Biểu Tượng Người Khổng Lồ Phản Ánh Tín Ngưỡng Của Tộc Người

Trong nhận thức về thế giới tự nhiên xung quanh mình, người xưa còn có được cái nhìn biện chứng về việc tác động qua lại giữa các sự vật, hiện tượng làm động lực phát triển. Đó là Sao Cải muốn thuần dưỡng cây lúa hoang thành lúa trồng thì trước hết phải xuất hiện những cây lúa hoang dại trong tự nhiên đã. Hay như muốn lúa lên tốt, cho năng suất cao, phải tưới tiêu hợp lý, phải tỉa cành, làm cỏ như thế nào. Cũng như vợ chồng Ải Lậc Cậc phải gánh tro bón đồng ruộng thì thóc lúa mới đầy nhà…

Nắm bắt và thuận theo những qui luật của tự nhiên, đồng thời thấy được mối quan hệ biện chứng giữa những sự vật trong tự nhiên, người nguyên thuỷ đã khái quát nó thành những việc làm cụ thể của những vị thần sáng tạo

– nhân vật trung tâm của thần thoại giai đoạn đầu. Qua đó phần nào thể hiện tư duy triết học, mặc dù còn mang nhiều nét thô sơ, mộc mạc, ấu trĩ nhưng đã thể hiện phần nào sự phát triển nhất định trong tư duy, bên cạnh khả năng khái quát hoá, trừu tượng hoá của người nguyên thuỷ. Đó là cơ sở nhận thức quan trọng để con người ngày càng khác xa so với thế giới động vật.

Bên cạnh những yếu tố duy vật biện chứng sơ khai, trong thần thoại của các tộc người cũng phần nào thể hiện tính chất duy tâm siêu hình trong cách giải thích thế giới và xã hội con người, thể hiện hạn chế nhất định của thời đại cũng như nhận thức của con người.

Cụ thể là các thần thoại chưa giải thích được nguồn gốc của các sự vật, hiện tượng một cách khoa học, người xưa đã gán cho nó một sức mạnh siêu nhiên, thần linh, chủ nghĩa, đó chính là hình ảnh của những vị thần khổng lồ.

Đối với người nguyên thuỷ, vũ trụ mênh mông quá, to lớn quá, mà con người lại quá nhỏ bé. Vậy làm sao họ có thể sáng tạo ra được thế giới? Với tư cách là lực lượng tiến bộ nhất của tự nhiên mà con người đã không thể làm được thì các loài vật khác cũng không thể. Việc sáng tạo ra vũ trụ tất yếu phải do một lực lượng thứ ba nào đó có thân thể khổng lồ, có sức mạnh phi thường mà con

người không thể nào lường được sáng tạo ra. Trong điều kiện lúc đó, người ta chỉ có thể trả lời rằng lực lượng đó là các thần, thần Trụ Trời (người Việt), hay Then (người Tày - Thái), thần Bàn Cổ (người Trung Quốc, người Dao…)

Suy cho cùng, hạn chế này mang nặng tính thời đại. Trong điều kiện lúc bấy giờ, con người hoàn toàn hoang mang trước những biến động của tự nhiên mà không thể nào giải thích được. Con người bỡ ngỡ với chính mình với câu hỏi: tại sao con người lại được sinh ra? Con người chỉ có thể tìm thấy câu trả lời ở thế giới của các thần linh. Tuy nhiên, trong buổi sơ khởi của loài người, cái có tác động quan trọng nhất và gần gũi nhất đối với họ chính là lao động, nên người nguyên thuỷ đã gán cho các vị thần những hành động giống như hành động thường ngày của con người, chỉ khác là ở tầm vóc mà thôi. Có thể nói, hình ảnh các vị thần khổng lồ của người nguyên thuỷ được thể hiện trong các tích thần thoại chính là sự thần thánh hoá lao động của con người, khoác cho hoạt động lao động của con người một lớp áo siêu nhiên để có thể làm những công việc mang tầm vóc lớn lao – công việc kiến tạo vũ trụ.

Nếu những yếu tố tư tưởng duy vật và biện chứng sơ khai có tác dụng phục vụ sản xuất, phục vụ việc nâng cao ý thức và vai trò của con người trong cuộc đấu tranh với tự nhiên, thì những yếu tố duy tâm, siêu hình lại ngược lại. Nó phản ánh sự bất lực của người, hạ thấp vai trò và tác dụng cải tạo thế giới của con người. Nhưng nó được coi là tất yếu của lịch sử, khi mà trình độ nhận thức của con người còn nhiều hạn chế, nên việc phản ánh thế giới khách quan đôi khi bị sai lệch. Vấn đề này sẽ được khắc phục dần trong những giai đoạn lịch sử về sau, với một trình độ cao hơn trong nhận thức cũng như trong xã hội của con người.

3.2.2. Biểu tượng người khổng lồ phản ánh tín ngưỡng của tộc người

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.

Đối với đồng bào Tày – Thái, Ải Lậc Cậc và vợ chồng Báo Luông - Sao Cải được xem như vị thần nông của tộc người, bởi họ chính là người đem

lại nghề nông - nghề kinh tế chính cho tộc người. Do vậy hình ảnh của họ gắn liền với những yếu tố phồn thực, về sau sẽ phát triển thành tín ngưỡng phồn thực tồn tại lâu dài trong đời sống văn hoá của các cư dân trồng lúa nước nói chung và cư dân Tày – Thái nói riêng.

Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam - 14

Ngay khi miêu tả về các vị thần, yếu tố phồn thực đã được tác giả nguyên thuỷ sử dụng triệt để để nói lên vai trò của họ. Điển hình khi miêu tả về sinh thực khí của vợ chồng Ải Lậc Cậc, yếu tố thậm sưng điển hình của tín ngưỡng phồn thực được phát huy. Tác giả dân gian miêu tả vợ của Ải Lậc Cậc hết sức to lớn với những nét đặc trưng cho sự mắn đẻ, “vú to bằng trái núi”, sinh thực khí của bà “bằng cả cánh đồng”. Còn sinh thực khí của Ải to như thế nào thì người xưa không mô tả cụ thể nhưng Ải có thể dùng nó để “xua cá ở ngọn sông Đà” và cái dằm đâm phải nó “là cả thân gỗ lớn làm thuyền có bảy người chèo[91]. Điều đó cho thấy nó phải to đến mức độ nào!

Hay như đối với cặp đôi Nữ Oa - Tứ Tượng, những vị thần khổng lồ trong tâm thức của người dân Việt cũng có hình dáng thật kỳ vĩ. Và bộ phận sinh sản của họ cũng vĩ đại không kém. Sinh thực khí của Nữ Oa được ví với “ba mẫu ruộng”, của Tứ Tượng được so sánh với “mười bốn con sào”. Một sự hình tượng hoá về tầm vóc vô cùng lớn lao của các vị thần.

Có thể nói, trong tín ngưỡng phồn thực, việc đề cao sinh thực khí nam và nữ có tác dụng cầu mong sự sinh sôi, nảy nở tươi tốt, giống như biểu tượng Nò - Nường (người Việt) hay biểu tượng Linga – Yoni (người Chăm). Cùng với nó là tục “hèm” trong các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng phồn thực tiêu biểu của cư dân nông nghiệp. Có thể đối với các tác giả nguyên thuỷ, ý thức phồn thực chưa được định hình rò như trong quan niệm của tộc người ở những giai đoạn sau, nhưng ở đây, mong muốn về những vụ mùa tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, nhà nhà no đủ như cuộc sống của các vị thần là điều tất yếu.

Bởi thần thoại chẳng qua chỉ là phương tiện để người xưa chuyển tải mơ ước của mình mà thôi.

Ngay từ khi xuất hiện, các vị thần trong thần thoại của các tộc người đã là đại diện tiêu biểu cho tín ngưỡng phồn thực của các tộc người. Bởi:

Thứ nhất, họ xuất hiện với một hình dáng thật khác thường với những bộ phận trên cơ thể cũng thật lạ kỳ.

Thứ hai: ngay từ đầu, hình ảnh lao động của các vị thần đã gắn với nghề nông trồng lúa nước - một loại hình kinh tế được coi là khởi nguồn của tín ngưỡng phồn thực nguyên thuỷ.

Thứ ba: các vị thần xuất hiện trong tư thế sóng đôi nam thần - nữ thần, một yếu tố xác định tính chất lưỡng hợp, hoà hợp âm dương của tâm thức nguyên thuỷ.

Qua những phân tích trên, chúng tôi có thể mạnh dạn đi đến nhận định rằng, các vị thần khổng lồ trong lớp thần thoại đầu tiên của các tộc người lấy nghề nông trồng lúa nước làm nghề kinh tế chính của mình (không chỉ riêng đối với cư dân Tày - Thái), đã mang trong mình yếu tố của tín ngưỡng phồn thực - một tín ngưỡng phổ biến của các cư dân nông nghiệp lúa nước. Đặc biệt đối với cư dân Tày – Thái, Ải Lậc Cậc cũng như vợ chồng Báo Luông – Sao Cải được coi là thần nông của tộc người, đi vào tâm linh của tộc người (như vai trò của các vị Sô Công trong tâm linh của người Thái).

Có thể nói, với sự xuất hiện của thần thoại về các vị thần sáng tạo trong buổi đầu lịch sử không chỉ đánh dấu bước phát triển nhất định trong nhận thức của tộc người mà nó còn là dấu hiệu cho sự xuất hiện của tôn giáo sau này, mà cụ thể ở đây là tín ngưỡng phồn thực đã được manh nha hình thành trong tư tưởng của các tác giả nguyên thuỷ - chủ nhân của nền văn minh lúa nước.

3.2.3. Phản ánh khiếu tư duy thẩm mỹ của tộc người

Kể từ khi con người biết nhận thức về thế giới xung quanh mình và phản ánh nó bằng những ý tưởng, những biểu tượng, tức là có sự sáng tạo văn hoá, chính lúc đó con người đã thể hiện tư duy thẩm mỹ của mình. Thần thoại

- loại hình văn học dân gian đầu tiên, sáng tạo văn hoá đầu tiên của loài người đã phần nào phản ánh những giá trị thẩm mỹ đó.

Lấy chính con người làm hình mẫu lý tưởng để xây dựng nên những biểu tượng về các vị thần khai thiên lập địa trong thần thoại cũng là lúc con người ý thức được cái đẹp trong chính bản thân mình. Con người chính là sản phẩm hoàn mỹ nhất của tự nhiên, đến các vị thần có sức mạnh to lớn như vậy, công lao vĩ đại như vậy cũng mang dáng dấp của con người đó thôi! Con người cũng đẹp như chính các vị thần vậy, hay các vị thần cũng chính là sự thần thánh hoá cái đẹp của con người.

Mà hình ảnh của các vị thần trong thần thoại cũng đẹp biết bao! Nữ Oa xưa kia được biết đến là người con gái có nhan sắc, có sức khoẻ. Còn Tứ Tượng là vị thần có khả năng lao động không mệt mỏi. Hay như hình ảnh của đôi vợ chồng Báo Luông – Sao Cải cho ta thấy một sự xứng đôi đẹp đến kỳ lạ, từ vẻ đẹp bên ngoài, sự cân xứng về tầm vóc và những công việc mà họ đã làm được. Tất cả những gì liên quan đến các vị thần đều toát lên một cái đẹp, cái đẹp rất “con người”.

Tuy nhiên, cái đẹp của các vị thần chỉ được phát lộ, được biểu hiện trong lao động. Chính lao động đã giúp hoàn thiện vẻ đẹp của các vị thần từ vẻ bề ngoài đến tâm hồn bên trong. Lao động không miệt mài, không mệt mỏi, không đầu hàng trước những khó khăn, luôn có ý thức sáng tạo, vươn lên để khắc phục khó khăn, tạo dựng một cuộc sống no ấm, đủ đầy. Đó chính là hình ảnh những vị thần đầu tiên, những vị thần mang sức vóc khổng lồ, đại diện cho chính khả năng của con người thời tiền sử.

Thông qua các vị thần, quan niệm thẩm mỹ của người xưa phần nào được thể hiện. Đó là chỉ trong lao động và cùng với lao động, con người mới trở nên đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Lao động đã góp phần hoàn thiện vẻ đẹp cho con người. Chính cái đặc trưng rất “người” đó làm cho nhân loại ngày càng đẹp hơn.

Một điểm quan trọng thể hiện tư duy thẩm mỹ của người nguyên thuỷ thông qua thần thoại các vị thần khổng lồ là quan niệm bước đầu về hôn nhân. Các vị thần trong thần thoại xuất hiện với tư thế cặp đôi nam thần – nữ thần với vai trò tương đối độc lập. Ở đây chưa xuất hiện yếu tố phụ hệ mà vai trò của nam thần và nữ thần trong việc sáng tạo thế giới là như nhau. Nhưng, chính điều này đã giúp khẳng định, có thể đến lúc này, quan hệ hôn nhân một vợ một chồng đã trở nên phổ biến và bền vững, đánh dấu bước chuyển quan trọng từ quần hôn sang hôn nhân một vợ một chồng, con người bắt đầu bước vào thời đại văn minh. Điều này đã được phản ánh khá cụ thể trong lớp thần thoại đầu tiên này.

Một biểu hiện quan trọng khác về tư duy thẩm mỹ của người nguyên thủy là họ đã có sự nhận biết bước đầu về sự hoà hợp âm – dương, về quan niệm có sinh – có diệt, về sự tác động qua lại giữa các sự vật, hiện tượng…Hay nói cách khác là ở tư duy mang yếu tố biện chứng duy vật của người nguyên thuỷ.

Xuất phát từ những quan sát thực tế, họ nhận thấy có đêm rồi mới có ngày, các sự vật có sinh thì ắt có diệt (con người không thể nằm ngoài quy luật ấy), có đực có cái thì vạn vật mới sinh sôi, phát triển được. Qui chiếu vào cuộc sống của mình, người nguyên thuỷ cũng nhận thấy mình không thể nằm ngoài những quy luật tất yếu đó của tự nhiên. Vì vậy, mà tuân theo những quy luật của tự nhiên, tức là con người đã vận hành theo đúng cái đẹp, theo đúng những giá trị thẩm mỹ mang tính phổ quát của tự nhiên. Bởi suy cho cùng, con người vẫn là một bộ phận không thể tách rời của tự nhiên.

Như vậy, có thể nói trong tư duy thẩm mỹ của người nguyên thuỷ thể hiện qua hình tượng những vị thần khổng lồ trong thần thoại đã phần nào thể hiện tính biện chứng duy vật, tuân theo những quy luật của tự nhiên. Con người đã ý thức được rằng, không chỉ mình mới có thể tác động vào tự nhiên mà tự nhiên cũng đang từng ngày, từng giờ tác động vào đời sống của con người. Con người bị chi phối bởi những quy luật của tự nhiên. Thuận theo những quy luật đó, có nghĩa là con người đã thực hành theo cái đẹp, còn trái với nó, con người sẽ bị diệt vong. Và chỉ có trong lao động, những cái đẹp của con người mới được thể hiện đầy đủ nhất. Tuy chỉ là hình thức văn học sơ khai của lịch sử nhân loại, nhưng những giá trị mà thần thoại truyền tải luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

3.2.4. Thần thoại – nơi ẩn chứa khát vọng của loài người

Ra đời vào giai đoạn muộn của xã hội nguyên thuỷ, khi mà trình độ tư duy của con người đã có những bước phát triển nhất định, bên cạnh việc phản ánh những hiện thực lịch sử, thần thoại còn là nơi thể hiện ước mơ, nguyện vọng của tộc người.

Đứng trước những điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên, trong khi đó, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế nên cuộc sống của người nguyên thuỷ hết sức bấp bênh. Mọi sự biến động trong tự nhiên đều làm họ hoang mang, lo sợ. Những tai ách mà họ gặp phải luôn là niềm trăn trở của cả cộng đồng. Mong muốn khám phá tự nhiên, hiểu biết về những hiện tượng của tự nhiên đang chi phối cuộc sống của họ từng ngày luôn là nhu cầu thường trực. Nguyện vọng ấy đã được thể hiện trong thần thoại, gửi gắm qua hình tượng những vị thần khổng lồ có công khai sơn phá thạch trong buổi bình minh của lịch sử.

Ước mơ tìm hiểu, khám phá những bí ẩn của tự nhiên luôn thường trực trong tư tưởng của người nguyên thuỷ. Và họ luôn tìm cách để giải thích nó. Ví dụ như để giải thích hiện tượng mưa giông đầu hè, người dân ở vùng trung

châu Bắc Bộ cho rằng, đó là lúc ông Đổng về hái cà. Hoặc để giải thích vì sao khúc giữa sông Nậm Rốn không có sỏi là do Ải Lậc Cậc cào lòng sông tìm hòn đá lửa…Viện dẫn vào những vị thần khổng lồ để giải thích những hiện tượng thiên nhiên, người nguyên thuỷ mong muốn phần nào hiểu biết về chúng để sống hoà hợp với tự nhiên, để tự nhiên đừng gây khó khăn cho cuộc sống của họ nữa.

Khát vọng, ước mơ là những đặc tính duy nhất có ở con người. Tuy ra đời vào giai đoạn sớm của lịch sử loài người, khi mà trình độ tư duy của con người còn nhiều hạn chế, điều đó cũng không thể ảnh hưởng đến khả năng truyền tải mơ ước, nguyện vọng của con người thời sơ sử trong thần thoại. Bên cạnh mong muốn khám phá những hiện tượng tự nhiên xung quanh mình, thông qua thần thoại – sáng tác văn học đầu tiên của con người, các tác giả dân gian còn thể hiện nguyện vọng khai thác, chinh phục tự nhiên, mong muốn hiểu để sống hoà hợp với tự nhiên, để hạn chế những tác động tiêu cực của tự nhiên. Đó cũng chính là mong ước ngàn đời của nhân loại.

Thể hiện ước vọng cải tạo, chinh phục tự nhiên, người nguyên thuỷ đã gửi gắm vào hình tượng những vị thần khổng lồ buổi sơ sử. Đó là công cuộc tìm kiếm vào thuần dưỡng những giống cây trồng, những vật nuôi đầu tiên giúp cho họ có thể tự túc được lương thực. Một nền kinh tế nông nghiệp độc lập với nền kinh tế chiếm đoạt, khai thác tự nhiên bắt đầu được hình thành. Tuy mới chỉ là giai đoạn đầu, nhưng ước mơ về một cuộc sống con cháu sung túc, “thóc lúa đầy lều” luôn thường trực, thể hiện rò nét qua cuộc sống của đại gia đình nhà Báo Luông – Sao Cải khi đã chủ động trong chăn nuôi, hay như hình ảnh vui vầy, no đủ của vợ chồng Ải Lậc Cậc. Một cuộc sống đủ đầy, nhà nhà hạnh phúc là ước mơ chung của toàn nhân loại, là mục đích cuối cùng của mọi hoạt động kinh tế, và ngay từ những sáng tạo văn học đầu tiên, nó đã được thể hiện thật sâu sắc.

Xem tất cả 199 trang.

Ngày đăng: 23/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí