Các tội phạm trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai trong Luật Hình sự Việt Nam Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn trên địa bàn thành phố Hà Nội - 7

Nếu một người lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong những hành vi giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu TNHS. Về mặt khách quan, không phải một người cứ có một trong những hành vi nêu trên thì bị truy cứu TNHS, mà bên cạnh việc thực hiện hành vi phải kèm thêm điều kiện cần và đủ mới có thể bị coi là người phạm tội. Dấu hiệu đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng chính là dấu hiệu đặc trưng và bắt buộc của CTTP cơ bản của tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Làm một việc cũng như không làm một việc đều có thể dẫn đến sự thay đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động và qua đó gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đó là hai hình thức khác nhau của hành vi nguy hiểm cho xã hội, hình thức hành động nguy hiểm cho xã hội và hình thức không hành động nguy hiểm cho xã hội. Qua liệt kê các nhóm hành vi khách quan trên cho thấy, tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai là loại tội phạm vừa có thể được thực hiện bằng hành động, vừa có thể được thực hiện bằng không hành động, nhưng hành động là chủ yếu.

- Đối với dạng hành động: Đây là hình thức của hành vi nguy hiểm cho xã hội làm biến đổi trạng thái bình thường của đối tượng tác động qua việc chủ thể thực hiện sự "xử sự tích cực" bị luật hình sự cấm. Trong tội phạm vi phạm các quy định về quản lý đất đai, người có chức vụ, quyền hạn đã có hành vi: thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng những quy định của Nhà nước trong việc giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

- Đối với dạng không hành động: Hành vi không hành động nguy hiểm cho xã hội thể hiện ở việc chủ thể không thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình mặc dù có đủ điều kiện để thực hiện. Cụ thể, người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện những quy định của Nhà nước trong việc thu hồi đất

(như: không thông báo trước cho người có đất bị thu hồi theo quy định tại Điều 39 Luật Đất đai; không công khai phương án bồi thường, tái định cư), trong việc cho phép chuyển quyền sử dụng đất (như: từ chối thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hành chính mà theo quy định của pháp luật đã đủ điều kiện để thực hiện), mà lẽ ra về chức năng, nhiệm vụ thì người đó phải thực hiện.

Hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai được coi là hệ quả của hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn được coi là tiền đề, là thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để làm trái với quy định của Nhà nước về quản lý đất đai. Nếu trường hợp cũng lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn nhưng không làm trái với quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, mà trái với các quy định khác về quản lý kinh tế, quản lý hành chính, quản lý cán bộ hoặc quản lý xã hội… thì không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 BLHS, mà tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội có thể bị truy cứu TNHS về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế (Điều 165), tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281) hoặc các tội phạm tương ứng có quy định lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn là yếu tố tăng nặng định khung hình phạt…

Nền kinh tế thị trường luôn biến động không ngừng. Do đó, chính sách kinh tế của Nhà nước nói chung và chính sách quản lý đất đai nói riêng cũng thường xuyên phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, việc thay đổi đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý của đất nước. Có ý kiến cho rằng, Nhà nước nên phi tội phạm hóa tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai ra khỏi BLHS. Bởi lẽ, chúng ta đã có quy định về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Chương các tội phạm về chức vụ hoặc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được xem như là một tình tiết tăng nặng định khung của nhiều tội phạm khác đã được quy định trong BLHS rồi, nên không cần thiết quy định về tội phạm này nữa. Tuy nhiên, xét về tầm quan trọng của đất đai, cũng như thực tiễn

quản lý của Nhà nước về lĩnh vực này, cho thấy, những năm gần đây, tội phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai xảy ra ngày một nhiều, theo chiều hướng ngày càng đa dạng, phức tạp. Để thực hiện tội phạm, người phạm tội thường sử dụng nhiều phương pháp, thủ đoạn khác nhau vô cùng tinh vi, xảo quyệt, có sự cấu kết, móc ngoặc của nhiều đối tượng (mà những kẻ chủ mưu, cầm đầu thường giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan hành chính Nhà nước) cùng tham gia, gây thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế cho đất nước. Điều đó đã làm cho công tác đấu tranh phòng, chống đối với loại tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, cần thiết tiếp tục quy định tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai trong Luật hình sự Việt Nam.

* Dấu hiệu "Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm":

"Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm" được xem là dấu hiệu bắt buộc của CTTP cơ bản, là tình tiết định tội của tội phạm vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Hiện nay, Nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể về dấu hiệu này, tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu dấu hiệu này vận dụng theo hướng dẫn của liên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSNDTC và TANDTC về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản như sau: "Bị coi là "đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm"… nếu trước đó người có chức vụ, quyền hạn… đã bị xử lý kỷ luật về một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 176 BLHS, nhưng chưa hết thời hạn được coi là xóa kỷ luật mà lại thực hiện một trong các hành vi đó" [26, Mục I.4]. Như vậy, quan điểm thống nhất về cách hiểu và áp dụng dấu hiệu này trong việc định tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai là: nếu trước khi thực hiện hành vi phạm tội, người này đã có lần lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong các việc giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật và đã bị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật về chính vi phạm đó, nếu chưa hết thời hạn để được coi là xóa kỷ luật mà lại tiếp tục thực hiện một trong các hành vi vi phạm đó thì sẽ bị truy cứu TNHS đối với hành vi vi phạm lần sau. Trong

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

trường hợp này, CTTP của tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai là cấu thành hình thức. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể về dấu hiệu này, nên sẽ rất khó khăn đối với các cơ quan tố tụng trong việc phân tích, đánh giá và kết tội đối với người có hành vi phạm tội. Mặt khác, sẽ xảy ra tình trạng mỗi địa phương, mỗi cơ quan tố tụng có cách hiểu và vận dụng dấu hiệu này theo nhận thức chủ quan khác nhau.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS thời điểm khi mới ban hành năm 1999, nhà làm luật xây dựng và xác định duy nhất dấu hiệu "đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm" là dấu hiệu định tội của tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Ngoài ra, không có dấu hiệu định tội nào khác.

Các tội phạm trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai trong Luật Hình sự Việt Nam Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn trên địa bàn thành phố Hà Nội - 7

Việc xử lý kỷ luật đối với người có hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai được áp dụng nếu thực hiện một trong các hành vi quy định tại các Điều 171, 172, 175 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ,

* Về thời hạn để được coi là xóa kỷ luật:

- Trường hợp người vi phạm là cán bộ, thời hạn này được xác định là: "Sau 12 tháng kể từ ngày có quyết định kỷ luật, nếu cán bộ… không tái phạm hoặc không có những vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì đương nhiên được chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật" [29, Khoản 1 Điều 26].

- Trường hợp người vi phạm là công chức, thời hạn này được xác định là: "Sau 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, nếu công chức không tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực" [31, Khoản 3 Điều 20].

Do tội phạm vi phạm các quy định về quản lý đất đai được thực hiện bởi chủ thể đặc biệt, phải là những người đang giữ chức vụ, quyền hạn được Nhà nước giao, cùng với điều kiện phải là cán bộ, công chức theo quy định tại Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Nếu cán bộ, công chức thực hiện hành vi vi phạm chưa đến mức bị truy cứu TNHS thì phải bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Việc quy định dấu hiệu "đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm" thể hiện quan điểm của Nhà nước ta đối với việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật, trước hết phải giáo dục hoặc xử lý bằng biện pháp khác, trong trường hợp này là xử lý kỷ luật, rồi mới đến biện pháp hình sự. Mặt khác, nó đảm bảo sự công bằng giữa cán bộ, công chức với người không phải là cán bộ, công chức vi phạm. Nếu người không phải là cán bộ, công chức mà có hành vi vi phạm pháp luật (nhưng chưa đến mức phải xử lý về hình sự) thì bị xử lý bằng biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

* Các dấu hiệu về hậu quả của tội phạm: "đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn", "gây hậu quả nghiêm trọng":

So với tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS ban hành ở thời điểm năm 1999, đây là nội dung mới được bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LHS năm 2009. Nói chính xác, nhà làm luật đã chuyển các dấu hiệu này đang từ tình tiết định khung tăng nặng TNHS quy định tại khoản 2 của điều luật cũ thành dấu hiệu định tội quy định tại khoản 1 của điều luật hiện hành. Nghĩa là, bên cạnh việc vẫn giữ nguyên dấu hiệu "đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm" là dấu hiệu định tội, thì "đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn" và "gây hậu quả nghiêm trọng" cũng được xác định là dấu hiệu CTTP cơ bản, là dấu hiệu định tội của tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Hậu quả của tội phạm vi phạm các quy định về quản lý đất đai là những thiệt hại về lợi ích kinh tế của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý đất đai, cũng như sự hoạt động đúng đắn, uy tín chính trị của các cơ quan nhà nước và những thiệt hại nghiêm trọng khác cho xã hội. Nói cách khác, hậu quả này bao gồm cả những thiệt hại mang tính vật chất và phi vật chất. Tùy từng trường hợp cụ thể mà có đánh giá mức độ hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng hay chưa.

Tính chất và mức độ hậu quả gây ra bởi hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai được xác định bởi tính chất và mức độ biến đổi của đối tượng tác động, cụ thể là đất đai. Căn cứ vào tính chất và sự biến đổi của đất, loại đất và lợi ích (giá trị kinh tế) phát sinh từ đất để xác định hậu quả nguy hiểm của hành vi phạm tội. Ở trường hợp này, CTTP của tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai là cấu thành vật chất, cho nên, hậu quả nguy hiểm cho xã hội không được phản ánh một cách trực tiếp mà phản ánh thông qua đối tượng tác động là đất đai. Do vậy, trong thực tiễn áp dụng, việc xác định, đánh giá hậu quả của tội phạm được thực hiện thông qua việc xác định, đánh giá đặc điểm, tính chất của đất hoặc sự biến đổi tình trạng bình thường của đất. Đây là một trong những dấu hiệu bắt buộc để truy cứu TNHS đối với người có hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về hậu quả của tội phạm vi phạm các quy định về quản lý đất đai như: đất có diện tích bao nhiêu được coi là diện tích lớn, trị giá bằng bao nhiêu được coi là có giá trị lớn và, người phạm tội gây thiệt hại với tính chất, mức độ như thế nào thì được coi là gây hậu quả nghiêm trọng (?). Song, chúng ta có thể vận dụng hướng dẫn của liên ngành TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an và Bộ Tư pháp về áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS 1999 để đánh giá các tình tiết về hậu quả của tội phạm này như sau:

Hậu quả phải do hành vi phạm tội gây ra (có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả). Hậu quả đó có thể là thiệt hại về tài sản hoặc hậu quả phi vật chất (gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội)…Để xem xét trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng và trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, về nguyên tắc chung

phải đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ các hậu quả (thiệt hại về tài sản và các thiệt hại phi vật chất) [61, Mục I.3].

Do không có hướng dẫn cụ thể các dấu hiệu hậu quả của tội phạm vi phạm các quy định về quản lý đất đai, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định hành vi của một người có bị coi là tội phạm hay không (?), hay nói cách khác, hành vi của người đó đã đủ yếu tố CTTP hay chưa (?). Điều đó giúp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật đưa ra được đường lối xử lý đúng người, đúng tội, đảm bảo công bằng, dân chủ, tránh làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Sẽ không tránh khỏi tình trạng tùy tiện và vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Hiến định "bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa" trong các giai đoạn tố tụng hình sự, đặc biệt là ở giai đoạn xét xử của Tòa án, nếu như người cán bộ đại diện cho "cán cân công lý" để xét xử một người, nhưng lại có những cách hiểu hoặc vận dụng quy định pháp luật khác nhau theo ý thức chủ quan của cá nhân mình. Thực tiễn công tác đấu tranh xử lý tội phạm về quản lý đất đai cho thấy rất khó khăn để truy cứu TNHS một người nếu căn cứ vào các dấu hiệu định tội nói trên.

Nếu hành vi vi phạm xâm hại tới đất có diện tích hoặc giá trị không lớn, hoặc gây ra hậu quả không nghiêm trọng, thì hành vi đó không bị coi là tội phạm, trừ trường hợp người thực hiện hành vi "đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm". Đây là các dấu hiệu định tội của tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS. Quy định đó được hiểu, nếu người thực hiện hành vi chưa bị xử lý kỷ luật (bao gồm cả trường hợp đã bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua thời hạn để được coi là xóa kỷ luật theo quy định pháp luật) về hành vi này hoặc xâm hại tới đất có diện tích hoặc giá trị không lớn, hoặc gây hậu quả không nghiêm trọng, thì không bị truy cứu TNHS, hành vi đó không phải là tội phạm.

Đối với trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại về tiền, kèm theo gây hậu quả nghiêm trọng về vật chất hoặc về chính trị, xã hội như: gây tâm lý hoang mang, tạo dư luận không tốt trong xã hội, làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động quản lý kinh tế nói chung, quản lý đất đai nói riêng của các cơ quan nhà nước…thì tùy từng thời điểm, từng vụ việc xác định có thể bị truy cứu TNHS về các tội khác của BLHS.

* Vấn đề thời điểm hoàn thành của tội phạm:

Đối với tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, thời điểm hoàn thành tội phạm được xác định là khi người thực hiện một trong các hành vi được nêu tại khoản 1 Điều 174 BLHS, gây thiệt hại theo các mức định lượng "đất có diện tích lớn hoặc có giá trị lớn", "gây hậu quả nghiêm trọng", hoặc chưa đến mức định lượng nhưng thuộc trường hợp "đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm". Thông qua việc xem xét mặt khách quan của tội phạm, nhất là qua phân tích các dấu hiệu định tội của tội phạm, cho thấy: tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai vừa có cấu thành hình thức, vừa có cấu thành vật chất. Do vậy, thời điểm hoàn thành của tội phạm tùy thuộc vào thời điểm thực hiện hành vi khách quan và hậu quả mà hành vi phạm tội gây ra.

c) Về chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm là người tham gia vào việc thực hiện hành vi phạm tội. Một người để trở thành chủ thể của tội phạm, phải thỏa mãn hai đặc điểm cơ bản, đó là: có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS. Người thỏa mãn hai dấu hiệu đó, khoa học Luật hình sự gọi là chủ thể thường của tội phạm. Ngoài ra, ở một số tội phạm cụ thể còn đòi hỏi người thực hiện hành vi phải có thêm một số đặc điểm nhất định và chỉ khi có các đặc điểm đó thì họ mới có thể thực hiện được hành vi nguy hiểm cho xã hội bị Luật hình sự coi là tội phạm. Người phải có thêm đặc điểm đó được gọi là chủ thể đặc biệt.

Đối với tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, đòi hỏi chủ thể của tội phạm phải là chủ thể đặc biệt. Nghĩa là, người thực hiện hành vi phạm tội bên cạnh việc thỏa mãn đủ các dấu hiệu chung của chủ thể thường, thì họ nhất thiết phải có thêm điều kiện là người có chức vụ, quyền hạn được Nhà nước giao trong lĩnh vực quản lý về đất đai mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm là dấu hiệu quan trọng để xác định hành vi có phạm tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai hay không. Vì vậy, để hiểu thế nào là "người lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn", trước hết cần xác định thế nào là người có chức vụ, quyền hạn.

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 23/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí