Một Số Khuyến Nghị Về Hàm Ý Chính Sách Tái Cơ Cấu, Nâng Cao Hiệu Quả Hoạt Động Của Doanh Nghiệp Có Vốn Nhà Nước Đầu Tư

CHƯƠNG 6

KHUYẾN NGHỊ VỀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH


Xuất phát từ vai trò, thực trạng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư tại Việt Nam, quá trình tái cơ cấu, sắp xếp DNNN trong giai đoạn vừa qua (Chương 3), kết hợp với phân tích kết quả kiểm định thực chứng mối quan hệ tác động giữa cấu trúc sở hữu và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước niêm yết trên TTCK giai đoạn 2010-2017 (Chương 5), Chương này sẽ trình bày một số khuyến nghị về hàm ý chính sách tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư.

6.1. Một số khuyến nghị về hàm ý chính sách tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư

6.1.1. Chính sách thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau CPH cần tính tới yếu tố hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Kết quả kiểm định tại Chương 5 đã xác nhận vai trò tích cực của thành phần sở hữu tư nhân trong nước đối với các DNNN sau CPH khi có mối quan hệ tuyến tính dương với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, tương tự nhiều nghiên cứu trước đây cũng như thực tế hiệu quả công tác CPH đã được đánh giá tại Chương 3, minh chứng đẩy mạnh CPH các DNNN là một chủ trương đúng đắn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc phải tiếp tục gia tăng tỷ lệ thành phần sở hữu tư nhân (tương ứng với chính sách tiếp tục thoái vốn nhà nước) tại các doanh nghiệp sau CPH; mà chính sách này cần tính tới yếu tố hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là khi các doanh nghiệp đã được niêm yết trên TTCK, hoạt động hiệu quả.

Thực tiễn quá trình CPH, thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp những năm vừa qua chủ yếu tập trung hai nhóm đối tượng doanh nghiệp, đó là (i) các DNNN, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước đầu tư hoạt động kém hiệu quả; và (ii) các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực mà Nhà nước cho rằng không cần thiết có sự đầu tư vốn của Nhà nước. Một trong những quan điểm mang tính nguyên tắc của Nhà nước trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, CPH, thoái vốn nhà nước là giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị một cách thực chất và thu hút nhà đầu tư có năng lực thực sự; tối đa hóa giá trị bán vốn nhà nước theo cơ chế thị trường. Mặc dù vậy, việc xác định mức tỷ lệ sở hữu nhà nước đủ để thay đổi quản trị một cách thực chất là vấn đề phức tạp. Thực tiễn hiện nay, tỷ lệ sở hữu nhà nước được xác định trong các phương án CPH DNNN phải tuân thủ mức tỷ lệ sở hữu

nhà nước được quy định theo nhóm các ngành nghề, lĩnh vực (từ 65% trở lên, trên 50% đến dưới 65%); ngoài ra đối với trường hợp Nhà nước cần nắm giữ từ 36% đến 50% vốn điều lệ khi thực hiện CPH các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần phải được báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét (Quyết định 58/2016/QĐ-TTg). Việc thoái vốn sau CPH tiếp tục được đặt ra trong trường hợp doanh nghiệp sau CPH chưa đạt được mức tỷ lệ sở hữu nhà nước quy định. Quy định mang tính hành chính trong xác định tỷ lệ sở hữu nhà nước có tác dụng thúc đẩy việc CPH, thoái vốn, thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước trong quá trình sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, nếu cứng nhắc thực hiện theo mục tiêu mức độ CPH đặt ra sẽ có thể mang lại tác động tiêu cực như Nhà nước có thể mất đi lợi ích kinh tế hiện hữu mà việc đầu tư vốn đang mang lại; giá trị bán vốn nhà nước không được tối đa hóa.

Kết quả kiểm định mô hình tĩnh tại Chương 5 đã cho thấy sở hữu nhà nước cũng như việc nhà nước nắm giữ quyền chi phối hay không chi phối doanh nghiệp không có sự tác động tuyến tính có ý nghĩa thống kê tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; mặt khác lại tồn tại mối quan hệ phi tuyến tính (hình chữ U) giữa sở hữu nhà nước với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (mức độ sở hữu của nhà nước tại các doanh nghiệp khi lớn hơn một điểm tới hạn sẽ có tác động tích cực tới hiệu quả kinh doanh). Đối với các DNNN sau CPH, khi đã đảm bảo đủ điều kiện niêm yết trên TTCK, tương ứng với những điều kiện về quy mô, về tài chính, về công khai minh bạch trong hoạt động … thì với lợi thế khách quan vốn có của thành phần sở hữu nhà nước, sở hữu nhà nước ở mức độ tập trung nhất định sẽ tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động. Vì vậy, khi DNNN đã được CPH, mặc dù mức độ CPH chưa đạt được so với phương án được duyệt song nếu doanh nghiệp sau CPH hoạt động hiệu quả, đặc biệt đã được niêm yết trên TTCK thì việc tiếp tục thoái vốn nhà nước đầu tư để đạt được mục tiêu về tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ theo phương án đã duyệt cần phải được cân nhắc. Việc tiếp tục thoái vốn khi doanh nghiệp sau CPH hoạt động hiệu quả thậm chí có thể dẫn tới tác động tiêu cực, khi phát ra tín hiệu gây tâm lý thị trường nghi ngờ về động cơ thoái vốn, nhận định tiêu cực về tương lai của doanh nghiệp; bên cạnh đó, tâm ý người đại diện phần vốn nhà nước cũng sẽ mất đi động lực quản trị tốt doanh nghiệp khi nghĩ rằng sự nỗ lực đem lại hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là không cần thiết khi Nhà nước tiếp tục thoái vốn, vai trò gắn với lợi ích của người đại diện bị giảm hoặc mất đi.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 154 trang tài liệu này.

6.1.2. Chính sách cổ phần sở hữu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng và phát huy vai trò tích cực của thành phần sở hữu nước ngoài

Cần có cơ chế thu hút các nhà đầu tư nước ngoài để phát huy được ưu điểm của đầu tư nước ngoài theo hướng nới lỏng trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khi Nhà nước chào bán chứng khoán ra công chúng, chú trọng lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong CPH DNNN.

Cấu trúc sở hữu và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư tại Việt Nam - 16

Như đã kết luận tại Chương 5, sự xuất hiện của thành phần sở hữu nước ngoài nếu phân tán có tác động tiêu cực tới hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, tuy nhiên vai trò tích cực của nhà đầu tư nước ngoài sẽ phát huy khi đạt mức độ sở hữu tập trung nhất định.

Theo quy định pháp lý hiện hành tại Việt Nam, mức trần về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK đối với các công ty đại chúng mà ngành nghề không hạn chế, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Ngoài ra, đối với trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài; công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó; đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%; đối với DNNN thực hiện CPH theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài được yêu cầu thực hiện theo quy định pháp luật về CPH.

Tuy nhiên, quy định trên gặp vướng mắc trong thực tiễn do nhiều trường hợp doanh nghiệp hoạt động đa ngành và có một số ngành nằm trong lĩnh vực bị giới hạn sở hữu nước ngoài, thì mức trần sở hữu nước ngoài không được vượt quá mức thấp nhất trong các ngành đó. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, quy định cho phép có thể gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao hơn mức hiện hành đối với nhà đầu tư nước ngoài trong những ngành nghề đầu tư có điều kiện và chưa có quy định về sở hữu nước ngoài là cần thiết, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam.

Tương tự đối với DNNN khi thực hiện CPH, ngoại trừ các lĩnh vực, ngành nghề theo quy định Nhà nước phải nắm quyền chi phối, sở hữu trên 50% thì đối với các lĩnh vực, ngành nghề còn lại không nên giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi Nhà nước chào bán chứng khoán ra công chúng. Điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp CPH khi họ có nhiều hơn cơ hội tham gia vào quản trị doanh nghiệp. Kết quả về mối quan hệ phi tuyến tính (hình chữ U) giữa sở hữu nước

ngoài và hiệu quả hoạt động theo chỉ tiêu TobinsQ cho thấy sự xuất hiện của sở hữu nước ngoài ở mức độ tập trung nhất định sẽ đem lại tín hiệu tích cực cho thị trường, với niềm tin của các nhà đầu tư về năng lực quản trị tiên tiến, công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, kết quả kiểm định về mối quan hệ tuyến tính cũng đã cho thấy sở hữu nước ngoài tác động tiêu cực tới hiệu quả hoạt động theo chỉ tiêu ROA, ROE do mức độ phân tán của nó; vì vậy các DNNN khi CPH cần chú trọng việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Nhà nước cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp sau CPH đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để tận dụng được khả năng tài chính, công nghệ, kinh nghiệm và kiến thức quản trị doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau CPH.

6.1.3. Việc đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cần xuất phát từ hiệu quả kinh tế là chủ đạo; xác định cạnh tranh là động lực chính để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật; công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình trong quản trị doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối) là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Cơ sở của hàm ý chính sách trên là kết luận về tác động của cấu trúc sở hữu tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp dựa trên kết quả kiểm định mô hình động tại Chương 5: Khi TTCK phát triển, việc thay đổi cấu trúc vốn chủ sở hữu là thường xuyên do các hoạt động giao dịch, đầu tư trên thị trường, đặc biệt trong giai đoạn ngắn hạn. Trong môi trường cạnh tranh không có sự khác biệt giữa mục tiêu của cổ đông nhà nước và các cổ đông khác, sự thay đổi cấu trúc sở hữu sẽ có thể không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Điều này đã được chứng minh bởi kết quả kiểm định mô hình động về tác động của cấu trúc sở hữu tới hiệu quả hoạt động, khi không còn cho thấy dấu hiệu tác động của các thành phần sở hữu tới hiệu quả hoạt động như mô hình tĩnh.

Bản chất việc tồn tại của một doanh nghiệp tùy thuộc vào mục đích thành lập, hoạt động của doanh nghiệp. Nếu như đối với tư nhân khi đầu tư vào các doanh nghiệp, mục đích chủ yếu là lợi ích kinh tế với mục tiêu tối đa hóa giá trị chủ sở hữu; thì đối với nhà nước, theo OECD (2019) mục đích khi tham gia đầu tư vào doanh nghiệp thường gắn với ba lợi ích đan xen, đó là lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và chiến lược. Tại Việt Nam, quan điểm tại Nghị quyết 12/NQ-TW khóa XII đánh giá hiệu quả hoạt động của các DNNN là “lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu”,

“Tách bạch nhiệm vụ của DNNN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của DNNN sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích.” Và khi đã xác định hiệu quả kinh tế là chủ đạo, nhiệm vụ sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công ích được tách bạch, được chuyển sang cơ chế thị trường cạnh tranh, đòi hỏi đại diện vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phải nỗ lực để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Một trong những điều kiện hàng đầu để đảm bảo một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế là hệ thống pháp luật không phân biệt đối xử, các cơ chế chính sách đảm bảo cho thị trường vận hành theo các quy luật thị trường. Cũng với yêu cầu này, việc áp dụng chung cơ chế công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp là cần thiết; ngoài ra, trong mối quan hệ trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước với cơ quan quản lý cần minh bạch, công khai trách nhiệm giải trình qua đó có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước, người dân và thị trường. Việc công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình trong quản trị doanh nghiệp sẽ tạo niềm tin của thị trường vào doanh nghiệp, cùng với những tín hiệu tích cực vốn có của việc nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp sẽ lại giúp cho doanh nghiệp có những lợi thế nhất định trên thị trường cạnh tranh. Việc thông tin về hoạt động của DNNN thiếu tường minh trong nhiều năm qua đã tạo nên ấn tượng không tốt của thị trường về tính minh bạch trong hoạt động của DNNN, cũng như trách nhiệm giải trình về những vi phạm trong quản trị doanh nghiệp gây ra những hậu quả thua lỗ.

6.1.4. Xác định chính xác những điểm nghẽn trong tái cơ cấu doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư; tập trung về vấn đề người đại diện, tài sản đất đai, mức độ CPH.

Qua kết quả nghiên cứu sự thay đổi của cấu trúc sở hữu vốn nhà nước bị tác động như thế nào bởi hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và một số nhân tố khác (như quy mô doanh nghiệp, tỷ lệ % vốn góp chủ sở hữu trên vốn chủ sở hữu, tăng trưởng doanh thu hàng năm, việc nhà nước nắm giữ quyền chi phối doanh nghiệp) đã cho thấy vấn đề người đại diện (gắn với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ quyền chi phối), tài sản cố định (chủ yếu là đất đai) là những nhân tố tác động ngược chiều với mức độ thoái vốn nhà nước. Bên cạnh đó, thực tế tổng kết quá trình CPH cho thấy, việc mức độ CPH hạn chế (tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ cao) trong phương án CPH là một trong những nguyên nhân việc CPH thực tế không đạt tỷ lệ cổ phần đề ra.

6.2. Kiến nghị thực thi các hàm ý chính sách

6.2.1. Kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

6.2.1.1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp có vốn nhà nước

đầu tư vận hành theo cơ chế thị trường

Như mục 6.1.3 đã đề cập, việc đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cần xuất phát từ hiệu quả kinh tế là chủ đạo, xác định cạnh tranh là động lực chính để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống chính sách để đảm bảo các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư vận hành theo cơ chế thị trường. Hệ thống cơ chế, chính sách cần tập trung giải quyết những vấn đề then chốt liên quan đến cạnh tranh như:

- Một là, thực hiện chính sách cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, nhất là giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân; loại bỏ các quy định, chính sách ngăn cản sự tham gia, gia nhập thị trường hàng hóa, lĩnh vực trước đây do Nhà nước độc quyền đầu tư (ví dụ: trong lĩnh vực đường sắt, Tổng công ty Đường sắt được trao quyền quản lý toàn bộ phần hạ tầng, điều hành giao thông đường sắt đồng thời lại vừa tổ chức kinh doanh vận tải đường sắt, dẫn đến thiếu cạnh tranh trong kinh doanh vận tải đường sắt; trong lĩnh vực cung ứng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tư cách là người mua điện duy nhất ở cấp bán buôn, kết hợp với quy định về giá dẫn đến việc thiếu cạnh tranh trong cung ứng điện; hoặc như tại các sân bay từng cho thấy chính sách phân bổ quyền được bay cũng không mang tính cạnh tranh, Vietnam Airlines thuộc sở hữu nhà nước có quyền vô hạn trên các tuyến bay quốc tế, trong khi quyền của các hãng bay thuê trên các tuyến nội địa chỉ được cấp trên cơ sở từng trường hợp). Hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh khép kín, cục bộ, không minh bạch trong DNNN, đặc biệt là trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; cần nghiên cứu chính sách quy định để phân biệt rõ giữa lĩnh vực, phạm vi nhà nước độc quyền và DNNN độc quyền.

Theo OECD (2019), Nhà nước thường đóng vai trò kép, vừa là cơ quan điều tiết thị trường vừa là chủ sở hữu DNNN có hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong các ngành mới được nới lỏng kiểm soát và tư nhân hóa một phần. Do vậy việc tách bạch hành chính hoàn toàn giữa chức năng sở hữu và trách nhiệm điều tiết thị trường là điều kiện tiên quyết cơ bản để tạo ra sân chơi bình đẳng cho các DNNN và công ty tư nhân, và tránh bóp méo cạnh tranh. Trường hợp khác, DNNN được sử dụng như một công cụ của chính sách phát triển ngành dễ dẫn tới xung đột lợi ích giữa chính sách phát triển ngành và chức năng sở hữu của nhà nước, đặc biệt là khi công tác quản lý chính

sách phát triển ngành và chức năng sở hữu được giao cho cùng một cơ quan chức năng hoặc một bộ chuyên ngành phụ trách. Việc tách bạch chính sách phát triển ngành và quyền sở hữu sẽ giúp phân định rõ vai trò của nhà nước với tư cách là chủ sở hữu, và tạo điều kiện cho xác định mục tiêu cũng như giám sát hiệu quả hoạt động một cách rõ ràng. Để ngăn chặn xung đột lợi ích, cũng cần phải tách chức năng sở hữu khỏi bất kỳ cơ quan nhà nước nào có thể là khách hàng hoặc nhà cung cấp chính của DNNN. Đây cũng chính là một trong những cam kết về nguyên tắc áp dụng đối với cơ quan Nhà nước trong quản lý các DNNN thuộc diện điều chỉnh của EVFTA.

Thực tiễn đã cho thấy tình trạng độc quyền nhà nước, thiếu động lực cạnh tranh đã khiến DNNN hoạt động kém hiệu quả cả về mục tiêu kinh tế lẫn mục tiêu xã hội; điển hình là một số lĩnh vực ngành công nghiệp mạng lưới như giao thông đường sắt, đường không, điện, viễn thông ...(Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, 2018). Do đó, cần phải tạo điều kiện tiếp cận, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế trên thị trường; mặt khác, đối với các DNNN đang được giao quản lý, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, cần thực hiện đúng nguyên tắc kiểm soát khi CPH tại Nghị quyết 12-NQ/TW: “Nhà nước thống nhất sở hữu các công trình hạ tầng quan trọng; doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà đầu tư nhận quyền khai thác chỉ được quyền quản lý, vận hành, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng; việc lựa chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, công khai, minh bạch; bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ”.

- Hai là, thực hiện theo cơ chế đấu thầu việc thực hiện cung ứng các hàng hóa, dịch vụ công; thực hiện lựa chọn cạnh tranh, công khai. Thực hiện việc áp dụng hình thức đấu thầu, đặc biệt là đấu thầu rộng rãi, hạn chế tối đa việc thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, Nhà nước đặt hàng. Trường hợp giao nhiệm vụ, Nhà nước đặt hàng phải công khai lý do, minh bạch đơn giá định mức, khối lượng công việc, kết quả thực hiện, trách nhiệm và quyền lợi của DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được giao nhiệm vụ, đặt hàng. Điều này là phù hợp theo khuyến nghị của OECD: “Khi DNNN kết hợp hoạt động kinh tế và mục tiêu chính sách công, phải duy trì chuẩn mực cao về minh bạch và công bố thông tin liên quan đến cơ cấu chi phí và doanh thu, cho phép phân bổ cho các lĩnh vực hoạt động chính.” “Các chi phí liên quan đến mục tiêu chính sách công phải được nhà nước tài trợ và công bố.” (OECD, 2019)

Hiện nay, mặc dù phạm vi đối tượng áp dụng đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức, đơn vị có chức năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công phù hợp với yêu cầu cung cấp sản phẩm, dịch

vụ công của Nhà nước; tuy nhiên việc chưa có quy định bắt buộc mà chỉ khuyến khích áp dụng hình thức đấu thầu dẫn tới việc lạm dụng phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng của cơ quan quản lý nhà nước, hạn chế tính cạnh tranh trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ công. Vì vậy, cần phải quy định nguyên tắc chỉ được thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công khi không thể thực hiện được phương thức đấu thầu (trừ những trường hợp đặc thù liên quan đến an ninh, quốc phòng,... chỉ có thể thực hiện giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng thì phải được quy định công khai). Quy định các Bộ, địa phương trách nhiệm công khai danh mục các hàng hóa, dịch vụ công thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, định mức làm cơ sở xác định giá thành, chi phí thực hiện.

- Ba là, thực hiện đa dạng hóa hình thức sở hữu đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, đẩy mạnh CPH DNNN; qua đó thay đổi về quản trị doanh nghiệp, hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước, tháo gỡ tình trạng khép kín, độc quyền.

Tại quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, với đặc thù phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được thực hiện thông qua vai trò của DNNN là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Do đó, các DNNN luôn có được những lợi thế nhất định trong việc tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, kinh doanh, tài chính, thuế,...là điều khó tránh khỏi. Việc cấu trúc lại cơ cấu sở hữu doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, đa dạng hóa hình thức sở hữu sẽ góp phần xoá bỏ sự can thiệp hành chính trực tiếp, cũng như hạn chế đối xử bất bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh đó, với việc đa dạng hóa hình thức sở hữu DNNN sẽ huy động được sức mạnh của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt các yếu tố về quản trị, công nghệ cũng như động lực gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vì mục tiêu kinh tế. Việc đẩy mạnh CPH DNNN, kể cả các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước cũng sẽ tháo gỡ tình trạng khép kín, độc quyền,hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh khép kín, cục bộ, không minh bạch trong DNNN.

- Bốn là, hoàn thiện các quy định pháp lý tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Quy định các thông tin bắt buộc phải công bố đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, không kể doanh nghiệp đã niêm yết hay chưa niêm yết. Theo hướng dẫn của OECD: “DNNN phải hoạt động minh bạch như các công ty đại chúng. Cho dù DNNN có pháp nhân thế nào và dù chưa niêm

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/12/2022