Hơn nữa, gắn liền với cư dân trồng lúa nước, ước mơ đó còn gần gũi hơn bao giờ hết.
Thông qua hình tượng những vị thần khổng lồ, người nguyên thuỷ còn thể hiện ước mơ về gia đình một vợ - một chồng bền vững, cùng nhau xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chăm lo cho con cháu. Đó là hình ảnh của gia đình Báo Luông – Sao Cải cùng đàn con đông đúc, hay là hình ảnh thuận vợ thuận chồng, cùng nhau khai phá những miền đất mới của vợ chồng Ải Lậc Cậc. Vào giai đoạn tan rã của xã hội nguyên thuỷ, khi mà quan niệm phụ hệ đang len lỏi vào quan hệ hôn nhân của các tộc người, vấn đề bình đẳng giới trong gia đình được đặt ra. Hình ảnh về những gia đình hạnh phúc, thuận hoà luôn trở thành mơ ước của con người. Và thậm chí đến ngày nay, đó vẫn được xem là mô hình gia đình lý tưởng mà con người đang hướng tới.
Đối với người nguyên thuỷ, mong muốn khám phá và cải biến tự nhiên luôn thường trực. Thông qua hình ảnh Ải Lậc Cậc - vị thần sáng tạo của tộc người, cư dân Thái cổ không chỉ thể hiện ước muốn cải tạo vùng đất Tây Bắc không chỉ dừng lại ở bốn cánh đồng màu mỡ như hiện nay, mà họ còn có tham vọng dẫn nước sông Đà để tưới vùng đất Mộc Châu, biến cao nguyên Mộc Châu trở thành vựa lúa thứ năm của tộc người. Giá như không gặp phải những trắc trở của tự nhiên (biểu hiện trong thần thoại là cái chết của Ải Lậc Cậc) thì có lẽ đến nay, mơ ước đó của người Thái đã có thể thực hiện được.
Mọi sáng tạo văn hoá đều nhằm thể hiện mơ ước của con người. Thần thoại cũng không nằm ngoài nội dung đó. Ý thức được khả năng lao động của mình, cùng với hiện thực cuộc sống đã thôi thúc con người không ngừng mơ ước, sáng tạo để vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính những khát vọng, những mơ ước đó đã thôi thúc con người không ngừng tìm tòi, sáng tạo để khẳng định vị trí của mình trong tự nhiên, và nó cũng chính là động lực cho sự phát triển của nhân loại.
3.3. Phát huy những giá trị biểu tượng trong sự phát triển văn hoá tộc người
3.3.1. Biểu tượng người khổng lồ - niềm tự hào của tộc người
Biểu tượng về các vị thần sáng tạo trong thần thoại của các tộc người ở Việt Nam cũng như trên Thế giới đều nhằm mục đích ca ngợi sức lao động, khả năng thích nghi của con người với điều kiện thiên nhiên đầy bí ẩn, trắc trở trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại. Tuy còn nhiều hạn chế về năng lực nhận thức cũng như về trình độ lao động, nhưng khát vọng vươn lên, chinh phục, cải tạo tự nhiên không bao giờ vắng bóng trong tâm thức của người nguyên thuỷ. Họ tin rằng, với sức mạnh của lao động, của sáng tạo, con người sẽ có khả năng biến đổi thế giới. Ước vọng đó được họ gửi gắm vào hình tượng những vị thần khổng lồ.
Tại sao người xưa lại chọn hình tượng những vị thần có sức vóc to lớn, kỳ vĩ đại diện cho mình, là mẫu hình thần linh đầu tiên trong lịch sử tôn giáo của loài người?
Thứ nhất: là chỉ có những vị thần có sức vóc to lớn mới có thể sánh ngang với sức mạnh của tự nhiên. Từ đó mà chỉ có họ mới có thể cải biến và hoà đồng với tự nhiên.
Thứ hai: đó là sự “thần thánh hoá”, “kỳ vĩ hoá” khả năng lao động của con người. Nâng cao giá trị của năng lực lao động, sáng tạo của con người lên một tầm cao mới, đủ sánh ngang tầm với tự nhiên.
Có thể bạn quan tâm!
- Khẳng Định Vai Trò Của Con Người Trong Quá Trình Tiến Hoá Của Mình
- Giá Trị Văn Hoá Của Biểu Tượng Người Khổng Lồ
- Biểu Tượng Người Khổng Lồ Phản Ánh Tín Ngưỡng Của Tộc Người
- Tạo Ra Sự Hoà Đồng Giữa Con Người Với Tự Nhiên
- Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam - 17
- Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam - 18
Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.
Thứ ba: hình ảnh các vị thần chính là mong muốn của con người cải biến tự nhiên, có đủ sức mạnh để tác động vào tự nhiên nhằm mục đích hiểu, chinh phục và sống hoà đồng với tự nhiên. Với sức vóc quá nhỏ bé của mình, con người không thể làm được mà phải nhờ vào một lực lượng siêu nhiên, một lực lượng thật kỳ vĩ về tầm vóc cũng như sức mạnh để chuyển tải giấc mơ đó.
Khát vọng tìm hiểu, chinh phục tự nhiên luôn là động lực quan trọng, chi phối tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Chính từ khát vọng đó mà
con người mới ngày càng có nhiều phát minh phục vụ cuộc sống của chính mình. Tựu chung lại, mọi phát minh của con người cho đến ngày nay đều nhằm mục đích chinh phục, cải biến tự nhiên, phục vụ cuộc sống của chính con người. Thiên nhiên vừa là đối thủ, vừa là mục tiêu, vừa là đối tượng và vừa là bạn đồng hành trong suốt tiến trình lịch sử của nhân loại. Quá trình phát triển lịch sử của loài người chính là thể hiện khả năng hiểu biết, chinh phục tự nhiên của con người.
Mỗi một thời đại đều có những cách thức tác động vào tự nhiên khác nhau, thể hiện trình độ phát triển của con người. Do vậy mà biểu tượng về những vị thần khổng lồ - đại diện cho khả năng chinh phục tự nhiên của người nguyên thuỷ trong giai đoạn đầu của lịch sử là nguồn sử liệu quan trọng khi nghiên cứu về lịch sử tộc người, cũng như về trình độ nhận thức của các tác giả nguyên thuỷ. Đó chính là những vấn đề mà ta cần phải tìm hiểu và phát huy khi nghiên cứu về đối tượng này.
Cụ thể ở những mặt sau:
Thứ nhất: tinh thần đề cao vai trò của lao động, sáng tạo trong sự phát triển của tộc người nói chung và của nhân loại nói riêng. Chính lao động đã giúp con người thoát khỏi thế giới động vật và khẳng định mình trong tự nhiên. Con người đã chính thức trở thành con người – xã hội bên cạnh con người - tự nhiên, trong đó phần xã hội ngày càng thắng thế.
Bằng lao động miệt mài, các vị thần khai thiên lập địa mới có thể hoàn thành nhiệm vụ cải tạo tự nhiên, xây dựng lại thế giới từ một mớ hỗn độn, để khi lớp người ra đời mới có sông, suối, rừng rú, cây cỏ, hoa lá, mặt đất, bầu trời….Đó chính là nhờ công sức của các vị thần đã sáng tạo ra. Không như những đấng thần linh trong các truyện cổ tích, truyền thuyết về sau này có một sức mạnh màu nhiệm, những vị thần sáng tạo phải dựa vào chính sức lao động của bản thân để cải biến thế giới, để biến một đống hỗn mang buổi ban
sơ thành diện mạo thiên nhiên tươi đẹp như ngày nay. Chính sức lao động của các thần là cội nguồn của sức mạnh.
Hay nói cách khác, đó chính là sự thần thánh hoá sức lao động của con người. Bởi những công việc của các thần đâu có khác, đâu có xa lạ với con người. Họ cũng phải đào, phải súc, phải san như công việc của các vị Sô Công có nhiệm vụ kiến tạo Thế giới. Hay họ cũng phải cày bừa chăm bón mới có thể thu hoạch được nhiều thóc lúa. Hay cũng có thử thách trước khi kết hôn như cuộc thi tài giữa hai thần Nữ Oa và Tứ Tượng… Nói chung, hình ảnh của các thần cũng chính là hình ảnh của con người, cũng chính là cuộc sống của con người. Các thần không ngừng nỗ lực cố gắng để hoàn thành công việc của mình, hoàn thành trọng trách mà lịch sử giao phó bằng chính sức lao động của mình. Cũng như vậy, con người không ngừng vươn lên trong lao động để có thể hiểu được tự nhiên, nắm bắt những qui luật của tự nhiên áp dụng vào trong cuộc sống của mình. Quá trình phát triển của lịch sử nhân loại chính là khẳng định mức độ cũng như khả năng chinh phục tự nhiên của con người. Khả năng ấy càng được nâng cao, càng phát triển thì con người càng tiến gần đến trình độ văn minh.
Thứ hai: những tư tưởng triết học duy vật biện chứng manh nha hình thành, chi phối quan điểm, tư tưởng cũng như nhận thức của tộc người trong những giai đoạn sau, đánh đổ những yếu tố duy tâm, siêu hình mà giai cấp thống trị đưa vào để nô dịch đối với những tầng lớp khác, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Như chúng tôi đã đề cập đến ở trên, những yếu tố duy tâm cũng như biện chứng xuất hiện trong thần thoại các tộc người có tác dụng quan trọng là thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực cải tạo tự nhiên của con người. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là những yếu tố, những khía cạnh duy vật biện chứng, chúng mới chỉ được phản ánh tản mạn và tự phát vào trong đầu óc con người. Đồng thời
nó cũng mới chỉ đạt đến mức độ nhận thức được những quan hệ dễ thấy nhất, trực tiếp nhất và giản đơn nhất hoặc mới chỉ dừng lại ở trình độ mô tả sự vật, chưa nhận thức được bản chất bên trong của sự vật hay nắm bắt được quy luật của chúng. Nghĩa là con người lúc này mới chỉ trả lời được câu hỏi “như thế nào?” chứ chưa giải thích được “tại sao lại như vậy?” một cách đúng đắn.
Nguyên nhân của hiện tượng này nằm ở đâu?
Đó là do trình độ nhận thức của người nguyên thuỷ ở giai đoạn này còn rất thấp kém, họ chưa có khả năng nắm bắt quy luật của các sự vật, hiện tượng mà chỉ nhận thức nó ở những khía cạnh rời rạc, lẻ tẻ. Tuy nhận thức được thế giới hình thành từ vật chất, tức là từ hiện thực khách quan bên ngoài đầu óc con người, nhưng trong công cuộc cải tạo tự nhiên, họ lại việc dẫn vào một lực lượng thứ ba ngoài thiên nhiên và con người - lực lượng các vị thần – làm nhiệm vụ sáng tạo thế giới. Dù lý giải dưới góc độ nào đi chăng nữa thì ở đây cũng đã xuất hiện yếu tố duy tâm, siêu hình rồi. Do tính chất không triệt để như vậy và còn rất nhiều hạn chế khác nữa cho nên ngay trong khi giải thích về những yếu tố duy vật, người xưa cũng không thể thoát khỏi tính chất siêu hình.
Như vậy, ngay trong thần thoại - sản phẩm tinh thần của xã hội cộng sản nguyên thuỷ đã chứa đựng những yếu tố của tư tưởng triết học - yếu tố duy vật và biện chứng sơ khai cùng những yếu tố duy tâm và siêu hình. Tuy chưa phải là tư tưởng triết học với đầy đủ ý nghĩa của nó, tuy trình độ tưởng tượng của con người thời kỳ xa xôi này còn rất thấp kém và ấu trĩ, nhưng ngay lúc ấy ta cũng thấy xuất hiện trong đầu óc con người cuộc đấu tranh giữa những yếu tố tư tưởng duy vật và biện chứng, biểu hiện tư tưởng và khả năng nhận thức, khả năng cải tạo thế giới của con người, cùng với những yếu tố duy tâm và siêu hình, thần linh chủ nghĩa biểu hiện sự bất lực của con người trước sức mạnh của những lực lượng tự phát của tự nhiên. Quá trình đấu tranh
của mâu thuẫn đó chính là quá trình không ngừng nâng cao trình độ nhận thức và năng lực cải tạo thế giới của con người.
Ngay trong thời nguyên thuỷ, khi mà những tư tưởng triết học chỉ dừng lại ở mức độ là những yếu tố lẻ tẻ, rời rạc, con người đã có ý thức đấu tranh loại bỏ những yếu tố siêu hình, duy tâm không phù hợp trong nhận thức của mình. Bắt nguồn từ chính sức mạnh của bản thân, đặt con người ở vị trí trung tâm của thế giới, họ luôn tiệm cận tư tưởng duy vật biện chứng trong cách giải thích của thế giới. Tuy nhiên do những hạn chế của thời đại nên đôi khi những nhận thức của họ đi vào yếu tố duy tâm, siêu hình, những hạn chế nằm ngoài khả năng nhận thức của người nguyên thuỷ.
Thông qua hình ảnh các vị thần buổi khai sơn phá thạch, quan điểm duy vật biện chứng của người xưa được thể hiện tuy còn lẻ tẻ nhưng hết sức cơ bản. Trong những giai đoạn sau, khi mà chủ nghĩa duy tâm, siêu hình cùng với những lý tưởng về tôn giáo, tín ngưỡng được các thế lực thống trị đưa ra để nô dịch đối với các tầng lớp khác trở nên phổ biến, việc đề cao tư tưởng duy vật trong giải thích các hiện tượng tự nhiên cũng như xã hội trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đó là cách giải thích thế giới cũng như xã hội con người duy nhất đúng đã được tổ tiên ta lựa chọn ngay trong buổi đầu của lịch sử.
Thứ ba: khẳng định tính phổ quát tất yếu trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, tránh luận điệu xuyên tạc, phân biệt dân tộc văn minh hay không văn minh giữa các tộc người. Một lần nữa khẳng định sự tồn tại khách quan của thời kỳ xã hội nguyên thuỷ trong tiến trình lịch sử của nhân loại.
Thần thoại về các vị thần khổng lồ bên cạnh việc tái hiện lại phần lớn thời gian tồn tại của con người trong lịch sử (khoa học đã chứng minh thời kỳ mông muội và dã man chiếm phần lớn thời gian tồn tại của con người), nó còn là bức tranh về con người trong buổi đầu lịch sử. Đó là một công cuộc không ngừng đấu tranh, khám phá, chinh phục tự nhiên để có thể tồn tại và
phát triển. Đó cũng chính là cuộc đấu tranh sinh tồn của con người nhằm khẳng định vai trò và vị trí của mình trong tự nhiên. Nếu không có lao động, không có sáng tạo không ngừng, con người vẫn chỉ là một bộ phận hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, chịu sự chi phối hoàn toàn của tự nhiên, tức con người sẽ không khác nào những loài sinh vật trong tự nhiên.
Năng lực sáng tạo không mệt mỏi của các vị thần khổng lồ nhằm cải biến thế giới cho phù hợp với cuộc sống của mình cũng chính là thực tiễn lịch sử mà loài người đã trải qua. Hình ảnh các vị thần chẳng qua là một sự khái quát quá trình đấu tranh chinh phục tự nhiên không ngừng của con người nhằm khẳng định vị trí của mình trong tự nhiên. Qua thực tiễn lao động sáng tạo đó đã khẳng định chỉ có con người mới đủ năng lực để tạo nên chính bản thân mình, khác biệt so với các giống loài khác trong tự nhiên. Trong quá trình đó, con người cũng tạo ra lịch sử cho chính mình.
3.3.2. Đề cao vai trò sáng tạo của tộc người
Từ một mớ hỗn độn, mịt mù, các vị thần khổng lồ xuất hiện, bắt đầu công cuộc kiến tạo thế giới. Để con người có được không gian sinh sống như ngày nay, các vị thần phải cố gắng, làm việc không mệt mỏi hòng hoàn thành công việc của mình một cách hiệu quả nhất. Kết quả của công cuộc kiến tạo đó là thiên nhiên muôn hình, muôn vẻ mà loài người đang sống hiện nay.
Như trên đã nói, hình ảnh các vị thần khổng lồ chẳng qua chỉ là hình tượng hoá khả năng lao động của con người mà thôi. Điều đó có nghĩa là, cùng với việc đề cao vai trò khai thiên lập địa của các vị thần khổng lồ, người xưa, thông qua lớp thần thoại đầu tiên này đã gián tiếp đề cao sức mạnh sáng tạo của con người trong suốt tiến trình lịch sử của mình.
Nếu không có các vị Sô Công tạo ra đất, nước, cây cỏ, sông, suối…; nếu không có vợ chồng Ải Lậc Cậc chăm lo cày cấy, liệu rằng có thể có được bốn cánh đồng lớn – “bốn vựa lúa” Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than,
Mường Tấc - được coi là niềm tự hào của nghề nông trồng lúa nước của người Thái như hiện nay được không? Hay như nếu không có công lao khai phá của gia đình Báo Luông – Sao Cải thì mảnh đất Cao Bằng có được tươi đẹp như ngày nay?
Chính nhờ những vị thần của buổi sơ sử đó mà cư dân Tày – Thái mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Bên cạnh vai trò là những vị thần khai thiên, lập địa, kiến tạo thế giới, các vị thần khổng lồ còn tạo nên những tiền đề quan trọng nhằm đảm bảo cho cuộc sống của các tộc người về sau.
Ở đây có một câu hỏi đặt ra: Tại sao các vị thần (hay nói đúng hơn là cư dân Tày – Thái cổ) lại chọn khu vực thung lũng làm địa bàn cư trú chính của tộc người? Và tại sao họ lại chọn lúa nước làm cây trồng chính?
Điều đó chỉ có thể giải thích được bằng khả năng tìm tòi, sáng tạo không ngừng của các tộc người trong giai đoạn đầu mới hình thành. Đó là những kinh nghiệm được đúc kết qua bao nhiêu thế hệ cha ông trong lịch sử để có thể tạo nên địa vực cư trú truyền thống của tộc người. Lịch sử hình thành và phát triển của các tộc người ở nước ta đã khẳng định, nếu như địa bàn trung du và đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi của tộc người Việt - Mường, thì khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là ở vùng thung lũng là nơi sinh sống của người Tày – Thái. Văn hoá Thái gắn liền với bốn cánh đồng lớn - biểu tượng cho một nền nông nghiệp trồng lúa nước phát triển cao, còn văn hoá Tày – Nùng đậm nét ở khu vực Đông Bắc, đặc biệt ở Cao Bằng, nơi mà người Tày tập trung đông nhất.
Hình ảnh bốn cánh đồng lớn của người Thái ở khu vực Tây Bắc là điển hình cho khả năng lao động sáng tạo của con người thời tiền sử. Bên cạnh những ưu đãi của tự nhiên, nếu như không có sự cố gắng, kiến trì của con người thì không thể tạo dựng nên một diện mạo mới cho các cánh đồng này như ngày nay chúng ta thấy. Nếu như ở khu vực đồng bằng châu thổ, lịch sử đã đề cao sức