Cuộc Gặp Gỡ Với Phan Châu Trinh Và Nguyễn Tất Thành

CHƯƠNG 3. HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG CỦA BÙI KỶ

Cần khẳng định, ngay khi đỗ Phó bảng năm 1910, Bùi Kỷ đã bộc lộ là một người có tư tưởng yêu nước. Vì yêu nước nên ông đã nhiều lần từ chối các chức tước trong bộ máy chính quyền phong kiến nhà Nguyễn cũng như Nhà nước bảo hộ. Tinh thần dân tộc của ông không thể hiện bằng tư tưởng bạo động nhưng lại sâu sắc qua chính những cống hiến của ông trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến những hoạt động yêu nước của Bùi Kỷ trong sự liên hệ với các trí thức cách mạng tiêu biểu và phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

3.1. Cuộc gặp gỡ với Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành

Tháng 2-1911, Bùi Kỷ được chính quyền thực dân Pháp cử đi học tại Trường Thuộc địa ở Paris24. Với Bùi Kỷ, đây là cơ hội để ông tiếp xúc với nền văn minh phương Tây hiện đại, mở rộng tầm mắt, và có lẽ ông cũng có những lý tưởng sâu xa hơn. Tại đây, ông đã gặp gỡ nhiều trí thức Việt Nam yêu nước, trong đó có Phan Châu Trinh. Trong lá thư gửi Ngô Đức Kế năm 1927, Bùi Kỷ có viết: “Tôi đến Pháp tháng 2.1911, ông Phan đến tháng 6.1911, Nguyễn Chuyên cùng sang một

chuyến tàu. Khi mới sang ông Phan sang ở Galucoque, gần Trường Thuộc địa, vì vậy tôi hay đến gặp [...]. Lúc mới đến ông Phan không biết một tiếng Pháp nào, có lúc tôi đến phiên dịch giúp ông hay dịch báo cho ông nghe” [34, Q3, C6, tr. 183]. Điều này cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa Bùi Kỷ và Phan Châu Trinh. Hẳn là Bùi Kỷ từ khi còn ở Việt Nam đã nghe danh ông Phan Châu Trinh và có thể đã có lần tiếp xúc bởi Phan Châu Trinh và thân phụ Bùi Thức của ông không phải là những người xa lạ. Vì thế, năm 1911, khi Phan Châu Trinh cùng với con trai là Phan Châu Dật đến Pháp, Bùi Kỷ với vốn tiếng Pháp thông thạo đã nhiệt tình hết sức giúp đỡ, gần gũi với hai cha con ông Phan. Ngoài ra, Bùi Kỷ còn tham gia kèm


24 Về thời điểm Bùi Kỷ sang Pháp du học, các nguồn tài liệu có sự ghi chép không thống nhất: Cuốn Tuyển tập thơ Hà Nam ghi năm 1909; các cuốn Lược truyện các tác gia Việt Nam, Từ điển bách khoa đất nước con người Việt Nam ghi năm 1910; Các cuốn Nhân vật lịch sử văn hóa Hà Nam, Tuyển tập văn Hà Nam, Thơ văn Bùi Kỷ lại ghi năm 1912. Tuy nhiên, theo nguồn tư liệu còn lưu giữ tại Pháp, thì Bùi Kỷ sang Pháp học vào tháng 2-1911. Xem Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh (1872 - 1926) qua những tài liệu mới, Tập 1, Nxb. Đà Nẵng, 2011.

cặp giúp cậu Dật học tiếng Pháp. Cậu Dật cũng rất tôn trọng Bùi Kỷ, gọi ông là “thầy Bảng Kỷ”.

Nhờ sự giúp đỡ của Bùi Kỷ nên Phan Châu Trinh đã bước đầu khắc phục được những khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa khi mới đến Pháp. Vào thời điểm đó, chính quyền thuộc địa rất ghét ông Phan, còn một số người Việt tuy quý ông nhưng do ngại liên lụy đến gia đình ở trong nước nên ít dám đến. Vì thế, việc Bùi Kỷ sớm gần gũi, thân thiết với cha con Phan Châu Trinh cũng phần nào thể hiện được sự đồng cảm về chí hướng của ông đối với nhà dân chủ.

Theo sáng kiến của Phan Châu Trinh, Hội Đồng Bào Thân Ái (La Fraternité) được thành lập vào ngày 18-2-1912 do luật sư Phan Văn Trường làm Hội trưởng, Nguyễn Như Chuyên làm Thư ký và Khánh Ký làm Thủ quỹ, ra mắt tại Trường Parangon. Theo tác giả Thu Trang trong cuốn Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp (1911-1925), năm 1912, mới có khoảng 100 người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Pháp (bồi bếp, quan chức nhỏ và 40 học sinh phần lớn theo học tại trường Parangon). Ngay sau khi thành lập, Hội đã thông qua điều lệ, thu hút sự quan tâm của nhiều người Việt, kể cả một số trí thức Pháp. Tuy nhiên, do bị chính quyền thuộc địa ra sức công kích Hội nên Thư ký Hội phải xin thôi việc và Bùi Kỷ được cử vào thay giữ chức vụ này. Mục đích của Hội theo như công bố rộng rãi là nhằm tạo điều kiện cho những người nước ta đến học nơi xa được thường xuyên hội họp, gặp gỡ nhau, quan hệ thân mật và thông cảm với nhau; thăm hỏi và giúp đỡ lẫn nhau khi có ai gặp khó khăn hay bị ốm đau; bằng một sự phát triển dần dần, tập hợp nỗ lực của họ nhằm giúp họ quy tập, trau dồi trong tất cả các ngành văn học và khoa học [34, Q3, C5, tr. 139]. Tuy vậy, ý định của Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Bùi Kỷ không dừng lại ở đó, họ muốn xây dựng Hội thành một tổ chức yêu nước, đoàn kết đấu tranh đòi quyền dân chủ cho người Việt, nhất là đối với các học sinh đang học tập tại Pháp. Đầu thế kỉ XX, Salles với tư cách là Giám đốc vụ Thuộc địa và Tổng thư ký ủy ban Paul Bert phụ trách vấn đề giáo dục Đông Dương tại Pháp, được giao nhiệm vụ quản lý số học sinh Việt Nam được cử sang Pháp học. Tuy nhiên, vì muốn kìm hãm người Việt tiếp xúc với nền giáo dục hiện đại, Salles đã tập trung tất cả học sinh Việt Nam vào Trường Tiểu học tư thục Parangon, mà

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

học 7-8 năm mới chỉ đạt đến cao đẳng tiểu học. Do đó, Hội Đồng Bào Thân Ái lập ra không chỉ tạo điều kiện cho người Việt hội họp mà còn làm nhiệm vụ giải thích cho học sinh hiểu rõ là muốn học ở Pháp có kết quả thì đừng trông cậy vào ông Salles. Cùng với đó, Phan Văn Trường có dịp sang Anh để tìm hiểu về nền giáo dục của nước này, còn Bùi Kỷ cũng được giao nhiệm vụ là khi trở về Bắc Kỳ sẽ tuyên truyền vận động đưa thanh thiếu niên sang học ở Hồng Kông hay Anh, chứ không đến Pháp nữa [34, Q3, C5, tr. 53]. Ngoài nhiệm vụ Thư ký, trong thời gian này, Bùi Kỷ có một lần thuyết trình về đề tài bản năng con người, nhằm phổ biến kiến thức khoa học cho học sinh.

Với những hoạt động trên, Hội Đồng Bào Thân Ái đã khiến cho thực dân Pháp phải canh chừng. Trong thư gửi cho Bộ trưởng Thuộc địa ngày 24-4-1912, Toàn quyền Sarraut viết: “Xem qua nội dung các điều khoản thì không có gì đáng lưu ý. Nhưng đáng ngại là các thành viên trong các phiên họp sẽ có dịp để bình luận theo kiểu họ những sự kiện chính trị ở Pháp, ở Viễn Đông và có quan hệ với bạn bè của họ ở Đông Dương. Từ đó ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của đám trí thức trong đó thường có những kẻ tích cực hoạt động chống Pháp...” [34, Q3, C5, tr. 146]. Vì vậy, thực dân Pháp thường xuyên để ý, công kích và gây khó khăn cho hoạt động của Hội. Cuối năm 1914, sau khi Phan Văn Trường cùng với Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bắt giam thì Hội Đồng Bào Thân Ái cũng bị giải thể.

Bùi Kỷ với sự nghiệp văn hóa - giáo dục và cách mạng Việt Nam thế kỉ XX - 8

Như vậy, ngay từ khi mới bắt đầu sang Pháp, Bùi Kỷ đã gặp gỡ, giúp đỡ Phan Châu Trinh để ông có điều kiện hoạt động ở Pháp. Và hơn thế, Bùi Kỷ còn làm Thư ký của Hội Đồng Bào Thân Ái. Trong quá trình đó, ông cùng với Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường đã bàn bạc, xây dựng tổ chức Hội và đạt được những kết quả nhất định. Dù thời gian tồn tại không dài nhưng ý chí, nguyện vọng của tổ chức Hội Đồng Bào Thân Ái đã phản ánh khá rõ nét tư tưởng yêu nước của người dân Việt xa xứ. Đây là tổ chức đầu tiên của người Việt yêu nước tại Pháp, là cơ sở cho sự ra đời của các tổ chức yêu nước của người Việt tại nước ngoài sau này.

Ngoài việc giúp đỡ Phan Châu Trinh học tiếng Pháp, tham gia Hội Đồng Bào Thân Ái, Bùi Kỷ còn sẵn sàng góp ý với Phan Châu Trinh về tính cách của cụ: “ông Phan tính thẳng quá, nhiều người muốn lấy nguyên lý nhân đạo ra bàn đều bị ông

bác thẳng cánh, thậm chí cự tuyệt không giao thiệp nữa. Tôi thường nói với ông: “Đến Pháp không phải để làm ngự sử”. Thật ra ông cũng biết ân hận nhưng rất khó sửa, khó tránh được kiểu chim ưng đuổi chim sẻ, muốn sửa cũng khó” [34, Q3, C6, tr. 185]. Tuy vậy, ý kiến của Bùi Kỷ cũng giúp Phan Châu Trinh sau này có những lời khuyên bổ ích cho Nguyễn Tất Thành, tránh được nhược điểm nóng tính của ông.

Sau thời gian gặp gỡ trên đất Pháp, khoảng đầu năm 1913, Bùi Kỷ về nước, còn Phan Châu Trinh không lâu sau đó cũng bị thực dân Pháp bắt bớ. Sau nhiều năm truân chuyên tại nước ngoài, năm 1925 Phan Châu Trinh trở về nước và đến ngày 24-3-1926, ông mất tại Sài Gòn, giữa lúc phong trào đấu tranh công khai đã tới mức cao độ. Đám tang Phan Châu Trinh ở Sài Gòn đã thu hút 14 vạn người đi đưa và lễ truy điệu được cử hành long trọng suốt từ Nam chí Bắc. Phong trào để tang chí sĩ Phan Châu Trinh phát triển rầm rộ, khơi động mạnh mẽ và sâu rộng trở thành một phong trào yêu nước trong nhân dân. Tại Hà Nội, ngày 4-4-1926, lễ truy điệu cụ Phan được tổ chức ở Đền Hai Bà Trưng thuộc Đồng Nhân. Tại đây, nhiều nhân sĩ như Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu... đã đọc điếu văn, câu đối bày tỏ niềm cảm thương của mình dành cho cụ Phan. Bùi Kỷ, với tư cách một bạn khoa bảng chí thiết, lại cùng ở Paris một thời, đã đọc Bài truy điệu Phan Châu Trinh vừa thống thiết, xúc động vừa tôn vinh nhà chí sĩ:

Đoạn kim nhớ bạn, nghĩa cũ băn khoăn Mai ngọc tiếc người, mối sầu ngơ ngẩn Truyện giai nhân này phút lâm li

Hội thân ái kìa bài bi phẫn” [28, tr. 101].

Cùng với đồng bào cả nước, Bùi Kỷ đã góp tiếng nói, hành động của mình vào phong trào truy điệu và để tang Phan Châu Trinh. Đây được xem như một cuộc biểu dương lực lượng, tạo động lực mạnh mẽ cho cao trào vận động yêu nước có quy mô toàn quốc nhất là trong giới trí thức và thanh niên, học sinh.

Ngoài Phan Châu Trinh, Bùi Kỷ ngay từ sớm đã có duyên gặp gỡ và có mối quan hệ thân tình với Nguyễn Tất Thành, một người có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào cách mạng Việt Nam sau này. Chúng ta biết, thân sinh của Nguyễn Tất

Thành là Nguyễn Sinh Huy, đỗ Phó bảng năm 1901 cùng với Phan Châu Trinh, còn thân sinh của Bùi Kỷ là Bùi Thức đỗ Tiến sĩ năm 1898. Cùng là người thi cử đỗ đạt nên Phan Châu Trinh, Nguyễn Sinh Huy và Bùi Thức chắc hẳn có sự hiểu biết lẫn nhau. Ông Nguyễn Tất Đạt (anh trai của Nguyễn Tất Thành) sau này có kể lại cho nhà văn Sơn Tùng: “Để khuây nỗi đau vợ sớm qua đời, sau khi đỗ phó bảng, cụ Sinh Huy đang đi chơi đây đó, thường cho Tất Thành cùng đi. Chuyến đầu tiên vào Quảng Nam, cùng đi có Hồ Tá Hiệu và con trai là Hồ Tá Bang, chuyến thứ hai đi làm nhiều chặng: Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình rồi ra Hà Nội, khi quay về đến Hà Nam ghé thăm cụ Bùi Thức, thân sinh của cụ Bùi Kỷ” [34, Q2, C6, tr. 206]. Bên cạnh đó, hồi ức của ông Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác Hồ đã cung cấp thêm thông tin về sự gặp gỡ giữa Nguyễn Tất Thành và Bùi Kỷ từ thời niên thiếu: “Xúc động trước việc cụ Bùi Kỷ vừa qua đời, Người kể chuyện: Thân sinh ông Bùi Kỷ là cụ Bùi Thức đã làm bạn của cụ Sinh Huy từ khoa thi Hội năm 1898, làm quen nhau trong trường thi, lui tới nhau trong khi đợi kết quả. Cụ Bùi Thức đỗ Tiến sĩ, cụ Sinh Huy bị hỏng. Năm 1901, sau khi thi đỗ Phó bảng, cụ Sinh Huy có đưa Tất Thành ra Bắc tìm thăm cụ Bùi Thức tại xã Châu Cầu huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam. Hai cậu thiếu niên Tất Thành và Bùi Kỷ đã quen nhau từ thuở ấy” [34, Q3, C6, tr. 190]. Ngoài ra, khi còn ở Việt Nam, Nguyễn Tất Thành cũng đã thân thiết với Phan Châu Trinh, bạn của cụ thân sinh Nguyễn Sinh Huy.

Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) sang Pháp, tàu cập cảng Marseille vào ngày 6-7-1911 và đến cảng Le Havre ngày 15-7-1911. Tại Le Havre, Người ở lại 40 ngày trước khi rời đến cảng Dunkerque. Do khoảng cách giữa Le Havre và Paris chỉ có hơn 100km, đi lại dễ dàng, nên trong dịp này, Người đã tranh thủ đến Paris gặp Phan Châu Trinh để thăm hỏi, trò chuyện công việc. Và tại Paris, Nguyễn Tất Thành cũng đã có cơ hội được hội ngộ với Bùi Kỷ. Chi tiết này cũng được ông Vũ Kỳ nhắc đến: Họ đã vui mừng tại nhà bác Phan trong các dịp Tất Thành đến thăm bác Phan tại Paris... [34, Q3, C6, tr. 190]. Như thế, vào năm 1911, bộ ba Bùi Kỷ - Phan Châu Trinh - Nguyễn Tất Thành đã cùng đến Pháp và họ đã gặp gỡ nhau nhiều lần tại Paris.

Thời kỳ này, Nguyễn Tất Thành còn hoàn toàn chịu ảnh hưởng đường lối cải cách của Phan Châu Trinh. Vì thế, khi đến Pháp, Nguyễn Tất Thành đã gửi cho Tổng thống Pháp lá đơn xin học bổng học nội trú tại Trường Thuộc địa. Lá đơn này được gửi đi ngày 15-9-1911 sau khi tàu rời cảng Dunkerque ghé Marseille chuẩn bị trở qua Đông Dương. Trường Thuộc địa được lập ra năm 1885 chủ yếu để đào tạo các viên chức Pháp đưa sang cai trị các thuộc địa, có một ngạch bản xứ nhỏ dành cho các thanh niên được Phủ Toàn quyền Đông Dương đặc biệt cấp học bổng sang Pháp. Ngày 30-4-1910 có một Nghị định mới nhằm mở rộng ngạch bản xứ nói trên để đào tạo các nhân viên trung cấp kỹ thuật và quản lý cho các cơ quan ở Đông Dương. Học bổng chỉ dành cho con em các gia đình được chính quyền Pháp ưu ái...

Quyết định xin vào học Trường Thuộc địa của Nguyễn Tất Thành nằm trong xu hướng chung của nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước là mong muốn đạt được một nền học vấn cao, tiếp thu được các kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại là cơ sở tạo nên sức mạnh của phương Tây. Nhưng điều lạ là không rõ bằng cách nào một thanh niên mới chân ướt chân ráo đến Pháp như Nguyễn Tất Thành lại phát hiện được tình hình để xin học bổng vào Trường Thuộc địa, mặc dù sau đó không được đáp ứng. Cần thấy rằng, việc Nguyễn Tất Thành mới đến Pháp vài tháng đã có các hiểu biết chính xác về chủ trương mới “mở rộng ngạch bản xứ” và một người mới có trình độ tiếng Pháp sơ khai lại có thể viết một lá đơn bằng tiếng Pháp khá chuẩn là một điều khó hiểu. Vậy ai là người đã giúp đỡ Nguyễn Tất Thành? Đến nay, dựa theo các nguồn tư liệu còn lưu giữ tại Pháp cũng như các tài liệu trong nước đã được khai thác, tác giả Lê Thị Kinh cho rằng: “Chính Bùi Kỷ, có thể cả Phan Văn Trường, đã “cố vấn” cho Tất Thành xin vào Trường Thuộc địa, và các vị giỏi tiếng Pháp đã thảo giúp lá đơn được gửi ngày 15/9/1911 từ cảng Marseille” [34, Q2, C6, tr. 211]. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi giữa Bùi Kỷ và Nguyễn Tất Thành đã có mối liên hệ từ trước, Bùi Kỷ khi đó đang học tại Trường Thuộc địa, lại thông thạo tiếng Pháp.

Phó bảng Bùi Kỷ với tinh thần yêu nước vốn có đã hết sức giúp đỡ Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành khi ở Pháp. Ông cũng tích cực tham gia và là người có đóng góp nhất định trong hoạt động của Hội Đồng Bào Thân Ái, tổ chức đầu tiên

của người Việt yêu nước tại Pháp. Sau khi về nước, ngoài công việc giảng dạy với tất cả nhiệt huyết đối với nền văn hóa dân tộc, Bùi Kỷ cũng dấn thân vào các hoạt động yêu nước của giới trí thức cả nước. Ông đã tham gia vào phong trào truy điệu Phan Châu Trinh năm 1926 với bài truy điệu xúc động.

3.2. Bùi Kỷ với phong trào truyền bá Quốc ngữ (1938 – 1945)

Duyên gặp gỡ với Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc cũng như với nhiều nhân sĩ cách mạng như Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh... đã có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và hành động của Bùi Kỷ, đưa ông từ yêu nước đến hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (sau là Đảng Cộng sản Đông Dương). Sau năm 1930, mặc dù chưa đứng vào hàng ngũ của Đảng nhưng Bùi Kỷ đã tích cực tham gia vào phong trào truyền bá Quốc ngữ, cũng là một mặt trận yêu nước của Đảng ta.

Thủ đoạn quán triệt của thực dân Pháp trong suốt quá trình nô dịch xứ Đông Dương là thực hiện chính sách ngu dân, truyền bá một nền giáo dục không đầy đủ nhằm đào tạo những công chức bản xứ hạ đẳng, những giáo viên sơ cấp, những thông ngôn và thư ký để làm cho bộ máy cai trị, cho các nhà buôn... Thực hiện mục tiêu đó, thực dân Pháp, một mặt hạn chế việc phát triển giáo dục, thu hẹp việc mở trường lớp tới mức tối thiểu và kiểm soát gắt gao; mặt khác, áp dụng một chương trình giảng dạy mang nội dung nô dịch thấp kém. Mặc dù cho tới đầu thế kỉ XX, chính quyền thuộc địa đã loại bỏ Hán học và có những chính sách mở rộng nhất định đối với các trường Pháp - Việt, dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ nhưng vẫn có khoảng 95% dân số Việt Nam không được học, phải chịu cảnh mù chữ. Trước thực tế đó, Phan Châu Trinh và giới trí thức Việt đã sớm cổ động phong trào Đông Kinh nghĩa thục, cổ xúy học tiếng Việt, nâng cao dân trí. Từ năm 1919, Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng ở Pháp, đã gửi “Bản yêu sách” gồm 8 điểm đòi “tự do, dân chủ” cho nhân dân ta, lên án chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Năm 1925, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập, mở lớp huấn luyện, giảng về “Đường cách mệnh”, Người chỉ dẫn: Lập trường học cho công nhân, lập trường học cho con cháu công nông, lập nơi xem sách báo. Năm 1930, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Chính cương vắn tắt của Đảng, Người nêu nhiệm vụ “Phổ

thông giáo dục theo công nông hóa”, và trong lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng, Người nêu khẩu hiệu “Thực hiện giáo dục toàn dân”.

Tất cả những sự kiện trên cho thấy, nền giáo dục kìm hãm của thực dân Pháp đã không thể đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân ta, và hơn thế, càng không thể đáp ứng được nhiệm vụ cách mạng là giải phóng dân tộc. Hơn ai hết, đội ngũ trí thức Việt Nam nhận thức rõ, song song với việc phê phán chính sách giáo dục của thực dân thì cần phải có biện pháp thúc đẩy sự học trong nhân dân, mà trước hết là học chữ Quốc ngữ. Mô hình học tập này bị đàn áp, mô hình khác lại mau chóng mọc lên thay thế. Sau khi Đông Kinh nghĩa thục, từ những năm 1927-1928, nhiều chiến sĩ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên sau khi dự lớp huấn luyện chính trị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về nước đã mở được những lớp học Quốc ngữ ở nhiều nơi. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cuối năm 1930, nhiều vùng nông thôn ở Nghệ An, Hà Tĩnh rầm rộ mở các lớp học Quốc ngữ. Mặc dù những lớp học như vậy chưa được mở rộng rãi và cũng sớm bị chính quyền thực dân gây khó khăn cấm đoàn, song đã có những tác dụng nhất định cũng như để lại nhiều bài học kinh nghiệm về tổ chức cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào dạy học chữ Quốc ngữ thực tế không bị dập tắt mà vẫn được Đảng và nhân dân ta âm thầm thực hiện, chờ thời cơ để mở rộng.

Năm 1936, Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đảng ta về nhiều mặt. Mặc dù cho tới tháng 9-1936, Chính phủ Blum vẫn chưa có cam kết cụ thể nào nhưng ở một số khía cạnh, cũng đã tạo những thuận lợi nhất định cho sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Trước sự chuyển biến của tình hình thế giới, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng kịp thời có những điều chỉnh về mặt chiến lược, sách lược. Đảng hoạt động một phần công khai, đã ra nhiều sách báo công khai, lập nhiều tổ chức quần chúng công khai như các Hội Ái hữu, các ngành nghề… Sách, báo ra nhiều mà quần chúng cách mạng và nhân dân phần nhiều vẫn mù chữ, thì không phát huy được hết tác dụng. Trong năm 1937, báo chí cũng nhiều lần nêu lên sự cấp thiết phải chống nạn mù chữ, phải lập Hội chống nạn mù chữ… Trước yêu cầu của cách mạng, lòng mong mỏi thiết tha của quần chúng nhân dân, cộng với thời cơ phong trào dân chủ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/06/2023