Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả - Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim 1675414516 - 5


tiếp của cái Tôi cá thể nữa mà cái tôi trữ tình đóng vai trò là người chứng kiến và tái hiện hiện thực, cái tôi chủ quan cá nhân chìm đi để cho cái ta cộng đồng rộng lớn trỗi dậy; sự thay đổi của cách thức thể hiện tính chủ quan trong thơ giai đoạn này đáp ứng nhu cầu của thời đại. Bước sang giai đoạn văn học sau đổi mới và đặc biệt trong những năm gần đây, cái tôi chủ quan trong thơ lại có sự biến đổi mạnh mẽ với sự trở về của cái tôi hướng nội. Những nhà thơ trẻ đương đại luôn khao khát khẳng định con người cá nhân với những đặc trưng và cá tính riêng biệt. Ý thức cá nhân trong thơ lại trỗi dậy mạnh mẽ rất phù hợp với bản chất của thơ trữ tình.Cái tôi cá nhân đã thực sự được phục sinh, được tìm về với đúng nghĩa giá trị và vị thế của nó trong thơ. Trong suốt một thời gian dài, cái tôi cá nhân trong thơ bị giam hãm, thơ là tiếng nói của cái ta chung, của cộng đồng với những hào khí, hoan ca; nỗi buồn cá nhân, sự cô đơn, tuyệt vọng hay cái chết đều không được nói đến. Giờ đây, thời kỳ đổi mới đã tạo cơ hội cho thơ tìm lại được chân bản thể với những bản chất của thơ trữ tình. Nhà thơ được “cởi trói”, có thể tự do đi sâu, khai phá những ngõ ngách tâm hồn mình, trở về để tìm hiểu chính mình với những yêu thương, đam mê, hân hoan lẫn tuyệt vọng, cô đơn, buồn tủi, thậm chí là cái chết. Hơn nữa, họ được thoải mái “tung hoành” với những lối viết phóng khoáng, bạo dạn; với những quan niệm mới về thơ và sự thể hiện, họ tự tin đi tìm kiếm những cái mới.Họ khao khát thể hiện chính mình với những nét cách tân riêng biệt, tạo được những dấu ấn của cái tôi chủ quan không thể trộn lẫn.

Cùng với tư tưởng cách tân thơ và khao khát khẳng định cái tôi chủ quan độc đáo, giống như nhiều nhà thơ trẻ đương đại, ba nhà thơ nữ Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim đã thể hiện trong thơ mình ý thức của cái tôi chủ quan trỗi dậy mạnh mẽ với tất cả sự phức tạp của thế giới nội tâm sâu kín, luôn muốn được đề cao với những nét độc đáo riêng biệt. Sự tự ý thức về cái tôi chủ quan của ba nhà thơ được thể hiện ở cả trong cuộc sống với việc thể hiện những cá tính riêng biệt và ở cả trong văn chương với sự thể hiện của cái tôi trữ tình độc đáo. Họ luôn luôn muốn khẳng định con người hiện thực cá nhân của mình, chống lại mọi lề thói, khuôn phép có sẵn, tìm đến những


điều mới mẻ. Chính những điều này đã tạo nên ở mỗi nhà thơ một tính cách riêng biệt để họ có thể tiếp tục vẫy vùng trong hành trình đi đến tận cùng thơ ca.

Ngay từ khi xuất hiện, cả ba nhà thơ nữ trẻ đều đã khẳng định tiếng nói riêng, cá tính độc đáo riêng với cái tôi cá nhân “không giống ai” của mình. Nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh luôn luôn khao khát được biểu hiện cái tôi trước cuộc đời, cái tôi bản thể mang tính khác biệt, chị luôn muốn tạo ra sự độc đáo riêng biệt trong lối tư duy, trong cách diễn đạt và việc sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ. Điều làm nên sự khác biệt trong thơ Vi Thùy Linh là sự thể hiện một cách mới mẻ và chân thành những tình cảm cá nhân trong thơ, Vi Thùy Linh bộc bạch trong Lời tự tình cùng độc giả, tập thơ ViLi in Love: “Không cần nói về sự chân thành, bởi nó là đặc thù cá tính của tôi, cũng như của những độc giả có lương tri, tâm hồn đẹp. Chúng ta chân thành đến với nhau, đi cùng và hẹn gặp nhau phía trước.Đẹp là Mới, Mới cần phải Đẹp. Sống và yêu như thế, là thỏa một kiếp người”[31, tr.120]. Những tuyên ngôn về sáng tác nghệ thuật đó của Vi Thùy Linh là sự khẳng định một cách quyết liệt cho cá tính sáng tạo và sự độc đáo trong thơ chị. Ngay từ những tập thơ đầu tayKhát Linh cho đến những tập thơ sau này được chị cho ra mắt độc giả, tất cả đều mang những nét độc đáo, riêng biệt với cá tính mạnh mẽ mang dấu ấn Vi Thùy Linh. Có lẽ bởi chính những nét phá cách, khác biệt của cái tôi nữ quyền khao khát giải phóng những ẩn ức sâu kín,với cá tính mạnh mẽ mà thơ Vi Thùy Linh được bạn đọc yêu mến. Cũng là một nhà thơ nữ trẻ đại diện cho thơ ca đương đại, Ly Hoàng Ly với hai tập thơ Cỏ trắng Lôlô đã thể hiện được một Ly Hoàng Ly cá tính, không trộn lẫn với bất cứ nhà thơ nữ đương đại nào. Ly Hoàng Ly đã khẳng định: “làm nghệ thuật là công việc đường dài… Tôi làm nghệ thuật là để khám phá thế giới quanh mình và khám phá chính mình” [80]. Ly Hoàng Ly không chỉ là một nhà thơ, chị còn tận hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật, hội họa và nghệ thuật tạo hình là những cái đẹp chị vẫn đang và sẽ theo đuổi. Con người hiện thực Ly Hoàng Ly với những đặc trưng riêng biệt đã làm nên trong thơ chị nét riêng độc đáo:


Ly quê ở Bắc Ninh, sinh ra ở Hà Nội, trưởng thành ở Sài Gòn, học nghệ thuật đương đại ở Mỹ. Sự tinh tế của người Kinh Bắc, sự thanh lịch của người Tràng An, tính cách rộng mở của người Sài Gòn… như đã làm nên vẻ đẹp trong phong thái của Ly: ý tứ, duyên dáng, và hiện đại”[74]. Thơ Ly Hoàng Ly luôn mang sự đằm thắm nữ tính, duyên dáng nhưng cũng đậm tính cách tân trong hình thức nghệ thuật. Nếu như thơ Vi Thùy Linh thể hiện một cái tôi bạo dạn với cá tính mạnh mẽ, nếu như thơ Ly Hoàng Ly đậm chất nữ tính đằm thắm bằng sự thể hiện mới mẻ thì thơ của Bùi Sim Sim là tiếng nói của một tâm hồn nữ tính với tình cảm sâu sắc, đậm chất lý trí, chiêm nghiệm. Khác với Vi Thùy Linh và Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim là nhà thơ sống trong giai đoạn giao thời giữa cái cũ và cái mới, giữa sự chuyển mình của thời cuộc trước và sau đổi mới thơ ca. Vì vậy, cái tôi cá nhân trong thơ Bùi Sim Sim không quá mạnh mẽ, cuồng nhiệt trong sự thể hiện nhưng nhà thơ vẫn ý nhị khẳng định một cái tôi cá tính đang rũ bỏ những lề thói cũ kĩ, tìm đến với những cách tân mới mẻ của thơ ca đương đại; chị là một trong những đại diện tiêu biểu của sự nỗ lực đổi mới thơ ca giai đoạn đầu của thời kỳ văn học đương đại; chính sự ảnh hưởng của thời đại và cá tính cá nhân đã tạo nên một Bùi Sim Sim mang cá tính riêng độc đáo. Có thể thấy rằng, những yếu tố của tư duy văn học giới cùng với những cá tính sáng tạo và tính cách riêng của từng người đã làm nên cái tôi cá nhân độc đáo trong thơ Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim. Đó là những cái tên đặc biệt không thể trộn lẫn.

Cái tôi cá nhân chủ quan của mỗi nhà thơ trước hết được khẳng định qua cách đặt tên nhan đề cho các tập thơ, các bài thơ. Giống như trang bìa của mỗi cuốn tạp chí, việc đặt tên cho tập thơ và nhan đề bài thơ như một sự in dấu, tạo ấn tượng một cách rõ ràng và hiệu quả nhất cái tôi chủ quan, mỗi nhà thơ đều khao khát khẳng định mình với những cá tính riêng độc đáo. Nhà thơ Bùi Sim Sim đã thực sự tạo ấn tượng với hai tập thơ Thì thầm lá non Giữa hai chiều quên nhớ. Chị đã ghi tên mình trong lòng người đọc với ấn tượng về hình ảnh của một người con gái đậm chất nữ tình, vừa đằm


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

thắm, dịu dàng lại vừa quyết liệt, giằng xé. Tình cảm và chất suy tưởng trong thơ chị đã được gợi mở ngay từ tên của tập thơ.Những nhan đề bài thơ như Tự cảm, Điệp khúc tình yêu, Mưa ngâu tức cảm… đã phác thảo những nét vẽ đầu tiên về hình ảnh của một cái tôi trữ tình giàu cảm xúc, nhạy cảm và sâu sắc.Nhân vật trữ tình biểu hiện cái tôi chủ quan của nhà thơ lại xuất hiện với những Phép nghĩ, Nghịch lý, Lẩn thẩn về cũ – mới… thể hiện một cái tôi lý trí với những suy tư, dự cảm.Đọc thơ Bùi Sim Sim, ta sẽ thấy một cái tôi trữ tình biến thiên đa dạng bằng sự thể hiện của nhân vật trữ tình trong mỗi bài thơ. Hơn nữa, ngay từ tên tập thơ và nhan đề các bài thơ, nhà thơ đã tạo được trong lòng người đọc cảm tình đặc biệt và những hình dung mới mẻ về một cái tôi chủ quan đậm nữ tính. Còn với nhà thơ Ly Hoàng Ly, từ Cỏ trắng đến Lô lô là một quá trình trưởng thành với nhiều nét cách tân đặc sắc. Hai tập thơ là sự thể nghiệm của tác giả trong thơ ca bằng việc pha trộn các loại hình nghệ thuật; ngôn ngữ, cảm xúc, màu sắc, đường nét, ý niệm… tất cả đều được phối hợp với nhau để tạo nên chất riêng trong thơ Ly Hoàng Ly. Độc giả sẽ thấy được một cái tôi chủ quan với những tình cảm chân thành, cảm xúc nhạy bén và những suy tư sâu sắc trong Ảo vọng, Hồng tro,Giấc mơ… Chúng ta cũng có thể thấy hình ảnh cái tôi trữ tình đam mê và thấm nhuần chất nghệ sĩ, khó hiểu đến siêu thực trong Ảo giác, Lô lô, Nhà nghiêng, Phòng trắng… Người nữ duyên dáng, đằm thắm cùng với sự kết hợp tài tình các loại hình nghệ thuật trong thơ đã làm nên một cái tôi chủ quan khác biệt trong thơ Ly Hoàng Ly. Với Vi Thùy Linh, ý thức về việc khẳng định cái tôi chủ quan qua thơ ca được thể hiện một cách quyết liệt nhất. KhátLinhlà hai tập thơ đầu tay thể hiện được một cách sôi nổi và mạnh mẽ nhất khao khát khẳng định mình, nhan đề hai tập thơ là hàm ẩn cho cá tính mạnh mẽ và ý thức về giá trị của bản thân; đó là sức trẻ, là cá tính của cô gái đang sung mãn. Đến Đồng tử, ViLi in love, Phim đôi – tình tự chậm, Chu du cùng ông nội ViLi in Paris cái tôi chủ quan nhà thơ tuy không bồng bột, nổi loạn như trước, chín chắn và chững chạc hơn, nhưng cũng lại đằm thắm và khẳng định sâu sắc hơn cá tính sáng tạo của mình với những Ga Vi, Thùy, Nhớ ViLi ở Paris… Khác với giai đoạn thơ


Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả - Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim 1675414516 - 5

ca trước đó, giờ đây trong thơ đương đại, những nhà thơ nữ đã trực tiếp gợi mở và khẳng định chính mình, in dấu chính mình trong việc lựa chọn cách đặt tên nhan đề các tập thơ và bài thơ.Đó là ý thức khẳng định cái tôi cá nhân độc đáo, khao khát đề cao và trân trọng giá trị của chính mình.

Không chỉ là việc lựa chọn nhan đề, mà quyết liệt và táo bạo hơn nữa là việc những nhà thơ nữ trực tiếp tuyên ngôn, bày tỏ bản lĩnh mạnh mẽ, khẳng định cái tôi riêng khác biệt trong thơ. Nếu như trong thơ ca giai đoạn trước, nhà thơ thường dùng đại từ nhân xưng “ta”, “chúng ta”… để biểu đạt thế giới nội tâm của chính mình hoặc của cộng đồng thì đến nay, các nhà thơ ưa dùng đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất, số ít, họ trực tiếp xưng “tôi” để biểu đạt tính chủ quan cá nhân của mình. Sự xuất hiện của đại từ “tôi” trong thơ của Vi Thùy Linh nhiều hơn so với các nhà thơ khác, đặc biệt là trong hai tập thơ đầu tay, đó là sự bồng bột, vội vã muốn được khẳng định mình một cách sôi nổi và nhiệt thành. Đến những tập thơ sau, cái “tôi” xuất hiện với mật độ thưa dần, thể hiện sự chín chắn và tiết chế của nhà thơ. Tuy nhiên cái tôi lại biến thể sang nhiều dạng thức khác. Nhà thơ tự xưng: “em”, “ta”, “mình”,“Hoa Thùy Linh”, “Vi”, “Nàng Tím”, “Nàng tháng Tư”, “ViVi”, “Linh”, “ViLi”… Cách tự xưng như vậy trong thơ Vi Thùy Linh là rất nhiều và rất đa dạng, thể hiện một cách mạnh mẽ khao khát tự khẳng định cá tính cá nhân và cái tôi chủ quan trong sáng tạo. Vi Thùy Linh đã tuyên ngôn: “Không bao giờ hóa trang để nhập vai người khác” (Tôi), và quan điểm đó lại được khẳng định lại nhiều lần: “Gọi “Mình ơi!” là gọi cả cho mình/ Gọi “Mình ơi!” để chỉ nhận vai Linh (Hồ sơ tháng ba); “Nàng thủ vai chính mình” (Bài thơ đầu tiên cho Whitney); “Còn đôi ta nhập vai chính mình” (Praha); “Đâu thể nhòe giữa các loại nhan sắc, tư duy đại trà” (Tầng 56 của giấc mơ)… Luôn ý thức được cá tính độc đáo, riêng biệt của mình, Vi Thùy Linh khẳng định mình là một cá thể riêng biệt. Thậm chí, nữ nhà thơ còn khao khát: “Đập nát đơn điệu, khuôn khổ của cũ kĩ, nhàm chán và cam chịu/ Em tự làm mất đối xứng – “bằng em” (Không thanh thản). Đó là


sự khẳng định một cái tôi kiên định, một cái tôi bản lĩnh có thể thay thời đổi thế, là cái tôi duy nhất và độc nhất. Ý thức về cái tôi chủ quan như một sự ám ảnh từ ngày sinh đánh dấu sự riêng biệt của cá nhân, Vi Thùy Linh viết nhiều về ngày sinh nhật của mình, ngày 4/4, và con số ấy xuất hiện liên tục trong thơ chị như một ẩn ý cho sự khẳng định chất riêng: “Trung tâm thương mại Sapa – Praha 4/ Hotel Sapa 4 sao 4 tầng/ Lưu trú nàng tháng Tư đi qua 4 nước/ Bên gối, những cuốn sách in ảnh Anh, bìa 4” (Praha) Hay:“Anh đưa em quay lại Paris/ Lần thứ tư/ Vào đêm 4 tháng Bốn” (Paris Paris), một số bài thơ cũng nhắc đến những con số này: Một mình tháng Tư, Những người sinh tháng Tư, Tháng Tư… Trong thơ Vi Thùy Linh, sự xuất hiện của những con số như một sự bổ trợ cho ngôn ngữ của cảm xúc, việc xuất hiện số 4 gắn với sinh nhật của chị là một đặc trưng đánh dấu nét riêng biệt và ghi dấu lại cái tôi chủ quan không trộn lẫn của Vi Thùy Linh, chị tự đánh dấu chính mình trong thơ ca. Trong thơ, Vi Thùy Linh còn thể hiện cái tôi tự ý thức về giá trị của mình:“Bùi Công Duy và dàn nhạc giao hưởng Berlin chơi cho riêng nàng”; “…vẫn mải miết trình tấu cho mình ViLi” (Violin trắng), “Sau sinh nhật/ Phố kế phố phủ tím vì Linh/ Tháng Năm nhuộm bằng lăng chiều Linh” (Phiên hoa)… Tất cả đó đều là sự tự khẳng định, tự ý thức được nét độc đáo của cái tôi cá nhân, mong muốn được đề cao với những nét riêng biệt và táo bạo trong thơ Vi Thùy Linh.

Tuy không quyết liệt và táo bạo như Vi Thùy Linh, nhưng Ly Hoàng Ly lại thể hiện cái tôi cá nhân một cách nhẹ nhàng và đậm duyên nữ tính: “Em ước mình được là cỏ trắng/ Vì cỏ trắng rất thơm, rất ngọt, rất trong/ Vì cỏ trắng, không phải cỏ xanh/ Vì cỏ trắng là chỉ của riêng em” (Cỏ trắng). Cái tôi trong thơ Ly Hoàng Ly còn khao khát được trở về tìm tòi và khám phá chính bản thân mình:“Không ai hiểu được/ ta thầm lặng hay ta yếu ớt/ Chiếc lá xoay tít nhiều vòng trước khi chạm đất/ Thanh thản tìm điệu vũ cho riêng mình”(Có thể)và tự khẳng định con người mình với những tâm trạng hoàn toàn khác mới trong sự đón nhận lại điều đã qua: “Mở toang và thanh thản/ Ta


đón nhận ta/ Dẫu là cái bóng của ngày hôm qua” (Có thể). Cái tôi trữ tình trong thơ Ly Hoàng Ly còn là cái tôi dị biệt khi: “Tôi muốn/ Đêm nào cũng có một chú chim đậu bên cửa sổ hót cho tôi nghe khúc ca dị biệt/ Chỉ có tôi nghe được/ và chỉ có tôi thích tôi muốn” (Tôi muốn); khi:“Tôi nghe thấy tiếng đêm kêu lóc cóc/ Thở rậm rực” (Đi tàu đêm); hoặc khi: “Tôi hớt hải đi tìm điều đã mất/ Tôi đâm vào chính tôi / … /Người đàn ông say không còn thức dậy trong tôi/ Cây ngà voi đâm thẳng vào hư vô/ Bật khóc” (Cây ngà voi và mẹ). Cái tôi hiện thực, đôi khi được nâng lên cái tôi siêu thực, Ly Hoàng Ly luôn sáng tạo ra ngôn ngữ nghệ thuật với nội dung không được phô bày trực diện, nó là những câu từ mang nhiều tầng ý nghĩa, là chiều sâu nội cảm của nhà thơ. Cùng với sự bộc lộ chiều sâu cảm xúc, tính chủ quan trong thơ Ly Hoàng Ly còn được thể hiện bằng chất trữ tình sâu sắc: “Những vì sao cũng ở rất xa/ Làm sao với tới được/ Vắt qua mảnh trăng lưỡi liềm/ Tiếng hát bay đi mất/ Vắt ngang qua vồng trời/ Những vì sao vụt tắt/ Đuổi không kịp” (Hát đêm) hoặc đôi khi là những vần thơ giàu tính nhạc điệu: “Tiếng đàn đêm/ Lơ lửng ngọn cây bên cửa sổ/ Vướng vít hàng rào kẽm gai/ Đột nhiên vút lên/ lan…lan…lan/ Màn đêm dang tay/ ôm tiếng đàn vào lòng” (Tiếng đàn đêm). Đặc trưng riêng biệt trong thơ của Ly Hoàng Ly là thơ giàu hình ảnh, hình khối, với một sự sắp xếp lộn xộn của câu chữ nhưng lại hợp lý với tâm trạng rối ren của cái tôi trữ tình. Không trực tiếp nói đến chữ “tôi” quá nhiều, nhưng bằng một phương cách rất độc đáo và đậm tính nghệ thuật, Ly Hoàng Ly đã ngầm khẳng định được những đặc trưng cá nhân chủ quan trong thơ của mình.

Khác với Vi Thùy Linh và Ly Hoàng Ly, nhà thơ Bùi Sim Sim khẳng định cái tôi chủ quan trong thơ của mình bằng cách rất riêng; cái tôi trữ tình đậm chất nữ tính, nhẹ nhàng sâu lắng, hết lòng cho tình yêu nhưng có lúc lại đi sâu vào suy tư, chiêm nghiệm, giàu tính triết lý. Cái tôi chủ quan trước hết là cái tôi tự ý thức được giá trị và vai trò của mình:“Trái đất sẽ thế nào nếu màu xanh không còn nữa/ Và sẽ thế nào nếu trong anh không em!?” (Một chiều ngược gió). Đôi khi, đó lại là cái tôi dám bất chấp


trong tình yêu: “Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh/ … / Em ngược thời gian, em ngược không gian/ Ngược đời thường bon chen tìm về mê đắm/ Ngược trái tim tự bao giờ chai lặng/ Anh đánh thức nỗi buồn, anh gợi khát khao xanh” (Một chiều ngược gió). Cái tôi trữ tình dành tất cả cho tình yêu, người con gái chỉ tìm thấy chính mình khi yêu và được yêu: “Anh thân yêu ơi, có biết/ Hạnh phúc đời em là anh!/ Một mai anh không yêu em/ Biết em có là em nữa” (Với anh). Và dứt khoát với những gì mình đã chọn:“Có thể một mai, người tôi yêu sẽ trở nên tẻ nhạt/ Nhưng tôi vẫn tìm hoài, yêu mãi cái tôi yêu” (Nỗi niềm với Anna). Cái tôi cá nhân kiên định: “Dẫu không một lần mãn nguyện với tình yêu/ Tôi vẫn muốn làm Anna – suốt cuộc đời tìm kiếm/ Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, một tình yêu trọn vẹn/ Chút xíu vậy thôi, nhưng nó đúng với nghĩa Trái – tim – mình!” (Nỗi niềm với Anna).Người con gái trong thơ Bùi Sim Sim có những lúc bạo dạn thể hiện những khát khao, những ẩn ức sâu kín, có đôi khi lại nhẹ nhàng, sâu lắng với hình ảnh đậm chất truyền thống của người con gái chung tình khi yêu: “Nếu một ngày anh quay về… xa lắc/ Kỷ niệm một thời…/ Thì hoa và bình ấy vẫn đợi anh thôi” (Về bông hoa nở với bình hoa). Không chỉ là sự thủy chung mà cái tôi trữ tình trong thơ Bùi Sim Sim cònchân thành và giàu lòng dung thứ: “Tình yêu đầu tiên anh không dành riêng em/ nụ hôn anh trao em không là thứ nhất/ em nhận nơi anh trái tim chân thật/ lời yêu muộn màng”…“ Em ngây thơ run rẩy nép vào anh/ gửi trao và trông cậy/ em dâng tặng anh tình yêu đầu nồng cháy/ và xin nhận nơi anh tình yêu đến muộn màng” (Không đề).Dung thứ và gửi trao, người con gái chỉ cần nhận lại sự chân thành và hạnh phúc dù chỉ là ảo giác:“Lòng có nhau - đủ gọi tên: Hạnh phúc!?/ Anh trong em hay ảo giác, thật gần…”(Ảo giác). Không cần trực tiếp lên tiếng để khẳng định cái tôi chủ quan cá nhân, bằng cách rất nữ tính, Bùi Sim Sim vẫn gieo vào lòng người đọc những cảm xúc thật nhẹ nhàng mà bình dị. Chính những nét đẹp của người con gái truyền thống sâu sắc và chung thủy ấy, cùng với những tình cảm sâu lắng của người con gái khi yêu, nhà thơ Bùi Sim Sim đã làm nên nét riêng độc đáo trong thơ của chị so với nhiều nhà thơ nữ cùng thời khác.

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí