xử lý hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện xử lý hành chính khác mà không thực hiện các hành vi theo quy định phải bị áp dụng một trong các biện pháp xử lý: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh.
* Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai là bất kỳ người nào, có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS, cụ thể:
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm do mình thực hiện.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS đối với tội phạm do mình cố ý thực hiện thuộc khoản 2 của Điều luật.
* Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ đất đai được thực hiện bằng hình thức lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai là nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được hậu quả có thể hoặc chắc chắn xảy ra nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Tội phạm được thực hiện với động cơ vụ lợi hoặc vì lợi ích cá nhân khác; nhằm mục đích thu lợi bất chính hoặc được hưởng lợi ích vật chất nhất định từ việc thực hiện các hành vi vi phạm đó. Người phạm tội cố ý vi phạm (làm trái) những quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ đất đai, tức là, một người biết trước và nhìn thấy trước được hậu quả của hành vi do mình thực hiện sẽ gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức hoặc công dân nhưng vẫn cứ làm.
Về hình phạt: Người phạm tội, ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính được quy định tại Điều 180 BLHS, còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung "phạt tiền đến một triệu đồng" hoặc "cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc những công việc nhất định từ hai năm đến năm năm" (Khoản 1, 4 Điều 185 BLHS).
Như vậy, với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ban hành thời kỳ này đã tạo lập được cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh, triệt để và đúng
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm Và Ý Nghĩa Của Việc Quy Định Các Tội Phạm Trong Lĩnh Vực Quản Lý Và Sử Dụng Đất Đai Trong Luật Hình Sự
- Ý Nghĩa Của Việc Quy Định Các Tội Phạm Trong Lĩnh Vực Quản Lý Và Sử Dụng Đất Đai Trong Luật Hình Sự
- Giai Đoạn Từ Khi Ban Hành Bộ Luật Hình Sự Năm 1985 Đến Trước Khi Ban Hành Bộ Luật Hình Sự Năm 1999
- Các tội phạm trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai trong Luật Hình sự Việt Nam Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn trên địa bàn thành phố Hà Nội - 7
- Các tội phạm trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai trong Luật Hình sự Việt Nam Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn trên địa bàn thành phố Hà Nội - 8
- Tội Vi Phạm Các Quy Định Về Sử Dụng Đất Đai
Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.
pháp luật các hành vi xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước về đất đai. Thực hiện tốt điều này có ý nghĩa to lớn trong quá trình hoạch định chiến lược bảo vệ cơ sở của chế độ kinh tế, bảo vệ trật tự, an toàn và ổn định xã hội, tăng cường giữ vững trật tự, kỷ cương và pháp chế XHCN.
Sau 14 năm đổi mới đất nước đã đem lại những thay đổi đáng kể, căn bản và toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là đời sống kinh tế và sinh hoạt dân chủ. Mặc dù đã trải qua bốn lần sửa đổi, bổ sung (năm 1989, 1991, 1992, 1997), nhưng BLHS năm 1985 vẫn bộc lộ nhiều điểm còn hạn chế, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm (riêng tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai chưa được sửa lần nào), đặc biệt là sự ra đời của những tội phạm mới do mặt trái của nền kinh tế thị trường mang lại, rất cần phải được sửa đổi, bổ sung thêm, nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách có hiệu quả. Chính vì lẽ đó, BLHS năm 1999 đã ra đời để thay thế BLHS năm 1985. Theo đó, trật tự quản lý nhà nước về đất đai được bảo vệ toàn diện, đầy đủ hơn bởi hai điều luật tương ứng với hai tội phạm riêng biệt: tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai (Điều 173) và tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai (Điều 174) (được kế thừa và tách ra từ tội Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai - Điều 180 BLHS 1985).
Chương 2
CÁC TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999
2.1. TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
2.1.1. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm
Tội phạm là một hiện tượng xã hội - pháp lý có tính lịch sử, được đặc trưng bởi tính nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi và tính trái pháp luật hình sự. Theo Luật Hình sự Việt Nam, bất cứ hành vi phạm tội nào, dù ít nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, cũng đều là thể thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan (giữa sự biểu hiện ra bên ngoài và những mối quan hệ tâm lý bên trong), hoạt động của con người cụ thể gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho những quan hệ xã hội nhất định được pháp luật hình sự bảo vệ. Tuy có đặc điểm chung như vậy, nhưng những hành vi phạm tội cụ thể có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất khác nhau. Sự khác nhau đó được quyết định bởi bốn yếu tố của CTTP. Tội phạm này khác các tội phạm khác về đặc điểm cấu trúc của các yếu tố CTTP đó.
Việc nghiên cứu những dấu hiệu (đặc điểm) có tính chất đặc trưng cho tội phạm vi phạm các quy định về quản lý đất đai, nhằm phân biệt với các tội phạm khác, cũng không nằm ngoài việc nghiên cứu bốn yếu tố của CTTP, đó là: khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm.
Tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai được quy định tại Điều 174 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), với nội dung:
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Đất có diện tích rất lớn hoặc có giá trị rất lớn;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a) Đất có diện tích đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Chúng ta cùng lần lượt đi nghiên cứu các yếu tố của CTTP này.
a) Về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ nhằm tránh khỏi sự xâm hại của tội phạm. Những quan hệ xã hội đó chính là những quan hệ xã hội được xác định tại Điều 1, Điều 8 BLHS và quy định cụ thể tại Phần các tội phạm của BLHS. Một hành vi chỉ có thể bị coi là tội phạm, nếu hành vi đó gây nên hoặc đe dọa gây nên thiệt hại cho quan hệ xã hội đã được xác định.
Đối với tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, khách thể của tội phạm là các quan hệ về trật tự quản lý nhà nước về đất đai, hay nói cách khác, đó là quyền quản lý thống nhất của Nhà nước đối với đất đai theo quy hoạch và pháp luật. Hành vi phạm tội xâm hại đến các quan hệ này thông qua việc vi phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý đất đai và qua đó, gây thiệt
hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Khách thể trực tiếp của tội phạm đó là các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Sự gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm, dù ở hình thức cụ thể nào cũng luôn luôn diễn ra trên cơ sở hành vi phạm tội tác động vào đối tượng, làm thay đổi tình trạng bình thường của đối tượng. Hay nói như TSKH, PGS Lê Văn Cảm thì "đối tượng tác động của tội phạm là các vật thể của thế giới vật chất mà người phạm tội tác động đến khi thực hiện sự xâm hại các khách thể xã hội do pháp luật hình sự bảo vệ" [5, tr. 354]. Có nghĩa là, đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận cấu thành của khách thể của tội phạm, bị tội phạm tác động đến (bằng hành động hoặc không hành động) và gây nên (hoặc đe dọa thực tế gây nên) thiệt hại đáng kể cho những quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Qua đó, chúng ta xác định được đối tượng tác động mà tội phạm vi phạm các quy định về quản lý đất đai hướng tới, đó chính là đất đai. Thông qua sự tác động trái phép vào đối tượng này, hành vi phạm tội đã xâm hại đến các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và công dân.
Giữa khách thể và đối tượng tác động của tội phạm mà điều luật điều chỉnh là hai khái niệm cần phân biệt, tránh nhầm lẫn và cho rằng đó là một. Bản chất tội phạm của hành vi không phải là việc xâm hại đến đất đai với tính cách như một thứ vật chất mà là việc xâm hại đến "hệ thần kinh" của Nhà nước, đó là chế độ sở hữu và quản lý đối với đất đai được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Nhà nước. Do vậy, trong quá trình áp dụng luật cần nắm vững sự khác biệt này để đánh giá chính xác bản chất giai cấp của tội phạm, tính nguy hiểm của hành vi phạm tội, xác định đúng khách thể mà điều luật điều chỉnh.
b) Mặt khách quan của tội phạm
Dựa vào một số biểu hiện khách quan được thể hiện ra bên ngoài của tội phạm mà chúng ta có thể phân biệt giữa tội phạm này với tội phạm khác.
Thông qua đó mà chúng ta có thể trực tiếp nhận biết được tội phạm. Mặt khách quan của tội phạm bao gồm: hành vi phạm tội, hậu quả phạm tội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả phạm tội, một số dấu hiệu bên ngoài khác của việc thực hiện hành vi phạm tội như: thủ đoạn, phương tiện, công cụ, thời gian, địa điểm và hoàn cảnh phạm tội… Nói cách khác, mặt khách quan của tội phạm là sự thể hiện cách xử sự có tính chất tội phạm trong thực tiễn khách quan.
Nghiên cứu dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai là việc làm hết sức quan trọng. Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cùng tìm hiểu một số dấu hiệu khách quan cụ thể dưới đây:
* Hành vi phạm tội:
Về mặt lý luận, hành vi phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội (bằng hành động hoặc không hành động) trái pháp luật hình sự. Trong các yếu tố thuộc mặt khách quan của tội phạm, hành vi nguy hiểm cho xã hội là biểu hiện cơ bản nhất và có ý nghĩa quan trọng. Những biểu hiện khác của mặt khách quan (như: công cụ, phương tiện, địa điểm, thời gian phạm tội…) chỉ có ý nghĩa khi có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nó là cầu nối giữa khách thể và chủ thể của tội phạm. Việc xác định dấu hiệu hành vi thuộc mặt khách quan của CTTP cơ bản và một số nội dung khác trong những trường hợp nhất định là bắt buộc, có ý nghĩa trong việc định tội. Trong nhiều trường hợp, bên cạnh ý nghĩa định tội, mặt khách quan của tội phạm còn có ý nghĩa trong việc xác định khung hình phạt hoặc xác định mức độ trách nhiệm khi lượng hình (CTTP tăng nặng, giảm nhẹ…), đồng thời qua đó xác định lỗi trong việc thực hiện tội phạm.
Đối với tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, dấu hiệu về hành vi khách quan không được mô tả một cách cụ thể, điều luật chỉ xác định đích danh 05 loại hành vi bao gồm:
- Giao đất trái pháp luật;
- Thu hồi đất trái pháp luật;
- Cho thuê đất trái pháp luật;
- Cho phép chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật;
- Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.
Đây là những hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý đất đai đã lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm trái các quy định của Nhà nước trong những lĩnh vực nêu trên của quá trình quản lý đất đai. Sẽ không thể xác định được những quy định đó với cương vị là đối tượng tác động mà tội phạm nhằm hướng tới nếu không dựa vào các quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến chính sách quản lý của Nhà nước về đất đai.
Các hành vi vi phạm trên được quy định cụ thể trong Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ, bao gồm các nhóm hành vi sau:
1. Hành vi giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, gồm:
- Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất không đúng vị trí và diện tích trên thực địa;
- Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được xét duyệt [28, Điều 171].
2. Hành vi thu hồi đất trái pháp luật, gồm:
- Không thông báo trước cho người có đất bị thu hồi theo quy định tại Điều 39 của Luật đất đai; không công khai phương án bồi thường, tái định cư;
- Thực hiện bồi thường không đúng đối tượng, diện tích, mức bồi thường cho người có đất bị thu hồi; làm sai lệch hồ sơ thu hồi đất; xác định sai vị trí và diện tích đất bị thu hồi trên thực địa;
- Thu hồi đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt [28, Điều 172].
3. Hành vi cho phép chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật, gồm:
- Giải quyết thủ tục hành chính không đúng trình tự quy định, trì hoãn việc giao các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền ký cho người xin làm thủ tục hành chính;
- Từ chối thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hành chính mà theo quy định của pháp luật đã đủ điều kiện để thực hiện;
- Thực hiện thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền;
- Quyết định, ghi ý kiến hoặc xác nhận vào hồ sơ không đúng quy định gây thiệt hại hoặc tạo điều kiện cho người xin làm thủ tục hành chính gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và công dân;
- Làm mất, làm hư hại, làm sai lệch nội dung hồ sơ [28, Điều 175].
Hành vi khách quan của tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai được biểu hiện thông qua hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện việc giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn mà Nhà nước giao cho về quản lý đất đai, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai; còn lạm dụng chức vụ, quyền hạn là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực quản lý đất đai mà sử dụng chức vụ, quyền hạn vượt quá phạm vi thẩm quyền được giao để thực hiện một trong các hành vi: giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.