Đổi Mới Tư Duy Nghệ Thuật Và Cảm Hứng Cô Đơn Trong Văn Xuôi Việt Nam Sau 1975


Nam đương đại. Khẳng định đóng góp của các tác giả vào công cuộc đổi mới văn học.

Ở một góc độ nhất định, luận văn góp phần đánh giá, tổng kết sự đổi mới của văn xuôi Việt Nam đương đại nói riêng và văn học Việt Nam đương đại nói chung.

6. Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Đổi mới tư duy nghệ thuật và cảm hứng cô đơn trong văn xuôi Việt Nam sau 1975

Chương 2: Các kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn xuôi Việt Nam đương đại Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật cô đơn



PHẦN NỘI DUNG

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.

Chương 1: ĐỔI MỚI TƯ DUY NGHỆ THUẬT VÀ CẢM HỨNG CÔ ĐƠN TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

1.1. Bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam sau 1975

Các kiểu dạng nhân vật cô đơn trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Chu Lai và Nguyễn Danh Lam - 3

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã trở thành dấu mốc quan trọng, mở ra một thời kì mới của lịch sử dân tộc. Đất nước hoà bình thống nhất, cả nước có những đổi thay quan trọng trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, tư tưởng. Đi qua những năm tháng chiến tranh liên miên, đất nước bị tàn phá nặng nề, những di hại mà chiến tranh để lại vô cùng to lớn. Vì lẽ đó, dân tộc ta phải đối phó với vô vàn khó khăn sau ngày thống nhất. Nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng, cơ sở vật chất kĩ thuật bị tàn phá nặng nề, những dòng người tị nạn dắt díu nhau trên khắp các ngả đường, tiếng súng ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc vẫn chưa dừng. Thêm vào đó, bên ngoài lại bị sự bao vây cấm vận từ Mỹ và các nước Phương Tây, nhiệm vụ khôi phục kinh tế trở nên quá khó khăn. Những nguyên nhân khách quan ấy đặt đất nước vào tình thế cam go, buộc phải tìm một hướng đi mới để thay đổi hoàn cảnh, số phận toàn dân tộc.

Bên cạnh đó tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, chủ quan, duy ý chí, nóng vội vẫn còn tồn tại ở nhiều cá nhân, tập thể; thể hiện qua việc yếu kém trong quản lý xã hội, trong điều hành kinh tế, văn hóa… tất cả dồn ép, đẩy đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, khi mà sản xuất đình trệ, hàng hóa ít ỏi, lương thực thực phẩm không đủ cung cấp, đời sống nhân dân nghèo nàn, thiếu thốn, đói khổ. Văn hóa văn nghệ cũng nằm trong bối cảnh khó khăn chung của toàn dân tộc.

Đứng trước những yêu cầu lịch sử, sau khi miền Nam giải phóng, Đảng đã tổ chức hai kì Đại hội IV (năm 1976), V (1982) và hai kế hoạch 5 năm (1976-1980), (1981-1985) nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trì trệ sau chiến tranh, đáp ứng thiết yếu nhu cầu của đời sống nhân dân. Tư tưởng xây dựng nền văn hóa mới, con người mới được quán triệt, song về cơ bản vẫn chưa thoát khỏi tình


trạng giáo điều lạc hậu. Chỉ đến năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần VI diễn ra tại Hà Nội, với chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ, từ kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng đến văn hóa, từng bước hội nhập khu vực và thế giới thì văn hóa văn nghệ mới có điều kiện để thực sự thay đổi. Trong đó, chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lí của Nhà nước được xem là một quyết sách đúng đắn và sáng suốt. Từ mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang mô hình kinh tế thị trường sẽ tạo điều kiện tự do cạnh tranh thương mại, phát huy tính dân chủ, tạo mối liên hệ trong cộng đồng. Từ đó, tạo nhiều đổi thay quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong nhận thức, tư tưởng, tình cảm, nhu cầu của con người. Bên cạnh đó, định hướng phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn liền với sự phát triển chung của xã hội, trong đó con người phải được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển cá nhân. Đó là kết quả của việc kết hợp hài hòa các lợi ích toàn xã hội với lợi ích của các tập thể, cá nhân; là kết quả của việc phát huy dân chủ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Có thể nói, Đại hội Đảng lần VI là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của lịch sử phát triển đất nước. Trên tinh thần chung, Đại hội đã nhìn nhận, đánh giá, phân tích đúng thực trạng đất nước sau ngày giải phóng, từ đó đề ra phương hướng giải pháp tích cực nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu về kinh tế, bảo thủ, trì trệ về tư tưởng. Đồng thời, Đại hội cũng tạo ra những tiền đề chính trị quan trọng để đưa đất nước bước vào thời kì Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa, từng bước phát triển xứng tầm với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tạo tiền đề đảm bảo ổn định, phát triển chung của xã hội, trong đó có văn học.

Trên tinh thần đổi mới toàn diện với không khí cởi mở, dân chủ của toàn dân tộc, văn học có những điều kiện quan trọng để làm nên một bước nhảy, một cú “vượt rào”, như Giáo sư Hà Minh Đức đã nhận định: "Đại hội Đảng lần thứ VI đã mở ra


một thời kì mới cho đất nước, cho sự đổi mới trong tư duy, bao gồm cả tư duy nghệ thuật. Thái độ thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá đúng bản chất của các hiện tượng xã hội, tinh thần dân chủ được phát huy trong quá trình đổi mới đã tạo nên sự thúc đẩy lớn lao cho sự phát triển văn xuôi." [58].

Đặc biệt phải kể đến những chủ trương chính sách đúng đắn, kịp thời, tiến bộ của Đảng và Nhà nước về văn hóa văn học. Trên diễn đàn của Đại hội VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng đã tuyên bố “cởi trói”, “đổi mới tư duy”, nhấn mạnh với “nhiều việc cần làm ngay”, chính vì thế, tạo điều kiện thuận lợi để các văn nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Những biến động phức tạp của đời sống thực sự là “vùng trời, vùng đất” thích hợp nếu không muốn nói là lý tưởng cho sự sáng tạo của người cầm bút. Đất nước chuyển mình, tâm lý và nhịp sống thời đại đổi thay, thị hiếu thẩm mĩ và nhu cầu tiếp nhận văn chương thời kì này đã khác trước. Điều đó đòi hỏi nhà văn phải nỗ lực hơn nữa trên hành trình lao động nghệ thuật của mình để rút ngắn lại khoảng cách giữa văn học và đời sống, giữa nhà văn và bạn đọc, xây dựng quan hệ bình đẳng.

Tiếp sau Đại hội VI là Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo đưa văn học nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới” [53 ]. Đây là Nghị quyết riêng đầu tiên của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ có giá trị và ý nghĩa quan trọng cho việc giải phóng tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ. Đồng thời, Nghị quyết khẳng định sự cần thiết đổi mới nâng cao trình độ lãnh đạo quản lý văn hóa văn nghệ. Văn nghệ thời kì này phải biết cổ vũ cái tốt, thẳng thắn phê phán cái xấu, chống các khuynh hướng trái với đường lối, đặt văn học nghệ thuật trước một nhiệm vụ mới quan trọng: “Bảo đảm tự do dân chủ cho mọi sáng tạo của văn học nghệ thuật, tạo điều kiện làm việc thuận lợi để phát huy hiệu quả của lao động nghệ thuật”. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng tác động trực tiếp đến quá trình đổi mới văn học nghệ thuật nước nhà trong tình hình mới. Đặc biệt cuộc gặp gỡ của


Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ vào tháng 10 năm 1987 tại Hà Nội. Tổng Bí thư đã nêu lên những suy nghĩ của mình về việc “đổi mới văn hóa văn nghệ”, đồng thời cũng nhắc nhở vị trí, trách nhiệm của người sáng tạo nghệ thuật “Những người làm công tác văn hóa, văn nghệ cũng là những người sản xuất, lại là những người sản xuất ra sản phẩm cao cấp cho xã hội”… Chính vì vậy, “Nếu trong lĩnh vực kinh tế cần phải phát huy dân chủ cho người sản xuất thì ở lĩnh vực của các đồng chí, các đồng chí cũng phải tự làm chủ”[53], người nghệ sĩ cần phải sáng tạo, không thể khô cứng làm theo khuôn mẫu, theo con đường sẵn có vậy nên “không được áp đặt mọi công việc như đặt con tàu chạy trên đường ray”. [61].

Nhiệm vụ cao cả của văn chương là phải sáng tạo, dấn thân tìm tòi và đổi mới. Người nghệ sĩ phải tạo cho mình một lối đi riêng, mới mẻ, độc đáo; không sao chụp lối mòn của người đi trước đã đi. Có thể nói, chưa bao giờ vai trò, trách nhiệm của người cầm bút và tính chân thực của văn học lại được đặt ra một cách khẩn trương và toàn diện đến thế.

Công cuộc đổi mới đã đáp ứng nguyện vọng của các nhà văn và độc giả cũng như quy luật phát triển khách quan của lịch sử và nó đã khẳng định tính đúng đắn, tiên phong của mình trở thành phong trào mạnh mẽ. Bằng chứng là đã có rất nhiều tác phẩm thời kì này xuất hiện trên văn đàn: Từ những năm 1976 Thái Bá Lợi cho ra mắt độc giả Hai người trở lại trung đoàn. Nguyễn Trọng Oánh với Đất trắng , Nguyễn Khải với Cha và con. Từ đầu những năm 1980 văn học bước vào giai đoạn sôi nổi hơn, bằng chứng là sự ra đời của nhiều tác phẩm mới như Nguyễn Mạnh Tuấn với Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển, Cù lao tràm; Ma Văn Kháng với Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn; Nguyễn Minh Châu với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê; Lê Lựu với Thời xa vắng; Nguyễn Khải với Thời gian của người,… Kể từ sau 1986 điểm đến những sáng tác như: Chu Lai với Ăn mày dĩ vãng, Phố, Ba lần và một lần, Vòng tròn bội bạc,… Nguyễn Huy Thiệp với Tướng về hưu, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Chảy đi sông ơi,… Tạ


Duy Anh với Bước qua lời nguyền, Lão Khổ, Đi tìm nhân vật,Thiên thần sám hối, Giã biệt bóng tối …

Như vậy, hoàn cảnh lịch sử mới đã tạo nên một thời kì văn học mới với những thay đổi rõ nét, phát triển theo hướng dân chủ. Trong đó, “Tinh thần nhân bản và sự thức tỉnh ý thức cá nhân” là nền tảng tư tưởng và cảm hứng chủ đạo bao trùm văn học giai đoạn này. Chính sự thức tỉnh ý thức cá nhân đã mở rộng cánh cửa cho văn học khai thác được nhiều đề tài và chủ đề mới, làm thay đổi quan niệm về con người. Con người giờ đây được nhìn ở nhiều vị thế đa chiều, đó không chỉ là con người xã hội, con người lịch sử mà đó còn là con người trong quan hệ với gia đình với thiên nhiên môi trường. Hơn hết, đó là con người với chính mình, với những buồn vui, sướng khổ, được mất,… Con người đi vào văn học một cách trần trụi, nhân bản và giàu tính hướng thiện.

1.2. Những chuyển đổi tư duy nghệ thuật từ sau 1975

Nhìn lại lịch sử văn học, theo lệ thường, một khi lịch sử đã chuyển đoạn thì văn học nghệ thuật tất yếu cũng phải chuyển theo. Điều kiện lịch sử xã hội với những chuyển đổi cơ bản sau giải phóng, đặc biệt sau Đại hội Đảng lần thứ VI đã tác động mạnh mẽ đến ý thức xã hội, kéo theo nó là những chuyển đổi mạnh mẽ trong ý thức của nhà văn về sáng tạo nghệ thuật. Nền kinh tế thị trường với tất cả tính chất phức tạp, gai góc của nó khiến con người không thể nhìn cuộc sống bằng nhãn quan sử thi thuần khiết như những năm trước chiến tranh. Những thước đo giá trị cũ, những chuẩn mực cũ giờ đây khi cọ xát với đời sống xô bồ, phức tạp của thời hiện đại dần mất đi tính tuyệt đối của nó. Những vấn đề mới đặt ra trong cuộc sống thời hậu chiến tất yếu đi vào sáng tác cùng nỗi ưu tư day dứt của người nghệ sĩ. Và đối tượng phản ánh của văn xuôi sau 1975 thuộc về số phận cá nhân với những trăn trở của họ về đời sống vật chất và tinh thần. Hiện thực đó đòi hỏi văn học phải gắn bó hơn với cuộc sống, đi sâu khám phá con người một cách đa diện, sâu sắc hơn: Văn học phải tham gia tích cực vào “Cuộc giao tranh giữa cái tốt và cái xấu trong mỗi con người – một


cuộc giao tranh không có gì ồn ào nhưng xảy ra từng giờ, từng ngày và khắp mọi lĩnh vực đời sống.” (Nguyễn Minh Châu). Văn học phải khám phá được con người trong chiều sâu bí ẩn trong tâm hồn, trong sự bề bộn của cuộc sống.

Như được khích lệ, các nhà văn đã không ngần ngại bày tỏ quan niệm của mình về hiện thực cuộc sống, đặc biệt là về con người một cách sâu sắc và toàn diện nhất. Văn học trước 1975, văn học thường nhìn con người chủ yếu ở tư cách con người công dân, con người giai cấp, con người dân tộc. Vì thế mà những bình diện khác của con người, những tư cách khác của con người thường ít được văn học chú ý, nếu có được quan tâm thì cũng dùng hệ qui chiếu của các giá trị cộng đồng. Nhà văn thường lấy lí tưởng, hành động cách mạng làm thước đo giá trị, phẩm chất của con người, vì thế, con người trong giai đoạn ấy được tái hiện trong khuôn mẫu của lí tưởng cộng sản, hành động anh hùng, khát vọng vì Tổ quốc. Sau 1975, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ của toàn dân tộc đã kết thúc, con người được trở về với đời sống thường nhật cùng những bộn bề lo toan và hơn hết con người còn phải đấu tranh với chính bản thân để hoàn thiện mình, để hòa hợp với cuộc sống, với gia đình, với tập thể. Con người “hôm qua” thuộc về cộng đồng, số đông đã nhường chỗ cho con người “hôm nay” thuộc về cá thể, hiện lên với tư cách cá nhân, trong nhiều tầng quan hệ . Thực tế đó, đòi hỏi văn học phải thay đổi, thay đổi từ quan niệm, đến cách viết.

Bằng sự nhạy bén của mình, các nhà văn đương đại đã khắc phục những hạn chế của “thời xa vắng” nhanh chóng bắt kịp thời cuộc. Nhìn thẳng vào sự thật, viết về “cái hôm nay ngổn ngang bề bộn, màu đỏ với màu đen đầy rẫy những biến động bất ngờ.” (Nguyễn Khải). Bên cạnh việc phản ánh những đổi thay của hiện thực thì việc khắc họa số phận cá nhân trong văn xuôi đương đại là vấn đề lớn được các cây bút quan tâm. Bởi như Nguyễn Minh Châu đã nói “Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm nhưng tâm điểm là con người.”. Con người là điểm xuất phát, là đối tượng khám phá chủ yếu, vừa là cái đích đến cuối cùng của văn học, đồng thời cũng là điểm qui chiếu, là thước đo giá trị của mọi vấn đề xã hội, mọi sự kiện và biến cố


lịch sử. Ở cuộc sống mới, con người trong tổng hòa của những mối quan hệ xã hội trở nên phức tạp hơn. Thế nên, chẳng phải ngẫu nhiên cảm hứng thế sự đời tư nổi lên như một vấn đề trung tâm của mọi “nỗ lực sáng tạo” trong văn xuôi đương đại. Ngay cả những sáng tác viết về nhiều đề tài khác như nông thôn, thành thị, nông dân, công nhân, trí thức, người vợ, người mẹ, … nhà văn vẫn xoáy thật sâu vào những vẫn đề cốt yếu thông qua tâm điểm nhân vật. Những niềm vui, nỗi buồn, sự sướng khổ, được mất,… đi vào văn chương một cách chân thực và rõ nét hơn bao giờ và được xem như một kiểu “tư duy thời đại”. Cũng là lính, cũng là công nhân, nông dân, người phụ nữ, trí thức,… nhưng giờ đây, họ được soi chiếu từ nhiều góc độ và đặc biệt họ được đặt vào giữa vòng xoáy cuộc đời, kể cả những vòng xoáy nghiệt ngã nhất. Bằng cách ấy, các nhà văn thời kì này đã để nhân vật của mình được đối diện với mọi vấn đề phức tạp của cuộc sống. Từ đó, con người có thể bộc lộ mình thông qua những lời thoại, tình huống, hoàn cảnh, qua các mối quan hệ và qua cả những suy tư thầm kín của riêng mình bằng những lời tự vấn. Các nhà văn đã không đơn giản nhìn họ bằng nhãn quan thuần khiết một chiều, dễ dãi; càng không có ý nhân nhượng hay thỏa hiệp để chỉ thấy những điểm tốt, mặt lí tưởng của họ. Ngược lại các nhà văn đã miêu tả họ với đầy đủ màu sắc khác nhau, ở nhiều vị trí, trên nhiều bình diện, xấu có tốt có, vui có buồn có, hạnh phúc có khổ đau có, có mất mát, tổn thương, sám hối và có cả ước mơ; thậm chí, nhân vật được đặt vào những “góc tăm tối nhất”. Ở họ không có những “bất ngờ may rủi”, không mờ nhạt mà “đầy những vết dập xóa trên thân thể và tâm hồn”. Vì thế, nhân vật trong văn xuôi đương đại không còn một chiều, đơn điệu mà có sự kết hợp giữa ngoại hình và nội tâm, giữa ý thức và vô thức, giữa dục vọng và bản năng ước mơ thánh thiện,…

Chính những thay đổi về tư duy nghệ thuật, đã dẫn đến những đổi thay quan trọng trong quan niệm nghệ thuật về con người, sự đa dạng về bút pháp, giọng điệu, ngôn ngữ, nghệ thuật trần thuật. Nhưng trước hết, việc thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người là điều kiện để văn xuôi đương đại tạo nên sự phong phú về các kiểu

Xem tất cả 124 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí