Các công ước quốc tế về lao động trẻ em và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam - 3

Lao động trong điều kiện độc hại: Là việc người lao động phải tiếp xúc với các chất, yếu tố dễ gây hại cho sức khỏe hoặc tinh thần trong quá trình thực hiện công việc của mình.

Tại Chương IX, An toàn lao động, vệ sinh lao động (Điều 100, 101, 104) và tại các Điều 113, 121, 127 của Bộ luật Lao động có đề cập đến công việc nặng nhọc, điều kiện độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, trong Bộ luật Lao động cũng như trong các văn bản hướng dẫn thi hành do Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành chưa đưa ra khái niệm như thế nào là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà chỉ có các quy định mang tính chất liệt kê các công việc được coi là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996, Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996 , Quyết định số 190/1999/QĐ- BLĐTBXH ngày 03/3/1999, Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 26/12/2000, Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

1.1.3. Pháp luật về trẻ em


Những quy định của pháp luật về trẻ em được ghi nhận trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật chưa có khái niệm thống nhất về sự điều chỉnh pháp luật đối với trẻ em. Xét về một cách phổ quát nhất, sự điều chỉnh pháp luật về trẻ em là một bộ phận của sự điều chỉnh pháp luật nói chung, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan đến trẻ em.

Sự điều chỉnh pháp luật xác định địa vị pháp lý của trẻ em. Địa vị pháp lý này được hiểu là tổng thể những quyền và nghĩa vụ pháp lý của trẻ em cùng với những đảm bảo pháp lý cho việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ này.

Hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm nhiều ngành luật, có đối tượng điều chỉnh là các nhóm quan hệ xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trẻ em với tính cách là một chủ thể pháp luật, các quan hệ xã hội về trẻ em cũng là một trong những đối tượng điều chỉnh của các ngành luật thuộc hệ thống pháp luật nước ta.‌

Pháp luật về trẻ em có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều nhóm quan hệ xã hội, đến nhiều ngành luật khác nhau. Các ngành luật thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam: Luật Hiến pháp, Luật Quốc tịch, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Dân sự, Luật Tố tụng Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình... đều bảo vệ quyền trẻ em theo một đặc thù riêng của ngành luật mình. Bất cứ một ngành luật nào cũng coi trẻ em là một chủ thể đặc biệt và có những quy định riêng điều chỉnh về LĐTE. Điều này xuất phát trước tiên từ những đặc điểm riêng về độ tuổi cũng như sự phát triển chưa đầy đủ về tâm sinh lý. Sau nữa, xuất phát từ những quan niệm, tư tưởng nhân đạo, dân chủ, thấm nhuần nét tinh hoa của văn hóa, đạo lý truyền thống của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tất cả các quy định pháp luật đều hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, đảm bảo cho trẻ em phát triển bình thường trong sự đầy đủ về tình cảm và vật chất, trong một môi trường trong sạch, lành mạnh.

Trên bình diện quốc tế, quyền trẻ em được quy định trong các điều ước quốc tế, đặc biệt là trong các công ước quốc tế về LĐTE. Công ước quốc tế là “văn bản pháp lý quốc tế, do các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận xây dựng nên, nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau, thông qua các quy phạm gọi là quy phạm điều ước” [32, 27].

Theo đó, có thể hiểu, công ước quốc tế về LĐTE là văn bản pháp lý quốc tế, do các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận xây dựng nên, nhằm thỏa thuận về việc thực hiện các chính sách đối với vấn đề LĐTE, đảm bảo các quyền của trẻ em tại nơi làm việc và các chuẩn mực có liên quan.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

Các công ước quốc tế quy định về lĩnh vực LĐTE, ngoài công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, văn bản quan trọng khác trực tiếp điều chỉnh quan hệ LĐTE là các Công ước của Tổ chức lao động quốc tế như: Công ước số 138 về

Tuổi tối thiểu làm công và Công ước số 182 về Cấm và hành động ngay lập tức để hạn chế và xóa bỏ hình thức LĐTE tồi tệ nhất.

Các công ước quốc tế về lao động trẻ em và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam - 3

1.2. Những vấn đề chung về LĐTE


1.2.1. Các hình thức của LĐTE


Trong thực tế, có thể chia LĐTE thành bảy hình thức chính, không hình thức nào trong số đó là duy nhất cho bất cứ khu vực nào trên thế giới. Đó là việc đi ở, lao động cưỡng bức và lao động cầm cố, bóc lột tình dục vì mục đích thương mại, lao động trong công nghiệp đồn điền, lao động trên đường phố, làm việc nhà, và công việc của trẻ em gái.

* Việc đi ở


Trẻ đi ở là những trẻ em dễ bị lãng quên nhất thế giới. Cảnh ngộ khốn khó của các em đáng được xem xét trước tiên so với các nhóm trẻ em lao động khác. Trẻ em đi ở có thể là những trẻ em dễ bị tổn thương nhất và dễ bị bóc lột nhiều nhất, cũng khó bảo vệ nhất. Các em thường được trả công rất thấp hay hoàn toàn không được trả công; thời hạn đi ở và điều kiện làm việc hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của chủ sử dụng lao động; các quyền hợp pháp của các em không hề được quan tâm; các em bị tước bỏ sự học hành, vui chơi và hoạt động xã hội, sự hỗ trợ về mặt tình cảm của gia đình và bạn bè; đặc biệt, các em dễ dàng bị lạm dụng về thể chất và tình dục khi còn quá nhỏ.

Trẻ em đi ở có thể phải chịu đựng tổn hại nặng nề về mặt phát triển thể chất và xã hội. Các em thường bị tách khỏi xã hội, bị cấm nghỉ ngơi và vui chơi. Tuổi thơ của những trẻ em này đã bị tước đoạt, không được như trẻ em khác.

* Lao động cưỡng bức và lao động cầm cố


Nhiều hình thức LĐTE trên thế giới là “cưỡng bức” theo nghĩa trẻ em được dạy phải chấp nhận những hoàn cảnh của cuộc sống mà không được chống lại. Nhưng tình trạng của một số trẻ em vượt quá xa việc chấp nhận các hoàn cảnh khốn khó, chúng rơi vào tình trạng nô lệ thực sự. Ở Nam Á, “cầm cố” LĐTE gần như là

quen thuộc. Ở đây trẻ em thường chỉ tám hay chín tuổi, bị cha mẹ cầm cố cho chủ nhà máy hay các đại lý của họ thay cho những món nợ rất nhỏ.

Dạng nô lệ trẻ em thực tế này thường chỉ gắn liền với Ấn Độ, Nêpan và Pakistan. Nhưng nó cũng tồn tại ở cả những nơi khác trên thế giới. Để xóa bỏ LĐTE cưỡng bức, xóa bỏ tình trạng những người trục lợi một cách vô đạo đức từ thực tế này, các Chính phủ cần tăng những nỗ lực trong các biện pháp hành chính của mình.

* Bóc lột tình dục vì mục đích thương mại


Có nhiều mối liên hệ trực tiếp giữa việc bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại và các hình thức lao động mang tính bóc lột khác. Những người cho vay nặng lãi ở nông thôn thường hoạt động như những kẻ dắt trẻ em gái cho các nhà thổ ở thành thị, khi các gia đình vay tiền để cho con gái họ phải làm việc để trả nợ. Dù xảy ra như thế nào, hầu như tất cả những trẻ em như vậy đều bị những người mình tin cậy phản bội và kết cục có thể bị bán đi xa và qua biên giới. Việc cứu trợ và hồi phục tỏ ra phức tạp cho trẻ em. Các em thường bị buộc tội bởi chính hệ thống pháp luật đáng lẽ phải bảo vệ mình. Ngay cả khi được trả về nhà, thường là ở dạng bị trục xuất như những kẻ nhập cư bất hợp pháp, các em có thể gặp phải sự lảng tránh và chối bỏ của gia đình và cộng đồng và thường ít có khả năng chọn lựa ngoài việc trở lại nhà chứa hay ra đường phố.

* Công việc trong công nghiệp và đồn điền


Ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có tình trạng trẻ em phải lao động trong điều kiện nguy hiểm. Các ngành công nghiệp có trẻ em tham gia lao động rất đa dạng, từ ngành công nghiệp chế biến da ở khu vực Naples của Ý đến ngành công nghiệp sản xuất gạch ở Côlômbia và Pêru, ở đó người ta có thể thâu nạp cả trẻ em chỉ mới 8 tuổi.

Đôi khi trẻ em được thuê mướn trong những công việc khai thác mỏ có thể được coi như nguy hiểm cho người lớn ở thế giới công nghiệp - ví dụ trong các mỏ khai thác kim cương và vàng ở Bờ biển Ngà và Nam Phi, và trong các mỏ than ở

Côlômbia. Ở đó trẻ em phải làm việc với trang thiết bị an toàn ở mức tối thiểu nhất và thường xuyên phải hít thở bụi than.

Số lượng trẻ em bị bóc lột trong các đồn điền nông nghiệp trên toàn thế giới có thể tương đương với số trẻ tham gia vào ngành công nghiệp - và những mối nguy hiểm liên quan với công việc của chúng cũng không kém phần khủng khiếp.

* Công việc trên đường phố


Tương phản với trẻ em đi ở, một số trẻ em làm việc ở những chỗ có thể dễ thấy nhất trên đường phố của các nước đang phát triển. Trẻ em có mặt ở khắp mọi nơi: chào hàng trong chợ, đi qua đi lại trong làn giao thông dày đặc, rao hàng trên xe bus và trong nhà ga, trước cửa khách sạn và các trung tâm thương mại. Các em có mặt trên đường phố với hàng triệu người lớn, nhiều người coi chúng là những kẻ quấy rầy nếu không phải là kẻ phạm tội hình sự nguy hiểm có tầm vóc nhỏ bé.

Nhưng cũng nhiều trẻ em phải vật lộn với những công việc hợp pháp trên đường phố vì sự sống của bản thân và của gia đình. Trẻ em làm việc trên đường phố thường xuất thân từ các khu dân cư ổ chuột và những ngôi nhà chiếm dụng, nơi sự nghèo nàn và hoàn cảnh gia đình không ổn định, nơi trường học quá chật chội và thiếu thốn, và nơi không hề tồn tại những chỗ chơi an toàn.

Một điều không tránh khỏi là những trẻ em này trở nên có xu hướng thiên về tham gia vào các công việc phi pháp như ăn cắp vặt. Nhiều em bị lôi kéo vào thế giới bất chính và nguy hiểm của các băng đảng tội phạm bảo kê cho việc móc túi, ăn trộm, buôn lậu, ma tuý và mại dâm.

* Làm việc tại nhà


Trong số tất cả những công việc mà trẻ em làm, phổ biến nhất là lao động nông nghiệp hay làm việc nhà trong khuôn khổ của bản thân gia đình của trẻ. Đa số gia đình ở mọi nơi trên thế giới hy vọng con cái họ làm giúp việc nhà, hoặc là nấu ăn, lấy nước hay đi mua bán lặt vặt, chăm gia súc, chăm sóc em nhỏ hay làm những việc nặng hơn ngoài đồng. Hình thức công việc này có thể mang lại lợi ích cho trẻ em. Trẻ em học tập được từ mức độ tham gia hợp lý vào việc nhà, vào các hoạt

động phát triển lương thực cho sinh kế và tạo thu nhập. Chúng có thể cảm nhận được giá trị của mình qua những việc làm trong khuôn khổ gia đình.

Nhưng không phải việc này luôn mang lại lợi ích. Ngược lại, việc nhà có thể đòi hỏi ở trẻ em quá nhiều, buộc các em phải làm việc quá nhiều giờ làm cho chúng không đi học được và có thể phải trả giá quá lớn cho sự phát triển của cơ thể. Những công việc như vậy có thể ngăn cản không cho trẻ em thực hiện các quyền của mình và phát triển đến mức tối đa.

* Công việc của trẻ em gái


Đa số những nguy hiểm mà trẻ em lao động gặp phải thì trẻ em gái cũng gặp phải. Tuy nhiên trẻ em gái còn gặp phải những vấn đề của riêng chúng nữa: từ áp lực tình dục của các ông chủ đến việc không được đi học. Khoảng cách về giới tính trở thành một cái vòng luẩn quẩn cho các cô gái ở mọi nơi trong thế giới đang phát triển. Không có khả năng đi học vì địa vị xã hội thấp hay vì trách nhiệm đối với gia đình, không có được sức mạnh bổ sung và những chân trời rộng lớn hơn mà giáo dục có thể mang lại. Nếu họ đi tìm việc làm ở ngoài nhà, cơ hội của họ bị hạn chế vào những công việc đơn giản nhất. Địa vị thấp kém của họ được củng cố và chuyển tiếp cho thế hệ tiếp theo. Điều này thấy được rõ ràng là các cô gái càng được học lên cao, họ càng có ít con. Gia đình nghèo càng có nhiều con, sẽ càng có nhiều trẻ em lao động.

1.2.2. Nguyên nhân của tình trạng LĐTE


Vấn đề LĐTE hiện nay đã và đang trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức và cá nhân các nhà khoa học. Đã có nhiều công trình nghiên cứu nhằm ngăn chặn tiến tới xoá bỏ hiện tượng tiêu cực này. Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra hiện tượng LĐTE thường phát sinh từ những yếu tố chủ yếu sau:

Thứ nhất, xuất phát từ các yếu tố về kinh tế

* Yếu tố kinh tế gắn với các gia đình của trẻ em

Trẻ em phải lao động sớm là một hiện thực phổ biến nếu gia đình rơi vào hoàn cảnh đói nghèo. Vì hoàn cảnh đói nghèo buộc các gia đình phải ưu tiên cho việc kiếm sống, dẫn tới mọi thành viên trong gia đình, gồm cả trẻ em, đều bị huy động phải làm việc, phải lao động.

* Yếu tố kinh tế gắn với lợi ích của người sử dụng lao động


Xuất phát từ mục tiêu lợi nhuận, ở một số quốc gia trên thế giới, người sử dụng lao động đã triệt để tận dụng những lợi ích kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc sử dụng LĐTE. Lợi ích kinh tế trực tiếp thể hiện ở việc họ có thể trả cho trẻ em những khoản tiền công rẻ mạt, mặc dù công việc các em phải làm có thể ngang bằng với công việc của người lớn. Mặt khác, thông thường, LĐTE dễ "điều khiển" hơn lao động đã thành niên, nên việc bắt các em phải làm thêm giờ mà không trả thêm tiền công cũng thường được các “chủ doanh nghiệp” này áp dụng. Lợi ích kinh tế gián tiếp thể hiện ở việc trẻ em thường không nhận biết và hiểu rõ các quyền và lợi ích của mình nên các chủ sử dụng LĐTE thường không phải lo đối phó với những yêu cầu đòi tăng lương hoặc cải thiện điều kiện làm việc.

* Yếu tố kinh tế xã hội


Tình trạng kém phát triển về kinh tế xã hội của một quốc gia thường đi liền với đói nghèo, dẫn đến số đông người dân trong quốc gia đó có mức sống thấp kém, trong khi các chính sách an sinh xã hội của quốc gia không đủ khả năng đáp ứng nhằm cải thiện đời sống của người dân, và hệ quả tất yếu là LĐTE phát sinh. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), ở các quốc gia có thu nhập quốc dân tính trên đầu người trong một năm (GDP) dưới 500 USD thì tỷ lệ LĐTE chiếm từ 30 đến 60% tổng số trẻ em trong xã hội; ở các quốc gia có GDP từ 501 đến 1.000 USD thì tỷ lệ đó là từ 10 đến 30% [33, 8]. Mặt khác, sự chuyển đổi cơ chế kinh tế ở một số quốc gia thường dẫn đến việc giảm mức trợ cấp của nhà nước với các dịch vụ xã hội, từ đó buộc trẻ em phải tham gia các hoạt động kinh tế để đáp ứng các nhu cầu của bản thân và của gia đình, dẫn đến tỷ lệ LĐTE gia tăng.

Thứ hai, là các yếu tố về xã hội - văn hoá

* Quan niệm lạc hậu về vấn đề LĐTE


Từ trước đến nay, đã và đang tồn tại quan niệm cho rằng, trẻ em cần phải tham gia làm việc để phát triển về mọi mặt, hoặc để kế tục nghề gia truyền. Vì vậy, nhiều gia đình hoặc khuyến khích hoặc bắt buộc trẻ em phải tham gia lao động, thậm chí phải làm cả những công việc nặng nhọc, độc hại mà do nhận thức hạn chế, họ không biết được điều đó.

* Định kiến giới


Ở một số quốc gia, dân tộc còn tư tưởng phân biệt đối xử về giới như trọng nam, khinh nữ; đề cao địa vị của người đàn ông, dẫn đến hàng triệu trẻ em gái trên thế giới phải tham gia lao động từ sớm, với gánh nặng công việc khiến các em không còn thời gian học tập, vui chơi, giải trí. Ở một số quốc gia, tình trạng thất học và gánh nặng kinh tế trong gia đình đã khiến các trẻ em gái làm các công việc nặng nhọc, độc hại với mức tiền lương rẻ mạt trong các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng; hoặc tồi tệ hơn, bị buộc phải tham gia "nền công nghiệp tình dục".

* Yếu tố việc làm


Yếu tố xã hội này gắn liền với yếu tố kinh tế và tác động đến vấn đề LĐTE. Một là: tình trạng thiếu việc làm dẫn đến nạn thất nghiệp, khi người cha, người mẹ hoặc những thành viên lớn tuổi trong gia đình bị thất nghiệp thì lẽ tất nhiên là nguồn thu nhập trong gia đình bị giảm sút, thậm chí mất hẳn, từ đó buộc trẻ em phải tham gia vào các hoạt động kinh tế để tự kiếm sống, hoặc nhiều trẻ em còn phải gánh trách nhiệm trụ cột về kinh tế thay cho bố mẹ mình. Hai là: khi một nền kinh tế phát triển quá "nóng" (thừa việc làm), có thể dẫn tới tình trạng thiếu lao động đã thành niên, dẫn đến người sử dụng lao động tuyển mộ cả LĐTE, hoặc khi thiếu lao động, buộc ngươì sử dụng lao động phải trả tiền lương ở mức cao (điều này họ không mong muốn) cho những lao động đã thành niên để giữ, thu hút lao động, dẫn đễn ngươì sử dụng lao động tìm cách thuê/nhập lậu nhân công nước ngoài hoặc thuê mướn LĐTE để giảm mức chi trả tiền lương hoặc các chi phí khác kèm theo.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/11/2023