Quy Định Của Pháp Luật Dân Sự Việt Nam Về Hình Thức Di Chúc

Quyền của người lập di chúc được pháp luật quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 1995, bao gồm những quyền sau:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản;

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Trong thực tế thì không phải bất cứ người lập di chúc nào cũng thực hiện đúng các quyền được ghi nhận trên, hoặc là sử dụng một phần, hoặc lại sử dụng quá cả phần quyền được pháp luật quy định. Về thực hiện quyền phân định di sản thì người lập di chúc cũng có sự phân định di sản khác nhau: Có di chúc chỉ phân định một phần di sản cho người thừa kế, còn một phần di sản di chúc không nhắc đến. Trên thực tế cũng có những di chúc định đoạt cả phần tài sản của người khác (thường là định đoạt toàn bộ tài sản chung vợ chồng). Trong trường hợp này, di chúc chỉ có hiệu lực một phần tương ứng với di sản của người lập di chúc.

Di chúc là ý chí chủ quan của người có tài sản được thể hiện dưới một hình thức khách quan do pháp luật quy định để định đoạt tài sản của mình cho người khác hưởng sau khi chết.

1.2.2. Phân loại di chúc

Căn cứ vào hình thức của di chúc ta chia di chúc thành hai loại sau: di chúc bằng văn bản và di chúc miệng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

- Di chúc bằng văn bản: là loại di chúc được thể hiện dưới dạng chữ viết có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Di chúc bằng văn bản bao gồm các loại sau:

+ Di chúc bằng văn bản có người làm chứng

Điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng theo quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam - 3

+ Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

+ Di chúc bằng văn bản có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận của công chứng Nhà nước

+ Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực

- Di chúc miệng: là sự bày tỏ bằng lời nói ý chí của người để lại di sản thừa kế lúc còn sống trong việc định đoạt khối di sản của mình cho người khác sau khi mình chết.

1.2.3. Đặc điểm của di chúc

Di chúc có những đặc điểm riêng biệt so với các giao dịch dân sự khác ở những điểm sau:

Đặc điểm thứ nhất: Di chúc thể hiện ý chí đơn phương của người lập di chúc.

Ý chí đơn phương này được thể hiện qua việc người lập di chúc toàn quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc không phải bàn bạc với bất kỳ ai trong việc định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình (trường hợp lập di chúc chung vợ chồng thực chất thì vẫn là phần tài sản của ai thì người đó có quyền định đoạt). Người lập di chúc không có nghĩa vụ phải trao đổi với những người thừa kế về nội dung di chúc. Người lập di chúc phải tự nguyện, không bị đe dọa, cưỡng ép trong việc lập di chúc. Di chúc thể hiện ý chí của người lập di chúc, không bị sự chi phối nào của người khác. Bằng việc lập di chúc, người để lại di sản đã xác lập một giao dịch dân sự về thừa kế theo di chúc.

Ý chí đơn phương của người lập di chúc còn được thể hiện việc người lập di chúc toàn quyền định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình cho bất kỳ ai và có quyền cho ai bao nhiêu phần trăm số tài sản thuộc quyền sở hữu của mình mà không phụ thuộc vào việc người được hưởng thừa kế theo di chúc có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng hay thân thích với người lập di chúc. Người lập di chúc có thể cho người này nhiều, người kia ít, hoặc không cho người nào đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

Như vậy, nếu như trong tất cả các loại hợp đồng dân sự đều phải thể hiện ý chí của các bên tham gia hợp đồng và các bên đều phải tự nguyện thỏa thuận, bàn bạc, trao đổi,... thì di chúc chỉ thể hiện ý chí của bên lập di chúc. Hợp đồng dân sự chỉ phát sinh hiệu lực khi các bên tham gia hợp đồng thống nhất được những điều khoản ghi nhận trong hợp đồng và cùng nhau ký kết hợp đồng, còn trong di chúc thì không có sự thống nhất giữa người lập di chúc và người được thừa kế theo di chúc. Thực tế đã có nhiều trường hợp người được hưởng thừa kế theo di chúc không thể biết mình có quyền được hưởng di sản theo di chúc vì di chúc chưa được công bố và được cất giữ bí mật.

Đối với những di chúc do vợ chồng lập chung, trong đó mặc dù thể hiện ý chí chung của hai người, nhưng thực chất vẫn thể hiện ý chí đơn phương của từng người trong việc định đoạt tài sản chung (ý chí đơn phương của bên lập di chúc là chồng và vợ trùng nhau trong việc định đoạt tài sản chung vợ chồng). Mặt khác, di chúc chung của vợ chồng vẫn chỉ thể hiện ý chí của một bên - bên chuyển giao tài sản.

Ý chí đơn phương này là đặc điểm khác biệt của di chúc với các loại giao dịch dân sự khác. Đây không phải chỉ riêng di chúc theo pháp luật dân sự Việt Nam mà pháp luật dân sự của hầu hết các nước thì vấn đề này cũng được quy định rõ như: Bộ luật dân sự của Cộng hòa Pháp, Đức…

Đặc điểm thứ hai: Di chúc thể hiện sự định đoạt tài sản của người lập di chúc nhằm chuyển dịch tài sản cho người khác, sau khi người lập di chúc chết.

Nếu như các loại hợp đồng dân sự đều thể hiện ý chí thỏa thuận của các chủ thể nhằm chuyển dịch tài sản từ người này sang người khác thì di chúc lại nhằm chuyển dịch tài sản của người đã chết sang cho người còn sống. Người thừa kế theo di chúc phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Thực tế cho thấy không phải bất cứ ai trước khi chết cũng lập di chúc, mà có người trước khi chết họ chỉ để lại những lời dặn dò, ví dụ: Dặn dò các

con phải thương yêu nhau, phải cố gắng học tập, tránh xa các thói hư, tật xấu... Với khái niệm về di chúc tại Điều 649 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 646

Bộ luật dân sự năm 2005) thì di chúc phải thể hiện việc chuyển dịch tài sản của người lập di chúc cho người khác sau khi người lập di chúc chết. Vì vậy, nếu như một tài liệu nào đó của người chết để lại mà không hàm chứa nội dung chuyển tài sản cho người khác, thì không thể được coi là di chúc. Pháp luật cho phép công nhân có quyền định đoạt tài sản, trong đó có việc để lại di sản thừa kế theo di chúc, nhưng pháp luật cũng chỉ công nhận khi di chúc của công nhân đó thỏa mãn những điều kiện nhất định. Trong thực tiễn đã có không ít những di chúc không tuân theo những quy định của pháp luật về hình thức và nội dung, dẫn tới di chúc không được công nhận hoặc chỉ được công nhận một phần.

Đặc điểm thứ ba: Di chúc là một loại giao dịch dân sự đặc biệt, chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc chết.

Khoản 1 Điều 670 Bộ luật dân sự năm 1995 (khoản 1 Điều 667 Bộ luật dân sự năm 2005) quy định: "Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế" [6]

Về thời điểm mở thừa kế, Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết, thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định theo quy định của pháp luật.

Đây là một đặc điểm thể hiện rõ nét sự khác biệt giữa di chúc với các loại giao dịch dân sự khác, ví dụ như hợp đồng dân sự có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác, còn thời điểm có hiệu lực của di chúc lại phụ thuộc vào thời điểm mà người lập di chúc chết hoặc thời điểm được ghi trong quyết định của Tòa án tuyên bố người lập di chúc chết. Vì vậy, việc xác định đúng thời điểm mở thừa

kế (thời điểm người lập di chúc chết) có ý nghĩa trong việc xác định thời điểm có hiệu lực của di chúc. Mặt khác, xác định đúng thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định di chúc nào là di chúc có hiệu lực trong trường hợp một người có nhiều di chúc. Di chúc thể hiện ý chí đơn phương của người lập di chúc và người lập di chúc có quyền thay đổi một phần hoặc toàn bộ nội dung di chúc hay hủy bỏ di chúc. Sự thay đổi hay hủy bỏ di chúc có thể được thể hiện dưới hình thức người đó lập di chúc mới ghi nhận về việc thay đổi hay hủy bỏ di chúc, nhưng cũng có thể bằng di chúc mới (mặc dù không nói rằng thay đổi hay hủy bỏ di chúc) người lập di chúc định đoạt tài sản mà nội dung định đoạt khác với di chúc đã viết trước đó. Việc đánh giá hiệu lực của di chúc như vậy dựa theo quy định tại khoản 5 Điều 670 Bộ luật dân sự năm 1995: "Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản, thì chỉ có bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực pháp luật".

Tóm lại, khi người lập di chúc còn sống thì di chúc dù có phù hợp với các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung, thì di chúc cũng chưa phát sinh hiệu lực. Do di chúc chưa phát sinh hiệu lực (khi người lập di chúc chưa chết) nên những người thừa kế theo di chúc chưa có bất kỳ một quyền nào đối với tài sản mà họ sẽ được hưởng. Quyền đối với tài sản vẫn thuộc về người lập di chúc cho đến khi người lập di chúc chết.

1.3. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM VỀ HÌNH THỨC DI CHÚC

1.3.1. Hình thức di chúc trong Luật Hồng Đức

Quốc triều hình luật là bộ luật được giữ và lưu truyền đến này, nó là minh chứng cho thành tựu đáng kể trên lĩnh vực pháp luật và điển chế của triều đại nhà Lê. Trong Quốc triều hình luật vấn đề thừa kế được quy định từ Điều 374 đến Điều 400

Pháp luật thời Lê thừa nhận hai hình thức thừa kế là thừa kế theo di

chúc và thừa kế theo pháp luật. Trong đó thừa kế theo di chúc có quy định như sau:

Theo hình thức thừa kế này pháp luật tôn trọng ý muốn và quyền quyết định của người có tài sản. Theo Điều 390 Quốc triều hình luật thì cha mẹ nhiều tuổi về già phải có trách nhiệm lo làm chúc thư để lại tài sản cho con cái, quy định này nhằm tránh sự tranh chấp tài sản về sau. Di chúc được lập dưới dạng văn bản gọi là chúc thư. Người có tài sản có thể tự viết chúc thư trong trường hợp không biết chữ thì chúc thư có thể nhờ xã trưởng viết thay và chứng thực (Điều 366 Quốc triều hình luật). Trong trường hợp chúc thư không tuân thủ hình thức do pháp luật quy định thì sẽ không có giá trị pháp lý lúc đó di sản thừa kế được chia theo pháp luật.

Trường hợp lập di chúc không qua Xã trưởng xác nhận thì cần có chức sắc trong làng làm chứng. Theo đoạn 273 Hồng Đức Thiện chính thư quy định chúc thư chỉ được coi là hợp pháp nếu có Hương trưởng, Quan viên trong bản, xã từ 30 tuổi trở lên làm người viết thay hoặc chứng kiến. Như vậy chúc thư phải có người làm chứng, người làm chứng là người có chức sắc xã hội, là người đứng đầu họ tộc hoặc Hương chủ làm chứng. Quy định này nhằm đảm bảo tính khách quan của di chúc, tránh những tranh chấp về chữ viết, nội dung trong di chúc.

1.3.2. Hình thức di chúc trong Luật Gia Long

So với thời Lê, thời Nguyễn mà cụ thể là trong bộ Hoàng Việt Luật Lệ có rất ít chế định liên quan đến thừa kế. Tuy nhiên những nguyên tắc về quan hệ tài sản và thừa kế cơ bản vẫn tương tự như luật thời nhà Lê nhưng đối với hình thức thừa kế theo di chúc thì trong Hoàng Việt Luật Lệ lại không quy định về hình thức của di chúc mà chỉ có quy định về người thừa kế theo di chúc có quyền nhận di sản sau khi cha mẹ chết (mục 10 quyển 6 Hộ Luật)

1.3.3. Hình thức di chúc dưới thời pháp thuộc

So với pháp luật triều Lê và Nguyễn thì pháp luật về thừa kế thời pháp

thuộc theo khuân mẫu của bộ luật dân sự Napoleon đã quyết định một cách chi tiết hơn trong các bộ Dân luật Bắc Kỳ (DLBK) và Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ Luật (HVTKHL). Pháp luật thời kỳ này cũng thừa nhận hai hình thức chia thừa kế là chia theo di chúc và chia theo pháp luật. Về hình thức di chúc được quy định như sau: Bộ Dân luật Bắc kỳ được ban hành bằng một Nghị định của Thống sứ Bắc kỳ ngày 30-3-1931. Bộ luật bao gồm 1.464 điều, được chia làm 4 quyển. Quyển thứ nhất bao gồm 12 thiên quy định về gia đình, chế độ hôn sản và thừa kế, trong đó có 17 điều luật quy định về thừa kế theo di chúc. Nội dung của bộ luật phản ánh được những phong tục, tập quán của người Việt Nam như: Việc thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng truyền thống và đặc trưng của người Việt Nam…

Bộ Dân luật Bắc Kỳ quy định người lập di chúc có quyền dành một phần di sản để thờ cúng. Việc chăm sóc nuôi dưỡng nhau giữa những người trong cùng một gia đình được coi là bổn phận của đạo đức. Bộ luật quy định con cháu không được phân chia khối tài sản của gia đình khi cha mẹ còn sống nếu không được sự đồng ý của họ. Con cháu của người chết buộc phải nhận di sản của người đó và thay họ thực hiện các nghĩa vụ về tài sản mà họ để lại... Bộ luật còn quy định cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái, phải đảm bảo cho cuộc sống lâu dài của con cái nên họ phải để lại tài sản của mình cho những người ở thế hệ sau khi họ chết. Điều 321 Bộ Dân luật Bắc Kỳ quy định người vợ không có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản riêng của mình nếu không được người chồng đồng ý. Người cha có thể lập chúc thư để định đoạt tài sản của mình tùy theo ý mình, nhưng phải giữ quyền lợi cho người vợ chính. Người lập chúc thư có thể truất quyền thừa kế của một hay nhiều người trong những người được thừa kế. Việc truất quyền thừa kế phải lập thành văn bản do viên quản lý văn khế lập hoặc do lý trưởng nơi cư trú của người lập chúc thư. Chúc thư phải làm thành văn bản hoặc do viên quản lý văn khế làm

ra hoặc có công chứng thị thực. Chúc thư không có viên chức thị thực phải do người lập chúc thư viết lấy và ký tên. Nếu người lập chúc thư đọc để người khác viết thay thì phải có ít nhất hai người đã thành niên làm chứng. Người làm chứng thường là lý trưởng tại nơi trú quán của người lập chúc thư, nếu ở xa không về nơi trú quán được thì chúc thư ấy phải có sự chứng kiến của lý trưởng nơi hiện ở của người lập chúc thư (Điều 326 Dân luật Bắc kỳ). Chúc thư phải ghi rõ ngày, tháng năm lập chúc thư; tên, họ, tuổi, nơi trú quán của người làm chứng. Chúc thư khi đã làm xong thì lý trưởng đọc to cho mọi người cùng nghe rồi lý trưởng, người lập chúc thư, người viết hộ (nếu có) và những người làm chứng cùng ký tên vào văn bản. Có bao nhiêu người được thừa kế thì chúc thư được làm thành bấy nhiêu bản gốc để gửi cho mỗi người thừa kế một bản.

Khi người lập chúc thư muốn thay đổi một phần hay toàn bộ chúc thư, thì bản chúc thư sau phải tiến hành đúng những thủ tục trên và phải nêu rõ việc người lập chúc thư thay đổi một phần hay toàn bộ bản chúc thư, nếu không nói rõ thì chỉ những điều khoản nào không hợp hoặc có trái với bản chúc thư sau mới bị bỏ mà thôi.

Điều 113 Bộ Dân luật Bắc kỳ quy định: Khi người vợ chết trước, người chồng trở thành chủ sở hữu duy nhất tất cả của cải chung trong đó có cả phần của vợ (tức là tài sản riêng của vợ). Còn nếu chồng chết thì người vợ chỉ có quyền hưởng dụng tài sản riêng của chồng khi không còn người thừa kế nào bên nội, bên ngoại của chồng (Điều 346). Nếu người vợ góa tái giá thì tài sản riêng của chồng phải trả lại nhà chồng, tài sản riêng của vợ được mang theo đi, còn tài sản của vợ chồng thì để lại cho con (Điều 360).

Bộ luật Trung kỳ hay còn gọi là Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ luật gồm 1709 điều, được chia làm 5 quyển. Có thể nói, Bộ luật này hầu như sao chép lại nhiều điều khoản trong Bộ luật Bắc kỳ, ví dụ: Điều 341 Bộ luật Trung kỳ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/06/2024