Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 2


- Về thời gian: Nghiên cứu từ năm 2000 đến nay, khi cư dân địa phương trong khu vực di sản chịu tác động do phát triển du lịch. Đây là thời điểm các dự án phát triển các khu, điểm du lịch được triển khai và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch và những năm tiếp theo.

- Về nội dung: Phân tích, đánh giá thực trạng biến đổi văn hóa sinh kế và ứng xử của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của phát triển du lịch.

4. Những câu hỏi nghiên cứu

Thứ nhất, đặc điểm văn hóa sinh kế của cư dân trong khu di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trước khi phát triển du lịch?

Thứ hai, văn hóa sinh kế của cư dân trong khu di sản Quần thể danh thắng Tràng An biến đổi như thế nào trước tác động của phát triển du lịch?

Thứ ba, những vấn đề gì đặt ra đối với sự biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân trong khu di sản trước tác động của phát triển du lịch; cần làm gì để phát triển văn hóa sinh kế bền vững trong quá trình phát triển du lịch.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cơ sở lý luận

Cơ sở lý luận của Luận án được phát triển trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin và quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Luận án đã sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành như xã hội học, văn hóa học, kinh tế học, du lịch học để khảo sát, xem xét sự biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại khu di sản Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của phát triển du lịch, đồng thời vận dụng các lý thuyết về biến đổi văn hóa, khung sinh kế bền vững và đưa ra khung phân tích sự biến đổi văn hóa sinh kế để phân tích, luận giải về sự biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân trong khu di sản cũng như các yếu tố tác động trong quá trình phát triển du lịch đối với sự biến đổi đó.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

5.2.1. Phương pháp phân tích và tổng hợp

Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 2

Luận án tập trung nghiên cứu phân tích các tài liệu, các số liệu, các kết quả điều tra, các kết quả nghiên cứu đã có để khái quát hóa, tổng hợp hóa, đưa ra


các nhận định, đánh giá khoa học của luận án, đảm bảo tính khoa học của các phân tích, đánh giá về văn hóa sinh kế và sự biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân trong khu di sản Quần thể danh thắng Tràng An.

5.2.2. Phương pháp điền dã

Phương pháp điền đã được sử dụng để thu thập các nguồn tài liệu định tính liên quan đến địa bàn nghiên cứu. Nghiên cứu sinh đã trực tiếp quan sát, kiểm tra, trao đổi, nói chuyện và phỏng vấn sâu các đối tượng sau: 1). Cán bộ xã, cán bộ, thôn xóm của các địa phương trong khu di sản; 2) Cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, đơn vị quản lý, khu, điểm du lịch; 3) Người dân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch; 4). Các hướng dẫn viên, công ty lữ hành đưa khách đến khu di sản; 5) Các chuyên gia nghiên cứu về di sản văn hóa, du lịch, xã hội học và kinh tế.

Với vai trò là người làm công tác quản lý di sản và du lịch của tỉnh, nghiên cứu sinh đã thường xuyên đi xuống địa bàn các khu, điểm du lịch và các khu dân cư để kiểm tra và nắm bắt tình hình hoạt động, xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến di sản, hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ. Thông qua các buổi làm việc tại thực địa, trực tiếp nói chuyện với cộng đồng cư dân địa phương, nghiên cứu sinh đã được chia sẻ và cung cấp nhiều thông tin bổ ích phục vụ cho đề tài của Luận án cũng như công tác quản lý di sản và phát triển du lịch của tỉnh. Vừa thực hiện quan sát tham dự vừa tham dự tích cực vào các hoạt động du lịch, đào tạo tập huấn, nghiên cứu cùng các chuyên gia nước ngoài xây dựng hồ sơ di sản, quy hoạch, kế hoạch quản lý di sản, khai quật khảo cổ học…, nghiên cứu sinh đã có cái nhìn tương đối đầy đủ, dưới nhiều góc độ về các hoạt động sinh kế và sự biến đổi văn hóa sinh kế của người dân tại khu di sản Quần thể danh thắng Tràng An trong quá trình phát triển du lịch.

5.2.3. Phương pháp điều tra xã hội học

Để thu thập các thông tin sơ cấp, định lượng liên quan đến dân cư các địa phương nằm trong vùng lõi của khu di sản từ năm 2000 đến nay, nghiên cứu sinh đã có nhiều buổi làm việc và phỏng vấn tìm hiểu về cư dân sinh sống trong vùng lõi di sản. Chính thức sau khi nhận đề tài nghiên cứu từ đầu năm 2017 đến nay, nghiên cứu sinh đã tiến hành điều tra xã hội học cộng đồng dân cư tại 3 xã


Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Hải. Đây là 3 xã nằm trong vùng lõi di sản, nơi có nhiều dự án đầu tư du lịch và có hoạt động du lịch phát triển nhất, đối tượng điều tra chủ yếu là: 1) người dân làm các dịch vụ du lịch (chèo đò, bán hàng, bảo vệ, kinh doanh nhà nghỉ, nhà hàng); 2) những người dân làm quản lý tại các khu, điểm du lịch; 3) cán bộ công chức xã. Tổng số phiếu phát ra và thu về: 500 phiếu, được phân bổ như sau: người chèo đò và làm dịch vụ du lịch 350 phiếu; người điều hành và quản lý tại các khu du lịch 100 phiếu; cán bộ công chức xã 50 phiếu.

Trong quá trình thực hiện điều tra, được sự giúp đỡ của cán bộ Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Hoa Lư, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, lãnh đạo 3 xã Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Hải, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, Doanh nghiệp Ngôi Sao và nhiều người dân địa phương, nghiên cứu sinh đã hoàn thành việc điều tra 500 phiếu. Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh đã trực tiếp gặp gỡ và thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn sâu với một số người chèo đò, hướng dẫn viên du lịch, cán bộ quản lý và lãnh đạo chính quyền địa phương để hiểu rõ hơn về những thay đổi trong cuộc sống, việc làm, phong tục tập quán và các nghi lễ liên quan đến sinh kế cũng như những thuận lợi, khó khăn, thách thức của người dân từ khi chuyển đổi sang làm du lịch.

5.2.4. Phương pháp so sánh

Bên cạnh các phương pháp trên, nghiên cứu sinh còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu chung của ngành khoa học xã hội như: so sánh hai thời kỳ trước và sau khi phát triển du lịch để tìm hiểu về văn hóa sinh kế ở từng thời kỳ; đưa ra các dự báo xu hướng biến đổi văn hóa sinh kế và bàn luận, đưa ra các giải pháp mang tính khuyến nghị giúp cho các cơ quan quản lý ở địa phương trong quá trình phát triển du lịch.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

6.1. Ý nghĩa lý luận

Luận án góp phần hệ thống hóa về văn hóa sinh kế, biến đổi văn hóa sinh kế trong quá trình phát triển du lịch của cư dân tại quần thể danh thắng (QTDT) Tràng An, tỉnh Ninh Bình dưới góc nhìn văn hóa học. Luận án sẽ đóng góp cho việc hoàn thiện hơn một số vấn đề lý luận về văn hóa sinh kế và


sự biến đổi của văn hóa sinh kế trước những tác động của du lịch tại các khu di sản thế giới hiện nay.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

- Luận án làm sáng tỏ thực trạng biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại khu Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch.

- Kết quả nghiên cứu của Luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu và giảng dạy các môn học về văn hóa học và du lịch học, làm tài liệu tham khảo cho công tác quản lý, bảo tồn di sản và phát triển du lịch ở nước ta hiện nay.

7. Bố cục của luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục công trình nghiên cứu đã công bố; Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung chính của Luận án được bố cục thành 4 chương cụ thể như sau:

Chương 1. Tổng quan nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án.

Chương 2. Cơ sở lý luận về biến đổi văn hóa sinh kế và khái quát địa bàn nghiên cứu.

Chương 3. Thực trạng biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch.

Chương 4. Bàn luận về sự biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch trong tình hình hiện nay.


Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN


1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ SINH KẾ VÀ VĂN HÓA SINH KẾ

1.1.1. Về sinh kế

Sinh kế là vấn đề được nhiều ngành khoa học trên thế giới quan tâm, nghiên cứu từ lâu. Về sau, sinh kế được các nhà nghiên cứu văn hóa từ nhiều chuyên ngành trong nước tiếp nhận và phát triển trong nghiên cứu về khoa học văn hóa ứng dụng, bởi nội hàm của sinh kế có tính thực tiễn cao.

Ý tưởng về sinh kế đã có từ tác phẩm của Robert Chambers vào giữa những năm 80 của thế kỷ XX, sau đó được Chambers, Conway và những nhà nghiên cứu khác phát triển vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Tiếp tục bổ sung và phát triển các nghiên cứu về sinh kế của Ủy ban Thế giới về Môi trường và phát triển (WCED), Chambers & Conway đã đưa ra khái niệm sinh kế tương đối hoàn chỉnh về sinh kế, bao gồm năng lực, tài sản (dự trữ, nguồn lực, yêu cầu và tiếp cận) và các hoạt động cần có để bảo đảm phương tiện sinh sống: sinh kế chỉ bền vững khi nó có thể đương đầu với và phục hồi sau các cú sốc, duy trì hoặc cải thiện năng lực và tài sản, và cung cấp các cơ hội sinh kế bền vững cho các thế hệ kế tiếp [104, tr.6].

Trong tài liệu hướng dẫn khung phân tích sinh kế nông thôn bền vững (1997), trên cơ sở kế thừa nghiên cứu của Chambers & Conway và các công trình nghiên cứu trước đó, Ian Scoone và đồng nghiệp đã đưa ra khái niệm và khung phân tích sinh kế bền vững khá đầy đủ với 5 chỉ số đánh giá chính (bối cảnh, điều kiện xu hướng; các nguồn lực sinh kế; thể chế và tổ chức; chiến lược sinh kế; và kết quả sinh kế), trong đó các yếu tố thể chế và tổ chức ảnh hướng quan trọng tới kết quả sinh kế bền vững [109].

Schultz và Lavenda (2001) cho rằng khi nói đến sinh kế là hàm ý con người phải làm gì để có được của cải vật chất như lương thực, quần áo, chỗ ở nhằm duy trì cuộc sống [70, tr.8]. Trong khi đó Grant Evans, thì nhấn mạnh sinh kế nghiên cứu mặt vật chất của đời sống trong bối cảnh xã hội và văn hóa của nó,


đồng thời nghiên cứu cái cách mà các khâu sản xuất phân phối tiêu thụ đã tham gia như thế nào vào toàn bộ cấu trúc của xã hội, sinh kế không chỉ là kinh tế mà còn là văn hóa và phản ánh văn hóa [105].

Các nhà nghiên cứu tại Việt Nam trong những năm trở lại đây đã có nhiều nghiên cứu và đưa ra những nhận định về vấn đề sinh kế. Các nghiên cứu đa phần đã chỉ ra hoạt động kinh tế hay sinh kế chính là sự thích nghi của con người với môi trường tự nhiên trong quá trình thỏa mãn các nhu cầu vật chất để đảm bảo sự sinh tồn của mình, hay sinh kế là những phương thức kiếm sống của cá nhân hay cộng đồng, nhằm đáp ứng các nhu cầu về vật chất cũng như tinh thần để duy trì sự phát triển của cá nhân hay cộng đồng đó. Trong Luận án “Biến đổi sinh kế của người Dao di cư tự do tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk” của Đào Thanh Thái [75, tr. 34] đã đưa ra những vấn đề về sinh kế của người Dao tại Cư M’gar, tác giả cũng đã nhận định sinh kế của người Dao tại địa bàn mình nghiên cứu là một tập hợp của các nguồn lực và khả năng của con người kết hợp với những quyết định và hoạt động mà họ sẽ thực hiện để không những kiếm sống mà còn đạt đến mục tiêu đa dạng hơn. Hay nói cách khác, sinh kế của một hộ gia đình hay một cộng đồng còn được gọi là kế sinh nhai của hộ gia đình hay cộng đồng đó.

Trên cơ sở khung lý thuyết về sinh kế và biến đổi sinh kế của DFID, Trần Văn Bình đã đưa ra một quan niệm và hướng nghiên cứu tương đối toàn diện về sinh kế và biến đổi sinh kế. Tác giả đã nhấn mạnh đến việc kết hợp các hoạt động trong quá trình sử dụng các nguồn lực để đảm bảo cuộc sống (con người gồm khả năng, kỹ năng cá nhân; nguồn lực tự nhiên, tài chính và các thiết bị và các mối quan hệ, trợ giúp của xã hội) [13, tr.53]. Nội dung chính của khung phân tích sinh kế bền vững được nhà nghiên cứu Trần Văn Bình tóm tắt thành bốn điểm chính sau:

Thứ nhất, khung phân tích sinh kế bền vững đề cập đến nhiều yếu tố và thành tố hợp thành sinh kế đó là: 1) Các ưu tiên mà con người có thể nhận biết được; 2) Các chiến lược mà họ lựa chọn để theo đuổi các ưu tiên đó; 3) Các thể chế, chính sách và tổ chức quyết định đến sự tiếp cận của họ đối với các loại tài sản hay cơ hội và các kết quả mà họ thu được; 4) Các tiếp cận của họ đối với năm loại vốn và khả năng sử dụng hiệu quả các loại vốn mình có; 5) Bối cảnh


sống của con người, bao gồm các xu hướng kinh tế, công nghệ, dân số, các cú sốc và mùa vụ.

Thứ hai, khung phân tích này lấy con người và sinh kế của họ làm trung tâm của sự phân tích, nghĩa là đặt con người ở trung tâm của sự phát triển và hành động

Thứ ba, khung phân tích sinh kế bền vững thừa nhận các chính sách, thể chế và quá trình ảnh hưởng đến sự tiếp cận và sử dụng các tài sản hay còn gọi là các loại vốn mà cuối cùng chúng đều ảnh hưởng đến sinh kế của con người

Thứ tư, sinh kế của con người được phân tích dưới góc độ sở hữu và tiếp cận các loại vốn, hay còn gọi là tài sản vốn. Trong đó có năm loại vốn chính là:

1) Vốn vật chất bao gồm cơ sở hạ tầng và các loại hàng hóa mà con người sản xuất cần để hậu thuẫn sinh kế; 2) Vốn tài chính, ngụ ý về các nguồn lực tài chính mà con người sử dụng để đạt được các mục tiêu sinh kế của mình; 3) Vốn xã hội, là các nguồn lực xã hội mà con người sử dụng để theo đuổi các mục tiêu sinh kế của mình bao gồm quan hệ, mạng lưới, thành viên nhóm, niềm tin, sự phụ thuộc lẫn nhau và trao đổi cung cấp các mạng an ninh phi chính thống quan trọng; 4) Vốn con người đại diện cho các kỹ năng, tri thức, khả năng làm việc và sức khỏe tốt, tất cả cộng lại tạo thành những điều kiện giúp con người theo đuổi các chiến lược sinh kế khác nhau và đạt được các mục tiêu sinh kế. 5) Vốn tự nhiên là tất cả những nguyên vật liệu tự nhiên để tạo dựng sinh kế. Có rất nhiều nguồn lực tạo thành vốn tự nhiên bao gồm cả các nguồn lực đất đai. [13, tr.40-46].

Năm 2011, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Mai, Nguyễn Huy Thắng của Viện Xã hội học đã công bố công trình “Sinh kế bền vững cho cư dân ven bờ vịnh Bắc bộ - Thực trạng và giải pháp” [48] trong phạm vi nghiên cứu 3 tỉnh duyên hải là Thanh Hóa, Khánh Hòa và Sóc Trăng. Trong những năm gần đây tình trạng đánh bắt ven bờ đã làm suy giảm cạn kiệt nguồn tài nguyên ven biển, chính vì vậy để giảm tình trạng khai thác quá mức đồng thời bảo vệ và phát triển hệ sinh thái ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học cần phải tìm sinh kế mới để thay thế một bộ phận sinh kế của người dân làm nghề đánh bắt ven biển. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy thực trạng sinh kế, những rủi ro sinh kế tạm thời và khả năng chuyển đổi sinh kế của cộng đồng cư dân ven biển. Đáng chú ý trong


nghiên cứu này chính là tác giả đã đề xuất các mô hình sinh kế thay thế đánh bắt ven bờ thông qua sự tham vấn của cộng đồng ngư dân ven biển.

Năm 2015, tác giả Bùi Văn Tuấn đã công bố công trình nghiên cứu Thực trạng và giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven đô Hà Nội trong quá trình đô thị hóa [74], trong đó đã khẳng định sinh kế, sinh kế bền vững có vai trò quan trọng đối với cộng đồng dân cư trong quá trình đô thị hóa. Trên cơ sở tiếp cận khung sinh kế bền vững, bài viết phân tích một số vấn đề lý luận về sinh kế và vận dụng nghiên cứu sinh kế của cộng đồng dân cư vùng ven đô trong quá trình đô thị hóa qua trường hợp quận Bắc Từ Liêm. Nghiên cứu đánh giá thực trạng sinh kế của cộng đồng dân cư quận Bắc Từ Liêm, xác định những nhân tố thuận lợi và cản trở hộ gia đình tiếp cận các nguồn lực phát triển sinh kế. Trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp nâng cao và đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư dưới tác động của quá trình đô thị hóa trong bối cảnh phát triển và hội nhập.

Nghiên cứu về quá trình chuyển đổi phương thức sinh kế của người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tác giả Ngô Thị Phương Lan, trong công trình nghiên cứu “Từ cá sang tôm” [44] đã phác họa lại một bức tranh khá sinh động và sâu sắc về hoạt động sản xuất, mưu sinh của người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, với khả năng thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường. Từ việc đi sâu tìm hiểu các phương thức mưu sinh mới trong bối cảnh văn hóa, phát triển kinh tế xã hội của vùng, tác giả thấy rằng so với trồng lúa, nuôi tôm là nghề có tính rủi ro cao, người dân đã biết phát huy tốt nguồn vốn xã hội để giảm thiểu rủi ro. Quá trình chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm của người dân đã cho thấy lối tư duy duy lý theo cách tiếp cận của Samuel Popkin (1979), mối quan tâm hàng đầu của người nông dân là sự thịnh vượng và an toàn của bản thân và gia đình họ [44, tr.78-81]; người dân lựa chọn việc chuyển dần các mảnh ruộng của gia đình làm đầm nuôi tôm, đầu tư phát triển các mạng lưới, quan hệ xã hội để phát triển kinh tế, giảm thiểu rủi ro khi mất mùa, đó là sự kết hợp giữa yếu tố duy tình và duy lý trong kinh tế để phù hợp bối cảnh phát triển.

Tóm lại, qua nghiên cứu, tìm hiểu về sinh kế của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, từ góc độ nghiên cứu văn hóa học và hướng nghiên cứu của đề tài

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/06/2023