giả Hoàng Thị Quỳnh Chi về "Hoàn thiện các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán", đăng trên Tạp chí Kiểm sát, số 19 năm 2006, bài nghiên cứu của tác giả Phạm Thị Giang Thu về “Bàn về bảo vệ nhà đầu tư theo Luật chứng khoán và vấn đề bảo đảm thực hiện” trên Tạp chí Luật học, số 8/2006… và nhiều bài viết khác trên các báo, tạp chí.
Phần lớn các bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học về bảo vệ nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư không chuyên nghiệp liên quan đến việc bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường phi tập trung. Một số bài viết liên quan đến nhà đầu tư trên thị trường tập trung nhưng các bài viết nói trên mới dừng ở mức độ nêu ra tình huống nhà đầu tư bị thiệt hại và dẫn chiếu lại các quy định của pháp luật Việt Nam để xác định trong những tình huống đó thì nhà đầu tư nên làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cần làm đến đâu để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Cũng có một số công trình nghiên cứu về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trên TTCKTT, song cách tiếp cận của các công trình nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào các quyền của nhà đầu tư với tư cách là cổ đông của tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết, quyền lợi của tất cả các nhà đầu tư nói chung, hoặc tập trung vào đối tượng nhà đầu tư chứng khoán cá nhân theo pháp luật chứng khoán 2006 và các văn bản hướng dẫn thời điểm đó. Luận văn tiếp cận theo hướng khác, nghiên cứu về việc bảo vệ quyền và lợi ích của đối tượng là nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung qua các quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành, phân tích đánh giá các quy định đó để tìm ra những kết quả đã đạt được và những tồn tại cần hoàn thiện, qua đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư không chuyên nghiệp.
3. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn dùng phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp tổng hợp, phương pháp so sánh và phương pháp phân tích từ các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư không chuyên nghiệp, đánh giá việc áp dụng các quy định đó qua thực tiễn.
Luận văn sử dụng phương pháp so sánh để đối chiếu với pháp luật của một số nước, từ đó thấy được những điểm hợp lý hoặc còn bất cập trong việc điều chỉnh cơ chế bảo vệ nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán. Từ đó, có thể đề ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các quy định đối với vấn đề này.
Ngoài ra, Luận văn còn sử dụng phương pháp thống kê, tư duy khoa học, khách quan và thực tiễn để thu thập thông tin tư liệu, tài liệu tham khảo nghiên cứu chọn lọc kinh nghiệm các nước với đề xuất những định hướng nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp
4. Mục đích và phạm vi nghiên cứu
4.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích của luận văn là nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của các quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động bảo vệ nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung. Trên cơ sở đó, luận văn đề xuất các phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung, góp phần vào việc đáp ứng tốt hơn yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Việt Nam.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung theo pháp luật Việt Nam - 1
- Khái Niệm, Đặc Điểm Nhà Đầu Tư Chứng Khoán Không Chuyên Nghiệp
- Pháp Luật Về Bảo Vệ Quyền Và Lợi Ích Của Nhà Đầu Tư Không Chuyên Nghiệp Trên Thị Trường Chứng Khoán Tập Trung
- Bảo Vệ Bằng Các Biện Pháp Quản Lý Và Xử Lý Vi Phạm Đối Với Các Chủ Thể Trên Thị Trường
Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.
Luận văn chỉ giới hạn nghiên cứu những quy định pháp lý và thực tiễn việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung ở Việt nam theo quy định tại Luật Chứng khoán số 70/QH11 năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay, trong đó tập trung chủ yếu vào nghiên cứu các quy định công nhận quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Các quyền của nhà đầu tư với tư cách là cổ đông của công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không thuộc phạm vi nghiên cứu của luận văn này.
5. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung.
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài lời mở đầu và kết luận, luận văn bao gồm 3 chương
Chương 1: Khái quát chung về thị trường chứng khoán tập trung và bảo vệ quyền nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung
Chương 2: Thực trạng bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung trong pháp luật chứng khoán Việt nam
Chương 3: Một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả pháp luật chứng khoán trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán tập trung.
Chương 1
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TẬP TRUNG VÀ PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CỦA NHÀ ĐẦU TƯ KHÔNG CHUYÊN NGHIỆP TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TẬP TRUNG
1.1 . Khái niệm, đặc điểm, bản chất của thị trường chứng khoán tập trung
Thị trường chứng khoán tập trung có thể được hiểu một cách chung nhất là: một thị trường mà trong đó việc giao dịch mua bán chứng khoán được thực hiện tại địa điểm cố định về mặt địa lý. Địa điểm này được gọi là sàn giao dịch chứng khoán, là nơi mà các thành viên thị trường tiến hành các giao dịch với chứng khoán được phép niêm yết và giao dịch tại thị trường [35, tr.125]. TTCKTT được tổ chức bởi sở giao dịch hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán. Các tổ chức này không sở hữu chứng khoán, không mua bán các loại chứng khoán mà chỉ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, tạo điều kiện cho hoạt động mua bán chứng khoán, giám sát các hoạt động giao dịch để bảo đảm các hoạt động mua bán chứng khoán diễn ra trong khuôn khổ pháp luật.
Ở Việt nam thời kỳ đầu của sự phát triển TTCK, khái niệm thị trường chứng khoán tập trung hầu như được đồng nhất với khái niệm thị trường chứng khoán. Nghị định số 48/1998/NĐ-CP quy định về chứng khoán và TTCK định nghĩa “giao dịch chứng khoán là việc mua bán chứng khoán trên thị trường giao dịch tập trung” [13, Điều 2]. Điều này không đúng về bản chất vì việc giao dịch chứng khoán bất kể nó được diễn ra tại một địa điểm hay hệ thống thông tin tập trung hay không thì đó vẫn là giao dịch chứng khoán. Ở đây đã có sự nhầm lẫn giữa hành vi giao dịch chứng khoán và phương thức tổ chức cho việc diễn ra hành vi đó. Luật chứng khoán hiện hành không đưa ra định nghĩa thị trường chứng khoán tập trung mà chỉ có khái niệm thị trường giao dịch chứng khoán, theo đó “Thị trường giao dịch chứng khoán là địa điểm hoặc hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh mua bán và giao dịch chúng khoán” [29, Điều 18]. Theo định nghĩa này thị trường
giao dịch chứng khoán bao gồm thị trường tập trung và phi tập trung. Xét về mặt hình thức khái niệm này có thể đúng, tuy nhiên xét về mặt bản chất thì chưa hoàn toàn chính xác. Thị trường giao dịch chứng khoán có thể là thị trường tập trung hoặc phi tập trung. Khi các lệnh giao dịch (lệnh mua và lệnh bán) được tập trung tại địa điểm nhất định thì đó chính là dấu hiệu đặc thù của thị trường giao dịch tập trung. Ở thị trường giao dịch phi tập trung (thị trường OTC) thì ngược lại, các lệnh giao dịch không được tập trung và không được thực hiện tại địa điểm nhất định mà thông qua hệ thống trao đổi thông tin do nhà tổ chức thị trường tạo lập ra. Điều đó có nghĩa thị trường giao dịch có thể được tổ chức tại địa điểm giao dịch nhất định hoặc không tại địa điểm giao dịch nhất định (thông qua hệ thống trao đổi thông tin chứ không phải bản thân thị trường giao dịch là địa điểm hay hình thức trao đổi thông tin). Đây chỉ là những cách thức tổ chức của thị trường mà thôi. Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất, thị trường chứng khoán tập trung là một thị trường mà trong đó việc giao dịch mua bán chứng khoán được thực hiện tại địa điểm cố định về mặt địa lý.
Thị trường chứng khoán tập trung có một số đặc điểm chính sau:
Một là: là thị trường có địa điểm giao dịch cố định. Địa điểm giao dịch cố định ở đây là sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán.
Hai là: phương thức giao dịch chủ yếu là đấu giá hoặc ghép lệnh để hình thành nên giá cả cạnh tranh tốt nhất trong các phiên giao dịch.
Ba là: Hàng hóa giao dịch tại thị trường là những hàng hóa có chất lượng cao. Đây là những chứng khoán đã được kiểm định, đủ điều kiện niêm yết và giao dịch, thường là chứng khoán của những công ty lớn, có danh tiếng, và đã qua thử thách của thị trường. Các điều kiện về niêm yết do sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán ban hành này được coi như bộ lọc để lọc những chứng khoán kém chất lượng, thông qua đó bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và góp phần giúp thị trường hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững. Các tiêu chuẩn niêm yết thường chú trọng đến thâm niên hoạt động, thành tích lợi nhuận, quy mô cổ phần, và lượng cổ đông. Người đầu tư chứng khoán, dù mạo hiểm vì tính rủi ro vốn có của thị
trường chứng khoán, nhưng khi mua chứng khoán trên TTCKTT đã được xem như là họ được bảo vệ tối đa so với mua ở các thị trường chứng khoán khác, vì chứng khoán ở đây đã được sàng lọc
Bốn là: là thị trường có tính tổ chức cao. Thành viên tham gia thị trường có giới hạn, bao gồm các chủ thể tham gia quản lý, điều hành và các định chế trung gian, đây đều là những tổ chức chuyên nghiệp và phải đạt đủ năng lực, điều kiện, được cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng khoán và TTCKTT cấp phép thành viên mới được tham gia thị trường. Các chủ thể khi tham gia thị trường đều phải đảm bảo tuân thủ những quy định và nguyên tắc nhất định và đều được điều chỉnh thống nhất bằng hệ thống các quy định pháp luật, quy chế của Sở giao dịch chứng khoán nhằm tạo nên một quá trình hợp tác hiệu quả, thông suốt.
Năm là: là thị trường được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật chặt chẽ. Với tính chất là một thị trường nhạy cảm, nhiều rủi ro và có khả năng tác động, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế-xã hội của mọi quốc gia, TTCKTT đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ và minh bạch. Vì vậy để điều hành quản lý TTCKTT Nhà nước đã ban hành một hệ thống đầy đủ các văn bản pháp luật mà tất cả các chủ thể tham gia thị trường đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh. Mọi hành vi vi phạm đều có những chế tài thích hợp. Đó là sự điều chỉnh của pháp luật đặc thù –pháp luật chứng khoán, sự điều chỉnh của luật doanh nghiệp về các vấn đề tổ chức và phân chia lợi nhuận, sự điều chỉnh của pháp luật khác về các vấn đề có liên quan. Ngoài ra TTCKTT còn chịu sự quản lý và giám sát chặt chẽ của UBCKNN với tư cách cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành.
Sáu là: là thị trường hoạt động dựa trên nguyên tắc trung gian. Đây là đặc điểm nổi bật của TTCKTT so với các thị trường khác. Nguyên tắc trung gian nhằm đảm bảo các loại chứng khoán được giao dịch là chứng khoán thực, đảm bảo lợi ích nhà đầu tư, và để TTCKTT hoạt động lành mạnh, liên tục, hợp pháp và phát triển. Theo nguyên tắc này thì mọi giao dịch tên thị trường đều phải được thực hiện qua trung gian là các thành viên thị trường. Các nhà đầu tư không được đặt lệnh mua, bán trực tiếp mà phải gián tiếp thông qua các trung gian là thành viên của thị trường này.
Thị trường chứng khoán tập trung hoạt động theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, công khai thông tin, tôn trọng quyền tự do mua, bán, kinh doanh dịch vụ chứng khoán của tổ chức, cá nhận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
1.2 . Các chủ thể trên thị trường chứng khoán tập trung
Chủ thể phát hành: Chủ thể phát hành là các tổ chức thực hiện huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nhà phát hành có thể là Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và một số tổ chức khác như quỹ đầu tư, tổ chức tài chính trung gian...
Chính phủ và chính quyền địa phương là chủ thể phát hành các loại chứng khoán: trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình, tín phiếu kho bạc; nhằm huy động tiền bù đắp thâm hụt ngân sách, thực hiện những công trình quốc gia lớn, hoặc để huy động tiền đầu tư cho các công trình hay chương trình kinh tế, xã hội của địa phương.
Các công ty là chủ thể phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu công ty để huy động vốn đầu tư phát triển sản xuất
Các tổ chức tài chính là chủ thể phát hành các công cụ tài chính như các trái phiếu, chứng chỉ hưởng thụ...phục vụ cho mục tiêu huy động vốn và phù hợp với đặc thù hoạt động của họ theo Luật định [36, tr.24]
Nhà đầu tư: Chủ thể đầu tư là những tổ chức, cá nhân có tiền, thực hiện việc mua bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận.
Các tổ chức kinh doanh chứng khoán: là các định chế tài chính trung gian làm nhiệm vụ thực hiện các giao dịch chứng khoán, là cầu nối giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư, bao gồm công ty chứng khoán, các ngân hàng thương mại.
Công ty chứng khoán: Các công ty này hoạt động với nghiệp vụ chính là bảo lãnh phát hành, tự doanh, môi giới, quản lý danh mục đầu tư và tư vấn đầu tư chứng khoán.
Các ngân hàng thương mại: Các ngân hàng thương mại có thể sử dụng vốn để đầu tư chứng khoán nhưng chỉ được trong giới hạn rất định và phải thành lập công ty chuyên biệt kinh doanh chứng khoán để bảo vệ ngân hàng trước những biến động của giá chứng khoán.
Các tổ chức có liên quan đến thị trường chứng khoán: bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, sở giao dịch chứng khoán, hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán.
Cơ quan quản lý nhà nước: Cơ quan này được thành lập để thực hiện chức năng quản lý, giám sát của nhà nước đối với thị trường chứng khoán. Cơ quan quản lý, giám sát thị trường chứng khoán được hình thành dưới nhiều mô hình, hoạt động khác nhau, có nước do các tổ chức tự quản thành lập, có nước cơ quan này trực thuộc chính phủ, nhưng có nước lại kết hợp quản lý giữa các tổ chức tự quản và nhà nước. Nhưng nhìn chung, cơ quan quản lý này do Chính phủ của các nước thành lập nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của người đầu tư và bảo đảm cho thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh, suôn sẻ và phát triển vững chắc. Cơ quan này có những tên gọi khác nhau, tuỳ từng nước. Tại Trung Quốc có Cơ quan Giám quản chứng khoán của Quốc vụ viện Trung Quốc [53]. Tại Anh có Uỷ ban đầu tư chứng khoán (SIB- Securities Investment Board). Ủy ban này là một tổ chức được thừa nhận trong đạo luật về các dịch vụ tài chính ban hành năm 1986. Tại Mỹ, Uỷ ban chứng khoán và Giao dịch chứng khoán (SEC - Securities And Exchange Comission) là một cơ quan của liên bang có tư cách pháp lý thực hiện việc kiểm soát thị trường chứng khoán. Ở Nhật Bản có Uỷ ban giám sát chứng khoán và Giao dịch chứng khoán (ESC - Exchange Surveillance Comission) được thành lập vào năm 1992 và đến năm 1998 đổi tên thành FSA - Financial Supervision Agency, có chức năng cơ bản là tiến hành điều tra và xử lý các giao dịch gian lận trên thị trường chứng khoán, do Bộ tài chính Nhật Bản đảm nhiệm. Tại Hàn Quốc có Ủy ban chứng khoán và giao dịch chứng khoán (ESC-Securities and Exchange Commission) và Ban Giám sát chứng khoán (SSB – Securities Supervise Board) được đặt dưới sự giám sát của Bộ Kinh tế- Tài chính. Và ở Việt Nam có Uỷ ban chứng khoán nhà nước được thành lập theo Nghị định số 75/CP ngày 28/11/1996.
Sở giao dịch chứng khoán: Sở giao dịch chứng khoán thực hiện việc vận hành thị trường thông qua bộ máy tổ chức bao gồm nhiều bộ phận khác nhau phục vụ các hoạt động trên sở giao dịch. Ngoài ra Sở cũng ban hành những quy định điều chỉnh các hoạt động giao dịch chứng khoán trên sở, phù hợp các quy định của luật