phương pháp để giác ngộ. Cuối bài viết, ông vừa phê bình hiện thực xã hội, vừa bày tỏ tầm quan trọng của việc thực hành chữ “giác” trong đời sống: “Than ôi! Những kẻ tự khi, tự hoại, chìm nổi trên làn sóng đời, là không biết tự giác, những kẻ bám được một ít học thức, chiếm được một chút địa vị, chỉ biết tự tư tự lợi lấy một mình, là không biết giác tha, những kẻ chán nản việc đời, tự phụ là độc thanh độc tĩnh, cũng là không biết giác tha. Vì thế mà nghĩa lý tan nát, đạo đức tối mờ, gia đình đoàn tụ là giả dối, xã hội giao tế là lừa lọc, chỉ bởi chữ “giác” không ai hiểu, chữ “tụ” và chữ “tha” chia làm hai thành ra thế gian vốn có cái sống yên vui thành ra cái sống điêu đứng, chỉ ngày nào là ngày tôn chỉ đạo Phật tuyên dương ra khắp cả thì ngày ấy là ngày thế gian thái bình vậy” [43, tr. 7].
Vì sao ông lại đề cao và xiển dương Phật giáo như vậy? Ông lập luận rằng: Đạo Phật là một nền giáo lý quan hệ rất mật thiết với cuộc sinh hoạt của cá nhân, của xã hội, của cả thế giới, có thể gọi là một giáo khoa gồm từ bậc thấp đến bậc cao, từ chỗ dễ đến chỗ khó, từ phép tu dưỡng của tâm thân, đến cách đoàn tụ của quần chúng, từ cuộc sinh hóa của vạn vật đến lẽ biến biện của tạo hóa...
Khi đề cập đến bản chất của Phật giáo, nếu như Vũ Trọng Căn dựa trên quan điểm Phật học, thì Bùi Kỷ lại xét từ giáo lý của tôn giáo này. Theo đó, đạo Phật là một môn giác học, có thể đào tạo được những bậc thánh hiền, anh hùng hào kiệt làm những việc lợi ích cho nhân quyền xã hội, có thể bồi bổ nhân tâm, giữ nền tảng lương thiện trung hậu. Suy rộng ra, đạo Phật có thể san lấp những tính xấu xa của con người, đưa thế giới vào con đường tiến hóa, nhân đạo, hòa bình [45, tr. 4]. Mặc dù quan điểm của ông có những hạn chế nhất định như: Chưa thấy được quá trình vận động phát triển từ Phật học đến Phật giáo, quá trình tồn tại song song của Phật học và Phật giáo, tức vừa là tôn giáo vừa là triết học [15, tr. 85], song cũng đã cho thấy một khía cạnh căn bản của tôn giáo này.
Bài viết đặc sắc nhất của Bùi Kỷ trên Đuốc Tuệ là Nghĩa chữ "Không" trong Đạo Phật. Ông cho rằng, Đức Phật Tổ lập ra thuyết “Không” chính là để phá tan Tam giới tức Tam hữu (âm giới, sắc giới, vô sắc giới). Ông đề cập tới nghĩa ngã không và pháp không trong đạo Phật để đi tới quan niêm giả ngã và giả pháp, từ đó đưa ra kết luận: Đạo lý không có mục đích cởi bỏ những mối chấp trước của con
người chứ không phải là để nói rằng tất cả là không. Theo ông, chỉ khi nào phá được chấp ngã và pháp chấp mới tìm được lối thoát đích thực cho kiếp người, nếu không thì dù có hành động mấy đi nữa thì cũng còn là nằm trong vòng kiềm tỏa của danh lợi. Ông viết: "Đời vốn chuộng đạo đức, mà đạo đức thành ra không có chỗ dùng, đời vốn chuộng học thuật, mà học thuật lại hóa ra diễn đàn của trò quỷ quyệt, lợi khí của mối phân tranh có phải đó là cái lưu tệ ghê gớm của ngã chấp và pháp chấp không?[...] Ai là người đã có lòng sốt sắng, con mắt cao xa mà chẳng muốn lo tính cho đời. Song cứu đời ở trong ngã chấp và pháp chấp khác nào như gọi người ở trong hòm kín mà nắp vẫn đóng, thì người vẫn không có lối ra. Phật tổ biết rõ bệnh căn của đời ở hai chỗ ấy, cho nên mới đem thuyết nhị không để phá tan hai cái chấp, tức là mở nắp hòm cho người có lối ra vậy" [50, tr. 8]. Bằng những lời lẽ có sự lập luận chắc chắn, bài báo của ông gây một tiếng vang lớn trong giới học Phật lúc bấy giờ, sau đó được đăng lại trong Nguyệt san Phật giáo Việt Nam, từ số 16 đến số 21 năm 1958. Đến nay, những lời bàn của Bùi Kỷ trong bài viết này vẫn có giá trị nhất định.
Tương tự các thành viên khác của Ban Khảo cứu Phật học và Diễn giảng, Bùi Kỷ không những nghiên cứu viết sách báo mà còn thường xuyên đi thuyết giảng Phật học. Bài “Vì lẽ gì mà chúng ta nên tin theo đạo Phật?” thuyết giảng tại chùa Quán Sứ nhân ngày Phật Đản 16-5-1937 là bài giảng ấn tượng nhất của Bùi Kỷ. Sau khi phân tích vai trò của Phật giáo đối với đời sống thế tục, ông kết luận: “Theo như 4 lẽ kể trên, tuy cách diễn giải còn sơ lược, song nếu chúng ta lưu tâm mà suy xét thêm ra thì chúng ta sẽ nhận rõ cái chân tướng của đạo Phật là một đạo gồm cả triết học, khoa học, lý luận học, chính trị học, xã hội học, không chỉ là một nền tôn giáo, mà là một nền giáo dục hoàn toàn quán thống từ bậc thấp đến bậc cao, ở vào thời nào, chỗ nào cũng thích hợp, mà thứ nhất lại cần cho xã hội ta về thời bây giờ” [15, tr. 72]. Bài này đã được đăng lại trên phụ trương báo Đuốc Tuệ số 66 (tháng 8 năm 1937), sau đó Hội Phật giáo Bắc Kỳ cho in một vạn cuốn để tặng cho chư tôn.
Từ năm 1938 trở đi, Bùi Kỷ không còn viết bài cho báo Đuốc Tuệ hay đi thuyết giảng nữa, nhưng ông vẫn được Trung ương Hội hết sức tín nhiệm. Năm 1938, trước yêu cầu thực tiễn, để hoàn chỉnh tổ chức và hoạt động của bộ máy trung ương,
Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã thành lập thêm Ban Công tác, Ban Giám sát, Ban Cổ động, Ban Kế toán. Lúc này, Bùi Kỷ cùng với Dương Bá Trạc, Nguyễn Trọng Thuật và Nguyễn Hữu Tiến được bầu vào Ban Cổ động. Bùi Kỷ tham gia Ban Biên tập báo Đuốc Tuệ tới cuối năm 1944. Bộ máy trung ương của Hội Phật giáo Bắc Kỳ được hoàn thiện nhất sau lần đại hội đồng thường niên năm 1945. Trong thời gian này, Bùi Kỷ cùng với sư cụ chùa Bát Mẫu, sư cụ chùa Ngũ Xã, Nguyễn Quang Oánh (Giám đốc Nha Học chính Bắc Kỳ), Lê Dư (Trường Viễn Đông Bác cổ), Trần Văn Giáp được bầu làm cố vấn, thuộc Ban Cố vấn của Hội.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bùi Kỷ tuy không còn tham gia lãnh đạo Hội Phật giáo Bắc Kỳ nhưng sự hoạt động tích cực của ông trong hơn 10 năm (1934
- 1945) vẫn có những ảnh hưởng nhất định tới giới Phật học cũng như phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ trong giai đoạn sau. Bùi Kỷ cùng với những người cốt cán của Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã góp phần giúp cho Hội tuy thành lập muộn hơn so với các tổ chức Phật giáo ở Nam Kỳ và Trung Kỳ nhưng lại phát triển nhanh chóng và đạt được thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực, được xem như một cuộc “cách mạng Phật giáo”. Chính bởi vậy, Bùi Kỷ được giới nghiên cứu Phật giáo
Có thể bạn quan tâm!
- Xã Châu Cầu, Huyện Kim Bảng - Quê Hương Của Bùi Kỷ
- Hoạt Động Của Bùi Kỷ Trên Lĩnh Vực Văn Hóa – Giáo Dục
- Bùi Kỷ Với Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Bắc Kỳ (1934 - 1945)
- Bùi Kỷ với sự nghiệp văn hóa - giáo dục và cách mạng Việt Nam thế kỉ XX - 7
- Cuộc Gặp Gỡ Với Phan Châu Trinh Và Nguyễn Tất Thành
- Bùi Kỷ Với Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.
đánh giá là một trong số 11 người có vai trò quan trọng nhất trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ từ năm 1934 - 195321.
2.3. Bùi Kỷ với sự nghiệp văn chương
Bùi Kỷ được biết đến là nhà khoa bảng danh tiếng, một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học của đất Hà Nam. Sau nhiều năm rong ruổi đến Pháp, Trung Quốc, ông trở về Việt Nam và gắn bó với sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Ngoài giảng dạy, ông còn tham gia biên khảo nhiều công trình có giá trị, hiệu khảo một loạt truyện thơ nôm, dịch thơ, sáng tác thơ văn. Ngoài các cuốn sách biên khảo được in riêng, các tác phẩm khác trên lĩnh vực hiệu khảo, dịch thuật, sáng tác của Bùi Kỷ đều đã được sưu tầm và xuất bản thành sách. Tuy nhiên, ngay cả hai cuốn Văn thơ của Ưu Thiên Bùi Kỷ của Lê Tư Lành và Thơ văn Bùi Kỷ của Nguyễn Văn Huyền chắc chắn vẫn chưa tổng hợp được đầy đủ các trước tác của ông, bởi công tác sưu tập sáng tác
21 11 người này bao gồm: Hòa thượng Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm), Hòa thượng Thanh Ất (Tổ Trung Hậu), Hòa thượng Doãn Hài (Tổ Tế Cát), Hòa thượng Tố Liên, Hòa thượng Trí Hải, Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim, Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Trọng Thuật, Bùi Kỷ, Lê Dư.
của Bùi Kỷ là do tìm lại từ các sách báo đã đăng, các bản thảo trên giấy nháp và do người em họ của ông là Bùi Doanh đã yêu cầu đọc lại cho chép vào năm ông gần mất. Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, Bùi Kỷ còn có tập thơ tên Ưu Thiên đồ mạc nhưng chưa kịp xuất bản. Điều đó cho thấy, có thể nhiều sáng tác của Bùi Kỷ còn bị thất lạc và cần nhiều thời gian để tiếp tục tìm kiếm, thu thập hơn nữa.
Từ góc nhìn sử học, trong phạm vi của đề tài, chúng tôi chủ yếu tập trung giới thiệu nội dung chính cũng như những đánh giá, nhận xét của các nhà nghiên cứu về giá trị của một số tác phẩm của nhà văn - nhà thơ Bùi Kỷ trên các lĩnh vực.
Lĩnh vực biên khảo
Nước ta có một lịch sử dịch thuật và biên khảo lâu đời, trên nhiều lĩnh vực như: Văn học, Sử học, Triết học, Tôn giáo, Tín ngưỡng, Giáo dục, Y học, Địa lý và Tổng hợp. Bước sang thế kỉ XX, hoạt động biên khảo càng có điều kiện phát triển với sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Riêng trên lĩnh vực văn học, có hàng trăm tác phẩm được đánh giá cao. Vốn là người thông thảo cả tiếng Hán, tiếng Việt và tiếng Pháp nên Bùi Kỷ cũng sớm hòa mình vào hoạt động này. Ông cùng với các cộng sự của mình đã biên khảo các cuốn: Quốc văn cụ thể (1932), Việt Nam văn phạm bậc trung học (soạn chung với Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm, 1940), Hán văn trích thái diễn giảng khóa bản (cùng soạn với Trần Văn Giáp, 1942), Tiểu học Việt Nam văn phạm (soạn chung với Trần Trọng Kim, Nguyễn Quang Oánh, 1945). Các cuốn này thường gắn với nội dung dạy và học môn ngữ văn Hán - Việt bậc trung học của nhà trường phổ thông Pháp - Việt ở xứ Đông Dương thuộc Pháp đương thời. Các công trình biên khảo trên hiện còn được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, duy chỉ có cuốn Hán văn trích thái diễn giảng khóa bản (cùng soạn với Trần Văn Giáp, 1942) chúng tôi chưa được tiếp xúc.
Quốc văn cụ thể của Bùi Kỷ do Tân Việt Nam thư xã xuất bản năm 1932, là một quyền giảng rất tường tận về các lối văn và về những cách thức làm các lối văn ấy. Sách chia làm 4 thiên: Thiên thứ nhất nói về Việt văn, thiên thứ hai nói về Hán văn, thiên thứ ba nói về Hán - Việt hợp dụng thể và thiên thứ tư nói về Văn pháp.
Đọc cuốn sách này, chúng ta bắt gặp những lời nhận xét tinh tế, đồng thời là những ví dụ minh họa sinh động về từng vấn đề được trình bày. Trong đó, không ít
ví dụ minh họa được lấy từ chính trong các tác phẩm của ông, do khiêm tốn mà được ghi là vô danh, phần nào thể hiện được tâm huyết và bản lĩnh của tác giả. Chẳng hạn như khi xét nhận lối gieo vần của Tàu và của ta, soạn giả khẳng định:
“Văn nước nào cũng phát nguyên bởi những bài ca dao, là những bài hát có vần.
Lối gieo vần của Tàu, bao giờ cũng để chữ có vần xuống cuối cùng câu, thí dụ: Anh anh điểu minh,
Cầu kỳ hữu thanh.
Minh với thanh là một vần. Triển chuyển phản trắc, Cầu chi bất đắc.
Trắc với đắc là một vần.
Vì vần ở cuối cùng câu, nên bài văn có thể gieo được nhiều vần.
Lối riêng của ta gieo vần khác hẳn lối Tàu, câu trên vần ở chữ cuối cùng, còn câu dưới thì vần không ở chữ cuối cùng.
1 – Vần ở chữ thứ nhất câu dưới: Khôn cho người ta dái
Dại cho người ta thương.
2 – Vần ở chữ thứ nhì câu dưới: Cơn đằng đông,
Vừa trông vừa chạy; Cơn đằng nam,
Vừa làm vừa chơi.
3- Vần ở chữ thứ ba câu dưới: Đãi cứt sáo lấy hạt đa,
Đãi cứt gà lấy tấm mắn.
4- Vần ở chữ thứ tư câu dưới: Nhất sĩ nhì nông,
Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ. 5- Vần ở chữ thứ năm câu dưới:
Gái không chồng như nhà không nóc Trai không vợ như cọc long chân.
6- Vần ở chữ thứ sáu câu dưới: Mồng tám tháng tám không mưa,
Chị em bán cả cày bừa mà ăn [35, tr. 20-21]
Hẳn là Bùi Kỷ phải là một người có vốn kiến thức sâu rộng, uyên thâm thì mới có thể hiểu tường tận về lối văn của ta cũng như của Tàu. Và cũng nhờ đó, nội dung cuốn sách được trình bày rõ ràng, ý tứ phân minh, lời lẽ rất lưu loát. Những chương nói về lục bát, song thất lục bát và những biến thể của lục bát, song thất lục bát như hát xẩm, hát nói cũng ngắn gọn, giúp người đọc có thể dễ hiểu, dễ nhớ.
Những kiến thức cơ bản liên quan đến thơ văn mà Bùi Kỷ trình bày trong cuốn Quốc văn cụ thể có ý nghĩa, giá trị thực tiễn cao bởi đây là một công trình biên soạn theo hình thức sách giáo khoa giảng giải về các lối thơ văn và phương pháp thơ văn đầu tiên ở nước ta đạt được độ hoàn chỉnh, chính xác. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, nhà thơ, nhà văn sau này vẫn thường xuyên đọc và tham khảo cuốn sách này của ông trong quá trình học tập, làm việc. Nhận xét về công trình biên soạn đầu tiên của danh nhân Bùi Kỷ, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan viết: “Quốc văn cụ thể là một quyển xét nhận về các lối thơ văn và phương pháp làm thơ văn rất có giá trị, vì nó có được cả ba điều hay là vừa gọn gàng, vừa đầy đủ lại vừa sáng suốt nữa” [76, tr. 213]. Còn tác giả Nguyễn Văn Huyền thì nhận định: “Cuốn Quốc văn cụ thể, trình bày rất sáng sủa và súc tích về hình thức, thể loại các lối thơ văn truyền thống mà cho đến nay, một số công trình thuộc loại này vẫn có thể tham khảo hoặc sử dụng được nhiều điều bổ ích” [28, tr. 18].
Cần thấy rằng, văn chương được xem là cái tinh thần, cái tinh hoa của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trên thế giới. Tuy nhiên, tiếng nước ta là tiếng độc âm, việc làm thơ văn ở nước ta có khó riêng bởi văn làm bằng tiếng độc âm phải theo cái điệu thanh vận và các luật bằng trắc, thì lời nói mới êm ái và câu văn mới rắn rỏi. Xét trong hoàn cảnh mới của đất nước, khi lối học hành thi cử Nho học đã bị xóa bỏ, chữ Quốc ngữ lại đang cần cho sự học, thiết nghĩ, sự ra đời của cuốn Quốc văn cụ thể cho thấy sự nhạy bén với thời cuộc của soạn giả, có ích cho quốc gia. Điều
này cũng được học giả Trần Trọng Kim khẳng định trong lời Tựa của cuốn sách: “Xưa kia ta học làm văn thì có thày dạy. Người đi học phải luyện tập lâu ngày mới thành tài và mới làm được văn. Nay lối học cũ đã bỏ đi, thầy giỏi ngày một hiếm có. Nếu không có quyển sách nói rõ ràng về các lối làm văn, và những cách thức làm các lối văn ấy là thế nào thì những người muốn học làm văn biết sở cứ vào đâu mà học tập? May sao có Châu Giang Bùi Ưu Thiên, không nỡ để cái nền văn học cũ mai một đi, chịu khó làm cuốn Quốc văn cụ thể, bàn rõ cái nguyên ủy và các thể tài những lối văn cũ của ta khi xưa, để sau này ai muốn học làm văn, có chỗ sở cứ mà học tập. Sự học làm văn bằng quốc âm, nhờ có quyển sách này may ra có cơ lại tiến hành được”.
Việt Nam văn phạm bậc trung học là công trình biên khảo thứ hai của Bùi Kỷ. Có thể nói, trong tiến trình ngữ pháp học Việt Nam, cuốn Từ điển Việt - Bồ - La (1651) của Alexandre de Rhodes đã phác thảo những nét đầu tiên cho bức tranh ngữ pháp tiếng Việt. Sau đó là cuốn Grammaire de la langue Annamite của học giả Trương Vĩnh Ký (1883), một cuốn sách viết về ngữ pháp tiếng Việt sớm nhất chính thức ra đời ở Việt Nam. Và đến đầu thế kỉ XX, chúng ta không thể không nhắc đến cuốn Việt Nam văn phạm bậc trung học do Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm biên soạn và xuất bản năm 1940. Cuốn sách ra đời trong giai đoạn mà các tài liệu về ngữ pháp tiếng Việt chủ yếu là do các nhà ngôn ngữ học nước ngoài viết như
M. Grammong, P. G Vallot, R. Bulteau… Mặc dù những hiểu biết chung về cơ sở lý thuyết ngôn ngữ học có phần hạn chế hơn so với các học giả phương Tây, song bộ ba tác giả người Việt lại phát huy được lợi thế của mình, đó là những người bản ngữ, sinh ra đã biết tiếng Việt. Với cố gắng thoát khỏi lối mô phỏng, sao chụp châu Âu của ngữ pháp truyền thống, nhóm tác giả đã có những nhận xét tinh tế và những kiến giải độc lập về vấn đề từ loại, đặc biệt là những nghiên cứu khá sâu về danh từ, phân chia động từ... Các tác giả cũng đã bắt đầu nhận thấy những bất hợp lý trong việc gò tiếng Việt vào khung ngữ pháp châu Âu. Dù vậy, cuốn sách cũng vấp phải một số hạn chế như: quan niệm lấy từ làm trung tâm trong nghiên cứu cú pháp (Từ bản vị), một khuynh hướng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của ngữ pháp Âu châu thời bấy giờ, nhưng lại không phù hợp với tiếng Việt; phân chia từ loại theo kiểu mô
phỏng các ngôn ngữ châu Âu... Vì những hạn chế trên nên quyển Việt Nam văn phạm bậc trung học chưa thể đem dùng ngay được. Tuy vậy, Vũ Ngọc Phan vẫn khẳng định: “Đây là một quyển biên tập công phu hơn cả những quyển văn phạm Việt Nam có từ trước đến giờ” [76, tr. 180]. Trên cơ sở cuốn Việt Nam văn phạm bậc trung học, năm 1942, Bùi Kỷ cùng với Trần Trọng Kim và Nguyễn Quang Oánh đã biên soạn và xuất bản cuốn Tiểu học Việt Nam văn phạm.
Nhận xét về các công trình biên khảo của Bùi Kỷ, cũng là các cuốn giáo trình văn học được sử dụng tại các trường cao đẳng và tiểu học lúc bấy giờ, Đặng Thai Mai cho rằng, mặc dù chưa hoàn toàn đầy đủ (chẳng hạn như chưa đề cập đến văn học nước nhà từ nửa thế kỉ XIX về sau này) nhưng “giáo trình của cụ Bùi Kỷ đối với chúng tôi là những dịp thu hoạch khá phong phú để tiếp tục tìm tòi suy nghĩ sau ngày ra trường” [60, tr. 272].
Ngoài ra, Bùi Kỷ còn cùng với Phạm Quỳnh (chủ bút), Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, Đỗ Thận biên soạn cuốn Việt Nam từ điển. Đây là tác phẩm công phu, dày 663 trang, được nhà in Trung Bắc Tân Văn xuất bản năm 1931. Cuốn từ điển này cho phép người đọc tra cứu cả chữ Nho lẫn tiếng Pháp hầu tạo chữ để diễn tả những tư tưởng mới du nhập vào Việt Nam, nhất là những danh từ kỹ thuật. Hơn nữa, nó còn thâu nhận những danh từ thổ ngữ của các địa phương cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Vì vậy, Việt Nam tự điển được xem là thành tựu đáng ghi nhớ nhất của Hội Khai Trí Tiến Đức, sang thế kỷ XXI vẫn thường được lấy làm mẫu mực chính tả và từ mục.
Lĩnh vực hiệu khảo
Bên cạnh hoạt động biên khảo, Bùi Kỷ cũng tích cực hiệu khảo các tác phẩm chữ Hán, chữ Nôm. Trong đó, Truyện Thúy Kiều do ông cùng với Trần Trọng Kim hiệu khảo căn cứ vào bản Phường22 là công trình gây được tiếng vang lớn.
Cho đến nay, Truyện Kiều xuất bản bằng chữ Quốc ngữ có nhiều bản, có thể kể đến như: Kim Vân Kiều (Bản in nhà nước, 1875) do Trương Vĩnh Ký biên khảo;
22 Truyện Kiều in ra chữ Nôm, đến nay đã có rất nhiều sách, nhưng được phân biệt thành 2 bản khác nhau là: bản Phường in tại Hà Nội, do Phạm Quý Thích (hiệu Lập Trai, người làng Hoa Đường, nay là Lương Đường, Hải Dương) đem ra khắc, và bản Kinh do vua Tự Đức sửa chữa lại.