Nỗ lực kỳ vọng trong UTAUT được xem là có tương đồng với các nhân tố trong các mô hình: Dễ sử dụng cảm nhận (TAM), Phức tạp (IDT và MPCU), (Koloud and Ghaith, 2013). Dễ sử dụng cảm nhận được định nghĩa cá nhân tin tưởng rằng việc sử dụng hệ thống công nghệ sẽ không cần sự nỗ lực (Davis và cộng sự, 1989). Phức tạp được định nghĩa là mức độ mà sự đổi mới được cảm nhận dễ hiểu và sử dụng. Chấp nhận sử dụng sẽ là ít nếu sự đổi mới được cảm nhận là phức tạp hoặc khó sử dụng (Roger, 1983). Các nghiên cứu thực nghiệm về Internet Banking sử dụng lý thuyết nền tảng UTAUT thì nhân tố “Nỗ lực kỳ vọng” đều dựa trên định nghĩa của lý thuyết UTAUT.
Trong nghiên cứu này, Nỗ lực kỳ vọng được định nghĩa là mức độ cá nhân /tổ chức dễ dàng đăng nhập và sử dụng Internet Banking.
Đo lường: Trong mô hình nghiên cứu UTAUT của Venkatest và cộng sự (2003), nhân tố “Nỗ lực kỳ vọng” được đo lường bởi 4 biến quan sát (tương tác với hệ thống rõ ràng dễ hiểu, dễ dàng có được kỹ năng sử dụng, hệ thống dễ dàng để sử dụng, học để sử dụng hệ thống là dễ dàng). Các nghiên cứu thực nghiệm về chấp nhận sử dụng Internet Banking dựa trên lý thuyết UTAUT, nhân tố “Nỗ lực kỳ vọng” được đo lường giống như UTAUT nguyên bản hoặc chỉnh sửa phù hợp hoặc thêm mục đo lường khác cho phù hợp với từng trường hợp nghiên cứu. Cụ thể nghiên cứu của Koloud and Ghaith (2013) trường hợp Jodan, Saibaba and Naryana (2013) trường hợp nghiên cứu ở Ấn Độ, Kholound Ibrahim (2009) nghiên cứu so sánh ở UK, Jodan thì nhân tố “Nỗ lực kỳ vọng” được đo lường bởi 4 biến quan sát như mô hình UTAUT của Venkatest và cộng sự (2003), tuy nhiên có điều chỉnh cho phù hợp với nghiên cứu Internet Banking. Trong nghiên cứu của Gang Liu và cộng sự (2008) ở Trung Quốc thì Nỗ lực kỳ vọng được chuyển thể từ 3 biến quan sát của Venkatest và cộng sự (2003) và thêm 3 biến quan sát (học sử dụng Internet Banking không mất nhiều thời gian, linh hoạt để tương tác, không phức tạp). Nghiên cứu ở Jodan của Emad and Michael (2009) nhân tố “Nỗ lực kỳ vọng” được đo lường bởi 6 biến quan sát trong đó có 4 biến quan sát giống như UTAUT có sửa đổi phù hợp và thêm 2 biến quan sát mới (linh hoạt để tương tác, không phức tạp). Như vậy, nhân tố “Nỗ lực kỳ vọng” trong các nghiên cứu trước đây đều dựa trên sự đo lường của Venkatest và cộng sự (2003) và có bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với từng trường hợp nghiên cứu.
4.2.3. Điều kiện thuận lợi
Định nghĩa: Điều kiện thuận lợi được cho là cá nhân tin tưởng rằng sự hỗ trợ của tổ chức và điều kiện cơ sở vật chất sẽ giúp cho họ sử dụng hệ thống dễ dàng (Venkatesh và cộng sự, 2003). Định nghĩa này là sự kết hợp của ba cấu trúc khác nhau
của các mô hình đang có: hành vi kiểm soát cảm nhận (TPB, DTPB, TAM-TPB), khả năng tương thích (IDT), tạo điều kiện (mô hình sử dụng PC (MPCU)) (Koloud and Ghaith, 2013). Tổng quan các nghiên cứu về Internet Banking cho thấy có trường hợp nghiên cứu ở Kuala Lumper Malaysia của Foon và cộng sự (2011), nghiên cứu Jodan của Emad and Michael (2009) đều sử dụng định nghĩa theo lý thuyết UTAUT.
Nghiên cứu này dựa trên định nghĩa điều kiện thuận lợi của lý thuyết UTAUT chuyển thể phù hợp nội dung nghiên cứu, “Điều kiện thuận lợi” được định nghĩa là cá nhân/tổ chức tin tưởng rằng sự hỗ trợ của ngân hàng về dịch vụ Internet Banking cả điều kiện vật chất kỹ thuật lẫn dịch vụ sẽ giúp họ sử dụng dễ dàng hơn.
Đo lường: Theo lý thuyết UTAUT của Venkatest và cộng sự (2003), nhân tố “Điều kiện thuận lợi” được đo lường bởi bởi 4 biến quan sát (nguồn lực cần thiết, kiến thức cần thiết, tương thích với hệ thống khác, sẵn sàng hỗ trợ) với thang đo Likert 7 điểm. Trong nghiên cứu chấp nhận Internet Banking tại Kuala Lumpur Malaysia một nghiên cứu ứng dụng mô hình UTAUT, nhân tố “Điều kiện thuận lợi” được đo lường bởi 4 biến quan sát được chuyển thể từ đo lường nhân tố của Venkatest và cộng sự (2013) với thang đo Likert từ 1-5 từ không đồng ý đến rất đồng ý (Foon và cộng sự, 2011). Một nghiên cứu thực nghiệm khác về Internet Banking ở Jodan của Emad and Michael (2009), nhân tố “Điều kiện thuận lợi” được đo lường bởi 5 biến quan sát, trong đó 4 biến quan sát được chuyển thể từ mô hình UTAUT, 1 biến quan sát bổ sung mới (sẵn sàng hướng dẫn). Như vậy, trong các nghiên cứu thực nghiệm trước đây về Internet Banking nhân tố “Điều kiện thuận lợi” được đo lường dựa trên sự đo lường của lý thuyết UTAUT của Venkatest và cộng sự (2003) giữ nguyên hay thêm bớt biến quan sát cho phù hợp với từng trường hợp nghiên cứu.
4.2.4. Ảnh hưởng xã hội
Định nghĩa: Theo Venkatesh và cộng sự (2003), Ảnh hưởng xã hội được cho là sự tác động của người khác tới cảm nhận của cá nhân sẽ có tác động mạnh tới việc họ sẽ sử dụng hệ thống mới. Nhân tố “Ảnh hưởng xã hội” có cấu trúc tương tự như các nhân tố trong các mô hình: Quy phạm chủ quan (TRA, TAM 2, TPB, DTPB, TAM-TPB), Ảnh hưởng xã hội (MPCU), Hình ảnh (IDT) (Koloud and Ghaith, 2013). Nhân tố “Ảnh hưởng xã hội” được một số nghiên cứu thực nghiệm về Internet Banking quan tâm. Có nhiều nghiên cứu sử dụng định nghĩa nhân tố “Ảnh hưởng xã hội” của Venkatesh và cộng sự (2003) để nghiên cứu sự tác động tới ý định chấp nhận sử dụng Internet Banking của khách hàng ở ngân hàng như nghiên cứu của Foon và cộng sự (2011), Saibaba and Naryana (2013), Gang Liu và cộng sự (2008), Dong (2009),
Kholound Ibrahim (2009), Koloud and Ghaith (2013), Emad and Michael (2009), Chung-Hung (2013).
Nghiên cứu này dựa trên quan niệm của Venkatesh và cộng sự (2003) có điều chỉnh, Ảnh hưởng xã hội được định nghĩa là việc một cá nhân cảm nhận và sẽ sử dụng Internet Banking bị tác động mạnh bởi những người khác xung quanh họ.
Đo lường: Nhân tố “Ảnh hưởng xã hội” trong mô hình UTAUT của Venkatest và cộng sự (2003) được đo lường bởi 4 biến quan sát (người có ảnh hưởng hành vi, người quan trọng, người quản lý, hỗ trợ của ngân hàng). Nghiên cứu về Internet Banking trường hợp ở Malaysia (Foon và cộng sự, 2011), ở Jodan (Koloud and Ghaith, 2013; Kholound Ibrahim (2009) ), nhân tố “Ảnh hưởng xã hội” được đo lường bởi 4 biến quan sát giống trong mô hình UTAUT chuyển thể phù hợp với nghiên cứu, nhưng trong một vài nghiên cứu khác thì nhân tố Ảnh hưởng xã hội có sự phát triển hay thu hẹp các biến quan sát đo lường so với mô hình UTAUT nguyên bản như nghiên cứu ở Trung Quốc của Gang Liu và cộng sự (2008), nghiên cứu ở Mỹ của Emad and Michael (2009) thì nhân tố “Ảnh hưởng xã hội” được phát triển thêm 1 biến quan sát (gồm có 5 biến quan sát) trong khi đó trường hợp nghiên cứu ở Ấn Độ của Saibaba and Naryana (2013) thì được đo lường bởi 3 biến quan sát. Như vậy, đo lường nhân tố “Ảnh hưởng xã hội” trong các nghiên cứu trước đây đều chuyển thể từ UTAUT của Venkatest và cộng sự (2003) thêm hay bớt cho phù hợp với từng trường hợp nghiên cứu.
4.2.5. An toàn/ bảo mật
Định nghĩa: Qua quá trình tổng quan có nhiều quan niệm khác nhau về An toàn/bảo mật. Theo Honei and Nasim (2009), An toàn/ bảo mật được định nghĩa là mức độ tin tưởng rằng một tổ chức sẽ xử lý tất cả các giao dịch an toàn và bảo mật thông tin của cá nhân. Wadie and Mohamed (2014) lại cho rằng An toàn/ bảo mật là cảm nhận của người sử dụng về việc chống lại những mối đe dọa an ninh và kiểm soát thông tin cá nhân trong môi trường trực tuyến. Hay trong nghiên cứu Amin và cộng sự (2011) về mô hình Internet Banking bền vững (trường hợp Iran), nhân tố “Bảo mật” được định nghĩa là mức độ mà trang web của ngân hàng là an toàn và bảo mật các thông tin giao dịch của khách hàng. Cheng và cộng sự (2006) cho rằng “Cảm nhận bảo mật trang Web” là người ta tin tưởng rằng các giao dịch qua trang web của ngân hàng các thông tin nhạy cảm được an toàn/bảo mật. Hay một quan niệm khác cho rằng rủi ro bảo mật xảy ra khi khách hàng lo lắng về việc chuyển tiền từ tài khoản của họ hay các thông tin tài chính cá nhân của họ có thể bị người khác biết khi không có sự cho phép của họ (Littler và cộng sự, 2006).
Trong nghiên cứu này, An toàn/ bảo mật được xem là mức độ khách hàng tin tưởng rằng việc giao dịch qua Internet Banking các thông tin cá nhân được bảo mật và tài chính được an toàn.
Đo lường: Nhân tố “An toàn/bảo mật” trong một số nghiên cứu thực nghiệm về việc sử dụng Internet Banking đã đo lường: Honei and Nasim (2009) bởi 3 biến quan sát (lo lắng an toàn, bảo mật, tin cậy); Wadie (2011) nhân tố bảo mật được đo lường bởi 4 biến quan sát (tên người dùng, mật khẩu, đăng nhập, sự tin cậy); Apostolos và cộng sự (2012) nghiên cứu về hành vi ý định sử dụng Internet Banking ở Hy Lạp nhân tố “Cảm nhận an toàn/bảo mật rủi ro” được đo lường bởi 3 biến quan sát (gian lận mất tiền, ảnh hưởng sự riêng tư, không an toàn); Wadie and Mohamed (2014) thì nhân tố “An toàn và bảo mật” được đo lường bởi 6 biến quan sát (tin tưởng công nghệ, sự bảo vệ riêng tư, như giao dịch tại quầy, bảo vệ tài chính, sự an toàn). Hay trong một vài nghiên cứu khác sự an toàn, bảo mật dịch vụ Internet Banking được xem xét theo chiều hướng cảm nhận rủi ro bảo mật. Nhân tố cảm nhận rủi ro bảo mật được đo lường bởi 4 biến quan sát về rủi ro bảo mật đối việc sử dụng Internet Banking trong nghiên cứu ở Thổ Nhĩ Kỳ của Osman (2010) hay trong nghiên cứu Cheng và cộng sự (2006) nhân tố cảm nhận bảo mật web được đo lường bởi 4 biến quan sát về bảo mật trang web. Như vậy, theo như tổng quan trong các nghiên cứu trước đây cho thấy có nhiều cách đo lường nhân tố “An toàn/bảo mật” và trong từng trường hợp nghiên cứu sự đo lường là khác nhau.
4.2.6. Tiện lợi
Định nghĩa: Theo Pew (2003), Tiện lợi đã được xác định như là một yếu tố quan trọng trong việc sử dụng công nghệ mới. Liao and Cheung (2002) thì lại cho rằng “Tiện lợi” của Internet Banking được xem là khách hàng có thể thực hiện đa dạng các dịch vụ của ngân hàng ở bất kể lúc nào 24h/ngày, bất kể nơi nào ở trên thế giới và tiết kiệm thời gian. Hay Alam và cộng sự (2006) thì sự Tiện lợi là khách hàng chấp nhận sử dụng Internet Banking để được thuận tiện hơn, ít phức tạp hơn, tương thích hơn với công nghệ mới. Sharman (2006) thì cho rằng “Tiện lợi” của người sử dụng Internet Banking không chỉ đơn giản là truy cập 24/7, tiết kiệm thời gian mà Internet Banking như là một phần mở rộng Internet nó giúp người sử dụng Internet Banking biết thêm nhiều dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của họ và các nhu cầu được thực hiện một cách thuận tiện
Như vậy, qua tổng quan các quan niệm về sự Tiện lợi, nghiên cứu này, Tiện lợi của Internet Banking là khách hàng có thể thực hiện các giao dịch của ngân hàng bất kể thời gian nào 24/7, bất kể nơi nào với nhiều tiện ích trừ rút tiền mặt.
Đo lường: “Tiện lợi” là một trong những nhân tố được cho là có tác động tới việc sử dụng Internet Banking. Sự tiện lợi của dịch vụ Internet Banking là khách hàng có thể thực hiện giao dịch ở bất kể nơi nào ở trên thế giới, bất kể thời gian nào chỉ cần thiết bị có kết nối mạng Internet. Wadie (2011) phát triển từ nghiên cứu Poon (2006), nhân tố “Tiện lợi” được đo lường bởi 9 biến quan sát về việc tiện lợi sử dụng Internet Banking như dễ đăng nhập, không cần thẻ, bất kể nơi nào, tiết kiệm thời gian, kiểm tra giao dịch.
4.2.7. Ý định sử dụng
Định nghĩa: Davis (1985) cho rằng Ý định sử dụng là mức độ mà một người nào đó đã xây dựng kế hoạch để thực hiện hay không thực hiện một số hành vi cụ thể trong tương lai. Davis và cộng sự (1989) thì lại cho rằng Ý định sử dụng là sự sẵn sàng của một người chấp nhận sử dụng công nghệ. Định nghĩa của Davis và cộng sự (1989) được sử dụng trong một số nghiên cứu như nghiên cứu của Sara (2007), Gang Liu và cộng sự (2008)...Hay theo Ajzen and Feish (1980), thì Ý định sử dụng như là lời tuyên bố rằng anh/chị sẽ thực hiện hành động như đã nói. Cheng và cộng sự (2006) thì lại cho rằng: Ý định sử dụng được dùng để nói đến ý định của người tiêu dùng về việc sử dụng, điều này như là trái ngược với thực tế sử dụng của họ về dịch vụ Internet Banking. Theo quan niệm trong nghiên cứu của Chung-Hung (2013) thì: Ý định sử dụng được đề cập như là mức độ về ý định của người tiêu dùng sử dụng Internet Banking.
Như vậy, có nhiều quan niệm khác nhau về ý định sử dụng, trong nghiên cứu này, Ý định sử dụng Internet Banking là sự sẵn sàng của một người chấp nhận sử dụng Internet Banking.
Đo lường: Ý định sử dụng được đo lường bởi 3 biến quan sát: ý định, dự định, kế hoạch sử dụng công nghệ trong tương lai gần (Davis và cộng sự, 1989). Đa số các nghiên cứu trước đây, nhân tố Ý định sử dụng Internet Banking đều dựa trên cách đo lường của Davis và cộng sự (1989) chuyển thể hay thêm bớt cho phù hợp với từng trường hợp nghiên cứu. Trong nghiên cứu của Venkatest và cộng sự (2003), Emad and Michael (2006), Gang Liu và cộng sự (2008), Apostolos và cộng sự (2012), Chung- Tung (2013), Saibaba and Naryana (2013) thì ý định sử dụng được chuyển thể từ 3 biến quan sát của Davis và cộng sự (1989) còn Sara (2007) bổ sung thêm 1 biến quan sát (xác định sử dụng Internet Banking sớm). Một vài nghiên cứu khác có cách đo lường khác biệt như nghiên cứu của Wadie (2011) dựa trên nghiên cứu của Davis (1985), nhân tố “Ý định sử dụng” đo lường bởi 4 biến quan sát (với sự sẵn sàng công nghệ web sẽ sử dụng Internet Banking trong tương lai, trong tương lai sẽ sử dụng
Internet Banking, có kế hoạch sử dụng thường xuyên, tăng mức độ sử dụng); Cheng và cộng sự (2006) nghiên cứu việc chấp nhận sử dụng Internet Banking ở Hồng Kông, nhân tố “Ý định sử dụng” được đo lường bởi 3 biến quan sát (sẽ sử dụng Internet Banking khi cần, sử dụng Internet Banking cho các giao dịch ngân hàng là việc sẽ làm, sẽ sử dụng Internet Banking cho các giao dịch ngân hàng); Ming-Chi (2009), Wadie and Mohamed (2014) nhân tố “Ý định sử dụng” đo lường bởi 3 biến quan sát như cách đo lường của Cheng và cộng sự (2006) với thang đo likert 7 điểm. Như vậy, có nhiều cách đo lường về nhân tố “Ý định sử dụng” nhưng đa số các nghiên cứu đều dựa trên cách đo lường của Davis và cộng sự (1989) chuyển thể, chỉnh sửa cho phù hợp với từng trường hợp nghiên cứu.
4.2.8. Mức độ sử dụng
Định nghĩa: Có một vài nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng tới mức độ sử dụng Internet Banking của người đang sử dụng. Trong các nghiên cứu này, nhân tố “Mức độ sử dụng” được cho là mức độ sử dụng thường xuyên của khách hàng về dịch vụ Internet Banking ở ngân hàng về số lần sử dụng nhiều hay ít trong một khoảng thời gian (Kholoud, 2009; Koloud and Ghaith, 2013) hay được xem là số lượng ngân hàng giao dịch và các tiện ích của dịch vụ Internet Banking mà khách hàng sử dụng (Cheng và cộng sự, 2006).
Vì vậy, Mức độ sử dụng Internet Banking của khách hàng trong nghiên cứu này được đề cập là việc sử dụng thường xuyên dịch vụ Internet Banking của khách hàng.
Đo lường: Tổng quan nghiên cứu cho thấy có một vài nghiên cứu về mức độ sử dụng Internet Banking, “Mức độ sử dụng” được đo lường có sự khác nhau giữa các nghiên cứu. Nghiên cứu của Cheng và cộng sự (2006) trường hợp ở Hồng Kông, nhân tố “Mức độ sử dụng” được đo lường bởi 5 biến quan sát về việc sử dụng thường xuyên Internet Banking ở một hay nhiều ngân hàng với những kênh khác nhau, hay được đo lường bởi tần suất sử dụng hàng tuần, hàng ngày (Kholoud, 2009; Koloud and Ghaith, 2013).
Như vậy, từ quá trình tổng quan các nghiên cứu về định nghĩa các nhân tố, định nghĩa cho các nhân tố được sử dụng trong mô hình nghiên cứu này của tôi được tóm tắt trong Bảng 4.1 dưới đây:
Bảng 4.1: Định nghĩa các nhân tố sử dụng trong mô hình nghiên cứu
Định nghĩa | |
Hiệu quả kỳ vọng | Cá nhân/tổ chức tin tưởng rằng sử dụng Internet Banking sẽ làm tăng hiệu quả công việc của họ |
Nỗ lực kỳ vọng | Là mức độ cá nhân /tổ chức dễ dàng đăng nhập và sử dụng Internet Banking. |
Ảnh hưởng xã hội | Là một cá nhân cảm nhận và sẽ sử dụng Internet Banking bị tác động mạnh bởi những người khác xung quanh họ. |
Tạo điều kiện thuận lợi | Là cá nhân/tổ chức tin tưởng rằng sự hỗ trợ của ngân hàng về dịch vụ Internet Banking cả điều kiện vật chất, kỹ thuật và dịch vụ sẽ giúp họ sử dụng dễ dàng hơn. |
An toàn/bảo mật | Là mức độ khách hàng tin tưởng rằng việc giao dịch qua Internet Banking các thông tin cá nhân được bảo mật và tài chính được an toàn. |
Tiện lợi | Là khách hàng có thể thực hiện các giao dịch của ngân hàng bất cứ thời gian nào (24/7), bất kể nơi đâu với nhiều tiện ích (trừ rút tiền). |
Ý định sử dụng | Là sự sẵn sàng chấp nhận sử dụng Internet Banking của khách hàng. |
Mức độ sử dụng | Là việc sử dụng thường xuyên dịch vụ Internet Banking của khách hàng |
Có thể bạn quan tâm!
- Số Lượng Nhtm Việt Nam Cung Ứng Dịch Vụ Internet Banking
- Các Lý Thuyết Nền Tảng Cho Nghiên Cứu Hành Vi Chấp Nhận Sử Dụng Internet Banking Của Khách Hàng
- Lý Thuyết Sự Đổi Mới (Diffusion Of Innovation Theory -Idt)
- Mối Quan Hệ Giữa Nhân Tố Nỗ Lực Kỳ Vọng Với Ý Định/mức Độ Sử Dụng
- Phỏng Vấn Sâu Và Phát Triển Bảng Hỏi
- Đánh Giá Độ Tin Cậy, Hội Tụ Và Giá Trị Phân Biệt Của Thang Đo
Xem toàn bộ 290 trang tài liệu này.
Nguồn: Tác giả nghiên cứu và tổng hợp
4.3. Giả thuyết nghiên cứu
4.3.1.Mối quan hệ giữa nhân tố Hiệu quả kỳ vọng và Ý định/mức độ sử dụng
Lý thuyết chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT) của Vankatest và cộng sự (2003) chỉ ra rằng Hiệu quả kỳ vọng có ảnh hưởng đáng kể tới chấp nhận sử dụng công nghệ. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm (ví dụ: Gang Liu và cộng sự (2008); Foon và cộng sự (2011); Saibaba và Naryana (2013), Emad and Micheal (2009)) về sự chấp nhận sử dụng Internet Banking ở các nước trên thế giới đều chỉ ra rằng nhân tố “Hiệu quả kỳ vọng” có ảnh hưởng đáng kể tích cực tới Hành vi ý định sử dụng Internet Banking của khách hàng. Hay nghiên cứu của Kholound Ibrahim (2009), Koloud and Ghaith (2013) cho rằng nhân tố “Hiệu quả kỳ vọng” có ảnh hưởng tích cực tới việc sử dụng Internet Banking (người sử dụng và chưa sử dụng). Nghiên cứu của Nabil (2012) thì cũng chỉ ra rằng nhân tố “Hiệu quả kỳ vọng” ảnh hưởng tích cực tới việc chấp nhận sử dụng Internet Banking của những khách hàng đang sử dụng Internet Banking.
Như đã định nghĩa ở trên nhân tố “Hiệu quả kỳ vọng” được hiểu giống như nhân tố “Hữu ích cảm nhận”, “Lợi thế tương đối”. Nhân tố “Hữu ích cảm nhận” được một số nghiên cứu khẳng định có ảnh hưởng đáng kể trực tiếp hay gián tiếp tới Ý định sử dụng Internet Banking của khách hàng qua nhân tố hành vi sử dụng như nghiên cứu của Ingoo and Bomil (2002) ở Hàn quốc, Wang và cộng sự (2003) ở Đài Loan, Praja (2005) ở Newzeland, Kent Ericksson và cộng sự (2005) ở Estonia, Apostolos và cộng
sự (2012),...). Nhân tố “Lợi thế tương đối” trong một vài nghiên cứu sử dụng lý thuyết IDT chỉ ra rằng nhân tố “Lợi thế tương đối” có ảnh hưởng đáng kể tích cực tới việc chấp nhận sử dụng Internet Banking của khách hàng (Tan and Teo, (2000); Rudi và cộng sự, (2001); Jun Wu, (2005). Có một sự khác biệt trong các nghiên cứu ở trên, nghiên cứu Hosein and Nasim (2009) chỉ ra rằng nhân tố “Hữu ích cảm nhận” không ảnh hưởng tới Hành vi ý định sử dụng Internet Banking của khách hàng.
Kết quả nghiên cứu của Siu-Cheung (2002) chỉ ra rằng nhân tố “Hữu ích cảm nhận” có ảnh hưởng tới Ý định chấp nhận/ tiếp tục sử dụng Internet Banking của khách hàng ở Hồng Kông. Kent Ericksson và cộng sự (2005) cho rằng “Hữu ích cảm nhận” có ảnh hưởng tới tần suất sử dụng Internet Banking.
Ở Việt Nam điều này được khẳng định trong nghiên cứu khách hàng ở Đà Nẵng của Lê Thị Kim Tuyết (2008), Lê Phan Thị Diệu Thảo và Ngô Mỹ Liên (2013) ở miền Tây Nam Bộ hay của Nguyễn Mạnh Hà và Bùi Hải Yến (2013), Phạm Thùy Giang và cộng sự (2014), nhân tố “Hữu ích cảm nhận” có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tích cực tới Ý định sử dụng Internet Banking của khách hàng. Tuy nhiên các nghiên cứu ở phạm vi khác nhau và mức độ tác động có sự khác nhau giữa các nghiên cứu. Ở Việt Nam, khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng thường là khách hàng trẻ tuổi, là những người đang đi làm, họ khó khăn trong việc thực hiện thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt (thanh toán điện, nước, mua hàng, các cơ hội đầu tư...) vì vậy nhân tố “Hiệu quả kỳ vọng” sẽ ảnh hưởng tới Ý định sử dụng/mức độ sử dụng Internet Banking.
Vì vậy, trong nghiên cứu này giả thuyết đưa ra là:
H1a: Hiệu quả kỳ vọng có ảnh hưởng thuận chiều với Ý định sử dụng Internet Banking đối với khách hàng chưa sử dụng
H1b: Hiệu quả kỳ vọng có ảnh hưởng thuận chiều với Mức độ sử dụng Internet Banking đối với khách hàng đang sử dụng
Kết quả của các nghiên cứu trước đây (ví dụ: Kholoud (2009), Cigdem (2008), Emad and Michael (2009), Chung- Hung (2013)) đã chỉ ra rằng một số biến nhân khẩu (độ tuổi, giới tính) có tác động điều tiết mối quan hệ giữa biến độc lập “Hiệu quả kỳ vọng” và biến phụ thuộc (Ý định/mức độ sử dụng Internet Banking). Venkatesh và cộng sự (2003) cho rằng độ tuổi, giới tính điều tiết mối quan hệ giữa “Hiệu quả kỳ vọng” và “Hành vi ý địnhsử dụng”. Cụ thể, mối quan hệ thuận chiều giữa “Hiệu quả kỳ vọng’ tới “Hành vi ý định sử dụng” mạnh hơn ở nam giới so với nữ giới và mạnh hơn ở người trẻ tuổi hơn. Điều đó có thể là vì so với nữ giới, nam giới được cho là những người mạnh mẽ, ổn định về mặt tâm lý hơn (Thụy Miên, 2012) do vậy họ không quan tâm nhiều tới các vấn đề khác của dịch vụ Internet Banking mà họ quan tâm tới hiệu quả sử dụng và đặc biệt là người trẻ tuổi.