nhiên, chúng ta cũng thường quên mất rằng, ngay chính mỗi con người chúng ta mới là một cái gì đó không thể lý giải, thậm chí là một thế giới hoàn toàn bí hiểm. Tôi là gì, là thể xác hay linh hồn, là phần cảm tính, phần lý tính, hay phần ý chí? Câu hỏi về bản chất, về cấu trúc của cái tôi đã và đang là nỗi trăn trở của mỗi con người khát khao tìm hiểu và tìm kiếm sự tồn tại đích thực của mình, thoát khỏi sự trần tục, thế tục của cuộc sống hàng ngày.
Cái tôi hay bản ngã là một trong những khái niệm triết học cổ đại nhất đánh dấu ý thức đầu tiên của con người về bản thể tồn tại của mình, từ đó nhận ra mình là một con người khác với tự nhiên, là một cá thể độc lập khác với người khác.
Khái niệm cái tôi là một khái niệm có nội hàm rộng, có rất nhiều các khái niệm khác nhau như trong triết học, trong phân tâm học, trong triết lý Phật Giáo…nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin dừng lại ở một số quan niệm của triết học về cái tôi vì nó có liên quan trực tiếp và gần gũi với việc tìm hiểu cái tôi trữ tình.
Nhiều nhà triết học đã cố gắng làm sáng tỏ vấn đề này và đưa ra các cách lý giải rất khác nhau từ cách tiếp cận của mình qua việc tiếp thu và phát triển các quan niệm của các nhà tư tưởng trước đó.
Theo Đề Các (1596 – 1650), cái tôi thể hiện ra như một cái thuộc về thực thể biết tư duy, như căn nguyên của nhận thức duy lí và do đó, cái tôi thể hiện tính độc lập của mình với định nghĩa nổi tiếng: “tôi tư duy tức là tôi tồn tại”.
Theo Kant (1724 – 1804), cái tôi bao gồm hai phương diện: cái tôi với tư cách chủ thể tư duy, chủ thể nhận thức thế giới và cái tôi với tư cách là khách thể của chính nhận thức. Đồng thời Kant cũng nhấn mạnh tuyệt đối khả năng nhận thức của cái tôi: “Tính thống nhất của tự nhiên không phải ở trong tính vật chất của nó mà ở trong tính thống nhất của chủ thể nhận thức, của cái tôi”.
Heghen (1770 – 1831) một mặt xem cái tôi như là sự tha hóa của “ý thức tuyết đối”, một mặt nhấn mạnh vai trò tuyệt đối của cái tôi: cái tôi như là trung tâm tồn tại, cái tôi có khả năng, khát vọng và sức mạnh để thể hiện mình trong hiện thực.
Becxong (1858 – 1941) đã chú ý đến cái tôi thuần túy trong ý thức khi nhấn mạnh đến đời sống bên trong cá nhân. Theo ông, trong con người có hai cái tôi: đó
là cái tôi bề mặt và cái tôi bề sâu. Trong đó, cái tôi bề mặt là các quan hệ của con người đối với xã hội. Cái tôi bề sâu là phần sâu thẳm của ý thức. Đó mới chính là đối tượng của nghệ thuật.
Các quan điểm duy tâm về cái tôi khẳng định: cái tôi là phương diện trung tâm tinh thần con người, là cốt lõi của ý thức có khả năng chi phối hoạt động và là sự khẳng định nhân cách con người trong thế giới. Tuy nhiên, các quan điểm trên đã tách cái tôi khỏi con người xã hội sinh động, chưa nhìn thấy cơ sở lịch sử cụ thể và tính tích cực của cái tôi.
Có thể bạn quan tâm!
- Cái tôi trữ tình trong thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, hoàng Việt Hằng - 1
- Cái tôi trữ tình trong thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, hoàng Việt Hằng - 2
- Cá Tính Sáng Tạo Trong Thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Việt Hằng.
- Hoàng Việt Hằng – “Một Mình Khâu Những Lặng Im” Và Âm Thầm Tỏa
- Cái tôi trữ tình trong thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, hoàng Việt Hằng - 6
Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.
Đối lập với quan điểm trên, triết học Mác đã xác định giá trị con người cá nhân từ bản thân con người với tư cách là chủ thể và khách thể của các mối quan hệ xã hội. Theo Mác, mỗi cá nhân có ý nghĩa như là một bộ mặt xã hội của con người, như là kết quả của việc xã hội hóa cá thể con người và cá nhân cũng tìm thấy mình trong xã hội. Lý tưởng giải phóng cá nhân của triết học Mác là tự do cho mỗi cái tôi cá nhân trong tự do của tất cả mọi người. Đồng thời vai trò của cái tôi cũng được khẳng định: “cái tôi là trung tâm tinh thần của con người, của cá tính con người có quan hệ tích cực đối với thế giới và với chính bản thân mình”.
Như vậy, quan niệm cái tôi trong triết học đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nhận thức bản thể của con người, đồng thời nó cũng có mối liên hệ chi phối, quen thuộc với cái tôi trữ tình trong thơ ca các thời đại.
1.1.2. Cái tôi trữ tình.
Lermôntôp có lần nói về tác phẩm của mình, một bài thơ trữ tình rằng: “Chuyện của tôi chỉ toàn là những tuyệt vọng. Tôi đã lục lọi lại toàn bộ tâm hồn và dốc lộn xộn ra giấy”. Còn L.Tônstôi thì nói “Nhà văn chỉ quý giá và cần thiết đối với chúng ta trong chừng mực nhà văn thổ lộ với chúng ta cái hoạt động bên trong của tâm hồn mình…, và trong tác phẩm của nhà văn, điều quý giá đối với chúng ta chỉ là cái hoạt động bên trong của tâm hồn nhà văn”. Có lẽ vì thế mà ClôtBeena đã phân biệt rõ ràng: “Nghệ thuật là tôi, còn khoa học là chúng ta”. Mọi người vẫn thường nói thơ trữ tình là “những bản tốc ký nội tâm” nghĩa là sự tuôn trào của hình ảnh và từ ngữ trong một trạng thái cảm xúc mạnh mẽ của người sáng tạo. Chính vì
vậy, về bản chất, mọi nhân vật trữ tình trong thơ chỉ là những biểu hiện đa dạng của cái tôi trữ tình. Vậy cái tôi trữ tình là gì?
Cái tôi trữ tình là sự thể hiện một cách nhận thức và cảm xúc đối với thế giới và con người thông qua lăng kính cá nhân của chủ thể và thông qua việc tổ chức các phương tiện của thơ trữ tình, tạo ra một thế giới tinh thần riêng biệt độc đáo mang tính thẩm mỹ, nhằm truyền đạt tinh thần đến người đọc.
Bản chất của cái tôi trữ tình là một khái niệm tổng hòa nhiều yếu tố hội tụ theo quy luật nghệ thuật, bao gồm cả ba phương diện cụ thể: bản chất chủ quan cá nhân (đây là mối quan hệ giữa tác giả và cái tôi trữ tình được thể hiện trong tác phẩm); bản chất xã hội của cái tôi trữ tình (đó là mối quan hệ giữa cái tôi trữ tình và cái ta cộng đồng); bản chất thẩm mỹ của cái tôi trữ tình (nó là trung tâm sáng tạo và tổ chức văn bản). Cả ba phương diện biểu hiện của cái tôi trữ tình đều nằm trong hình thức của thể loại trữ tình.
Cái tôi trữ tình không chỉ là cái tôi nhà thơ, nó còn là cái tôi thứ hai hoặc cái tôi được khách thể hóa, được thăng hoa trong nghệ thuật và bằng nghệ thuật. Cái tôi trữ tình chính là trung tâm sáng tạo và tổ chức văn bản trữ tình. Nếu quan niệm một tác phẩm trữ tình là một hệ thống với các cấp độ, các yếu tó thì có thể nói mọi thành tố tạo nên bài thơ, từ các biện pháp tu từ cho đến thể thơ, nhịp và vần điệu…đều nằm trong ảnh hưởng của một trung tâm quy chiếu là cái tôi trữ tình.
Văn chương không chỉ là bức tranh đời sống mà còn là bức chân dung tinh thần của chủ thể sáng tạo. Chủ thể không chỉ là người sáng tạo ra những giá trị tinh thần mà còn là đối tượng miêu tả biểu hiện, chủ thể không chỉ được xem như là một yếu tố tạo nên nội dung tác phẩm mà còn được xem như là một phương tiện bộc lộ nội dung của tác phẩm,là một yếu tố của thế giới nghệ thuật do tác phẩm tạo ra. Ở những nhà thơ có cá tính sáng tạo độc đáo, dấu ấn của chủ thể còn in đậm trong từng từ, từng hình ảnh, từng dòng thơ, bài thơ…
Mối quan hệ giữa chủ thể với hình tượng nhân vật trữ tình, là những hình thức biểu hiện của chủ thể với tư cách là hình tượng trung tâm của tác phẩm thơ trữ tình. Mối quan hệ này được biểu hiện thông qua các yếu tố: chủ thể và cái tôi, cá tôi của nhà thơ và cái tôi trữ tình trong tác phẩm. Chủ thể là một phạm trù được xem
xét trong mối quan hệ với khách thể, là phạm trù đối lập với khách thể ở tính tích cực, thể hiện ở ý thức, ý chí và khả năng nhận thức, chiếm lĩnh hiện thực khách quan. Cái tôi là yếu tố của chủ thể làm cho chủ thể ý thức được chính mình, là chức năng tự nhận thức của chủ thế.
Cái tôi của nhà thơ có mối quan hệ trực tiếp và thống nhất với cái tôi trữ tình trong thơ. Nhà thơ là nhân vật chính, là hình bóng trung tâm, là cái tôi bao quát trong toàn bộ sáng tác. Những sự kiện, hành động, tâm tình và ký ức trong cuộc đời riêng cũng in đậm nét trong thơ. Cái tôi của nhà thơ có lúc thể hiện trực tiếp qua những cảnh ngộ riêng, trực tiếp giãi bày những nỗi niềm thầm kín. Cái tôi của nhà thơ còn hiện diện qua các cách nhìn, cách nghĩ, qua tình cảm thái độ trước thế giới. Tuy nhiên, cái tôi trữ tình trong thơ và cái tôi của nhà thơ không hề đồng nhất. Cái tôi của nhà thơ ngoài đời thuộc phạm trù xã hội học, còn cái tôi trữ tình trong thơ thuộc phạm trù nghệ thuật. Cái tôi trữ tình là cái cái tôi nhà thơ đã được nghệ thuật hóa và trở thành một yếu tố nghệ thuật phổ quát trong thơ trữ tình, là một thành tố trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm.
Như vậy, trong mối quan hệ với nội dung và hình thức trữ tình thì cái tôi trữ tình được quan niệm như hệ quy chiếu chủ quan, góp phần quy định các yếu tố trong cấu trúc thể loại. Vì vậy cần xác định: cơ sở chủ quan của nội dung và hình thức trữ tình với những biểu hiện của nó để từ đó khái quát được chức năng của cái tôi trữ tình như một yếu tố trung tâm của thể loại. Theo Lê Lưu Oanh thì “cái tôi trữ tình có thể được nghiên cứu ở ba cấp độ: tác phẩm, tác giả, thời đại. Mỗi cấp độ là một giới hạn về lượng và chất của cái tôi trữ tình”
1.1.3. Các hình thức biểu hiện của cái tôi trữ tình trong văn học.
Như ta đã biết đặc điểm quan trọng nhất của tư duy thơ là sự biểu hiện của cái tôi trữ tình, cái tôi cảm xúc, cái tôi đang tư duy. Và cái tôi trữ tình trong thơ được biểu hiện dưới hai dạng thức chủ yếu là cái tôi trữ tình trực tiếp và cái tôi trữ tình gián tiếp. Thơ trữ tình coi trọng sự biểu hiện cái chủ thể đến mức như là nhân vật số một trong mọi bài thơ. Tuy nhiên do sự chi phối của quan niệm thơ và phương pháp tư duy của từng thời đại mà vị trí của cái tôi trữ tình có những thay đổi
nhất định. Nói như Nguyễn Bá Thành: “Lịch sử phát triển của thơ ca Việt Nam là lịch sử phát triển của thơ trữ tình”. Và lịch sử đó được biểu hiện như sau:
1.1.3.1. Cái tôi trữ tình trong văn học dân gian.
Trong văn loại hình văn học sơ khai thì cái tôi trữ tình biểu hiện cụ thể và rõ ràng nhất là thể loại ca dao – dân ca. Cái tôi được tìm thấy trong tiếng nói chung của tập thể, nó không bộc lộ như một cá nhân riêng biệt mà có thể chìm lằng và biểu hiện qua cái tôi xã hội, cộng đồng. Cảm hứng của các tác giả dân gian bắt nguồn từ nhu cầu được chia sẻ, giao hưởng và đồng vọng trong những cảnh ngộ tương đồng. Nhân vật trữ tình trong văn học dân gian chủ yếu là người lao động, họ có thể là những người giãi nắng dầm mưa, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, “trên đồng cạn dưới đồng sâu”, là kẻ đang nhọc nhằn lên đồng xuống truông…và không gian xuất hiện của họ cũng gắn liền với không gian lao động sản xuất như: bến nước con đò, bãi dâu đồng cỏ, vườn chè áo cá…
Cái tôi trữ tình trong văn học dân gian là cái tôi phi cá thể hóa, bởi hình thức của loại hình văn học dân gian là diễn xướng và truyền miệng. Thời gian và không gian mang tính ước lệ, làm cho thời gian cá thể hóa của cái tôi tác giả mờ nhạt hẳn đi. Không gian có thể thay đổi, chẳng hạn từ địa danh này sang địa danh khác vì thế làm mất đi cá tính cụ thể của một hoàn cảnh cụ thể. Và diện mạo duy nhất của cái tôi dân gian là cái chung, cái cá thể bị xòa nhòa.
1.1.3.2. Cái tôi trữ tình trong văn học cổ điển.
Trong văn học cổ nói chung, bản chất con người bắt nguồn từ quan hệ cộng đồng, giá trị cá nhân nằm trong giá trị tập thể, vì thế văn học chủ yếu phát ngôn trên tư cách siêu cá nhân, với những vấn đề của gia đình, dòng họ, giai cấp và của dân tộc. Chính yếu tố đó đã hình thành nên kiểu nhà thơ cổ điển “phi ngã”.
Trong văn học Trung đại ý thức về cá nhân cá tính có xuất hiện nhưng tồn tại trong những quy tắc luật lệ khuôn mẫu mà ta gọi đó là tính quy phạm. Cái tôi trữ tình chủ yếu là cái tôi vũ trụ, cái tôi cá tính đã khách thể hóa vũ trụ. Mỗi sự việc, mỗi khung cảnh đều mang một ý nghĩa triết lý về quan hệ giữa con người và vũ trụ. Do không tách mình khỏi vũ trụ, để từ những bí ẩn của vũ trụ gián tiếp bộc lộ những bí ẩn của tâm hồn, vì thế biểu hiện tình cảm xã hội là gián tiếp, kín đáo. Cái
nhà thơ luôn đi tìm là sự hài hòa giữa cái hữu hạn và cái vô cùng, giữa nhất thời và vĩnh cửu, giữa quá khứ và thực tại, giữa cái thực và cái hư, giữa cái động và cái tĩnh.
Nhưng đã là thơ trữ tình thì không thể gọi là hoàn toàn “phi ngã”, cho dù trong thơ chỉ có “mây, gió, trăng, hoa” Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tản Đà …đều đã tự xưng tên mình trong một số bài thơ. Nhưng do quan niệm về cái cá nhân và ý thức về cái bản ngã chưa mạnh mẽ nên cái tôi trữ tình còn ẩn khuất sau những nhân vật trữ tình khác. Các nhà thơ thời kỳ phong kiến không trực tiếp viết về cái tôi như thời kỳ thơ lãng mạn.
1.1.3.3. Cái tôi trữ tình trong thơ lãng mạn
Thơ Mới ra đời, cái tôi trữ tình giành lấy vị trí trung tâm trong mọi bài thơ, bản chất của thơ lãng mạn là tiếng nói cá nhân. Kiểu nhà thơ lãng mạn song hành với sự tự ý thức của cá nhân như là một cá thể độc đáo, riêng biệt, nó không chống lại cái nhìn duy lý của chủ nghĩ cổ điển. Cái tôi cũng có khi là cái tôi cá nhân tự biểu hiện, khép kín và cô đơn. Cách cảm, cách nghĩ, sự biểu hiện của thế giới và con người đều là những yếu tố đặc thù tạo nên chất thơ của văn chương lãng mạn. Các tác giả đã lấy cái tôi làm vị trí trung tâm để cảm nhận, và làm nguyên tắc cho thế giới quan.
Thơ lãng mạn là thơ của tâm hồn, đưa nó thoát ra khỏi tính quy phạm và để nó bộc lộ hết mình, “tâm hồn tiếp xúc trực tiếp với ngoại giới”. Tâm hồn đã trở thành trung tâm phản ánh và có lẽ thế nên nó không ưa cõi thực tầm thường mà thích những cái gì cá biệt khác thường, cái phi thường. Cái tôi trữ tình vượt lên trên hoàn cảnh bằng những tưởng tượng khác thường, bằng mộng ảo, hoài niệm, tôn giáo, lịch sử… chỉ với mục đích duy nhất là khẳng định mình, khẳng định tự do của mình.
Tuy nhiên cả thơ bác học thời phong kiến và thời kỳ thơ Mới, tư duy thơ đều thiên về hướng nội, nghĩa là mục đích nhận thức và phản ảnh của thơ không phải cái khách thể, cái hoàn cảnh tự nhiên và xã hội có tính lịch sử cụ thể mà nhà thơ đang sống. Và cái tôi trữ tình luôn luôn được biểu hiện dưới dạng trực tiếp. Nghĩa là đối tượng thẩm mĩ là những trạng thái tình cảm khác nhau của chủ thể. Tôi vui, tôi
buồn, tôi cô đơn, tôi yêu, tôi nhớ…Cái tôi ấy giãi bày, đối thoại trực tiếp với độc giả.
1.1.3.4. Cái tôi trữ tình trong thơ cách mạng.
Gắn liền với hoàn cảnh và yêu cầu của lịch sử, văn học lúc này đặt vấn đề dân tộc lên trên tất cả. Vì thế trong thơ cách mạng, cái tôi bộc lộ chủ yếu trên các vấn đề dân tộc, lịch sử.
Các nhà thơ cách mạng luôn đứng trong những sự kiện lớn của đất nước, với tư thế dân tộc, thời đại, giai cấp. Họ hiện hữu với trách nhiệm trước cuộc đời hiện tại khẳng định niềm tin và tương lai của dân tộc. Cái tôi lúc này mang một sinh khí mới rất mạnh mẽ và kiêu hãnh. Đây là giai đoạn các nhà thơ từ bỏ cái tôi cá nhân, để cái riêng tư hòa vào cái chung dân tộc.
Thơ cách mạng là thơ của cái tôi mới, cái tôi cộng đồng. Chủ thể không còn là cái tôi riêng mà là một phạm trù đa thức. Đó là một cá nhân không lặp lại hoặc là một nhóm người cùng chung ý chí, nguyện vọng có thể là toàn bộ xã hội nói chung. Trong cái tôi mỗi người có cả một hệ thống cái tôi khác nhau, trong quá trình tự nhận thức trước cuộc sống, cái tôi nào đó được lựa chọn, vượt lên tự khẳng định. Cái tôi lúc này là cái tôi công dân xã hội, hướng về tình cảm chung của cộng đồng, cái tôi hòa hợp với cái ta trong cộng đồng mà khi giao tiếp thường được xưng là ta, chúng ta. Nó khác với cái tôi cá nhân phân biệt người này với người khác. Cái tôi khẳng định sự chung sức chung lòng cho sự nghiệp đánh giặc cứu nước.
1.2. Sự hình thành cá tính sáng tạo trong thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Việt Hằng.
1.2.1. Đặc điểm chung của thơ nữ Việt Nam sau năm 1986
Tiếp nối dòng chảy của lịch sử văn học, văn học Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới (1986) đến nay có những đổi thay đáng kể. Có thể thấy rất rõ là sự thay đổi trong quan niệm nghệ thuật, thay đổi trong quan niệm về chức năng, nhiệm vụ và phương pháp sáng tác văn học. Đó là sự thay đổi từ chức năng phản ánh tuyên truyền trong văn học Cách mạng giai đoạn trước đó chuyển sang phản ánh con người đời thường, con người cá nhân. Cái tôi cá nhân được tôn trọng và có vị trí bình đẳng với cái ta. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong tư duy sáng tác cũng là điều
đáng lưu ý, tư duy sáng tác từ hướng ngoại bắt đầu chú ý đến hướng nội. Văn học thời kỳ này đề cập mạnh mẽ đến quan niệm về sự cách tân, hiện đại hóa. Lúc này, văn học nói chung và thơ nói riêng được thể hiện dưới nhiều hình thức biểu hiện. Có thể thấy rằng, chưa bao giờ thơ được “cởi trói” và có dịp thể hiện con người cá nhân rầm rộ như bây giờ. Vì vậy, để hiểu hơn về quan niệm của các nhà thơ nữ nói chung và Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Việt Hằng nói riêng, chúng ta phải đi sâu vào tìm hiểu những đặc điểm của thơ họ.
Thơ là tiếng nói tâm hồn, tình cảm. Thơ là tiếng lòng và cùng với văn hóa của nhà thơ làm nên giọng hay phong cách riêng. Đặc biệt với người phụ nữ, trái tim của họ luôn nhạy cảm trước những vấn đề của cuộc sống, nên những nỗi buồn vui, trăn trở, suy tư của họ đều được thể hiện qua thơ. Thời kỳ đổi mới, quan điểm “cởi trói” trong văn học nghệ thuật đã tác động đến tư duy, ý thức sáng tạo của các nhà thơ, trong đó có các nhà thơ nữ.
Trong bầu không khí dân chủ của đời sống văn học từ sau 1986, thơ nhanh chóng nhập cuộc với cuộc sống đa diện, đa chiều và phong phú của thời đại mới. Để phù hợp với yêu cầu của đời sống, cảm hứng thơ không bị bó hẹp trong một phạm vi đề tài nào mà ngược lại biên độ phản ánh của thơ ngày càng được mở ra theo nhiều chiều kích mới, đa dạng và phong phú hơn. Thơ đi vào ngõ ngách của đời sống, cả những vấn đề trước đây chưa được thơ quan tâm hoặc cấm kỵ, nay đã được khai thác. Như vậy, có thể từ sau 1975, đề tài thơ đã được mở rộng trên nhiều bình diện, đặc biệt từ sau 1986 khi vấn đề con người đã được quan tâm một cách chính đáng thì thơ càng đi sâu vào khai thác đề tài đời tư, thế sự, trong đó có thơ của các nhà thơ nữ. Nhận xét về các cây bút nữ, Bích Thu cho rằng: “Văn chương của phái đẹp hôm nay đã không thi vị hóa những chuyến đi, không tỏ ra đài các hoặc đa cảm trong giọt lệ khóc chống hay giấc mộng phù dung mà sắc sảo và sâu sắc khi tiếp cận và khai thác đề tài thế sự, đời tư với nỗi đau nhân tình thế thái bằng lối viết dịu dàng mà bén ngọt, riết róng mà đồng cảm, sẻ chia với những thân phận, những kiếp người quanh mình”.
Ở lĩnh vực thơ nữ, với sự tinh tế và nhạy cảm của tâm hồn phụ nữ, các chị đã trở về với đề tài đời tư , thế sự để thông cảm, sẻ chia với những con người và cuộc sống quanh mình. Trong thơ nữ hôm nay ta bắt gặp một thế giới thật bình thường.