Bia đá thế kỷ XVII của một số chùa ở ngoại thành Hà Nội (khảo sát 10 huyện phía tây và phía nam Hà Nội) - 8

- Bia 2 mặt: Nếu như bia thời Lý - Trần đều thuộc loại bia dẹt hai mặt, hơi choãi về phía chân:“Một số bia do tính chất cung đình quy định có kích thước lớn vượt trội, còn lại đa số có kích thước trung bình với tỷ lệ khoảng 3 rộng/5 dài” [27, tr. 180-186], thì đến thời Mạc: “Chủ yếu là bia dẹt gồm 1 hoặc 2 mặt, được đặt trên lưng rùa hoặc trên bệ đá vuông... Kích cỡ bia thời Mạc vừa phải, trung bình 0,6m x 0,9m” [55, tr.12]. Sang thế kỷ XVII, bia 2 mặt là loại hình bia phổ biến nhất (có 22/29 bia).

Loại bia 2 mặt, có thể chia thành 2 loại, loại bia đá có mặt trước thường ghi tên bia và nội dung chính của việc dựng bia, mặt sau ghi tên các hội chủ hưng công, người đóng góp tiền của và loại bia 2 mặt, một mặt tạc tượng dạng phù điêu là chân dung hình người được bầu hậu, tượng vừa mang tính chân dung, vừa mang tính cách điệu. Bia tượng phổ biến ở dạng 2 mặt, mặt

trước khắc tượng nổi, mặt sau khắc nội dung về người được tạo tượng như tên, họ, chức tước, ngày tháng năm sinh, quy định cúng tếthậm chí người

ta khắc niên đại tạo bia vào phần mé bia. Loại bia tượng thường có chiều cao là 0,8m - 1,0m; chiều rộng từ 0,6m - 0,7m. Tượng phù điêu thường có chiều cao là 0,5m - 0,7m; chiều rộng là 0,3m - 0,5m như 02 bia chùa Thầy (Quốc Oai) tạo vào thời Thịnh Đức và Khánh Đức.

Loại bia tượng đã xuất hiện từ thời Trần, nhưng đến thế kỷ XVII - XVIII xuất hiện với mật độ lớn, nhất là giai đoạn giữa và cuối thế kỷ XVII. Tuy số lượng còn lại ít hơn các loại bia khác, nhưng bia tượng góp thêm một loại hình bia rất đặc sắc trong sưu tập bia thời kỳ này. Sang đầu thế kỷ XVIII, tượng hậu vẫn còn được tạo dựng trên bia đá nhưng những nét chạm khắc không cầu kỳ, tinh xảo như bia tượng thế kỷ XVII nữa. Tính chân dung cũng giảm nhẹ, thay vào đó là tượng mang tính cách điệu, tượng trưng là chính. Nét khắc hoạ thô không nói lên được điều gì về tính cách hoặc trạng thái tình cảm.

Như vậy, bia đá thế kỷ XVII có tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều cao tương đối nhau (khoảng bằng 3/4). Chiều cao bia trung bình từ 0,9m đến 1,2m, nhưng cũng có bia có kích thước lớn hơn. Trong đó, trán bia có kích thước trung bình 0,2m - 0,3m, tỷ lệ chiều cao trán bia 2 mặt trung bình bằng 1/4 chiều cao toàn thân bia, phần tên bia được khắc dưới trán bia có kích thước trung bình từ 0,05m đến 0,07m, nhiều bia có trang trí đường diềm khá đẹp

như bia chùa Bối Khê, chùa Sổ (Thanh Oai)Phần diềm bia tùy thuộc vào

bia có kích thước lớn hay nhỏ mà có diềm bia phù hợp với phần trán bia và chân bia, nhưng trung bình diềm bia có độ rộng từ 0,05m đến 0,07m. Độ dày của bia trung bình từ 0.1m đến 0.2m, nhưng cá biệt có những bia có độ dày khá lớn như bia chùa Thầy (Quốc Oai) tạo năm 1653; bia chùa Hương (Mỹ Đức) có độ dày 0,3m - 0,4m và trang trí nhiều hình tượng phong phú. Phần đế bia 2 mặt có nhiều dạng khác nhau, nhưng phổ biến là đế bia hình rùa đội như bia chùa Đậu (Thường Tín), chùa La Khê (Hà Đông).

Bên cạnh đó, một số bia có đế hình chữ nhật liền khối với phần thân bia như bia chùa Hương (Mỹ Đức), trên đế bia trang trí các hình tượng phong

phú. Ngoài ra, bia hai mặt không có đế, đó là trường hợp bia bị gắn vào tường hoặc bị chôn xuống nền móng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.

Tóm lại, bia ghi về việc xây dựng và trùng tu các công trình, họa tiết hoa văn trang trí đẹp, sinh động, còn những bia có kích thước nhỏ thường là những bia hậu của tầng lớp bình dân, trang trí đơn giản.

- Bia 4 mặt: So với thời kỳ trước đó, chủ yếu là bia hình dẹt 2 mặt, loại bia 4 mặt ít xuất hiện: “Loại bia trụ 4 mặt phổ biến ở thời kỳ từ thế kỷ XVII trở đi thì chỉ gặp duy nhất 2 bia ở thời Mạc” [55, tr. 12].

Bia đá thế kỷ XVII của một số chùa ở ngoại thành Hà Nội (khảo sát 10 huyện phía tây và phía nam Hà Nội) - 8

Bia 4 mặt trong các ngôi chùa thế kỷ XVII ở vùng ngoại thành Hà Nội chỉ có 04/29 bia, trên đỉnh bia là hình trụ tập trung chủ yếu vào giai đoạn giữa và cuối thế kỷ XVII. Cũng như bia 2 mặt, bia 4 mặt có tỷ lệ giữa chiều rộng

và chiều dài tương đối nhau, với chiều rộng phổ biến từ 0,6m đến 0,8m; chiều cao từ 1,2m đến 1,4m. Trên đỉnh bia là hình chóp nhọn hoặc hình trụ (chiều cao trung bình từ 0,2m - 0,3m) loại bia này hay gặp ở chùa Đậu (Thường Tín), chùa Hưng Giáo (Thanh Oai). Trong đó, trán bia có kích thước trung bình 0,4m - 0,5m, tỷ lệ chiều cao trán bia 4 mặt trung bình bằng 1/4 chiều cao toàn thân bia. Phần tên bia được khắc dưới trán bia có kích thước trung bình từ 0,05m đến 0,07m, nhiều bia có trang trí đường diềm. Phần diềm có độ rộng từ 0,05m đến 0,07m, tương đồng với kích thước diềm bia 2 mặt. Đế bia 4 mặt phổ biến là dạng hình vuông, giật cấp 3 tầng, chiều cao trung bình từ 0,1m đến 0,2m.

Như vậy, thời kỳ Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc bia đá phổ biến là dạng bia 2 mặt, bia 4 mặt ít xuất hiện. Sang thế kỷ XVII bia đá có nhiều hình dạng khác nhau, ở giai đoạn đầu thế kỷ XVII dạng bia 2 mặt chiếm tỷ lệ phổ biến, nhưng đến giữa và cuối thế kỷ XVII thì 4 mặt xuất hiện nhiều. Điều đó tạo nên sự phong phú trong hình dáng của bia đá thời kỳ này.

2.3.2. Bố cục trang trí bia đá:

Cũng như những thời kỳ trước, hoa văn trang trí trên bia đá thế kỷ XVII được chạm khắc ở trán bia, diềm hai bên và diềm chân bia khá cân đối. Tuy nhiên, không phải bất cứ bia nào cũng có hoa văn trang trí, số bia không có hoa văn trang trí phần lớn là những bia hậu của tầng lớp bình dân và có kích thước nhỏ.

Nếu những bia từ thời Lý - Trần thường theo một khuôn mẫu chung với những đề tài gần như cố định, trán bia chạm hình rồng hoặc hình phượng chầu vào ô vuông ghi tên bia (thường viết kiểu chữ triện hoặc chữ lệ); phần diềm trán bia và diềm thân bia thường chạm hình hoa cúc dây hoặc hoa sen, diềm đáy bia trang trí hoa văn sóng nước cách điệu dưới nhiều hình thức, đôi khi có cả những loài cá, rùa,..thì sang thời Mạc:“Hoa văn trang trí ở trán bia phổ

biến là mặt trời tua mây 80/147 bia, sau đó là đề tài mặt nguyệt rồng 42 bia; số ít khác là đề tài phượng thú. Ở diềm bên chủ yếu được trang trí hoa văn dây leo. Diềm dưới là cánh sen và dây leo, số khác là hình thú, rổng ổ” [55, tr. 14]. Trang trí trên bia đá thế kỷ XVII cũng được chia thành 3 phần chính (trán bia, diềm bia và đế bia), nhưng những hình thức trang trí trên bia đá, cũng như trên kiến trúc gỗ… không còn tuân theo một khuôn mẫu chung như các thời kỳ trước, mà bắt đầu có sự phá cách lớn, mang đậm tính chất dân gian truyền thống. Bên cạnh đó, thời kỳ này có những bia đá không có hoa văn trang trí, phần lớn là những bia hậu của tầng lớp bình dân có kích thước nhỏ.

- Trán bia: Bia đá 2 mặt thế kỷ XVII có trán bia cao và phần giữa có độ uốn cong hơn so với thời Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc... Chiều cao trung bình của trán bia thời kỳ này từ 0,2m - 0,3m bằng 1/4 chiều cao của bia đá, nhưng cũng có bia với kích thước lớn thì độ cao phần trán bia tới 0,4m - 0,5m như bia chùa Thầy (Quốc Oai), chùa Sổ (Thanh Oai)… Phần tên bia được khắc theo hàng ngang dưới trán bia. Chữ khắc theo lối khải là phổ biến.

Nếu đặc trưng của trang trí hoa văn trên trán bia thời Lý - Trần là rồng chầu mặt trời, thì bia thế kỷ XVII lại có sự chuyển đổi khác mang đậm phong cách của thời đại. Con rồng thời kỳ này không còn giữ được vị trí độc tôn nữa, thay vào đó là các hình lân, phượng, hạc, nai…chầu hai bên mặt trời. Xen lẫn là hoa dây hoặc các loại hoa sen, hoa cúc gắn với Phật giáo... ở diềm trán bia. Nét chạm khắc hoa văn trên trán bia thế kỷ XVII tinh xảo, phong phú, uyển chuyển hơn và đẹp hơn bia vào giai đoạn sau này.

Ngoài ra, bia đá thời kỳ này do nhiều đối tượng chạm khắc, nên các hình tượng được chạm khắc trên trán bia cũng có những sự khác biệt giữa bia thợ chuyên nghiệp thuộc nhà nước quản lý với những bia do thợ chuyên nghiệp trong dân gian và thợ nghiệp dư trong dân gian khắc. Bởi bia do đội ngũ thợ

chuyên nghiệp thuộc nhà nước quản lý có tính quy phạm, nó được quy định chặt chẽ về cách thức tạo nội dung văn bia và các hình tượng trang trí, trán bia hầu hết chạm khắc các biểu tượng như hình rồng, hình phượng,... liên quan đến vua chúa, hoàng hậu, quan lại... Bên cạnh đó, những bia đá không tuân thủ theo một quy phạm nào, nên nhiều hình tượng liên quan đến cuộc sống dân dã đời thường cũng được chạm khắc trên trán bia.

Như vậy, trang trí trán bia thời kỳ này không tuân thủ chặt chẽ như phong cách trang trí thời kỳ trước, mà có sự phá cách lớn. Ngoài những biểu tượng của vương quyền như rồng, phượng, mặt trời... thì các con vật như lân, hạc, nai...cũng được chạm khắc; đồng thời cũng có sự phân định giữa bia được thợ chuyên nghiệp do nhà nước quản lý khắc với những bia do thợ chuyên nghiệp và thợ nghiệp dư trong dân gian khắc.

- Diềm bia: Vào giai đoạn đầu thế kỷ XVII phần lớn diềm bia khắc bằng phẳng với phần mặt khắc văn bia, hiện tượng giật khấc ở diềm bia xuất hiện rất ít, nhưng đến cuối thế kỷ XVII (thời Chính Hoà) hiện tượng diềm bia được chạm nổi lên so với mặt bia đã khá phổ biến. Diềm thân bia, trán bia và chân bia 1 mặt, 2 mặt, 4 mặt thế kỷ XVII có kích thước trung bình từ 0,05m đến 0,07m.

Xung quanh diềm thân bia, diềm trán bia và diềm chân bia được khắc họa rất tuỳ hứng, dân dã và phóng khoáng. Vào giai đoạn đầu thế kỷ XVII, các hình tượng trang trí trên diềm bia vẫn còn ảnh hưởng của nghệ thuật chạm khắc thời Mạc, phổ biến là dạng hoa dây leo tay mướp, tuy nhiên độ doãng lớn hơn thời Mạc. Nhưng đến giữa và cuối thế kỷ XVII, trên diềm bia được chạm nhiều đề tài khác nhau, rất ít có sự trùng lặp và được thể hiện đa dạng, phong phú nhất là ở giai đoạn cuối thế kỷ XVII. Các loài chim, chuột, khỉ, tôm, cá… đã được khắc hoạ trên trang trí diềm bia.

Ngoài những loài vật, thì trên bia đá khắc các loài hoa sen, lá sen, cánh sen, đầm sen cùng những bông cúc, bông mai... tạo nên các hoạ tiết trang trí ở diềm bia khá phong phú. Mọi vật đều được chạm khắc với tư thế sống động thể hiện sự chuyển mình, vận động chứ không phải ở trạng thái tĩnh.

Như vậy, nhìn vào hoa văn diềm bia, chủ yếu là bia từ giai đoạn Cảnh Trị đến Chính Hoà ta như thấy được cuộc sống sinh sôi, phát triển. Đó là cuộc sống dân dã với những loài vật gắn với ruộng đồng, thôn xóm. Những đường nét hoa văn được khắc rò như muốn truyền lại cho đời sau dấu ấn một thời kỳ hưng thịnh của nông thôn Việt Nam trong lịch sử.

- Đế bia: là nơi có vị trí thấp nhất, nhưng chính ở nơi đây lại diễn ra những cảnh thực và sinh động. Đáng chú ý là phần đế được tạc hình rùa đội bia chiếm tỷ lệ lớn, với ý nghĩa là con vật biểu tượng cho sự dài lâu, vĩnh cửu, để chuyền tải thông tin và văn hóa. Tuy nhiên, tuỳ theo kích thước của bia trong các di tích mà rùa đội có hình dáng phù hợp. Rùa đội bia thế kỷ XVII có nhiều nét khác biệt so với thời kỳ trước, kích thước chiều dài trung bình từ 1.2m đến 1.6m; chiều rộng từ 0.6m đến 0.9m như bia chùa Đậu (Thường Tín), chùa La Khê (Hà Đông)… Rùa có đầu to, mập, cổ rụt, đầu chếch hoặc ngang bằng với mai, mặt bẹt, sống mũi nở cao, thẳng, mòm thuôn nhọn, mắt tròn lồi gắn liền với sống mũi, mai rùa trơn, bốn chân khép sát vào thân mai tạo thành khối vuông góc cạnh, đơn giản nhưng dứt khoát...

Một số bia có phần đế là tảng đá hình chữ nhật có kích thước chiều dài trung bình từ 1.3m đến 1.5m; chiều rộng từ 0.8m đến 1.0m, đặc biệt đế bia chùa Hương (Mỹ Đức) tạo năm Chính Hoà 7 (1686) có chiều cao 0.5m trang trí các hình cua, cá, rùa, chuột, trâu... khắc theo từng ô riêng cân xứng với nhau. Đế bia được gắn liền với thân bia, có độ cao trung bình 0,2m - 0,3m; chiều rộng từ 0.2m - 0.4m; chiều dài 0.7m - 0.9m như bia chùa Hưng Giáo (Thanh Oai), bia chùa Đậu (Thường Tín)…

2.3.3. Kỹ thuật chạm khắc:

Trong toàn bộ những bia đá mà chúng tôi sưu tầm được tại các địa phương ở giai đoạn thế kỷ XVII cho thấy, với nhiều dụng cụ chạm khắc, nhiều đối tượng thợ chạm khắc… Do đó, bia đá thời kỳ này là sự tổng hợp của các kỹ thuật chạm khắc khác nhau bao gồm kỹ thuật chạm nét, chạm nổi,…

Để tạo lên một bia đá, các hiệp thợ có những cách tạo tác khác nhau, đầu tiên người ta có thể dùng kỹ thuật cưa, đục để tạo hình khối cho thân bia và đế bia… Đối với những bia có phần đế là rùa đội bia cầu kỳ hơn so với những bia có đế hình chữ nhật hoặc bia không có đế, trước hết người ta tạo tác khối đá thành hình con rùa và trên giữa lưng rùa đục sâu khoảng 0,2m, chiều rộng từ 0.2m - 0.3m và chiều dài từ 0.4m - 0.5m. Sau đó tạo dưới thân bia một chốt hình chữ nhật để ghép vào lưng rùa. Sau khi thực hiện việc tạo hình cho bia đá, người thợ đánh nhẵn mặt bia và dùng các kỹ thuật chạm khắc khác như kỹ thuật chạm nét, kỹ thuật chạm nổi… để tạo nên hoa văn cho bia đá.

- Kỹ thuật chạm nổi: So với các thời kỳ trước kỹ thuật sử dụng nhiều là kỹ thuật chạm nét, nhưng sang thế kỷ XVII kỹ thuật được sử dụng nhiều trên bia đá là kỹ thuật chạm nổi.

Kỹ thuật chạm nổi thường dùng để miêu tả dạng phù điêu (tượng Hậu) được khắc trên bia đá như tượng phù điêu chùa Thầy (Quốc Oai)… Ngoài ra, kỹ thuật này cũng được sử dụng để miêu tả các hình chim thú, hoa lá trên thân bia, diềm bia, đế bia chùa Sổ (Thanh Oai), chùa Đậu (Thường Tín)… Kỹ thuật chạm nổi trên bia đá có nhiều nét tương đồng với kỹ thuật chạm trên kiến trúc gỗ cổ truyền thời kỳ này.

- Kỹ thuật chạm nét: Kỹ thuật này được sử dụng nhiều để chạm khắc các bia đá, người ta dùng cách khắc các nét chìm, khắc vạch để chia hàng cột, kẻ vẽ các đường viền diềm bia, trán bia và chân bia để tạo nên bố cục cho bia đá;

đồng thời có thể tạo nên những họa tiết hoa văn nhất định trên bia đá. Kỹ thuật chạm nét cũng được sử dụng nhiều trên các cấu kiện kiến trúc gỗ thời kỳ này, bằng cách kết hợp với kỹ thuật chạm khắc làm tăng giá trị cho các mảng chạm. Đây là kỹ thuật chạm khắc đơn giản, làm nền cho các kỹ thuật chạm khác, nhưng mang lại hiệu quả cao để phân định các đường biên tạo nên bố cục bia đá.

Tuy nhiên, mỗi hiệp thợ khác nhau có dụng cụ chạm khắc, tay nghề khác nhau và quy trình khắc văn bia cũng khác nhau. Có đội ngũ thợ khắc khá cầu kỳ, đầu tiên người ta phết nước nâu lên mặt bia, sau đó chia hàng cột, kẻ vẽ các đường viền, viết chữ lên rồi theo đó mà chạm. Bên cạnh đó có những đội ngũ thợ chỉ viết bài văn bia trên giấy vừa với khuôn khổ bia, sau đó dán giấy đó lên bia, rồi theo đó mà chạm; hoặc có trường hợp trực tiếp đọc văn bản mà khắc thẳng lên bia.

Sau khi thực hiện các cách trên, người thợ đánh nhẵn lại mặt bia, nước nâu mất, đường kẻ ô cột chỉ còn mờ mờ và những hàng chữ hằn sâu trong bia. Những bia được khắc theo hai quy trình đầu thường công phu hơn và ít bị lỗi. Ngược lại, ở trường hợp thứ 3, bia được khắc thường không cân đối, đôi khi khắc thiếu, phải khắc thêm chữ nhỏ ở bên, thậm chí khắc lầm, phải đục đi khắc lại, trường hợp này thường là do thợ nghiệp dư khắc.

Như vậy, kỹ thuật chạm khắc bia đá thời kỳ này chủ yếu sử dụng kỹ thuật chạm nổi, chạm nét... Những kỹ thuật này cũng được sử dụng nhiều trên chạm khắc kiến trúc cùng thời, ngoài ra trên kiến trúc người nghệ nhân còn sử dụng các kỹ thuật chạm khắc khác như kỹ thuật chạm lộng, chạm kênh bong... Chính những kỹ thuật đó đã đóng vai trò quan trọng tạo nên giá trị thẩm mỹ và mang phong cách riêng so với những bia đá thời kỳ trước.

2.3.4. Đặc điểm chạm khắc:

.....

⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/06/2022