Quyền Chỉ Định Người Giữ Di Chúc

Bổ sung di chúc là hành vi của người lập di chúc bổ sung nội dung của di chúc mà trong nội dung của di chúc đã lập chưa đề cập đến hoặc đã đề cập nhưng không đầy đủ. Việc bổ sung di chúc có thể làm cho di chúc rò ràng, cụ thể, chi tiết hơn. Ví dụ: Ông Nguyễn Văn X là chủ sở hữu của hai ngôi nhà, trong đó có nhà số 84 phố Lý Thường Kiệt và nhà số 48 phố Nguyễn Chí Thanh, thành phố Hà Nội. Năm 2003, ông X lập di chúc định đoạt cho con trai trưởng là Nguyễn Văn A ngôi nhà số 84 phố Lý Thường Kiệt. Mặc dù di chúc của ông X không ghi rò diện tích đất, diện tích nhà, loại nhà, nhưng mọi người ai cũng hiểu về tính đặc định của ngôi nhà do di chúc nói rò về vị trí nhà mang số 84 phố Lý Thường Kiệt. Năm 2004, ông X lập di chúc khác khẳng định lại ý chí đã cho anh Nguyễn Văn A ngôi nhà số 84 phố Lý Thường Kiệt và ông bổ sung thêm các đặc điểm của ngôi nhà số 84 Lý Thường Kiệt như: Nhà 2 tầng diện tích sử dụng 200 m2 trên diện tích đất 400 m2, tại tờ bản đồ số 30 được lập năm 2004 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Như vậy, di chúc năm 2004 của ông Nguyễn Văn X là nhằm mục đích bổ sung cho di chúc năm 2003.

Trong thực tế có những trường hợp người lập di chúc lại lập thêm một di chúc mới mà nội dung định đoạt một tài sản khác so với di chúc đã lập. Sự kiện này có được coi là bổ sung di chúc hay không, trong khoa học pháp lý còn có hai loại quan điểm khác nhau:

- Loại quan điểm thứ nhất cho rằng, di chúc sau không liên quan đến nội dung định đoạt của di chúc trước đó, cho nên đây là di chúc mới, không phải là bổ sung di chúc.

- Quan điểm thứ hai cho rằng, về bản chất di chúc sau chính là bổ sung cho di chúc trước về việc định đoạt tiếp phần tài sản của người lập di chúc, mà không phải là di chúc mới, bởi vì di chúc trước người lập di chúc đã không định đoạt hết tài sản.

Trước hết, việc xác định di chúc sau là di chúc mới, độc lập hay chỉ là bổ sung cho di chúc trước có ý nghĩa quan trọng cả trong khoa học pháp lý và thực tiễn giải quyết tranh chấp thừa kế theo di chúc. Nếu như cho rằng, di chúc sau chỉ là bổ sung cho di chúc trước thì đương nhiên, hiệu lực của di chúc sau sẽ phụ thuộc vào giá trị pháp lý của di

chúc trước. Còn nếu xác định di chúc trước và di chúc sau hoàn toàn độc lập với nhau thì giá trị pháp lý của di chúc trước không ảnh hưởng gì đến hiệu lực của di chúc sau.

Trong hai loại ý kiến trên thì quan điểm thứ nhất có tính thuyết phục hơn, bởi vì pháp luật dân sự không ngăn cấm một người lập nhiều di chúc khác nhau để định đoạt nhiều tài sản khác nhau thuộc sở hữu của người lập di chúc. Mặt khác, mặc dù có nhiều di chúc, nhưng những di chúc này độc lập với nhau trong việc định đoạt tài sản. Mỗi di chúc định đoạt một hoặc một vài tài sản khác nhau. Cho nên, đây là trường hợp một người lập nhiều di chúc, mà không phải bổ sung di chúc.

Trường hợp xác định là bổ sung di chúc thì phần bổ sung di chúc chỉ được xem xét về giá trị pháp lý khi di chúc chính (được người lập di chúc lập trước đó) có hiệu lực pháp luật. Nếu di chúc chính không có giá trị thì phần bổ sung di chúc cũng không có giá trị. Ví dụ như trường hợp đã nêu trên, nếu ngôi nhà số 84 Lý Thường Kiệt không phải thuộc quyền sở hữu của ông X thì đương nhiên phần bổ sung di chúc vào năm 2004 của ông X không có giá trị vì di chúc năm 2003 của ông X đã không phát sinh hiệu lực do ông X định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác.

Hủy bỏ di chúc là hành vi của người lập di chúc thể hiện ý chí tự nguyện của mình bãi bỏ di chúc đã lập. Theo quy định tại khoản 3 Điều 665 Bộ luật dân sự năm 1995 thì chỉ khi người lập di chúc thay thế di chúc bằng một di chúc mới, thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Chúng tôi cho rằng, việc quy định trên là chưa dự đoán hết các tình huống xảy ra trên thực tế, ví dụ: Trường hợp người lập di chúc thực hiện hành vi xé, đốt, tiêu hủy di chúc có được coi là họ đã hủy bỏ di chúc hay không? Hoặc người lập di chúc lập văn bản, có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tuyên bố hủy bỏ di chúc đã viết thì có được coi là hợp pháp hay không?

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Từ thực tiễn giải quyết các tranh chấp thừa kế theo di chúc, chúng tôi cho rằng, những trường hợp nêu trên vẫn phải được xem xét một cách nghiêm túc để đảm bảo đúng pháp luật, nhưng cũng phải cân nhắc để xác định đúng ý chí của người lập di chúc.

Đối với trường hợp người lập di chúc xé, đốt, tiêu hủy di chúc: Đây không phải là trường hợp hiếm có trên thực tế. Tuy nhiên, thông thường những di chúc đã bị xé, đốt, tiêu hủy rồi thì coi như người để lại di sản không lập di chúc vì các đương sự không ai có thể xuất trình được di chúc để yêu cầu chia thừa kế theo di chúc. Tuy vậy, việc xé, đốt, tiêu hủy di chúc của người lập di chúc vẫn chưa thể đảm bảo tuyệt đối rằng mầm mống của việc tranh chấp thừa kế theo di chúc đó không còn tiềm ẩn; bởi vì, khi người lập di chúc chết mà không để lại di chúc nào khác, nếu người được thừa kế theo di chúc có bản phô tô di chúc (di chúc đảm bảo tính hợp pháp được mọi người thừa nhận, các đương sự khác chỉ khai là đã bị người lập di chúc xé, đốt, tiêu hủy) yêu cầu chia thừa kế theo di chúc. Lý do không có bản di chúc gốc, người đó có thể khai là do bị thất lạc, do nhà bị hỏa hoạn… nên không còn; các đương sự khác đều thừa nhận có di chúc này, nhưng cho rằng người lập di chúc đã xé, đốt, tiêu hủy di chúc, nhưng những chứng cứ thể hiện cho việc tiêu hủy thường là không có vì nếu có việc xé, đốt, tiêu hủy di chúc thì không ai lại lập thành văn bản để xác nhận có việc tiêu hủy.

Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự - 6

Trong trường hợp người lập di chúc tại công chứng nhà nước và yêu cầu công chứng nhà nước giữ bản di chúc của mình, thì khi nhận giữ, công chứng viên phải lập hai bản có nội dung như nhau, một bản giao cho người lập di chúc và một bản lưu tại Phòng Công chứng nhà nước. Vì vậy, việc xé, đốt, tiêu hủy di chúc của người lập di chúc là chỉ với di chúc mà họ đang giữ, còn di chúc đang lưu giữ ở công chứng nhà nước vẫn còn nguyên vẹn. Sau thời điểm mở thừa kế, công chứng viên công bố di chúc và gửi bản sao di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc. Khi có tranh chấp xảy ra, người thừa kế yêu cầu chia thừa kế theo di chúc được lưu giữ ở công chứng nhà nước thì Tòa án vẫn phải xem xét yêu cầu của họ, nếu những người khác không có chứng cứ chứng minh di chúc đã bị người lập di chúc tự nguyện hủy bỏ.

Hiện nay, pháp luật dân sự Việt Nam chưa quy định về hình thức hủy bỏ di chúc mà chỉ đưa ra một trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 665 mà thực chất quy định này là thay thế di chúc. Vì vậy, để pháp luật được thực hiện thống nhất, góp phần hạn chế những tranh chấp phát sinh từ việc không quy định này, chúng tôi đề nghị cần quy định rò về hình thức thể hiện việc hủy bỏ di chúc.

Pháp luật Nhật Bản không quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như pháp luật dân sự Việt Nam, nhưng tại mục V Bộ luật dân sự Nhật bản quy định về "Rút di chúc". Về bản chất, việc rút di chúc cũng chính là sửa đổi, bổ xung, thay thế, hủy bỏ di chúc, chỉ khác nhau về cách gọi.

Điều 1022 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định: "Bất cứ lúc nào người lập di chúc cũng có thể rút lui toàn bộ hoặc một phần di chúc của mình tuân theo một trong những hình thức di chúc".

Điều 1023 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định: "Nếu di chúc trước không phù hợp với di chúc sau, thì phần không phù hợp của di chúc trước coi như được rút lui...".

Điều 1024 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định: "Nếu người lập di chúc cố tình hủy bỏ di chúc, thì phần di chúc đã hủy bỏ được coi như đã rút lui. Quy định này được áp dụng kể cả khi người lập di chúc cố ý phá hủy di sản theo di chúc" [8].

Theo Bộ luật dân sự Pháp thì thay thế, hủy bỏ di chúc được quy định tại mục VIII chương V thiên II. Điều 1035 quy định: "Di chúc chỉ có thể bị hủy toàn bộ hoặc một phần bởi một di chúc sau hoặc một chứng thư tuyên bố thay đổi ý chí do công chứng viên lập ra". Điều 1036 quy định: "Những di chúc sau nếu không viết rò ràng là hủy di chúc trước thì chỉ hủy những điều trong di chúc trước không thích hợp hoặc trái với những quy định trong di chúc sau" [5].

Như trên đã phân tích thì trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới, thì di chúc trước bị hủy bỏ. Di chúc mới có thể khẳng định trong nội dung về việc di chúc cũ không còn hiệu lực, nhưng nếu di chúc mới không nói tới việc mất hiệu lực của di chúc cũ thì di chúc cũ cũng đương nhiên mất hiệu lực. Di chúc là ý chí của người lập di chúc nhằm định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác. ý chí của người lập di chúc có thể bị thay đổi phụ thuộc vào các thời điểm, do nhiều nguyên nhân khác nhau: Do tình cảm với từng người con trong những giai đoạn khác nhau có sự khác nhau, do sự chăm sóc, quan tâm của các con với người lập di chúc trong các giai đoạn khác nhau có khác nhau, do thương người con có hoàn cảnh khó khăn nhất… Vì vậy, ở các thời điểm khác nhau thì người lập di chúc có ý chí khác nhau trong

việc định đoạt tài sản. Nếu ý chí của người lập di chúc được thể hiện ra bằng di chúc thì di chúc trước đó bị mất hiệu lực, nếu như cả hai di chúc đều định đoạt một loại tài sản và đây chính là việc thay thế di chúc.

Khoản 5 Điều 670 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định: "Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản, thì chỉ bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực pháp luật" [6]. Pháp luật không quy định một người có quyền để lại tối đa bao nhiêu di chúc đối với một tài sản. Do vậy, để định đoạt tài sản, một người có thể có nhiều di chúc. Di chúc có hiệu lực pháp luật là bản di chúc thể hiện ý chí sau cùng của người lập di chúc.

2.2.7. Quyền chỉ định người giữ di chúc


Pháp luật quy định công dân có quyền lập di chúc, đồng thời pháp luật cũng cho phép người lập di chúc có quyền chỉ định người giữ di chúc. Người giữ di chúc có thể là một cá nhân, một công dân cụ thể, nhưng cũng có thể là công chứng nhà nước.

Nếu di chúc được gửi giữ tại công chứng nhà nước thì việc bảo quản, giữ gìn, công bố di chúc phải theo đúng quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về công chứng. Khi nhận giữ di chúc, công chứng viên phải lập hai bản có nội dung như nhau, một bản giao cho người lập di chúc và một bản lưu tại Phòng Công chứng nhà nước. Trong trường hợp bản di chúc được lưu giữ tại công chứng nhà nước, thì công chứng viên là người công bố di chúc. Việc công bố di chúc phải có biên bản. Sau thời điểm mở thừa kế, công chứng viên phải gửi bản sao di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc. Bản sao di chúc này phải có chứng nhận của công chứng viên.

Nếu người giữ di chúc là cá nhân thì cá nhân đó phải có nghĩa vụ giữ bí mật nội dung di chúc. Người giữ di chúc không được tiết lộ cho những người thừa kế hoặc bất cứ người nào về nội dung của di chúc. Người giữ di chúc phải bảo quản, giữ gìn cẩn thận bản di chúc, tránh việc di chúc bị hư hại, thất lạc, bị mất. Trong trường hợp người lập di chúc còn sống, nếu do những nguyên nhân khác nhau mà di chúc bị thất lạc, hư hại thì cá nhân giữ bản di chúc phải thông báo ngay cho người lập di chúc biết. Khi người lập di chúc chết, cá nhân giữ bản di chúc phải giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền

công bố di chúc. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của hai người làm chứng.

Hiện nay pháp luật dân sự nước ta chưa có quy định nào về điều kiện của những người được giữ di chúc. Chúng tôi cho rằng việc quy định các điều kiện đối với người giữ di chúc là cần thiết. Mặt khác, các quyền lợi của người nhận giữ di chúc cũng cần phải được quy định.

2.2.8. Chỉ định người quản lý di sản


Quản lý di sản là hành vi của một hoặc nhiều người với mục đích nhằm giữ gìn giá trị sử dụng của di sản, bảo vệ sự tồn tại của di sản, tránh việc di sản bị mất, hư hỏng. Trên nguyên tắc tôn trọng quyền định đoạt của chủ sở hữu tài sản, chỉ định người quản lý di sản là một loại quyền của người lập di chúc được pháp luật ghi nhận. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Người lập di chúc có quyền chỉ định bất cứ người nào quản lý di sản mà không phụ thuộc vào việc người quản lý di sản có phải là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc hay không. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản, thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản. Trong trường hợp di sản không có người quản lý và chưa xác định được người thừa kế thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.

Người quản lý di sản có quyền và nghĩa vụ nhất định được Bộ luật dân sự năm 1995 quy định tại Điều 642, Điều 643. Theo các quy định này thì người quản lý di sản được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế. Đồng thời, người quản lý di sản có nghĩa vụ lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu; bảo quản di sản, không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản; thông báo về di sản cho những người thừa kế; bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại…

2.2.9. Chỉ định người phân chia di sản

Người phân chia di sản cũng giống như người giữ di chúc, người quản lý di sản đều do người lập di chúc chỉ định. Người phân chia di sản là người nào đó bất kỳ, không bó hẹp trong phạm vi những người được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người phân chia di sản có nghĩa vụ phải phân chia di sản theo đúng ý chí của người lập di chúc. Nếu di chúc không xác định rò phần của từng người thừa kế, thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật, thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác, thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản, thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản. Trong trường hợp di chúc không định đoạt toàn bộ di sản thì việc phân chia phần di sản còn lại phải được sự đồng ý của toàn thể những người thừa kế theo pháp luật.

Người phân chia di sản cũng có thể do những người thừa kế cử ra, trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không chỉ định người phân chia di sản. Người phân chia di sản được hưởng thù lao theo di chúc hoặc theo sự thỏa thuận với các thừa kế.

Theo pháp luật dân sự Nhật Bản và pháp luật dân sự Pháp thì người lập di chúc có quyền chỉ định một hoặc nhiều người thực hiện di chúc, trong đó có phân chia di sản (Điều 1006, 1007 Bộ luật dân sự Nhật Bản, Điều 1025, 1026 Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp). Pháp luật dân sự của Pháp còn quy định: "Người chưa thành niên không được là người thực hiện di chúc dù người giám hộ hay người quản tài của họ cho phép" (Điều 1030) [5].


2.2.10. Dành một phần di sản để di tặng


Điều 674 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 671 Bộ luật dân sự năm 2005) quy định về di tặng như sau:

1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rò trong di chúc.

2. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người di tặng, thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này [6], [7].

Trước tiên cần phải khẳng định rằng: Di tặng không phải là hợp đồng tặng cho, bởi vì hợp đồng tặng cho là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận. Như vậy, chủ thể tặng cho và chủ thể được tặng cho đều còn sống và cả hai bên đều thể hiện ý chí tặng cho tài sản và nhận tặng cho tài sản. Trong quan hệ di tặng, thì việc di tặng là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc, không thể hiện ý chí của người được di tặng. Nếu như trong hợp đồng tặng cho thì hợp đồng được coi là hoàn thành khi người được tặng cho nhận được tài sản (đối với tài sản không phải đăng ký) hoặc kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu (đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu), thì trong di tặng quyền của người được di tặng chỉ phát sinh tại thời điểm mở thừa kế (khi người di tặng chết).

Người được di tặng có quyền nhận hoặc không nhận quyền hưởng di tặng. Trong thừa kế theo di chúc, người thừa kế theo di chúc chỉ được hưởng di sản sau khi đã thanh toán các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại từ di sản. Người được di tặng không phải dùng tài sản được di tặng để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết nếu di sản khác của người để lại di tặng vẫn còn đủ để thanh toán. Nếu người được di tặng từ chối nhận di tặng, thì phần tài sản di tặng được chia thừa kế theo pháp luật.

Quyền của người lập di chúc để lại di tặng chỉ bị hạn chế trong trường hợp có những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, trong trường hợp người lập di chúc định đoạt toàn bộ di sản để di tặng. Đây là điểm tương đồng với pháp luật dân sự của Cộng hòa Pháp. Theo pháp luật Cộng hòa Pháp thì người lập di chúc có quyền di tặng toàn bộ tài sản của mình cho người được di tặng. Điều 1003 Bộ luật dân sự Pháp quy định: "Di tặng toàn bộ tài sản là quy định của di chúc theo đó người lập di chúc cho một hoặc nhiều người toàn bộ tài sản người ấy để lại sau khi chết" [5].

Xem tất cả 118 trang.

Ngày đăng: 23/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí