An giữ gìn và phát huy từ thời cờ lau dựng nước đến ngày nay, từ việc nhường cơm sẻ áo lúc giáp hạt đến việc giúp đỡ nhau trong gieo trồng, thu hoạch (như việc đổi công trong việc cấy lúa, thu hoạch lúa và đánh bắt cá, ngày nay việc đổi công không chỉ được áp dụng trong nông nghiệp mà cả hoạt động du lịch việc chèo đò, dọn vệ sinh môi trường tại khu du lịch sinh thái Tràng An). Những ứng xử trọng nghĩa, trọng tình và giữ chữ tín trong cuộc sống và lao động sản xuất, làm ăn buôn bán đã trở thành đạo lý, phẩm chất định hướng cho việc lựa chọn các hành vi, phương thức sinh kế của cư dân ở Tràng An.
3.1.1.3. Nguồn lực tài chính - vật chất
Quần thể danh thắng Tràng An nằm trên vùng đất cổ, bao gồm toàn bộ khu vực kinh thành Hoa Lư xưa, nơi có nhiều di tích lịch sử và danh thắng liên quan đến các triều đại nhà Đinh, Tiền Lê, Lý và Trần, nên luôn được chính quyền và người dân địa phương quan tâm, đầu tư tu bổ để tri ân các bậc tiền nhân và phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng. Đây vừa là nguồn lực văn hóa quan trọng, vừa là nguồn lực vật chất to lớn để người dân địa phương khai thác, sinh tồn và phát triển một cách bền vững.
Trước năm 2000, các xã Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Hải nằm trong khu vực vùng lõi QTDT Tràng An đều được xếp là các xã miền núi của huyện Hoa Lư, là các địa bàn rất khó khăn về kinh tế. Cơ sở hạ tầng, đường giao thông kém phát triển, chỉ có một con đường từ quốc lộ 1A cũ đi vào các xã trong khu di sản, nối giữa các làng và các xã có đường độc đạo chạy men theo các chân núi, nên việc đi lại, giao thương, trao đổi hàng hóa và sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động sinh kế chủ yếu là canh tác nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá trong các ao đầm, thung lũng trong khu di sản. Việc đi lại, giao thương không thuận lợi, nên việc sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và kinh doanh buôn bán còn chưa phát triển. Sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trên 60%, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp khoảng 25%, dịch vụ khoảng 10%. Riêng xã Ninh Hải có tỷ trọng ngành dịch vụ cao nhất, bởi có Tam Cốc và chùa Bích Động đưa vào khai thác du lịch sớm nhất, năm 1993 đã đón được trên 22.000 lượt khách, đến năm 2000 đón được
175.000 lượt, doanh thu đạt 4,6 tỷ đồng [4], trong đó tỷ lệ được để lại cho địa phương khoảng 10% năm.
Thu nhập bình quân hàng tháng của người dân giai đoạn 1990-2000 khá thấp. Theo điều tra, có trên 37,6% số người được hỏi có thu nhập dưới 300.000 đ/tháng, tức khoảng trên 3 triệu đồng/năm, chỉ có 3,7% có thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo khá cao, khoảng trên 14%. Riêng xã Ninh Hải, nơi du lịch phát triển sớm nhất, 45% số người được hỏi trả lời có thu nhập gần 1 triệu đồng/tháng, khá sát với báo cáo của xã Ninh Hải từ 7,5 - 8 triệu đồng/năm [4].
Biểu đồ 3.2. Thu nhập của người dân giai đoạn 1990-2000
Có thể bạn quan tâm!
- Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 7
- Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 8
- Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 9
- Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 11
- Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 12
- Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 13
Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.
Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả luận án tháng 8/2019.
Thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước, cuối những năm 90 của thế kỷ XX nhiều hộ gia đình đã liên kết thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân mở xưởng thêu, khôi phục nghề thêu ren truyền thống làm hàng xuất khẩu, khai thác đá làm vật liệu xây dựng, trang trại kinh tế tổng hợp, sau một thời gian nhiều hộ gia đình đã có tích lũy, mở rộng sản xuất, ngành nghề kinh doanh mới như khách sạn, nhà hàng, phát triển khu du lịch. Thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch của các xã đã có bước phát triển khá: Năm 2000 xã Ninh Hải đã đạt 15 tỷ đồng, nâng tỷ trọng dịch vụ lên trên 60% [4]; xã Trường Yên, giá trị tổng sản phẩm của xã đạt 14,88 tỷ đồng, bình quân hơn 1,1 triệu đồng; dịch vụ tiểu thủ công nghiệp chiếm 40% [6]; riêng xã Ninh Xuân có điều kiện khó khăn hơn, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp chiếm 47%, còn lại chủ yếu nông nghiệp, thu nhập bình quân đạt 3,2 triệu đồng/người/năm [5].
Theo thống kê của Sở Du lịch Ninh Bình, trước năm 2000, trong khu di sản chỉ có 02 nhà nghỉ và 10 nhà hàng quy mô nhỏ và một số cửa cửa hàng bán nước và hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch, tập trung ở hai điểm chính là khu du lịch Tam
Cốc Bích Động và khu di tích Cố đô Hoa Lư. Như vậy cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ dân sinh và khách du lịch còn nghèo nàn, hầu như chưa có, do đó khách du lịch chỉ đến tham quan trong ngày, doanh thu du lịch thấp, chưa thu hút và huy động được các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.
Trước năm 2000, do điều kiện địa hình phần lớn là núi non, đất canh tác chủ yếu nằm trong các thung lũng, rìa chân núi, điều kiện sản xuất khó khăn, đời sống của người dân các xã nằm trong vùng lõi QTDT Tràng An được xếp vào nhóm các xã miền núi, khó khăn về kinh tế, đất canh tác ít, nhiều hộ gia đình phải bươn chải đi làm thuê ở các xã lân cận thậm chí theo các nhóm thợ đi làm ở các vùng khác để kiếm sống…. Ý thức được những khó khăn đó, người dân rất cần cù chịu khó, ngoài trồng cấy, chăn nuôi còn làm thêm nghề phụ, sống tiết kiệm, dành tiền cho con ăn học và dựng nhà cửa kiên cố. Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng người dân luôn quan tâm, đóng góp công sức, tiền của vào việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng (đền chùa, miếu phủ…). Chính nhờ có việc quan tâm, dành nhiều nguồn lực vật chất, tài chính của các thế hệ người dân ở Tràng An trong việc giữ gìn di tích và danh thắng đã góp phần bảo tồn và trao truyền lại cho thế hệ hôm nay một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô giá, có giá trị gấp nhiều lần những tài sản vật chất thông thường khác, trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho người dân nơi đây.
3.1.1.4. Nguồn lực văn hóa - xã hội
Nguồn lực văn hóa xã hội là những kho tàng kiến thức, tri thức của nhân dân về thiên nhiên, xã hội, lao động và con người được đúc kết, lưu truyền và bổ sung qua nhiều thế hệ. Nguồn lực này được thể hiện trong tính cách, phong tục tập quán, các môi quan hệ xã hội, trong giao tiếp và các nghi lễ, sinh hoạt của cộng đồng dân cư và từng người dân. Đây chính là những nguồn sinh dưỡng tạo nên tính cách, cốt cách của người dân ở Tràng An - Ninh Bình.
Di tích lịch sử văn hóa là tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc, là những chứng cứ vật chất phản ánh sâu sắc bản sắc văn hóa, cội nguồn dân tộc. Đồng thời, nó cũng là một bộ phận quan trọng cấu thành môi trường sống của con người và các hoạt động văn hóa gắn liền với di tích. Mặt khác nó còn là nguồn lực văn hóa và xã hội quý giá để nuôi dưỡng con người hôm nay cũng
như mai sau về cả tinh thần và vật chất. Từ đó có những ứng xử văn hóa phù hợp với hiện tại và tương lai, không chỉ thế, đó còn là nguồn tư liệu sống như để khẳng định với nhân loại về lịch sử văn hóa dân tộc, quốc gia.
Toàn tỉnh Ninh Bình có 1.499 di tích lịch sử văn hóa, 226 lễ hội văn hóa, tôn giáo, trong đó khu Quần thể danh thắng Tràng An có 40 di tích lịch sử văn hóa, với 18 di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản hỗn hợp văn hóa thế giới và nhiều lễ hội truyền thống nổi tiếng như lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, Lễ hội đền Thái Vi, lễ hội Tràng An… Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và độc đáo của khu di sản QTDT Tràng An là nguồn lực văn hóa vô cùng quan trọng trong đời sống cũng như sinh kế của người dân địa phương trong quá khứ và hiện tại. Nhiều di tích danh thắng đã trở thành điểm tham quan, du lịch nổi tiếng như Cố đô Hoa Lư, chùa và động Bích Động - Nam thiên đệ nhị động, đền Thái Vi…
Trong khu vực di sản, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã phát hiện nhiều địa điểm và hang động có dấu vết, bằng chứng về sự hiện diện của người tiền sử cách ngày nay khoảng trên 30.000 năm đến 4.000 năm, đặc biệt là thời kỳ văn hóa Hòa Bình ở hang Mòi, hang Bói, hang Thung Bình…. Các bằng chứng thuyết phục tại các di tích khảo cổ cho thấy phương thức mà những nhóm người tiền sử này kiếm sống và thích ứng với biến đổi cảnh quan trong khối đá vôi và đất trũng xung quanh từ thời kỳ băng hà cao trào trải qua các biến đổi dữ dội vào cuối thời kỳ băng hà - trong đó có một số những biến động địa lý và khí hậu khắc nghiệt nhất trong lịch sử gần đây của hành tinh. Chính vì vậy, QTDT Tràng An là một bảo tàng lưu trữ nguyên vẹn nổi bật các điều kiện biến đổi môi trường và ứng phó của con người đối với những biến đổi đó trong thời kỳ quá khứ xa xôi.
Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, cư dân địa phương trong khu di sản còn lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa dân gian truyền thống, tiêu biểu như: lễ hội Hoa Lư, lễ hội đền Thái Vi, lễ hội thánh Quý Minh Đại Vương (nay là lễ hội Tràng An), lễ hội chùa Bái Đính, trong đó có nhiều lễ hội gắn với hoạt động sinh kế và sản xuất của cư dân nông nghiệp như lễ khai canh, lễ rửa bừa, lễ cơm mới, lễ rước nước, lễ mở cửa rừng….
Lễ khai canh: xuất hiện từ thời vua Lê Đại Hành, dần trở thành tục lệ ở Ninh Bình và nhiều địa phương khác. Đó là lễ hội ngày đầu xuân năm mới, sau khi làm thủ tục cũng lễ tổ tiên, ông bà xong, người ta xin phép tổ tiên, thần linh
để ra ruộng làm đường cầy đầu tiên. Sau này, khi có phong trào “Tổ đổi công: và hợp tác xã, người ta gọi là ngày “Hội xuống đồng” đầu năm [79, tr.483].
Lễ rửa cày bừa: Cứ sau một thời vụ cấy, cày, người ta lại làm mâm cỗ để tế cáo thần linh, tổ tiên về việc đã hoàn tất công việc đồng áng vất vả, nặng nhọc và cầu Thần Thánh, gia tiên phù hộ cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, nhà nhà đủ ăn… [79, tr.483].
Lễ cúng cơm mới: Sau khi thu hoạch hai vụ lúa (Mùa và Chiêm), người ta làm cơm mới và sắm sửa cỗ để cúng gia tiên và Thành hoàng làng, xã qua đó tỏ lòng biết ơn các vị thần linh, các bậc tiền nhân đã phù hộ cho con cháu làm ăn thuận lợi, được mùa. Có gia đình không đợi thu hoạch xong mà ngay mẻ lúa đầu tiên gặt về, họ đã giã gạo làm cơm để cúng tế gia tiên, thần linh trước, sau đó mới dám lấy lúa mới ăn [79, tr.483]
Lễ rước nước truyền thống ở Lễ hội Hoa Lư (Trường Yên) là một dấu ấn rõ nét của tập quán cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và cũng là biểu tượng của “uống nước nhớ nguồn” [79, tr.485]. Đến nay Lễ rước nước vẫn được người dân địa phương giữ gìn và tổ chức hàng năm vào dịp Lễ hội Hoa Lư.
Theo chị NTH ở xã Ninh Xuân, các nghi lễ gắn với sinh kế vẫn được người dân địa phương giữ gìn, duy trì vào các tuần to, tiết lớn như Tết cơm mới, Tết Đoan ngọ (Tết diệt sâu bọ). Các gia đình thường chuẩn bị đầy đủ theo truyền thống các cụ ngày xưa.
Những di tích lịch sử văn hóa cùng với các nghi lễ và tri thức dân gian của mảnh đất cố đô Hoa Lư không chỉ là những mạch nguồn để lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc, tri thức dân gian, kỹ năng sinh tồn, mà còn là nguồn lực văn hóa quan trọng để người dân ở Tràng An nói riêng, người dân Ninh Bình nói chung khai thác và phát huy phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Luôn ý thức và tự hào về những giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất cố đô, các thế hệ người dân ở Tràng An trong quá trình phát triển luôn gìn giữ, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của mình. Nhờ đó các giá trị văn hóa truyền thống, di sản đã được người dân bảo vệ, lưu truyền đến ngày nay, trở thành nguồn lực văn hóa - xã hội vô cùng quan trọng cho sự phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình.
3.1.2. Các hoạt động sinh kế truyền thống
Trước năm 2000, trong cơ cấu kinh tế của các xã tại khu di sản, nông nghiệp vẫn chiếm chủ đạo, cụ thể: xã Trường Yên [6] cơ cấu nông nghiệp chiếm khoảng 60%, dịch vụ tiểu thủ công nghiệp nghiệp chiếm 40%; xã Ninh Xuân [5], cơ cấu nông nghiệp chiếm trên 70%, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp khoảng 30%; và xã Ninh Hải [4] có du lịch phát triển sớm nhất, nên tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm khoảng trên 30%, còn dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp chiếm trên 60%.
3.1.2.1. Hoạt động nông nghiệp
Khu vực huyện Hoa Lư thuộc vùng chiêm trũng, có nhiều đá vôi, thung lũng, hang động, nhiều sông ngòi. Là vùng đất cổ, tuy hẹp về không gian địa lý, nhưng lại rất rộng dài về thời gian lịch sử, bởi nơi đây có cội nguồn cư trú của người Việt cổ cách ngày nay hàng chục nghìn năm. Đó có thể là lý do mà các nhà nghiên cứu sử học và văn hóa học khẳng định có một nền văn hóa Hoa Lư. Văn hóa Hoa Lư là văn hóa xóm làng, Văn hóa lúa nước. Trải qua hàng nghìn năm sống bằng nghề nông, cư dân trong khu di sản QTDT Tràng An đã đúc kết cho mình kho tàng tri thức dân gian phong phú về nghề trồng trọt và chăn nuôi.
* Hoạt động trồng trọt: Tại các khu vực dân cư sinh sống trong vùng Di sản trước đây chủ yếu sống dựa vào trồng trọt trong đó diện tích trồng lúa nước chiếm diện tích lớn. Khí hậu ôn đới có bốn mùa nhưng người dân tại khu vực Tràng An chỉ trồng cấy hai vụ: Xuân hè và Thu đông. Giữa các vụ có trồng xen kẽ các loại đậu, bí, ngô làm lương thực vào thời điểm giáp hạt.
Biểu đồ 3.3. Nghề nghiệp trước đây của người dân địa phương
Nguồn: Khảo sát của tác giả luận án 8/2019.
Vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ 20, nhờ chính sách khai hoang khuyến khích các hộ dân nhận đất để phát triển kinh tế mới. Những hộ gia đình này duy trì các hoạt động nông nghiệp truyền thống trồng lúa nước và các loại hoa màu như ngô, đậu… Do địa hình tại khu vực Tràng An chủ yếu là ruộng nước nên việc trồng xen kẽ các loại hoa màu cũng bị hạn chế. Hoạt động canh tác ruộng nước của cư dân trong vùng Tràng An cũng không có nhiều khác biệt so với những vùng khác nhưng đã phản ánh hoạt động sinh kế chủ đạo và phong tục tập quán trồng trọt thông qua văn hóa trồng lúa nước. Khi chưa được cơ giới hóa họ chủ yếu dùng trâu bò làm sức kéo để cày bừa, phân bón thì dùng phân chuồng và cây xanh chứ không sử dụng các hóa chất và phân bón hóa học như bây giờ. Với các hộ gia đình có mức sống trung bình vào thời điểm này thì trồng trọt chiếm 90% tổng thu nhập hàng năm, không có thống kê về sản lượng và năng suất lúa nhưng theo khảo sát của tác giả thì sản lượng lúa vào thời điểm này cho năng suất không cao do chất đất và bóng núi, hoạt động trồng trọt chỉ để phục vụ gia đình mang tính tự cung tự cấp khi dư thừa thì mới đem bán để trang trải thêm các khoản sinh hoạt khác của gia đình.
* Hoạt động chăn nuôi: Do địa thế là vùng bán sơn địa nên hoạt động chăn nuôi tại khu vực Tràng An cũng được ưu tiên phát triển ngang bằng với trồng lúa nước. Các loại vật nuôi chủ yếu là trâu, bò, gà, lợn, dê… Trâu bò được nuôi ngoài việc cung cấp thực phẩm và bán để lấy tiền thì các hộ gia đình đều giữ lại 1 đến 2 con trâu hoặc bò nuôi làm sức kéo. Việc cày bừa trong nông nghiệp là việc rất quan trọng và mất nhiều công sức nếu không có sự hỗ trợ của trâu bò thì công việc này trở nên rất khó khăn, truyền thống từ xa xưa việc nặng nhọc này là dành cho những người đàn ông trong gia đình. Sau những năm 2000, nghề chăn nuôi tại khu vực Tràng An được phát triển hơn, các hộ gia đình bắt đầu chăn nuôi với quy mô lớn hơn để cung cấp nguồn thực phẩm cho các vùng lân cận. Đặc biệt chăn nuôi trâu bò giống để cấp cho một số tỉnh như Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Trong cuộc phỏng vấn đối với cư dân tại xã Trường Yên, ông NVM - 84 tuổi, người dân thôn Chi Phong, xã Trường Yên cho biết: “Vào thời điểm những năm 90 thế kỷ XX trong vùng này ai cũng biết đến nhà ông Tư nổi tiếng giàu có nhờ nuôi và nhân giống các loại trâu bò, một con trâu thời đó đáng giá tiền bằng cả căn nhà. Vậy mà có khi đàn trâu bò nhà ông ấy lên đến vài chục con…”.
Nhờ vào điều kiện thiên nhiên thuận lợi với những cánh đồng cỏ ở các thung lũng và những khu đồi thoải dốc là nguồn thức ăn trù phú cho gia súc. Vì vậy mà kĩ thuật chăn nuôi thời điểm này của cư dân nơi đây khá đơn giản, họ thả rông đàn gia súc của mình nhiều hơn là mất công chăn và cho ăn chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Trong khi đó những hộ gia đình nghèo thì không có khả năng mua trâu để nuôi mà phải đổi công chăn cho các gia đình có điều kiện để được mượn trâu, bò cày bừa ruộng cho mình. Ngoài việc cho mượn trâu, trong chăn nuôi và trồng trọt tại khu vực này còn có tục đổi công, đây là nét văn hóa khá riêng biệt đối với vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ nơi khởi nguồn của nền văn hóa lúa nước.
Các gia đình nuôi gà, vịt, ngan…với số lượng vừa phải, chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Chỉ khi chuẩn bị có việc lớn như cưới xin, giỗ chạp, bốc mộ… mới nuôi nhiều và chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Vào thời điểm này mới chỉ xuất hiện một vài hộ gia đình nuôi vịt với quy mô lớn để lấy trứng và vịt thịt bán ra thị trường, các hộ gia đình này đều là gia đình khá giả có chí hướng làm giàu, đã tận dụng những cánh đồng lúa sau khi thu hoạch xong còn sót lại những lúa non mọc lên làm thức ăn cho đàn gia cầm. Tuy nhiên nuôi gia cầm luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro về dịch bệnh do kĩ thuật chăn nuôi thời điểm đó còn thô sơ đơn giản, chăn nuôi theo kinh nghiệm là chủ yếu.
Ngoài ra tại các vùng chiêm trũng và khu vực núi đá vôi nơi có hang động xuyên thủy cũng được các hộ gia đình duy trì hoạt động chăn nuôi với quy mô nhỏ, trước đây số lượng cá trong tự nhiên còn khá nhiều nên các hộ gia đình thường quây lưới tại một số khúc sông, hồ để tận dụng nguồn nước thả cá, nhiều hộ đào ao nuôi cá trong các thung. Đặc sản của vùng Tràng An là cá trầu, cá rô, cá rô ở đây to, béo đầu đen bóng, thịt chắc và thơm ngon. Món ăn này đã đi vào ca dao: “Đi thì nhớ cậu cùng cô, Khi về lại nhớ cá rô tổng Trường” [79]. Tổng Trường chính là xã Trường Yên ngày nay. Đối với cư dân ở QTDT Tràng An các hoạt động nông nghiệp là sinh kế chính, quyết định đến 80% thu nhập cả năm của các hộ gia đình.
3.1.2.2. Các nghề thủ công truyền thống
Vùng đất Tràng An - Hoa Lư (Ninh Bình) trước đây là vùng đất thuần nông. Người dân nơi đây chủ yếu làm ruộng, tuy nhiên đây là khu vực chiêm