Các thiết chế quản lý đô thị Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII - 11

Ở những công trường xây dựng, kiến thiết của triều đình, người thợ xây, thợ mộc, thợ sơn, thợ tiện, khắc... trực tiếp chịu sự quản lý, đốc suất của Công tượng chủ ty, các chức vụ khác có áp tác, giám đương, chủ thủ.

Đối với cục bách tác chuyên làm các đồ dùng vật phẩm cho triều đình, xưởng đúc tiền, xưởng chế tạo vũ khí, xưởng đóng thuyền, các xưởng sơn hoạ trang trí.., do yêu cầu kỹ thuật chuyên môn đòi hỏi, việc tuyên lựa công tượng có chọn lọc hơn. Nhà nước thi hành chế độ trưng tập thợ khéo, chú ý đến hai tiêu chuẩn tay nghề và sức khoẻ. Gia phả họ Đào ở làng Thọ Vực, huyện Văn Giang trấn Kinh Bắc còn chép chuyện về người thợ sơn Đào Thúc Kiên, trú quán tại phường Nam Ngư do một sự tình cờ khi vẽ tranh đã phải trưng tuyển vào phủ Chúa Trịnh để trang trí nội điện.

Kỷ luật lao động đối với những người thợ trong các công trường và công xưởng rất chặt chẽ và nghiêm khắc. Để phân công công việc, họ được tổ chức thành ngạch ngũ, chia ban để luân lưu, ban này phục dịch thì ban kia được phép về trong một thời gian nhất định. Nếu chưa hết hạn phục dịch mà người thợ bỏ trốn sẽ bị tội nặng. Điều 11 chương "Bộ vong" trong Quốc triều hình luật quy định: “Đinh phu thợ thuyền đương phục dịch mà bỏ trốn, một ngày phạt 30 roi, 10 ngày tăng thêm một bậc, nhiều ngày nữa thì tội cũng chỉ đến đồ làm khao đinh”. [27, 234]

Bản thân những sản phẩm mà các công tượng chế tác trong các quan xưởng cũng bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ, theo quy định chép trong Lê triều chiếu lệnh thiện chính: “Các thợ phải hiểu biết các thứ vẽ màu sắc rồng, kỳ lân và phượng, là những đồ vua dùng, không được chế tạo dấu mà bán, cùng là bán trộm cho nước ngoài được thông dụng". [16, 269]

Ngoài hệ thống quan xưởng với chính sách công tượng, triều đình còn thi hành chính sách thuế thổ sản - chuyên lợi để gián tiếp quản lý và kiểm soát thợ thủ công dân gian trong những phường thôn ở Kẻ Chợ và các làng xã phụ cận.

Thợ thủ công dân gian là những người tương đối tự do về sản xuất và buôn bán các sản phẩm hơn những công tượng. Ngoài nghĩa vụ đóng thuế, làm hàng gia công và trưng dụng cho nhà nước khi cần thiết, họ được tự do sản xuất và buôn bán các sản phẩm của họ.

Nếu làm việc trong các tượng cục, thợ thủ công phải nộp thuế thổ sản (hay chuyên lợi) cho nhà nước bằng sản phẩm họ sản xuất (như vải lụa, gạch ngói, đồng sắt...), có khi được nộp thay (chiết nạp) bằng tiền. Loại thuế thổ sản này thường nặng hơn nhiều so với thuế đánh vào các hộ nông nghiệp. Đổi lại các hộ thủ công được miễn trừ thuế thân, các nghĩa vụ binh dịch và lao dịch. Ngoài ra, khi triều đình yêu cầu, họ cũng phải tham gia làm hàng gia công và một số công việc trưng dụng cho nhà nước. Tại Thăng Long, thợ thủ công của các làng giấy Yên Thái và Hồ Khẩu, làng gốm Bát Tràng và xa hơn, các làng dệt La Khê, La Cả là những hộ biệt nạp thuộc loại này.

Trong xã hội nông nghiệp, nông dân là thành phần chiếm số lượng đông đảo trong xã hội. Tuy nhiên, ở Thăng Long - Kẻ Chợ, nông dân chỉ chiếm một tỷ lệ ít ỏi trong cơ cấu cư dân đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ. Hoạt động quản lý hành chính của bộ máy chính quyền đối với bộ phận này chủ yếu thông qua các quy định về tô thuế, trong đó có thuế thân và thuế ruộng mà người nông dân có nghĩa vụ nộp cho nhà nước.

3.1.4 Các đối tượng dân cư khác

Ngoài các bộ phận cư dân chính là quan liêu nho sĩ, binh lính và thợ thủ công - thương nhân, nông dân, Thăng Long - Kẻ Chợ ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII còn có một số các tầng lớp khác.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

Trước hết, đó là những người nước ngoài - một thành phần cư dân đặc biệt, là yếu tố ngoại lai trong kết cấu dân cư Thăng Long

Đông đảo nhất là Hoa kiều, họ đã có một quá trình cư trú lâu dài, chủ yếu theo nghề buôn bán và giữ một vai trò đáng kể trong đời sống kinh tế, đô thị. Ngoài ra, còn phải kể đến những người ngoại kiều đến từ các tàu buôn của Ma Cao, Nhật Bản... Người phương Tây xuất hiện muộn và số lượng cũng ít hơn. Họ là thương nhân, giáo sĩ truyền giáo, phần nhiều trong số họ chỉ lưu cư ở Kẻ Chợ một thời gian ngắn. Hoạt động kinh doanh buôn bán, truyền giáo của thương nhân, giáo sĩ phương Tây đã tác động không nhỏ đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của Thăng Long dưới thời Lê - Trịnh. Để đảm bảo an ninh trật tự, duy trì

Các thiết chế quản lý đô thị Thăng Long thế kỷ XVI - XVIII - 11

phong tục, lễ giáo phong kiến, chính quyền Lê - Trịnh đã ban hành nhiều quy định quản lý và kiểm soát người nước ngoài.

Các sở tuần ty ngoài việc coi sóc bến cảng, bến đò, thu thuế còn có nhiệm vụ “coi xét những người tiếng nói khác, ăn mặc khác” [16, 113]. Ở kinh thành, ngoài Phủ doãn, Đề lĩnh, đặt thêm các chức quan quản lý và hướng dẫn người nước ngoài như quan Cai điệu1, Thể sát, Giám thủ và Thông sự làm nhiệm vụ thông ngôn giảng giải khi ngoại kiều giao tiếp với vua chúa, quan lại và nhân dân.

Việc cư trú của người phương Tây tại kinh thành được triều đình đặc biệt chú ý, ngoại kiều “không được ở lẫn chốn kinh kỳ” mà phải cư trú thành những địa phận riêng, và không phải ai cũng được tự do cư trú hay đi lại trong kinh. Nếu có yêu cầu, ngoại kiều phải có tờ “khải” lên phủ chúa, phủ chúa đồng ý mới được cư trú hoặc lưu trú chính thức.

Trong trường hợp đặc biệt, các dịp khánh tiết, những người chưa được quyền cư trú chính thức muốn được vào và đi lại trong kinh đô thì phải có giấy chiếu hội với kỳ hạn nhất định, ngoài ra phải có quan Cai điệu hướng dẫn. “Nếu không đủ thủ tục, người ngoại kiều không được đi lại... và trừng trị bọn ngoại kiều mà đuổi đi, để cho nghiêm cấm lệnh”. [16, 341]

Với lý do hạn chế việc buôn bán trực tiếp của thương nhân nước ngoài với dân chúng, đồng thời cũng để ngăn cản việc truyền bá đạo Gia tô của các giáo sĩ phương Tây, chính quyền Lê - Trịnh đã nhiều lần ban lệnh dụ cấm với các điều khoản rất cụ thể. Năm Khánh Đức 2 (1650) quy định: “Khi có những tàu người các nước Hoa - lang, Ô - lan và Nhật Bản, đến cửa biển nước ta thì trong kinh phải sai viên Thể sát trước đi dò thám rò tình hình, rồi cho bọn họ được ở những địa phận các làng Thanh Trì và Khuyến Lương...” [16, 177]. Đối với sứ giả cùng khách thương đi đường bộ từ phía Bắc xuống thì phải dừng ở trạm An Thường để làm thủ tục xét hỏi. “Những người ngoại quốc, do cửa quan vào kinh đã có các quan Trấn thủ, cho họ được ngụ ở doanh Cao Giao...” [16, 341].

Đến cuối thế kỷ XVII, các hoạt động ngoại thương ở Kẻ Chợ trở nên tấp nập, người ngước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều. Vì thế, để đảm bảo an ninh trật tự,



1 Cai điệu: quan tiếp sứ.

phong hoá nề nếp, trong các năm 1687, 1696, phủ chúa Trịnh tiếp tục ban hành hàng loạt các quy định cấm người nước ngoài khi đến kinh thành: không được phép hội họp, không được phép đi lại tự do trong các đò ngang, đò dọc...

Đối với mỗi đối tượng ngoại kiều đến từ các quốc gia khác nhau, triều đình còn đặt ra từng điều lệ quy định riêng, trong đó thương nhân Hoa kiều là đối tượng chịu sự quản lý khá chặt. Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân kinh tế, chính trị và xã hội khác nhau. Hoa kiều là thành phần có mặt sớm, năng động, hoạt động buôn bán phát triển, vì thế đời sống kinh tế Thăng Long - Kẻ Chợ ngày càng bị thương nhân Hoa kiều chi phối mạnh mẽ. Về nguyên nhân chính trị, đó là sự đề phòng việc chính quyền phương Bắc trà trộn đưa người sang dò xét tình hình. Ngoài ra, sinh sống tại Thăng Long, thương nhân Hoa Kiều đã mang theo lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, làm nảy sinh hiện tượng dân Việt “càn bậy” bắt chước tiếng nói và phong tục của người Trung Hoa.

Các biện pháp thắt chặt quản lý đối với Hoa kiều được ban hành như: lệnh phân biệt đối xử với những người nhà Thanh đến trú ngụ (lệnh dụ năm Cảnh Trị 1 (1663), lệnh nghiêm sức cho người phương Bắc sang trú ngụ phải tuân theo phong tục nước ta (ban hành năm Chính Hoà thứ 17 (1696). Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Từ khi người Thanh vào làm vua Trung Quốc, gióc tóc, mặc áo vắn, giữ y nguyên tập tục cũ Mãn Châu, lễ giáo phong tục về áo mũ đời Tống, đời Minh bị bỏ hết. Lái buôn phương Bắc đi lại nước ta lâu ngày, trong nước cũng có người bắt chước. Triều đình bèn nghiêm sức: “Các người phương Bắc, người nào đã biên tên vào sổ sách nước ta, thì từ ngôn ngữ đến đồ mặc nhất luật phải theo phong tục nước ta. Các lái buôn phương bắc đến trú ngụ nước ta, nếu không có người quen hướng dẫn, không được tự tiện vào kinh thành...” [29, 373].

Các chính sách quản lý chặt chẽ tương tự cũng được áp dụng đối với các giáo sĩ truyền đạo phương Tây. Biện pháp mạnh nhất trong chính sách cấm đạo, quản lý giáo sỹ của chính quyền Lê - Trịnh là truy bắt, trục xuất khỏi kinh thành. Năm 1669, triều đình ra lệnh: “Tra bắt người truyền đạo Hoa lang trong hai xứ (Đàng Trong, Đàng Ngoài), đuổi hết đi”. [89, 17]

Tuy vậy, triều đình Lê - Trịnh cũng như chính quyền Thăng Long đã không thực sự thành công trong việc kiểm soát và quản lý các giáo sĩ. Bằng nhiều con

đường khác nhau mà phổ biến nhất là dưới vỏ bọc thương nhân, các giáo sĩ tiếp tục xâm nhập và tiến hành các hoạt động truyền giáo tại kinh thành.

Ngoài thương nhân, thợ thủ công và những người có nghề nghiệp ổn định khác, Thăng Long - Kẻ Chợ còn có những người làm nghề tự do. Có những người làm nghề mua vui trong các dịp hội hè, lễ tết. Có người đi mãi vò, người tổ chức cây đu, múa hát (họ sống tập trung ở một thôn, sau này gọi là thôn Giáo phường (quãng giữa phố Huế ngày nay) trong các phường của kinh thành...

Thế kỷ XVII - XVIII, các tôn giáo Phật, Đạo được phục hưng trong đời sống văn hoá cung đình cũng như dân gian. Nhiều chùa quán chốn kinh thành lúc này đua nhau được xây cất hoặc tu bổ. Tầng lớp tăng ni, đạo sĩ ở Thăng Long - Kẻ Chợ cũng vì thế mà phát triển khá nhanh số lượng. Có lẽ vì thế mà năm 1720, chính quyền Lê - Trịnh đã có sắc lệnh thải bớt sư sãi về làm dân, chỉ những người xuất gia từ bé mới được ở lại làm tăng ni và “mỗi chùa chỉ có một hoặc hai người sư ở lại trụ trì, còn lại đều phải thải về hết”. [14, 323]

Đới với bộ phận tăng lữ còn lại, triều đình vẫn duy trì những ưu đãi như miễn phu phen tạp dịch vẫn được duy trì, được hưởng một số quyền lợi về vật chất: “...phàm những người xuất gia, ăn chay thường xuyên thì đều được miễn hẳn các diêu dịch... Ruộng tam bảo của bản tự và tiền của [của thập phương] cúng giàng thì cho tăng thống được hưởng một phần năm...”. [15, 118 - 119]

Đối với đạo Thiên chúa (đạo Gia tô, đạo Hoa lang), ngay khi mới xuất hiện, các chúa Trịnh nói chung đã không có thiện cảm, ban lệnh răn đe, cấm dân không được theo đạo. Nhưng thực tế, số người ở Thăng Long - Kẻ Chợ theo đạo ngày càng đông. Đối với những người còn cố tâm theo đạo, biện pháp trừng phạt của triều đình ban hành năm Khánh Đức 2 (1650) quy định: “Nếu đàn ông, đàn bà người nước ta, còn đeo thẻ dấu hiệu giáo dân ở trong người, đều phải tịch thu mà huỷ bỏ và phạt mỗi người năm chục roi” [16, 177]. Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết một hình phạt hà khắc, người dân theo Đạo bị cắt tóc trên đỉnh đầu, thích vào mặt bốn chữ “học đạo Hoa lang”. [15, 400]

Đối với các tầng lớp hạ đẳng đô thị ở Thăng Long - Kẻ Chợ, từ kẻ trộm cắp ở "nơi chợ búa hay thừa cơ cướp giật, có khi thò tay vào túi người ta móc lấy hết cả" [11, 70], những kẻ tìm cách lừa đảo để lấy tiền bạc, như vụ lừa nổi tiếng ở cửa

hàng vàng bạc phường Đông Các được Phạm đình Hổ kể lại, tệ nạn mại dâm ở Kẻ Chợ được nhắc đến trong các du ký của các du khách phương Tây (Marini, Dampier) và Trung Quốc (Phan Đỉnh Khuê). Đó là những kẻ lưu manh nhưng một phần trong số họ chỉ là nạn nhân của những đợt thiên tai mất mùa, chiến tranh tang tóc hay do nợ nần mà bị tước đoạt hết ruộng đất nên phiêu dạt về kinh thành. Biện pháp quản lý của chính quyền đối với thành phần dân cư phức tạp này là răn đe, ngăn ngừa cộng với nhiều quy định hình phạt rất nghiêm khắc. Năm Bảo Thái 7 (1726), triều đình truyền lệnh khắp trong kinh: “nếu có kẻ gian tế trà trộn... quan đề lĩnh bốn mặt thành phải nên xét hỏi nghiêm ngặt kỹ càng, nếu để sơ suất sót lọt, sẽ bị khép vào pháp luật”. [15, 127]

Đối với những người già cả, ốm yếu, không có nơi nương tựa, triều đình quy định: “Trong các phường các ngò ở Kinh thành có người ốm đau, không kẻ chăm nuôi, phải nằm ở đường, cầu, điếm, chùa, quán thì cho các quan phường xã đến nơi ấy làm lều cho họ, lại cấp cho cơm cháo thuốc men để cứu sống, không được ngồi nhìn, mặc họ rên rỉ đau khổ. Không may họ chết thì phải trình lên quan trên để tuỳ tiện chôn cất, không được để phơi lộ hài cốt. Làm trái, các quan phường xã bị xử biếm bãi" [6, 325]. Năm 1722, triều đình đã cho đặt hai khu nghĩa địa giành riêng cho người nghèo khó ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm ở phía Tây ngoại thành và một khu ở xã Hoàng Mai thuộc huyện Thanh Trì, lệnh “cho phép quan Đề lĩnh tiêu đề hiểu thị cho mọi người biết: phàm những người nghèo khó đã chết đói hoặc chết dịch, xương vùi ở bên đường, thì cho phép được cải táng vào chỗ nghĩa địa ấy". [15, 41]

Có thể thấy, chính vì sự phức tạp về nguồn gốc, nghề nghiệp, địa vị xã hội của một bộ phận không nhỏ trong cơ cấu dân cư Thăng Long - Kẻ Chợ: người nước ngoài, người ngụ cư, người làm nghề tự do.., các biện pháp hành chính quản lý dân cư của triều đình cũng như chính quyền Thăng Long cũng mang nhiều sắc thái khác nhau, từ việc kiểm soát, răn đe nhằm ngăn ngừa đến cách quy định với các mức hình phạt nghiêm khắc cụ thể để trừng phạt những người làm trái pháp luật. Cũng có thể thấy ở đây những quy định mang tính nhân văn, nhân đạo đối với bộ phận những người nghèo khó, không nơi nương tựa, không có khả năng lao động trong xã hội.

3.2 Quản lý các hoạt động kinh tế

Đối với các hoạt động kinh tế, thái độ nhà Mạc nói chung thể hiện sự thông thoáng, không khắt khe, gò bó như thời Lê Sơ. Thời gian đầu, các vua Mạc có phần ít chú ý đến Thăng Long. Vì thế, việc kiểm soát đối với đời sống kinh tế ở Thăng Long thực tế đã được nới lỏng.

Thời Lê - Trịnh, trong bối cảnh nền kinh tế hàng hoá và các hoạt động giao lưu tiếp xúc kinh tế trong và ngoài nước đều phát triển mạnh mẽ, chính sách kinh tế của nhà nước nhìn chung lại tỏ ra mâu thuẫn, thiếu nhất quán. Trong một số thời điểm và hoàn cảnh cụ thể, triều đình tỏ ra thức thời, có thái độ thoáng mở đối với các hoạt động kinh tế hàng hoá và quan hệ giao lưu kinh tế trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, quan điểm của nhà nước Lê - Trịnh nhìn chung vẫn thể hiện thái độ trọng bản ức mạt, trọng nông ức thương, cảnh giác đối với những thương nhân đến từ nước ngoài. Trong nhiều chiếu dụ ban hành, thái độ kiểm soát, hạn chế sự phát triển kinh tế hàng hoá của triều đình được thể hiện khá rò.

3.2.1 Quản lý thủ công nghiệp

Tại Thăng Long nhà Mạc thành lập một số quan xưởng, sắp đặt các chức quan quản lý ở các giám, sở, cục, nha môn như Ngự dụng giám san thư cục, Thượng bảo giám, Lục thanh giám, Tú lâm cục. Tuy nhiên, triều Mạc giành ưu tiên nhiều hơn đối với các ngành kinh tế phục vụ trực tiếp cho các hoạt động quân sự như sản xuất vũ khí, các công trường nung gạch ngói, chế tác đá, phục vụ cho công việc thành quách. Thợ chế tác đá thời Mạc làm việc trong Ngọc thạch cục (thuộc Khí giới doanh tạo sở). Tư liệu văn bia cho biết nhiều thợ thủ công làm việc trong các sở, cục của nhà Mạc được triều đình ban cho chức tước khá cao. Trường hợp của Vũ Nhân Chiêu vốn là một nho sinh được làm Cục phó ở Tú lâm cục, Tạ Văn Kế giữ chức Sở thừa được huân phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tước công. Có thể thấy dưới thời Mạc, người thợ thủ công được coi trọng, không bị o ép chế độ công tượng của triều Lê - Trịnh. [112, 203 - 204]

Đối với thủ công nghiệp dân gian, vì nhà Mạc có phần nới lỏng kiểm soát, các thợ thủ công trong các phường ở Thăng Long được tự do phát triển. Một số nghề thủ công ở Thăng Long và vùng tứ trấn chung quanh khá phát triển (gốm, tạc chạm đá, dệt...).

Thời Lê - Trịnh, chính sách quản lý các hoạt động thủ công nghiệp có phần quy củ và chặt chẽ hơn thời Mạc. Thể hiện trong việc thành lập và quản lý cục bách tác, các quan xưởng nhà nước, chính sách quản lý các ngành nghề thủ công nghiệp dân gian qua việc tổ chức các tượng cục và chế độ thuế chuyên lợi và thuế thổ sản được quy định rất cụ thể.

Quan xưởng của triều đình tập trung chủ yếu ở Thăng Long. Đây là hình thức tổ chức sản xuất phục vụ cho nhu cầu kinh tế, quốc phòng và sinh hoạt của triều đình và đẳng cấp thống trị. Trong các quan xưởng, nhà nước áp dụng phổ biến chế độ công tượng, trưng tập thợ khéo từ các nơi về làm việc cho triều đình.

Tại các công trường xây dựng thành quách, cung điện, triều đình đặt chức chức Công tượng chủ ty, các Giám đương, có nhiệm vụ trực tiếp quản lý, đôn đốc các lao động chấp hành kỷ luật, kỳ hạn phục vụ. Những hiện tượng sai phạm của thợ như trưng tập chậm trễ, bỏ trốn, chế tạo sản phẩm cho riêng mình đều bị trừng trị nghiêm khắc.

Việc quản lý lao động tại các các quan xưởng cũng rất chặt chẽ và nghiêm khắc. Các công tượng được phân chia thành từng đội ngũ, sản xuất dưới sự giám sát và đôn đốc của các Quan áp tác, Quản giám.

Như vậy, về bản chất có thể thấy chế độ công tượng chính là một hình thức tô lao dịch, một loại lao động cưỡng bức của nhà nước phong kiến đối với lao động của người thợ. Tavernier khi ở Kẻ Chợ vào thế kỷ XVII đã nhận xét: “Thường dân phải đi làm lao dịch một thời gian trong năm, vì chỉ trừ những nhà trưởng giả ở kinh thành là nơi mà nhà vua thường thiết triều, còn những người làm bất cứ việc gì như thợ mộc, thợ dựng nhà, thợ nề và thợ làm những nghề khác, thì bắt buộc mỗi năm ba tháng phải làm quan lại hay cho chúa”. [46, 48]

Trong chừng mực nhất định, chính sách công tượng thời Lê - Trịnh ngoài việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của bộ máy quan liêu, quân đội, việc tập trung một số lượng lớn thợ thủ công tại kinh thành đã góp phần thúc đẩy sự trao đổi, chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất. Tuy nhiên, chính vì tính chất lao động cưỡng bức của chế độ công tượng đã gò ép, hạn chế sự năng động sáng tạo, tự do trong sản xuất của thợ thủ công, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá của Thăng Long - Kẻ Chợ đang độ trưởng thành. Cuối thế kỷ XVIII, giáo sĩ Bissachère nhận xét: “Họ (những người thợ thủ công) đã gặp nhiều trở ngại lớn

Xem tất cả 225 trang.

Ngày đăng: 14/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí