Không rõ ràng trong quy định của pháp luật đã dẫn đến vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập không được phát huy trên thực tế. Theo Báo cáo kết quả thực hiện dự án “Thẻ điểm quản trị công ty” áp dụng với 100 công ty niêm yết nêu trên, hầu hết các công ty đều có trên một phần ba số thành viên Hội đồng quản trị không tham gia điều hành. Tuy nhiên, tính chất “độc lập” thực sự theo thông lệ quốc tế thì chưa được thể hiện.
Quan điểm trên một lần nữa cũng được thể hiện trong nghiên cứu “Quản trị công ty cổ phần ở Việt Nam. Quy định của pháp luật, hiệu lực thực tế và vấn đề” của Nguyễn Đình Cung và Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức. Theo đó, các thành viên Hội đồng quản trị này lại điều hành các công ty liên quan hoặc công ty con. Cũng có trường hợp thành viên Hội đồng quản trị độc lập tuy không điều hành các công ty liên quan hoặc công ty con nhưng lại rất phụ thuộc vào Chủ tịch Hội đồng quản trị và những thành viên điều hành khác. Bởi vị trí của những thành viên này trong cơ cấu quản lý điều hành thường thấp hơn nhiều so với Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên điều hành khác [3, 63].
* Chưa quy định chế tài đối với thành viên Hội đồng quản trị vi phạm các nghĩa vụ của người quản lý
Luật Doanh nghiệp, Quy chế quản trị công ty niêm yết và Điều lệ mẫu không hề quy định chế tài áp dụng đối thành viên Hội đồng quản trị vi phạm nghĩa vụ của người quản lý. Trong khi đó, Luật Công ty của Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippine đã giải quyết rất tốt vấn đề này. Cổ đông có thể khởi kiện thành viên Hội đồng quản trị trong các trường hợp: do hành vi vi phạm pháp luật gây ra tổn thất; để ngăn cản các giao dịch vi phạm nghĩa vụ mà thành viên Hội đồng quản trị đang thực hiện; để công bố việc sử dụng không đúng quyền hạn do vi phạm nghĩa vụ; thành viên Hội đồng quản trị
không tiến hành các hành động cần thiết kịp thời. Chế tài có thể là bồi thường tổn thất, hoàn trả lại khoản lợi nhuận mà thành viên này thu được do vi phạm nghĩa vụ, thậm chí là phạt tù. Ví dụ, việc vi phạm các nghĩa vụ của thành viên Hội đồng quản trị theo quy định của Luật công ty của Singapore và Malaysia về hành động trung thực và hạn chế việc sử dụng thông tin thu thập được thông qua vị trí của mình vì lợi ích cá nhân hay làm phương hại đến công ty thì có thể bị phạt từ $ 5.000 đến chịu án tù 1 năm [19].
Tóm lại, HĐQT trong các công ty niêm yết ở nước ta chưa phải là thể chế giám sát và cân bằng quyền lực giữa các bên trong công ty, nhất là giữa chủ sở hữu (các cổ đông) và người điều hành. Thêm vào đó, trình độ năng lực của thành viên HĐQT còn hạn chế, đa số họ chưa có kiến thức quản trị doanh nghiệp để thực hiện quản lý, điều hành công ty một cách chuyên nghiệp mà phần lớn vừa là chủ sở hữu và vừa là người quản lý.
2.5.1.2. Mức độ công khai hoá và minh bạch hoá thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu
Công khai hoá là một phương tiện đặc biệt quan trọng và hiệu quả để bảo vệ các cổ đông. Thông tin đầy đủ và kịp thời về tình hình công ty có thể giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định mua và bán chứng khoán của các công ty đang được niêm yết tại Sở giao dịch và qua đó giúp thị trường phản ánh giá trị của công ty trong phương thức quản lý hiện tại. Nếu thị trường xác định phương thức quản lý hiện tại là không tốt thì giá cổ phiếu sẽ sụt giảm để trừng phạt sự thất bại trong quản lý và mở đường cho những thay đổi về quản lý. Thông tin đầy đủ và kịp thời cũng cho phép các nhà đầu tư đưa ra các đánh giá thận trọng về chất lượng quản lý, mức độ bảo vệ nhà đầu tư, từ đó đưa ra quyết định có nên sử dụng ảnh hưởng từ quyền sở hữu của mình để tạo ra sự thay đổi trong cung cách quản lý hay không.
Một bằng chứng cho điều này là trong thập kỷ vừa qua, các tổ chức đầu tư (quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm nhân thọ, quỹ tương hỗ,...) đã nổi lên như những nhà cung cấp vốn cổ phần chủ yếu. Những tổ chức này - với cơ cấu đầu tư đa dạng, bao gồm những khoản vốn nhỏ nhưng là những cổ phần quan trọng trong nhiều công ty – không thể dựa hoàn toàn vào cách thức bảo vệ cổ điển là bán cổ phiếu của các công ty yếu kém họ đã nắm giữ và chiến lược chỉ số hoá cơ cấu đầu tư của họ [13].
Ở nước ta hiện nay, kém công khai hoá là một trong các vấn đề lớn của quản trị công ty niêm yết. Chủ sở hữu, các cổ đông không nhận được một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ các thông tin cơ bản về công ty. Các thông tin cơ bản đó bao gồm từ tổng số tài sản đến đánh giá chính xác về thực trạng tài chính hiện nay và thông tin về lưu chuyển tiền tệ trong quá khứ. Đó là những thông tin “cứng”, thông tin chuẩn mực cho phép các nhà đầu tư đánh giá trị giá công ty theo thực trạng, nghĩa là đánh giá trị giá công ty theo đúng những gì đã diễn ra trong quá khứ hoặc cho phép nhà đầu tư ước tính được trị giá giải thể công ty theo cách các tài sản của công ty được bán một cách đơn lẻ.
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo Vệ Quyền Được Cung Cấp Thông Tin Của Nhà Đầu Tư Trong Công Ty Niêm Yết
- Bảo Vệ Quyền Sở Hữu Tài Sản Đầu Tư Của Nhà Đầu Tư Trong Công Ty Niêm Yết
- Nguyên Nhân Của Các Hạn Chế Trong Thực Tiễn Bảo Vệ Quyền, Lợi Ích Hợp Pháp Của Nhà Đầu Tư Trong Công Ty Niêm Yết
- Ubcknn Chưa Có Đủ Thẩm Quyền Để Bảo Vệ Nhà Đầu Tư
- Hoàn Thiện Pháp Luật Về Quản Trị Công Ty Niêm Yết
- Hoàn Thiện Một Số Quy Định Về Quyền Và Lợi Ích Của Nhà Đầu Tư Trong Công Ty Niêm Yết
Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.
Chủ sở hữu, các cổ đông nói chung cũng không nhận được thông tin “mềm” hay thông tin dự tính tương lai. Thông tin loại này bao gồm những dự đoán của Hội đồng quản trị hoặc cán bộ quản lý khác về những biến đổi giá có thể xảy ra trên mỗi loại thị trường mà công ty niêm yết đó đang hoạt động (thị trường sản phẩm, thị trường cung ứng nguyên liệu, thị trường vốn, thị trường lao động…) và ước tính thay đổi cơ cấu đối với sản phẩm của công ty. Thông tin loại này không thể thiếu được để đánh giá trị giá công ty trong dòng vận động, vì nó cho phép nhà đầu tư dự tính được những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai trong lưu chuyển tiền tệ.
Các thông tin liên quan trực tiếp đến lợi ích của những người quản lý cũng rất ít, thậm chí không được công khai hoá. Đó là các thông tin về tiền lương, thù lao và lợi ích khác của người quản lý, thông tin về dòng tiền đến với cổ đông đa số.
Không chỉ các công ty niêm yết, lỗ hổng về thông tin còn được thấy ngay cả trên website của UBCKNN. Khi truy cập vào trang web của UBCKNN và hai Sở giao dịch chứng khoán thì nhà đầu tư chỉ tìm thấy thông tin về số lượng công ty niêm yết và tổng giá trị cổ phần của mỗi công ty và toàn thị trường, không thể tìm thấy những số liệu thống kê về vi phạm của công ty niêm yết đối với quyền lợi của nhà đầu tư và tình hình xử lý vi phạm, không tìm được các thông tin tổng quát về các doanh nghiệp niêm yết do không có mục Báo cáo thường niên của UBCKNN. Nếu truy cập vào các trang web này bằng tiếng Anh thì nhà đầu tư còn nhìn thấy rất nhiều khoảng trống hơn nữa. Trong Báo cáo thường niên của Uỷ ban chứng khoán Philippine còn thống kê được những trường hợp nhà đầu tư phản ánh sai phạm của các công ty niêm yết và các vi phạm đã bị xử phạt nhằm răn đe [27]. Tương tự như vậy, tại một số nước như Sri-Lanka, Thái Lan, Mỹ, Pakistan, nhà đầu tư có thể có được các thông tin tổng quát về các công ty niêm yết trong mục Báo cáo thường niên tại website của Uỷ ban Chứng khoán các nước này hoặc ngay tại trang web của Tổ chức chứng khoán quốc tế [36]. Thực tế này đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp niêm yết, cơ quan quản lý từ đó làm cho thị trường chứng khoán nước ta trở nên kém hấp dẫn hơn trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.
2.5.1.3. Chưa kiểm soát được các giao dịch của công ty niêm yết với các bên có liên quan
Cũng như hầu hết các quốc gia khác, Luật Doanh nghiệp nước ta không cấm các giao dịch giữa công ty với các bên có liên quan. Bởi đây thực chất là vấn đề uỷ quyền giữa cổ đông và người quản lý và giữa các cổ đông với nhau. Theo Luật Doanh nghiệp, các giao dịch của công ty niêm yết với các bên có liên quan được chia thành hai nhóm: nhóm giao dịch của người quản lý có khả năng xung đột lợi ích, giao dịch của cổ đông với công ty; nhóm dịch giữa công ty với những người liên quan của cổ đông chi phối có nguy cơ làm hại đến lợi ích của cổ đông thiểu số. Một nguyên nhân khác mà chỉ có ở nước ta là do thành viên Hội đồng quản trị, những người quản lý cao cấp và các cổ đông lớn thường là những bạn hàng mà các công ty niêm yết giao dịch. Những khách hàng bên ngoài thường không đánh giá được triển vọng của công ty niêm yết hoặc các công ty niêm yết phải buộc phải cung cấp các bí mật kinh doanh, kế hoạch bí mật để đổi lại niềm tin của bạn hàng. Thông thường, các giao dịch loại này có thể sinh lợi cao hơn cho công ty niêm yết so với các giao dịch với những bạn hàng bên ngoài. Hơn thế nữa, xét một cách khách quan thì pháp luật cũng không thể cấm thực hiện các của công ty niêm yết với các bên có liên quan của công ty niêm yết nếu không có sự xung đột lợi ích trong đó. Để tránh xung đột lợi ích thì pháp luật chỉ có thể kiểm soát các giao dịch này.
Luật Doanh nghiệp đã quy định khá chi tiết và cụ thể các bên có liên quan của công ty và cả chế độ, cách thức kiểm soát các giao dịch của công ty với các bên có liên quan. Tuy vậy, trên thực tế, kiểm soát các giao dịch của công ty niêm yết với các bên có liên quan ở nước ta còn hết sức yếu kém, thậm chí có thể nói là chưa hiện diện trong chế độ quản trị các công ty niêm yết. Trước hết, các cổ đông, các thành viên Hội đồng quản trị và những người quản lý khác, cơ quan thực thi pháp luật và xã hội nói chung chưa ý thức được
sự tồn tại và tác hại đối với lợi ích của công ty, của cổ đông và những người khác, khi giao dịch của công ty với các bên có liên quan bị lạm dụng.
Trên thực tế, các công ty niêm yết chưa xác định cụ thể các đối tượng thuộc diện các bên có liên quan; chưa có cơ chế và cách thức thu thập, tập hợp, lưu trữ và quản lý thông tin về các bên có liên quan … Vì vậy, chưa xác định được cụ thể các giao dịch cần kiểm soát với các bên có liên quan. Như vậy, có thể nói, yêu cầu công khai hoá và kiểm soát các giao dịch của công ty với các bên có liên quan hầu như chưa thực hiện được. Lỗ hổng pháp lý này đang tạo ra sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát các giao dịch tư lợi - vốn đã là vấn đề rất khó kiểm soát trong quản trị công ty nói chung và quản trị công ty niêm yết nói riêng.
2.5.1.4. Kiểm soát nội bộ còn hình thức và kém hiệu quả
Kiểm soát nội bộ trong công ty niêm yết là vai trò, nhiệm vụ của Ban kiểm soát. Theo đó, Ban kiểm soát trực tiếp giám sát Hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành. Ban kiểm soát có vai trò và địa vị ngang bằng với Hội đồng quản trị, cùng chịu trách nhiệm trước cổ đông trong thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình.
Có thể nói, các quy định về Ban kiểm soát trong công ty niêm yết là khá đầy đủ và đã đạt được một số tiến bộ sau đây:
- Ban kiểm soát đã nâng cao được địa vị pháp lý, tính độc lập của mình so với Hội đồng quản trị và người quản lý; đồng thời, đã được tạo điều kiện thuận lợi về khuyến khích vật chất, về năng lực chuyên môn đủ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Nhiệm vụ và phương thức làm việc của Ban kiểm soát là rất cụ thể. Thành viên Ban kiểm soát có thể thực hiện giám sát thường xuyên theo kế
hoạch hoạt động của mình hoặc giám sát đột xuất theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo yêu cầu của cổ đông, nhóm cổ đông có thẩm quyền.
- Chức năng và thẩm quyền của Ban kiểm soát đã phần nào bù đắp được một số khiếm khuyết của các quy định liên quan đến quyền của cổ đông. Cụ thể là, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 10% số cổ phần hoặc tỷ lệ nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có thể thông qua Ban kiểm soát kiểm tra, xem xét sổ sách kế toán và bất cứ công việc kinh doanh khác của công ty, nếu xét thấy cần thiết; cổ đông cũng có thể thông qua Ban kiểm soát để yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm của thành viên Hội đồng quản trị gây hại đến lợi ích của công ty và cổ đông công ty.
Tuy vậy, vai trò, địa vị và nhiệm vụ của Ban kiểm soát trong công ty niêm yết vẫn còn một số tồn tại như sau:
- Chưa bắt buộc thành viên Ban kiểm soát phải là người ngoài công ty, không là cổ đông hoặc người lao động của công ty. Do đó, tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp của Ban kiểm soát có thể chưa được bảo đảm.
- Các phát hiện, đề xuất của Ban kiểm soát chỉ mới ở dạng “kiến nghị”; chưa có cơ chế buộc thực thi các kiến nghị hợp lý của Ban kiểm soát; Ban kiểm soát không có quyền nhân danh công ty khởi kiện Hội đồng quản trị, người quản lý hoặc các cổ đông khác, nếu xét thấy cần thiết, để bảo vệ quyền và lợi ích chung của cộng đồng.
Ban kiểm soát với tư cách đại diện cho các nhà đầu tư thực hiện kiểm tra, giám sát nội bộ trong công ty nhằm mục đích kiềm chế hành vi lạm quyền của các thành viên quản lý, điều hành; hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy, mục tiêu trên của Ban kiểm soát chưa đạt được do nguyên nhân như sau:
- Hoạt động kiểm tra, giám sát của Ban kiểm soát thiên về quá khứ tức là những hoạt động và công việc đã làm, hơn là những dự kiến, kế hoạch tương lai.
- Thành viên Ban kiểm soát làm việc theo kiểu bán thời gian thay vì thực hiện giám sát một cách liên tục, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
- Vai trò của Ban kiểm soát trong việc giám sát các bên có liên quan và các giao dịch của công ty với các bên có liên quan cũng như việc giám sát chất lượng các thông tin được công bố càng mờ nhạt [3].
Báo cáo kết quả thực hiện dự án “Thẻ điểm quản trị công ty” nêu trên cũng góp thêm một minh chứng cho sự hoạt động kém hiệu quả của Ban kiểm soát trong các công ty niêm yết ở nước ta. Báo cáo của Ban kiểm soát còn sơ sài và hình thức, chưa cung cấp thông tin chi tiết về tình hình thực hiện trách nhiệm, hành động cụ thể của Ban kiểm soát cũng như chưa đánh giá được vai trò của từng thành viên trong Ban kiểm soát. Vai trò phản biện độc lập của Ban kiểm soát còn mờ nhạt, thể hiện qua nội dung đơn giản trong các báo cáo của Ban kiểm soát. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Ban kiểm soát với Hội đồng quản trị trong vai trò quản trị công ty chưa được nêu rõ trong Điều lệ và Quy chế quản trị công ty của mỗi công ty niêm yết, tình hình tham dự các cuộc họp của các thành viên không được đề cập. Các tài liệu chưa cung cấp đủ chi tiết về năng lực, quyền lợi và quan hệ của các thành viên Ban kiểm soát với nhau và quan hệ giữa thành viên Ban kiểm soát với Ban giám đốc điều hành công ty…Trong kiểm soát nội bộ, các công ty chưa có bộ phận và chính sách kiểm soát nội bộ độc lập có vai trò báo cáo trực tiếp cho Hội đồng quản trị.
Bên cạnh đó, hầu hết các công ty chưa có cơ chế để trao đổi và cảnh báo với Ban kiểm soát về các hành vi sai phạm của doanh nghiệp [5].
2.5.2. Sự bất cập của pháp luật về một số vấn đề khác