Khuyến Nghị Đối Với Chính Quyền Và Các Tổ Chức Đoàn Thể Tại Địa Phương


các tổ chức tín dụng có thể tiến hành nhận dạng hay định danh và thực hiện quy trình thẩm định cũng như xử lý các vấn đề liên quan đến việc phán quyết cho vay và giải ngân một cách thuận lợi nhất;

Tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của tổ hay nhóm vay vốn và tự giác chấp hành các quy định khi tham gia “chương trình cho vay để ngăn ngừa và loại bỏ tín dụng đen” của Nhà nước. Tự giác tìm hiểu và tham gia đầy đủ các buổi tập huấn sử dụng phần mềm vay vốn, để đảm bảo thao tác chính xác và được đáp ứng giải ngân một cách kịp thời và hiệu quả nhất;

Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tín dụng về thực hiện các cam kết vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ động và tự giác chấp hành trả nợ đúng thời hạn;

Hợp tác chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức đòa thể trong toàn bộ quá trình xác định nhu cầu và xây dựng hạn mức vay vốn, quá trình sử dụng và hoàn trả vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Kịp thời phát hiện và báo cáo với chính quyền địa phương cũng như các tổ chức đoàn thể về những nguy cơ rủi ro tín dụng và những phát hiện vi phạm các cam kết vay vốn với địa phương và các tổ chức tín dụng.

4.2.4. Khuyến nghị đối với chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương

Vai trò của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể bao gồm các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức quần chúng, các tổ chức nghề nghiệp, v.v…, là rất quan trọng đối với việc hạn chế và loại bỏ tín dụng đen. Kinh nghiệm được tổng kết từ nhiều chương trình quốc gia (Báo cáo Tổng kết Chương trình 135, 2019) đã cho thấy mức độ tham gia của chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương là đóng vai trò hiện thực hóa và nâng cao hiệu quả thực thi các giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu thực hiện các chương trình và chương trình hạn chế và loại bỏ tín dụng đen không phải là một ngoại lệ.

Trước hết, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức nghề nghiệp ở địa phương cần xác định vai trò rất quan trọng vào việc triển khai thực hiện Chương trình cho vay hạn chế, ngăn ngừa và loại bỏ tín dụng đen của các TCTD. Hơn bất cứ chủ thể nào khác, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương có đầy đủ thông tin và hiểu rõ ràng nhất về điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của những người dân sinh sống và làm việc tại địa phương. Do vậy, nếu xây dựng được cơ chế phối hợp tốt với chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp cận được thông tin khách hàng tiềm năng một cách đầy đủ nhất, tạo điều kiện cho các bước thẩm định tín dụng khách hàng đạt được hiệu quả. Sau khi được giải ngân, việc sử dụng vốn đúng mục


đích cũng như đảm bảo cuộc sống, lao động sản xuất là những điều kiện quan trọng cho việc hoàn trả vốn vay đúng hạn cũng được thực hiện giám sát và đôn đốc một cách tốt nhất bởi chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương. Ngay đối với các khách hàng có khả năng nhưng không muốn trả nợ thì chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương vẫn có thể có những biện pháp tuyên truyền, động viên, giác ngộ… hiệu quả hơn các biện pháp của các tổ chức tín dụng và pháp lý khác. Thông qua sự tiếp xúc thường xuyên, sự hiểu biết và đồng cảm, thông qua các tác động về “tâm lý làng xã”, khơi dậy truyền thống gia đình, các tấm gương của địa phương… để người vay vốn tự giác thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tóm lại, Chính quyền và các tổ chức đoàn thể là “cầu nối” quan trọng giữa các tổ chức tín dụng và người dân trên địa bàn, góp phần quan trọng vào xóa bỏ tín dụng đen. Sự phối hợp và hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương không chỉ tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng triển khai các hoạt động cho vay mà còn góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng giám sát việc thực hiện món vay và thu hồi nợ một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương cũng có đầy đủ thông tin về hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức đơn vị kinh tế hoạt động trên địa bàn, bao gồm cả các hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, hụi, họ… Do vậy, sự phối kết hợp giữa các cấp chính quyền nhà nước và các lực lượng chức năng với chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát hiện, đấu tranh và xóa bỏ các hoạt động tín dụng đen, hụi, họ cũng như các tệ nạn xã hội khác.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.

Để hiện thực hóa được những vai trò quan trọng được phân tích trên đây, các khuyến cáo đối với chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương bao gồm như sau:

Chính quyền, cấp ủy Đảng, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức nghề nghiệp tại các địa phương hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu về địa bàn quản lý và hoạt động, bao gồm sự đầy đủ về thông tin, tính cập nhật và chính xác để phối hợp với các tổ chức tín dụng, thực hiện đánh giá nhu cầu tài chính của các cá nhân và gia đình sinh sống và lao động sản xuất tại địa phương;

Các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng của hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam - 18

Hỗ trợ các TCTD xác định và xác minh các thông tin cần thiết về nhân thân, tình hình lao động, sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của mỗi hộ gia đình giúp cho TCTD có thể hận biết hay định danh chính xác khách hàng mục tiêu, trên cơ sở đó có thể áp dụng các công nghệ mới nhằm đơn giản hóa quy trình và thủ tục vay vốn, tiết kiệm chi phí hời gian cũng như chi phí hành chính của mỗi món vay, góp phần làm giảm lãi suất cho vay;

Tư vấn và hỗ trợ các TCTD xác định hạn mức cho vay đối với các hộ gia đình


trên địa bàn có nhu cầu vay vốn, tư vấn các sản phẩm cho vay phù hợp cả về quy mô, thời hạn và lãi suất cho vay;

Chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức nghề nghiệp thực hiện các hoạt động hỗ trợ các TCTD xây dựng và thẩm định các tổ hay nhóm vay vốn, xây dựng các nguyên tắc vay vốn, trả nợ và sinh hoạt của tổ hay nhóm vay vốn, tạo điều kiện cho các TCTD có thể áp dụng phương thức cho vay theo tổ hay nhóm giống như các tổ chức tài chính vi mô (microfinance) hay Quỹ Tình thương (TYM) của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

Chính quyền các cấp và các tổ chức ở địa phương cần tích cực và chủ động trong việc hỗ trợ và phối hợp với các TCTD thực hiện giám sát sử dụng tiền vay đúng mục đích, có hiệu quả đảm bảo thời hạn và các phương thức trả nợ của người dân. Phương thức giám sát tốt nhất là thông qua sự hỗ trợ các dịch vụ công của chính quyền các cấp và sự hỗ trợ về chuyên môn của các tổ chức đoàn thể, các hiệp hội nghề nghiệp theo phạm vi quyền hạn của địa phương. Sự quan tâm, trao đổi kinh nghiệm trong đời sống, sản xuất kinh doanh..., cũng là những biện pháp tốt để thực hiện thông tin báo cáo về toàn bộ tình hình sức khỏe, đời sống, lao động sản xuất và thu nhập của người dân để kịp thời phát hiện và thông báo cho các TCTD triển khai các biện pháp hỗ trợ, kịp thời ngăn ngừa và hạn chế những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn, có thể ảnh hưởng tới khả năng hoàn trả vốn vay đúng hạn của khách hàng;

Thực hiện hỗ trợ và động viên người dân hoàn trả nợ vay đúng hạn. Mỗi khi phát hiện trường hợp người dân gặp rủi ro hoặc khó khăn trong việc trả nợ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tìm hiểu nguyên nhân và áp dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Trường hợp người dân có khả năng nhưng không muốn trả nợ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể có thể động viên, giáo dục tinh thần tự giác và trách nhiệm trong hoàn trả vốn vay. Việc động viên, giáo dục có thể thực hiện trực tiếp hoặc thông qua các thành viên gia đình, dòng họ…;

Chủ động tích cực trong việc chịu trách nhiệm và thực hiện trách nhiệm ngăn ngừa, hạn chế, xử lý tín dụng đen thông qua: (1) tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia hoạt động tín dụng đen, thông tin báo cáo kịp thời khi phát hiện về hoạt động tín dụng đen; (2) thu thập và cập nhật thông tin về các hoạt động tín dụng trên địa bàn, đặc biệt chú trọng các hoạt động tín dụng đen nếu có; (3) tổ chức các lực lượng chức năng trên địa bàn và phối hợp với các lực lượng chức năng của các địa phương khác để sẵn sang điều tra, đấu tranh và xử lý lý các hoạt động tín dụng tại địa phương nếu có;


4.2.5. Khuyến nghị đối với các cơ quan an ninh, truyền thông và tổ chức hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ

Ngoài những khuyến nghị đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và các địa phương, với TCTD, với hộ gia đình có nhu cầu vay vốn và các tổ chức đoàn thể, quần chúng tại các địa phương, để hạn chế, ngăn ngừa và loại bỏ tín dụng đen một cách hiệu quả, một số khuyến nghị đối với cơ quan an ninh, thông tin và truyền thông cũng như với các doanh nghiệp, tổ chức phát triển về kỹ thuật và công nghệ thông tin tài chính là hết sức cần thiết. Cụ thể như sau:

Trước hết, Bộ công an là nơi lưu giữ hệ thống dữ liệu rất lớn, bao gồm những thông tin cơ bản và quan trọng của toàn bộ người dân, nếu được sự phối hợp, trợ giúp chia sẻ những cơ sở dữ liệu này sẽ cho phép các tổ chức tín dụng sớm áp dụng công nghệ hiện đại để định danh khách hàng, giảm thiểu đáng kể thời gian, công sức và chi phí để thực hiện các món vay nhằm ngăn chặn và xóa bỏ tín dụng đen. Tiếp theo, với vai trò là cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật, bảo vệ cuộc sống và sự an toàn của người dân, an ninh và trật tự xã hội, Bộ Công an đã vào cuộc từ rất sớm và đấu tranh rất tích cực với tín dụng đen trong thời gian qua. Tuy nhiên, đa số các vụ việc vi phạm đã xảy ra và việc điều tra, chấn áp tội phạm tín dụng đen trong thời gian quan cũng chỉ là xử lý những đối tượng có hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân. Khuyến nghị trong thời gian tới là Bộ Công an cần chủ động và tích cực hơn nữa trong hoạt động điều tra phát hiện và cảnh báo sớm để có thể ngăn chặn, hạn chế những hậu quả nặng nề của hoạt động tín dụng đen. Với các vụ việc đã được phát hiện, Bộ Công an cần xử lý và trấn áp một cách kiên quyết và mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là sau khi có sự hoàn thiện các quy phạm pháp luật để xử lý loại tội phạm này;

Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo hoạt động tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng cũng như chỉ đạo các cơ quan Thông tin và Truyền thông ở các địa phương ưu tiên tối đa cho các nội dung tuyên truyền chống tín dụng đen. Các cơ quan truyền thông cần hỗ trợ: (1) tuyên truyền và phổ biến một cách hệ thống các chuyên đề về tín dụng đen và các biện pháp phòng chống tín dụng đen, các bài học kinh nghiệm về chống tín dụng đen ở các nước; (2) chuyển tải đầy đủ thông điệp về sự quyết tâm và quyết liệt chống tín dụng đen của Đảng và Nhà nước, của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đoàn thể các cấp từ trung ương đến địa phương; (3) tuyên truyền và phổ biến kiến thức cho người dân có thể nhận thức đầy đủ và nhận diện rõ ràng về tín dụng đen là tội phạm và một tệ nạn xã hội, tham giam vào hoạt động tín dụng đen là phạm pháp và tiếp tay cho các hành vi phạm tội; (4) truyền thông đầy đủ về các chương trình tín dụng chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi; (5) truyền thông đầy đủ các sản phẩm


và hoạt động cho vay nhằm hạn chế và loại bỏ tín dụng đen của các tổ chức tín dụng, nhấn mạnh vào phổ biến thông tin mang tính hướng dẫn, tư vấn, giới thiệu sản phẩm dịch vụ và cách thức tổ chức thực hiện để người dân hiểu rõ và dễ dàng trong việc tiếp cận các sản phẩm này và “nói không” với tín dụng đen;

Theo quan điểm của một số nhà lãnh đạo ngân hàng thương mại, tín dụng đen cần phải có dịch vụ ngân hàng số mới có thể giải quyết được triệt để vì công nghệ ngân hàng số cho phép dịch vụ tài chính nói chung bao gồm cả cho vay có thể được triển khai 24 giờ và 7 ngày trong tuần với chi phí thấp. Tuy nhiên, dịch vụ ngân hàng số lại chỉ có thể được phát triển khi có sự phát triển nhất định và đồng bộ của cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thông tin, cho phép các tổ chức tín dụng và các chủ thể khác có thể truy cập vào các cơ sở dữ liệu của Chính phủ, các bộ, ngành, v.v… Như vậy, ngăn chặn và loại bỏ tín dụng đen còn cần phải có sự hỗ trợ từ sự phát triển của các tổ chức công nghệ và cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phép thực hiện dịch vụ trên nền tảng dữ liệu lớn (big data), kể cả dữ liệu quốc gia, dữ liệu các doanh nghiệp và dữ liệu công dân và những cơ sở dữ liệu về hoạt động ngân hàng, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, bất động sản…; Các tổ chức phát triển công nghệ và các cơ quan quản lý cần cho phép sự chia sẻ cơ sở dữ liệu với nhau để tăng tiện ích, giảm chi phí, trên cơ sở phân quyền truy cập.

4.3. Hạn chế của đề tài và các hướng nghiên cứu tiếp theo

Thứ nhất, đề tài phát triển tiếp cận tín dụng của hộ kinh doanh cá thể theo hai hướng là tín dụng chính thức và tín dụng phi chính thức, nhưng không nghiên cứu tín dụng bán chính thức. Do đó, nếu phát triển nghiên cứu theo hướng tiếp cận tín dụng theo cả 3 hướng là chính thức, bán chính thức và phi chính thức sẽ bao quát được hết các vấn đề.

Thứ hai, mặc dù đã đánh giá được một số vấn đề về tiếp cận tín dụng phi chính thức, nhưng trên thực tế, nếu các hộ tiếp cận theo hướng sử dụng nguồn vốn từ phía họ/hụi/phường/biêu có thể phần nào coi là tín dụng bán chính thức, đặc biệt ở các vùng nông thôn, khi ủy ban nhân dân xã có quản lý hoạt động này. Các hoạt động dựa trên sự tín nhiệm lẫn nhau hoặc tín dụng ngang hàng này đóng góp một phần lớn vào tín dụng của các hộ kinh doanh cá thể. Do đó, một trong những điểm hạn chế của luận án là không đánh giá sâu vào tiếp cận tín dụng ngang hàng hoặc đánh giá tác động của tín dụng xoay vòng (ROSCAs). Thời điểm hiện tại, dưới sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (fintech), các hoạt động cho vay ngang hàng dựa trên nền tảng số (như peer to peer lending) phát triển rất mạnh, hoặc gọi vốn cộng đồng rất giống với hoạt động của họ/hụi/phường/biêu. Nếu có thể phát triển nghiên cứu theo hướng đánh giá ý định sử


dụng hoặc cơ chế pháp lý cho các hoạt động này thì sẽ bổ sung một khoảng trống lớn

đối với tiếp cận tín dụng của hộ gia đình.

Thứ ba, một lượng lớn các hộ kinh doanh cá thể mà tác giả nghiên cứu hoạt động ở vùng nông thôn hoặc các vùng có kinh tế khó khăn, được hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước trong việc tiếp cận vốn vay. Đồng thời, sau đại dịch Covid 19, các hộ kinh doanh cá thể cũng là đối tượng được hưởng vốn vay từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc một số ưu đãi từ phía các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Điều này góp phần thúc đẩy tín dụng chính thức phát triển. Mặc dù có đề cập đến trong phần khảo sát, nhưng luận án không phát triển vấn đề trên. Do đó, trong thời gian tới, nếu có thể xác định tiếp cận tín dụng ưu đãi hoặc tín dụng sau khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng do xuất phát từ dịch bệnh.

Thứ tư, đối với lý thuyết về tiếp cận tín dụng, luận án đang đánh giá khá nhiều về thu nhập. Trên thực tế, đối với tăng trưởng kinh tế, các lý thuyết hiện đại chú ý đến một số khía cạnh khác như thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển vùng… Vì vậy, có thể phát triển theo hướng tác động của tiếp cận tín dụng chính thức đến bình đẳng giới hoặc các mục tiêu quốc gia như xóa đói giảm nghèo.


KẾT LUẬN

Hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô sản xuất và tiếp cận tín dụng từ: (1) nguồn phi chính thức như vay người thân, bạn bè; (2) nguồn chính thức như vay từ các tổ chức tín dụng. Chính sự khác biệt hóa trong các sản phẩm tài chính của TCTD thể hiện chiến lược, đặc trưng của từng vùng miền để đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng. Trong điều kiện hiện nay, tiếp cận tín dụng chính thức và vai trò của các tổ chức tín dụng chính thức đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng kịp thời vốn cho các hộ gia đình để bổ sung vốn kinh doanh, đảm bảo quy trình sản xuất, hoạt động kinh doanh và dịch vụ được phát triển liên tục, bền vững.

Dựa trên cách tiếp cận từ phía cầu của dịch vụ tài chính cũng như tài chính toàn diện, luận án đã đưa ra các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức và phi chính thức của hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam. Thứ nhất, đối với mô hình tiếp cận tín dụng chính thức, tác giả đã thêm 1 biến là “hiểu biết tài chính” vào trong mô hình. Với việc thêm một biến vào mô hình, sẽ góp phần làm giầu thêm các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng phi chính thức của các hộ gia đình, cũng như mô hình lý thuyết gốc TPB được mở rộng ra đối với các hành vi không được khuyến khích.

Bên cạnh đó, luận án cũng đưa ra một số đóng góp về mặt thực tiễn như đã chứng minh được bằng thực nghiệp: như kinh nghiệm chủ hộ, lãi suất, khoảng cách, ngân hàng điện tử… đều tác động đến ý định tiếp cận tín dụng. Đồng thời, đối với tiếp cận tín dụng phi chính thức, ảnh hưởng xã hội, nỗ lực, hiểu biết tài chính và bảo mật có tác động dương. Từ đó, tác giả đưa ra một số giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng , các cơ quan đoàn thể tại địa phương và các hộ gia đình nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức cũng như hạn chế tín dụng đen.


DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN


1. Lê Hoàng Anh, Khúc Thế Anh (2019), “Tín dụng đen: bằng chứng thực nghiệm từ phía cung, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia Hạn chế tín dụng đen tại Việt Nam, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.

2. Lê Hoàng Anh (2020), “Các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng chính thức của hộ kinh doanh cá thể”, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1, tháng 9/2020.

3. Lê Hoàng Anh (2020), “Cơ sở phát triển của tín dụng phi chính thức”, Tài chính doanh nghiệp, số 9 năm 2020.

4. Khúc Thế Anh, Lê Hoàng Anh, Phạm Thị Nhật Linh (2020), “Access to banking capital of micro-enterprises and households”, 12th NEU-KKU International Conference Socio-Economic and Environmental Issues in development, Labours - social publishing house.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/11/2022