyện của các nhà văn, nhà báo Việt Nam đầu thế kỉ XX như là sự hướng đến quốc hồn, quốc túy.

3.2.4. Cảm hứng trữ tình

Không phải du kí Việt Nam nằm giữa ranh giới tản văn và tùy bút để cảm hứng trữ tình trở thành cái đặc trưng của sự giao thoa thể loại mà từ trong nguồn gốc của mình, du kí đã từng tồn tại trong thể loại trữ tình. Vì thế, dù có đi xa cội nguồn của mình gần chục thế kỉ, nhưng du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX vẫn không từ bỏ nó. Cảm hứng trữ tình trong du kí chính là một dạng thức phản ánh hiện thực của chủ thể trong cuộc hành trình, thông qua những điều mà nhà văn quan sát, chứng kiến, nhìn thấy hay nghe thấy, thông qua trí tưởng tượng và cảm xúc mà biểu thị sự vật, con người và những hiện tượng khác mà nhà văn đã trải qua. Hình thức biểu thị cảm hứng trữ tình trong du kí thường là những bài thơ, câu thơ hay những lời tự thuật tâm trạng, những cách miêu tả, kể chuyện có sự thăng hoa của cảm xúc. Vì thế, cảm hứng trữ tình trong du kí cũng hết sức đa dạng. Trên phương diện tiếp cận nội dung, chúng tôi khảo sát đối tượng mà nhà văn thể hiện cảm xúc trữ tình, đó là: lộ trình, địa danh, cảnh vật. Sự chuẩn bị cho một cuộc hành trình, trước hết là tâm lí. Thông thường, trước một chuyến đi xa, dù đi chơi, đi thực hiện một công việc nào đó ở một nơi không quan thuộc, người ta thường có những biến đổi về tâm lí như: hồi hộp, lo lắng, phân vân, xao xuyến, háo hức,… Những biểu hiện của tâm trạng này là cơ sở của cảm hứng trữ tình trong du kí. Trong Ai Lao hành trình, Trần Quang Huyến có ba lần thay đổi tâm trạng: lần thứ nhất, trước khi đi là buồn và lo lắng; lần thứ hai, khi đặt chân đến đất Lào, trước phong cảnh kì vĩ, ông bộc lộ tâm trạng vui mừng, hồ hởi, say sưa; lần thứ ba, tâm trạng suy tư sau khi trở về. Trong mỗi lần như vậy, tác giả luôn bộc lộ cảm xúc bằng những bài thơ do mình sáng tác. Cảm xúc trữ tình trên lộ trình đã tạo ra sự đan xen trong cấu trúc hành trình của tác phẩm du kí. Tuy nhiên, những khoái cảm hay tình cảm bộc lộ trên đường là tâm trạng khao khát của chủ thể và đang thực hiện khao khát đó. Trên các lộ trình như sang Lào,

vào Nam, đến Huế, lên Lạng Sơn – Cao Bằng Phạm Quỳnh thường bộc lộ cảm xúc và gửi gắm nó vào trong các câu thơ, nhưng không phải thơ do ông sáng tác mà các câu thơ dân gian hay câu thơ xúc cảnh của một nhà thơ nào đó đã từng lưu truyền trong dân chúng.

Trong du kí Việt Nam có nhiều địa danh, có những địa danh quen thuộc như Hà Nội, Huế, Sài Gòn, nhưng cũng nhiều địa danh chưa quen với nhiều người. Dù quen hay lạ, khi đến một nơi nào đó thuộc về đất nước mình, các nhà du kí Việt Nam thời bấy giờ không khỏi xúc động, có nơi gợi nên sự trìu mến thân thương, có nơi gợi cảm hứng thơ ca, ca ngợi, tự hào, có nơi gợi sự trầm lắng, suy tư,… Không như tùy bút, cảm hứng trữ tình trong du kí thường đan xen với các cảm hứng khác để tạo ra cấu trức tự sự - trữ tình đặc trưng của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

Khi Nguyễn Tiến Lãng đang băn khoăn “không biết có nên tới Thần kinh” để thăm Phạm Quỳnh hay chỉ viết thư hỏi thăm thôi bởi vì ông còn phải nhiều việc đáng lo thì lúc mới ra đến nhà ga, ông đã “thấy trong mình khoan khoái”. Lại tới Thần kinh viết nhân chuyến đi Huế lần này, không phải như lần đầu, trên đường đi, ông nghĩ đến Huế với lòng say đắm khi bỗng nhớ đến những câu ca dao xứ Huế như “Đường vô xứ Huế quanh quanh (…) Yêu em anh cứ anh vô …”. Huế trong cảm xúc của Nguyễn Tiến Lãng mỗi lúc mỗi khác. Khi đang là học trò của trường Albert Sarraut, tác giả say sưa đến nỗi bỏ cả học hành để đi xem lễ tế đàn Nam Giao, đi “cung chiêm các tôn lăng”, nhưng trở lại Huế lần này, cảm hứng trữ tình đã hòa với cảm hứng văn hóa tạo nên những câu văn bay bổng cảm xúc.

“… Ta đã tặng Huế một phần quí báu nhất của tấm lòng ta, nhưng không bao giờ chẳng tránh khỏi vuốt ve Huế một đôi chút, như một giai nhân đáng yêu mà rất yêu, như một người nhu mì mà đại lãn, một người nũng nịu ru ngủ cho ta đã từng thử ca ngợi trong một vài vần thơ.”

(Nam Phong, số 200, tr.81)

Cảm hứng trữ tình cũng thường hòa với cảm hứng lịch sử mỗi khi chủ thể trữ tình đi qua một địa danh sử tích. Nguyễn Hữu Tiến trong một lần đi Chơi vịnh Hạ Long, khi qua cửa sông Bạch Đằng cũng không khỏi bồi hồi xúc động:

“ … Đến nay tôi mới đến thăm qua cái nơi chiến trường ở trên dòng sông bãi cát này, thì còn biết đâu là nơi cắm chông sắt, nơi phục binh thuyền, chỉ thấy ngọn nước thủy trào sớm hôm lên xuống ào ào, cuộc tang thương thay đổi mấy đời triều, ai còn nhớ đến đoạn lịch sử vẻ vang ở trên dòng sông nước chảy này nữa. Song những người hữu tâm mà qua

đây sực nhớ câu thơ “Bằng giang tự cổ huyết do hồng” thì cũng tưởng tượng như trông thấy Ngô Vương Quyền, Trần Hưng Đạo đang hò hét quân sĩ ở trên ngọn trào lớp sóng; vẻ vang thay! Hùng tráng lắm thay!”

(Nam Phong, số 82, tr. 322)

Cảm hứng trữ tình cũng hòa với cảm hứng thiên nhiên, cảm hứng lãng mạn mỗi khi tác giả đi qua những nơi gắn liền với một địa danh đã từng tồn tại trong nội dung văn học. Trong Mười ngày ở Huế, khi qua Đèo Ngang, Phạm Quỳnh bỗng nhớ đến câu thơ của bà Huyện Thanh Quan:

Thực là:

Dừng chân đứng lại trời non nước Một mảnh tình riêng ta với ta.

Cảnh vui này mới bỏ cảnh buồn lúc nãy. Trên núi thì cỏ chen đá lá chen hoa, dưới đồng thì ruộng lúa xanh rì dòng nước cuốn, ngoài bể thì giời nước mênh mông sắc một màu.”

(Nam Phong, số 10, tr. 200)

Cảm hứng trữ tình cũng hòa với cảm hứng nhân đạo khi đối tượng trữ tình không phải cảnh vật mà là con người:

“Khi xuống xe thấy một ông lão già ngồi bên đường như người hành khất, hình dáng tiều tụy, không nói không năng. Than ôi! Khoảng vắng đường dài, trên rừng dưới bể, lão ở đâu đến, lão ngồi chi đây? Hay là lão cực nỗi đời khốn khổ, đem thân tự hiến cho sơn quân? Thương thay!” (tr.201).

Cảm hứng trữ tình trong du kí thường là để phản ánh sự vật, nhưng cũng có những trường hợp để suy nghiệm hay tự vấn bản thân. Trong tác phẩm Sau tám năm trở lại thăm Lao Kay, Nhật Nham bộc lộ:

“… đoái trông non nước xa xa, bồi hồi, cảm tưởng lại nghĩ đến mới ngày nào cũng đứng đây, cũng vẫn giang sơn này, mà tám năm như chớp mắt, tựa như chim bay! Tháng ngày lần lữa, cảnh vật đổi thay, mà riêng mình sự nghiệp chưa thành, nhân đó lòng buồn man mác, lòng sinh vô hạn cảm.”

(Tri Tân, số 46, tr. 20)

Cảm hứng trữ tình phổ biến trong du kí giai đoạn này là xúc cảm thành thơ. Thông thường, người đi du lịch làm thơ để tả cảnh vật, nhưng nhiều trường hợp nhìn cảnh mà sinh tình bởi cảnh có thể gợi tình, gợi tâm sự để tác giả bộc lộ cảm xúc. Nhưng mặt khác, thơ trong du kí cũng mang đặc điểm riêng, đó là tính đa dạng của đề tài và cảm hứng, phong phú về các thể thơ và ngôn ngữ; đặc biệt thơ còn là một trong các phương

thức trần thuật của tác phẩm du kí.

3.2.5. Cảm hứng thế sự

Cảm hứng thế sự hiếm thấy trong du kí giai đoạn trước đó nhưng đến nửa đầu thế kỉ XX thì nó xuất hiện khá nhiều. Với sự tác động của báo chí, có lúc song hành với báo chí, cùng với các thể loại mang chức năng cảnh tỉnh xã hội như phóng sự, tản văn, nghị luận (lúc đó gọi là “thời đàm”), du kí Việt Nam còn thâm nhập vào đời sống xã hội như là một chức năng mang tính thời đại của nó. Đội ngũ nhà văn viết du kí cũng là những người làm báo, nên dù viết về cảm nhận của mình lúc du hí hay đi công cán thì ý thức nghề nghiệp cũng theo đuổi họ, chi phối sự quan sát, cảm nhận và đánh giá của họ đối với hiện thực. Những cái tiêu cực, hủ bại của cuộc sống đã làm cho các nhà văn như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh (khi viếng cảnh chùa Hương), Mãn Khánh Dương Kỵ (khi đến thăm điện Hòn Chén) quan tâm nên trong tác phẩm du kí của họ không thể không kể chuyện u mê, cuồng tín của một bộ phận dân chúng.

Trên hành trình của chuyến du lịch, cảnh đẹp đã nhiều nhưng cảnh xấu không phải không thấy. Trong bài du kí Sự du lịch đất Hải Ninh, Trần Trọng Kim đã đến một cái làng của người Tàu và quan sát tỉ mỉ cuộc sống của họ như những người làm phim phóng sự:

“Tôi sang chơi mấy lần mà lần nào cái mùi bẩn nó xông lên cũng buồn nôn. Ở bên ấy, nhà nào cũng có một vài con lợn và một đàn gà, nuôi ngay ở trong nhà, quây quần ngay chỗ người ngồi. Trông xuống nền nhà thì thấy đen đen như chuồng phân của ta, mà lại ươn ướt thật là ghê. Thế mà người ngồi ở đấy, giường nằm ngủ ở đấy, không biết sao mà chịu được. (…) Cũng vì thế cho nên những người mà cả đời chỉ trông thấy những điều đê hạ, và chỉ làm những điều đê hạ, thì dẫu làm việc gì cũng giở những ngón đê hạ ra mà vẫn không biết mình làm điều đê hạ.”

(Nam Phong, số 71, tr. 385)

Những điều mà tác giả quan sát và miêu tả trên lộ trình không chỉ là để tái hiện hình ảnh của hiện thực như kiểu phóng sự mà là một cách cảm nhận của chủ thể về đời sống thông qua phản ánh hiện thực.

Trên đường đến gò Óc Eo để tham quan địa điểm khảo cổ ở Nam Bộ, Trần Huy Bá đã quan sát khả tỉ mỉ cuộc sống của người Nam Bộ, từ công việc kiếm sống cho đến tính cách của họ:

“Đây lại mấy chủ chữa xe đạp ở ngay lề đường. Thôi thì đủ các thứ ruột xe, vành bánh, kìm búa. Thực là ngổn ngang chướng mắt. Bên cạnh lại mấy chú chuyên nắm chải mũ dạ thuê: chú rữa, chú quay, chú làm bắn tung những giọt nước bẩn đầy bồ hôi lên khách qua đường, nhưng chú vẫn không cần xin lỗi.”

("Hai tháng ở gò Óc Eo", Tri Tân, số 168, tr.19)

Cảm hứng thế sự không phải lãnh địa của du kí. Nhưng vào giai đoạn lịch sử này, những vấn đề nhân sinh đang đã trải khắp đất nước nên dù vô tình hay hữu ý, những hình ảnh đất nước, con người đan xen lẫn nhau đã đi vào du kí là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, sự phản ánh xã hội trong tác phẩm du kí vẫn có nhiều khác biệt so với các thể loại khác như tiểu thuyết và phóng sự. Đó là nhà văn không dụng công để xây dựng hình tượng như trong các thể loại khác mà thông qua phương thức trần thuật mang tính quan phương của người đi du lịch đã ghi lại hình ảnh cuộc sống như là dấu tích của lộ trình để lại dấu ấn trong trí nghĩ của nhà văn.

*

* *

Nhiều người coi du kí nói chung, du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX là thể tài không phải là không có lí do. Tính phong phú của đề tài du kí chi phối bởi các cuộc hành trình nên có thể nói du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX như là một cuộc tổng điều tra về văn hóa, lịch sử, phong cảnh của Tổ quốc. Bên cạnh những đề tài đã có trong du kí trước thế kỉ XX như đề tài danh lam – thắng cảnh, đề tài quốc tế, du kí nửa đầu thế kỉ XX còn có những đề tài mới như: đề tài văn hóa, đề tài lịch sử, đề tài dân tộc thiểu số. Cùng với sự phong phú về đề tài, sự đa dạng của cảm hứng đã làm nên đặc điểm nội dung của du kí Việt Nam thế kỉ XX. Ngoài những cảm hứng trong văn chương truyền thống như: cảm hứng yêu nước, cảm hứng thế sự, cảm hứng trữ tình, trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX còn có những cảm hứng: cảm hứng viễn du, cảm hứng tâm linh. Như vậy, du kí vừa mang những đặc điểm chung của văn học dân tộc, vừa có những đặc trưng riêng, phù hợp với thời đại của nó.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022