Các thiết chế quản lý đô thị Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII - 13

tiền lãi của các nhà buôn chỉ còn rất ít, thị phần quá nhỏ bé của dân chúng tham gia vào giao dịch... Mặt khác, người ta có thể nhận xét rằng, từ 1674 đến 1774, là thời gian thái bình, hoà hoãn giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong; và như vậy, các vua chúa không còn lợi lộc gì để đi tìm sự giúp sức của người Âu như trong thế kỷ trước”. [41, 89]

Nhìn chung, chính sách quản lý ngoại thương thụ động và nửa vời của nhà nước Lê - Trịnh, là một nguyên nhân khiến cho nền kinh tế hàng hoá Thăng Long - Kẻ Chợ nói chung không tạo được một sự chuyển biến về chất mang tính đột phá.

3.2.4 Quản lý nông nghiệp

Với quan điểm trọng nông, triều Mạc và Lê - Trịnh đều coi nông nghiệp là ngành kinh tế cơ bản. Theo đó, triều đình chủ trương một chính sách trọng nông. duy trì, củng cố chế độ công hữu ruộng đất.

Tuy nhiên, ngay từ cuối thế kỷ XV, quá trình tư hữu hoá ruộng đất đã diễn ra mạnh mẽ, chính sách quân điền không còn hiệu lực. Quản lý nông nghiệp của triều Lê - Trịnh thay đã được điều chỉnh bằng các chích sách thuế khoá, đặc biệt là đối với bộ phận ruộng tư.

Đối với Thăng Long - Kẻ Chợ, nông nghiệp vốn không phải là ngành kinh tế chủ đạo. Hai thế kỷ XVII - XVIII, trong bối cảnh hưng khởi của nền kinh tế hàng hoá, sự phát triển các nghề thủ công, các hoạt động nông nghiệp càng trở nên "mờ nhạt" hơn. Song không vì thế mà chính quyền không có các biện pháp chăm lo, quản lý, thậm chí còn có những ưu đãi riêng.

Năm 1724, theo đề nghị của Tham tụng Nguyễn Công Hãng, Trịnh Cương ban hành lệ thuế mới, gọi là phép tô-dung-điệu, mức đánh thuế được tính theo nguyên tắc “lượng số chi để đặt ra số thu”. Đối với ruộng đất tại kinh thành, triều đình cho phép giảm mức thuế đóng góp: “Kinh kỳ là nơi kề ngay dưới xe vua, kiệu chúa. Vậy tô thuế, dao dịch ở đều nên nới nhẹ, khoan dung.., ở kinh kỳ, tô ruộng mỗi mẫu nộp 6 tiền (tứ trấn là 8 tiền) được miễn nộp thóc, tô ruộng tư và thuế dung, thuế điệu đều được giảm bớt nhẹ hơn bốn trấn theo bực khác nhau”. [8, 95]

Cùng với việc giảm thuế, triều đình còn khuyến khích các thôn làng ven kinh thành trồng chuyên canh (hoa, quả, dâu tằm...). Năm 1722, chúa Trịnh Cương

ra chơi phía Tây thành Thăng Long, xem xét việc gặt mùa. Bấy giờ được mùa, lúa tốt chúa Trịnh đích thân đi xem, ban cho họ rượu và thịt. Mọi người đều ca múa vui mừng. Nhân đó, chúa Trịnh làm thơ để kỷ niệm [15, 33].

Tư tưởng khuyến khích, coi trọng nông nghiệp của triều đình còn được thể hiện qua một số biện pháp quản lý cụ thể như bảo vệ sức kéo cho nông nghiệp. Việc giết mổ trâu, bò và ngựa nếu không được phép sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Quốc triều hình luật quy định: “Những người tự tiện giết trâu ngựa, thì xử phạt 80 trượng và phải nộp tiền giá con trâu ngựa ấy vào công khố. Nếu là ngoại quốc hay kẻ nô lệ mà phạm lỗi trên, thì người quản giám ngoại kiều và người chủ bị phạt 5 quan tiền. Thấy ai đem thịt ra chợ bán mà người coi chợ và xã quan sở tại không cấm, thì đều xử phạt 80 trượng” (Điều 28, chương Tạp luật). [27, 214]

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

Tại kinh thành, theo chỉ dụ năm Phúc Thái 3 (1645), số lượng trâu bò ngày thường, ngày lễ, đối tượng nào được phép giết mổ đều quy định rất rò ràng: "Các chợ và phường ở trong kinh kỳ và ở các xứ, giết vụng trâu bò, đều phải cấm ngặt. Chỉ còn các phường Đồng Xuân và Cầu Dền, mỗi ngày được giết trâu một con; hoặc là ở kinh kỳ, quan các doanh các cơ cho phép người nào mới được giết trâu. Nha môn Phủ doãn cùng với ty Xá nhân phải xem xét, và ở ngoài trấn hai ty Thừa và Hiến, cùng nha môn các phủ huyện, có thấy người nào giết trâu bán thịt, bắt được quả tang, thì dẫn đến phủ đường mà nộp, sẽ kết tội, để trừng trị việc trái phép" [16, 77].

Thế kỷ XVIII, chỉ có 8 chợ lớn ở kinh thành được phép giết trâu lấy thịt, tuy nhiên 8 chợ này đều phải nộp thuế với mức thu khá nặng (bao gồm tiền và da trâu). Các dịp lễ tết hàng năm, chính quyền Thăng Long giao cho dân các phường Hồng Mai (Bạch Mai) và An Xá (Lương Yên) được đặc quyền giết, thui trâu bò dùng vào việc thờ cúng.

Các thiết chế quản lý đô thị Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII - 13

Tại kinh thành, hàng năm, triều đình cho tiến hành nghi thức cày ruộng tịch điền. Thời Lê - Trịnh, theo Kiến văn tiểu lục: “Theo thể lệ cũ, sau khi hành lễ xong, viên quan Phủ doãn phụng mệnh cày tịch điền, ít lâu nay mới hạ lệnh cho viên quan trong bộ Hộ phụng hành” [10, 60].

Có thể thấy, nhờ các biện pháp khuyến khích trên đây, từ các thôn làng ven đô và một số thôn, trại nông nghiệp trong kinh thành, một một lượng nông sản đáng kể không chỉ đáp ứng cho nhu cầu nhu cầu tại chỗ của dân cư mà còn trở thành các sản phẩm hàng hoá trao đổi thông qua mạng lưới chợ và trong các phố phường tại kinh thành.

Tuy nhiên, tình trạng sút kém trong nông nghiệp ở Thăng Long nói riêng, Đàng Ngoài nói chung vẫn diễn ra và ngày càng trầm trọng. Có nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng này (vấn đề trị thuỷ và quản lý đê điều, các cuộc nội chiến, khởi nghĩa nông dân, nông dân lưu tán do nạn chấp chiếm và kiêm tính ruộng đất...).

3.3 Quản lý an ninh trật tự đô thị

Là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế của cả nước, vấn đề quản lý trật tự an ninh tại Thăng Long rất được triều đình coi trọng.

Trên lĩnh vực lập pháp, Quốc triều hình luật dành nhiều điều luật quy định riêng về lĩnh vực quản lý trật tự an ninh kinh thành: từ canh gác, tuần phòng trộm cướp (điều 18 chương Vệ cấm; điều 46 chương Hộ hôn; điều 48 chương Đạo tặc), cấm phóng ngựa bừa bãi trong phố phường, đường ngò tại kinh thành (điều1, chương Tạp luật), không gây mất trật tự ồn ào vào ban đêm (điều 20, chương Cấm vệ), không được cho người lạ ngủ lại qua đêm (điều 10, chương Hộ hôn), khi có việc cần kíp đi đêm phải có đèn đuốc (điều 19, chương Cấm vệ)... Theo đó, "những lính tuần đi tuần trong đô thành, không đến đúng giờ nơi mình tuần phòng và không đủ đuốc gậy về việc phòng bị cùng là dụng cụ đi tuần, và ngăn cấm hay cho người ra vào không đúng phép (buổi tối hễ dứt tiếng trống thu canh cấm người đi lại, buổi sớm nổi tiếng trống tan canh, mới cho người đi lại) thì quan chủ ty thường trực bị phạt tiền 5 quan, người lính thường trực bị đánh 80 trượng" [27,54], "Những phường quan binh trong kinh thành xem xét những lính tráng đi tuần mà không đúng phép (đúng phép là mỗi đêm phải cắt phiên thay nhau đi tuần) thì xử phạt 60 trượng" [27, 132]...

Thời Lê Trung hưng, tình hình chính trị có nhiều biến động, kinh tế phát triển, Thăng Long tập trung đông đảo các thành phần dân cư, vấn đề an ninh tại kinh thành vì vậy cũng diễn ra khá phức tạp. Bên cạnh các quy định luật pháp, triều Lê - Trịnh còn tăng cường, bổ sung và điều chỉnh bằng nhiều biện pháp hành

chính khác nhau. Theo đề nghị của Nguyễn Công Hãng, bên cạnh cơ cấu tổ chức hành chính, Trịnh Cương cho: "chia hai huyện ra làm 8 khu, mỗi khu đặt một người trưởng khu và phó khu, lại chia ra 5 nhà làm 1 ti; 2 ti là một lư; mỗi lư cũng có một lư trưởng; 4 lư là 1 đoàn, mỗi đoàn đặt 1 quản giám, 2 quản điểm, dưới quyền người khu trưởng và trực thuộc Đề lĩnh”. Chủ đích của Trịnh Cương là “là phỏng cái ý cổ nhân bảo trợ phù trì lẫn nhau”, người dân kinh thành cùng đoàn kết giúp đỡ trong việc “phòng hoả, phòng trộm” [11, 14].

Năm 1748, do yêu cầu phòng thủ quân sự, Trịnh Doanh lại chia kinh thành làm 36 khu, 9 điện, mỗi điện có 4 khu do Điện chánh phụ trách, tăng cường sự tuần phòng, khám xét [8, 214].

Triều đình cũng nhiều lần ban chỉ dụ đốc thúc, nhắc nhở chính quyền Thăng Long chăm lo các công việc an ninh kinh thành. Năm 1779, Trịnh Sâm lệnh cho: "Phủ doãn đi tuần hành xét hỏi các nha môn và những người quyền thế về việc ức hiếp nhũng nhiễu nhân dân... hoặc có người trái phép làm càn, bèn hạ lệnh cho viên Phủ doãn phủ Phụng Thiên đi tuần hành trong kinh kỳ... để tra xét xem có việc giả lệnh, sai phái, giả mạo ấn tín và các tình hình về việc sai bắt nhũng nhiễu, lăng loàn ức hiếp hay không. Nếu có thì không đợi người tố cáo, lập tức bắt để trị tội. Nếu viên quan nào vì sợ hãi, vì tránh tiếng mà yểm lưu đi, khi việc phát giác, sẽ đều tuỳ theo tội nặng hay nhẹ mà giáng chức hoặc bãi chức". [29, 747]

Trong kinh thành, nhiều điếm canh được thiết lập nhằm kiểm soát, đề phòng các hiện tượng mất an ninh trật tự. Một số phố chính trong kinh thành, để tăng cường an ninh, cổng phố được xây dựng (bằng gạch hoặc làm bằng gỗ, tre). Cổng phố có thể đóng mở, có chòi canh gác. W.Dampier cho biết: “Tất cả các con phố được canh gác cẩn mật, giữ trật tự và dẹp mọi sự lộn xộn. Lính gác được trang bị gậy đứng canh ở các điếm gác đặt trên phố để kiểm soát tất cả mọi người đi qua. Có một sợi dây thừng chăng ngang qua phố, cao ngang tầm ngực khiến không ai có thể qua nơi này mà chưa được kiểm tra, nếu không kẻ quấy nhiễu sẽ bị đánh nhừ tử”. [49, 96]

Đối với những tệ đánh bạc, uống rượu, trộm cắp... ảnh hưởng đến an ninh trật tự, phong hoá tại kinh thành, các biện pháp răn đe, trừng phạt của triều đình đều thể hiện thái độ kiên quyết, nghiêm khắc. Năm Khánh Đức 1(1649) ban lệnh:

“Ở trong nội kỳ (kinh đô) các quan viên quyền quý và các hạng người ở phố phường không được họp nhau đánh cờ, đánh bạc, đánh bài, mê man về cuộc ăn thua, để đến nỗi hết của tan nhà, cả đến đàn bà cũng có người chơi bời như thế, khiến cho những người ở các phủ huyện ngoài, nhiều kẻ bắt chước thói càn bậy ấy, sinh ra có nhiều kẻ khánh kiệt tài sản, cầm bán vợ con, làm bại hoại phong tục, không gì tệ hơn điều đó1 nay phải cấm nghiêm để bỏ thói xấu ấy đi. Nếu là quan viên bậc quyền quý, ai còn quen giữ mãi tật xấu xa kia, sẽ phải phạt cổ tiền 200 quan, người ở phường phố mà phạm lỗi này, sẽ phải phạt cổ tiền 100 quan, lại bị đánh 100 trượng, cùng là truy thu số tiền tang vật bắt được ở trong đám cờ bạc, nộp vào kho, để làm gương răn kẻ khác”. [16, 175]

Hình thức xử phạt còn được quy định đối với các đối tượng chứa chấp cờ bạc: “Phàm những kẻ đánh bạc và chứa gá, bất luận là quan, quân hay dân đều phải phạt tiền hơn kém khác nhau... Hễ viên nào hoặc kẻ nào đã dự cuộc đánh bạc, biết ra tự thú trước thì được miễn phạt. Phường trưởng có biết mà không tố cáo cũng bị luận phạt. Viên quan đi khám xét mà cho hoà giải, sẽ bị khép vào tội xuê xoa...” [14, 231]. Quan lại gá bạc, tùy theo chức cao thấp bị phạt từ 500 quan đến 150 quan, đánh bạc thì phạt từ 300 quan đến 100 quan. Chức vụ càng cao thì mức tiền phạt càng nặng. Quân lính và dân thường gá bạc bị phạt 100 quan, đánh bạc phạt 60 quan, “người đi tố cáo sẽ được thưởng một phần ba theo tang tiền đánh bạc. Tiền bạc, tang vật về cuộc đen đỏ được thua và văn tự mua bán trong đám bạc, đều bị tịch thu sung công”. [15, 131]

Tệ uống rượu: “Có khi vì sự giao du qua lại, tụ họp nhau mà vui thú say sưa; có khi mượn chuyện hương ẩm chè chén kéo dài; thậm chí dắt nhau ra chợ, không uống say không chịu về". Dẫn đến "chuyện thị phi, sinh sự cãi nhau, đánh lộn, mua thù chác oán, đem nhau đi kiện", tệ hại ấy "quan hệ đến sự giữ gìn phong hoá của dân, phải nên ngăn cấm và cách bỏ đi". Do đó, triều đình quy định: "Các cửa hàng thì không được phép bán rượu cho khách họp nhau ăn uống", "cho phép quan Đề lĩnh dò la kiểm soát nghiêm nhặt. Làm vậy để cho lệnh được chấp hành nghiêm túc”. [14, 306]

Tuần phòng, bắt trộm cướp là công việc quan hệ mật thiết tới vấn đề giữ gìn trật tự an ninh. Tại kinh thành, trách nhiệm này được triều đình quy cụ thể đến tận

người đứng đầu mỗi phường. Quốc triều hình luật quy định: “Ở các phố phường hay ngò trong kinh thành xảy ra việc cướp mà quan bản phường, quan đương trực không đem người đến cứu và bắt quan phường thì đem người trong phường, (quan đương trực thì đem quân lính) thì bị xử tội đồ; người trong phường hay quân lính không đến cứu, thì xử tội trượng hay biếm. Nếu sức không địch nổi với quân cướp, mà quan phường quan đương trực ở hạt bên cạnh không cùng hợp sức thì cũng bị xử tội như thế. Nếu là trộm thì được giảm tội hai bậc. Nếu có người bị giết mà không đến cứu, và bắt hung thủ thì xử theo tội không phó cứu lúc có cướp” (Điều 48, chương Đạo tặc) [27, 174].

Không chỉ kẻ thực hiện hành vi trộm, cướp, tòng phạm cũng bị xử rất nặng. Ăn cắp ban ngày thì xử tội đồ, nặng hơn thì đày viễn châu. Tội ăn cướp (ban đêm cầm khí giới đánh người lấy của) thủ phạm bị xử chém, tòng phạm xử giảo, tang vật và điền sản đều tịch thu. Tội cướp của lại giết người xử chém bêu đầu, tòng phạm xử chém, bắt trả tiền đền mạng và tiền bồi tang một phần cho sự chủ. Đối với hành vi chứa chấp kẻ trộm cắp: “Kẻ chứa chấp bọn cướp lâu ngày thì xử đồng tội, mới khoảng một tuần thì xử giảm một bậc, đều phải bồi thường 1 phần 3 tang vật nộp vào nhà nước” [6, 348]. Ngược lại, người tố giác, có công bắt trộm được thưởng: “Bắt được kẻ cướp và kẻ trộm thì thưởng tước 1 tư, thưởng tiền 1 phần 10 theo sự ước lượng tang vật, truy lấy ở phần bồi tang. Nếu có chiếu chỉ [định thưởng thế nào] thì theo chiếu chỉ”. [6, 313]

Trong kinh thành, nhất là khu vực buôn bán phía đông, dân cư tập trung đông, nhà cửa thường chật hẹp, tuyệt đại đa số lại làm bằng tre, gỗ, rất dễ xảy ra hoả hoạn. Sử chép nhiều lần kinh thành xảy ra cháy, lửa lan nhanh "thiêu huỷ đến 5, 6 nghìn nóc nhà”, có lần lan tới tận Hoàng thành. Chính vì vậy, việc đề phòng hoả hoạn và chữa cháy tại kinh thành được triều đình đặc biệt quan tâm.

Công việc phòng và chữa cháy được coi là nghĩa vụ chung của người dân kinh thành, giao cho quan Đề lĩnh trực tiếp đốc suất: “...Phàm những việc phòng hoả... họ phải thay phiên nhau sắm đủ dây đòn, câu liêm, thang tre, bó đuốc, thùng gánh nước để theo quan Đề lĩnh đi túc trực nơi điếm canh, phòng khi sai khiến” [11, 14]. Nhiều ngôi nhà ở Thăng Long xây vòm kín bằng gạch, đề phòng khi hoả hoạn, sẽ cho đồ quý giá vào đó. Trên đỉnh nóc nhà, lại thường để vại nước, các dụng cụ phòng hoả như câu liêm, gầu chữa cháy. Triều đình quy định dân chúng

trong kinh thành không được thắp lửa qua đêm, ngay cả ban ngày cũng chỉ thắp những giờ nhất định, lính tuần sẽ đi kiểm tra và phạt tiền nhà nào vi phạm. “Nhà các quan viên, các trại lính và các phố xá trong kinh kỳ, phàm các bếp nứt, cho phép đắp tường, trát vách ở ba bề và trên sàn, làm xung quanh bếp cho dày và chắc, đêm đến cho dùng một ngọn đèn, có cây, có giá, bỏ hết móc đèn và quang đèn. Ngày Tết, cho đốt pháo, nhưng phải đốt ở chỗ sân rộng và ngoài đường cái. Còn các ngày khác đều cấm pháo. Thầy cúng và đồng cốt nếu có cúng cấp ở đền thờ, thì chỉ được kê một cái bàn để thắp hương, chứ không được đóng bàn thờ cao, bày la liệt những giấy vàng mũ mã. Viên Đề lĩnh và quan hiệu quan sát thời thường phái đi khám xét, nghiêm sức (mọi người) phải làm đúng như pháp lệnh” [15; 187, 471].

Nếu để xảy ra đám cháy mà nguyên nhân do bất cẩn, cố ý đều phải chịu mức hình phạt khá nặng, các chiếu lệnh năm Khánh Đức 4 (1652), Chính Hoà 8 (1687) đều quy định: “Ở trong kinh thành mà thất hoả, làm cháy nhà mình thì xử 80 trượng; làm cháy lan nhà khác thì xử 80 trượng, nêu ra công chúng 3 ngày, phạt tiền 10 quan nộp vào nhà nước... Ở trong Cấm thành mà làm cháy lan đến tôn miếu, cung điện và kho tàng thì xử lưu. Cố ý đốt cháy nhà người ta thì xử theo tội cướp. Đàn bà vì ghen mà đốt nhà thì xử theo tội trộm. Người bắt được [kẻ đốt nhà] được thưởng như bắt được cướp”. [14, 374]

Hành vi lợi dụng “hùa nhau tranh cướp của cải và hàng hoá” trong lúc chữa cháy cũng bị phạt rất nặng. Năm Khánh Đức 4 (1652) ban lệnh: "Cấm những quân gian phi không được lẩn vào nhà người ta cướp lấy của cải và đồ vật. Hoặc có người mang của cải chạy tránh lửa, mà quả thật là người ở nhà đang bị cháy, phải để cho đi. Nếu là quân gian lạ mặt, thì phải bắt tên ấy cùng tang vật đem giải nộp, sẽ khép hắn vào tội ăn cướp, còn tang vật thì giao lại cho khổ chủ. Kẻ nào lấy trộm của ấy làm của mình, cho phép người mất của được tố cáo, xét ra sự thực, cũng khép tên lấy trộm kia vào tội ăn cướp”. [16, 399]

Có thể thấy, với vị trí đặc biệt, tình trạng an ninh trật tự cũng như việc đảm bảo, giữ gìn an ninh trật tự tại kinh thành không chỉ chi phối, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân Thăng Long mà còn ảnh hưởng đến hoạt

động của triều đình nói chung. Vì vậy, vấn đề đảm bảo an ninh trật tự tại kinh thành được triều đình rất coi trọng.‌

Từ chủ trương, chính sách cho đến các biện pháp quản lý cụ thể đều cho thấy tính tích trong việc quản lý an ninh trật tự tại Thăng Long.

Tuy nhiên, thực tế hiệu quả quản lý an ninh trật tự tại kinh thành vẫn tồn tại nhiều bất cập. Quy định của triều đình cụ thể, các biện pháp trừng phạt nặng nhưng việc thực thi không phải lúc nào cũng thể hiện nghiêm minh. Hành vi vi phạm pháp luật diễn ra ngay trong tầng lớp quý tộc, quan lại.

3.4 Quản lý tài nguyên, môi trường

3.4.1 Quản lý đất đai

Một trong các phương thức quản lý đất đai thời phong kiến là lập sổ điền/địa bạ. Địa bạ là loại văn bản chính thức về địa giới cùng diện tích và các loại hình sở hữu ruộng đất của làng xã, được lập trên sự khám đạc và xác nhận của chính quyền, dùng làm cơ sở cho việc quản lý ruộng đất và thu tô thuế của nhà nước. [23, 7]

Sử biên niên cho biết năm 1092, lần đầu tiên trong lịch sử, triều Lý tiến hành lập địa bạ (lúc đó gọi là điền tịch), các triều Lê, Nguyễn tiếp tục có những qui định chặt chẽ về thể lệ lập địa bạ. Điều 6 chương Điền sản trong Quốc triều hình luật quy định sau khi chia ruộng phải "làm sổ tâu trình, cứ 4 năm lại làm sổ ruộng lại 1 lần". [27, 137]

Hiện nay, trong các kho lưu trữ, hai huyện Vĩnh Thuận/Quảng Đức, Thọ Xương/Vĩnh Xương chỉ còn các đơn vị địa bạ lập vào thời Nguyễn, niên đại sớm nhất là năm Gia Long 3 (1805), chưa tìm thấy một địa bạ nào của Thăng Long thời Mạc, Lê - Trịnh. Trong nhiều địa bạ thời Nguyễn này, đặc biệt là địa bạ các thôn thuộc huyện Thọ Xương, nhiều thửa đất, thửa ruộng, ao, hồ được chú thích xưa là đất/ruộng/ao... công/tư của ai, tước vị gì, vốn là đất đền miếu, đàn tế, đất quân doanh triều Lê...

Có thể thấy, với vị trí kinh đô, nơi có cung điện, dinh thự, nha môn của triều đình, việc quản lý đất đai kinh thành có vị trí quan trọng đối với triều đình, chính

Xem tất cả 225 trang.

Ngày đăng: 14/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí