4.1.2. Bối cảnh kinh tế và định hướng điều hành cơ chế tỷ giá hối đoái của Việt Nam
*Bối cảnh kinh tế Việt Nam
Từ nay đến 2025, tầm nhìn 2030, kinh tế trong nước sẽ dần phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng cao, các cân đối vĩ mô ổn định hơn, hoạt động đầu tư sẽ sôi động; kinh tế vĩ mô có xu hướng ổn định, giá cả và lạm phát được kiểm soát hợp lý; nợ xấu của khu vực ngân hàng giảm, hiệu quả sử dụng vốn tăng lên, rủi ro cho hệ thống ngân hàng được giảm thiểu và tín dụng ngân hàng tiếp tục hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của nền kinh tế, cùng với xu hướng gia tăng nhu cầu đối với các dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Thị trường vốn tiếp tục phát triển, sẽ là kênh cung cấp vốn ngày càng quan trọng cho nền kinh tế. Sự phát triển khoa học kỹ thuật, đặc biệt sự bùng nổ CMCN 4.0 sẽ tạo ra những lực đẩy cho sự phát triển của khu vực tài chính trong phạm vi toàn cầu nói chung, cho Việt Nam và ngành ngân hàng nói riêng.
Mặc dù vậy, trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế, Việt Nam sẽ có thể phải đối mặt với những khó khăn, thách thức bắt nguồn từ những yếu kém nội tại và những áp lực bên ngoài, cụ thể như:
Kinh tế trong nước phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, chậm được cải thiện, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa chắc chắn;
Dòng vốn FDI của các đối tác lớn trên toàn cầu có xu hướng giảm cùng với sự cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt giữa các quốc gia, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển trong nước lớn, khả năng tiếp cận nguồn lực quốc tế còn hạn chế sẽ gây thách thức cho mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào vốn đầu tư của Việt Nam;
Dư địa thúc đẩy tăng trưởng của chính sách kinh tế vĩ mô bị thu hẹp, tình trạng bội chi Ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn chưa thể giảm, nợ công tăng nhanh, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tài chính doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, dư địa giảm lãi suất cho vay trong ngắn hạn không nhiều, sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động của hệ thống TCTD trong giai đoạn tiếp theo;
Hội nhập kinh tế sâu rộng khiến hệ thống tài chính ngân hàng dễ chịu tác động bởi các diễn biến vĩ mô, tiền tệ bên ngoài, đặc biệt là của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… sẽ tạo áp lực cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá hối đoái.
Một số chỉ số kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của Việt Nam do các tổ chức quốc tế dự báo cho các năm 2021, 2022, 2023 được thể hiện trong Bảng 4.1.
Bảng 4.1. Một số chỉ số kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của Việt Nam, 2016-2023
2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021F | 2022F | 2023F | |
Tỷ giá | ||||||||
Tỷ giá (USD/VND) | 22.755 | 22.700 | 23.210 | 23.155 | 23.085 | 23.150 | 23.300 | 23.417 |
Tỷ giá (RMB/VND) | 3.427 | 3.268 | 3.562 | 3.238 | 3.524 | 3.508 | 3.478 | 3.495 |
GDP và việc làm | ||||||||
Tốc độ tăng trưởng GDP/hàng năm (%) | 6,21 | 6,81 | 7,08 | 7,02 | 2,91 | 2,08 | 6,8 | 6,5 |
GDP (tỷ USD) | 252 | 277 | 304 | 330 | 343 | 361 | 397 | 436 |
GDP bình quân đầu người (USD) | 2.693 | 2.929 | 3.182 | 3.415 | 3.524 | 3.675 | 4.002 | 4.365 |
Tài khoản vãng lai GDP (%) | 0,25 | -0,60 | 1,90 | 3,79 | 4,36 | -0,23 | 0,73 | 1,95 |
Nợ công GDP (%) | 50,9 | 48,8 | 46,2 | 43,1 | 44,9 | 46,5 | 44,2 | 41,1 |
Nợ chính phủ GDP (%) | 42,1 | 41,1 | 39,5 | 37,6 | 38,9 | 40,8 | 39,1 | 36,0 |
Thâm hụt ngân sách nhà nước (% của GDP) | 2,86 | 2,18 | 2,22 | 2,65 | 4,63 | 4,11 | 3,27 | 2,90 |
Tổng dư nợ tín dụng/ GDP | 97,6 | 103,5 | 103,0 | 107,1 | 116,1 | 123,2 | 124,8 | 127,3 |
Tỷ lệ thất nghiệp cuối năm (%) | 2,30 | 2,24 | 2,19 | 2,15 | 2,63 | 3,12 | 2,37 | 2,21 |
Giá cả | ||||||||
Lạm phát bình quân 12 tháng (%) | 2,7 | 3,5 | 3,5 | 2,8 | 3,2 | 2,3 | 3,5 | 3,0 |
CPI, cuối năm (%) | 4,7 | 2,6 | 3,0 | 5,2 | 0,2 | 3,1 | 3,0 | 3,5 |
Tiền tệ và lãi suất | ||||||||
Lãi suất điều hành (%) | 6,50 | 6,50 | 6,25 | 6,00 | 4,00 | 4,00 | 4,00 | 4,50 |
Lãi suất qua đêm liên ngân hàng (%) | 3,2 | 1,7 | 3,9 | 1,4 | 0,1 | 2,0 | 2,5 | 3,3 |
Cung tiền M2 (nghìn tỷ đồng) | 7,126 | 8,195 | 9,212 | 10,574 | 11,976 | 13,485 | 15,211 | 17.036 |
Cung tiền M2 (y%) | 18,4 | 15,0 | 12,4 | 14,8 | 13,3 | 12,6 | 12,8 | 12,0 |
Dự trữ ngoại hối (tỷ USD) | 36 | 49 | 55 | 79 | 95 | 110 | 126 | 140 |
Lãi suất tiền gửi 12 tháng (%) | 6,5 | 6,5 | 6,8 | 6,8 | 5,5 | 5,7 | 6,0 | 6,3 |
Trái phiếu chính phủ thời hạn 5 năm (%) | 5,5 | 4,3 | 4,5 | 1,9 | 1,2 | 1,5 | 2,0 | 2,3 |
Trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm (%) | 6,2 | 5,1 | 5,1 | 3,4 | 2,0 | 2,7 | 2,8 | 3,0 |
Thương mại và kinh tế đối ngoại | ||||||||
Cán cân thương mại (tỷ USD) | 2,7 | 2,7 | 7,2 | 10,9 | 19,9 | 4,3 | 4,7 | 7,1 |
Tài khoản vãng lai (tỷ USD) | 0,6 | -1,7 | 5,8 | 12,5 | 15,0 | -0,8 | 2,9 | 8,5 |
Kim ngạch nhập khẩu (tỷ USD) | 173 | 211 | 238 | 253 | 263 | 315 | 361 | 410 |
Kim ngạch nhập khẩu (yjy) | 5,6 | 21,8 | 12,5 | 6,7 | 3,7 | 19,9 | 14,5 | 13,6 |
Kim ngạch xuất khẩu (tỷ USD) | 176 | 214 | 245 | 264 | 283 | 319 | 365 | 417 |
Kim ngạch xuất khẩu (%) | 9,0 | 21,5 | 14,5 | 8,0 | 6,9 | 13,0 | 14,4 | 14,1 |
Nợ nước ngoài (tỷ USD) | 90 | 108 | 110 | 122 | 133 | 148 | 157 | 163 |
Vốn FDI giải ngân (tỷ USD) | 15,8 | 17,5 | 19,1 | 20,4 | 20,0 | 21,0 | 22,5 | 25,7 |
Vốn FDI cam kết (tỷ USD) | 24,4 | 35,9 | 35,5 | 38,0 | 28,5 | 32,4 | 36,5 | 41,9 |
Kinh doanh & tiêu dùng | ||||||||
PMI ngành sản xuất (cuối năm) | 52,4 | 52,5 | 53,8 | 50,8 | 51,7 | 50,8 | 51,1 | 51,0 |
Giá trị sản xuất công nghiệp (%) (cuối năm) | 8,3 | 11,2 | 11,4 | 6,2 | 9,5 | 13,1 | 10,5 | 9,5 |
Giá trị sx ngành chế biến chế tạo (%) (cuối năm) | 12,9 | 17,8 | 13,7 | 7,0 | 13,1 | 15,1 | 13,5 | 12,5 |
Doanh số bán lẻ TB năm (%) | 10,2 | 10,9 | 11,7 | 11,9 | 2,6 | -2,3 | 9,1 | 9,1 |
Có thể bạn quan tâm!
- Tỷ Giá Hối Đoái Vnd So Với Một Số Đồng Tiền Chủ Chốt, 2016-2019
- Can Thiệp Trên Thị Trường Ngoại Hối Của Việt Nam, 2016-2020
- Nguyên Nhân Của Những Hạn Chế Trong Cơ Chế Điều Hành Tỷ Giá Hối Đoái
- Nhóm Giải Pháp Xác Định Và Tính Tỷ Giá Trung Tâm
- Đối Với Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam
- Frankel, Jeffrey, (1999), ―No Single Currency Regime Is Right For All Countries Or At All Times” , No 7338, Nber Working Papers, National Bureau Of Economic Research, Inc
Xem toàn bộ 212 trang tài liệu này.
Nguồn: Bloomberg, IMF, WB, MoF, GSO, HSC (10/2021); Ghi chú: F là dự báo
* Định hướng cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái
Trong thời gian tới, cơ chế điều hành TGHĐ của Việt Nam vẫn tiếp tục điều hành theo cơ chế TGHĐ thả nổi có quản lý và điều hành theo tỷ giá trung tâm (TGTT), tuy nhiên, rổ tiền tệ để tính TGTT của VND với USD và các đồng tiền chủ chốt có thể sẽ được điều chỉnh linh hoạt (theo hướng có nhiều đồng tiền/ngoại tệ hơn trong rổ hơn), phù hợp với tình hình thực tế hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam; cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn cần song hành với việc xây dựng một khuôn khổ chính sách tiền tệ hiện đại hơn- khuôn khổ chính sách tiền tệ lấy lạm phát làm mục tiêu.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc điều hành chính sách tỷ giá cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở tính toán và nắm bắt xu hướng của tỷ giá hiệu lực thực (REER)1, để có những điều chỉnh phù hợp tỷ giá điều hành trung tâm hay biên độ dao động của tỷ giá. Hơn nữa, việc điều hành cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt nhưng cũng cần thận trọng, thường xuyên bám sát biến động của đồng USD và các đồng tiền chủ
chốt khác trên thị trường thế giới và dựa trên quan hệ cung - cầu ngoại tệ ở thị trường trong nước để đảm bảo tránh những cú sốc về rủi ro khi môi trường kinh tế thay đổi nhanh chóng. Luôn công bố biên độ dao động cả hai chiều, nghĩa là TGHĐ có thể tăng và cũng có thể giảm trong ngắn hạn, như vậy sẽ hạn chế được tâm lý chờ đợi đồng USD tăng giá thường xuyên so với VND.
Các hoạt động can thiệp của NHNN không thể là những công cụ về mặt nguyên tắc để kiểm soát TGHĐ, mà chỉ có những tác động nhất định rồi lại phải triệt tiêu thông qua những giao dịch ngược chiều sau đó. Hướng phát triển lâu dài là giảm dần sự điều tiết của Nhà nước bằng cách luôn mở cả hai chiều biên độ và tăng biên độ một cách đáng kể cho đến khi đã có đủ các điều kiện vĩ mô (tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; xây dựng và quản lý quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia vững mạnh, đảm bảo an toàn, thanh khoản và có lợi nhuận; xây dựng một hệ thống ngân hàng đủ mạnh, có khả năng tham gia vào thị trường ngoại hối quốc tế; phát triển thanh toán qua ngân hàng; phát triển các thị trường tài chính, tiền tệ trong nước; chính sách huy động vốn ở trong và ngoài nước có hiệu quả, có hành lang pháp lý đồng bộ và đầy đủ để tạo dựng và
1 Kể từ năm 2003, NHNN đã bắt đầu tính toán chỉ số REER và đưa vào làm cơ sở tham khảo trong điều hành tỷ giá hàng ngày nhằm dần dần tách rời sự neo buộc của VND vào đồng USD và từng bước gắn kết VND vào một
―rổ tiền tệ‖ gồm các đồng tiền của các nước đối tác thương mại chính. Hàng ngày, NHNN cập nhật các biến động của tỷ giá hối đoái danh nghĩa của các đồng tiền trong rổ để đưa vào mô hình xác định chỉ số tỷ giá hiệu lực thực này, bao gồm các biến số điều chỉnh lạm phát và quyền số thương mại. Chỉ số REER đã được sử dụng như một tham chiếu để NHNN tác động vào tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng nhằm hướng tỷ giá theo mức mục tiêu đảm bảo khả năng đối ngoại và hạn chế những tác động tiêu cực của diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.
duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh) mới có thể linh hoạt hoàn toàn tỷ giá.
* Triển vọng phát triển thị trường ngoại hối của Việt Nam
Quy mô thị trường ngoại hối Việt Nam (TTNH) sẽ tăng trưởng với tốc độ khá nhanh vì những lý do sau: Nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới; hoạt động kinh tế đối ngoại như hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài ngày càng mở rộng; hệ thống NHTM và thị trường dịch vụ tài chính liên tục phát triển và ngày càng đa dạng hơn. Do vậy, quy mô TTNH dự kiến tăng mạnh trong những năm tới.
Thị trường ngoại hối Việt Nam sẽ mở cửa và hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường khu vực và thế giới. Cùng với quá trình thực hiện cam kết hội nhập về mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo các hiệp định song phương và đa phương, hoàn thiện và đổi mới chính sách tỷ giá và quản lý ngoại hối theo hướng tự do hóa, mức độ mở cửa TTNH Việt Nam dự báo sẽ ngày càng tăng. Tăng tính biến động của tỷ giá sẽ tăng nhu cầu sử dụng các công cụ phái sinh để hạn chế rủi ro ngoại hối.
Chủ thể tham gia giao dịch trên thị trường ngoại hối sẽ được mở rộng cả về số lượng và đối tượng. Bên cạnh các NHTM, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sẽ có sự tham gia tích cực của tổ chức tài chính phi ngân hàng, tổ chức tài chính và ngân hàng nước ngoài phụ thuộc vào lộ trình tự do hóa các giao dịch vốn.
Các công cụ giao dịch hối đoái phái sinh như quyền chọn, hoán đổi tương lai, hay sản phẩm cấu trúc sẽ được sử dụng rộng rãi, chiếm tỷ trọng tăng dần trong các giao dịch ngoại hối, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về bảo hiểm rủi ro hối đoái… Bên cạnh đó, với sự phát triển của hệ thống ngân hàng, cơ cấu thu nhập của ngân hàng cũng thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng thu nhập truyền thống (lãi suất, tín dụng), tăng tỷ trọng thu dịch vụ (các giao dịch hối đoái)… Công nghệ và phương tiện hiện đại sẽ được áp dụng phổ biến trong kinh doanh dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ ngoại hối nói riêng.
4.2. Mục tiêu và các nguyên tắc lựa chọn cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái của Việt Nam
* Mục tiêu cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái
Thứ nhất, cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái cần góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hệ thống tài chính và đảm bảo sự bền vững của cán cân thanh toán quốc tế.
Mục tiêu quan trọng nhất mà cơ chế điều hành TGHĐ cần phải đạt được đó là duy trì TGHĐ ở mức ổn định tương đối góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù trong ngắn hạn, TGHĐ có thể được điều chỉnh linh hoạt để đạt được trạng thái cân bằng cung cầu ngoại tệ, nhưng trong dài hạn, giữ TGHĐ ổn định một cách tương đối là điều
kiện tối ưu để duy trì ổn định kinh tế. Mục tiêu kế tiếp là cơ chế điều hành TGHĐ cần tạo sự cân bằng đối ngoại của đồng nội tệ, đó là thông qua việc hỗ trợ chính sách xuất nhập khẩu, tăng cường năng lực xuất khẩu, khả năng thanh toán quốc tế và khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu, cơ chế điều hành TGHĐ góp phần cải thiện cán cân thương mại, duy trì trạng thái cán cân vãng lai tích cực, đảm bảo khả năng trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp. Cơ chế điều hành TGHĐ cần phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích của hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế so sánh, nhưng cũng cần gia tăng nhập khẩu các sản phẩm không có lợi thế so sánh để thỏa mãn tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Thứ hai, cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái cần tính đến sự linh hoạt ngày càng tăng của các luồng vốn quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế và mức độ tự do hóa các giao dịch vốn tương đối cao, biến động của dòng vốn đầu tư, đặc biệt là các dòng vốn đầu tư gián tiếp ảnh hưởng mạnh tới cung cầu ngoại tệ và diễn biến TGHĐ. Dòng vốn đầu tư gián tiếp có đặc điểm về tính biến động nhanh, mạnh, dễ đảo chiều và phản ứng tức thời với các chỉ số dự báo về triển vọng kinh tế. Sự dịch chuyển linh hoạt các luồng vốn này có tác động lớn đến cân bằng cung cầu ngoại tệ trong nước, thậm chí trong một số trường hợp chỉ trong một thời gian ngắn có thể chuyển đổi đưa nền kinh tế từ tình trạng dư cung sang tình trạng thiếu hụt ngoại tệ, buộc NHNN phải nỗ lực và tiêu tốn chi phí để thiết lập lại sự cân bằng cung cầu ngoại tệ. Như vậy, trong công tác điều hành TGHĐ, việc theo dòi đánh giá và dự báo xu hướng dịch chuyển của các dòng vốn quốc tế được coi là một trong các nhiệm vụ quan trọng.
Thứ ba, cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái cần góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa và nâng cao tính chuyển đổi của đồng VND.
Tình trạng đô la hóa vẫn là một trong những vấn đề thách thức đối với công tác quản lý ngoại hối. Đô la hóa không những gây khó khăn trong công tác hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vì khó xác định chính xác được lượng cung tiền mà còn tạo ra những rủi ro đối với hệ thống NHTM và doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro biến động tỷ giá trong điều kiện các luồng vốn vào và ra lớn.
* Các nguyên tắc lựa chọn cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, một trong những cam kết là không sử dụng đồng nội tệ để tăng khả năng cạnh tranh, không công bằng. Hơn nữa, cùng với việc Mỹ gắn mác Việt Nam thao túng tiền tệ vào
tháng 12/20201 thì việc lựa chọn cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái phải thận trọng nhưng vẫn linh hoạt. Vì vậy, để lựa chọn cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái phù hợp cho từng thời kỳ cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
Lựa chọn cơ chế TGHĐ phù hợp, mang tính thị trường và ngày càng linh hoạt.
Lựa chọn cơ chế TGHĐ dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Lựa chọn cơ chế TGHĐ theo hướng tuân thủ mệnh đề ―Bộ ba bất khả thi‖ trong bối cảnh mới (các luồng vốn lưu chuyển nhanh hơn, phức tạp hơn...) và điều hành linh hoạt hơn nữa bộ ba chính sách (chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa) trong điều kiện hội nhập sâu rộng, cải cách và đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm thu hút được nguồn lực tối đa cho phát triển và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
4.3. Giải pháp hoàn thiện cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái đến năm 2025 và tầm nhìn 2030
4.3.1. Lựa chọn cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái phù hợp
Đối với Việt Nam, việc lựa chọn cơ chế tỷ giá hối đoái trên cơ sở lý thuyết ―Bộ ba bất khả thi‖ có ý nghĩa thực tiễn cao. Nghiên cứu của Aizeman, Chinn và Ito (2008) cho thấy, lựa chọn chính sách của Việt Nam trong suốt giai đoạn trước và sau khi gia nhập WTO đến hiện tại vẫn theo khuynh hướng trung gian (hay trung hòa) [116]2. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là trong giai đoạn từ 2012 trở lại đây, CSTT của Việt Nam đạt được sự độc lập cao hơn trong điều kiện TGHĐ ổn định, tự do hóa luồng vốn mở rộng
hơn cùng với sự gia tăng đáng kể dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, việc kiểm soát TGHĐ và dòng vốn ở một mức độ nhất định vẫn cần thiết để hạn chế những tác động từ kinh tế quốc tế đến thị trường trong nước. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng để đảm bảo sự độc lập của CSTT này là khả năng chống đỡ của dự trữ ngoại hối đối với các biến động trên thị trường [183]. Liên hệ với các điều kiện vĩ mô trong cùng giai đoạn có thể nhận định rằng, ổn định kinh tế vĩ mô tại Việt Nam thời gian qua có đóng góp quan trọng từ sự phù hợp trong điều hành CSTT của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy vậy, cơ chế điều hành TGHĐ đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 cần phải có sự lựa chọn trong việc kết hợp các mục tiêu chính sách trong ―Bộ ba bất khả thi‖ của Việt Nam như thế nào cho phù hợp với bối cảnh thế giới đầy biến động để có thể phục
1 Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ, Báo cáo về các chính sách vĩ mô và chính sách tỷ giá hối đoái của các đối tác thương mại chủ yếu của Mỹ. Tháng 12/2020.
2Tác giả sử dụng từ ―trung hòa‖ là nhằm nói lên sự phối hợp chặt chẽ và ăn khớp giữa các bộ phận của ―Bộ ba
bất khả thi‖ .
vụ tốt nhất cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Tác giả cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục quản lý linh hoạt hơn nữa bộ ba chính sách trong điều kiện hội nhập sâu rộng, tích cực cải cách và đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm vừa thu hút được nguồn lực tối đa cho phát triển, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể là:
Thứ nhất, tiếp tục đánh giá cao vai trò của các dòng vốn nước ngoài, gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, nguồn kiều hối và các nguồn vốn khác cho tăng trưởng kinh tế. Thực hiện tự do hóa từng bước tài khoản vốn theo lộ trình. Việt Nam cần chấp nhận việc tự do hóa mạnh mẽ hơn luồng vốn vào hoặc ra của nền kinh tế1.
Thứ hai, khẳng định tính độc lập của chính sách tiền tệ có vai trò quan trọng trong việc ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, đồng thời bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước thực hiện lộ trình nâng cao uy tín của VND, cũng như chấp nhận sự độc lập tương đối của CSTT thể hiện ở việc NHNN chủ động hoàn toàn trong việc sử dụng các công cụ CSTT để đạt được mục tiêu đặt ra.
Thứ ba, cần điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt hơn nữa thông qua việc thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp. Tuy nhiên, lộ trình linh hoạt hóa TGHĐ cần phải phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện kinh tế vĩ mô và mức độ hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Cơ chế điều hành TGHĐ linh hoạt hơn cần gắn với đổi mới CSTT sang khuôn khổ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu (LPMT), gắn với tự do hóa giao dịch vốn, tự do hóa tài chính, và đặc biệt là điều tiết lãi suất theo nguyên tắc thị trường.
Với những phân tích trên, có thể nói, lựa chọn cơ chế điều hành TGHĐ thả nổi có quản lý, với cách thức điều hành cơ TGHĐ neo với một rổ tiền tệ và dựa trên tỷ giá trung tâm như hiện nay là phù hợp với yêu cầu thực tiễn Việt Nam. Nhưng cùng với xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì cơ chế tỷ giá hối đoái cần điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn nữa, bám sát diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để tiến tới cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hoàn toàn khi đã đầy đủ các điều kiện cần thiết. Hướng phát triển lâu dài là giảm sự điều tiết của Nhà nước bằng cách luôn mở cả hai chiều biên độ và tăng biên độ một cách đáng kể cho đến khi đã đủ các điều kiện kinh tế vĩ mô (tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; xây dựng một hệ thống ngân hàng đủ mạnh, có khả năng tham gia vào thị trường ngoại hối quốc tế; xây dựng và quản lý dự trữ ngoại hối vững mạnh, đảm bảo an toàn, thanh khoản và có lợi nhuận; phát triển thanh toán qua ngân hàng; phát triển các thị trường tài chính, tiền tệ trong nước; chính sách huy động vốn ở trong và ngoài nước có hiệu quả, có hành lang pháp lý đồng bộ và đầy đủ để tạo dựng và duy trì môi trường kinh doanh
1 Hiện tại, các biện pháp kiểm soát vốn của Việt Nam chủ yếu là để hạn chế luồng vốn ra và nói chung là phù hợp với mức độ phát triển của Việt Nam.
lành mạnh) mới có thể để TGHĐ linh hoạt hoàn toàn. Thêm vào đó, cơ chế điều hành TGHĐ cần phù hợp với khuôn khổ CSTT hiện đại- khuôn khổ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
4.3.2. Sử dụng và phối hợp hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ trong điều hành tỷ giá hối đoái
(1) Công cụ nghiệp vụ thị trường mở: Đây là công cụ can thiệp cơ bản của NHNN trên thị trường ngoại hối. Không ngừng hoàn thiện các công cụ nghiệp vụ mở để gia tăng khả năng phối hợp nhằm giúp cho việc điều chỉnh TGHĐ đạt hiệu quả tốt, như gắn liền với công cụ nghiệp vụ thị trường mở nội tệ. NHNN cần thu hút nhiều hơn tiền mặt ngoài lưu thông, từng bước loại bỏ thói quen nắm tiền mặt trong dân, gia tăng tính thanh khoản cho chứng khoán, trong đó có tín phiếu kho bạc ngắn hạn, giúp gia tăng dung lượng thị trường.
(2) Phối hợp chặt chẽ giữa lãi suất và tỷ giá hối đoái. Tạo lập các điều kiện để chuyển đổi CSTT sang khuôn khổ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu- khuôn khổ CSTT điều tiết theo lãi suất
Lãi suất là một công cụ hữu hiệu trong điều hành chính sách TGHĐ. Lãi suất và TGHĐ luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau và cùng tác động lên các chính sách hoạch định của nền kinh tế. Sự thay đổi của lãi suất và TGHĐ tùy thuộc rất nhiều yếu tố, các yếu tố lại thường đan xen vào nhau và tùy thuộc lẫn nhau ở một thời điểm cụ thể, tình hình cụ thể. Chính mối quan hệ biện chứng này làm cho việc điều hành và xử lý mối quan hệ giữa lãi suất và TGHĐ trở nên khó khăn, phức tạp. Sự khập khễnh giữa chính sách lãi suất và TGHĐ có thể gây ra những hậu quả bất lợi như: nội tệ bị mất giá gây nguy cơ lạm phát ―chảy máu‖ ngoại tệ, đầu cơ tiền tệ, hạn chế nguồn vốn đầu tư nước ngoài... Vì vậy, trong quản lý vĩ mô, chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá phải được xử lý một cách đồng bộ và phù hợp với thực trạng của nền kinh tế trong từng thời kỳ nhất định. Cần phối hợp đồng bộ giữa điều hành lãi suất và điều hành TGHĐ, củng cố niềm tin của người dân đối với đồng Việt Nam.
(3) Gia tăng các công cụ phái sinh
Tiếp tục triển khai các giải pháp nới lỏng các hạn chế đối với giao dịch hối đoái phái sinh; cho phép thực hiện các sản phẩm cấu trúc phức tạp nhằm gia tăng phòng ngừa rủi ro hối đoái, phù hợp với cơ chế điều hành TGHĐ có mức độ linh hoạt cao hơn.
4.3.3. Nhóm giải pháp nâng cao năng lực thực thi cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt
Để điều hành cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn cần nâng cao năng lực thực thi thông qua các giải pháp chủ yếu sau: