Cái Tôi Suy Tư, Chiêm Nghiệm Và Triết Lý Về Cuộc Sống


của Vi Thùy Linh có phần hơi chủ quan khi chỉ tôn vinh những giá trị văn hóa xưa cũ mà đánh giá thấp những tiến bộ, những thành tựu của xã hội loài người.

Nếu như cái tôi trực cảm về vấn đề xã hội hiện đại trong thơ Vi Thùy Linh mang đậm cái nhìn cá nhân với những quan điểm và đánh giá của cái tôi nội cảm chủ quan thì cái tôi Ly Hoàng Ly lại nhìn nhận xã hội một cách khách quan và duy ý chí hơn. Ly Hoàng Ly phản ánh xã hội với cuộc chạy đua tri thức của con người: “Những cái đầu chụm vào nhau – những chiếc hộp đen ngòm – đua nhau học làm trí thức/ Kim đồng hồ lặng lẽ quay/ Những cái bóng lặng lẽ đến và lặng lẽ đi/ Không ai biết ai nghĩ gì/ Không ai ghi nhận ai/ Chỉ có mặt bàn nhẵn bóng/ Ghi nhận mọi khối hình biến thể/ Được bơm khí” (Vào thư viện), tri thức không làm cho con người gần nhau hơn mà ngược lại, con người sống trong xã hội hiện đại như những cái bóng thầm lặng, vô cảm. Ở một góc độ khác, Ly Hoàng Ly lại nhìn nhận thấy con người tuy không thầm lặng nữa nhưng sự vô cảm trước nhau thì lại tăng cấp hơn: “Những gót giầy bóng loáng giẫm đạp lên những xúc cảm bóng loáng trôi tuột vào bóng loáng/ Những quả tim nhẫy son không thể cầm nắm được/ Những quả tim quằn quại/ Co bóp cật lực dưới ánh đèn chớp tắt” (Discotheque). Trái tim người thi sĩ càng nhạy cảm, càng khao khát giao cảm bao nhiêu thì con người trong xã hội hiện đại càng sống tách biệt nhau bấy nhiêu. Bởi thế mà cái tôi trữ tình Ly Hoàng Ly trong cuộc sống hiện đại như một cái bóng, có khi tự cô lập mình, sống vô hình trong vỏ bọc vô hình: “Không ai nhìn thấy tôi/ Không ai nhìn thấy/ phòng trắng/ Tôi cũng không nhìn thấy tôi/ Tôi cũng trắng như phòng trắng” (Phòng trắng), có khi lại sống như một cái bóng vô tri: “Ngày điện thoại rung bần bật trong túi quần/ Dạo phố trong tiếng ồn/ Tiếng ồn va tiếng ồn/ Người đi không nhìn mặt nhau” (Mobile phone). Xã hội thay đổi, lòng người thay đổi và đến cả tình yêu cũng hời hợt, vô tâm: “Người phụ nữ tự trói mình/ Bằng sự dửng dưng của anh… Người phụ nữ tự làm lạnh mình/ Bằng sự hời hợt của anh… Người phụ nữ tự trầm cảm/ Bằng giấc ngủ của anh” (Trầm cảm), người phụ nữ càng khao khát yêu thương


bao nhiêu thì tình yêu càng lạnh nhạt, thờ ơ bấy nhiêu. Cái tôi Ly Hoàng Ly cảm nhận cuộc sống hiện đại đang thay đổi với những thành tựu khoa học của con người bằng một cái nhìn rất khác, có phần giễu cợt: “Thắt bụng mình vào một chiếc ghế xa lạ/ Và lơ lửng trên trời/ Đâm đâm tầng mây/ Mọi người trên hành tinh di chuyển/ Một cách thụ động/ Và ngớ ngẩn đần độn/ Nhớ đến giấc mơ của nhân loại/ Ước làm chim/ Sải cánh bay…” (Bay), đó là cái tôi đầy bản lĩnh, kiên cường. Trước những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đã dần bị lãng quên, Ly Hoàng Ly với tâm hồn nhạy bén cũng suy tư về điều đó: “Tự hỏi tự hỏi/ Bà già tóc trắng nhai trầu/ Với Hội An/ Có gì khác nhau đâu!/ Cuộc sống trôi mau/ Hội An nép mình bên cụ già tóc trắng” (Hội An). Có thể thấy rằng, Ly Hoàng Ly cũng như Vi Thùy Linh, chị là thi sĩ có tâm hồn dễ rung động, nhạy cảm và nhạy bén trước thời cuộc.

Cũng là cái tôi trực cảm về những vấn đề xã hội hiện đại, thế nhưng cái tôi Bùi Sim Sim lại điềm đạm hơn và trưởng thành hơn. “Phố chiều về đâu vội vã/ Sấp ngửa dòng đời ngược xuôi/ Nhọc nhằn âu lo toan tính/ Hằn trĩu trên gương mặt người /…/ Tan tầm phố đông bội thực/ Người dâng những đợt sóng ghềnh!” (Tiếng chiều).Cái tôi Bùi Sim Sim buồn bã nhìn nhận về xã hội hiện đại với những đổi thay có phần chiêm nghiệm, suy tư hơn. Nữ nhà thơ cũng viết về sự đổi thay của lòng người với những giá trị tinh thần và đạo đức thay đổi, con người trong xã hội hiện đại vô tâm hơn, thờ ơ hơn và lòng trắc ẩn bị mai một dần đi: “Ta mặc cả từng đồng cho kỳ thích/ Chợt ngước sang nhìn người bán… Giật mình!/ Ta bà cụ run nhận từng bạc lẻ/ Suýt nữa ta mua cả sự…vô tình!” (Ở chợ cóc).Một câu chuyện nghe chừng đời tư và nhỏ nhặt, nhưng đó là câu chuyện của cả xã hội, nhà thơ lên án cuộc sống hiện đại với biết bao đổi thay, tha hóa của lòng người. Một cái nhìn xa hơn, nhà thơ thấy được những bất trắc từ xã hội vô cảm ngày nay đến tương lai của con người: “Khi bố mẹ giận nhau, nhà im vắng tiếng cười/ Đũa chẳng so đôi, chiếu giường thừa thãi/ Con ngơ ngác giữa bốn bề trống trải/ Nghiêng bên nào cũng lệch vòng tay!/…/ Vũ điệu đời thường – mòn mỏi đắm say/


Xa lăng lắc…lời dịu dàng buổi ấy/ Đôi mắt buồn so le dòng chảy/ Xin vì con giữ lấy chút mặn mòi! Trời vẫn xanh và mây trắng êm trôi…”(Vũ điệu đời thường), những đứa trẻ bơ vơ giữa gia đình, cuộc sống nhiều bon chen và lo âu kinh tế khiến cho tình thương yêu nhạt mờ dần. Một cách gợi rất nhẹ nhàng nhưng cái tôi Bùi Sim Sim đã lên án rất gay gắt một thực trạng của xã hội hiện đại đương thời. Giữa những biến động của thời đại, cái tôi dám nhìn nhận và đối mặt mình trong đêm: “Thành phố đêm dịu lắng bán mua/ Những đứa trẻ ăn xin đủ đầy hơn trong giấc ngủ/ Ta cũng thật mình hơn trước cõi lòng bỏ ngỏ/ Sẽ thế nào nếu không đêm?”(Khúc đêm).Và dù xã hội hiện đại có thay đổi bao nhiêu thì cái tôi vẫn chấp nhận và sống cùng với nó: “Hà Nội ơi, ta khát trở về nhà/ Thèm một chút heo may, thèm nhành bằng lăng tím/ Ai người mải đua chen, mưu toan, đong đếm/ Có kịp không, nắng đã đuổi chân ngày?!”(Hà Nội, sau chuyến đi xa) khi thấy được: “Nhiều khi ngẫm cứ như vô lý/ Trời xứ Tây mây cũng trắng như mình/ Cây cũng biếc một màu: Hy vọng/ Sao quá nhiều xa cách: Văn minh!?” (Điều vô lý).Nếu như Vi Thùy Linh phủ nhận hết tất cả những thành tựu của xã hội hiện đại, cố chấp bám víu những giá trị đã qua và nhìn nhận sự thay đổi của xã hội ở mặt trái thì Bùi Sim Sim lại chấp nhận sống chung với xã hội hiện đại. Tuy có những nỗi buồn, có những lo toan và trăn trở, nhưng nhà thơ Bùi Sim Sim lại thể hiện chúng một cách nhẹ nhàng hơn, điềm đạm hơn. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt của cái tôi trữ tình trong thơ Bùi Sim Sim.

Như vậy, cái tôi trực cảm về những vấn đề xã hội hiện đại trong thơ Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim mang nhiều xúc cảm cá nhân, mỗi người có một cách biểu đạt những suy tư, trăn trở về xã hội khác nhau nhưng đều mang màu sắc rất rõ. Sự lo lắng về một xã hội bất trắc nhiều biến động, nỗi buồn đau trước sự thay đổi của tình người, sự thất vọng của người phụ nữ trong cuộc sống cũng như trong tình yêu được thể hiện một cách rất rõ. Tất cả những điều đó đều được cảm nhận từ tâm hồn của những nữ thi sĩ với trái tim đa mang, dễ rung động và nặng lòng với cuộc đời.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.


2.3.2. Cái tôi suy tư, chiêm nghiệm và triết lý về cuộc sống

Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả - Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Bùi Sim Sim 1675414516 - 10

Một cấp độ cao hơn của cái tôi trực cảm về những vấn đề của xã hội hiện đại là cái tôi cô đọng hơn, trưởng thành hơn trong những suy tư, chiêm nghiệm và đúc kết những triết lý về cuộc sống. Những nhà thơ nữ trẻ đương đại cùng với nỗi buồn và sự cô đơn, cùng với những cảm thức của cái tôi về xã hội hiện đại mà suy tư hơn và chiêm nghiệm hơn. Trong số ba nhà thơ Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim, có lẽ Bùi Sim Sim là người có tư duy thơ trưởng thành hơn cả. Giọng điệu thơ chị luôn trầm buồn mà nhẹ nhàng, thắm thiết; thế nhưng ngôn ngữ thơ lại đĩnh đạc, cô đọng; sau nhiều những suy tư, trăn trở, thơ chị giàu chiêm nghiệm và tính triết lý.

Trước hết, nhà thơ Bùi Sim Sim có nhiều trải nghiệm trong tình yêu mà bởi vậy chị cũng thường triết lý về tình yêu và hạnh phúc: “Hạnh phúc là trái ngọt quanh ta/ Nhưng hái được phải đâu là chuyện dễ!” (Đôi lời cho anh).Tình yêu thật khiến cho người thi sĩ phải suy tư. Nhiều thập kỉ trước, nhà thơ Xuân Diệu đã từng triết lý: “Yêu là chết ở trong lòng một ít” thì đến nay, nhà thơ Bùi Sim Sim lại triết lý về tình yêu bằng cảm nhận nữ tính: “Nhiều khi ngẫm cứ như vô lý/ Ta yêu nhau như chưa thế bao giờ/ Tự khi nào – ta hóa người xa lạ/ Chỉ cỏ gầy nhận hết mọi đầy vơi” (Điều vô lý). Với người phụ nữ, tuổi thanh xuân là tuổi đẹp nhất, thời gian qua nhanh, nỗi lo lắng tuổi thanh xuân qua đi, nữ nhà thơ suy tư và triết lý về thời gian và tuổi xuân: “Đời thoáng chốc, tuổi nào vừa lộc nhú/ Đã heo may, bàng rụng đỏ sân” (Ảo giác); Chuyện người thay xe, đổi mốt/ Tham vọng xoáy trong vòng xoay/ Giật mình, chiều rụng trên tay/ Tỉnh ra, thôi đời đã muộn!” (Trái tim kẻ không nhà); cái tôi trữ tình có những lúc phấp phỏng suy tư, về tuổi xuân, về tuổi tác, tự ví mình như “chiếc lá đổi màu”: “Ta thơ thẩn nhặt nắng vàng rớt lại/ Run trên tay chiếc lá đổi màu/ Đã từng xanh, từng sặc sỡ, lo âu/ Lại phấp phỏng trước mỗi ngày Xuân mới!” … “Tuổi 30 như chiếc lá đổi màu/ Nửa vàng, nửa xanh dùng dằng níu giữ”(Năm 2000 với chiếc lá đổi màu).Với mỗi người tuổi thanh xuân là khoảng thời gian đẹp nhất với người phụ nữ thì


sức sống mãnh liệt nhất, vẻ đẹp rực rỡ nhất đều dồn tụ trong những năm tháng của tuổi thanh tân. Cùng chung với nỗi lòng của người phụ nữ, nhà thơ Bùi Sim Sim đã có những cảm thức sâu sắc về điều này, những âu lo, những chiêm nghiệm về thời gian tạo nên những triết lý về cuộc đời: “Chuông chùa đâu vọng yên bình quá/ Đời người ngẫm được mấy thong dong!?” (Xuân cảm); Biển đời muôn kiếp mong manh/ Mưu sinh sáo mòn cũ rích” (Tiếng chiều); “Bốn mùa qua đi/ in dấu cuộc đời/ những buồn vui/ còn, mất/ Kiếp người qua đi/ những giật mình ngủ yên/ chợt nhói thức…”(Phép nghĩ); thậm chí có những lúc, cái tôi trữ tình suy tư những vấn đề xa hơn của nhân loại: “Trái đất muốn bình yên/ Mà người đầy tham vọng/ Thế giới muốn bình yên/ Mà văn minh khát súng” (Khúc biển).Cái tôi Bùi Sim Sim đầy nhạy cảm trước thời gian, trước cuộc đời.Những suy tư, những triết lý về cuộc sống là biểu hiện rõ một tư duy đầy lý tính mang tính chất trí tuệ, chúng xuất hiện nhiều trong thơ Bùi Sim Sim và chính điều này đã tạo nên trong thơ chị một chất riêng độc đáo.

Cũng như Bùi Sim Sim, cái tôi Ly Hoàng Ly có đôi lúc tự đọng lại chính mình để suy tư, chiêm nghiệm. Ly Hoàng Ly cũng có những suy ngẫm, đúc kết triết lý về tình yêu: “Sức nóng của trái tim không phải từ tình yêu/ Những phản hồi mắt không phải từ tình yêu/ Từ thói quen bị ủ lên nhiệt độ” (Thói quen). Tình yêu và cảm xúc xuất phát từ thói quen, nhà thơ nhận thức về tình yêu bằng tư duy của lý trí. Nếu như cái tôi trữ tình Bùi Sim Sim triết lý nhiều về thời gian và tuổi trẻ thì cái tôi Ly Hoàng Ly lại suy ngẫm nhiều về con người trong sự tồn tại: “Mỗi con người là một lò lửa/thiếu lỗ thông hơi/Và tìm cách trốn khỏi thực tại/Bằng giấc ngủ bưng bít” (Trưa hè) hoặc lẽ sống và sự tồn tại: “Có thể hôm qua ta chỉ là cái bóng/ Có thể ta là cái bóng của ngày mai/ Trên con đường ta đi, một chiếc lá khẽ khàng rơi cũng khiến ta giật mình vì cái gọi là “TỒN TẠI” (Có thể). Mỗi nhà thơ lại sống trong thế giới suy tưởng với những phiền lo của riêng mình. Nữ nhà thơ Ly Hoàng Ly có một cách chiêm nghiệm và triết lý riêng về con người và về cuộc đời, chị thể hiện những suy tư ấy không trực diện mà ẩn hiện


sau những hình ảnh mang tính nghệ thuật cao: “Chỗ cuộc đời đã bị đốt xong/ Rơi vào gạt tàn/ Đổ tàn cuộc đời lên tóc/ Tóc cháy thành tóc trắng/ Đầu ai cũng đỏ lửa/ Cháy mỗi ngày để sống/ Sinh ra để đốt mình/ Thành đất lạnh” (Đốt). Cái tôi Ly Hoàng Ly là một cái tôi với nhiều tham vọng nghệ thuật, chị không chỉ sáng tác thơ mà chị còn theo đuổi hội họa và nghệ thuật tạo hình; với chị, những nhiệt thành đối với nghệ thuật là sáng tạo những cái mới và đưa những ngành nghệ thuật hòa quyện với nhau để tạo nên điều mới lạ. Chị viết về những suy tư, triết lý mang đậm lý tính, trí tuệ nhưng lại biểu đạt nó một cách rất thơ, cũng giống như Dự án “Faithfully Flat” mà chị đã thực hiện với những con số và những công thức toán học cũng biết biểu diễn nghệ thuật. Đây là điểm khác biệt trong thơ của Ly Hoàng Ly, nó tạo nên cái tôi trữ tình, cái tôi triết lý đầy khác biệt và riêng biệt.

Vi Thùy Linh là nữ nhà thơ có những suy tư, triết lý trong thơ không kém Bùi Sim Sim và Ly Hoàng Ly. Nếu như Bùi Sim Sim nhìn thời gian và tuổi trẻ qua đi trong nuối tiếc thì Vi Thùy Linh lại có những suy tưởng khác: “Cơ thể/ tự ngâm trữ lượng lo toan/ ngấu/ đến thì đổi nhịp/ Tuyệt vọng lặn” (Thay) nhưng vẫn tin rằng “Sẽ gặp lại thanh xuân phía trước” (Thay). Là nhà thơ nặng lòng với cuộc đời, Vi Thùy Linh suy tư, triết lý nhiều về hiện đại hóa và sự mất dần những giá trị truyền thống: “Tôi sống trong Hà Nội mà mất dần Hà Nội/ Quy hoạch lộn xộn giải tỏa chất thơ/ Cao ốc bê – tông đè truyền thuyết/ Linh quy ngộp cơn Hoàn Kiếm/ Tháp Rùa ngày một nhỏ nhoi/ Đèn xanh đỏ quanh hốc mắt Hồ Gươm/ Phố cổ tiêu điều phố khóc” (Hà Nội tưởng tượng). Cái tôi Vi Thùy Linh triết lý về con người: “Trong mỗi chúng ta, đều có một chiến binh hiếu thắng trên trận tuyến mưu cầu dục vọng” (Sốt chiều), đó là con người của xã hội hiện đại với biết bao mưu toan, bon chen trong cuộc sống. Hơn tất cả, cái tôi triết lý Vi Thùy Linh còn suy tưởng đến cái chết: “Con người đi đến đâu, sống: lo miếng ăn, chết: lại bát cơm quả trứng/ Đường lên trời đột ngột ngắt khi nắm hương tàn” (Cái chân vịt và tiếng còi tàu); “Chết: Sự kiện chung cuối của loài người/ Chết


không phải dấu chấm với ai biết định danh khi sống” (Khung xương nhỏ trẻ lâu). Cái chết là điều cấm kỵ không được nhắc tới trong giai đoạn cách mạng, nhưng giờ đây, cái tôi người nghệ sĩ được tự do hơn, họ nhìn nhận lại những điều đã qua, suy tư về cuộc đời và về con người. Chết là trạng thái cuối cùng của đời người, và chúng ta dù muốn dù không cũng phải chấp nhận nó. Có thể thấy được sự táo bạo trong cách tân thơ ca của Vi Thùy Linh ngay ở những câu mang tư duy lý trí, chị cũng như nhiều nhà thơ khác, chiêm nghiệm nhiều hơn, triết lý nhiều hơn, chị không rơi vào vòng xoáy của những cảm thức tình cảm cá nhân mà chị vẫn sáng suốt với lý trí và chất suy tưởng trong thơ.

Có thể nói, suy tư, chiêm nghiệm và triết lý về cuộc sống là những yếu tố cần có để làm nên giá trị của thơ ca. Thơ xuất phát từ tâm hồn và nói về những tình cảm, những xúc cảm cá nhân nhưng vẫn cần có cả tính trí tuệ và cô đọng, thơ vẫn cần phản ánh thế giới hiện thực. Trong thơ Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim – những nhà thơ nữ mang đậm màu sắc nữ tính nhưng vẫn không kém phần lý tính, đó chính là những điều đặc biệt góp phần làm nên giá trị của thơ nữ đương đại Việt Nam.

Tiểu kết chương 2


Nghiên cứu về cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ đương đại Việt Nam là một đề tài rộng lớn và khá phức tạp.Tìm hiểu ba nhà thơ nữ: Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim trên phương diện của cái tôi trữ tình, chúng tôi xin đưa ra một vài nhận xét về các dạng biểu hiện của cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ đương đại và những đặc điểm nổi bật nhất của cái tôi trữ tình qua ba tác giả: Biểu hiện thứ nhất của cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ đương đại là sự thể hiện của cái tôi cá nhân với sự khẳng định của cái tôi chủ quan với những nét độc đáo, riêng biệt. Cái tôi cá nhân còn là sự khẳng định của cái tôi nghệ sỹ với cá tính sáng tạo và khao khát tự khẳng định mình bằng ý thức cách tân và khát vọng lao động nghệ thuật chân chính. Cái tôi cá nhân của ba nhà thơ nữ còn mang đặc trưng giới với ý thức nữ quyền và sự thể hiện của cái tôi phái tính


trong thơ.Biểu hiện thứ hai của cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ đương đại qua ba tác giả Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly và Bùi Sim Sim là sự thể hiện của cái tôi dám phô bày thế giới đời tư cá nhân với những khao khát tự do và giải phóng tình dục, với những nỗi buồn và sự cô đơn. Đó là thế giới nội tâm sâu kín, những ẩn ức sâu kín, những cảm xúc sâu kín của người phụ nữ được những nhà thơ nữ không ngần ngại, không e dè mà thổ lộ, bộc bạch qua thơ.Biểu hiện cuối cùng của cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ đương đại là sự thể hiện của cái tôi suy tư về những vấn đề thế sự, trực cảm về những vấn đề xã hội hiện đại và chiêm nghiệm, triết lý về cuộc sống.Chính cái tôi thế sự đã khẳng định tính trí tuệ trong thơ nữ trẻ, khẳng định giá trị và vị trí của họ trong nền thơ ca đương đại Việt Nam.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/02/2023