Vai Trò Trung Tâm Chính Trị - Hành Chính Đất Nước Là Yếu Tố Chi Phối, Quy Định Tính Chất Đặc Thù Của Bộ Máy Cai Trị, Cơ Chế Quản Lý Đô Thị Thăng

Về đồ dùng, trang phục cũng có nhiều quy định để phân biệt giữa quan lại và dân thường. Đối với các tầng lớp bình dân, trừ những dịp lễ tết, cầu phúc, ca hát, hội hè, còn ngày thường, các loại áo, mũ thanh cát chỉ dành riêng cho quan lại, dân gian phải theo đúng kiểu áo thường, cửa tay không được lớn và rộng. Quan, dân nhất thiết không được tiếm dùng màu tía [14, 322], “các thứ vẽ màu sắc rồng, kỳ lân, phượng là những đồ vua dùng” [16, 269]. Trách nhiệm kiểm soát quy cách trang phục ở kinh thành giao cho các viên Đề lĩnh, Xá nhân và Thể sát: "Thấy nhân viên nào hay người thường nào cố tình y phục tiếm lạm, không đúng theo pháp chế thì được phép lột áo trái phép đó ra mà luận tội, để cho nghiêm cấm lệnh” [16, 305].

Đối với tang chế, thời Lê - Trịnh, trong dân gian việc “đặt đàn làm chay, phần nhiều đủ cả rượu nhắm để mời tân khách, thêm vào đấy bày ra hát xướng, chơi đùa và các trò tạp kỹ khác, mượn tiếng là báo hiếu, mà thực ra là một chỗ để mua vui” [29, 421]. Trước thực trạng ma chay phiền toái và tốn kém ấy, chúa Trịnh đã hạ lệnh: “khi có tang táng, nên giúp sức trông nom, rồi tuỳ nhà tang giàu hay nghèo, chứ không được yêu sách cỗ bàn và cũng không nên chấp nệ về tục cũ và nợ miệng, năm nào cũng bắt hiếp nhà đương sự phải bán vợ con điền thổ, để khánh kiệt gia tài, hoặc là nghèo khó phải phiêu lưu...” [16, 299].

Với việc cưới gả, lấy vợ lấy chồng không những cần sự cho phép của cha mẹ, gia tộc mà “phải có sự chấp thuận của quan cai trị hay quan tư pháp địa phương mới được phép cưới” [46, 50]. Năm Cảnh Trị 1 (1663) triều đình ban dụ: “Vợ chồng là cái gốc luân thường, lấy vợ gả chồng phải theo lễ nghĩa; không được so kè giàu nghèo, đòi nhiều tiền của...” [16, 297].

Có thể thấy, nội dung lĩnh vực quản lý nếp sống, phong tục rất rộng, gồm từ vấn đề giữ gìn tập quán, nếp sống, lễ tục cưới xin, tang ma, lề lối sinh hoạt, các lễ nghi... Quản lý các nội dung này được thể hiện bằng những quy định phản ánh/gắn với quan niệm, chuẩn mực đạo đức, lễ nghi của nhà nước quân chủ Nho giáo Lê Sơ, Mạc, Lê - Trịnh.


Tiểu kết

01. Trong các lĩnh vực quản lý đô thị Thăng Long, quản lý hành chính dân cư - đối tượng chủ thể của đô thị - là nội dung cơ bản, trọng yếu. Hiệu quả quản lý dân cư phản ánh hiệu quả hoạt động quản lý xã hội nói chung.

Cơ cấu, đặc điểm của cư dân Thăng Long ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII chịu tác động từ hai nhân tố chủ đạo: trung tâm chính trị - hành chính đất nước và quá trình hưng khởi của nền kinh tế hàng hoá. Hai nhân tố này khiến Thăng Long - Kẻ Chợ trở thành địa phương mà ở đó, hiện diện đầy đủ các giai tầng của xã hội, từ thượng lưu cho đến bình dân, hạ đẳng, thuộc cả hai đẳng cấp thống trị và bị trị.

Quan lại, nho sĩ và binh lính là những tầng lớp được hưởng nhiều đặc ân ưu đãi của triều đình. Những ưu đãi này nhằm xác lập, khẳng định vai trò và uy thế thống trị của tầng lớp quan liêu, duy trì và củng cố quyền lợi đẳng cấp.

Thợ thủ công, thương nhân là một bộ phận đông đảo của cư dân Thăng Long, cùng với nông dân, họ chịu sự quản lý của bộ máy chính quyền Thăng Long và triều đình thông qua các nghĩa vụ binh dịch, lao dịch, thuế thân và các loại thuế riêng áp dụng cho từng loại nghề nghiệp.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

Đối với những người nước ngoài đến Thăng Long - Kẻ Chợ sinh sống, buôn bán.., chính sách quản lý của chính quyền Thăng Long nhằm mục đích chính là đảm bảo an ninh, phong hoá nề nếp, ngăn ngừa và trừng trị những hành động có thể gây phương hại, đảo lộn những tập quán, nề nếp sinh hoạt, văn hoá... tại kinh thành Thăng Long.

02. Trong bối cảnh hưng khởi của nền kinh tế hàng hoá và đô thị, các chính sách, biện pháp quản lý đối với các lĩnh vực kinh tế (nông nghiệp, thủ công nghiệp), các hoạt động trao đổi, giao lưu buôn bán tại kinh thành, nhìn chung, đã bộc lộ một chính sách thiếu nhất quán.

Các thiết chế quản lý đô thị Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII - 15

Trong lĩnh vực sản xuất thủ công nghiệp, nhà nước kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý khá chặt chẽ. Đối với thủ công nghiệp nhà nước, thợ thủ công

được trưng tập làm việc trong các công xưởng, quan xưởng, cục bách tác, chịu sự quản lý theo chế độ công tượng). Đối với các ngành nghề thủ công nghiệp dân gian, nhà nước quản lý thông qua hình thức tượng cục, qua các loại thuế thổ sản - chuyên lợi.

Nông nghiệp dù không là ngành kinh tế chính của Thăng Long, song vẫn được triều đình ít nhiều thể hiện quan tâm, khuyến khích.

Đối với hoạt động thương nghiệp, ngoại thương, nhà nước quản lý thông qua các quy định về các loại thuế tuần ty, thể lệ họp chợ... Nhưng vì không nhất quán, dao động khiến cho chính sách quản lý của triều đình không thể trở thành một nhân tố thường xuyên, tích cực trong việc tác động cho sự phát triển bền vững của các hoạt động kinh tế thương nghiệp và ngoại thương.

03. An ninh trật tự đô thị có quan hệ mật thiết đến đời sống của mọi tầng lớp dân cư và các hoạt động của triều đình. Do đó, về phương diện chính sách, việc quy định các cách thức, quy định về tuần phòng an ninh, nghiêm cấm các tệ nạn ảnh hưởng đến thuần phong, đạo đức... cho thấy tính tích cực trong các biện pháp quản lý của chính quyền. Điều đó có tác dụng không nhỏ trong việc góp phần ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội sản xuất, kinh doanh tại kinh thành.

04. Trong vấn đề quản lý tài nguyên, môi trường, xuất phát từ các điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế - xã hội mà chính quyền Thăng Long đã có những chính sách, biện pháp khác nhau.

Đối với nguồn tài nguyên đất, ruộng đất nông nghiệp được quản lý thông qua việc quy định các nghĩa vụ của người nông dân đối với nhà nước (nộp tô, thuế).

Đất đai tại kinh thành được triều đình quản lý thông qua hình thức sử dụng phân phong, ban cấp cho quan lại làm đất ở, vườn tược. Vai trò quyết định trong việc quản lý, sử dụng đất tại kinh thành thuộc về chính quyền trung ương, triều đình toàn quyền cắt đặt, phân phong, miễn thuế lấy hoa lợi thờ cúng...

Sử dụng thì như vậy, nhưng cách thức sử dụng đất đai trong kinh thành trong suốt thời Mạc rồi Lê -Trịnh nhìn chung còn thể hiện tính tự nhiên, tự phát, chưa có một quy hoạch ổn định.

05. Hoạt động quản lý văn hoá - xã hội, bao gồm trong đó các vấn đề giáo dục, khoa cử, phong tục, nếp sống... Trên mỗi phương diện, chính sách quản lý của chính quyền phong kiến đều có những biện pháp riêng. Giáo dục với vai trò đào tạo tầng lớp trí thức Nho học, thông qua khoa cử mà nhà nước tuyển dụng, bổ sung vào bộ máy quan liêu. Vì thế, giáo dục và khoa cử luôn được triều đình khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Ba thế kỷ XVI - XVIII, với vị trí kinh đô, Thăng Long cũng đồng thời là trung tâm giáo dục đứng đầu cả nước. Vị trí kinh đô cũng chính là một tác nhân quan trọng đối với chính quyền trong việc ban hành các quy định liên quan đến đời sống sinh hoạt văn hoá, phong tục, nếp sống... của cộng đồng cư dân đô thị Thăng Long.


KẾT LUẬN

Cho đến thế kỷ XVI, đô thị Thăng Long đã có một lịch sử phát triển lâu dài. Trải qua các triều đại Lý, Trần và Lê Sơ, Thăng Long gần như liên tục đảm trách vai trò trung tâm chính trị - hành chính, trung tâm kinh tế, văn hoá của đất nước.

01. Quản lý đô thị Thăng Long trong ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII chịu tác động của nhiều yếu tố. Trước hết, phải kể đến các tác động tự nhiên, đặc điểm nổi bật của Thăng Long là yếu tố sông - hồ. Quy hoạch đô thị Thăng Long là sự nương theo và thích ứng với đặc điểm địa hình tự nhiên, sông - hồ trở thành những hào luỹ tự nhiên, bảo vệ thành và cũng là mạng lưới giao thông ngay trong đô thị.

Nhân tố chính trị giữ vai trò quan trọng trong quá trình quản lý đô thị. Với vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước, Thăng Long là nơi tập trung, là đầu mối của hệ thống các cơ quan quản lý, bộ máy quan lại của triều đình... Hầu hết các sự kiện chính trị, bang giao quan trọng của đất nước đều diễn ra tại kinh đô. Tổ chức bộ máy, thiết lập cơ chế quản lý cũng như hiệu quả quản lý đô thị Thăng Long chịu sự chi phối chặt chẽ từ tính chất đặc thù này.

Các tác động kinh tế - xã hội, trong đó, nổi bật trong giai đoạn này là quá trình hưng khởi của nền kinh tế hàng hoá, với sự hiện diện đông đảo thợ thủ công tại kinh thành, các hoạt động sản xuất mở rộng, Thăng Long - Kẻ Chợ đột khởi trên một đà phát triển mạnh mẽ, cả ở khu vực thành lẫn khu vực thị, đặc biệt là khu vực thị, trở thành một trung tâm buôn bán nhộn nhịp tầm cỡ quốc tế, thu hút sự có mặt của người Hà Lan, Anh... Tất cả những yếu tố đó đưa đến diện mạo phát triển mới cho đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ.

Bên cạnh đó, các biến động xã hội (khởi nghĩa nông dân, dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn...) đều ít nhiều tác động tới việc vấn đề quản lý của nhà nước.

02. Vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước là yếu tố chi phối, quy định tính chất đặc thù của bộ máy cai trị, cơ chế quản lý đô thị Thăng Long.

Tổ chức bộ máy quản lý, cơ cấu đơn vị hành chính các cấp Thăng Long thời Mạc, Lê - Trịnh là sự kế thừa và tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý thiết lập

từ thời Lê Sơ cũng như các triều đại trước đó. Trên phương diện quản lý nhà nước, quá trình hoàn thiện này biểu hiện bằng các chỉ dụ, sắc lệnh của triều đình ban hành, quy định, bổ sung hoặc cụ thể hoá nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách của bộ máy quản lý các cấp; thiết lập các cơ chế hoạt động, nguyên tắc tổ chức, vận hành và giám sát hoạt động quản lý của bộ máy hành chính các cấp tại kinh thành.

03. Bên cạnh bộ máy hành chính đại diện cho triều đình phong kiến, trong hoạt động quản lý đô thị, Thăng Long - Kẻ Chợ còn có các cơ chế tự trị - tự quản.

Nhiều hình thức tổ chức tự trị - tự quản trong hoạt động quản lý đô thị mang sắc thái, tinh thần của cơ chế tự trị - tự quản làng xã. Nói cách khác, hình thức tổ chức tự trị - tự quản tại Thăng Long là một trong những biểu hiện ảnh hưởng của truyền thống dân chủ làng xã trong đời sống đô thị.

Hình thức tổ chức và hoạt động của các cơ chế tự trị - tự trong đời sống đô thị rất phong phú. Đặc điểm này quy định bởi tính đa dạng trong kết cấu, thành phần dân cư đô thị. Mỗi cộng đồng, mỗi nhóm dân cư theo lứa tuổi, thang bậc trong xã hội, họ có những đặc thù riêng về nghề nghiệp, quê quán... Trong bối cảnh hưng khởi của nền kinh tế hàng hoá và đô thị thế kỷ XVI và XVIII ở Thăng Long, đặc điểm này càng được thể hiện rò.

04. Hoạt động quản lý đô thị của chính quyền Thăng Long thực thi dựa trên hệ thống văn bản pháp luật, các sắc lệnh, chỉ dụ do chính quyền trung ương ban hành. Bên cạnh những điều luật, quy định chung áp dụng chung cả nước, nhiều lĩnh vực, triều đình còn có những điều khoản áp dụng riêng cho kinh thành Thăng Long.

Thế kỷ XVI, XVII, XVIII, trong khung cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến chuyển, các chính sách, biện pháp quản lý của chính quyền phong kiến tác động đến đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội Thăng Long diễn ra trên cả hai hướng tích cực và hạn chế.

05. Ba thế kỷ XVI - XVIII, với vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước, bên cạnh bộ máy quản lý địa phương, Thăng Long còn chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền phong kiến trung ương. Đó là điều tất yếu, song, vấn đề chính là nhà nước phong kiến quan liêu chuyên chế đã can thiệp sâu vào nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đô thị Thăng Long. Điều đó đã kìm hãm tính

năng động vốn có của đô thị. Nền kinh tế hàng hoá Thăng Long có thể hưng khởi mạnh mẽ trong thế kỷ XVII - XVIII. Nhưng cuối cùng, nó đã không có được những chuyển biến căn bản về chất.

Bài học lịch sử này nay vẫn còn giá trị. Trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng xã hội dân chủ pháp quyền hiện nay, quản lý nhà nước đối với các đô thị đặc thù - trong đó có Thủ đô - cần tập trung ở vai trò điều tiết vĩ mô đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhà nước định hướng và điều chỉnh bằng hệ thống luật pháp, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân được những quyền tự chủ trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

Chính quyền thành phố cần tự chủ, cần được trao trách nhiệm và quyền lực rộng hơn trong quản lý cư dân, xây dựng kế hoạch, mở rộng các quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế phục vụ phát triển đô thị. Tăng cường sự giám sát của xã hội, thông qua dư luận xã hội để góp phần hoạch định, điều chỉnh các chính sách quản lý.

Thăng Long - Hà Nội là đô thị có lịch sử lâu đời, với truyền thống năng động, sáng tạo của những người dân kinh kỳ. Nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về vị thế của Thủ đô, xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý với lộ trình và những biện pháp thích hợp chính là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trên con đường xây dựng một đô thị giàu đẹp, văn minh, hiện đại.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


Tài liệu thư tịch


1. Ban Hán Nôm (1978), Tuyển tập văn bia Hà Nội (Quyển 1), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Ban Hán Nôm (1978), Tuyển tập văn bia Hà Nội (Quyển 2), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Đặng Xuân Bảng (1997), Việt sử cương mục tiết yếu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Đặng Xuân Bảng (1997), Sử học bị khảo, Viện Sử học và Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

5. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí (Tập 1), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí (Tập 2), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí (Tập 3), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

8. Đại Việt sử ký tục biên (1991), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

9. Lê Quý Đôn (1978), Đại Việt thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

10. Lê Quý Đôn (1978), Kiến văn tiểu lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

11. Phạm Đình Hổ (1989), Vũ trung tuỳ bút, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.

12. Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án (2000), Tang thương ngẫu lục, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

13. Hồng Đức thiện chính thư (1959), Đại học viện Sài Gòn, Nam Hà ấn quán, Sài Gòn.

14. Ngô Cao Lãng (1975), Lịch triều tạp kỷ (Tập 1), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

15. Ngô Cao Lãng (1975), Lịch triều tạp kỷ (Tập 2), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/06/2022