Kim Vân Kiều (in tại Hà Nội, 1913) do Nguyễn Văn Vĩnh chú thích; Kim Vân Kiều chú thích (biên tập khoảng năm 1902-1903, in tại nhà in Ngô Tử Hạ) của Bùi Khánh Diễn; Truyện Kiều do Nông Sơn Nguyễn Can Mộng hiệu đính và chú thích (in tại Imprimerie d’Extrême Orient, Hà Nội, 1936); Vương Thúy Kiều do Nguyễn Khắc Hiếu chú thích (Nxb. Tân Dân, Hà Nội, 1940) và Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo (in lần đầu năm 1925 do Vĩnh Hưng Long thư quán Hà Nội xuất bản).
Khi so sánh với các bản hiệu khảo của các tác giả khác, hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhận định rằng, Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, có rất nhiều chữ khác nhưng lại có tính hợp lý, sát nghĩa. Tất nhiên, vì là một trong những công trình hiệu khảo sớm nên quyển Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim vẫn có một vài chữ cần xét lại, nhưng Vũ Ngọc Phan vẫn cho rằng: “So với các bản khác bằng quốc ngữ xuất bản gần đây, thì vẫn là một quyển có giá trị cao hơn cả. Có thể nói: Bây giờ chỉ có hai bản, bản do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim chú thích và bản của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chú thích là kỹ hơn cả” [76, tr. 219]. Bởi đó, bản Truyện Thúy Kiều mà Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo có sự bổ sung in năm 1927 sau đó đã được Nhà xuất bản Tân Việt Sài Gòn đã in lại đến 8 lần. Đến nay, bản này đã được các nhà xuất bản in đi in lại đến hàng chục lần. Trên cơ sở bản Truyện Thúy Kiều này, Bùi Kỷ đã chú thích và hiệu đính lại, được Nxb. Phổ thông cho in vào năm 1958, tái bản 5 lần.
Vấn đề nghiên cứu Truyện Kiều từ những năm cuối của thế kỷ XX đến nay đã có nhiều thành tích đáng kể nhờ có phương pháp mới và nhiều văn bản được bổ sung nhưng bản hiệu khảo của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim vẫn để lại một dấu ấn quan trọng và có một vị trí nhất định trong vấn đề nghiên cứu Truyện Kiều vì nó đã được phổ biến sâu rộng trong nhân dân cũng như trong trường học nhiều năm.
Ngoài Truyện Thúy Kiều, ông còn là người đi đầu hiệu khảo một loạt truyện thơ nôm khuyết danh như Trê Cóc, Trinh thử, Lục súc tranh công, Hoa điểu tranh năng. Những truyện ngụ ngôn trên chưa được kể đến trong các mục Kinh tịch chí hoặc Văn tịch chí của Lê Quý Đôn hay Phan Huy Chú, đó là một thiếu xót. Bùi Kỷ đã sớm nhìn thấy cái hay, vẻ đẹp đặc biệt trong những cốt truyện dân dã, những
ngôn ngữ bình dân, và ông đã dày công hiệu khảo những truyện ngụ ngôn này. Trong số đó, nổi bật là bài khảo cứu truyện Trê Cóc đăng trên tập san của Hội Khai Trí Tiến Đức (số 4, tháng 12 - 1941) được đánh giá là rất công phu, tường tận. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền cho rằng: “Đối với những chữ nghĩa, những điển cố Hán học, dù khó mấy, sớm hoặc muộn người ta cũng có thể tìm ra nhờ những phương pháp tiện tra cứu phong phú. Nhưng còn với những từ Việt cổ, những phương ngữ xa xôi nếu không có việc làm của ông cách đây hơn nửa thế kỉ thì sẽ khó khăn biết mấy cho thế hệ ngày nay, nếu muốn lĩnh hội chính xác các văn phẩm loại ấy” [28, tr. 19].
Điều đặc biệt là, mỗi công trình biên khảo đều thể hiện thái độ của Bùi Kỷ qua những lời bình luận ám dụ, liên hệ bóng gió với phong hóa đương thời, và đôi khi bằng cả những lời thơ đầy tâm huyết. Chẳng hạn như trong lời “lạm đề” cuối bài khảo cứu về truyện Trinh thử, ông viết:
Thế mới biết:
Thói tà phong nhanh chóng Mùi chính khí thơm lâu
Người mẫn thế động lòng thương xót Văn ngụ ngôn dụng ý cao sâu
Trách ai hắc bạch thay lòng, vì nấm lợi mồ danh mà lẩn khuất
Có thể bạn quan tâm!
- Hoạt Động Của Bùi Kỷ Trên Lĩnh Vực Văn Hóa – Giáo Dục
- Bùi Kỷ Với Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Bắc Kỳ (1934 - 1945)
- Bùi Kỷ với sự nghiệp văn hóa - giáo dục và cách mạng Việt Nam thế kỉ XX - 6
- Cuộc Gặp Gỡ Với Phan Châu Trinh Và Nguyễn Tất Thành
- Bùi Kỷ Với Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
- Đóng Góp Của Bùi Kỷ Đối Với Quê Hương, Đất Nước
Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.
Để khách thanh cao ngứa mắt, nghĩ tình đời thói tục lại âu sầu [28, tr. 140].
Những năm cuối đời, ông vẫn miệt mài nghiên cứu. Ông đã tiến hành hiệu khảo tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng, tham gia khảo cứu di sản thơ chữ Hán của đại thi hào Nguyễn Du, xác định giá trị Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.... Ngoài ra, Bùi Kỷ còn giúp Trần Trọng Kim trong quá trình soạn cuốn Nho giáo (xuất bản lần đầu năm 1930). Trong bài tựa cuốn sách này, Trần Trọng Kim cũng viết: “Trước khi đem xuất bản cuốn sách này, chúng tôi xin có lời cảm tạ hai ông bạn là ông phó bảng Bùi Kỷ và ông cử nhân Trần Lê Nhân đã giúp đỡ chúng tôi trong khi khảo cứu thường gặp những chỗ khó hiểu, cùng nhau bàn bạc được rõ hết mọi ý nghĩa”.
Lịch vực dịch thuật
Tác phẩm dịch thuật của Bùi Kỷ tuy không nhiều nhưng đều là những áng văn đặc sắc, được lưu truyền khá rộng rãi. Bài ký lầu Nhạc Dương (Nhạc Dương lâu ký) là lời tuyên ngôn cho đạo lý sống cao cả của Phạm Trọng Yêm (Trung Quốc) “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Bài Trần tình văn của Cao Bá Nhạ giãi bày nỗi bất hạnh của dòng họ Cao bị tru di do cuộc khởi nghĩa của Cao Bá Quát chống triều Nguyễn. Qua bản dịch thành công của Bùi Kỷ, người đọc không biết chữ Hán vẫn cảm nhận được văn tài của Cao Bá Nhạ và cảm thông với hoàn cảnh của gia đình họ Cao. Đặc biệt bản dịch Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, đến nay không còn được dùng trong trường học nữa vì sự phát triển khách quan của ngôn ngữ hiện đại. Song suốt một nửa thế kỉ, bản dịch này đã chuyển tải được về cơ bản nội dung và âm điệu hào hùng của áng thiên cổ ấy. Đến nay, một số người còn nhớ những câu dịch hay của Bùi Kỷ:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Hay:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo. Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy, miền Trà Lân trúc phá tro bay.
Vì đã từng có một vị trí đáng kể trong đời sống văn học Việt Nam nên sau này, bản dịch Bình Ngôi đại cáo của Bùi Kỷ vẫn được một số nhà nghiên cứu đánh giá cao. Vũ Ngọc Khánh cho rằng: Nhiều người lấy lý do là bản dịch của Bùi Kỷ không hợp với ngôn ngữ hiện đại, nhiều chỗ không sát nguyên văn, dịch vế trên vế dưới xáo trộn… nên đem sửa chữa. Nhưng bao nhiêu bản dịch mới (kể cả bản ký chung với tên Bùi Kỷ) thì rất kém vẻ hào hùng sảng khoái, kém chất say sưa mà trịnh trọng của một lời tuyên ngôn đầy tráng khí nhất của Việt Nam. Bùi Kỷ là bậc thầy trong việc dịch Bình Ngô đại cáo [32, tr. 533].
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền thì Bùi Kỷ còn dịch Truyện Kiều ra thơ chữ Hán, nhưng đáng tiếc là tác phẩm này đã bị thất lạc.
Phê bình văn học
Xét ở khía cạnh nào đó, Bùi Kỷ cũng có thể được xem là một nhà lý luận phê bình văn học. Ông từng nói: “...những bậc chính nhân quân tử ở nước ta, như các
ông Triều Ân, ông Giới Hiên đời Trần, ông Bạch Văn Am đời Lê, ông Thanh Hiên, ông Ngộ Trai đời Nguyễn, há chẳng phải là những người suốt đời chỉ vùi đầu ở trong làng văn, mặc để tiêu ma hết tháng năm, thế mà mỗi khi làm được một câu, một bài đều có giá trị đặc biệt, thành một văn gia là tại sao? Là vì các vị ấy đã bẩm thụ được một phần hạo khí rất khinh thanh binh nhật, lại có rất nhiều công hàm dưỡng, khi nào cảm xúc với cảnh vật thiên nhiên của tạo hóa, như khóc, như cười, như tỉnh, như say, như bực dọc, như hả hê, như nhớ nhung, như khuây khỏa, tự nhiên, tả ra thành văn: như mưa gió tuôn đầu ngọn bút, mây ráng bay trên mặt giấy, lắm lúc chính nhờ viết được một câu đắc ý lại ngờ là không phải của mình làm ra, vì thế cổ nhân có câu “văn như hóa công” tưởng không phải là nói ngoa vậy” [66, tr. 396].
Dịp khác, khi vào Thuận Hóa, ông được xem tập văn dịch 120 bài thơ Đường làm theo lối lục bát và song thất lục bát của ông Trần Lệ Thần. Sau khi xem kỹ, so với nguyên văn, đo đắn từng chữ, từng nghĩa, ông bảo: “Không hiểu làm sao, khi đọc văn Đường tôi tưởng là văn Trần quân, khi đọc văn Trần quân tôi lại tưởng là văn Đường; tôi thực sự nhớ đến một đoạn trong Truyện Kiều:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời Tiếng khoan như gió thoảng ngoài Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
Những câu ấy như đều dịch ở Đường thi, nhưng nếu bảo là Đường thi dịch từ những câu ấy ra cũng có nhiều người tin là thực. Có lẽ từ sự cảm xúc đến sự miêu tả, khi đã vào chân cảnh thi Đường và Việt văn gia cũng là đồng cảm đồng điệu chăng?... Có lẽ những bài Đường thi chỉ là những mối cảm hứng để khêu gợi tâm sự của Trần quân, mà Trần quân đối với Đường văn gia lại cùng một khâm hoài; vì thế mới có tập văn dịch này” [66, tr. 397].
Thậm chí, những hiểu biết uyên thâm, tinh vi mà học giả Bùi Kỷ đã tích lũy, chiêm nghiệm, phát biểu có khi phải nhiều thế kỉ sau người ta mới thừa nhận là chân lý. Giáo sư Đặng Thai Mai phát biểu: “Nhớ lại ngày chúng tôi theo học giáo trình văn học Việt Nam của cụ Bùi Kỷ ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội vào
những năm 1925-1928. Có hôm Cụ đã nói với chúng tôi quan điểm của cụ về văn học đời Lý và đầu đời Trần. Cụ cho rằng về một phương diện, thơ Lý, Trần có thể nói là hay hơn các nhà nho đời sau của nước ta. Lúc bấy giờ chúng tôi không đồng ý tí nào với vị giáo sư và cũng là nhà khoa bảng lớn trong những năm rốt của nho học. Quả tình là tôi còn bị ảnh hưởng quá nhiều của lối học từ chương nghề cử tử. Văn chương Lý, Trần đối với tôi thiếu mất cái hào nhoáng, cái bay bướm. Đó là cả một sự mù quáng mà mãi đến mấy chục năm sau này tôi mới nhận ra…” [28, tr. 20].
Hoạt động sáng tác
Không chỉ là một nhà biên khảo, nhà nghiên cứu văn hóa có ảnh hưởng mà Bùi Kỷ còn thể hiện một tâm hồn tinh tế qua một loạt các sáng tác văn học với khá nhiều thể loại: văn (nghị luận, phú, văn tế, câu đối...), thơ (thơ chữ Hán, thơ tiếng Việt). Khi kiến giải về nghề văn, ông từng nói: “...Có phải người nào và lúc nào cũng viết được văn hay? Làm thế nào và điều khiển được tài tử biểu diễn tư tưởng và tình cảm?...” [66, tr. 397]. Ông đặt ra vấn đề như vậy cũng bởi vì ông muốn dùng văn thơ để thể hiện thế giới tinh thần, gửi gắm tâm tình thế sự của mình.
Các sáng tác văn thơ của Bùi Kỷ đã tạo nên dấu ấn sâu sắc trong làng văn chương thời bấy giờ. Hai soạn giả Ngô Linh Ngọc - Ngô Văn Phú cũng khẳng định: “Thuở ấy, Hà thành có ba nhân vật thuộc loại khách văn chương của giới ca trù, mỗi vị có một cái tên tự nhận: Á Nam Trần Tuấn Khải là “bi” (sầu), Bùi Kỷ là “ưu” (lo lắng cho đời), Tản Đà là “ngông” [67, tr. 38]. Hai soạn giả cũng lấy làm tiếc vì không thu thập được sáng tác nào của Bùi Kỷ thuộc thể loại ca trù. Tuy nhiên, đến nay, qua hai cuốn Văn thơ của Ưu Thiên Bùi Kỷ của Lê Tư Lành và Thơ văn Bùi Kỷ của Nguyễn Văn Huyền, chúng ta đã biết được nhiều bài thơ thuộc thể loại này của Bùi Kỷ. Ông có tập thơ Ưu Thiên đồ mặc chưa xuất bản, đã bị thất lạc nhưng một số bài thơ Đường luật và hát nói trong tập thơ đó đã được đăng trên tờ báo Trung Bắc tân văn, Nam Phong tạp chí. Tâm tư xuyên suốt thể hiện trong các sáng tác của Bùi Kỷ nổi bật nhất chính là sự ưu tư, lo lắng cho đời, cho người. Theo điển tích trong sách Liệt Tử và Tả Truyện, nước Kỷ có người suốt ngày lo trời sập. Do vậy, nhắc đến ưu thiên, nghĩa là lo trời sập, người ta nghĩ ngay đến người nước Kỷ. Bùi Kỷ lấy tên tự Ưu Thiên là vì thế!
Sáng tác thơ văn của Bùi Kỷ còn thể hiện rõ con người và phẩm chất cương trực của ông. Tiêu biểu như tại lễ kỉ niệm 105 năm ngày mất của Nguyễn Du năm 1924 do Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức, khi Kép Trà - nhà thơ trào phúng xuất sắc lúc bấy giờ ngâm bài Văn chiêu hồn thập loại chúng sinh chế giễu các bậc quan tai to mặt lớn đang dự lễ kỉ niệm như Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Năng Quốc, Vi Văn Định, Lê Dư, Nguyễn Hữu Tiệp, Phạm Lê Bồng, tay chân của các vị này xông vào định đánh Kép Trà thì Bùi Kỷ đứng ra bảo vệ. Không lâu sau sự kiện này, Bùi Kỷ đã làm bài phú Dương Liên mắng Ngụy Trung Hiền hạn vần “chẳng đánh mà đau” với lời lẽ đanh thép để đả kích bọn quan liêu vô liêm sỉ định sinh sự với ông Kép Trà. Câu chuyện này đã trở thành giai thoại loan truyền khắp nơi. Điều đó cho thấy, Bùi Kỷ tuy rất mến yêu đại thi hào Nguyễn Du và dành nhiều tâm huyết cho tác
phẩm Truyện Thúy Kiều nhưng không vì thế mà ông để mình bị rơi vào những chiêu trò mị dân của thực dân Pháp23.
Đến nay, các nhà nghiên cứu đã thu thập được khoảng 80 sáng tác thuộc đủ các thể loại như thơ, văn xuôi, phú, câu đối của Bùi Kỷ. Những sáng tác của ông không chỉ thể hiện một tâm hồn thơ văn phong phú mà còn gắn liền với quá trình đấu tranh và phát triển của cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta, tiêu biểu như: Phường chèo với giọng điệu trào phúng chế giễu chính phủ bù nhìn do phát xít Nhật lập ra tại Việt Nam sau khi tiến hành đảo chính Pháp, Kỷ nguyên mới bày tỏ niềm phấn khởi trước chiến thắng của cuộc Cách mạng tháng Tám... Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền đã gọi ông là “một nhà văn, ba chế độ” là vì thế! Có thể nhận thấy, mặc dù kiêm nhiều hoạt động song qua các công trình, các sáng tác của Bùi Kỷ, nhiều người thuộc thế hệ sau như Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan... đều tỏ một thái độ kính cẩn đối với ông bởi nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, không bao giờ cẩu thả. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh những năm cuối đời, ông vẫn không ngừng sáng tác, khảo cứu tác phẩm văn học. Vũ Ngọc Khánh cũng từng khẳng định: “Những gì
23 Thời kỳ này, thực dân Pháp có bày ra nhiều chiêu trò nhằm đánh lạc hướng thanh niên, trí thức trong lúc phong trào yêu nước đang có cơ hội bột phát sau tiếng bom Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quyền Méc-lanh ở Quảng Châu (Trung Quốc). Về văn học, gây nên phong trào sùng bái Truyện Kiều, cho Truyện Kiều là quốc hồn, quốc túy, Nguyễn Du là cứu tinh của dân tộc với những bài diễn kịch Kiều, thi vịnh Kiều, kỷ niệm Nguyễn Du...
qua tay nhà học giả Bùi Kỷ, đều là những công trình rất đáng tin cậy. Việc truyền thụ tri thức, phổ cập văn chương đã được thầy tiến hành một cách thận trọng, đúng như đức độ và tính gương mẫu của thầy” [32, tr. 532].
Đặc biệt, phẩm cách của Bùi Kỷ thể hiện rõ trong bài Thân thế luận của ông: “Giàu sang không phải là sướng, nghèo hèn không phải là khổ, thất bại không
phải là nhục, thắng lợi không phải là vinh, cốt tự mình xét mình, tự hỏi mình, trong không điều gì hổ thẹn, ngoài không điều gì sai lầm, noi theo đạo đức nhân nghĩa để hàm dưỡng lấy tinh thần, luyện tập nên nhân cách, cho bản lĩnh ngày một thêm bền, thao chủ ngày một thêm vững, bao giờ đến được bậc “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” thì cái công tu dưỡng mới hoàn toàn. Đến được bậc ấy thì tự nhiên trong lòng sảng khoái, thung dung, ở vào cảnh nào cũng vui thích. Sự vui thích này là thuộc về tinh thần, gặp thời mà thi thố được cái chí nguyện của mình thì chữ “đạt” là vui thích. Không gặp thời thì cố hết sức cán hồi cho tận nhân lực, đến lúc vạn bất khả nại hà, lấy chữ “minh triết” làm cốt, dẫu đời không biết mà vẫn có giá thanh cao thì chữ “cùng” lại là vui thích…” [28, tr. 82].
Như vậy, Bùi Kỷ không hề bó khuôn công việc ở những giờ lên lớp, không những trực tiếp biên khảo các sách phục vụ cho việc giảng dạy, mà còn sáng tác thơ văn biểu lộ thái độ, hoài vọng của mình đối với thời thế. Bài thơ Mừng tuổi quốc văn (năm 1920) có thể coi là tuyên ngôn của tác giả với tư cách một nhà sư phạm đồng thời là người cầm bút có trách nhiệm, đầy tâm huyết:
Văn chương nghĩ lại, một nghề hay Vía nước hồn dân cũng bởi đây Ngòi bút vẽ nên tranh vận hội Ngọn đèn soi tỏ mặt gian ngay Vần xoay lăng cốc mòn đôi mắt
Điểm xuyết càn khôn được mấy tay Ướm hỏi Quốc văn lên mấy tuổi
Làm sao khỏi phụ với râu mày [28, tr. 58].
Tiểu kết chương 2
Sau nhiều lần từ chối làm quan, từ năm 1917, Bùi Kỷ đã quyết định rời quê hương Châu Cầu và gia đình ra Hà Nội dạy học. Đây có thể được xem là sự khởi đầu cho quá trình hoạt động văn hóa - giáo dục của ông. Bằng tất cả sự nhiệt tình, Bùi Kỷ đã truyền cho các học trò của mình tình yêu đối với tiếng Việt, với nền văn hóa dân tộc. Ông đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các thế hệ học sinh, sinh viên, đồng nghiệp. Ngoài ra, ông cũng là người có nhiều đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo Bắc Kỳ 1934-1945.
Bên cạnh đó, ông còn là một nhà văn, nhà thơ. Tuy khối lượng các tác phẩm của ông không thật đồ sộ nhưng đã cho thấy tài năng văn chương cũng như tâm tình của người cầm bút trên các lĩnh vực như biên khảo, hiệu khảo, dịch thuật, sáng tác... Hầu hết các nhà văn, nhà phê bình văn học đều ghi nhận, trong văn giới Việt Nam, Bùi Kỷ nổi tiếng là một nhà văn chín chắn, thận trọng. Đặc biệt, tên ông thường đi kèm với học giả Trần Trọng Kim trên nhiều cuốn sách giá trị, được Vũ Ngọc Phan liên tưởng đến cái tên Erckmann - Chatrian trong văn giới Pháp, hai cái tên đi cặp kè và cũng nổi tiếng về văn học và sử học.