đoạn cụ thể, trên cơ sở ưu đãi đối với phần thuế bắt buộc doanh nghiệp phải nộp theo qui định.
Nhà nước ưu đãi thuế cho ĐMCN của doanh nghiệp là nhằm đẩy nhanh tiến độ ĐMCN của doanh nghiệp; bản chất của ưu đãi này là việc ứng trước phần vốn3 của Nhà nước cho doanh nghiệp thực hiện ĐMCN nhằm mục đích tạo ra những kết quả có thể mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội (Tạ Doãn Trịnh, 2009). Sở dĩ ưu đãi về thuế thường được nhà nước sử dụng bởi vì hệ thống này ít can thiệp tới cơ chế thị trường và không đòi hỏi phải dành quỹ để tổng kết hàng năm (S.Mani, 2002).
Các loại thuế mà Nhà nước thường sử dụng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, ưu đãi về thuế xuất, nhập khẩu và ưu đãi về thuế đất. Ngoài ra, Nhà nước còn sử dụng một số các ưu đãi khác như khấu trừ thuế bằng cách cho phép khấu hao toàn bộ hay khấu hao nhanh các khoản đầu tư cho ĐMCN và tín dụng thuế bằng cách cho phép doanh nghiệp tạm giữ lại một tỷ lệ thu nhập tính thuế nhất định hay theo một tỷ lệ
% nhất định từ thu nhập tính thuế để doanh nghiệp ĐMCN.
(ii) Chính sách tín dụng: Tín dụng là sự chuyển nhượng quyền sử dụng một lượng giá trị của người này hoặc doanh nghiệp này cho người khác hoặc doanh nghiệp khác với điều kiện là hoàn trả lại cả vốn lẫn lãi (lãi tín dụng) sau một thời gian vay. Ưu đãi tín dụng sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể mở rộng đầu tư ĐMCN, nhờ đó tác động tới nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn; tuy nhiên, lập luận này chỉ đúng khi Nhà nước kiểm soát được hiệu quả của dòng vốn ưu đãi.
Mục tiêu của chính sách ưu đãi tín dụng cho hoạt động ĐMCN của doanh nghiệp là nhằm hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp ngay ở giai đoạn đầu tiến hành ĐMCN bằng cách ưu đãi về các khoản vay, thủ tục vay, lãi suất vay và thời gian vay để tạo động lực ĐMCN của doanh nghiệp, với kỳ vọng tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, góp phần thực hiện các mục tiêu chung như tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, điều tiết các
3 Lẽ ra số tiền này Nhà nước sẽ được hưởng do doanh nghiệp phải nộp theo qui định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm Công Nghệ Và Đổi Mới Công Nghệ
- Vai Trò Của Công Nghệ Và Đổi Mới Công Nghệ Tới Phát Triển Kinh Tế- Xã Hội Và Doanh Nghiệp
- Các Yếu Tố Của Một Chính Sách Theo Cách Tiếp Cận Khung Logic
- Các Yếu Tố Cơ Bản Ảnh Hưởng Tới Chính Sách Nhà Nước Nhằm Thúc
- Kinh Nghiệm Của Một Số Nước Châu Âu
- Tổng Quan Thực Trạng Đmcn Của Các Doanh Nghiệp Việt Nam Và Doanh Nghiệp Trên Địa Bàn Hà Nội Từ Năm 2000 Đến 2012
Xem toàn bộ 217 trang tài liệu này.
hoạt động sản xuất kinh doanh của quốc gia. Tuy nhiên, các ưu đãi tín dụng cho ĐMCN phải tôn trọng các qui luật lưu thông tiền tệ, phù phợp với hệ thống tài chính quốc gia, thủ tục nhận được hỗ trợ phải đơn giản và thời gian hỗ trợ phù hợp.
Nhà nước thường sử dụng hai loại tín dụng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN: (1) tín dụng thương mại của ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác; (2) tín dụng ưu đãi của các Quỹ phát triển KH&CN.
Tín dụng thương mại của ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác: Đây là hình thức tín dụng có vai trò quan trọng đối với ĐMCN của doanh nghiệp; bởi vì chúng đáp ứng nhanh các yêu cầu về vốn để doanh nghiệp đầu tư cho việc nâng cấp thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời các tổ chức này có thể tư vấn, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp trong việc hoạch định chiến lược/kế hoạch về tài chính cho ĐMCN. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này, thì doanh nghiệp phải đáp được được các yêu cầu của ngân hàng, của các tổ chức tín dụng và của Nhà nước.
Tín dụng ưu đãi của các Quỹ phát triển KH&CN: các doanh nghiệp có thể nhận được hỗ trợ về lãi suất vay, vốn vay, thời gian vay nếu đáp ứng được các yêu cầu theo qui định. Các Quỹ phát triển KH&CN là một tổ chức tài chính độc lập, bao gồm bốn loại quỹ: (1) Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, (2) Quỹ phát triển KH&CN của bộ, ngành, tỉnh, thành phố, (3) Quỹ phát triển KH&CN của các tổ chức, cá nhân, (4) Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiêp. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ là không kinh doanh, công khai, minh bạch, bình đẳng về cơ hội sử dụng quỹ trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp ĐMCN.
- Quỹ phát triển KH&CN quốc gia: Quỹ này do Chính phủ ra quyết định thành lập và ban hành điều lệ hoạt động với nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách nhà nước, đồng thời không bị lệ thuộc vào những qui định cứng nhắc của Luật Ngân sách nhà nước (Nguyễn Danh Sơn, 2001) [87-tr62]. Nguồn vốn này được cấp một lần ban đầu cho vốn điều lệ của quỹ và có thể được cấp bổ sung hàng năm từ các khoản chi ngân sách dành cho hoạt động KH&CN. Ngoài ra, Quỹ có thể đầu tư vào
việc mua trái phiếu và hưởng lãi từ việc mua trái phiếu hoặc cũng có thể hưởng lãi từ các khoản tiền gửi ngân hàng.
- Quỹ phát triển KH&CN của bộ, ngành, tỉnh, thành phố: Quỹ này do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập và ban hành điều lệ hoạt động với nguồn vốn huy động chủ yếu từ ngân sách dành cho hoạt động KH&CN được phân bổ hàng năm từ nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Mục tiêu hoạt động của quỹ là hỗ trợ về tài chính để phục vụ cho việc phát triển KH&CN của bộ, tỉnh và thành phố dựa trên khung pháp lý của quỹ phát triển KH&CN quốc gia.
- Quỹ phát triển KH&CN của các tổ chức, cá nhân: đây là Quỹ mà Nhà nước khuyến khích thành lập và hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo qui định của pháp luật nhằm hỗ trợ các hoạt động KH&CN nói chung và ĐMCN nói riêng với nguồn vốn chủ yếu được huy động từ các tổ chức, cá nhân và các sáng lập viên; vì thế Nhà nước cần tạo điều kiện về môi trường pháp lý để cho quỹ này được thành lập, tồn tại và phát triển.
- Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiêp: đây là Quỹ mà Nhà nước khuyến khích thành lập nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động đầu tư R&D, ĐMCN phục vụ cho chính nhu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Nguồn vốn chủ yếu của Quỹ là được trích từ một phần lợi nhuận trước thuế hàng năm theo qui định của pháp luật.
(iii) Chính sách hỗ trợ trực tiếp: Nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, nhân lực công nghệ, trang thiết bị thí nghiệm giúp cho các doanh nghiệp có thể mở rộng đầu tư các hoạt động R&D, gieo mầm các ý tưởng mới thông qua các dự án nghiên cứu về công nghệ của doanh nghiệp. Nguyên tắc để nhận được hỗ trợ là doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu của Nhà nước về năng lực nghiên cứu và lĩnh vực nghiên cứu phải phù hợp với chiến lược/qui hoạch/kế hoạch phát triển công nghệ của quốc gia/địa phương trong từng giai đoạn, từng ngành nghề cụ thể.
Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tiến hành các hoạt động ĐMCN nhằm mục đích giảm thiểu những rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai ý tưởng công nghệ mới hoặc áp dụng công nghệ tiên tiến hay thương mại hóa kết
quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp tiến tới ĐMCN thành công.
Thông thường, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp này thường góp phần thực hiện các dự án R&D về công nghệ, các dự án ĐMCN trọng điểm ở cấp quốc gia nhằm phát triển các công nghệ then chốt, công nghệ mới hoặc các công nghệ nằm trong danh mục ưu tiên phát triển của quốc gia (S.Mani, 2002).
2.2.4.3. Chính sách đào tạo, thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Chính sách đào tạo, thông tin, tuyên truyền là chính sách của Nhà nước nhằm tác động vào nhận thức và tình cảm của con người thuộc đối tượng chính sách nhằm nâng cao tính tự giác, tích cực và nhiệt tình lao động của họ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, trên cơ sở vận dụng các qui luật tâm lý. Mục tiêu của chính sách này là giáo dục, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng Internet, báo giấy, đồng thời sử dụng các đoàn thể và các tổ chức hoạt động có tính xã hội.
Trong luận án này, chính sách đào tạo, thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN được hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là cách thức tác động của nhà nước vào nhận thức của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp hiểu được tính cấp thiết phải tiến hành ĐMCN; đồng thời hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thông tin, tư vấn để doanh nghiệp có thể thực hiện được các hoạt động ĐMCN. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ tự giác, tích cực, chủ động ĐMCN. Mặt khác, chính sách này được nhà nước sử dụng trong việc phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng nói chung và doanh nghiệp nói riêng, qua đó tạo nên sức ép cần thiết từ phía xã hội đối với doanh nghiệp trong hoạt động ĐMCN, nhằm tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, được thị trường chấp nhận.
Ngoài các chính sách trên, Nhà nước còn sử dụng một số chính sách khác như: hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, hỗ trợ thành lập các phòng/ban R&D trong doanh nghiệp, phát triển hạ tầng công nghệ nhằm phục vụ cho ĐMCN, v.v.
2.2.5. Các tiêu chí đánh giá chính sách nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ
2.2.5.1. Khái niệm tiêu chí đánh giá chính sách nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN
Mục tiêu đánh giá chính sách nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN để xác định những tồn tại, hạn chế cũng như điểm mạnh của các chính sách hiện hành liên quan tới ĐMCN. Từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hiện có hoặc ban hành các chính sách mới thay thế các chính sách không còn phù hợp để thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các hoạt động nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN phù hợp với pháp luật hiện hành và cam kết WTO.
Nghiên cứu của NISTPASS (2008, 2010) đã đánh giá chính sách nhà nước thông qua hệ thống chỉ số đổi mới của doanh nghiệp dựa trên các ý tưởng của cẩm nang Olso (1996). Qua đó, chính sách nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN được đánh giá thông qua các tiêu chí như: (i) nhóm chỉ số thể hiện mục tiêu và nhu cầu ĐMCN của doanh nghiệp; (ii) nhóm chỉ số thể hiện thực trạng ĐMCN của doanh nghiệp, (iii) nhóm chỉ số thể hiện nguồn lực cho ĐMCN của doanh nghiệp; (iv) nhóm chỉ số thể hiện kết quả ĐMCN của doanh nghiệp và (v) nhóm chỉ số thể hiện về môi trường cho đổi mới. Hơn nữa, các tiêu chí đánh giá có thể còn được phản ánh qua việc đo lường số lượng bằng sáng chế hoặc số lượng trích dẫn trong hoạt động KH&CN. Tuy nhiên, điều này không khả thi đối với các nước đang phát triển khi việc thống kê số lượng xuất bản và số lượng trích dẫn là khó khăn; đặc biệt, không phải tất cả các sáng chế đều được thương mại hóa ra thị trường nên số lượng bằng sáng chế không nhất thiết phản ánh năng lực đổi mới của hệ thống KH&CN quốc gia (Trần Ngọc Ca, 2011).
Khi đánh giá chính sách nhà nước đối với môi trường thì UNEP (Chương trình môi trường của Liên hợp quốc) đưa ra các tiêu chí như tính hoàn thiện và phù hợp, tính thống nhất và đồng bộ, tính thực tế và hiệu quả. Hơn nữa, một số tiêu chí đánh giá chính sách nhà nước thường được sử dụng phổ biến như: (i) tính tương thích, (ii) tính hiệu lực, (iii) tính hiệu quả, (iv) tính công bằng, (v) tính bền vững và
(vi) tính phù hợp [33]. Ngoài ra WB (2010), đánh giá tác động định lượng chính sách bao gồm đánh hồi cứu và đánh giá tiên nghiệm.
Như vậy, đánh giá chính sách nhà nước có thể được tiến hành bởi các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau với những tiêu chí khác nhau. Song bên cạnh đó, chúng cũng có nhiều đặc điểm giống nhau trong việc đánh giá như: (i) chất lượng của chính sách thể hiện ở mục tiêu, phương thức đạt được mục tiêu, (ii) chi phí để đạt được mục tiêu, (iii) tác động thực tế của chính sách bao gồm cả tác động tích cực và tác động tiêu cực và (iv) cần phải thực hiện trong một hoàn cảnh hay một phạm vi nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định.
Qua các nghiên cứu ở trên về đánh giá chính sách, nghiên cứu sinh đưa ra bốn nhóm tiêu chí chính để đánh giá chính sách nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN: (i) nhóm tiêu chí phản ánh hiệu lực của chính sách, (ii) nhóm tiêu chí phản ánh hiệu quả của chính sách, (iii) nhóm tiêu chí phản ánh tính phù hợp của chính sách và (iv) nhóm tiêu chí phản ánh tính bền vững của chính sách.
2.2.5.2. Các tiêu chí đánh giá chính sách nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ
(i) Nhóm tiêu chí phản ánh hiệu lực chính sách nhà nước nhằm thúc
đẩy doanh nghiệp ĐMCN
Hiệu lực chính sách bao gồm việc xác định đúng mục tiêu của chính sách và đánh giá các kết quả của chính sách có đạt được mục tiêu đã đề ra hay không; Hiệu lực chính sách được đo lường theo công thức sau:
Hiệu lực chính sách = Kết quả/ Mục tiêu
Như vậy, hiệu lực chính sách nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN được đánh giá bằng cách so sánh kết quả thực tế của chính sách so với mục tiêu của chính sách đã đề ra; điều này, thể hiện khả năng tác động của nhà nước đến doanh nghiệp với tư cách là chủ thể quản lý và sự nhận biết, chấp hành của doanh nghiệp với tư cách là đối tượng quản lý. Hiệu lực chính sách nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN được đánh giá thông qua các tiêu chí sau:
Tiêu chí HL1.1: Khả năng nhận biết chính sách nhà nước về ĐMCN của doanh nghiệp, được thể hiện thông qua:
(1) Thời gian tiếp cận chính sách;
(2) Doanh nghiệp nhận biết chính sách thông qua kênh thông tin.
Tiêu chí HL1.2: Nhận thức của doanh nghiệp về mức độ cần thiết phải đầu tư ĐMCN, được thể hiện:
(1) Nhận thức được sự cần thiết phải liên tục cải tiến/đầu tư dây chuyền công nghệ hiện tại;
(2) Nhận thức sự cần thiết phải nghiên cứu và triển khai sản phẩm mới/qui trình mới;
(3) Nhận thức được sự cần thiết phải nâng cao năng lực nguồn nhân lực công nghệ phục vụ cho hoạt động ĐMCN;
(4) Nhận thức được sự cần thiết phải tổ chức cơ cấu bộ máy cho hoạt động ĐMCN.
Tiêu chí HL1.3: Mức đầu tư cho hoạt động ĐMCN của doanh nghiệp trong ba năm gần đây, được thể hiện thông qua:
(1) Mức đầu tư cải tiến dây chuyền công nghệ;
(2) Mức đầu tư nghiên cứu và triển khai sản phẩm mới/qui trình mới;
(3) Mức đầu tư nâng cao năng lực nguồn nhân lực công nghệ phục vụ cho ĐMCN;
(4) Mức đầu tư hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy cho hoạt động ĐMCN;
(5) Mức đầu tư cập nhật thông tin liên quan tới ĐMCN và bản quyền công nghệ.
(ii) Nhóm tiêu chí phản ánh hiệu quả chính sách nhà nước nhằm thúc
đẩy doanh nghiệp ĐMCN
Hiệu quả chính sách là sự so sánh giữa đầu ra và đầu vào của chính sách; Hiệu quả chính sách được đo lường theo công thức sau:
Hiệu quả = Kết quả/Đầu vào
Như vậy, hiệu quả chính sách nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN được đánh giá bằng cách so sánh kết quả thực tế mà chính sách đã đạt được trong việc thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN so với đầu vào của chính sách.
(1) Đầu vào của chính sách bao gồm: chi phí của Nhà nước để thực hiện chính sách và chi phí đầu tư cho ĐMCN của doanh nghiệp như: chi phí thường xuyên cho hoạt động ĐMCN; chi phí cho hoạt động R&D; chi phí cho tiếp nhận công nghệ; chi phí mua máy móc/ thiết bị/ dây chuyền công nghệ; chi phí cho đào tạo, tiếp thị, tổ chức liên quan tới hoạt động ĐMCN.
(2) Kết quả thực tế của chính sách thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN thể hiện thông qua: phần trăm của doanh thu mang lại do đổi mới/cải tiến các sản phẩm/qui trình công nghệ được thương mại hóa; kết quả của quá trình đổi mới, thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận, nhân lực, xuất khẩu; số lượng sản phẩm mới/qui trình mới hoặc có những cải tiến đáng kể về sản phẩm/qui trình được coi là mới đối với doanh nghiệp hoặc mới so với thị trường trong nước/nước ngoài, v.v.
Để đánh giá hiệu quả chính sách là phức tạp, bởi vì khó có thể đo lường trực tiếp hoặc lượng hóa các đầu vào và kết quả thực tế mà chính sách mang lại cho doanh nghiệp, xã hội do tính lan tỏa của hoạt động ĐMCN. Trên thực tế, khó có thể lấy được các số liệu chính xác về chi phí cũng như kết quả của chính sách, cho nên hiệu quả của chính sách nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN trong luận án này được đánh giá thông qua hai tiêu chí sau:
Tiêu chí HQ2.1: Chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để tiếp cận chính sách nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN.
Tiêu chí HQ2.2: Đánh giá chung của doanh nghiệp về hiệu quả của chính sách nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN.
(iii) Nhóm tiêu chí phản ánh tính phù hợp của chính sách nhà nước nhằm thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN
Tính phù hợp của chính sách thể hiện ở: (1) sự hợp lý của các chiến lược/qui hoạch/kế hoạch đối với mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp ĐMCN, (2) sự tương thích giữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ĐMCN, (3) các chính sách mà Nhà nước đưa ra có phù hợp với điều kiện của Việt Nam không.