Ubcknn Chưa Có Đủ Thẩm Quyền Để Bảo Vệ Nhà Đầu Tư

Thông qua các tình huống và sự phân tích ở Mục 2.1 đã cho thấy một số quy định về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong công ty niêm yết tỏ ra chưa phù hợp với thực tiễn. Đó là sự bất cập trong quy định về hạn chế chuyển nhượng đối với cổ phần phát hành riêng lẻ, cán bộ công bố thông tin được quy định là chuyên trách nhưng lại cho phép kiêm nhiệm, mức xử phạt vi phạm hành chính còn quá nhẹ, tỷ lệ tham dự của cổ đông tại Đại hội cổ đông còn quá cao và chưa phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật hiện nay đang thiếu một số quy định cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư. Pháp luật nước ta vẫn còn bỏ ngỏ yêu cầu công bố thông tin trong các trường hợp: công khai thù lao của những người quản lý điều hành công ty trong Báo cáo tài chính, nghĩa vụ công bố thông tin của công ty niêm yết sau khi xin huỷ niêm yết. Ngoài ra, Luật Chứng khoán cũng chưa dự liệu được trường hợp phải điều chỉnh giá ngược do việc phát hành bị đình chỉ sau khi đã được chấp thuận và chốt quyền.

2.5.3. UBCKNN chưa có đủ thẩm quyền để bảo vệ nhà đầu tư


UBCKNN có nhiệm vụ chính tổ chức thị trường đồng thời kiểm tra, giám sát để thị trường phát triển lành mạnh, ổn định. Và một trong những tiêu chí để đánh giá một thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh là mức độ bảo vệ nhà đầu tư của cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK. Không nằm ngoài quy luật này, UBCKNN thực hiện những biện pháp để bảo vệ nhà đầu tư như: xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty niêm yết, các cá nhân, tổ chức vi phạm; giải quyết khiếu nại tố cáo của nhà đầu tư; tổ chức thanh tra, kiểm tra và giám sát thị trường. Sau hơn 11 năm hoạt động của thị trường chứng khoán, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã thực hiện khá tốt vai trò quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, xét một cách khách quan thì UBCKNN chưa thể bảo vệ một cách hữu hiệu quyền lợi

của nhà đầu tư mà nguyên nhân chính là do cơ quan này chưa được trao đủ công cụ để thực hiện nhiệm vụ này.

2.5.3.1. Vị thế của UBCKNN chưa tương xứng với chức năng và nhiệm vụ của mình

Theo Quyết định 112/2009/QĐ-TTg ngày 11/9/2009 của Thủ tướng chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCKNN thì UBCKNN là cơ quan thuộc Bộ Tài chính. Do thuộc một Bộ chủ quản nên theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, UBCKNN không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, cơ quan này chỉ được ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, văn bản quy phạm nội bộ, văn bản cá biệt thuộc phạm vi quản lý của UBCKNN. Đây là lý do chính khiến cho UBCKNN không thể kịp thời đưa ra những giải pháp can thiệp khi diễn biến của thị trường có biểu hiện bất thường, có nguy cơ ảnh hưởng tới lợi ích của các nhà đầu tư.

Khi nghiên cứu về mô hình cơ quan quản lý Nhà nước về TTCK của các nước trên thế giới, chúng ta có thể thấy sự đa dạng của chúng. Tuy nhiên, xét một cách tổng quát thì hiện nay thế giới có 3 mô hình cơ quan quản lý:

Thứ nhất, cơ quan quản lý thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ và chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ các cơ quan này như: Mỹ, Đức, Canada, Trung Quốc, Ba Lan.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.

Thứ hai, cơ quan quản lý thuộc Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Trung ương như Việt Nam, Đài Loan và trước đây ở Anh, Nhật Bản, Inđonexia.

Thứ ba, nhiều cơ quan đảm nhiệm trong đó mỗi cơ quan quản lý một lĩnh vực nhất định như ở Trung Quốc trước đây.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong công ty niêm yết ở Việt Nam - 11

Mô hình thứ nhất được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn cả. Do có vị trí độc lập so với các Bộ khác nên cơ quan quản lý chứng khoán hoạt động vừa linh hoạt vừa đảm bảo tính can thiệp kịp thời vào diễn biến của thị trường đặc biệt là những bất thường có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà đầu tư.

2.5.3.2. UBCKNN không có thẩm quyền điều tra đối với các vi phạm trên thị trường chứng khoán

Không có bất cứ quy định nào trong Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và các văn bản quy phạm pháp luật khác cho phép UBCKNN có quyền điều tra đối với những vi phạm của công ty niêm yết nói riêng và những vi phạm nói chung trên thị trường chứng khoán. Để thực hiện công tác này, UBCKNN phải tự thu tập chứng cứ bằng cách tiếp xúc với người khiếu nại, tố cáo hoặc yêu cầu họ cung cấp. Đối với những vụ việc phức tạp thì UBCKNN phải phối hợp với cơ quan Công an để điều tra, làm rõ vi phạm của công ty niêm yết và cá nhân, tổ chức có liên quan. Thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo gặp không ít khó khăn. Khi tự thu thập chứng cứ, không phải lúc nào Thanh tra cũng được cung cấp đủ chứng cứ vì người khiếu nại, tố cáo chỉ cung cấp được một số chứng cư mà thiếu chứng cứ quan trọng. Khi đó, Thanh tra lại phải thực hiện các thủ tục để yêu cầu cơ quan Công an giúp đỡ trong việc điều tra, thu thập chứng cứ. Thời gian thực hiện các thủ tục yêu cầu cơ quan Công an điều tra về vi phạm và thời gian chờ đợi kết quả điều tra thường kéo dài dẫn đến không thể đảm bảo thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Đây cũng là lý do khách quan khiến cho Thanh tra - UBCKNN trong một số trường hợp chưa kịp thời bảo vệ được nhà đầu tư.

2.5.4. Ý thức của cổ đông về quyền và lợi ích hợp pháp của mình chưa cao và chưa đồng nhất

Nhìn chung, các nhà đầu tư ở nước ta còn thiếu kiến thức về kinh doanh, quản trị. Những nhà đầu tư này có thể đã có kinh nghiệm chơi chứng khoán nhưng thiếu kiến thức về kinh doanh, kiến thức về quyền và lợi ích chính đáng của mình. Do vậy, họ không phát hiện được những sai phạm trong Báo cáo tài chính, trong hoạt động của những thành viên quản lý, do vậy dễ dàng cho qua những sai phạm này. Tại Đại hội cổ đông năm 2011 của một số công ty niêm yết như: Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn... đều thấy phần lớn nhà đầu tư có ý kiến chất vấn là các cổ đông lớn, đại diện các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước, các chuyên viên phân tích đến từ quỹ đầu tư hay các công ty chứng khoán. Nhưng khi chất vấn, những câu hỏi của các nhà đầu tư chuyên nghiệp này cũng rất đơn giản. Câu trả lời lại còn đơn giản hơn. Ví dụ với câu hỏi “Vì sao kết quả kinh doanh 2010 giảm?”, hầu hết HĐQT của các doanh nghiệp này đều có lý do giống nhau: “Do tình hình khủng hoảng kinh tế nói chung”, kèm theo đó là một loạt nguyên nhân cụ thể như lãi suất tăng cao, chi phí đầu vào tăng... Với các câu hỏi về chỉ tiêu tài chính năm 2011, hay tại sao không chia thưởng tiền mặt, các HĐQT cũng giải đáp trong vài ba phút ngắn ngủi [24].

2.5.5. Yếu tố văn hoá - lịch sử


Phần lớn các doanh nghiệp niêm yết hiện nay vẫn chưa thực sự được công chúng sở hữu vốn, cho dù đáp ứng được quy định về tính đại chúng khi niêm yết. Lối kinh doanh theo kiểu “gia đình trị” là một tập quán lâu đời trong văn hóa phương Đông trong đó có Việt Nam ta. Vì vậy, doanh nghiệp có thể chuyển đổi từ mô hình tư nhân - gia đình lên đại chúng nhưng vẫn chưa thay đổi được được thói quen đó.

Đặc trưng của cách quản trị theo kiểu gia đình là người quản trị thâu tóm tất cả thông tin và chỉ tiết lộ chúng một cách nhỏ giọt cho những người dưới quyền. Điều này làm cho những người dưới quyền trở nên lệ thuộc bởi họ không có một tầm nhìn bao quát trong doanh nghiệp. Lối quản trị bằng thông tin này làm cho những người dưới quyền bị động, luôn chờ đợi người quản trị cho hướng dẫn để họ thực thi nhiệm vụ. Hơn nữa, do thông tin nhỏ giọt như vậy, người dưới quyền ít có cơ hội để thách thức, tranh luận công khai hoặc phê phán người quản lý.

Do doanh nghiệp thuộc tài sản tư của một hoặc nhiều gia đình nên các quyết định mang tính nội bộ. Từ chủ doanh nghiệp cho tới các nhân viên quản lý cấp trung gian thường là thành viên trong một gia đình. Nếu là người ngoài gia đình, người quản lý chỉ có nghĩa vụ thực hiện mà không thể tham gia vào quy trình quyết định kinh doanh.

Trong khi đó, các công ty niêm yết ở Mỹ và Anh mới thực sự mang tính đại chúng. Số lượng cổ đông phân tán rộng khắp trong cộng đồng dân cư. Cấu trúc cổ đông ở Mỹ là 46% cổ đông là các tổ chức và 49% cổ đông là cá nhân, còn tại Anh tỷ lệ này tương ứng là 68% và 21% (Cổ đông là tổ chức thường là các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí, nghiệp đoàn và các công ty kinh doanh khác). Đứng tiếp theo là các nước như: Nhật, Úc, Pháp, Thụy Điển và Đức (Phụ lục 1) [20, 22].

Tính đại chúng rộng rãi đã làm cho ý thức của cổ đông về quyền lợi của mình hết sức mạnh mẽ. Tại Mỹ, nếu mệnh giá cổ phiếu giảm, công ty trở thành miếng mồi cho người khác thôn tính thì ban quản trị công ty mau chóng bị thay thế bởi những thế lực cổ đông mới xuất hiện [12, 330].

Có thể nói, hậu quả của quản trị theo phong cách gia trưởng ở nước ta đã làm thui chột tính chủ động trong việc thực hiện các quyền và lợi ích của

nhà đầu tư. Cùng với sự phát triển của thị trưởng chứng khoán trong những năm qua và sự tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng, cổ đông đã bắt đầu nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình nhưng nhìn chung chưa mạnh dạn hành động để tự bảo vệ quyền lợi của mình.

2.5.6. Chưa có khung pháp lý cho hoạt động của tổ chức xếp hạng tín nhiệm các công ty niêm yết tại Việt Nam

Ở các nước phát triển, định mức tín nhiệm đối các chứng khoán là một hoạt động không thể thiếu được trên thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Đối với thị trường chứng khoán, định mức tín nhiệm là việc định lượng các rủi ro về tài chính của các đợt phát hành chứng khoán hoặc bản thân các tổ chức phát hành chúng.

Hoạt động của tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm có vai trò như sau:


Thứ nhất, việc xếp hạng tín nhiệm cung cấp những thông tin liên quan đến tổ chức phát hành. Dựa vào thông tin đó mà nhà đầu tư đánh giá mức độ rủi ro và lợi nhuận yêu cầu để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý;

Thứ hai, việc xác định hệ số tín nhiệm giúp tổ chức phát hành thuận lợi hơn trong vấn đề huy động vốn với chi phí thấp. Thông qua những chỉ số đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đưa ra, nhà đầu tư sẽ có điều kiện tiếp cận với những thông tin về tổ chức phát hành. Đặc biệt, khi những tổ chức phát hành được đánh giá là có uy tín có thể phát hành trái phiếu với lãi suất thấp hơn mà vẫn thu hút được nhà đầu tư. Nói một cách khác, hoạt động của tổ chức định mức tín nhiệm sẽ góp phần làm tăng thêm lòng tin của nhà đầu tư và uy tín của tổ chức phát hành, điều mà thị trường chứng khoán Việt Nam rất cần trong giai đoạn hiện nay;

Thứ ba, việc xác định hệ số tín nhiệm thúc đẩy tổ chức phát hành có trách nhiệm hơn đối với nhà đầu tư. Đánh giá mức tín nhiệm luôn là công việc

liên quan chặt chẽ với uy tín của tổ chức phát hành, điều đó thúc đẩy người phát hành thực hiện tốt hơn các cam kết của mình như: thực hiện đúng phương án sử dụng vốn huy động đã trình bày trong Bản cáo bạch, tuân thủ các nguyên tắc quản trị công ty niêm yết...

Việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư chủ yếu do công ty niêm yết cung cấp, ngoài ra nhà đầu tư có tìm hiểu qua trang web của UBCK và Sở Giao dịch chứng khoán. Trong nhiều trường hợp công ty niêm yết không công bố thông tin kịp thời; nguồn cung cấp thông tin chưa đa dạng, nhiều chiều. Trong khi đó, ở nước ta hiện nay, việc đánh giá năng lực của các công ty niêm yết mới chỉ do một tổ chức xếp hạng tín nhiệm đảm nhiệm - Công ty cổ phần xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam. Về mặt chuyên môn, tổ chức này đánh giá các công ty niêm yết dựa trên hơn 100 chỉ tiêu tài chính và phi tài chính. Nhưng về khía cạnh pháp lý thì chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào đặt nền tảng cho sự ra đời và hoạt động của loại hình tổ chức này. Xuất phát từ thực tế này, việc xây dựng pháp luật điều chỉnh hoạt động của tổ chức xếp hạng tín nhiệm ở nước ta trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2


Chương 2 đã phân tích và bình luận các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong công ty niêm yết ở Việt Nam. Qua những tình huống thực tiễn, luận văn đã phân tích những bất cập của pháp luật nước ta trong quá trình áp dụng và nguyên nhân của những bất cập đó. Trong quá trình nghiên cứu, luận văn đã có sự so sánh, đối chiếu với pháp luật của một số nước khác về cùng một vấn đề nghiên cứu để làm rõ hơn những nhận định, bình luận của tác giả. Những đánh giá ở chương 2 là cơ sở cho việc đưa ra các khuyến nghị được nêu tại chương 3.

Xem tất cả 124 trang.

Ngày đăng: 22/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí