Để thực hiện thành công chương trình CPH, kinh nghiệm các nước đều cho thấy, Nhà nước phải chịu một khoản phí tổn nhất định như: các khoản chi phí cho sự ưu đãi đào tạo lại nghề và tìm việc làm mới, giải quyết chế độ BHXH đối với những NLĐ bị mất việc làm trong các DN được CPH, hoặc chi phí cho bộ máy thực hiện quá trình CPH, phải xử lý các khoản nợ khó đòi, thất thoát do đánh giá lại tài sản… Những khoản phí tổn này là cần thiết và có tác dụng đảm bảo sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội cho việc thực hiện một chương trình có tầm quan trọng lâu dài trong quá trình cải cách kinh tế ở các nước.
CHƯƠNG 2
BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG VÀ SAU QUÁ TRÌNH CỔ PHẦN HOÁ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC –
PHÁP LUẬT, THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN
2.1. Lịch sử phát triển pháp luật về quyền lợi của người lao động khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước
2.1.1. Giai đoạn thí điểm (từ 1990 đến tháng 5/1996)
Thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) với chủ trương xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó DNNN cũng đứng trước yêu cầu phải đổi mới để tồn tại và đứng vững trong nền kinh tế thị trường. Vấn đề đổi mới, cải cách DNNN mặc dù được đặt ra từ những năm 1986, 1987, đặc biệt chủ trương chuyển một số DNNN thành CTCP, được nêu ra tại Điều 22 của Quyết định số 214/HĐBT ngày 14/11/1987 về đổi mới thành phần kinh tế quốc doanh, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên chúng ta chưa thể tiến hành triển khai được.
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo vệ quyền lợi người lao động trong và sau quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước - Lý luận và thực tiễn - 2
- Vai Trò Cổ Phần Hoá Doanh Nghiệp Nhà Nước Đối Với Vấn Đề Quyền Lợi Người Lao Động:
- Kinh Nghiệm Của Một Số Nước Về Cổ Phần Hoá, Bảo Vệ Quyền Lợi Của Người Lao Động Và Bài Học Kinh Nghiệm Cho Việt Nam
- Đủ 55 Tuổi Đến Dưới 60 Tuổi Đối Với Nam, Đủ 50 Tuổi Đến Dưới 55 Tuổi Đối Với Nữ, Có Thời Gian Đóng Bảo Hiểm Xã Hội Đủ 20 Năm Trở Lên:
- % Vốn Nhà Nước ; Cơ Quan Hà Nh Chính Nhà Nướ C , Đơn Vị Sự Nghiệp
- Quyền Lợi Người Lao Động Và Nội Dung Bảo Vệ Quyền Lợi Người Lao Động Sau Cổ Phần Hóa Theo Pháp Luật Hiện Hành
Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.
Quyết định số 143/QĐ-HĐBT ngày 10/5/1990 ra đời là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về vấn đề CPH. Tuy nhiên thời kỳ này Nhà nước ta mới chủ trương nghiên cứu và làm thử về mô hình chuyển xí nghiệp quốc doanh thành CTCP và chỉ giới hạn ở một số ít các xí nghiệp có đủ điều kiện và tiêu biểu. Do còn nhiều quy định chưa phù hợp nên Quyết định này hầu như chưa được quy định trên thực tế trong 2 năm 1990 và 1991. Quyết định này chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc CPH mà gần như chỉ mới khai sinh ra khái niệm CPH. Văn bản này đã đặt cơ sở nền tảng cho việc CPH sau này, tuy vậy
một số quy định ưu đãi về chế độ, quyền lợi của NLĐ đã được ghi nhận tại phần phụ lục, như:
- Mệnh giá cổ phiếu nên quy định ở mức vừa phải để đa số công nhân, viên chức có mức thu nhập trung bình có thể mua được.
Đối với công nhân, viên chức trong công ty có thu nhập quá thấp, không đủ tiền mua 1 cổ phần thì Nhà nước tổ chức cho vay với lãi suất ưu đãi để họ mua được 1 cổ phần. Vốn và lãi vay này được hoàn trả trong thời gian từ 1 đến 3 năm.
- Đối tượng vận động mua cổ phần theo thứ tự ưu tiên như sau:
+ Công nhân, viên chức đang làm việc trong xí nghiệp quốc doanh chuyển thành công ty.
+ Công nhân, viên chức đang làm việc trong các xí nghiệp quốc doanh khác.
+ Các tầng lớp nhân dân khác [16].
Tiếp theo đó, đến ngày 8/6/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 202/CT về tiếp tục thí điểm chuyển DNNN thành CTCP, kèm theo Đề án chuyển một số DNNN thành CTCP; Quyết định 203/CT chọn 7 DNNN để chỉ đạo chỉ đạo làm thí điểm chuyển thành CTCP. Quyết định số 202/CT đã tiếp tục có chính sách ưu đãi đối với NLĐ tại điều 7: “Cán bộ công nhân viên chức trong các doanh nghiệp cổ phần hoá được hưởng chính sách ưu đãi trong việc mua cổ phiếu trả chậm với thời gian trả không quá 12 tháng” [17].
Ngày 14/3/1993, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị 84/TTg về việc xúc tiến thực hiện thí điểm CPH DNNN và các giải pháp đa dạng hoá hình thức sở hữu đối với các DNNN. Trong đó có những quy định ưu đãi đối với NLĐ:
Các doanh nghiệp tiến hành thí điểm CPH được phép cho cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp vay không phải trả lãi với thời hạn tối đa không quá 5 năm dưới hình thức bán chịu cổ phiếu trả chậm với mức bình quân không quá 3 triệu đồng/người và mức cao nhất không quá 5 triệu đồng/người tuỳ theo mức lương và thâm niên công tác. Những cổ phiếu này, NLĐ được hưởng lợi tức cổ phần hàng năm, được quyền thừa kế, nhưng không được chuyển nhượng, không được rút vốn khi chưa trả hết tiền mua chịu cổ phiếu. Đối tượng được hưởng là cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế của doanh nghiệp tính đến thời điểm CPH và những cán bộ, công nhân, viên chức của doanh nghiệp đang nghỉ hưu, mất sức [18].
Trong những trường hợp cụ thể, để khuyến khích cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp mua cổ phiếu bằng tiền mặt, giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và bộ trưởng bộ chủ quản quyết định mức mua chịu cổ phiếu trả chậm trong 5 năm với lãi suất ưu đãi tương đương với tỷ lệ (%) thu về sử dụng vốn hàng năm; mức mua chịu tối đa của loại này không vượt quá số cổ phiếu mua bằng tiền mặt.
Cho phép các doanh nghiệp được tự xử lý số dư quỹ phúc lợi và khen thưởng (bằng tiền) trước khi CPH khuyến khích việc chia cho cán bộ, công nhân viên để mua cổ phiếu. Riêng đối với quỹ phúc lợi dưới dạng các công trình như nhà văn hoá, câu lạc bộ, bệnh xá, nhà điều dưỡng v. v... vẫn được duy trì và phát triển lên để bảo đảm phúc lợi chung của doanh nghiệp sau khi CPH.
2.1.2. Giai đoạn mở rộng thí điểm - từ tháng 5/1996 đến tháng 6/1998
Sau một thời gian thực hiện thí điểm (4 năm), ngày 7/5/1996 Chính phủ ban hành Nghị định số 28/CP về chuyển một số DNNN thành CTCP. Sau đó Chính phủ lại tiếp tục ban hành Nghị định 25/CP ngày 26/3/1997 sửa đổi
một số điều của Nghị định số 28/CP. Các Nghị định này cùng với các văn bản hướng dẫn thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý cho quá trình CPH DNNN và đã có nhiều quy định cụ thể hơn về quyền lợi của NLĐ. Cụ thể, Điều 11 Nghị định số 28/CP quy định:
Người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá được hưởng những ưu đãi như sau:
1. Ưu đãi về tài chính:
a. Được Nhà nước cấp một số cổ phiếu tuỳ theo thâm niên và chất lượng công tác của từng người. Đối với số cổ phiếu này, người lao động được hưởng cổ tức, được quyền thừa kế cho con làm việc tại công ty cổ phần nhưng không được chuyển nhượng. Những cổ phiếu này thuộc sở hữu Nhà nước tại công ty cổ phần.
Trị giá cổ phiếu cấp cho mỗi người không quá 6 tháng lương cấp bậc, chức vụ theo hệ thống thang bảng lương nhà nước ban hành; tổng số cổ phiếu được cấp không quá 10% giá trị doanh nghiệp.
b. Được mua chịu một số cổ phiếu trả chậm trong 5 năm với lãi suất là 4% năm; tổng mức mua chịu không quá 15% giá trị doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có vốn tự tích luỹ từ 40% giá trị doanh nghiệp trở lên thì mức mua chịu không quá 20% giá trị doanh nghiệp.
2. Được tiếp tục làm việc tại công ty cổ phần (nếu họ có nhu cầu) theo quy định tại Điều 31 của Bộ Luật lao động ngày 23/6/1994. Sau 12 tháng kể từ khi doanh nghiệp nhà nước chuyến thành công ty cổ phần, nếu do nhu cầu tổ chức lại hoạt động kinh doanh mà phải thay đổi cơ cấu công nghệ dẫn đến người lao động mất việc làm thì chính sách đối với những người lao động này được giải quyết theo Điều 17 của Bộ Luật lao động và Nghị định số 72/CP ngày 31/10/1995 của Chính phủ”.
- Doanh nghiệp trước khi cổ phần hoá được chủ động sử dụng số dư quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi (bằng tiền) chia cho công nhân viên chức đang làm việc để mua cổ phiếu; Được duy trì và phát triển quỹ phúc lợi dưới dạng hiện vật, các công trình văn hoá, câu lạc bộ, bệnh xá, nhà điều dưỡng để bảo đảm phúc lợi cho người lao động trong công ty cổ phần những tài sản này thuộc sở hữu của tập thể người lao động công ty cổ phần và do công đoàn của công ty quản lý [19].
2.1.3. Giai đoạn triển khai (từ tháng 7/1998 đến nay)
Để tiếp tục hoàn thiện hơn các quy định pháp lý về CPH, ngày 29/6/1998 Chính phủ ban hành Nghị định số 44/1998/NĐ-CP về chuyển DNNN thành CTCP (thay thế Nghị định số 28/CP ngày 7/5/1996 và Nghị định số 25/CP ngày 26/3/1997). Văn bản này đã có những quy định (tại điều
14) tăng thêm những ưu đãi dành cho NLĐ:
- Được Nhà nước bán cổ phần với giá ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp tùy theo năm công tác của từng người. Một năm làm việc cho Nhà nước được mua tối đa 10 cổ phần (trị giá 1 cổ phần: 100.000 đồng) với mức giảm giá 30% so với các đối tượng khác. Tổng giá trị ưu đãi cho người lao động không quá 20% giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có vốn tự tích lũy từ 40% giá trị doanh nghiệp trở lên thì tổng giá trị ưu đãi cho người lao động không quá 30% giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp [20].
Trường hợp CPH theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định (giữ nguyên giá trị thuộc vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn để phát triển doanh nghiệp) thì giá trị ưu đãi cho NLĐ được trừ vào phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp.
NLĐ sở hữu cổ phần nói trên có quyền chuyển nhượng, thừa kế và các quyền khác của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ tổ chức hoạt động của CTCP.
NLĐ nghèo trong doanh nghiệp được mua cổ phần theo giá ưu đãi thì được hoàn trả trong 3 năm đầu để hưởng cổ tức và trả dần tối đa trong 10 năm không phải chịu lãi suất. Số cổ phần mua trả dần dành cho NLĐ nghèo không vượt quá 20% tổng số cổ phần Nhà nước bán theo giá ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 44/1998/NĐ-CP. Người sở hữu cổ phần trả dần không được chuyển nhượng khi chưa trả hết tiền cho Nhà nước.
Sau 12 tháng kể từ khi DNNN chuyển thành CTCP, nếu do nhu cầu tổ chức lại hoạt động kinh doanh, thay đổi công nghệ dẫn đến NLĐ mất việc làm thì chính sách đối với những NLĐ này được giải quyết theo những quy định hiện hành của Chính phủ.
Tuy nhiên tại Điều 6 Nghị định số 44/1998/NĐ-CP quy định: “ Doanh nghiệp tiến hành CPH có trách nhiệm sắp xếp, sử dụng hết số lao động hiện có tại doanh nghiệp”. Đây là một quy định tương đối cứng nhắc và gây khó khăn cho người sử dụng lao động, vì khi CPH DNNN, sắp xếp, đổi mới cơ cấu quản lý sẽ không thể tránh khỏi lao động sẽ dư thừa và một số lượng lao động không đủ trình độ tham gia sản xuất trước yêu cầu của công nghệ, kỹ thuật mới.
Sau 10 năm thực hiện, CPH DNNN đã đạt được một số thành tựu đáng kể, song cũng nảy sinh nhiều vấn đề hạn chế cần sửa đổi và hoàn thiện. Với chủ trương đẩy mạnh tiến trình CPH DNNN, tại Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 05- NQ/TW ngày 24/9/2001 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, trong đó chỉ đạo “đẩy mạnh CPH những DNNN mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn, xem đó là khâu quan trọng để tạo chuyển biến
cơ bản trong việc nâng cao hiệu quả DNNN”. Về chính sách đối với NLĐ, Nghị quyết đã đưa ra giải pháp giải quyết lao động dôi dư, trong đó chỉ rõ:
Bổ sung cơ chế, chính sách đối với lao động dôi dư trong sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp phải rà soát và xây dựng đúng định mức để xác định số lượng lao động cần thiết. Lao động dôi dư được doanh nghiệp tạo điều kiện đào tạo lại hoặc nghỉ việc hưởng nguyên lương một thời gian để tìm việc; nếu không tìm được việc thì được nghỉ chế độ mất việc theo quy định của Bộ luật Lao động. Bổ sung, sửa đổi một số chính sách cụ thể đối với người lao động dôi dư có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi. Chính phủ bố trí nguồn kinh phí để giải quyết chính sách cho số lao động dôi dư….
Nghị quyết cũng yêu cầu:
Nhà nước có chính sách để giảm bớt tình trạng chênh lệch về cổ phần ưu đãi cho người lao động giữa các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Có quy định để người lao động giữ được cổ phần ưu đãi trong một thời gian nhất định. Sửa đổi, bổ sung cơ chế ưu tiên bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp để gắn bó người lao động với doanh nghiệp; … Nghiên cứu sử dụng một phần vốn tự có của doanh nghiệp để hình thành cổ phần của người lao động, người lao động được hưởng lãi nhưng không được rút cổ phần này khỏi doanh nghiệp… Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp cổ phần hóa sử dụng nhiều lao động… [21].
Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, ngày 20/11/2001 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 183/2001/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX.