sách quản lý của chính quyền sẽ tác động không nhỏ tới diện mạo, quy hoạch không gian của Thăng Long - Kẻ Chợ.
Trong quy hoạch không gian Thăng Long - Kẻ Chợ, phía đông kinh thành (giữa Hoàng thành và bờ sông Hồng, phía bắc hồ Hoàn Kiếm) là nơi tập trung nhiều cửa hàng buôn bán, hệ thống chợ bến, mật độ dân số ở đây rất cao. Khu Hoàng thành phía tây và khu quần thể phủ Chúa Trịnh phía nam, tuy có dáng vẻ uy nghi lộng lẫy, nhưng là nơi tập trung quan liêu và quân sĩ. Các khu còn lại trong kinh thành, mật độ dân cư nói chung không cao, đất đai tương đối rộng rãi. Ở những nơi này, nhất là khu phía Nam - qua mô tả của địa bạ các thôn thuộc huyện Thọ Xương lập năm 1805 - tập trung nhiều dinh thự của quan lại.
Tại kinh đô, việc ban cấp cả đất ở, ruộng vườn cho quan lại theo phẩm hàm được triều đình quy định như sau: “Những vị đại thần và bách quan trong kinh thành, nhà cửa vườn tược không được vượt quá 3 mẫu, quan nhất phẩm 3 mẫu; quan nhị phẩm 2 mẫu; quan tam phẩm 1 mẫu; quan tứ phẩm 5 sào; quan ngũ phẩm 3 sào; quan lục thất phẩm 2 sào; quan bát phẩm, cửu phẩm hay người không có phảm hàm chỉ được 1 sào. Những nhà ở nơi có quan lính đóng thì diện tích đất đai kém hơn một bậc. Nếu người nào lạm chiếm quá phần đất đã định trên thì bị tội xuy đánh 50 roi biếm một tư, người có vườn ao rồi mà lại chiếm đất nơi khác thì tội thêm một bậc” (Điều 130, chương Vi chế) [27, 100 - 101], cũng theo quy định này "quan văn nào không có quản binh thao luyện thì giảm xuống một bậc. Viên quan nào được có sự ban cho đặc biệt thì không nằm trong thể lệ trên”. [15, 68-69]
Để ngăn ngừa và xử phạt quan lại và những nhà quyền quý chiếm đoạt ruộng đất của dân, triều đình đã ban hành lệnh dụ: “Nhà quyền quý chiếm đoạt ruộng nhà ao hồ của lương dân, 1 mẫu trở lên thì xử phạt, 5 mẫu trở lên thì xử biếm. Quan từ tam phẩm trở xuống thì xử gia hai bậc. Đều phải bồi thường như luật. Nếu đã tâu lên thì xử khác”. [6, 376]
Thời Mạc và Lê - Trịnh, cách tính tô thuế đối với các loại ruộng đất có nhiều thay đổi, riêng đối với phủ Phụng Thiên - trừ một lần vào năm 1724 - không thấy có quy định riêng về cách tính thuế ruộng đất ở Thăng Long.
Năm Cảnh Trị 2 (1664) định lệ thu tô ruộng quan: mỗi mẫu 10 thăng (mỗi hộc bằng 3 quan, bằng tiền). Các ruộng cấp tứ, thế nghiệp, đồn điền, Huy Văn điện: 1 mẫu thu 10 thăng, ruộng thông cáo, ruộng chiếm xạ: 1 mẫu thu 20 thăng. Thuế đất công (thuế điền): hạng nhất: 1 quan/mẫu; hạng nhì: 8 tiền/mẫu; hạng ba: 6 tiền/mẫu. Ruộng công thần, sứ thần, tự tế, khẩu phần của binh lính đều được miễn thuế. Ruộng nội điện, ruộng quan khố thì khai riêng, nộp riêng, mỗi mẫu/1 thúng bằng 18 thăng thóc.
Năm Bảo Thái 9 (1728) định lại phép tô ruộng, trước khi thu ruộng công thống nhất, ruộng tư thì đánh thuế theo hai bậc (lấy tiêu chí một vụ hay hai vụ). Nay xem lại thuế ruộng tư, ruộng công đánh theo ba bậc, tiêu chí: chất lượng đất tốt, xấu. Năm Cảnh Hưng 2 (1741) vì có việc dụng binh, bổ thêm thuế cho cả ruộng công lẫn ruộng tư... [133, 135 - 137]. Đây được hiểu là chính sách chung, áp dụng cho cả nước. Riêng đối với phủ Phụng Thiên, năm 1724, triều đình ban chỉ dụ thực thi việc ưu đãi cho nông dân, giảm nhẹ tô thuế khoảng một nửa so với các nơi khác, với lý do là “các phường, các trại trong kinh kỳ là nơi dân chúng ở gần kề ngay dưới kiệu, xe của vua chúa” [15, 75].
3.4.2 Quản lý sông, hồ, đầm và hệ thống đê điều
Đặc trưng nổi bật của cảnh quan môi trường tự nhiên Thăng Long là hệ thống sông hồ, đầm ao. Trong điều kiện khí hậu, mưa lũ diễn ra hàng năm, nguy cơ lũ lụt luôn tiềm ẩn mối đe doạ đối với các hoạt động của kinh thành Thăng Long. Trong Bản tường trình về hành trình tới Đàng Ngoài của Baldinotti - giáo sĩ dòng Tên - đến Đàng Ngoài năm 1626 đã mô tả: “có một con sông lớn (sông Nhị), thuyền bè đi được, chảy ra biển xa chừng 18 dặm... Mỗi năm hai lần, nước sông dâng lên vào tháng 6 và tháng 1, làm ngập nửa thành phố, nhưng không lụt lâu”. [132, 12]
Để ngăn ngừa, khắc phục và tránh hậu quả từ những đợt lũ này, theo ghi chép của sử biên niên, Thăng Long có đê ngăn lũ từ khá sớm. Thời Lý, biện pháp đắp đê ngăn lũ bảo vệ kinh thành đã được thực thi. Sự kiện đắp đê Cơ Xá là một dấu ấn trong công tác đê điều, trị thuỷ của nhà nước phong kiến.
Có thể bạn quan tâm!
- Các thiết chế quản lý đô thị Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII - 11
- Quản Lý Các Hoạt Động Ngoại Thương
- Các thiết chế quản lý đô thị Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII - 13
- Vai Trò Trung Tâm Chính Trị - Hành Chính Đất Nước Là Yếu Tố Chi Phối, Quy Định Tính Chất Đặc Thù Của Bộ Máy Cai Trị, Cơ Chế Quản Lý Đô Thị Thăng
- Các thiết chế quản lý đô thị Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII - 16
- Các thiết chế quản lý đô thị Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII - 17
Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.
Công việc đắp đê bắt đầu sớm như vậy nhưng đến các thế kỷ XVII - XVIII, do việc gia cố, bồi trúc chưa được quan tâm đầy đủ nên tình trạng xói lở bờ đê sông Nhị ở Thăng Long vẫn diễn ra. Phạm Đình Hổ sống ở Thăng Long cuối thế kỷ XVIII đã ghi lại: “Khi xưa phường Giang Khẩu tiếp giáp bờ sông Nhị, liền với các ngòi sông Nhị chảy vào sông Tô, hàng năm bờ sông bị nước xói lở, không thể giữ cho khỏi lở được. Đến thời Lê Trung Hưng mới đo đạc suốt dọc bến phường Hà Khẩu để cho Hoa kiều trú ngụ. Các hiệu khách còn làm đơn xin tải đá làm mỏ kè chắc ở phía thượng lưu. Từ bấy giờ mới bớt nạn xói lở...” [11, 18].
Không chỉ xảy ra xói lở, tình trạng vỡ đê cũng diễn ra khá trầm trọng, sử chép nhiều lần đê sông Nhị đoạn qua kinh thành lần vỡ đê, uy hiếp trực tiếp kinh thành Thăng Long, một số lần như năm Canh Ngọ (1630) “nước sông Nhị tràn ngập, cửa nam kinh thành, nước chảy như trút, nhiều người chết đuối” [29, 284], năm 1684 gặp bão, đê sông Nhị vỡ, lúa ở các huyện về phía tây bắc (thành Thăng Long) bị hại rất nhiều [14, 99]...
Mỗi lần vỡ đê, lũ lụt, cuộc sống của nhân dân kinh thành càng thêm đói khổ, thiếu thốn.
Cũng vì vấn đề đê điều xung yếu và nguy cơ lũ lụt thường xuyên đe doạ như vậy nên triều đình Lê - Trịnh, bằng nhiều biện pháp, từ việc ban hành các quy định đến việc tiến hành các hành động cụ thể nhằm sửa chữa, bồi đắp đê điều, phòng chống lũ lụt bảo vệ kinh thành.
Nhiều biện pháp khắc phục tình hình được triều đình hay phủ Chúa bàn thảo. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “sau trận vỡ đê tháng 7, năm Quí Tị (1773), các phủ liêu mới bàn rằng việc làm bề bộn và to lớn, tất phải trông vào của cải của nhân dân, nhưng cách lấy ra sao, tất phải có đường lối. Vậy nên đem quan chức mà quyên tiền ở người giàu thì người giàu không tiếc của, dùng tiền của mà mộ sức của người nghèo thì người nghèo không tiếc sức. Tiền của và sức lực hai đằng cùng dư dụ thì công tác có thể hoàn thành. Nhân đó chúa Trịnh Sâm ra lệnh đem số thu nhập được của người giàu mộ dân đắp đê”. [29, 708]
Cơ quan chuyên quản vấn đề đê điều thời Lê - Trịnh là sở Hà đê với nhiều chức quan trông coi, quản lý (thời Lý - Trần, nhà nước mới đặt một chức quan Hà đê sứ). Trách nhiệm của phủ Phụng Thiên đối với việc khám xét, kiểm tra, tu bổ các
đoạn đê quan địa phận kinh thành cũng được triều đình quy định cụ thể. Chỉ dụ năm Cảnh Trị 3 (1665) quy định: "Các đoạn đường đê ở phủ Phụng Thiên đã cho phép các quan chức ở nha môn Phủ doãn hàng năm đốc suất dân các xã phường ở các huyện đắp sửa, đến hạ tuần tháng hai phải hoàn thành". Cũng theo chỉ dụ này "Quan giám sát Ngự sử đạo Thanh Hoa, phải thân hành đến những đoạn đê nói trên đốc trách các Huyện quan ở các huyện và dân ở các làng chỉ dẫn cho khám xét đoạn đê nào, dân đinh ở phường xã huyện nào đã đắp sửa được hoàn thành, tính ra được
bao nhiêu trượng, bao nhiêu thước...”, “hoặc là có làm giả trá những đoạn hư không1 bao nhiêu trượng, bao nhiêu thước..” thì quan coi đê phải “điều trình sự thực rò ràng, để bẩm tờ khải lên mà luận tội, cho được tỏ phép nước”. [16, 481-483]
Không chỉ quy định việc người dân kinh thành trực tiếp tham gia sửa chữa, bồi đắp đê, triều đình còn định lệ nộp tiền để dùng cho việc sửa đắp đê điều. Tuy nhiên, quy định này của triều đình lại bị nhiều quan chức lợi dụng để “lạm bổ quá nặng số tiền tính theo nhân suất và sự sai người tới tấp đổ ra bốn mặt nào thúc giục, nào bắt bớ, nào ép buộc đóng góp, làm cho nhân dân không sao chịu nổi mọi sự nhũng nhiễu” [15, 55]. Vì vậy, triều đình đã ra sắc lệnh cấm quan sở Hà đê không được thu lạm tiền của nhân dân, gây phiền phí cho nhân dân và “nếu ai làm trái lệnh này sẽ bị tội biếm hay bãi chức”.
Trong việc tuần phòng đê, vừa để cảnh giác phát hiện các hiện tượng lở, vỡ đê, việc huy động lực lượng khắc phục hậu quả lũ lụt, cũng là để bảo đảm an ninh phòng vệ cho kinh thành, nhiều lần triều đình hoặc phủ chúa đã trực tiếp giải quyết. Việc “Tháng 6 năm Tân Mùi (1631), mưa lớn luôn nhiều ngày, nước sông Nhị lên to, chính chúa Trịnh Tráng đem bọn Thái uý Trịnh Kiều đi Thanh Trì để hộ đê” là một minh chứng. [55, 6]
Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra, có thể thấy triều đình Lê - Trịnh dù có thể hiện sự quan tâm đến việc tu bổ, giữ gìn đê ngăn lũ ở Thăng Long, nhưng những biện pháp của chính quyền cũng chỉ giảm được phần nào hậu quả của lũ lụt đối với kinh thành. Hiện tượng xói lở, vỡ đê vẫn xảy ra, gây thiên tai đói kém, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân Thăng Long - Kẻ Chợ.
3.5 Quản lý một số lĩnh vực khác
1 Đoạn đường đê “hư không” nghĩa là đoạn đường đê không đắp và sửa chữa mà mạo khai là có.
3.5.1. Một số chính sách quản lý hoạt động giáo dục, khoa cử
Giáo dục và khoa cử được bắt đầu từ triều Lý. Tuy nhiên, đến triều Lê Sơ, cùng với việc đề cao Nho học của triều đình, hệ thống giáo dục khoa cử ở các cấp học, cấp thi từ trung ương tới địa phương được xây dựng tương đối hoàn thiện, trở thành khuôn mẫu cho các triều đại sau.
Đầu thế kỷ XVI, dù tình hình chính trị tại Thăng Long diễn ra nhiều biến động, triều Lê Sơ vẫn cố gắng duy trì các kỳ thi Hội tại kinh thành. Cuối năm 1511, Lê Tương Dực sai Nguyễn Văn Lang: "Tu sửa điện Sùng Nho ở Quốc Tử Giám và hai giải vũ, sáu nhà Minh Luân, nhà bếp, nhà kho cùng làm mới hai nhà bia bên đông và bên tây, mỗi gian đặt một tấm bia bên tả, một tấm bên hữu. Dựng hai bia đề tên các Tiến sĩ khoa Ất Sửu năm Đoan Khánh thứ nhất và khoa Mậu Thìn năm Đoan Khánh thứ tư" [25, 63]. Cùng trong năm 1511, triều đình ban bố cuốn Trị bình bảo phạm (Khuôn phép quý báu về việc trị bình), trong đó, việc học tập của Giám sinh tại Quốc Tử Giám được quy định: "Giám sinh, nho sinh, sinh đồ cứ đến ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng đều phải mặc mũ áo đến điểm mục theo phép đã định. Phải tuân theo học quy, luyện tập văn bài, đợi khi thành tài để nhà nước sử dụng. Người nào dám chạy chọt cầu may, rong chơi ngoài đường, bỏ trễ việc học, thiếu 1 lần điểm mục thì phạt 140 tờ giấy trung chỉ, thiếu 2 lần thì phạt 200 tờ giấy trung chỉ, thiếu 3 lần thì đánh 40 roi, thiếu 4 lần thì kiểm xét tâu lên giao bộ Hình xét hỏi, thiếu điểm mục một năm thì tâu lên bắt sung quân" [25, 60].
Năm 1527, nhà Mạc thay thế nhà Lê Sơ trong bối cảnh chính trị - xã hội có nhiều diễn biến không thuận lợi. Đứng trước yêu cầu nhanh chóng xây dựng và hoàn bị bộ máy chính quyền, nhà Mạc đã thực thi nhiều biện pháp, chính sách nhằm khuyến khích, phát triển giáo dục và khoa cử. Cách thức tổ chức khoa cử nhà Mạc cơ bản dựa trên mẫu hình thời Lê Sơ. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã nhận xét: "...Năm Minh Đức thứ 3 (1529) lại mở khoa thi Hội. Thể lệ thi cử đều theo nhà Lê (Sau Đăng Doanh thì Phúc Nguyên, Phúc Hải, Mậu Hợp đều theo lệ cũ ấy mà thi" [6,165].
Để khích lệ việc học tập, Mạc Đăng Dung theo lệ nhà Lê Sơ, cho dựng bia Tiến sĩ đề danh tại Văn Miếu. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, chỉ có hai khoa
thi dưới thời Mạc được bia (1529, 1536). Năm 1536, Mạc Đăng Doanh giao cho Tả đô đốc Khiêm quận công Mạc Đình Khoa trông nom công việc trùng tu Quốc Tử Giám. Mùa xuân năm sau (1537) công việc hoàn tất, Mạc Đăng Doanh đến thăm nhà Thái học [25,120].
65 năm nắm quyền tại Thăng Long (1527 - 1592), triều Mạc tổ chức được 22 khoa thi Hội, lấy đỗ 485 Tiến sĩ, 13 Trạng nguyên đã chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục và khoa cử của nhà Mạc. Thái độ coi trọng giáo dục và khoa cử, ưu đãi Nho sĩ của triều Mạc đã góp phần đẩy mạnh khí thế học tập tại kinh thành và cả nước. Kỳ thi Hội, sĩ tử tập trung rất đông về kinh thành. Văn bia Tiến sĩ khoa thi năm Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức 3 (1529), có tới 4.000 sĩ tử về kinh ứng thí, là một trong những khoa thi Hội có nhiều sĩ tử tham dự.
Thời Lê Trung hưng, Thăng Long tiếp tục giữ vai trò là trung tâm giáo dục hàng đầu của cả nước. Nhà Thái Học (Quốc Tử Giám) nhiều lần được tu sửa, mở rộng. Năm Vĩnh Thọ 5 (1662): "Lúc ấy cung tường nhà Thái Học phần nhiều đổ nát, bèn hạ lệnh cho Lễ bộ Thượng thư Phạm Công Trứ trông coi, gia công sửa chữa, quy mô rộng rãi khang trang, lại ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng hội họp các học trò để tập văn bài". [29, 292-293]
Năm 1762, Trịnh Doanh tiếp tục cho tu sửa Quốc Tử Giám. Theo mô tả của Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, lúc này:"Văn miếu: ...Nhà giảng dạy ở phía đông và phía tây 2 dãy, mỗi dãy đều 14 gian. Phòng học của học sinh tam xá ở phía đông và phía tây đều 3 dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người" [10, 59]. Đến năm 1785, do: "Trong nước nhiều biến cố, nhà học (Quốc Tử Giám) bỏ đổ nát. Bùi Huy Bích muốn xây dựng nền văn học đề giữ vững lòng người, bèn xin cố sức sửa sang tu bổ. Huy Bích lại thường đến nhà Giám giảng bàn sách vở, luyện tập văn bài, khen thưởng khuyến khích người Nho học hiền tài, ức chế người cầu may thi đỗ" [29, 778-779].
Về học quan tại Quốc Tử Giám, theo quy chế từ thời Lê Sơ ngoài Tế tửu, Tư nghiệp còn có các chức Giáo thụ, Bác sỹ, Trợ giảng. Năm 1693, chúa Trịnh "bắt đầu đặt chức quan kiêm quản công việc ở Quốc Tử Giám, để cho chức vụ được long trọng" [29, 369].
Số lượng Giám sinh ba xá tại Quốc tử Giám triều Lê Trung hưng (và cả triều Mạc) có thể thay đổi tuỳ theo điều kiện cụ thể, song tiêu chuẩn vẫn theo lệ ban hành năm Hồng Đức 14 (1483), theo đó: thi Hội trúng ba kỳ sung Thượng xá sinh, trúng hai kỳ sung Trung xá sinh, trúng một kỳ sung Hạ xá sinh. Mỗi xá quy định hạn ngạch 100 người, cất nhắc bổ dụng cũng căn cứ theo ba hạng này. Mỗi tháng hai lần, dưới sự chủ trì của các quan văn đầu triều, tại Quốc Tử Giám có tổ chức bình văn, không chỉ Giám sinh tham dự mà còn thu hút đông đảo nho sĩ, sĩ tử đang trọ học tại kinh thành.
Ngoài Quốc Tử Giám, tại Thăng Long còn có Chiêu Văn quán và Tú Lâm cục. Theo quy chế từ thời Lê Sơ, đây là những trường giành cho con em quan lại có phẩm hàm tại kinh thành vào học tập: Chiêu Văn quán nhận con các quan hàm nhất, nhị phẩm, con trưởng của quan tam phẩm; Tú Lâm cục nhận con các quan từ tam phẩm đến bát phẩm.
Trường thi Hương phủ Phụng Thiên được đặt tại phường Quảng Bá, huyện Quảng Đức. Năm 1726, "kỳ thi Hương ở trường Phụng Thiên được lấy thêm số đỗ, theo đó, ngạch cũ hạng tam trường ngoại lấy 100, nay thêm lên là 150 người, ngạch cũ hạng tứ trường ngoại 10 người, nay thêm lên 20 người, từ đấy thành lệ" [6, 168].
Chế độ khoa cử thời Lê - Trịnh nhìn chung duy trì khá đều đặn, triều đình theo lệ 3 năm tổ chức một khoa thi Hội tại Thăng Long. Theo thống kê của Phan Huy Chú, từ năm 1595 đến 1787, có tất cả 63 khoa thi Hội tổ chức tại kinh thành.
Ngoài các kỳ thi Hội, trong những dịp đặc biệt, tại Thăng Long, triều đình còn tổ chức các khoa Hoành từ, Đông các, Minh kinh, Sĩ vọng. Trong số các khoa này, Sĩ vọng là khoa thi mới được đặt từ thời Lê Trung hưng, nhằm “đãi ngộ những sĩ tử có danh tiếng mà bị chìm đắm không được cất nhắc” [10, 128].
Bên cạnh các kỳ thi văn, năm 1723, triều đình còn đặt thêm khoa thi vò theo thể thức 3 năm một lần tại kinh thành, gọi là thi “Bác cử”. Trường thi Bác cử mở năm Bảo Thái 5 (1724) ở Đống Đa: "Các thí viện, khảo viện và nhà cửa ở nội trường, ngoại trường nhất luật xếp đặt đầy đủ, lại dựng lầu xem thi như thể chế điện Giảng vò" [10, 106].
Đối tượng, tiêu chuẩn đối với những người tham dự kỳ thi Hương thời Lê - Trịnh rộng hơn so các thời kỳ trước. Năm 1722, chúa Trịnh cho phép: “Các hạng binh lính, người nào có học thức, khi gặp khoa thi hương được nộp đơn xin thi đợi xét, nếu xét quả là người thông hiểu nghĩa lý văn chương, sẽ được phép cùng với học trò ứng thí. Nếu gặp khoa thi vò và kỳ thi viết chữ, tính toán, cũng được phép thi khảo ở ngay kinh đô” [29, 432]. Phép thi các triều đại đều cấm con nhà hát xướng dự thi. Tuy nhiên, “về sau có bà Như Kinh Trương Thái phi và Á Lữ Biện Tu dung đều là nhà con hát mới khởi gia lên, từ bấy giờ mới bỏ lệ cấm, cho cả con nhà hát xướng được ra thi” [11, 83].
Tuy nhiên, chế độ giáo dục và đặc biệt là khoa cử thời Lê - Trịnh ngày càng sa sút. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã nhận xét: “Trung hưng đổi vận, văn thể cũng đổi khác, dẫu chế độ khoa cử vẫn như trước, mà nhân tài không được thịnh như xưa, lề lối trường ốc vụng về quê mùa, cũng là bởi thế vận xui nên vậy. Đời Vĩnh Thịnh, Bảo Thái về sau, dần dần trở lại văn minh, phép thi càng trở thành nghiêm ngặt. Đến đời Cảnh Hưng, phép thi thêm kỹ càng, câu hay sách lạ moi móc tìm ra, bấy giờ lựa chọn nhân tài cố nhiên được nhiều, nhưng văn dở, chất nghèo, không được như đời Hồng Đức trước nữa”. [6, 149 - 150]
3.5.2. Quản lý phong tục, nếp sống
Trước hết, với vị trí kinh đô, Thăng Long là nơi đóng các cơ quan đầu não của triều đình, cung điện, nha môn, dinh thự của hoàng gia và chính quyền phong kiến đều tập trung ở đây, vấn đề quản lý nếp sống, lễ nghi càng được triều đình coi trọng, kiểm soát chặt chẽ. Cung vua, phủ Chúa đều được coi là những nơi tôn nghiêm: “Vào cung điện cấm không được hát dâm thanh hòa dâm nhạc, nếu trái bị tội xuy đánh 50 roi và đốt hết nhạc cụ; người giữ cửa không biết phải đánh 60 trượng, người dung túng biếm một tư” (điều 9, chương Vệ cấm) [27, 52], “trong cung điện mà đùa cợt ngạo mạn vô lễ thì bị xử tội biếm hay tội đồ” (điều 46 chương Vệ cấm) [27, 64]. “Đám ma đưa đi qua bốn cửa Hoàng thành, thì xử tội xuy đánh 50 roi, biếm một tư” (điều 49, chương Vi chế) [27, 77]. “Trước sau ngày hoàng đế lên ngôi một tháng, cấm các nhà ở trong kinh thành cử hành việc tang, người nào vi phạm thì phạt 50 roi, biếm một tư” (điều 40 chương Vệ cấm) [27, 62]...