Chuyện cũ Hà Nội trong văn Tô Hoài - 13

thứ rau thơm. Đến trưa bọn cô Tây, cô Tạ mới kéo đến...Mùi chanh trong Nam lạ vị, lại không có mắm tôm Bắc. Nhưng cứ chén ào ào.” [11, 141]

Với Tô Hoài, từ chuyện của bản thân mình đến chuyện của người, chuyện của bạn bè đồng nghiệp ông đều nhớ và thể hiện sức nhớ ấy qua tiếng cười tinh nghịch và hài hước này. Tô Hoài luôn quan niệm con người vừa có những mặt tốt đẹp, cao cả nhưng đồng thời cũng có những thói tật tầm thường. Chính vì quan niệm đó mà Tô Hoài không né tránh khi phản ánh những thói tật tầm thường ấy của con người. Nếu ai đã đọc hồi kí Cát bụi chân ai của Tô Hoài, chắc hẳn sẽ không quên chân dung thật độc đáo của những văn sĩ Hà thành. Đó là một Xuân Diệu với những mối “tình trai” khá đặc biệt: “Con gái đi ngang mặt dửng dưng như không, nhưng con trai xoắn xuýt vòng trong vòng ngoài... Xuân Diệu nắm cổ tay từng đứa nhìn rò vào mắt, mân mê như chọn đẫn mía”; hay chuyện “mê gái” của Nguyễn Bính, chuyện “tháo dạ” của Nguyên Hồng... và những nhếch nhác đời thường của chính nhà văn trong những năm thơ ấu, những năm chân ướt chân ráo đi tìm việc làm... Có thể thấy những trang văn của Tô Hoài mang đậm chất hài hước, tinh nghịch và hết sức hóm hỉnh. Tuy nhiên, mặc dù những trang văn của ông dí dỏm hài hước đấy, tinh quái nghịch ngợm đấy, nhưng khi đọc chúng ta vẫn cảm thấy có một cái gì đó buồn man mác, có khi lại thấy xót xa. Điều đó cho thấy những trang văn của ông không chỉ hài hước, tếu táo đơn thuần mà ẩn chứa trong đó là những điều băn khoăn trăn trở khiến người đọc phải suy ngẫm.

Trước những thói hư tật xấu đời thường, Tô Hoài không gay gắt mà ông nhẹ nhàng như đang thủ thỉ, đang giãi bày để bộc lộ nỗi lòng của mình. Với cái nhìn tinh quái mà đượm chất nhân văn nên những gì trái với luân lí đạo đức thường được ông phản ánh hết sức chân thực, khách quan và hài

hước. Từ chuyện cái răng, cái tóc “Hiện nay, nhiều cô em má trắng môi hồng

mà hàm răng vàng khè. Không phải kiểu mới, cũng không phải lười để bừa răng bẩn, mà các bác sĩ nói bởi người bây giờ uống nhiều kháng sinh, chất thuốc đọng lại hỏng màu răng trắng đâm ra vàng xỉn, gớm chết. Nhưng biết đâu, có ai lại tung ra mốt răng vàng khè mới là đẹp. Ai mà biết trước được” [12, 75]. Đến chuyện đi ở tù thuê trong Bắt rượu cũng văng vẳng một tiếng cười chua xót “Chú bếp Mỡ quay lại, trông thấy tôi nói to:

- A thằng cu Bưởi về quê ăn Tết à? Chú đi tù rượu đây. Mẹ con cháu ở nhà chơi nhé” [11, 25]. Trong cuộc sống chúng ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh đi làm thuê, làm cu li, làm con sen, con nhài, vú em thậm chí còn có cả nghề “đâm thuê chém mướn” nhưng chưa bao giờ ta bắt gặp người đi ở tù thuê bao giờ. Trong Chuyện cũ Hà Nội, thậm chí việc ngồi tù thuê lại trở thành một nghề phổ biến để kiếm sống. Đây là một hiện thực nhưng khi đọc câu chuyện này độc giả không chỉ cười mà còn cười ra nước mắt bởi số phận của những người nghèo khổ lại rẻ mạt, bọt bèo đến như vậy.

Trong Chuyện cũ Hà Nội, Tô Hoài còn sử dụng một giọng văn hài hước dí dỏm nhưng ẩn đằng sau đó là sự mỉa mai sâu sắc. Đó là khi ông nói về bọn quan lại theo Tây, làm tay sai cho chúng. Trong Hội Tây Tô Hoài giới thiệu về ông cai Mấu như sau: “Nhà ông cai Mấu, ngày trước ông cai đã đi lính sang Tây. Chẳng biết ông đã đóng chức cai chưa. “Ba năm đi lính trở về. Súng trả nhà nước, ắc ê hãy còn”, ai đi lính về cũng cứ được gọi là ông cai, ông ách, bét ra cũng là ông binh, ông quyền, ông bếp. Làng nước rò khéo đặt nịnh chức tước.” [11, 297]

Cũng trong Hội Tây, Tô Hoài nói về những trò chơi lố bịch mà thực dân Pháp bày ra để lôi kéo tầng lớp thanh niên nước ta để họ quên đi nghĩa vụ, trách nhiệm đối với đất nước, dân tộc lúc lâm nguy. Đó là trò chơi do quan đồn Tây bày ra như “Leo cột mỡ, liếm chảo, đập nồi, bịt mắt bắt dê, chạy bao.”...

Vui nhất là trò diễu binh. Trò này được tác giả miêu tả như sau: “Đấy là mấy trăm người lính tập An Nam mặc giả làm đàn bà da đen nước Đa - hô – mây bên châu Phi. Để làm giả người phụ nữ Đa-hô-mây, các ông cai đã lột trần từng người lính An Nam ra, lấy cồn trộn bồ hóng trát đen nhóng nhánh khắp người, cả chân tay mặt mũi. Môi thì bôi đỏ. Hai mí mắt phết kem trắng. Mắt cứ nhấp nháy đen trắng như ánh chớp trong cơn mưa. Mớ tóc giả quăn queo buông xuống đến lưng, bụng thì độn phồng một túi mạt cưa, phủ chiếc tạp dề vải xanh, trên cái váy xòe vẽ hình một mảnh mặt trăng khuyết như cái miệng ngậm đầu ngón tay. Ở ngực mỗi người buộc hai chiếc bong bóng lợn nhuộm đen thành hai cái vú giả thỗn thễn, chỏm vú chấm phẩm đỏ hây, mỗi bước đi lại bần bật nảy lên. Đầu mỗi người chụp một cái mũ chỏm loe cắm chiếc lông đuôi công dài hơn một thước. Thế là đã đầy đủ thành một ả da đen Đa-hô-mây chính cống.” [11, 300]. Chỉ với một đoạn văn rất ngắn, bằng việc miêu tả rất chi tiết về một tiểu đoàn trá hình diễu hành bao gồm toàn những người lính An Nam ăn mặc để đóng giả làm những người phụ nữ da đen của nước Đa-hô-mây, tác giả đã khiến người đọc không khỏi bật cười. Thế nhưng đằng sau tiếng cười ấy, chúng ta thấy đó còn là thái độ mỉa mai, châm biếm của tác giả. Ông lên án gay gắt những trò vui vô bổ mà thực dân Pháp đã bày ra để hòng dụ dỗ người An Nam, hạ nhục người An Nam. Bên cạnh đó ông cũng lên án, phê phán những thanh niên người An Nam ta không biết phân biệt đúng sai để cho thực dân Pháp lợi dụng, làm trò mua vui cho chúng.

Bằng giọng văn hóm hỉnh cùng với tiếng cười tinh nghịch, có khi lại xót xa và mỉa mai châm biếm, tác giả đã miêu tả một cách chi tiết, tỉ mỉ về cảnh vật, nếp sống, về phong tục, về tất cả những gì đã diễn ra xung quanh mảnh đất kinh kì thời Pháp thuộc... Tất cả đều để lại cho độc giả một ấn tượng sâu sắc và đặt ra cho ta nhiều điều suy ngẫm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.

3.3. Cách kể chuyện của Tô Hoài

Cách kể chuyện của Tô Hoài trong Chuyện cũ Hà Nội là lối miêu tả rất tỉ mỉ, đơn giản và gần gũi, giống như là thấy sao nói vậy, không rườm rà hoa mỹ. Đọc mà như nghe ông, bà rù rì kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Vì thế cho nên cách kể chuyện, dẫn chuyện của ông có sức lôi cuốn, gần gũi với đời thường.

Chuyện cũ Hà Nội trong văn Tô Hoài - 13

Để có được cách kể chuyện như vậy, Tô Hoài đã sử dụng nhuần nhuyễn lớp từ ngữ của nhân dân. Có thể thấy điều này trong truyện Phố Mới. Trong một câu chuyện chỉ dài ba trang sách, ông đã sử dụng một số lượng từ ngữ của nhân dân với tần số khá cao như: “mốc thếch”, “nhớp nháp”, “đỏ xỉn”, “gầy móp xương hóc”, “túng bấn”, “nhẽo nhợt”, “mấy con mẹ”, “mụ”, “gầy đét”, “béo tròn”, “cứ vọt tứa ra thế kia”, “khỏe như trâu lăn”, “nói thách”, “ngã giá”, “đòi tiền lót tay”, “cãi phứa không biết”, “hỏi khí không phải”, “cười bả lả”, “phải một bữa túy lúy”, “chắc như đinh đóng cột”, “phì phui”, “thèm vào”... Tương tự như vậy, trong tất cả 114 truyện của Chuyện cũ Hà Nội Tô Hoài đều sử dụng lớp từ ngữ thông dụng của nhân dân với số lần xuất hiện dày đặc.

Ngoài việc sử dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân, nhà văn còn sử dụng rất nhiều từ láy trong lời kể chuyện của mình. Chẳng hạn trong Cái tàu điện ông đã sử dụng đến 23 lần từ láy, trong Chết đói số từ láy lên đến hơn 30 từ. Với Các từ như: “loáng thoáng”, “lòe loẹt”, “êm êm”, “lọc cọc”, “leng leng”, “dần dần”, “ầm ầm”, “dài dài” , “keng keng”, “chong chỏng”, “quay quay” “văng vẳng”, “mòn mỏi”, “đều đều”, “nhớn nhác”, “cheo leo”, “nháo nhác”, “nhan nhản”, “khốn khổ”, “đêm đêm”, “rà rà”, “run rẩy”, “phấp

phỏng”, “lầm lũi”, “vêu vao”, “nhợt nhạt”, “bủng beo”, “thò lò”, “lêu đêu”, “lờ đờ”, “khừ khừ”, “huỳnh huỵch”, “khẳng khiu”, “thoi thóp”, “ành ạch”, “chớp chớp”, “lò dò”, “lảo đảo”, “kheo khư”, “nhấp nhô”... và rất nhiều từ láy

khác xuất hiện ở hầu như toàn bộ hai tập sách Chuyện cũ Hà Nội. Cách dùng từ láy như vậy dẫn đến câu chuyện kể của Tô Hoài trở nên thu hút và hấp dẫn người đọc hơn.

Bên cạnh đó các câu chuyện kể của Tô Hoài còn sử dụng rất nhiều hình ảnh so sánh độc đáo, lạ, mới nhưng lại hết sức hóm hỉnh, hài hước và gần gũi với đời sống của nhân dân. Trong truyện Bắt rượu, ông có hình ảnh so sánh bác Cả như sau: “Nom bác tôi lúc ấy cứ như con gà mái ấp xòe cánh”. Trong Cái xe đạp ông so sánh hình ảnh xuất hiện của người đội xếp: “Người đội xếp lù lù hiện ra như ma hồ Trúc Bạch”. Tương tự như vậy, Tô Hoài đã sử dụng những hình ảnh so sánh trong nhiều truyện khác. Trong Đức thánh Tăng có hình ảnh “cái pho tượng lù lù như đống rạ”, trong Chết đói có so sánh “Mắt nó xanh lét như mắt mèo” hay trong “Ông hai Tây” có “Vòm mũi ông hai Tây đã đỏ ửng như quả nhót”... Cách kể chuyện như vậy đã mang lại cho độc giả một cảm giác thoải mái, thân mật, sống động và chân thực.

Ngoài ra trong các câu chuyện kể của mình, Tô Hoài thường hay sử dụng các bài ca dao vùng Bưởi hoặc các bài vè cài lồng vào nhau, giúp cho người đọc hiểu hơn về các sự việc, về con người cũng như các sự kiện của phố phường Hà Nội. Khi kể về một sáng ở ngoại ô ông viết:

“Ai ơi đứng lại mà trông

Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa Kìa giếng Yên Thái như kia

Giếng sâu chính trượng nước thì trong xanh Đầu chợ Bưởi có điểm cầm canh

Người đi kẻ lại như tranh họa đồ Cổng chợ có miếu thờ vua

Đường cái chính sứ lên chùa Thiên Niên

Chùa Thiên Niên có cây vọng cách Chùa bà Sách có cây đa lông

Cổng làng Đông có cây khế ngọt Gái kẻ Cót buôn dăm buôn xề Trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa An Phú nấu kẹo mạch nha ngọt lừ

Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua Họ Lại làm giấy sắc vua

Làng Láng mở hội kéo cờ hùng ghê”

( Ca dao vùng Bưởi)

Có khi ông kể về các loại sưu thuế:

“Thuế đò thuế chợ,thuế xia

Bây giờ Tây bắt đóng thì thuế đinh”

(Ca dao vùng Bưởi)

Và có lúc ông kể về các phố nghề:

“Rủ nhau chơi khắp Long thành

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai

Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày

Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang

Hàng Mã, Hàng Mắm, Đình Ngang, Hàng Đồng Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông

Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè Hàng Thùng, Hàng Bút, Hàng Tre

Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà

Quanh đi đến phố Hàng Da

Trải qua phường phố thực là càng xinh...”

(Ca dao vùng Bưởi)

Có khi ông lại cung cấp cho người đọc về tính chất của các chợ qua các câu vè:

“Tưởng rằng chợ Sái mĩ miều

Chỉ lắm hàng củi với nhiều hàng cơm Chợ Nủa hàng giậm hàng nơm

Chợ Trôi hàng vải hàng rơm dãi dầu Chợ Nghệ thì lắm bò trâu

Thái đoạn cũng lắm, bò trâu cũng nhiều Sơn Đông chợ họp về chiều

Chỉ lắm hàng xén với nhiều hàng dao Chợ Phùng hàng xén xiết bao

Chợ Gạch cũng lắm thuốc lào, nhang đen Chợ Bún nửa tháng sáu phiên

Có lắm hàng xén nguyên anh kẻ Phùng Chợ Săn gần huyện gần sông

Kẻ buôn người bán nhưng không có nhiều Tuy rằng chợ Hiệp mĩ miều

Chỉ lắm kẻ cắp với nhiều lái buôn Chợ Cốc nửa tháng sáu phiên

Chỉ lắm ngô đỗ với nguyên củ từ Thọ Lão chợ họp chán phè

Cầu quán chẳng có, y như ngoài đồng Lờ đờ chợ Triệu mà đong

Tiếc rằng cả lớn mà không bán bồ

Chợ mía mới họp mà to

Những thằng Mông Phụ cứ dò xuống chơi Thế là bài chợ xong rồi

Thì em phải họa bài trời anh nghe.”

Ngoài việc đưa các bài ca dao, các câu vè vào chuyện của mình, Tô Hoài còn sử dụng lối nói lái và chơi chữ rất độc đáo, tinh nghịch. Trong truyện Thịt chó ông cho người đọc biết các biệt hiệu của món thịt chó, trong đó có hai biệt hiệu khi đọc lên rất buồn cười nhưng cũng lại hết sức hợp lí. Đầu tiên người ta gọi “chó” là con “mộc tồn” sau đó ông giải thích “Mộc là cây, tồn là còn, cây còn nói lái là con cầy” [12, 222]; còn ở Sài Gòn lại có quán thịt chó đề là “Quán hạ cờ Tây(cờ Tây là cầy tơ)

Cách kể chuyện như vậy khiến cho những trang văn của ông gần gũi với đời thường, không tạo khoảng cách đối với độc giả. Những sự vật, sự việc, hiện tượng trong tác phẩm hiện lên rất gần gũi, thân thuộc, sống động, chân thực có khi lại hết sức hài hước và tinh nghịch.

Mặt khác, những câu chuyện trong Chuyện cũ Hà Nội được Tô Hoài kể lại tưởng như không đầu không cuối, không hư cấu như một tác phẩm văn học mà nó giống như một bộ lịch sử. Ở đó, cảnh thật, việc thật, người thật được tác giả kể lại như là hồi ức của chính ông đồng thời cũng lại giống như một lời tâm sự, lời giãi bày của ông.

Như vậy có thể nói, với một lối kể chuyện có duyên, tác phẩm của Tô Hoài dù viết về những điều đã cũ nhưng lại là những kiến thức rất mới về Hà Nội xưa. Vì thế không gây cho người đọc cảm giác nhàm chán, tẻ nhạt mà ngược lại rất hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.

Xem tất cả 116 trang.

Ngày đăng: 04/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí