Hoàn Thiện Pháp Luật Về Quản Trị Công Ty Niêm Yết

Chương 3


NHỮNG GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NHÀ ĐẦU TƯ TRONG

CÔNG TY NIÊM YẾT Ở VIỆT NAM


Pháp luật về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong các công ty niêm yết ở nước ta được quy định trong Luật Doanh nghiệp; Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Quy chế quản trị công ty niêm yết và Điều lệ mẫu áp dụng cho công ty niêm yết. Những lợi ích tích cực của các quy định này rất đáng ghi nhận: quyền lợi của cổ đông được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, có cơ chế bảo vệ quyền lợi của họ.

Khi áp dụng những quy định trên vào thực tiễn thì nhà đầu tư vẫn chưa được bảo vệ một cách hữu hiệu mà nguyên nhân đã được lý giải ở chương 2 của Luận văn. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư trong các công ty niêm yết ở nước ta là nhiệm vụ rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.‌

3.1. Hoàn thiện pháp luật về quản trị công ty niêm yết


3.1.1. Nâng cao vai trò của HĐQT và thành viên HĐQT

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.


* Nâng cao trách nhiệm của HĐQT và thành viên HĐQT

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong công ty niêm yết ở Việt Nam - 12


Những hoạt động của HĐQT cần phải được xây dựng theo một kế hoạch cụ thể, rõ ràng và được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Hoạt động của HĐQT cũng cần phải có sự phối hợp với Ban kiểm soát vừa đảm bảo cơ chế giám sát của Ban kiểm soát vừa đảm bảo sự hợp tác trong việc thực thi trách nhiệm quản lý công ty của HĐQT. Kết quả hoạt động của HĐQT phải được thể hiện cụ thể trong Báo cáo hoạt động và trình Đại hội đồng cổ đông trong mỗi kỳ họp. Báo cáo này cần đánh giá được hoạt động của HĐQT, từng thành viên và yêu cầu đặt ra là có một tiêu chí để có thể đánh giá vấn đề này. Bên

cạnh đó, một cơ chế liên lạc giữa cổ đông và HĐQT là rất cần thiết để cổ đông có thể kịp thời thông báo về những sai phạm liên quan tới quyền lợi của cổ đông do những người quản trị doanh nghiệp thực hiện.

Song song với đề cao trách nhiệm của HĐQT thì cơ chế khuyến khích vật chất, nhất là chế độ tiền lương đối với họ cũng hết sức quan trọng. Họ phải được trả lương tương xứng với địa vị, đóng góp và công lao của họ. Toàn bộ tiền lương, lợi ích vật chất và chi phí làm việc của Hội đồng quản trị nói chung và từng thành viên nói riêng phải được coi là chi phí hợp lý và được tính vào chi phí kinh doanh của công ty.

* Thành viên của HĐQT không hoạt động kiêm nhiệm


Nhiệm vụ chính của HĐQT là hoạch định chiến lược cho sự phát triển của công ty và quyết định những vấn đề quan trọng khác. Còn Giám đốc, Tổng giám đốc thực hiện điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp theo chủ trương đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Do đó, thành viên HĐQT không nên hoạt động kiêm nhiệm chức danh quản lý nhằm hạn chế tối đa các giao dịch tư lợi, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ và vai trò của mình. Điều này mang lại nhiều lợi ích hơn là sự tiết kiệm chi phí do sự kiêm nhiệm.

* Đề cao vai trò của Thành viên HĐQT độc lập


Để nâng cao được vai trò của thành viên HĐQT độc lập thì trước hết cần làm rõ thế nào là độc lập. Độc lập ở đây nên được hiểu là việc thành viên này không sở hữu cổ phần của công ty, không giữ nhiệm vụ quản lý trong công ty niêm yết hoặc điều hành các công ty con hoặc không có mối quan hệ tác động tới hoạt động kinh doanh của công ty. Tính độc lập của thành viên này cần được quy định tại Điều lệ của công ty niêm yết và được các cổ đông thông qua.

Quan niệm truyền thống quản trị doanh nghiệp ở nước ta không có thành viên HĐQT độc lập nên khi mới xuất hiện trong cơ cấu HĐQT thì vị thế của thành viên này thường thấp hơn nhiều so với Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên điều hành khác. Vì vậy, ngoài việc xác định mức độ độc lập của thành viên HĐQT như trên, Điều lệ của công ty niêm yết còn xác định những tiêu chuẩn và nhiệm vụ của thành viên này. Từ kinh nghiệm quản trị công ty ở các nước cho thấy, thành viên HĐQT độc lập là người có hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực kinh tế, pháp luật, nhiệm vụ của họ là đưa ra các ý kiến độc lập về chiến lược cũng như bảo vệ sự công bằng cho cổ đông nhỏ và vì quyền lợi của các cổ đông. Họ có trách nhiệm can thiệp vào các quyết định của Ban điều hành nếu các quyết định này toan tính vụ lợi cho một số cá nhân.

* Nâng cao và thống nhất nhận thức về nghĩa vụ của thành viên HĐQT và người quản lý

Ngoài nghĩa vụ tuân thủ pháp luật thì các thành viên Hội đồng quản trị và người quản lý phải thực hiện nghĩa vụ uỷ thác và nghĩa vụ cẩn trọng, chuyên cần. Nghĩa vụ uỷ thác có nghĩa là thành viên được cổ đông uỷ thác quản lý tài sản của họ. Do đó, các thành viên HĐQT phải luôn hành động vì lợi ích của cổ đông và trung thành với lợi ích này. Còn nghĩa vụ cẩn trọng và chuyên cần yêu cầu trước khi thực thi nhiệm vụ và quyền hạn của mình phải có sự đánh giá, cân nhắc một cách cẩn trọng tối đa mà bất cứ một người bình thường nào khác trong địa vị, hoàn cảnh và trình độ chuyên môn tương ứng đều làm như vậy. Như vậy, mọi quyết định của họ đều phải là quyết định tốt nhất trong hoàn cảnh và thời điểm đó để phục vụ lợi ích của các cổ đông. Việc thống nhất nhận thức về bản chất và mức độ tuân thủ của các nghĩa vụ nói trên đối với các thành viên HĐQT là hết sức cần thiết. Bởi nếu không sẽ xảy ra một trong hai tình huống:

Thứ nhất, các thành viên HĐQT và những người quản lý khác quá cẩn thận đến mức không dám đưa ra quyết định hoặc quyết định không kịp thời.

Thứ hai, họ sẽ lạm dụng quyền lực để chiếm đoạt tài sản của công ty cho lợi ích của cá nhân mình.

Để những nghĩa vụ này được tuân thủ thì những tình huống có liên quan tới việc thực hiện nghĩa vụ của thành viên HĐQT cần được tập hợp và phân tích điểm hợp lý và chưa hợp lý trên cơ sở có sự góp ý kiến nhiều chiều như ý kiến của những người quản lý doanh nghiệp khác, của cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó, các công ty niêm yết cũng cần tạo điều kiện để thành viên HĐQT tham gia vào những khoá đào tạo về quản trị doanh nghiệp cũng như yêu cầu về bảo vệ nhà đầu tư trong quản trị doanh nghiệp hiện nay.

* Quy định chế tài đối với thành viên HĐQT vi phạm nghĩa vụ của người quản lý

Luật Doanh nghiệp nói chung và Quy chế quản trị công ty niêm yết, Điều lệ mẫu áp dụng cho công ty niêm yết đã quy định khá rõ về lợi ích của thành viên HĐQT. Tuy nhiên, các văn bản này vẫn thiếu các biện pháp để những nghĩa vụ này được tuân thủ và thi hành trong thực tế. Đó là các chế tài đối với thành viên HĐQT vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại tới quyền lợi của nhà đầu tư.

Việc đưa ra chế tài là hết sức cần thiết bởi không có chế tài thì bất kỳ quy định nào cũng thiếu tính khả thi. Hơn nữa, chế tài mới chỉ đảm bảo cho nghĩa vụ được thực hiện một cách tối thiểu vì mức độ thực hiện nghĩa vụ còn phụ thuộc vào trách nhiệm và lương tâm, đạo đức của người quản trị doanh nghiệp niêm yết. Kinh nghiệm của các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippine cho thấy, cổ đông hoặc công ty niêm yết có thể khởi

kiện thành viên HĐQT khi họ không hành động kịp thời để thực hiện quyền lợi của cổ đông; khởi kiện để thu hồi lại một khoản lợi nhuận mà người này thu được do vi phạm nghĩa vụ, để tuyên bố một giao dịch do thành viên Hội đồng quản trị thực hiện là vô hiệu nhằm không gây thiệt hại cho bên thứ ba; khởi kiện do những người này vi phạm nghĩa vụ gây ra những tổn thất cho công ty. Thành viên Hội đồng quản trị phải đền bù thiệt hại, bị phạt tiền thậm chí còn phải chịu án tù 1 năm. Bất kỳ điều khoản nào quy định trong hợp đồng, Điều lệ về việc miễn trừ trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị khi họ vi phạm nghĩa vụ thì đều coi là vô hiệu [19, 79-80].

Có thể nói, đây là những gợi ý cho việc đưa ra chế tài đối thành viên Hội đồng quản trị nhằm nâng cao trách nhiệm của họ trong việc đảm bảo quyền lợi của số đông nhà đầu tư.

3.1.2. Tăng cường công khai, minh bạch hoá thông tin


Theo ông Lawrence Weinbach, Chủ tịch, Tổng giám đốc và cán bộ điều hành cao cấp của Unisys Corp, Mỹ: “Không có tiêu chuẩn quốc tế đối với việc công khai hoá thông tin công ty, nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đánh giá chính xác các cơ hội đầu tư khác trên cơ sở so sánh rủi ro và lợi ích thu được. Sự thiếu hụt này dẫn đến việc phân bổ vốn không tối ưu” [13, 74]. Chính vì vậy, các công ty niêm yết phải nỗ lực đưa đến cho nhà đầu tư tất cả các thông tin liên quan doanh nghiệp. Đó không chỉ là những thông tin về tình hình hoạt động trong quá khứ mà cần minh bạch thông tin về triển vọng phát triển, cơ hội và rủi ro trong tương lai của công ty cũng như thông tin phi tài chính về “tài sản vô hình” - yếu tố có thể là quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của công ty. Những “tài sản vô hình” này bao gồm: cấu trúc quản trị, cơ cấu quản trị các thủ tục trả lương và trợ cấp, các hoạt động liên quan đến nguồn nhân lực như đào tạo và quan hệ với người lao động, quyền

sở hữu trí tuệ và các biện pháp bảo hộ, chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu, độ thoả mãn của khách hàng và sự tín nhiệm. Khi xác định được các giá trị này, các nhà đầu tư có thể đưa vào các chỉ tiêu định lượng về tình hình hoạt động của công ty.

Thù lao, tiền lương và các lợi ích khác đối với người quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng phải được nêu rõ trong các báo cáo tài chính và đăng tải trên website của doanh nghiệp. Ngoài các thông tin loại này, Luật Chứng khoán cần quy định thêm nghĩa vụ công bố thông tin sau khi doanh nghiệp xin huỷ niêm yết khi số lượng nhà đầu tư còn lại là từ 100 nhà đầu tư trở lên không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (tức là vẫn là công ty đại chúng), trong đó xác định rõ những loại thông tin phải công bố và thời hạn công bố, phương tiện công bố, chế độ báo cáo Sở giao dịch và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Bên cạnh cung cấp đủ thông tin, công ty niêm yết phải đảm bảo tính chính xác, trung thực và kịp thời. Đối với những sai lệch trong trong báo cáo tài chính hoặc chậm công bố thông tin định kỳ, thông tin bất thường thì Uỷ ban Chứng khoán không cần phải có văn bản nhắc nhở mà xử phạt ngay khi có vi phạm theo Nghị định 85/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công bố thông tin. Chủ thể công bố thông tin không hoạt động kiêm nhiệm nhằm tránh việc giấu giếm thông tin, công bố thông tin không đúng sự thật hoặc chậm công bố.

Đối với UBCKNN, các thông tin liên quan đến công ty niêm yết cần được cập nhật một cách đầy đủ hơn như số liệu thống kê về vi phạm của công ty niêm yết đối với quyền lợi của nhà đầu tư và tình hình xử lý vi phạm, công khai Báo cáo thường niên của UBCKNN trong đó có các thông tin tổng quát về các doanh nghiệp niêm yết. Việc công bố thông tin của UBCKNN được

thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh nhằm giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận với thị trường chứng khoán nước ta thông qua nguồn thông tin chính thống này.

3.1.3. Kiểm soát giao dịch của công ty với các bên có liên quan


Các giao dịch của công ty với các bên liên quan nếu bị người quản lý, điều hành lạm dụng sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư. Vì vậy, các công ty niêm yết cần xác định cụ thể các đối tượng thuộc diện các bên có liên quan đồng thời có cơ chế và cách thức thu thập, tập hợp, lưu trữ và quản lý thông tin về các bên có liên quan … Hoạt động này giúp doanh nghiệp xác định được cụ thể các giao dịch cần kiểm soát với các bên có liên quan. Bên cạnh đó, Điều lệ công ty cũng có thể quy định thêm các trường hợp khi thực hiện hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.

3.1.4. Ban kiểm soát hoạt động độc lập


* Bổ sung một số quy định nhằm tăng cường sự độc lập của Ban kiểm soát công ty niêm yết trong Quy chế quản trị công ty niêm yết

- Thành viên Ban kiểm soát phải là người ngoài công ty tức là họ không phải là cổ đông hoặc người lao động trong công ty nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp của Ban kiểm soát.

- Vai trò và địa vị của Ban kiểm soát ngang bằng với HĐQT nên những phát hiện, đề xuất của cơ quan này cần được thể hiện dưới dạng “yêu cầu” đồng thời xây dựng cơ chế buộc HĐQT, Giám đốc và Ban Giám đốc thực thi những yêu cầu hợp lý. Luật Doanh nghiệp nói chung và Quy chế quản trị công ty niêm yết nói riêng nên trao thêm quyền cho Ban kiểm soát. Cụ thể là quyền nhân danh công ty khởi kiện HĐQT, người quản lý hoặc các cổ đông khác, nếu xét thấy cần thiết, để bảo vệ quyền và lợi ích chung của cộng đồng.

* Nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của Ban kiểm soát


- Ban kiểm soát kiểm tra, giám sát hoạt động cả trong quá khứ và cả dự kiến, kế hoạch tương lai do HĐQT và Giám đốc thực hiện. Giám sát hoạt động trong quá khứ để phát hiện và kiến nghị Đại hội đồng cổ đông xử lý những vi phạm của thành viên quản lý, điều hành. Còn những hoạt động trong tương lai được thể hiện bởi các kế hoạch cũng cần được sự kiểm tra của Ban kiểm soát để đưa ra ý kiến phản biện độc lập. Hai nhiệm vụ giám sát phải được Ban kiểm soát tiến hành đồng thời và không xem nhẹ bất kỳ nhiệm vụ nào.

- Ban kiểm soát cần thể hiện rõ vai trò phản biện độc lập trước HĐQT và Ban Giám đốc. Hoạt động này là hết sức cần thiết để trước hết là đưa ra những ý kiến chuyên môn đối với những dự kiến, kế hoạch kinh doanh, tổ chức nội bộ do HĐQT hoặc Ban Giám đốc xây dựng. Tiếp đó là cảnh báo những rủi ro có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của công ty và các nhà đầu tư. Muốn làm được điều này, thành viên Ban kiểm soát phải là người có kiến thức tổng hợp về kinh tế - xã hội, am hiểu pháp luật, có tinh thần trách nhiệm và phẩm chất cương trực đối với việc bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư.

- Thành viên Ban kiểm soát làm việc theo chế độ chuyên trách và giám sát một cách liên tục thay cho bán thời gian như hiện nay.

- Tăng cường giám sát các bên có liên quan và các giao dịch của công ty với các bên có liên quan. Biện pháp này được kết hợp đồng thời với chế độ quản lý hồ sơ, kiểm soát thông tin của các bên có liên quan mà nhiệm vụ này có thể do bộ phận công bố thông tin thực hiện. Ngoài ra, hoạt động giám sát công bố thông tin cần đi vào hiệu quả, do đó, Ban kiểm soát cần giám sát chất lượng các thông tin được công bố, phát huy tính chủ động của Ban kiểm soát

Xem tất cả 124 trang.

Ngày đăng: 22/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí