Biến Đổi Cơ Cấu Vốn Fdi Phân Theo Vùng Lãnh Thổ


Đóng vai trò quan trọng nhất trong cơ cấu FDI phân theo hình thức đầu tư suốt thời gian này chính là hình thức doanh nghiệp liên doanh. Ngoại trừ năm 1988 là năm mà hình thức doanh nghiệp liên doanh chiếm tỷ trọng vốn đầu tư ít hơn so với hợp đồng hợp tác kinh doanh; trong thời gian còn lại, hình thức doanh nghiệp liên doanh luôn chiếm ưu thế có thể nói là tuyệt đối so với 2 hình thức còn lại cả về tỷ trọng dự án và vốn đầu tư. Trong khi đó, vai trò của hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài và hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh lại có sự biến chuyển khá phức tạp mà điểm mấu chốt là sự hoán đổi vị trí cho nhau trong cơ cấu FDI phân theo hình thức đầu tư.

Quan sát tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam phân theo hình thức đầu tư, có thể thấy, trong những năm 1988 – 1994, hình thức doanh nghiệp liên doanh có xu hướng tăng lên liên tục qua các năm về số dự án và số vốn đầu tư. Năm 1988, các nhà cung cấp FDI mới chỉ đăng ký đầu tư theo hình thức doanh nghiệp liên doanh 28 dự án với tổng số vốn là 155 triệu USD, thì đến năm 1994 số dự án và số vốn đã lên đến 218 dự án và 2941 triệu USD. Tuy nhiên diễn biến tỷ trọng của hình thức này lại không theo một chiều như diễn biến của giá trị tuyệt đối. Xét về tỷ trọng dự án, mặc dù hình thức doanh nghiệp liên doanh chiếm tỷ lệ rất cao, luôn chiếm trên 1/2 và thậm chí năm 1991 đạt đến 81% tỷ trọng dự án của cả nước; nhưng tỷ trọng này có xu hướng tăng lên, tuy không ổn định, từ năm 1988 (76%) đến năm 1991 (81%), rồi sau đó liên tục giảm với mức độ khá nhanh và chỉ còn 59% vào năm 1994. Xét về tỷ trọng vốn đầu tư, hình thức doanh nghiệp liên doanh có chiều hướng tăng lên qua các năm. Năm 1988, tỷ trọng vốn đầu tư theo hình thức liên doanh chiếm 42,3% thì đến năm 1994 hình thức này đã đạt đến mức cao nhất về tỷ trọng vốn đầu tư của nó trong gần 2 thập kỷ Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với tỷ trọng đạt


78,5%. Tuy nhiên mức tăng này là không ổn định. Trong 7 năm, đã có 2 lần tỷ trọng vốn đầu tư giảm sút so với năm trước đó. Cụ thể là, năm 1989 tỷ trọng vốn đầu tư chiếm 64,5% thì năm 1990 giảm xuống còn 50,7%. Tiếp đó, năm 1991 tỷ trọng vốn đầu tư đạt 68,4% thì đến năm 1992 giảm xuống còn 56,7%. Nguyên nhân cơ bản của những diễn biến thất thường về tỷ trọng dự án và vốn đầu tư theo hình thức doanh nghiệp liên doanh là do mối tương quan về tốc độ tăng trưởng qua các năm với hình thức đầu tư hợp đồng hợp tác kinh doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, xét về giá trị tuyệt đối, xu hướng là tăng lên liên tục cả về số dự án và vốn đầu tư. Năm 1988 chỉ có duy nhất 1 dự án đầu tư theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với số vốn đăng ký là 0,1 triệu USD thì đến năm 1994 số dự án và số vốn đã lên tới con số 128 dự án và 638,1 triệu USD. Xét về tỷ trọng, nhờ có tốc độ tăng trưởng số dự án và số vốn khá cao nên xu hướng chung của hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là gia tăng tỷ trọng dự án và vốn đầu tư. Trước hết, về tỷ trọng dự án, trong thời gian 1988 – 1991, mức tăng nhìn chung còn chậm và chưa đều. Năm 1988, tỷ trọng dự án chỉ chiếm 3% tổng dự án của tất cả các hình thức đầu tư. Ba năm sau, tức năm 1991, con số này cũng chỉ dừng lại ở 9%. Từ năm 1992 tỷ trọng dự án đầu tư theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mới tăng đều và nhanh hơn. Năm 1992, tỷ trọng dự án đã chiếm gần (22%) và đến năm 1994 đạt hơn 1/3 (35%) tổng dự án. Về vốn đầu tư, hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã có những bước tiến đáng kể về tỷ trọng trong thời gian 1988 – 1994 với tỷ trọng tăng lên từ 0,1% (1988) đến 17% (1994), song diễn biến tỷ trọng rất không ổn định, gần như cứ tăng được 1 năm thì lại giảm ngay vào năm sau đó (xem thêm phụ lục). Mặc dù vậy, trong cơ cấu FDI phân theo


hình thức đầu tư, bắt đầu từ những năm 1991 – 1992, hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã từng bước vươn lên đứng thứ 2, thay thế vị trí của hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

So với hai hình thức đầu tư trên, hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh là hình thức FDI có nhiều diễn biến phức tạp nhất. Trước tiên, về tình hình dự án, có thể nói trong những năm 1988 – 1994, số dự án đăng ký theo hình thức này tăng giảm thất thường (xem phụ lục). Tuy nhiên, tỷ trọng dự án lại giảm tương đối đều đặn. Năm 1988, tỷ trọng dự án theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh chiếm 21% thì năm 1993 giảm xuống còn 4% và năm 1994 có nhích lên một chút đạt 6%. Về vốn đầu tư, xét cả về giá trị tuyệt đối và tỷ trọng, đều tăng giảm thất thường và xen kẽ nhau. Đặc biệt, đáng chú ý là tỷ trọng vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh đã có những sự sụt giảm khá lớn. Năm 1988, vốn đầu tư theo hình thức này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 3 hình thức đầu tư với 57,6% thì đến năm 1994 chỉ còn 4,5% và đạt mức thấp nhất trong cơ cấu FDI phân theo hình thức đầu tư.

Sau khi được Quốc hội sửa đổi, bổ sung vào năm 1990, 1992 và nhất là với việc được ban hành mới vào năm 1996, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều sự điều chỉnh nhằm tạo ra một khung pháp lý thuận lợi hơn và rò ràng, minh bạch hơn để tạo ra những hiệu ứng, những diễn biến tích cực hơn trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam. Với Luật Đầu tư nước ngoài mới được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung này, hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đã có bước tiến triển rất đáng chú ý theo hướng tiếp tục mở rộng hơn các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam. Cụ thể là, Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi, bổ sung năm 1992 đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo một hình thức mới là hình thức BOT (xây dựng –

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.


hoạt động – chuyển giao). Tiếp đó, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành mới năm 1996 lại cho phép áp dụng thêm 2 hình thức đầu tư trực tiếp mới là BTO (xây dựng – chuyển giao – hoạt động), BT (xây dựng – chuyển giao). Sự điều chỉnh này, xét trên mọi phương diện, là cần thiết và phù hợp không chỉ đối với tình hình thực tế nước ta mà còn đối với xu hướng phát triển mạnh mẽ của các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới.

Biến đổi cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tác động của nó đến kinh tế – xã hội Việt Nam từ năm 1988 đến nay - 8

Sự điều chỉnh về mặt pháp lý trên đã trực tiếp tạo ra những biến chuyển quan trọng trong cơ cấu hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian 1991 – 1996. Theo đó, về mặt cấu thành, bên cạnh các hình thức đầu tư phổ biến từ trước và có tính truyền thống như: hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và liên doanh thì đã xuất hiện thêm một số hình thức đầu tư dù không mới mẻ trên thế giới nhưng lại khá mới mẻ ở Việt Nam như: BOT, BTO, BT. Tuy nhiên, với tính chất mới mẻ của nó, những dự án đầu tư theo hình thức này hãy còn ít và chưa có vai trò thực sự lớn trong cơ cấu FDI phân theo hình thức đầu tư. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian 1988 – 1996, mà thực chất là trong 2 năm cuối 1995 – 1996, các nhà đầu tư nước ngoài mới đăng ký đầu tư trực tiếp vào Việt Nam 2 dự án theo hình thức BOT với tổng số vốn là 672,8 triệu USD, chiếm 0,10% số dự án và 2,64% tổng số vốn FDI của cả nước. Hình thức BTO và BT mới được Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 1996 cho phép áp dụng nên trong thời kỳ 1988 – 1996 chưa có dự án đầu tư nào. Mặc dù vậy, sự xuất hiện và tồn tại của những hình thức đầu tư mới mẻ này trong thực tế (như BOT) hay thậm chí chỉ là trên phương diện văn bản pháp lý (như BTO, BT) đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong cơ cấu hình thức đầu tư FDI của Việt Nam. Đặc biệt, quan trọng hơn, sự đa dạng hoá trong hình thức đầu tư FDI sẽ tạo cho nhà đầu tư


nước ngoài có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với mục đích, khả năng và với kế hoạch kinh doanh của nhà đầu tư; qua đó góp phần thu hút nhiều hơn nữa các dự án và vốn FDI vào Việt Nam.

Trong cơ cấu FDI phân theo hình thức đầu tư đã được đa dạng hoá trên thực tế vào những năm 1995 – 1996, hình thức doanh nghiệp liên doanh vẫn dẫn đầu về giá trị tuyệt đối cũng như tỷ trọng dự án và vốn đầu tư. Năm 1996, các nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư 190 dự án với tổng số vốn là 6712,4 triệu USD theo hình thức doanh nghiệp liên doanh, tương đương với 52% số dự án và 77,7% số vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tiếp tục phát triển theo xu hướng tăng lên về tỷ trọng dự án và vốn đầu tư đã được mở ra từ những năm trước. Với 167 dự án có tổng vốn đầu tư là 1187,5 triệu USD, chiếm 45,7% số dự án và 13,7% số vốn, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang khẳng định vai trò ngày càng lớn của mình với vị trí thứ 2 trong cơ cấu FDI phân theo hình thức đầu tư. Trái với hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh lại không chặn được đà giảm sút của những năm trước. Năm 1996 được xem là năm đỉnh cao trong thu hút FDI ở Việt Nam, song chỉ có 7 dự án với tổng số vốn là 890,4 triệu USD, tương đương với 2% dự án và 1,2% số vốn cả nước, đăng ký đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Như vậy, điểm nổi bật nhất trong cơ cấu FDI phân theo hình thức đầu tư ở Việt Nam trong những năm 1988 – 1996 chính là vai trò chủ đạo của hình thức liên doanh khi có đến 1230 dự án với tổng vốn đăng ký 19224,9 triệu USD, chiếm 62,25% tổng số dự án và 72,62% tổng số vốn đăng ký vào tất cả các hình thức. Yếu tố đóng vai trò quyết định đến ưu thế của hình thức liên doanh so với các hình thức khác có lẽ không phải cái gì khác ngoài những thuận lợi mà nó


mang lại trong điều kiện Việt Nam mới tiến hành mở cửa thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Như đã biết, thời kỳ này, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể nói là một địa bàn đầu tư hoàn toàn mới mẻ. Các nhà đầu tư chẳng những chưa hiểu biết nhiều về điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam mà những thông tin về chính sách, pháp luật và thủ tục đầu tư ở Việt Nam họ có được cũng còn rất hạn chế. Trong khi đó, các thủ tục đầu tư và triển khai dự án thời kỳ này còn khá phức tạp, trải qua nhiều khâu thủ tục hành chính và thời gian kéo dài. Thêm vào đó, tình hình chính trị – xã hội Việt Nam rất khó đoán định, môi trường đầu tư lại tiềm ẩn khả năng rủi ro cao. Vì vậy, việc tiến hành liên doanh với nước chủ nhà trong trường hợp này là giải pháp tối ưu hơn cả để cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư cũng như chia sẻ các rủi ro khác có thể gặp phải. Mặt khác, hình thức đầu tư FDI được nhiều nhà đầu tư nước ngoài ưa thích hơn cả là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thời kỳ này lại bị hạn chế ở Việt Nam. Sự hạn chế đó cũng tác động không nhỏ đến quyết định đầu tư theo hình thức nào của các chủ đầu tư có ý định đầu tư ở Việt Nam. Hệ quả là, trong phần lớn trường hợp, các nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn hình thức liên doanh với nước chủ nhà Việt Nam.

2.1.4. Biến đổi cơ cấu vốn FDI phân theo vùng lãnh thổ

Cơ cấu vốn FDI phân theo vùng lãnh thổ là một bộ phận quan trọng và không thể thiếu khi nghiên cứu cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam. Cơ cấu vốn FDI phân theo vùng lãnh thổ về cơ bản có thể hiểu là sự hợp thành của các bộ phận lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong không gian lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, loại cơ cấu này thường thiên về phản ánh thực trạng đầu tư và phân bổ FDI theo không gian địa lý.


Từ khi xuất hiện những động thái đầu tiên ở Việt Nam cho đến khi bước vào thời đoạn tăng trưởng mạnh và đạt đến đỉnh cao vào năm 1996, cơ cấu vốn FDI phân theo vùng lãnh thổ đã có những sự biến chuyển quan trọng mà trong một chừng mực nào đó có thể xem đó là những chuyển biến mang tính bước ngoặt.

Trong 3 năm đầu 1988 – 1990, do tính chất mới mẻ của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam nên cơ cấu FDI phân theo vùng lãnh thổ nhìn chung khá đơn điệu.

Sự đơn điệu này trước hết thể hiện ở số lượng các địa phương có dự án FDI. Mặc dù do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan chúng tôi không có được những số liệu chính xác để dẫn chứng một cách cụ thể, nhưng qua những tài liệu đã có được, có thể khẳng định rằng, số lượng các địa phương tiếp nhận các dự án FDI trong thời gian khởi động của quá trình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam này là tương đối hạn chế.

Mặt khác, xem xét thực trạng phân bố nguồn FDI trong thời gian này dễ thấy hiện tượng tập trung với mức độ rất cao số dự án và số vốn đăng ký đầu tư vào một số khu vực lãnh thổ. Cụ thể là số dự án và số vốn đăng ký của các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu được chảy vào miền Nam, đặc biệt là với mức độ đậm đặc ở các tỉnh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sông Bé, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dưới góc độ lịch sử, hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài chỉ tập trung đầu tư ở một số vùng và địa phương trên lãnh thổ Việt Nam mà ít mở rộng không gian đầu tư ra nhiều địa phương khác là có nguyên nhân của nó. Như đã

biết, khác với nguồn vốn ODA12 thường thiên về hỗ trợ phát triển cho các quốc gia, nguồn vốn FDI được các nhà đầu tư lưu chuyển với mục đích chủ yếu và cao nhất là lợi nhuận. Vì vậy, khi tiến hành đầu tư vào bất cứ địa bàn nào, các nhà đầu tư đều tính toán rất kỹ lưỡng về khả năng sinh lời từ địa bàn mà họ đầu tư. Việt Nam tất nhiên càng không phải là trường hợp ngoại lệ. Đối với các chủ đầu tư FDI, Việt Nam là một địa bàn mới mẻ, thậm chí có thể coi là một “khoảng trống” trước sự hoạt động sôi động của dòng FDI, và không phải là không có những sự hấp dẫn nhất định, song Việt Nam cũng lại là một địa bàn đầu tư có độ rủi ro cao. Trên thực tế, đã có không ít các nhà đầu tư xem việc đầu tư vào Việt Nam là đầu tư mạo hiểm. Do đó, khi đầu tư vào Việt Nam, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng ở phần lớn các địa phương của Việt Nam rất thấp kém, nhất là các địa phương nằm cách xa các trung tâm kinh tế – chính trị của đất nước, các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, các nhà đầu tư nước ngoài phải lựa chọn những địa phương có điều kiện thuận lợi về tự nhiên, kinh tế và xã hội nhằm hạn chế đến mức thấp nhất độ rủi ro cho hoạt động đầu tư của mình. Trong số các vùng miền của Việt Nam, miền Nam là địa bàn tương đối lý tưởng hơn cả đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây không chỉ là một khu vực có tiền lệ về khả năng phát triển kinh tế, một thời kỳ lịch sử đã từng có mối quan hệ kinh tế tương đối rộng rãi với nước ngoài; mà quan trọng hơn, một số địa phương của khu vực này như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sông Bé, Bà Rịa – Vũng Tàu đều là những địa phương có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, có hệ thống chính sách, pháp luật đầu tư khá thông thoáng, hấp dẫn, có đội ngũ lao động đông đảo, trình độ cao hơn so với các khu vực khác, do đó những địa

12 ODA (Official Development Assistance - viện trợ phát triển chính thức): Là hình thức nhà đầu tư (cụ thể là của các chính phủ, các tổ chức quốc tế hay các tổ chức phi chính phủ) hỗ trợ cho chính phủ các nước khác, thường là các nước đang phát triển, một khoản vốn không hoàn lại hoặc hoàn lại với lãi suất ưu đãi trong một thời gian dài nhằm mục đích chính là thúc đẩy sự phát triển kinh tế hoặc nâng cao các vấn đề phúc lợi xã hội của quốc gia đó.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/06/2022