Bối Cảnh Thời Đại Và Sự Xuất Hiện Các Nhà Thơ Nữ Trẻ Sau 1986


trữ tình và cái tôi nhà thơ, tuy không thể đồng nhất nhưng cũng không thể tách bạch.Sự tự ý thức của chủ thể càng sâu sắc, độc đáo bao nhiêu thì tính trữ tình trong thơ càng được thể hiện có chiều sâu và đặc sắc bấy nhiêu. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức nhận định: “…cái tôi trong thơ trữ tình gắn bó chặt chẽ nhất với cuộc đời của tác giả. Sự thống nhất giữa cuộc đời nhà thơ và thơ là một thực tế trong sáng tác thơ ca ở tất cả mọi thời đại”[13, tr.183]. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: “Ngoài những yếu tố xác định bộc lộ, dễ thấy trong cuộc sống, mỗi người trong đời còn có phần bên trong của tâm trạng với bao cảm xúc, tâm tình và ước mơ, hi vọng. Nhà thơ thường bộc lộ phần sâu kín đó trong thơ và có thể ở đây họ nói một cách chân thành, thiết tha những cái trong đời họ không có được”[13, tr.183]. Cái tôi trữ tình là yếu tố đặc biệt quan trọng tạo nên phong cách sáng tạo của nhà thơ, nhưng đó không phải hoàn toàn là hình ảnh của cái tôi nhà thơ. Có thể xem như cái tôi nhà thơ là gốc gác, là ngọn nguồn của sự sáng tạo, còn cái tôi trữ tình được tìm thấy trong mỗi tác phẩm khác nhau lại là một sự biểu đạt khác nhau của tư duy sáng tạo nghệ thuật, xuất phát từ cái tôi nhà thơ. Cái tôi trữ tình có khi chính là sự phản chiếu hình ảnh của chủ thể, có khi lại là kết quả của một quá trình tư duy, tưởng tượng, sáng tạo. Tuy nhiên, tìm hiểu cái tôi trữ tình chính là lối đi tắt để đi tìm hiểu cá tính sáng tạo của nhà thơ; hoặc tìm hiểu tiểu sử, cuộc đời, đặc trưng tư duy nghệ thuật của nhà thơ cũng là con đường ngắn nhất để hiểu được sự biểu hiện của cái tôi trữ tình trong thơ. Nói chung, không thể đồng nhất hai khái niệm cái tôi trữ tình với cái tôi nhà thơ, cũng không thể tách bạch một cách rạch ròi hai khái niệm này. Giữa chúng là mối quan hệ chặt chẽ, được nối kết, xâu chuỗi bởi nội hàm của cái tôi. Lê Lưu Oanh đã khẳng định: “Mặc dù khái niệm chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình có những ưu điểm và cơ sở hợp lý, song nếu thiếu hạt nhân cái tôi thì tự thân các khái niệm ấy chưa cho thấy bản sắc trữ tình của nó, bởi chỉ cái tôi mới phát huy chức năng tự ý thức, tự nhận ra và tự đánh giá chính mình”[47, tr.30]. Khi nhận xét về mối quan hệ giữa cái tôi và thể loại trữ tình, Vũ Tuấn Anh đã dành nhiều công sức tìm hiểu về bản chất của cái tôi trữ tình cho rằng: “Cái tôi trữ tình là một sự tổng hòa nhiều


yếu tố, là sự hội tụ, thăng hoa theo quy luật nghệ thuật cả ba phương diện cá nhân – xã hội – thẩm mỹ trong hình thức thể loại trữ tình”[4, tr.33]. Nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh đã tổng kết lên những bản chất cơ bản của cái tôi trữ tình.Thứ nhất, cái tôi trữ tình mang bản chất chủ quan – cá nhân của người sáng tác, tuy nhiên nó là cái tôi thứ hai, hoặc là cái tôi đã được khách thể hóa trong nghệ thuật. Thứ hai, cái tôi trữ tình là bản chất xã hội nhân loại, cái tôi không thể tách biệt với lịch sử - xã hội, đó là tiếng nói cá nhân nhưng có sự đồng vọng, cộng hưởng với tiếng nói của xã hội, của thời đại mà chủ thể đang sống. Thứ ba, cái tôi trữ tình là bản chất nghệ thuật – thẩm mĩ. Cái tôi trữ tình là cơ sở cho sự sáng tạo nghệ thuật và luôn được điều chỉnh để vươn tới cái lý tưởng thẩm mĩ. Trong tác phẩm trữ tình, tình cảm, cảm xúc chân thành chính là cơ sở cho bản chất nghệ thuật – thẩm mĩ của cái tôi trữ tình.

Cái tôi của nhà thơ hay chủ thể sáng tạo không phải hiện tượng bất biến mà luôn có sự thay đổi, vận động theo thời gian, theo những biến động của thời đại lịch sử - xã hội. Tuy nhiên, dù cái tôi nhà thơ có thay đổi, cái tôi trữ tình trong thơ với những cảm nhận có sự thay đổi thì trong thơ vẫn duy trì một yếu tố được hình thành từ việc khám phá cái tôi trữ tình, đó là phong cách sáng tạo của nhà thơ. Trong công trình nghiên cứu về tư duy thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Thành nhận định: “Cái tôi trữ tình trong thơ được biểu hiện dưới hai dạng thức chủ yếu là cái tôi trữ tình trực tiếp và cái tôi trữ tình gián tiếp. Thơ trữ tình coi trọng sự biểu hiện cái chủ thể đến mức như là nhân vật chủ yếu số một trong mọi bài thơ… Tuy nhiên, do sự chi phối của quan niệm thơ và phương pháp tư duy của từng thời đại mà vị trí của cái tôi trữ tình có những thay đổi nhất định”[59, tr.56 - 57].

Tóm lại, qua việc tìm hiểu lý luận của những nhà nghiên cứu phê bình trên, chúng tôi nhận thấy: Cái tôi trữ tình là sự thống nhất giữa cái tôi chủ quan cá nhân, cái tôi xã hội nhân loại và cái tôi nghệ thuật – thẩm mĩ. Cái tôi trữ tình là sự tự ý thức của cái tôi nhà thơ được biểu hiện bằng phương tiện nghệ thuật, thông qua yếu tố trữ tình.


Mặc dù cái tôi trữ tình không thể hiện toàn bộ, không phản chiếu tất cả hình ảnh của nhà thơ nhưng cái tôi trữ tình lại là sự kết tinh của nhân cách, bản chất chủ quan cá nhân của nhà thơ (thế giới tinh thần nội cảm) với những yếu tố của tư duy nghệ thuật (sáng tạo nghệ thuật). Bởi vậy, không thể đồng nhất hai yếu tố cái tôi nhà thơ và cái tôi trữ tình nhưng cũng không thể tách rời mối quan hệ này trong nghiên cứu văn học.

Từ việc tiếp thu những quan điểm lý luận của những nhà nghiên cứu phê bình giúp chúng tôi có những cơ sở lý luận để nghiên cứu cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua ba tác giả Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim. Họ là những cây bút đại diện cho thế hệ nhà thơ trẻ của thơ ca đương đại, bởi vậy cái tôi trữ tình của họ cũng bị tác động nhiều bởi khái niệm cũ và mới, bởi quan niệm tư duy thay đổi của thời đại.Họ là những tài năng trẻ với cái tôi cá thể độc đáo luôn khao khát được khẳng định cá tính, tài năng của mình. Hơn nữa, họ là những con người của thời đại luôn nhạy bén và tiếp thu nhanh chóng những biến động của xã hội và luôn khao khát đổi mới thơ ca. Chính sự vận động của yếu tố chủ quan và sự tác động khách quan đã mang đến sự biểu hiện của những dạng thức cái tôi trữ tình khác nhau. Tuy nhiên, dù biểu hiện ở những dạng thức nào thì cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 đều có những điểm gặp gỡ chung làm nên bộ mặt riêng của nền thơ ca đương đại trong sự khu biệt với thơ ca các giai đoạn văn học trước đó.

1.2. Thơ nữ trẻ sau 1986

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

1.2.1. Bối cảnh thời đại và sự xuất hiện các nhà thơ nữ trẻ sau 1986

1.2.1.1. Hoàn cảnh lịch sử - xã hội và nhu cầu đổi mới thơ ca

Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả - Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim 1675414516 - 3


Năm 1975 là bước ngoặt lịch sử của đất nước và dân tộc; đất nước được thống nhất, cả dân tộc mê say trong niềm vui chiến thắng.Nhưng cũng từ đây, chúng ta phải đối mặt với vô vàn khó khăn đến khắc nghiệt của thời kỳ hậu chiến.Khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng văn hóa dẫn đến tình trạng bế tắc tưởng như không lối thoát. Nền văn học, cùng với tình hình chung của thời đại, cũng rơi vào


khủng hoảng trầm trọng, người nghệ sĩ rơi vào tình trạng hoang mang, vô định, chông chênh. Nếu như trong giai đoạn thơ ca cách mạng, cảm hứng sử thi anh hùng cách mạng là nguồn cảm hứng chính chi phối tất cả các hoạt động sáng tạo văn học thì đến nay, khi đất nước đã được giải phóng, những hào sảng, âm vang của ý chí chiến đấu và hình ảnh người chiến sĩ anh hùng không còn chiếm lĩnh được văn đàn và phát huy được sức mạnh nữa. Nhà thơ – người chiến sĩ cách mạng sau khi bước ra khỏi những khắc nghiệt của chiến tranh, họ bơ vơ, lạc lõng trước cuộc sống thời bình. Bởi vậy, chính họ cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng tư tưởng. Từ đây, nhu cầu cần được đổi mới, cần được cách tân trong văn học càng thôi thúc người cầm bút.

Để có thể thay đổi tình hình đất nước, dân tộc ta lại kiên cường vùng dậy thực hiện thành công một cú đột phá, cùng với đó văn học cùng tìm ra được con đường đi đúng đắn để thoát khỏi sự khủng hoảng thời hậu chiến.Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, một sự kiện chính trị quan trọng đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển đất nước; đây được xem như một mốc quan trọng, là tiền đề chính trị đánh dấu bước chuyển mình của đất nước khi bước vào thời kỳ mới. Cùng với sự đổi mới về chính trị, kinh tế, văn hóa văn nghệ cũng vận động và tìm thấy con đường mới cho sự cách tân mới mẻ. Bàn về cuộc cách tân văn học đầy ý nghĩa giai đoạn này, Nguyễn Thị Mai Anh với công trình nghiên cứu Thơ trẻ Việt Nam đương đại qua ba tác giả Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư và Ly Hoàng Ly đã nêu ba nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, cuộc cách mạng dân tộc kết thúc cũng chính là cái đích thắng lợi cuối cùng của thơ ca kháng chiến; việc chuyển từ cảm hứng sử thi anh hùng sang cảm hứng đời tư thế sự là một quy luật tất yếu của sự vận động trong sáng tạo văn học. Thứ hai, cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ về con người và thế giới thay đổi tất yếu dẫn tới sự đổi mới trong cảm hứng. Thứ ba, chính sách mở rộng giao lưu văn hóa đã giúp chúng ta tiếp cận được nhiều trường phái thi ca mới, những vùng thẩm mĩ mới trên thế giới. Vì vậy, cách tân là lẽ sống của thơ, là quy luật của sự vận động thơ.Tuy nhiên, những nhà văn, nhà


thơ vẫn còn đang lúng túng với việc “tìm đường”. Chính sự kiện Đại hội Đảng lần thứ VI đã khẳng định lại vị trí của văn nghệ, trong đó có thơ ca.

Sự kiện thứ hai có ý nghĩa quan trọng tác động sâu sắc đến quá trình đổi mới văn học và đặc biệt là đổi mới nhận thức của giới văn nghệ sĩ giai đoạn này, đó là cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với đại biểu các văn nghệ sĩ và các nhà văn hóa diễn ra tại Hà Nội trong tháng 10 năm 1987. Tổng Bí thư đã khẳng định lại nhu cầu cấp thiết phải đổi mới văn học và trách nhiệm của người sáng tạo nghệ thuật với ý thức “cởi trói” để xác lập một quan niệm mới về nghệ thuật. Cuộc gặp gỡ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xác định lại tâm thế của người cầm bút. Người nghệ sĩ có cái nhìn tỉnh táo hơn về vai trò của mình cũng như con đường đổi mới thơ ca. Thơ ca không còn là công cụ để nhà thơ rao giảng đạo đức, cũng không phải là phương tiện để truyền bá đường lối, tư tưởng cách mạng nữa. Người cầm bút đã thực sự “giác ngộ” con đường đổi mới thơ ca là phải đi sâu khai phá chính mình, khám phá sự phong phú của “cái tôi ẩn giấu”, thể hiện cái nhìn cá nhân về tất cả hiện thực cuộc sống hay phô bày cảm xúc đã từng rất lâu chôn dấu bằng ngôn ngữ của thơ ca.

Sự kiện cuối cùng mang tính tổng kết về nhu cầu cấp thiết cần đổi mới văn học nghệ thuật giai đoạn đổi mới đó là vào tháng 11 năm 1987, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo đưa văn học nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới.”[61, tr.6]. Từ đây, vai trò và chức năng cao quý của văn học nghệ thuật được khẳng định, người cầm bút hiểu được sự cần thiết trong việc đổi mới văn học, trong đó có thơ ca.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, cuộc gặp gỡ và nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ và Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ chính là những định hướng thiết thực và kịp thời nhất của Đảng cho văn hóa văn nghệ, trong đó có thơ ca, phát triển. Sau ba sự kiện quan trọng trên, những nhà thơ còn


đang hoang mang trong cuộc đấu tranh “tìm đường” đã nhận thức được con đường đúng đắn trong sáng tạo thơ ca. Trong giới văn nghệ dấy lên một không khí cởi mở, sôi nổi và tạo ra những thành tựu nổi bật thay đổi bình diện chung của nền văn học. Bên cạnh đó, đường lối mở cửa, hội nhập quốc tế của Đảng đã tạo cơ hội cho việc tiếp thu những trào lưu tư tưởng, khuynh hướng sáng tác và lý luận văn học nghệ thuật nước ngoài vào Việt Nam. Điều này là chất xúc tác giúp cho quá trình đổi mới văn học với những nét cách tân khác biệt được thể hiện trong thơ ca. Đồng thời, việc đổi mới trong sáng tác thơ ca cũng làm thay đổi thị hiếu thẩm mỹ của độc giả. Có thể thấy, sau năm 1986, thơ ca Việt Nam bước sang giai đoạn hoàn toàn mới, chưa bao giờ nhu cầu cách tân thơ ca lại trở thành một ý thức tự giác, một điều kiện cần thiết, một xu hướng sáng tạo trong thơ ca mạnh mẽ như vậy, nó đã trở thành một “làn sóng” như Phan Trắc Thúc Định đã khẳng định: “Sự táo bạo, dũng cảm của những người đi trước, xu hướng hội nhập toàn cầu, môi trường tự do dân chủ, giao lưu quốc tế, khao khát khẳng định cá tính là động lực để nhiều nhà thơ trẻ tạo ra một làn sóng trong thơ đương đại”[9, tr.17].

Sự phát triển mạnh mẽ của thơ ca với những trào lưu cách tân mạnh mẽ đã thúc đẩy phê bình nghiên cứu phát triển và cố gắng tìm hiểu, phân loại những xu hướng đổi mới của thơ ca. Nhà nghiên cứu Mã Giang Lân đã tổng kết những khuynh hướng chính trong thơ ca giai đoạn này đó là khuynh hướng đời tư và khuynh hướng thế sự, cùng với đó là sự khẳng định vai trò của cái tôi cá nhân. Các nhà nghiên cứu Phạm Quốc Ca, Nguyễn Đăng Điệp, Lê Lưu Oanh cũng đã phân loại những xu hướng phát triển khác nhau của thơ giai đoạn này. Tuy nhìn nhận, đánh giá thơ ca ở nhiều phương diện biểu hiện khác nhau, nhưng các nhà nghiên cứu trên đều thống nhất quan điểm thơ ca giai đoạn sau đổi mới phát triển theo xu hướng hiện đại chủ nghĩa, đó là hướng cách tân táo bạo và dứt khoát rũ bỏ ảnh hưởng của thi pháp truyền thống để tìm đến những cái mới. Một điều đáng chú ý trong thơ ca giai đoạn văn học sau đổi mới là sự trở về của cái tôi


cá nhân. Đây là nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu như Nguyễn Bá Thành, Phạm Quốc Ca, Đặng Thu Thủy. Cái tôi cá nhân hướng nội trực tiếp đã xuất hiện vàchi phối tư tưởng sáng tác của hầu hết những nhà thơ trong phong trào thơ Mới giai đoạn văn học đầu thế kỉ XX. Đó là sự biểu đạt trực tiếp những cảm xúc, suy tư, chiêm nghiệm của chủ thể trữ tình bằng ngôn ngữ nghệ thuật.Khuynh hướng biểu đạt cái tôi hướng nội đã dần nhường chỗ cho cái tôi hướng ngoại trong giai đoạn văn học Cách mạng.Nhà thơ Cách mạng không được phép nói đến buồn đau, cô đơn hay cái chết. Nhưng sang đến giai đoạn văn học đổi mới sau 1986, khi văn học không còn là một công cụ phục vụ chiến đấu, thơ ca tìm về với bản chất nguyên thủy của mình, đó là việc bộc lộ những tình cảm riêng tây, thể hiện cái nhìn cá nhân; và lúc này, cái tôi cá nhân lại trỗi dậy mạnh mẽ. Đây tuy không phải là một sự cách tân trong thơ ca mà là một sự thay đổi trong quá trình vận động thơ ca, làm thay đổi bình diện chung của thơ ca thời kỳ đổi mới. Sự trở về của cái tôi trữ tình cá nhân chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất thể hiện sự đổi mới trong thơ ca đương đại.

Nói chung, văn học nghệ thuật không thể phát triển mà tách rời khỏi những biến động chung của thời cuộc. Sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tạo thơ ca nói riêng luôn luôn cần phải có sự vận động, đó là quy luật, là lẽ sống, lẽ tồn tại của thơ ca nghệ thuật. Cuộc đổi mới thơ ca sau 1986 một mặt là do sự thúc ép của tình hình xã hội, mặt khác do yêu cầu tự thân của thơ ca cần phải đổi mới để duy trì sự tồn tại trong vòng quay chung của văn học. Cuộc cách mạng đổi mới thơ ca sau năm 1986 là bước khởi đầu cho cuộc cách tân trong thơ và quá trình cách tân ấy cho đến nay vẫn chưa có hồi kết. Mọi nhà thơ đương đại đều khao khát tìm tòi và sáng tạo ra những cách thể hiện mới mẻ trong thơ ca. Vì vậy, nghiên cứu về thơ và những xu hướng đổi mới nhằm khái quát lên những đặc điểm chung mang tính thống nhất của thơ ca đương đại là việc làm chưa bao giờ cũ.

1.2.1.2. Sự xuất hiện của các nhà thơ nữ trẻ sau 1986


Sự thay đổi trong cảm hứng sáng tạo và quan niệm sáng tác tất yếu sẽ dẫn đến nhu cầu biểu đạt khác trong văn học. Trong nghệ thuật giai đoạn đổi mới, sự phá cách cả về nội dung lẫn hình thức là những điều đáng chú ý. Trong đó, thơ ca cũng phát triển mạnh mẽ và có những bước tiến mới. Đội ngũ nhà thơ không ngừng học hỏi, tiếp thu để cách tân thơ ca. Đặc biệt, sự xuất hiện của nhiều gương mặt nhà thơ trẻ là những điểm nhấn quan trọng cho sự phát triển của thơ ca đương đại. Họ chính là những người mang luồng gió mới, là sức sống mới của đời sống xã hội hiện đại vào thơ ca. Trong số những nhà thơ trẻ giai đoạn này, nổi bật hơn cả đó là những nhà thơ nữ trẻ. Một số gương mặt nhà thơ nữ trẻ tiêu biểu như Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim, Phan Huyền Thư, Dạ Thảo Phương, Bình Nguyên Trang… đã tạo được những dấu ấn riêng. Chưa bao giờ trong lịch sử thơ ca Việt Nam, người phụ nữ lại làm thơ sôi nổi và nhiệt thành như trong giai đoạn văn học sau 1986. Trong giai đoạn văn học Trung đại, sáng tác của những nhà thơ nữ là rất ít, chúng ta được biết đến những nữ sĩ tài năng như Hồ Xuân Hương, Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm… Họ là những nhà thơ tài giỏi nhưng lại sống trong thời đại mà người phụ nữ không được coi trọng. Vì vậy những đóng góp của họ trong nền thơ ca cũng chỉ có ảnh hưởng một phần nhỏ trong bình diện chung của văn học Trung đại. Bước sang giai đoạn văn học hiện đại, thời kỳ nở rộ nhất của thơ ca với phong trào Thơ Mới (1932-1945) và giai đoạn văn học cách mạng, vẫn có những nhà thơ nữ hoạt động sáng tác như Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương… Tuy nhiên, những sáng tác của họ không thực sự để lại những dấu ấn độc đáo. Thời kỳ chống Mỹ, một số cây bút nữ tiêu biểu đã góp phần quan trọng vào tiếng nói thơ ca của thời đại như: Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ…Bước sang giai đoạn văn học thời kỳ đổi mới, khi người cầm bút được tự do hơn, không phải chịu gò ép trước bất cứ một tư tưởng, quan niệm chung nào; việc cách tân đổi mới thơ ca được khích lệ, người phụ nữ mới được tự do thể hiện mình trong thơ. Cảm xúc dồi dào và những tâm trạng nội tâm sâu kín luôn là những đặc trưng của giới nữ.Khi họ trực tiếp được bộc lộ những tình cảm cá nhân qua thơ ca, họ đã tự mình

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí