Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - Thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện - 10

không và có phải áp dụng theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP không? Những vấn đề này vẫn bị bỏ ngỏ trong pháp luật hiện hành và vợ chồng luôn đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng tranh chấp tài sản khi ly hôn.

Ví dụ, Chị Nguyễn Thị Kim Dung và anh Đàm Ngọc Ánh kết hôn năm 2001, năm 2008, anh chị có đơn xin ly hôn tại TAND quận Hai Bà Trưng. Về con chung và động sản anh chị tự thỏa thuận. Về bất động sản, anh chị đứng tên sở hữu hai ngôi nhà là nhà số 38 ngõ 461 tổ 36B phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội (hiện nay ông Đàm Văn Vân và bà Lê Thị Vinh là bố mẹ anh Ánh đang ở) và căn nhà số 6 ngõ 461 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội (anh chị đang ở). Chị Dung đề nghị được chia căn nhà số 6 để sống cùng con trai. Tuy nhiên ông Vân và bà Vinh lại khẳng định hai ngôi nhà trên là của ông bà vì khi mua nhà ông bà bỏ ra 2/3 số tiền, 1/3 số tiền còn lại do anh Ánh đi làm và tự trả nợ. Hơn nữa, một ngôi nhà mua năm 1997, một ngôi nhà mua năm 2000, khi đó chị Dung chưa kết hôn với anh Ánh, chính chị Dung cũng khai không biết hai ngôi nhà trên mua của ai và bao nhiêu tiền?

Trong tình huống trên có thể có hai quan điểm trái ngược nhau:

Quan điểm thứ nhất: Hai ngôi nhà số 38 và số 6 kể trên là tài sản chung của hai vợ chồng anh Ánh, chị Dung vì hai anh chị có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này khi kê khai để cấp "sổ đỏ" năm 2002 (nhà số 38) và năm 2003 (nhà số 6), anh Ánh đã tự nguyện nhập tài sản riêng (có trước khi kết hôn) vào tài sản chung của vợ chồng. Sự tự nguyện này thể hiện bằng việc anh chính là người đi kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và đã ghi tên cả hai vợ chồng vào bản kê khai.

Quan điểm thứ hai: Hai ngôi nhà nói trên vẫn là tài sản riêng của anh Ánh vì cả hai đều có trước khi kết hôn và anh Ánh cũng không có văn bản thể hiện anh đã tự nguyện nhập tài sản riêng vào tài sản chung theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP.

Cả hai quan điểm nêu trên, dù trái ngược nhau trong cách nhận định, nhưng mỗi quan điểm đều dựa trên những lập luận có lý khó có thể phản bác. Thực tế, bản án số 36/2008/HNGĐ-ST ngày 30 tháng 09 năm 2008 của TAND quận Hai Bà Trưng đã giải quyết vụ việc theo hướng quan điểm thứ nhất, bác yêu cầu đòi nhà của ông Vân, bà Vinh; xác định hai căn nhà số 38 và số 6 là tài sản chung của anh Ánh và chị Dung với những lý lẽ sau đây:

Thứ nhất, việc ông bà Vân, Vinh đưa tiền cho con trai mua nhà được coi là cho con vì anh Ánh là người trực tiếp đứng ra giao dịch, làm hợp đồng mua bán và các thủ tục sang tên,... khi anh Ánh kê khai đăng ký quyền sử dụng đất mang tên anh Ánh và chị Dung, ông bà biết mà không phản đối.

Thứ hai, việc anh Ánh kê khai đăng ký quyền sử dụng đất mang tên anh Ánh và chị Dung được coi như chứng cứ của việc anh tự nguyện nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung và điều này phù hợp với quy định pháp luật.

Qua vụ án trên chúng tôi thấy, hiện nay, Luật Đất đai năm 2003 không quy định người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi kê khai tên của cả hai vợ chồng phải có văn bản chứng minh đó là tài sản riêng hay tài sản chung, nếu là tài sản riêng thì phải có văn bản tự nguyện nhập tài sản riêng vào tài sản chung của người có tài sản. Vì vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hai vợ chồng là hợp pháp và là "chứng thư" pháp lý xác định tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng anh Ánh, chị Dung. Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP thì hai ngôi nhà 38 và nhà số 6 cùng quyền sử dụng đất là tài sản riêng của anh Ánh vì không có văn bản nhập tài sản riêng vào tài sản chung có chữ ký của hai vợ chồng. Như vậy, giữa quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về Hôn nhân gia đình chưa có sự thống nhất, đồng bộ, khiến một mặt việc áp dụng các quy định pháp luật vào thực tế phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, mặt khác, do có sự khác biệt giữa các luật có thể dẫn tới tình trạng cùng một vụ việc nhưng tại các tòa khác nhau lại có những cách giải quyết khác nhau, khiến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên không được bảo đảm.

Xác định tài sản chung trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

Theo phong tục Việt Nam, nam nữ sau khi kết hôn phần lớn thường sống chung với gia đình chồng (cá biệt có người sống chung với gia đình vợ). Vợ chồng sau khi kết hôn cùng góp công, góp sức xây dựng cuộc sống chung của mình và gia đình chồng, vợ. Trong hoàn cảnh đó, tài sản làm ra không được coi như tài sản của hai vợ chồng mà được coi là tài sản chung của đại gia đình. Vì vậy, những tài sản này đặc biệt là những tài sản có giá trị lớn, theo phong tục, thường "mang tên" gia đình (thuộc sở hữu hộ gia đình) hoặc người chủ của đại gia đình.

Khi vợ chồng ly hôn, việc phân chia tài sản chung của vợ chồng đòi hỏi trước tiên phải bóc, tách để xác định được phần tài sản chung của vợ chồng trong khối tài sản chung của cả gia đình. Vấn đề này đã được Điều 96 Luật HN&GĐ năm 2000 dự liệu thành hai trường hợp: đó là khi tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung không xác định được và khi có thể xác định được theo phần. Sẽ là dễ dàng hơn cho vợ chồng và cho Tòa án khi tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung có thể xác định được theo phần, khi đó, chỉ cần trích phần tài sản của vợ chồng từ khối tài sản chung của gia đình theo đúng phần đã xác định để đem chia cho vợ, chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không thể xác định được, lúc này, việc xác định tài sản chung trước hết phụ thuộc vào thỏa thuận giữa vợ chồng và gia đình, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Vợ chồng, gia đình và Tòa án sẽ phải căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung của gia đình để xác định phần tài sản chung của vợ chồng. Vợ chồng phải chứng minh được công sức đóng góp đồng thời lượng hóa được công sức đóng góp đó trong khối tài sản chung của gia đình để làm cơ sở thỏa thuận và phân chia. Về lý thuyết, điều này tưởng chừng đơn giản nhưng trên thực tế việc đánh giá và quy đổi một hệ giá trị có tính chất trừu tượng như công sức đóng góp hay kết quả lao động thành một khối lượng tài sản cụ thể là hết sức khó khăn, đòi

Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - Thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện - 10

hỏi có thiện chí hợp tác của các thành viên trong đại gia đình. Vì vậy, có không ít vợ, chồng, đặc biệt là người vợ phải ngậm ngùi chấp nhận "chia tay" để ra đi với hai bàn tay trắng vì không chứng minh được công sức đóng góp của mình vào khối tài sản chung của cả gia đình.

Vụ ly hôn của chị Lê Thị L và anh Võ Hồng P (xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) là một ví dụ. Năm 1995 hai anh chị kết hôn và sống cùng bố mẹ chồng. Do mâu thuẫn năm 2010 anh chị ly hôn. Tài sản chung của anh chị được xác định có 10 chỉ vàng 24K và vợ chồng đã tự thỏa thuận được. Tuy nhiên, chị L yêu cầu được chia thêm 7 công ruộng do cha chồng chị đứng tên vì theo chị, chị làm dâu hơn mười năm, góp công góp sức cùng gia đình chồng làm ăn kinh tế. Trong thời gian chung sống, anh chị cùng cha mẹ chồng đã xây nhà, mua sắm tiện nghi, đặc biệt năm 2008 mua thêm 18 công đất nữa đứng tên bố chồng chị. Mặc dù vậy, bản án sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu chia đất của chị. Chị L tiếp tục kháng cáo để yêu cầu được chia đất. Tại phiên tòa phúc thẩm:

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhận xét: sau khi kết hôn, anh P, chị L sống chung với gia đình chồng, thì cha chồng chị có sang thêm đất trong thời gian này và đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 15.216 m2. Chị L không chứng minh được việc sang thêm đất của cha chồng là có công đóng góp của chị, đóng góp như thế nào, công sức là bao nhiêu trong khối tài sản của cha chồng đứng tên nên không có cơ sở xem xét yêu cầu kháng cáo của chị [58].

Như vậy, mặc dù luật có quy định, nhưng việc chứng minh được công sức đóng góp để xác định phần tài sản chung vợ chồng trong khối tài sản chung của đại gia đình trên thực tế là rất khó khăn, đặc biệt đối với những người phụ nữ chỉ làm việc nhà, việc đồng ruộng mà không có công việc tạo thu nhập ổn định ngoài xã hội như trường hợp của chị L trong bản án nêu trên. Việc xác định tài sản chung vợ chồng trong trường hợp này càng khó khăn hơn khi chính người chồng hoặc vợ không cùng lên tiếng yêu cầu được chia

một phần tài sản trong khối tài sản chung của gia đình. Trong vụ án trên, Hội đồng xét xử yêu cầu chị L chứng minh công sức đóng góp của chị một cách cụ thể, rõ ràng như đóng góp như thế nào, công sức là bao nhiêu… là không thể thực hiện được vì trong hoàn cảnh của chị - sống cùng gia đình chồng, làm việc nhà, đồng ruộng chung với gia đình thì không thể định lượng đóng góp bao nhiêu tiền, bao nhiêu công để từ đó bố chồng chị có điều kiện mua thêm đất.

Như vậy, có thể nói, dù pháp luật đã có quy định, nhưng thiếu vắng những quy phạm cụ thể giúp định lượng công sức đóng góp của mỗi người vào việc hình thành và phát triển khối tài sản chung, quá trình áp dụng quy định pháp luật về xác định tài sản chung của vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn trong thực tiễn.

Xác định tài sản chung là nhà ở, quyền sử dụng đất

Trong số các tranh chấp tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn thì tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất và nhà ở là phổ biến và cũng là các tranh chấp diễn ra gay gắt nhất. Nhà ở và quyền sử dụng đất là những tài sản có giá trị lớn, với nhiều gia đình nó là cả gia sản tích lũy nhiều năm mới có được. Khi ly hôn, không chỉ vợ chồng mâu thuẫn, thậm chí cả bố mẹ vợ (chồng) cũng sẵn sàng tham gia vào "cuộc chiến" giành quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Theo quy định pháp luật, nhà ở và quyền sử dụng đất thuộc loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng trên thực tế, việc xác định quyền sở hữu đối với nhà ở và quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn cũng không hề đơn giản. Vì là tài sản có giá trị lớn, thời gian hình thành tài sản thường lâu dài, bản thân nguồn gốc hình thành loại tài sản này trong từng thời kỳ lịch sử lại khá phức tạp, nên khi ly hôn phần lớn vợ chồng ít đạt được sự đồng thuận đối với việc chia loại tài sản này nói chung cũng như việc xác định tài sản chung của vợ chồng nói riêng.

Trong nhiều trường hợp, nhà ở, quyền sử dụng đất có được là kết quả của một thời gian dài vợ chồng cùng phấn đấu, làm lụng, tích góp. Cũng có khi, đó là tài sản do được tặng cho hoặc được thừa kế... Vì vậy, khi giải quyết vấn đề chia tài sản chung khi ly hôn, nếu Tòa án không xác minh kỹ nguồn

gốc hình thành nhà, đất để xác định tài sản có thuộc sở hữu chung vợ chồng hay không mà chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thì rất dễ dẫn đến sai sót, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của vợ, chồng cũng như những người khác có liên quan.

Ví dụ, Chị Nguyễn Thu Lan và anh Trần Huấn Dũng kết hôn hợp pháp năm 1985. Sau khi kết hôn, anh chị sống cùng bố mẹ chồng (bà Tâm và Ông Ngà). Năm 1988, bà Tâm nghỉ hưu, Bà nói với chị Lan nếu chị được cấp nhà theo tiêu chuẩn của bà tại Viện 108 thì bà sẽ cho vợ chồng chị (chị Lan cũng công tác tại Viện 108). Sau đó chị đã viết đơn xin cấp nhà. Năm 1990, viện 108 đã phân 1 nhà diện tích 18m2 tại A6 khu tập thể Viện 108 nhưng không ghi tên ai, chị Lan đã tự ghi tên bà Tâm vào quyết định phân nhà. Sau khi được cấp, anh chị trực tiếp sống tại ngôi nhà đó (bà Tâm, ông Ngà sống ở nơi khác). Năm 1997, cơ quan giải phóng mặt bằng và chuyển đổi cho vợ chồng chị về phòng 106N35 tập thể Viện 108 số 39 đường Trần Khánh Dư, thành phố Hà Nội, diện tích 40,02m2. Sau đó, anh chị đã sửa chữa, làm lại phần nội thất bên trong và lấn chiếm ra phần đất lưu không 15m2. Khi hoàn thành bà Tâm, ông Ngà tuyên bố cho vợ chồng chị căn nhà trên và chị đã đưa tiền cho anh Dũng và bố chồng để mua thanh lý nhà năm 1999. Khi anh chị ly hôn, hai bà Tâm, ông Ngà đòi lại nhà.

Dựa trên Quyết định phân nhà của Viện 108 có tên bà Tâm, bản án sơ thẩm của TAND thành phố Hà Nội và bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đều xác định phòng 106N35 tập thể Viện 108 thuộc quyền sở hữu của bà Tâm và ông Ngà. Bà Tâm và ông Ngà có trách nhiệm thanh toán cho anh chị số tiền anh chị bỏ ra sửa chữa, nâng cấp. Chị Lan được lưu cư tại phòng thứ 3 trong thời gian tìm chỗ ở mới.

Hai bản án trên đã bị Hội đồng thẩm phán TANDTC hủy phần chia tài sản vì không xác định rõ phần tài sản chung của vợ chồng anh Dũng, chị Lan, thể hiện ở các khía cạnh sau:

- Không làm rõ diện tích 18 m2 được cấp ban đầu là theo tiêu chuẩn của bà Tâm hay có xét đến việc chị Lan - con dâu bà đang cùng công tác tại Viện;

- Khi chuyển đổi nhà, việc tăng diện tích từ 18 m2 lên 40 m2 là chuẩn chung hay có tính đến số thành viên đang sống trong nhà;

- Diện tích tăng thêm 15 m2 do anh chị cơi nới không có trong giấy chứng nhận sở hữu chưa được xem xét đến;

- Chế độ mua thanh lý nhà chỉ được áp dụng đối với đối tượng đang trực tiếp sử dụng. Anh Dũng, chị Lan là người trực tiếp ở căn nhà đó từ khi được cấp, chuyển đổi. Ông bà Tâm, Ngà chưa từng ở đó vì vậy không phải là chủ thể được áp dụng chế độ mua thanh lý nêu trên.

Vụ án trên cho thấy, việc xác định tài sản chung vợ chồng liên quan đến nhà ở và quyền sử dụng đất trên thực tế là rất khó khăn, phức tạp. Con đường đi chứng minh một tài sản là tài sản chung vợ chồng rất gian nan vì nhiều trường hợp bố mẹ bên vợ, bên chồng tuyên bố tặng cho nhưng lại không làm hợp đồng, không làm thủ tục sang tên theo quy định pháp luật … đến khi vợ chồng ly hôn bố mẹ lại "đổi ý" không cho nữa hoặc tuyên bố khi đó chỉ cho riêng con trai, con gái mình, không hề tính đến việc trong suốt một thời gian dài vợ chồng đã sống, làm nhà trên đất, thực hiện các quyền của chủ sở hữu như một chủ sở hữu thực thụ. Trong ví dụ trên, bà Tâm, ông Ngà đã tuyên bố cho anh Dũng, chị Lan nhà nhưng lại không làm hợp đồng tặng cho và thủ tục sang tên theo quy định pháp luật. Vì vậy, chiếu theo quy định của BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 "việc tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu" [33, Điều 463] [38, Điều 467], thì rõ ràng việc tặng cho nhà bằng hình thức "tuyên bố" của bà Tâm, ông Ngà không thể là căn cứ để xác định căn hộ 106N35 là tài sản chung của anh Dũng, chị Lan. Mặc dù vậy, do tập quán, do thiếu hiểu biết pháp luật… tình trạng tặng cho nhà ở, quyền sử dụng đất không có văn bản hợp lệ vẫn rất phổ biến trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là trường hợp bố mẹ cho con. Do đó, làm

thế nào để xét xử đúng quy định pháp luật mà vẫn đảm bảo được quyền, lợi ích chính đáng của vợ chồng là khó khăn lớn của Tòa án các cấp và đòi hỏi Tòa án khi xét xử phải cẩn trọng xem xét từng vấn đề, tình tiết liên quan của vụ án.

Việc xác định tài sản chung của vợ chồng đối với tài sản là nhà, quyền sử dụng đất còn khó khăn gấp bội trong trường hợp trước đó nhiều cặp vợ chồng đã tìm cách "lách luật" để trốn thuế, hoặc để hợp lý hóa giấy tờ, thủ tục nay rơi vào tình trạng "dở khóc, dở cười". Có trường hợp, khi mua nhà đất của bố mẹ chồng, vợ, nhưng lại thỏa thuận làm hợp đồng tặng cho một trong hai vợ chồng là con để để trốn thuế. Khi ly hôn, vợ, chồng đứng tên trong hợp đồng tặng cho lại "quên" thỏa thuận "ngầm" và "thách thức", bỏ mặc người kia tự đi chứng minh tài sản đó là tài sản chung.

Ví dụ, vụ ly hôn giữa ông Hà Mai Thành và bà Phạm Thị Liên. Đây là vụ ly hôn có tranh chấp tài sản chung phức tạp xung quanh việc xác định tài sản chung là nhà, đất và các khoản nợ. Về quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất tại số 4 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Ông Thành và bà Liên đều thống nhất nguồn gốc nhà đất trên là của bố mẹ đẻ bà Liên, tuy nhiên "con đường" chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà đất cho ông Thành, bà Liên thì mỗi bên lại khai khác nhau.

Theo ông Thành, năm 1998 ông Thuần (bố đẻ bà Liên) có làm giấy thuận cho tài sản (1/2 giá trị nhà, đất) và các em bà Thuần làm giấy nhường quyền thừa kế đối với phần di sản thừa kế của mẹ bà Thuần cho bà Thuần nhằm mục đích trốn thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thực chất nhà đất trên ông bà đã mua với giá 100 cây vàng. Số tiền trên vợ chồng ông bà đã thanh toán hết và ông bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất số 000268 ngày 15/5/1998 mang tên ông Hà Mai Thành và bà Phạm Thị Liên. Vì vậy, khi ly hôn ông đề nghị xác định nhà và đất tại số 4 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hải Dương là tài sản chung của vợ chồng để chia cho ông bà theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, ông Thành lại không đưa ra được chứng cứ về việc mua bán và việc thanh toán tiền mua bán.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/12/2022