4. Phương pháp nghiên cứu
Xuất phát từ yêu cầu của đối tượng nghiên cứu luận văn đã sử dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp so sánh
Như chúng ta đã biết, Nam Cao và Nguyên Hồng đã đạt được những thành tựu nổi bật và có nhiều đóng góp vào nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Nhưng khi viết về cái đói mỗi nhà văn lại có cách tiếp cận khác nhau. Để thấy được những nét độc đáo riêng của họ cần phải có sự so sánh về cái đói giữa Nam Cao với Nguyên Hồng và giữa họ với các nhà văn khác như: Ngô Tất Tố, Kim Lân, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan… Nghĩa là từ một đề tài hết sức nhỏ nhặt, đời thường là cái đói và miếng ăn, nhờ so sánh mà ta có thể phát hiện tư tưởng nghệ thuật rất khác nhau của các tác giả.
- Phương pháp lịch sử
Phương pháp này đòi hỏi việc nghiên cứu phải gắn liền với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam. Từ đó thấy được cuộc sống đói nghèo, cơ cực của nhân dân ta trước năm 1945. Có như vậy mới đảm bảo tính khách quan, khoa học.
- Phương pháp hệ thống
Việc đặt các yếu tố trong một hệ thống sẽ giúp người nghiên cứu thấy rõ hơn ý nghĩa của chúng, bởi vì tác phẩm văn chương là một chỉnh thể toàn vẹn, các yếu tố trong tác phẩm có mối liên hệ mật thiết với nhau, giá trị của yếu tố này là do giá trị của các yếu tố xung quanh quy định. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi không xem xét từng tác phẩm của Nam Cao và Nguyên Hồng ở dạng đơn lẻ, tách biệt mà sẽ đặt chúng trong một chỉnh thể toàn vẹn.
- Ngoài ra luận văn còn sử dụng các thao tác phân tích, tổng hợp
Có thể bạn quan tâm!
- Cái đói và miếng ăn trong truyện ngắn của Nam Cao và Nguyên Hồng trước năm 1945 - 1
- Hình Ảnh Những Người Phụ Nữ Bất Hạnh
- Nguyên Hồng – Nhà Văn Gắn Bó Máu Thịt Với Nhân Dân Lao Động Nghèo
- Sự Ám Ảnh Về Cái Đói Và Miếng Ăn Của Người Nông Dân
Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.
Phân tích, tổng hợp là một trong những thao tác không thể thiếu đối với mọi công trình. Trên cơ sở những tư liệu đã được thống kê, phân loại, chúng tôi sẽ tập trung vào những tiêu điểm cần thiết, tìm ra những nét đặc sắc và độc đáo qua vấn đề cái đói trong sáng tác Nam Cao và Nguyên Hồng.
5. Cấu trúc luận văn.
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn triển khai làm ba chương:
Chương 1: Nam Cao và Nguyên Hồng trong dòng văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945
Chương 2: Cái đói và miếng ăn – nguồn cảm hứng lớn trong truyện ngắn của Nam Cao và Nguyên Hồng
Chương 3: Những đặc sắc trong nghệ thuật thể hiện
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
NAM CAO VÀ NGUYÊN HỒNG TRONG DÒNG VĂN HỌC HIỆN THỰC PHÊ PHÁN 1930 - 1945
1.1. Bức tranh xã hội Việt Nam trước năm 1945
Bức tranh xã hội Việt Nam trước năm 1945 đã đi vào văn học khá sớm, nhưng mỗi trào lưu, mỗi nhà văn lại phản ánh những khía cạnh khác nhau. Văn học lãng mạn tiêu biểu là tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã cho chúng ta những bức tranh quê tuy có lúc là cảnh bùn lầy nước đọng nhưng nhìn chung đều đẹp đẽ, thơ mộng. Xã hội Việt Nam chỉ thực sự được tái hiện khi các tác phẩm của dòng văn học hiện thực ra đời với những đóng góp đặc sắc của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng… Với họ, xã hội Việt Nam lúc bấy giờ không có cảnh êm đềm, thi vị mà đó là nơi diễn ra nhiều thảm cảnh đau lòng.
Xã hội Việt Nam những ngày tiền cách mạng thật là đen tối. Đó là thời kỳ mà nước ta phải sống trong cảnh một cổ hai tròng. Thực dân Pháp và phát xít Nhật câu kết với nhau thi hành nhiều chính sách bóc lột vô cùng thâm độc, thực chất chỉ nhằm mục đích vơ vét về kinh tế. Thực dân Pháp đã thi hành chính sách kinh tế độc quyền biến Việt Nam trở thành một thuộc địa cung cấp nguồn nhân công rẻ mạt và nguồn nguyên liệu béo bở cho chính quốc, là nơi cho vay nặng lãi cắt cổ và thu thuế vô tội vạ, nơi mua rẻ hàng nông phẩm và bán đắt hàng công nghiệp, và là nơi độc quyền ngoại thương, độc quyền bán rượu, thuốc phiện, tăng thuế khóa và hàng trăm thứ hạch sách, phu phen, tạp dịch khác.
Trong và sau đại chiến lần thứ nhất, đế quốc Pháp đã hai lần khai thác thuộc địa đẩy nhân dân ta lún sâu hơn nữa vào cảnh bần cùng. Tiếp đó, chúng lại tăng cường bóc lột để bù đắp cho những thiệt hại ghê gớm do cuộc khủng hoảng trầm trọng đã đẩy lùi nền kinh tế tư bản chủ nghĩa vào cuối thế kỉ XIX. Chúng hạ lương viên chức, đình chỉ sản xuất, làm cho hàng hóa trong nước bị đình trệ, buộc người dân phải tiêu thụ hàng hóa ứ đọng của Pháp. Ngân hàng Đông Dương lại rút bớt giấy bạc làm cho hàng hóa, nông phẩm rẻ mạt, đẩy nông dân và công thương nghiệp
phá sản, vỡ nợ (năm 1929 có 177 nhà buôn phá sản, con số đó lên tới 209 vào năm 1933). Hàng triệu người (kể cả trí thức) không có việc làm, lại thêm mấy năm lũ lụt, hạn hán liên tiếp nên nạn đói càng trầm trọng.
Trong đại chiến thế giới lần thứ hai, nhân dân ta lại càng rơi vào cảnh khốn cùng. Thực dân Pháp và phát xít Nhật lại hùa nhau vơ vét đến tận cùng tài nguyên thiên nhiên của ta để phục vụ cho chiến tranh, làm cho giá cả sinh hoạt năm 1945 đắt gấp 25 lần năm 1939, nhân dân chết đói đầy đường, thế mà phát xít Nhật vẫn xuất cảng 50 vạn tấn gạo. Số gạo này có thể nuôi 10 triệu dân trong bảy tháng, vậy mà chúng âm mưu để cho hai triệu đồng bào ta chết đói.
Bên cạnh mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp cũng hết sức gay gắt. Dưới chế độ phong kiến, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ bởi sự bóc lột vô cùng tàn bạo của bọn cường hào, ác bá. Chúng ra sức đấu đá nhau để giành giật miếng ăn, mà nạn nhân không ai khác chính là tầng lớp lao động nghèo. Đâu đâu cũng thấy cảnh hà hiếp, cướp đoạt, đánh đập, cùm kẹp của bọn cường hào trút lên đầu những người nghèo khổ. Đời sống nhân dân vốn vô cùng cực khổ lại thêm vào đó hàng trăm thứ sưu cao, thuế nặng. Chúng ta có thể thấy rõ cái không khí ngột ngạt của làng quê Việt Nam trong những năm trước Cách mạng tháng Tám qua tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Tác phẩm cho ta cảm nhận được cái chộn rộn, lo âu đến vò xé, đến nghẹn thở của mùa sưu thuế. Nhân dân rơi vào cảnh đói khát triền miên. Khủng khiếp nhất đó là cái đói năm Ất Dậu, đâu đâu ta cũng bắt gặp những xác chết, những bóng ma dật dờ. Thi sĩ Bàng Bá Lân đã ghi lại cảnh chết đói kinh hoàng đó như sau:
“ Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương! Những thây ma thất thểu đầy đường
Rồi ngã gục không đứng lên vì đói!”
Nếu như đời sống nông thôn cực khổ là vậy, thì ở xã hội thành thị Việt Nam cũng bị nghèo đói xơ xác. Dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến, giai cấp tiểu tư sản cũng là một trong những giai cấp phải chịu đựng nhiều cay đắng, đe dọa
về đời sống nhất. Tầng lớp tiểu tư sản nghèo sống bấp bênh và khổ cực. Ngay đến những viên chức, trí thức tự do cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn về vật chất, tù túng về tinh thần. Họ bị khinh rẻ, chà đạp, sống một cuộc sống có hôm nay mà không biết đến ngày mai, hàng ngày bị kinh tế khủng hoảng, bị chiến tranh, nạn thất nghiệp và bệnh tật, nghèo đói đe dọa.
Xã hội thực dân phong kiến ở nông thôn cũng như thành thị ngày càng bộc lộ những ung nhọt đang tấy lên trầm trọng không thể nào che dấu được.
Trong những ngày xã hội lâm vào cảnh bế tắc ngột ngạt nhất, Nam Cao và Nguyên Hồng cho ra đời những đứa con tinh thần của mình. Những sáng tác đó đã đem đến cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam trước năm 1945, trong đó con người với những nỗi thống khổ của mình đã rung lên hồi chuông báo động: Hãy cứu lấy con người.
1.2. Nam Cao và số phận những người cùng khổ
1.2.1. Nam Cao – từ cuộc đời đến tác phẩm
Nam Cao vốn sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo. Ông thân sinh ra Nam Cao vốn làm nghề chạm trổ và bốc thuốc Bắc. Sau cha ông trở thành chủ một hiệu đồ gỗ ở phố hàng Tiện – Nam Định, nhưng vì chơi bời nên của hàng đóng cửa, lại trở về làm ruộng, đời sống gia đình càng lâm vào cảnh nghèo túng. Làng của Nam Cao là một vùng ít ruộng đất, bình quân mỗi đầu người chưa đạt một sào nên mẹ ông đã phải làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Ngoài nghề làm ruộng, bà còn làm vườn, dệt vải.
Quê hương nhà văn là vùng đất chiêm trũng, xa phủ huyện nên bọn cường hào địa chủ càng hoành hành. Trong làng thường chia làm nhiều phe cánh. Quanh năm thường xảy ra các vụ kiện tụng, đánh chém nhau giữa người giàu, kẻ nghèo và giữa những bọn địa chủ kì hào có thế lực. Vì vậy, cuộc đời người dân ở đây thật là cay cực, quanh năm phải chịu nạn đói. Những chuỗi ngày mù xám kéo dài, nợ nần, thuế má, tạp dịch đè nặng trên lưng họ. Nhưng chính đặc điểm này đã trở thành chất liệu quý cho Nam Cao khi viết về nông thôn và người nông dân. Sau này, trong sáng tác Nam Cao, những tư liệu về nông thôn, về những người nông dân đói kém đều được nhà văn lấy từ vốn sống thuở nhỏ, từ chính những người thân của nhà văn.
Nam Cao là con trai cả trong một gia đình đông anh em, có bốn em trai và ba em gái. Trong số các anh em chỉ có một mình Nam Cao được ăn học. Nhưng cuộc sống đói nghèo và bệnh tật đã đeo đuổi Nam Cao từ khi ông còn nhỏ. Năm 1935, sau kì thi Thành Chung bị trượt, Nam Cao theo người nhà vào Sài Gòn kiếm sống bằng rất nhiều nghề “kể cả những nghề mà những người tự xưng là trí thức không làm” [3, 542]. Rời bỏ cái làng quê nghèo đói và tù túng, Nam Cao mang theo nhiều ước mơ và dự định lớn lao. Những tưởng cuộc sống nơi đất khách sẽ mở ra một chân trời mới lạ cho ông, nhưng rốt cuộc bệnh tật lại trả Nam Cao về với nơi chôn rau cắt rốn.
Trở lại quê nhà, hoàn cảnh gia đình Nam Cao lúc đó càng rơi vào tình trạng cùng quẫn “Lũ em lúc nhúc rất đông không được học, không được mặc, thường thường không đến cả ăn, gầy guộc, rách rưới, bẩn thỉu”. Ông bố vẫn rượu chè, mẹ ông phải “đảm đương mọi công việc trong gia đình, một mình cố nâng đỡ cả cái thế giới đang sụp đổ kia như một con ngựa già cố kéo một cái xe nặng lên khỏi dốc, tuy biết mình kiệt sức rồi, không thể nào còn kéo nổi nhưng vẫn kéo!” [3, 543]
Nam Cao ở làng ít lâu, ôn lại kiến thức cũ và thi đậu bằng trung học. Nam Cao định xin làm công chức nhưng do bệnh tật ông không được chấp nhận. Sau đó ông được mời lên Hà Nội dạy học cho một trường tư thục của một người trong họ mở. Mang tiếng là cậu giáo nhưng đời sống của ông cũng không hơn gì những người hàng xóm, nghĩa là vẫn thiếu ăn, thiếu mặc, vợ con đói rách. Cứ thế, cuộc đời túng thiếu, tù hãm cuốn chặt lấy ông không buông tha lúc nào. Và chính cuộc sống của anh giáo khổ trường tư nơi đây đã cung cấp cho Nam Cao một sự cảm nhận sâu sắc về thân phận người trí thức tiểu tư sản nghèo trong xã hội cũ.
Có thể nói cuộc đời của Nam Cao từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành là một chuỗi ngày dài cực khổ. Nói như Nguyễn Minh Châu thì cuộc đời Nam Cao “giống như một quả lắc đồng hồ cứ xang đi xang lại mãi giữa thành phố và cái làng quê Đại Hoàng rất lâu đời của ông – nơi ông vật lộn với cuộc sống hàng ngày để kiếm miếng sống và nơi ông trở về bên gia đình vợ con, không phải để ngắm cảnh đẹp làng quê, thậm chí chẳng có được một phút đứng “dưới bóng hoàng lan” mà để lại
những tiếng thở dài, những câu than vãn, những lời rủa trách, để chứng kiến những trận ốm của vợ con, nói tóm lại, để tiếp tục chứng kiến và nếm trải, gặm nhấm và “thưởng thức” một lần nữa cái vị đời chua lòm đã từng sống, đã từng một lần nếm trải và chứng kiến trong cuộc vật lộn hàng ngày để kiếm miếng sống ở ngoài thành phố” [28, 8].
Trước cách mạng, Nam Cao luôn sống trong tâm trạng đau khổ, u uất, bất đắc chí. Ốm yếu, thất nghiệp, Nam Cao sống lay lắt bằng nghề viết báo, viết sách và dạy học tư… làm nhiều nghề như thế nhưng vẫn không đủ sống. Ôm ấp những hoài bão lớn về tương lai, về sự nghiệp, nhưng những ước mơ đó luôn bị át đi, ghìm lại trong những tính toán nhỏ nhen hàng ngày về miếng cơm, tiền nhà, tiền quà bánh… Chính vì vậy, trong sáng tác của mình, Nam Cao luôn bị ám ảnh bởi cái đói và miếng ăn. Tuy nhiên, chuyện cơm áo lúc này không phải là chuyện riêng đối với nhà văn mà dường như chung cho tất cả giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Xuân Diệu đã từng than thở:
“Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ”.
Lận đận trong cuộc đời, Nam Cao cũng không gặp may mắn trên con đường văn chương. Ông viết văn từ năm 1936 và thử nghiệm qua nhiều thể loại khác nhau như: thơ, kịch, truyện ngắn… nhưng đều không thành công. Gần mười năm viết trước cách mạng, Nam Cao dường như không có vị trí trên văn đàn đương thời. Hầu hết bản thảo không được in thành sách, thất lạc. Có thể nói hiếm có nhà văn nào bước vào làng văn một cách chật vật và bị đối xử bất công như Nam Cao.
1.2.2. Những mảnh đời đói nghèo, tủi nhục
Xuất thân trong một gia đình nghèo Nam Cao hiểu và thấm thía số phận của những con người nghèo khổ. Những nhân vật ấy gợi lên trong ta một niềm thương xót không bờ bến. Đó là những em nhỏ cần được chăm sóc (Dần, Tí, Ninh…). Đó là những người già có số phận khổ đau (Lão Hạc, bà cái Tí, bà Quản Thích…), là những người phụ nữ bất hạnh (Nhi, Nhu, Thị Nở, mụ Lợi, dì Hảo…). Đó là những kẻ bị tha hóa như (người bố tham ăn, anh cu Lộ, Trạch Văn Đoành, Chí Phèo…
Hay đến cả những trí thức nhưng luôn sống trong cảnh cơm áo ghì sát đất (Thứ, Điền, Hài, Hộ…). Mỗi nhân vật ấy là một nạn nhân của xã hội, viết về cuộc đời của mỗi nhân vật ấy như một bản tố cáo, một lời nguyền rủa muôn đời chế độ xã hội bất công.
1.2.2.1. Hình ảnh những đứa trẻ thơ vô tội.
Bác Hồ đã từng nói:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”.
Thế nhưng trong cái xã hội thực dân, phong kiến Việt Nam những năm tiền cách mạng trẻ em bị rơi vào những hoàn cảnh rất đáng thương. Đến cái ăn cũng không có, nói gì đến việc học hành. Xuất phát từ tấm lòng nhân đạo, Nam Cao luôn hướng những trang viết của mình về những đứa trẻ thơ vô tội. Sinh ra trong hoàn cảnh nghèo đói chúng thường xuyên bị cái đói hành hạ đến nỗi mắt lờ đờ như chết lả. Trong truyện ngắn Nghèo những đứa con vô tội của chị đĩ Chuột phải ăn những thứ đáng lẽ ra không phải thức ăn của con người: chè cám - một “đặc sản” của người nghèo những ngày đói kém.
Trong truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó tác giả đã xót xa khi miêu tả nỗi vui mừng của những đứa trẻ sắp được ăn thịt chó:
- Thầy giết chó nhỉ?
- Ừ, thầy giết con chó để làm thịt chén
- Thích nhỉ, cu Con nhỉ?
- Thầy cho cả chúng ta ăn thịt chó nhỉ?
- Tao cũng ăn thịt chó
- Ừ, thầy cho cả mày, cả tao.
- Cả chị Gái…[3,125].
Chúng đâu biết rằng cha chúng là một kẻ tham ăn, ăn tranh cả phần vợ con, đau xót hơn khi chứng kiến cảnh những đứa trẻ đói ăn đang sốt ruột đợi những thức ăn thừa mứa của bố chúng “đứa nào cũng nhăn nhăn nhó nhó” [3, 131], “thằng cu con khóc òa lên (…) Người mẹ đỏ mũi lên và mếu xệch đi, rưng rưng khóc. Cái Gái và cu Nhớn, cu Nhỡ cũng khóc theo” [3, 132].