Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 12

cộng đồng. Nhờ sự đa dạng của các cuộc hành trình trong một giai đoạn lịch sử có ý nghĩa không chỉ đối với văn hóa – xã hội mà còn có ý nghĩa đối với nghệ thuật, những địa danh, phong tục, lối sống của những dân tộc thiểu số chung sống trên lãnh thổ Việt Nam được hiện lên trong những trang du kí Việt Nam đã phá vỡ khoảng cách cùng với những quan niệm lệch lạc, những thái độ kì thị, miệt thị của xã hội đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Ở vào giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX, Việt Nam đang đứng trước những thách thức của văn hóa ngoại nhập và văn hóa nội sinh còn có nhiều yếu tố bỏ ngò thì với đề tài này, du kí đã góp phần khai thông nhận thức vấn đề văn hóa giữa các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, mở ra một con đường mới để khám phá thế giới của nghệ thuật trong văn học Việt Nam hiện đại.

3.2. Sự đa dạng về cảm hứng

Từ thế kỉ XIX, Hanry James đã đưa ra quan niệm của mình về tầm quan trọng của nghệ thuật. Ông cho rằng, nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật văn chương tạo ra cuộc sống, tạo ra sự quan tâm, tạo ra sự quan trọng” [66]. Khi văn bản du kí trở thành tác phẩm văn chương, nó không còn nguyên dạng của sự phản ánh kiểu mô phỏng hiện thực như người ta thường cố tình gán cho nó mà ngược lại du kí, với tính chất văn chương của nó, đã để lại dấu ấn cho cuộc sống, làm cho mọi người quan tâm hơn đến những khả năng mà cuộc sống có thể tạo ra nhờ sự di chuyển. Nếu hiểu cảm hứng là một điều gì đó thôi thúc con người thì ở đây muốn nói đến sự thôi thúc con người đi đến một nơi nào đó, khiến người ta nhìn thấy cái này mà không thấy cái kia. Trong cuộc sống, những yếu tố tâm lí như: cảm xúc, khoái cảm, suy tư hay sự thăng hoa, hưng phấn,

… đều trở thành cái để thôi thúc con người, đòi hỏi con người phải thể hiện một hành động cá nhân nào đó. Những yếu tố này có khả năng thôi thúc người viết du kí phải viết, phải kể, phải tả về những điều mình chứng kiến, mình quan sát, mình suy nghĩ. Sự say mê, lòng nhiệt thành hay ý thức về một trách nhiệm đối với xã hội hay bản thân như là một sự chuẩn bị cho một cuộc hành trình, đồng thời nó cũng có thể được xem là điều kiện cần thiết cho tác phẩm du kí ra đời. Nhưng không nên nghĩ một cách đơn giản rằng, mọi sự chuẩn bị về tâm lí cho một cuộc hành trình là cảm hứng của tác phẩm du kí, cũng không qui du kí về một số cảm hứng chủ đạo như người ta thường làm đối với văn học trung đại. Trong du kí có cả những cảm hứng của văn chương truyền thống như: cảm hứng thế sự, cảm hứng yêu nước, cảm hứng nhân đạo, cảm hứng thiên nhiên, cảm hứng

trữ tình, cảm hứng lãng mạn, … hay những cảm hứng thường thấy trong văn học hiện đại như cảm hứng bi tráng, cảm hứng giễu nhại, cảm hứng phê phán, cảm hứng ngợi ca, cảm hứng trào lộng, … nhưng du kí cũng có những cảm hứng đặc thù của nó. Qua khảo sát du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, chúng tôi còn nhận ra một số cảm hứng khác mang tính đặc trưng như: cảm hứng viễn du, cảm hứng phiêu lưu, cảm hứng văn hóa - lịch sử, cảm hứng tâm linh, cảm hứng tôn giáo,…

Do các yếu tố ngoại cảnh có khả năng tác động trực tiếp đến tình cảm, cảm xúc của con người nên trong nhiều tác phẩm du kí có sự đan xen các cảm hứng. Nói cách khác, cảm hứng trong du kí không phải là sự bắt đầu hay kết thúc của quá trình sáng tác mà thường là nảy sinh trong quá trình của cuộc hành trình và đan xen trong quá trình hình thành tác phẩm dưới sự điều khiển của tư tưởng. Cảm hứng trong du kí có thể được nói lên thành lời, nhưng cũng có khi ẩn chứa trong một số phương thức tự sự như cách kể, cách tả, cách tạo bối cảnh, không gian cho sự kiện,… Để làm rò đặc trưng nội dung du kí trong giai đoạn này, chúng tôi chỉ khảo sát một số cảm hứng có tính tiêu biểu sau đây.

3.2.1. Cảm hứng viễn du

Du kí trước thế kỉ XX có một số tác phẩm viết về một số chuyến đi đến những nơi xa xôi nhưng đó là những chuyến công du nước ngoài của những người có chức phận. Chỉ đến nửa đầu thế kỉ XX, những chuyến đi ra nước ngoài với sự đa dạng về mục đích hành trình thì du kí đã tiến gần với văn chương hơn. Khảo sát một số tác phẩm du kí trong giai đoạn này, chúng tôi nhận thấy cảm hứng viễn du trở thành nét đặc trưng của nội dung du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

Cảm hứng viễn du là sự hứng thú đến những nơi xa xôi, những nơi có sức hấp dẫn về sự khác lạ, hoang sơ, kì bí hay một điều gì đó tương tự. Cảm hứng viễn du đối với một cuộc hành trình thường có trước khi xuất hành, điều mà sự nhận thức và tư tưởng của người tham gia cuộc hành trình thôi thúc họ trở thành tác giả và muốn họ phải viết ra một điều gì đó qua mắt thấy tai nghe.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.

Xét về bối cảnh văn hóa – xã hội lúc bấy giờ, những trở ngại về không gian đã được khai thông bởi hệ thống giao thông, nhu cầu hiểu biết đã được khai trí, giáo dục thuộc địa khuyến khích sự mở rộng tầm nhìn và hiểu biết của con người bằng các hoạt động như: du học, tham quan, du lịch. Đội ngũ trí thức nho học đã có những thay đổi

nhận thức nhất định, nhất là sự cần thiết phải cải thiện không gian và quan hệ. Sự thâm nhập các luồng văn hóa khác nhau trong bối cảnh của một nước thuộc địa cần phải canh tân buộc người ta phải vượt ra khỏi không gian của mình để nhận ra những mảng sáng tối. Nếu trước đây, những cuộc du lãm giúp nhà văn, nhà thơ tìm cảm hứng sáng tác nên họ không cần phải đi xa, chỉ đến nơi nào đó có phong cảnh hữu tình, không gian tĩnh lặng thì bước sang thế kỉ XX, giữa tư tưởng và cảm hứng, giữa cảm hứng và nhu cầu trở nên khó phân biệt nên những chuyến đi xa trở thành tác dụng kép cho những người vừa muốn mang trách nhiệm của nhà văn, nhà báo vừa thỏa mãn nhu cầu của một du khách. Những nơi xa xôi của đất nước mình, trên rừng, dưới biển, những địa danh lịch sử văn hóa ít người biết đến, những quốc gia có nền văn hóa lâu đời hay những lân bang mà trước đây chưa có phương tiện đi lại thì đến giai đoạn này trở thành đích đến hay khát vọng hành trình của những nhà báo, nhà văn.

Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX - 12

Phạm Quỳnh thường nói đến trách nhiệm của nhà văn qua những cuộc hành trình dù với mục đích nào thì khi “đi Tây, đi Tàu, đi Phú Xuân, đi Đồng Nai trở về phải viết bài du kí …” (Nam Phong, số 96, tr.507). Nhưng dù đi đâu, động cơ của những chuyến đi này trước hết “đi chơi xa có lẽ cũng là một cách khuây khỏa cho đỡ buồn” (Nam Phong, số 96, tr.508). Vì vậy, văn du kí của Phạm Quỳnh thường viết về các cuộc hành trình đến những nơi xa xôi để được xứng danh là tác phẩm du kí.

Cảm hứng viễn du của Phạm Quỳnh bắt đầu bằng sự kết hợp với cảm hứng văn hóa nhân chuyến đi thăm kinh thành Huế và dự lế tế Đàn Nam Giao. Cảm hứng này đã được ông nói ra từ đầu bài du kí Mười ngày ở Huế “Nhân dịp tế Nam Giao, tôi có về chơi Huế, thật là phỉ cái lòng mong mòi đã lâu nay” (Nam Phong, số 10, tr.198). Cái lòng mong mòi đó của Phạm Quỳnh xuất phát từ “cái lòng ái quốc cứ ngang ngang trong dạ” (tr.198), nên chuyến đi này để thỏa mãn cái nhu cầu “mắt đã được trông, tai đã được nghe, tinh thần đã cảm cái hồn xưa của loài giống, thân thể đã gội cái khí thiêng của núi sông” (tr.198). Ông đã so sánh cái lộ trình xưa và nay “Xưa trẩy kinh mất hai mươi ngày, nay nhờ có xe lửa xe hơi, đi đường bộ mất hai ngày tròn” để nói sự cảm khoái vè cái lộ trình được rút ngắn nhờ phương tiện. Cảm xúc của ông khi miêu tả lộ trình, vì thế cũng bay bổng: “Xe hơi đi phăng phăng như nuốt đường, gió lộng tứ phía như đập vào mặt, vào tai mà thành một thứ âm nhạc riêng …” (tr. 199).

Nếu trong cuộc hành trình đến Huế, khi trở về mới viết du kí thì cuộc cuộc hành trình sang Pháp được viết ngay để “đến khi về nhà làm sách vậy” nên bài du kí mới có

tên là Pháp du hành trình nhật kí. Chuyến du Pháp lần này của Phạm Quỳnh không phải là du lịch mà “được quan Thống Đốc Bắc Kì cử sang Đại Pháp thay mặt cho Hội Khai Trí Tiến Đức dự Hội đấu xảo ở Marseille, lại được quan Toàn quyền phái sang diễn thuyết mấy trường lớn ở Paris” (Nam Phong, số 58, tr.253). Với phương tiện tàu thủy, lộ trình sang Pháp phải mất hai mươi ngày, ông đã dành đến ba số tạp chí để in về câu chuyện trên đường đi. Mặc dù phải vất vả trên chuyến tàu biển, có lúc phải gặp sóng to gió lớn nhưng tác giả vẫn say sưa mô tả cảnh vật, kể chuyện mình, nhất là những lúc phải trải qua những cơn say sóng. Cảm hứng viễn du đã thấm vào trong từng câu văn của Phạm Quỳnh: “Mặt trời mới mọc, trông vào bến Singapore, không cảnh gì đẹp bằng, như một bức tranh sơn thủy vậy” (Nam Phong, số 58, tr. 257). Qua mỗi nơi được tác giả cảm nhận và so sánh “Thành phố Colombo lớn hơn Penang, lớn hơn Singapore nhiều và có một điều lạ khác hai nơi đó là suốt trong phố phường không có một hiệu khách nào,…” (Nam Phong, số 59, tr. 233). Cứ như thế, hàng loạt địa danh mới lạ xuất hiện liên tục và được miêu tả một cách tỉ mỉ, chính xác trong du kí của Phạm Quỳnh. Cảm hứng viễn du trong cuộc hành trình đến nơi mà “đường đi đã cách trở, mán mọi còn thú gì” nhưng Phạm Quỳnh vẫn hào hứng bởi để thực hiện cái ý định như ông đã nói “Đã lâu tôi vẫn có ý muốn đi Lào một chuyến, trước để biết quan phong thổ đất Lào, sau là thăm đồng bào ta ngụ cư bên đó” (Nam Phong, số 159, tr. 6). Cảm hứng viễn du trong bài du kí Du lịch xứ Lào thể hiện rò ở tính mục đích của cuộc đi: quan phong và thăm đồng bào.

Trước Phạm Quỳnh chín năm, Trần Quang Huyến cũng đã có chuyến hành trình sang thăm xứ Lào. Cảm xúc trước thời khắc của cuộc hành trình này không ít bi lụy. Mở đầu Ai Lao hành trình là bài thơ lục bát mô tả cảnh người đi kẻ ở:

Ngại ngùng chân bước lên tàu, Kẻ đi người ở thành sầu ai xây? …

Nhưng không như suy nghĩ ban đầu, đi đến đâu trên đất Lào tác giả cũng say sưa, mỗi nơi, mỗi cảnh, mỗi việc sau lời miêu tả là đi kèm bài thơ. Cảm khoái về chuyến đi, Trần Quang Huyến thốt lên: “Nước non xa lạ, phong cảnh tuyệt vời, dám đem ngọn bút, tỏ giãi mươi trang, lời thô bỉ, câu quê kịch, xin tường thuật lại những cảnh ngộ ở dọc đường trong bấy nhiêu ngày, thăm thẳm trên sông mặt bể, dưới núi bên rừng, để ghi nhớ những sự từ bình sinh cho đến giờ mới được từng biết” (Nam Phong, số 57, tr. 197).

Nguyễn Bá Trác viết Hạn mạn du ký sau cuộc hành trình đã 5 năm, nhưng như

tác giả đã viết, “những điều mắt thấy tai nghe hãy còn in trong trí nhớ” (Nam Phong, số 38, tr.394). Ghi lại cuộc hành trình trong 6 năm, “từ năm 1908 bước chân ra đi, đến 1914 trở về Sài Gòn”, qua nhiều nơi như Xiêm La, Nhật Bản, Trung Hoa mà “hồi tưởng lại giống như cảnh mộng”, Nguyễn Bá Trác đã đưa người đọc đi theo những trải nghiệm của bản thân ông đến những địa danh mà lúc bấy giờ còn xa lạ với nhiều người. Thông qua hồi tưởng của Nguyễn Bá Trác, cuộc hành trình của ông không phải là để chơi phiếm như tác giả đặt nhan đề mà là một sự khám phá mọi mặt về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, quân sự ở các nước mà ông đặt chân đến. Nếu không chuẩn bị cho mình cái tư tưởng tìm hiểu đất nước người thì làm sao sau chừng đó năm trời, tác giả nhớ lại những gì đã trải qua như đang chứng kiến trước mặt từng chi tiết, từng sự việc để kể lại một cách tường tận như thế?

Cơ sở hiện thực của cảm hứng viễn du chính là sự thuận lợi của việc đi lại, sự tân tiến của phương tiện so với đi bộ hay đi ngựa trước đó. Vì thế, trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX có nhiều bài nói về cảm nhận của người tham gia cuộc hành trình đối với phương tiện hay lộ trình. Về phương tiện, ngoài những bài nói về cảm giác được ngồi trên máy bay trong bài Đi tàu bay của Phan Tất Tạo, Ha noi – Vientiane trong hai giờ của Vũ Nhật thì phần lớn những bài du kí đều nói đến phương tiện đi lại như ô tô, tàu lửa, tàu thủy và được coi là những phương tiện hiện đại lúc bấy giờ. Về lộ trình, ngoài những bài miêu tả sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác của tác giả - người đi du lịch thì còn có những bài chủ yếu nói đến quãng đường từ nơi này đến nới khác như: Hành trình mạn ngược từ Cao Bằng xuống Phú Thọ của Vũ Khắc Tiệp, Lược kí đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn của Mẫu Sơn Mục N.X.H., …

Cảm hứng viễn du của du kí Việt Nam đầu thế kỉ XX nằm trong xu hướng du kí thế giới nửa cuối thế kỉ XIX, nhưng cũng là tiền đề của du kí Việt Nam đầu thế kỉ XXI xét trên phương diện nội dung với những tên tuổi khá quen thuộc với bạn đọc như: Trần Bạch Đằng, Trung Nghĩa, Ngô Thị Giáng Uyên, Nguyễn Phương Mai, Nguyễn Thị Khánh Huyền, …Đặc điểm nổi bật của cảm hứng viễn du trong giai đoạn này là sự kết hợp với cảm hứng văn hóa với ý nghĩa: đi đến nơi xa để tìm hiểu văn hóa mà cốt yếu là tìm hiểu văn hóa chính mình.

3.2.2. Cảm hứng yêu nước

Đề tài nổi bật của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX là văn hóa và lịch sử. Điều này cho thấy các nhà văn, nhà báo đã luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc nên việc tìm

hiểu, khám phá để công bố cho quốc dân đồng bào về văn hóa, lịch sử dân tộc như là một động cơ thúc đẩy các cuộc hành trình: đi thăm, đi chơi, đi du lịch, …

Cơ sở xã hội của cảm hứng yêu nước trong du kí Việt Nam giai đoạn này là xuất phát từ hoàn cảnh của người trí thức trong một nước thuộc địa luôn ý thức về thân phận và trách nhiệm của mình trước lịch sử và thời đại. Với chính sách “khai hóa”, người Pháp đã từng bước thay đổi hệ thống giáo dục, chuyển từ nền giáo dục Hán học sang nền giáo dục Pháp – Việt. Đội ngũ trí thức Việt Nam phân hóa thành hai lớp: Tây học và Hán học. Thông qua các con đường giáo dục và chính sách thuộc địa, văn hóa Pháp xâm thực một cách hỗn hợp vào văn hóa Việt Nam, trong đó có một số tác động tiêu cực như thay đổi thuần phong mĩ tục và làm phai mờ một số nét đẹp truyền thống dân tộc. Sự ra đời của hàng loạt tờ báo là cơ hội để tri thức Việt Nam công khai tư tưởng yêu nước và dân tộc của mình. Nhiều hình thức của thể loại văn học và báo chí đăng trên các báo và tạp chí đã chuyển tải các nội dung khác nhau liên quan đến vấn đề dân tộc và thuộc địa. Du kí, với tính không ràng buộc của hình thức thể loại có khả năng dung nạp chủ thể sáng tác với nhiều đối tượng khác nhau đã xuất hiện trên nhiều tờ báo, như là một kiểu phát ngôn công luận mà bên ngoài giống như để quảng bá du lịch nhưng bên trong chính là sự thể hiện thái độ đối với hiện thực của xã hội và lịch sử của dân tộc. Như vậy, sự chi phối các cuộc hành trình trong tính mục đích của nó (cơ sở để hình thành tác phẩm du kí), chính là nhận thức văn hóa – lịch sử dân tộc.

Khi nói đến cảm hứng văn hóa, tức là nói đến thái độ ứng xử của chủ thể trước các đối tượng trong môi trường văn hóa. Còn cảm hứng lịch sử là quá trình nhận thức quá khứ của dân tộc thông qua những cơ sở tồn tại hiện thực của nó. Tuy nhiên, trong du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, cảm hứng văn hóa chi phối cách nhìn của nhà văn đối với các vấn đề lịch sử nên dù là nhân vật hay sự kiện của lịch sử không còn nguyên thể mà được khuếch chiếu sang phạm trù văn hóa để nhà văn tỏ thái độ về nó, liên tưởng đến nó, sử dụng nó như là phương tiện nhận thức thế giới trong cuộc hành trình. Trên quan điểm về cảm hứng văn hóa – lịch sử này, có thể khảo sát du kí Việt Nam theo từng đối tượng:

Với đề tài lịch sử, các cuộc hành trình trong du kí hướng về những di tích lịch sử và hiện thực của các di tích này tác động vào tình cảm và thái độ của nhà văn. Trong cuộc dạo chơi thăm di tích Loa Thành, Nguyễn Đôn Phục xác định:

“Cuộc đi chơi này, đã là cuộc đi chơi về lịch sử thì cái lịch sử Loa thành này thế nào,

chắc là phải có đoạn sử bút khá dài, khá kì dị, khá ai oán, khá lâm li, kí giả cũng không dám ngại phiền xin tả rò ra đây để những khách hữu tình trong bạn đồng bang ta cùng xem mà công cảm.”

("Bài ký chơi Cổ Loa", Nam Phong, số 87, tr. 203)

Trong Bài kí chơi Cổ Loa, Nguyễn Đôn Phục đã dành đến ba trang để nói về lịch sử dân tộc đời An Dương Vương liên quan đến di tích Cổ Loa. Đáng lẽ bàn đến nhân vật lịch sử là An Dương Vương thì tác giả say sưa nói đến nỗi oan của nàng Mị Châu. Ông cho rằng: “Oan có thể lí giải được, cái oan ấy không kì, oan mà không thể giải được, cái oan ấy mới kì” (tr. 206). Từ cái “oan kì” ấy mà tác giả dẫn dắt độc giả đến với “Miếu Bà Chúa” thờ nàng Mị Châu. Nguyễn Đôn Phục say sưa tả, kể, luận bàn về cái miếu này. Cảm hứng văn hóa chi phối cái nhìn đối với hiện vật lịch sử bị người đời tô tạo theo ý mình, tác giả liên tưởng: “Tôi lại sợ rằng, quyển truyện Thúy Kiều của cụ Tiên Điền ta, chừng độ vài mươi năm nữa, sĩ phu xuyên tạc chú thích nhiều, phụ họa bàn tán nhiều, lạm ý sửa đổi nhiều, xã hội xuất bản nhiều thì cũng bị oan như hòn đá kia vậy” tr. 207). Đó là thái độ phê phán sự xuyên tạc lịch sử từ góc nhìn văn hóa. Khi mô tả cảnh vật qua hành trình: đi xem miếu, xem đền, đi qua đại môn, gặp các bô lão, trở lại đình, ra thăm mã nàng Mị Châu giữa đồng, ông luôn xen vào những câu mang tính nhận định, bình xét dựa vào kiến thức lịch sử để liên tưởng quá khứ, nhìn lại hiện tại, nhìn về tương lai, tạo ra một dòng chảy cảm xúc và lí trí kết hợp, lôi kéo người đọc đi theo mà không cưỡng lại được.

Ở một góc nhìn văn hóa khác đối với đề tài lịch sử, việc đi xem đền Lí Bát Đế như một cuộc chơi phiếm, nhưng khi đến nơi tác giả mới cảm nhận được văn hóa và lịch sử của ngôi đền này. Trong Một buổi đi xem đền Lí Bát Đế, Phạm Văn Thư đã nói lên cảm nhận của mình:

“Chùa Cổ Pháp xem cũng chẳng có cái kiến trúc mĩ lệ, cái phong cảnh thiên nhiên gì, thế mà xem xong ai cũng lấy làm thích, có lẽ bởi đó là cái vết tích cũ về lịch sử, phàm những nơi có vết tích cũ thuộc về lịch sử nước mình ai xem tất cũng có cảm động.”

(Nam Phong, số 91, tr. 37)

Di tích lịch sử còn được thể hiện dưới góc nhìn dân gian qua các câu chuyện truyền thuyết. Con rùa đặt trước lăng vua Lê Uy Mục được Phạm văn thư mô tả bằng câu chuyện mang tính huyền thoại:

“Nguyên khi vua Uy Mục bị Giản Tu Công giết thì đem táng ở làng mẹ và xây lăng gọi

là An lăng. Tục lại truyền rằng: khi vua Uy Mục bị bắt thì con rùa ấy ở kinh đô bò suốt đêm vừa đến sáng đến làng Phù Chẩn thì đứng lại; con rùa ấy ngày xưa đêm cứ đi quấy nhiễu các làng chung quanh đấy, sau người ta phải chém ba nhát vào đầu nó và đục mắt trái nó đi thì nó mới mất thiêng.”

(Nam Phong, số 91, tr. 39)

Trong nhiều bài du kí ở giai đoạn này, dù đi đến đâu, các nhà văn, nhà báo thời bấy giờ cũng đều thấy trong đó những dấu tích lịch sử, thôi thúc họ ghé thăm và cảm nhận về nó. Cảm hứng văn hóa – lịch sử trong du kí Việt Nam đã làm cho những di tích, di vật, hiện vật không đơn thuần là hình ảnh vật chất, trái lại nó được tái hiện bằng câu chuyện cổ tích, huyền thoại kết hợp với những lời nhận xét, suy tưởng, cùng với lời văn mang tính biểu cảm đã trở nên có hồn, có cánh. Có những địa danh sử tích văn hóa đã từng đi vào văn học, nhưng trong nhiều tác phẩm du kí, nó được vẽ lại bởi một bức tranh khác, ở góc nhìn khác. Trong bài du kí Am Tiên, Hoàng Minh đã dựng lại cái am cũ nát bằng huyền thoại của người tiều phu ở núi Na, nhưng không phải dựa vào câu chuyện trong Truyền kì mạn lục Na Sơn Tiều đối lục của Nguyễn Dữ, mà bằng câu chuyện dân gian để nói về lẽ mất còn. Chi phối bởi cảm hứng văn hóa – lịch sử, các nhà du kí của chúng ta đã phục chế lại được nhiều di tích bị thời gian tàn phá bằng nghệ thuật ngôn từ.

Đối với những tác phẩm du kí có đề tài mang ý nghĩa khảo cứu văn hóa, cảm hứng văn hóa – lịch sử đã thể hiện rò thái độ của nhà văn đối với hiện thực. Từ quan niệm cho đến cách kể, cách tả, cách nêu vấn đề, cách lựa chọn tình tiết trong tác phẩm du kí đều qui chiếu vào cảm hứng này. Cùng một di tích, địa danh văn hóa, cùng mục đích tìm hiểu văn hóa và lịch sử nhưng cách biểu thị cảm hứng ở mỗi tác phẩm mang một màu sắc khác nhau. Trong thời gian này, có nhiều nhà văn đến Huế và họ đều hướng về Huế và coi Huế như là sự hiện thân của văn hóa và lịch sử dân tộc ngay giữa thời đương đại. Nếu là du khách bình thường, Huế trong mắt họ cũng chỉ là “cái cảnh tự tại”, nhưng với Phục Ba, Cuộc đi chơi Huế là để “xúc cảnh sinh tình, tư kim hoài cổ”, Huế đã “khiến lòng ta thêm một cái cảm tưởng muốn du lịch kinh đô Huế để ngắm lại giang sơn thành quách hai mươi năm về trước thế nào” (Nam Phong, số 157, tr.586). Đến Huế mà xem thành quách thôi thì cũng chưa hiểu hết Huế nên ông phải “lưu lại Cổ học viện để xem sách” (tr.587). Trong chuyến Nam du đến Ngũ Hành Sơn, khi đi qua Huế, được quan thượng thư Phạm Quỳnh và ông nghị trưởng Nguyễn Trác đón, Nguyễn Trọng

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022