Thơ Nôm tứ tuyệt trào phúng Hồ Xuân Hương - 4

được văn học dân tộc “chuẩn bị” từ nhiều thế kỷ trước đó. Không có một dòng chảy âm thầm, bền bỉ của thơ Nôm Đường luật trào phúng từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, không có một truyền thống trào phúng dày dặn và phong phú trong lịch sử văn học dân tộc, không có các thế hệ thi nhân đi trước tìm đường cho “một lối thơ Việt Nam” thì chắc chắn không thể có một Hồ Xuân Hương kì nữ, một Hồ Xuân Hương “độc nhất vô nhị” trong lịch sử văn chương trung đại.

Cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX là thời kỳ đánh dấu sự mục ruỗng và suy tàn của chế độ phong kiến Việt Nam. Từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam, giai cấp phong kiến Việt Nam bộc lộ bản chất tàn bạo, phản động một cách trắng trợn và sâu sắc: ngai vàng mục ruỗng, các tập đoàn phong kiến tranh chấp chém giết lẫn nhau giành ngôi bá chủ. Xuân Hương sống vào cuối thời vua Lê chúa Trịnh ở nước Việt Nam ta. Hồ Xuân Hương đã sống trong một thời đại như thế, và thơ của bà đã mang rất sâu sắc dấu hiệu của thời đại bà. Thơ Xuân Hương với hiện tượng chuyện Trạng Lợn, nhất là truyện Trạng Quỳnh cũng ra đời trong giai đoạn lịch sử ấy. Tác giả Thanh Lương trong quyển Lịch sử tóm tắt Việt Nam đã cho rằng: “Hồ Xuân Hương và Cống Quỳnh đã đại diện cho tinh thần của thời đại họ, và đó là những kẻ báo hiệu của khởi nghĩa Tây Sơn” [18, tr.19]. Quả đúng như vậy, trong xã hội rối ren đó, phong trào khởi nghĩa nông dân nổ ra liên tiếp, tiêu biểu là phong trào Tây Sơn đã quét sạch ba tập đoàn phong kiến (Trịnh, Nguyễn, Lê). Nguyễn Ánh lật đổ Tây Sơn thiết lập vương triều Nguyễn, thống nhất đất nước từ Nam ra Bắc. Triều Nguyễn bảo thủ, phản động đẩy nước ta vào thảm họa bị xâm lược.

Thời kì sụp đổ xã hội và điêu tàn chiến tranh này, có lẽ không đáng ngạc nhiên, lại cũng là đỉnh cao trong truyền thống lâu dài về thi ca của Việt Nam. Như Dante nói trong cuốn De vulgari eloquentia, "Các chủ đề chính của thơ ca là tình yêu, đức hạnh và chiến tranh." Tác phẩm thơ vĩ đại của thời kì này – “Truyện Kiều” nổi tiếng của Nguyễn Du, đều tràn ngập với niềm khao khát cá nhân, với sự thông cảm cho những "số mệnh bạc bẽo," và với ước mơ cháy bỏng về một xã hội tốt đẹp. Chiến tranh, đói khát và tham nhũng đã không đánh bại

được các nhà thơ như Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, mà lại còn làm sâu sắc hơn công trình của họ.

Trong chính bối cảnh xã hội rối ren, con người bị đè nén đến cùng cực như vậy thì những tiếng nói phản kháng chống lại sự hà khắc của chế độ phong kiến, đòi hỏi quyền sống, bảo vệ những giá trị của con người càng được đề cao. Những nguyên tắc, lễ nghi phong kiến xơ cứng không còn đủ sức để trói buộc con người, mà ngược lại người ta luôn mong ước được giải phóng ra khỏi những nghi lễ ràng buộc ấy, ước mơ được tự do, được hưởng những hạnh phúc trần tục đời thường mà vì những lý do khuôn mẫu giáo điều người ta vẫn khinh rẻ và chối bỏ chúng. Các nhà nho tiêu biểu như Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… chính là các nhà tư tưởng tiểu biểu của thời đại đã nói lên tiếng nói chung, khát vọng chung của quảng đại quần chúng.

Xã hội phong kiến Việt Nam hồi cuối thế kỉ XVII, đầu thế kỉ XVIII, đã có cái nhu cầu cần phải chuyển lên một chế độ khác tiến bộ hơn, nhưng trong thực tế, đã không chuyển được. Xã hội không tiến lên được, nhưng con người luôn luôn vẫn đòi giải phóng ra khỏi hệ ý thức phong kiến, ra khỏi tập tục, lễ giáo, đạo đức phong kiến chèn ép con người quá khắc nghiệt. Người ta đòi hỏi con người phải được sống tự do hơn, phóng khoáng hơn, ngấm ngầm yêu cầu mỗi con người phải được coi như một cá thể đáng quý trọng. Khát vọng giải phóng trong thơ Hồ Xuân Hương cho thấy sự đòi hỏi ngấm ngầm của cả một xã hội.

Tất cả những điều đó là một tiền đề xã hội – lịch sử - văn hóa để sinh ra một tài năng trào phúng lớn của đất nước: kì nữ Hồ Xuân Hương. Nhiều nhà nghiên cứu văn học còn khẳng định bà là “Hiện tượng nổi loạn” trong lòng chế độ phong kiến Việt Nam.

1.3. Vị trí Hồ Xuân Hương trong dòng thơ Nôm Đường luật trào phúng và trong văn học trào phúng thời trung đại

Với những bài thơ Nôm Đường luật trào phúng của mình, Hồ Xuân Hương đã có một vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc. Vị trí

của bà trong dòng thơ Nôm Đường luật trào phúng và trong văn học trào phúng thời trung đại cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.

Đoàn Lê Giang trong Hồ Xuân Hương từ cái nhìn hậu hiện đại đã từng nói: “Như một viên đá kỳ hình đa sắc, thơ Hồ Xuân Hương từ mỗi góc nhìn lại thấy một kiểu dáng mới, một màu sắc mới,… Hồ Xuân Hương là hiện tượng văn học kỳ lạ, người ta không ngừng tìm hiểu, không ngừng khám phá, mà Hồ Xuân Hương – một hiện tượng thơ tồn tại hàng 200 năm nay vẫn chưa hề cũ bao giờ. Thơ Hồ Xuân Hương đầy ắp tiếng cười trào tiếu, giễu nhại trước những chuyện trang nghiêm,…”[9, tr.1].

Trong Bà chúa thơ Nôm, Xuân Diệu cũng đã từng nhận xét: “Trong văn học Việt Nam có một nhà thơ kể về độc đáo thì đứng vào bậc nhất, mà lại hai lần độc đáo, vì đó là một phụ nữ sống dưới chế độ phong kiến xưa. Tên người ấy là Hồ Xuân Hương. “Ví đây đổi phận làm trai được”, thực sự là nàng đã làm trai rồi, ngay trong xã hội cũ” [5, tr.1].

Thơ Nôm tứ tuyệt trào phúng Hồ Xuân Hương - 4

Xét về mặt nghệ thuật thơ văn cũng như nội dung, ý tình trong các bài thơ, chúng ta đã dễ dàng cảm nhận được tình cảm chân thật, mạnh dạn, mới mẻ của Hồ Xuân Hương như một cá tính không dễ lẫn, một bản lĩnh phụ nữ hiếm hoi trong văn chương trung đại Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX…”[5, tr.26].

Đánh giá về thơ Hồ Xuân Hương, sách Tổng tập văn học Việt Nam nhận định “Thơ Hồ Xuân Hương thường bộc lộ tài năng và trí tuệ của một phụ nữ trước những cơn sóng gió của cuộc đời và thời cuộc,… Tiếp nhận và phát huy những tinh hoa của dòng văn hóa dân gian, lời thơ của Hồ Xuân Hương nhiều khi như lưỡi dao sắt ngọt đã xé toạc bộ mặt giả đạo đức của nhiều kẻ tự mạo nhận là “Quân tử”, “Anh hùng”, góp phần hạ bệ nhiều thần tượng chỉ có hư danh trong xã hội phong kiến”[18, tr.19].

Trên thi đàn, Hồ Xuân Hương có một vị trí đặc biệt quan trọng bởi thơ bà thể hiện được sự đổi mới, cách tân trên nhiều phương diện. Trước hết về nội dung, bà đã đưa vào thơ những đề tài bình dị, dân dã, cũng như cách cảm, cách

nghĩ của dân gian. Đề cập tới vấn đề này nhà nghiên cứu Tam Vị trong bài viết: Tinh thần phục hưng trong thơ Hồ Xuân Hương cho rằng: " Hồ Xuân Hương đã làm sống lại trong văn học thành văn cả một truyền thống văn hoá phồn thực hùng hậu” [54, tr.10]. Đề cập tới tinh thần phục hưng trong thơ Hồ Xuân Hương chính là việc tác giả tiến hành chứng minh và khẳng định: Hồ Xuân Hương đã đem vào văn học cả tinh thần, thế giới quan của văn hoá dân gian.

Tác giả Nguyễn Đăng Na trong bài nghiên cứu Thơ Hồ Xuân Hương với văn học dân gian lại chỉ ra mối liên hệ giữa thơ Hồ Xuân Hương với văn hoá dân gian và hẹp hơn là văn học dân gian trong cách cảm, cách nghĩ, từ đó tìm thấy sự kế thừa cũng như nét độc đáo riêng của nữ sĩ. Tác giả khảo sát thơ Hồ Xuân Hương trên ba hệ thống đề tài: đề tài về loại người "có học"; đề tài về nhà chùa và đề tài về người phụ nữ rồi đi tới khẳng định: "Hồ Xuân Hương tiếp thu dân gian nhưng không lặp lại dân gian; bà chỉ tiếp thu cái hay, cái đẹp, cái đúng; cái gì chưa đúng thì uốn nắn" [28, tr.14].

Trong công trình nghiên cứu khá công phu: Hồ Xuân Hương- hoài niệm phồn thực, tác giả Đỗ Lai Thuý đi sâu vào những biểu tượng phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương, phân tích và chỉ ra những ý nghĩa sâu xa của nó. Như các biểu tượng liên quan đến các bộ phận của cơ quan sinh sản, hành vi tính giao, thân thể phụ nữ.... Tác giả chứng minh sự gắn bó mật thiết giữa biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương với những biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực trong dân gian. Sự trở về với những biểu tượng phồn thực cổ xưa và dân gian trong thơ " Bà chúa thơ Nôm" cho thấy: "Bà là người rất yêu sự sống’’ [47, tr.15]. Bên cạnh những biểu tượng gốc, Đỗ Lai Thuý phát hiện trong thơ Hồ Xuân Hương còn có những biểu tượng phái sinh. Đó là sáng tạo riêng của nhà thơ, tạo nên phong cách độc đáo của nữ sĩ.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về một số vấn đề trong thơ Hồ Xuân Hương, giáo sư Lê Trí Viễn trong bài Đôi điều về thơ Hồ Xuân Hương đã đề cập đến cái tục trong thơ bà và lí giải nó dưới nhãn quan văn hoá dân gian. Tác giả cho

rằng: "Hồ Xuân Hương đã tiếp nhận từ những sinh hoạt hội hè mang đậm nét dân gian, …"[55, tr.46].

"Nữ sĩ bình dân" là tên bài viết của tác giả Nguyễn Hồng Phong. Trong bài viết này bên cạnh việc chỉ ra tư tưởng bình dân, ý thức luôn đứng về phía nhân dân của nữ sĩ, tác giả còn tìm hiểu sự thành công của thơ Hồ Xuân Hương về phương diện nghệ thuật. "Sự thành công của Xuân Hương trong nghệ thuật thơ là do bà đã hấp thu và phát huy được vốn văn nghệ dân gian phong phú. Những gì là tinh tuý, là tuyệt diệu của nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương đều liên quan đến những tinh hoa của nền văn nghệ dân gian mà thi sĩ đã rất thấm nhuần" [37, tr.14]. Tiếp đó tác giả tìm hiểu nghệ thuật trào lộng của Xuân Hương ở việc xây dựng hình ảnh tương phản và lối nói ám dụ nửa tục, nửa thanh cũng như tìm hiểu ngôn ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương : "Ngôn ngữ Xuân Hương là ngôn ngữ của tục ngữ, ca dao, ngay cả cách nói của Xuân Hương, lối so sánh ví von còn là cách nói của nhân dân qua tục ngữ, ca dao" [37, tr.16]. Xuân Hương còn hay dùng lối chơi chữ, lối nói lái nhằm mục đích trào lộng hoặc mỉa mai, châm biếm; chính nó làm cho câu thơ trở nên duyên dáng vô cùng. Cuối cùng Nguyễn Hồng Phong nhận định: "Thành công của Hồ Xuân Hương cũng như trường hợp của Nguyễn Du sau này, chứng tỏ các thiên tài lớn trước hết là những người biết tiếp thu tinh tuý vốn văn hoá dân gian, biết học tập và vận dụng được ngôn ngữ của nhân dân”[37, tr.19].

Về ngôn ngữ, tác giả Nguyễn Lộc trong Hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương cho rằng: trong văn học cổ không ai giản dị, dễ hiểu và mộc mạc như Xuân Hương. Ngôn ngữ của Xuân Hương không khác gì ngôn ngữ của ca dao, tục ngữ. Đó là một ngôn ngữ thuần tuý Việt Nam. Trong kiến trúc chung của câu thơ Xuân Hương, những yếu tố ca dao, tục ngữ được đặt đúng chỗ nên rất tự nhiên. Nó nhuyễn vào những từ, những câu khác làm thành một thể hữu cơ thống nhất. Đặc biệt "Xuân Hương vận dụng ngôn ngữ không câu nệ ở hình thức, bà có thể đưa vào thơ một loạt từ ngữ "đầu đường xó chợ” miễn là những từ ngữ ấy nói đúng được đời sống tình cảm"[23, tr.12].

Thơ Nôm tứ tuyệt trào phúng Hồ Xuân Hương thể hiện một trạng thái, một đặc điểm trong thành tựu sáng tác của hầu hết các tác gia và tác phẩm kiệt xuất Việt Nam viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Đó là một lâu đài nghệ thuật tổng hợp những giá trị rực rỡ nhất trong văn học trào phúng dân gian, trong văn học viết, trong thơ Nôm Đường luật trào phúng trước Hồ Xuân Hương.

Dù còn nhiều tranh cãi thì hiện tượng Hồ Xuân Hương vẫn cần được nghiên cứu từ nhiều bình diện, nhiều góc độ dưới nhiều phương pháp tư duy khoa học khác nhau bởi vì bà là giao điểm hợp lưu giữa hai nền văn học dân gian và văn học viết.

Với những đóng góp to lớn của Hồ Xuân Hương vào nền văn học dân tộc, luận văn cũng rút ra những vấn đề đáng chú ý trong tiếp thu sáng tạo của Hồ Xuân Hương trên hai nguồn văn học dân gian và văn học viết:

Với nội dung, đối tượng trào phúng, Hồ Xuân Hương tiếp thu nhiều hình tượng trào phúng của văn học dân gian như cường quyền (vua chúa, quan lại), thần quyền (sư sãi và triết lý kìm hãm đời sống con người của Phật giáo), nam quyền (đề cao phụ nữ, hạ thấp quân tử, kẻ sĩ).

Trong dòng thơ Nôm Đường luật trào phúng trước Hồ Xuân Hương có những hình tượng trào phúng khá đặc sắc như hình tượng tự trào (Nguyễn Trãi) hoặc hình tượng thằng có của, hoặc thói đời xấu xa vụ lợi (Nguyễn Bỉnh Khiêm) nhưng chúng tôi nhận thấy dường như không xuất hiện trong thơ trào phúng của bà. Như vậy, về phương diện hình tượng trào phúng, Hồ Xuân Hương cơ bản tiếp thu từ nguồn mạch trào phúng của văn học dân gian và với tài năng kiệt xuất của mình, bà đã nâng cao hơn, khắc họa tập trung hơn và sinh động hơn nền văn học ấy.

Về bút pháp trào phúng, Hồ Xuân Hương đã tiếp thu nghệ thuật cái tục từ văn học dân gian. Thơ Nôm Đường luật trào phúng trước Hồ Xuân Hương chủ yếu vẫn là bút pháp trang trọng, có tính chất “nhã ngôn”, rất ít sử dụng yếu tố tục. Họ có nói đến cái tục một cách lập lờ hai nét nghĩa nhưng không nhằm phê phán hạ bệ đối tượng nào. Trái lại, “Bà chúa thơ Nôm” lại dùng cái tục như một phương tiện nghệ thuật đặc biệt để bộc lộ thái độ trào phúng và tư tưởng nghệ

thuật của mình. Khi nghiên cứu về vấn đề này, ta cần phải hiểu rằng bà tiếp thu nghệ thuật cái tục từ văn học dân gian nhưng không có mức độ trần trụi, trực tiếp cao như trong tiếu lâm hoặc những bài ca dao, những câu đố miêu tả sinh thực khí một cách thô tục. Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ có đủ thi thư, trình độ học vấn để chơi chữ. Vì vậy mà tục trong thơ bà vẫn thanh cao, có ý nghĩa hàm ẩn, gợi mở nhiều liên tưởng.

Về ngôn ngữ trào phúng, cũng như các tác giả trước, Hồ Xuân Hương có sự tiếp thu ngôn ngữ đời sống. Nhưng khi so sánh với Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngôn ngữ đời sống trong tác phẩm của họ vẫn ít nhiều dựa trên nền tảng ngôn ngữ toàn dân, chưa trở thành cá tính sáng tạo riêng biệt. Còn với Hồ Xuân Hương, ngôn ngữ đời sống đã trở thành cá tính sáng tạo dưới tài nghệ điêu luyện của bà.

Từ Hán Việt, điển tích điển cố, thi liệu Hán được nhiều nhà thơ sử dụng nhưng với Hồ Xuân Hương thì ngoài một số câu thơ chơi chữ, có thể nói là hầu hết sử dụng ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ dân tộc. Hồ Xuân Hương cũng có tiếp thu những thành tựu ngôn ngữ nghệ thuật từ các tác giả. Cách sử dụng từ láy trong thơ Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, cách dùng từ ngữ tạo hình tượng trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm... cũng thấy thấp thoáng trong thơ bà. Đặc biệt, bà đã tạo ra một phong cách ngôn ngữ độc đáo biểu hiện rõ cá tính sáng tạo của "Bà chúa thơ Nôm" trong dòng văn học trào phúng Việt Nam. Khác với các nhà thơ khác, bà luôn xây dựng được những hình tượng trào phúng hoàn chỉnh, tạo nên bức tranh cuộc sống cực kì sinh động với nhiều hình tượng trào phúng đặc sắc.

Về thể thơ, Hồ Xuân Hương không tiếp thu từ nguồn văn học dân gian mà sử dụng thể loại thơ Nôm Đường luật của văn học viết để biểu đạt nội dung trào phúng. Thể thơ Đường luật có tính chất bác học, đòi hỏi một trình độ học vấn uyên bác. Làm chủ được thể thơ này, Xuân Hương càng chứng tỏ được mình là một tác giả của nền văn học viết thời trung đại.

Có thể nói Hồ Xuân Hương là người phụ nữ đầu tiên đã làm thơ để giễu đời ở nước ta.Vốn đã mang hồn tính vững vàng của dân tộc để đứng cao mà nhìn xuống, đứng ngoài mà ngó vào, lại được sống một thời loạn ly điên đảo, Hồ

Xuân Hương có đủ phương tiện và điều kiện để làm một nhà thơ trào phúng bận rộn. Thêm nữa, cái thân thế long đong, duyên phận lỡ làng trong một cá tính tự do, bất khuất càng làm cho cái cười của nữ sĩ sâu sắc, chân thành. Con người ấy đối với trái tim mình chỉ một mực chân thành, trung thực đối với mình và đối với người nhưng luôn khắc khoải vì nỗi khao khát chẳng hề nguôi, mọi tâm lực đều dồn vào đó, chẳng khác bao nhiêu tia sáng đã biến thành ngọn lửa nhưng chỉ là đốt cháy trái tim mình, con người ấy khi khép cánh cửa của niềm riêng sâu thẳm mà mở lòng với ngoại cảnh, cảnh trời đất và cảnh người đời – trong đó làm sao không có mình. Ở Xuân Hương, ta luôn thấy tồn tại hai con người: “Kia là một Xuân Hương âm thầm chuyện riêng tư rất thiết nhưng rất nhỏ, một Xuân Hương trong quan hệ với các bậc mày râu phong kiến và Nho giáo nên cũng bác học như ai. Đây là một Xuân Hương giữa cuộc đời rộng mở với đất trời, với đông đảo quần chúng nhân dân lao động và của đô thị, bộc tuệch, chẳng kiêng dè, dân dã phong cách mà nhọn sắc lên trong thái độ thụ cảm thiên nhiên và tấn công vào mọi thứ giả dối thù địch của cuộc sống” [57, tr.19].

Nhân dân lao động có lẽ là độc giả say sưa nhất của thơ Nôm Xuân Hương. Hiện tượng dân gian hóa là một bằng chứng vinh dự. Thơ Hồ Xuân Hương đi vào quần chúng và lưu truyền như một tác phẩm dân gian theo quy luật của sáng tác dân gian. Nó đáp ứng nỗi lòng của nhân dân, nó thay thế sáng tác của nhân dân. Và khi nhân dân thấy có nhu cầu không phải thưởng thức nữa mà nhu cầu sáng tác, nhu cầu tự thể hiện, nó làm ra những bài thơ cùng mạch thơ Xuân Hương và truyền nhau xen lẫn.

Như vậy, ta có thể một lần nữa khẳng định Hồ Xuân Hương là một tác gia trào phúng lớn đã kết tinh, tổng hợp và phát triển những thành tựu trào phúng đa dạng từ trước đó qua hai nguồn văn học dân gian và văn học viết, đặc biệt là thơ Nôm Đường luật trào phúng. Bà chúa thơ Nôm ấy có một phong cách trào phúng riêng mà nhiều nhà nghiên cứu coi như một cá tính sáng tạo, một đặc điểm hoặc một bút pháp nghệ thuật chủ yếu. Với 15 bài thơ Nôm tứ tuyệt trào phúng, Hồ Xuân Hương đã nâng cao và hoàn chỉnh hơn thể loại thơ Nôm Đường luật, mở ra

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/10/2023