Bảo vệ quyền lợi người lao động trong và sau quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước - Lý luận và thực tiễn - 13

3.5. Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động trong và sau cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước

Thứ nhất, nâng cao chất lượng và hiệu quả tham gia xây dựng chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi, chế độ cho NLĐ trong và sau quá trình CPH DNNN. Có thể nói, việc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam liên tục kiến nghị với Đảng và nhà nước về xây dựng và hoàn thiện chính sách về CPH và chế độ, quyền lợi của NLĐ trong thời gian qua là đáng khích lệ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của hàng triệu NLĐ. Trong thời gian tới, với những kinh nghiệm của mình, công đoàn cần tiếp tục kiến nghị với Đảng và Nhà nước sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách, chế độ đối với NLĐ. Tổ chức công đoàn cần:

- Kiên trì bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ, cụ thể về các nội dung:


+ Bảo vệ chính sách ưu đãi đối với NLĐ nghèo. Chính sách ưu đãi này trong quá trình CPH luôn được Đảng và nhà nước ta quan tâm. Nhờ đó đã giúp nhiều NLĐ nghèo có cổ phần và trở thành cổ đông của CTCP. NLĐ nghèo có cơ hội để phát huy quyền làm chủ trong CTCP đồng thời có thêm thu nhập từ cổ tức, vì thế cuộc sống của họ được đảm bảo hơn và giúp họ gắn bó hơn với công ty. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không đề cập tới vấn đề này. Vì vậy, để bảo vệ NLĐ, tổ chức công đoàn cần thuyết phục cơ quan chức năng khôi phục chính sách ưu đãi đối với NLĐ nghèo.

+ Cần có cơ chế, chính sách giúp NLĐ giữ được cổ phần. Trong thực tế, có một bộ phận NLĐ, khi được mua cổ phần ưu đãi, nhưng do cần tiền chi dùng trước mắt hoặc do không tin tưởng vào sự phát triển của công ty hoặc do cổ tức thấp nên họ muốn đầu tư vào lĩnh vực khác có lợi tức cao hơn... nên đã bán số cổ phần ưu đãi này - thường gọi là “bán lúa non” [47] - Tình trạng này dẫn đến quyền làm chủ của NLĐ là cổ đông bị suy giảm, mặt khác lại tạo điều kiện cho một số cá nhân mua gom cổ phần với mục đích thâu tóm công ty,

biến cổ phần hoá thành tư nhân hoá, trái với mục tiêu và chủ trương của Đảng. Xuất phát từ những ưu việt của những quy định này trong các văn bản trước đây, trên cơ sở chủ trương của Đảng, tổ chức công đoàn cũng phải bảo lưu ý kiến này của mình để kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của đông đảo những NLĐ.

+ Có chính sách để tổ chức công đoàn đại diện cho NLĐ tham gia Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát CTCP. Là tổ chức đại diện lớn nhất của NLĐ, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của công ty, công đoàn đề nghị Chính phủ và cơ quan hữu quan cần bổ sung quy định công đoàn đương nhiên được quyền tham gia Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát của công ty, nếu ở đó nhà nước có cổ phần. Vì như vậy, công đoàn mới có điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, nhằm bảo vệ có hiệu quả cao hơn quyền lợi NLĐ.

+ Tiếp tục thực hiện chính sách đối với NLĐ dôi dư sau CPH. Sau CPH, công ty tiến hành thay đổi cơ cấu, công nghệ, và thực hiện việc sắp xếp lại lao động cho phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Những NLĐ không bố trí được việc làm do không có trình độ, khả năng rất dễ bị mất việc làm. Việc giải quyết chính sách đối với những lao động dôi dư vào thời điểm này là rất khó khăn vì công ty phải tự chi trả các chế độ cho NLĐ từ doanh thu của mình. Trong khi đó không phải công ty nào sau CPH cũng chuyển đổi phù hợp với cơ chế mới. Vì thế, việc tiếp tục thực hiện chính sách đối với NLĐ bị mất việc làm trong 12 tháng sau CPH là rất cần thiết. Tổ chức công đoàn cần có ý kiến bổ sung chính sách đối với lao động dôi dư sau CPH và nguồn để chi trả cũng trong số tiền thu từ CPH, để giúp NLĐ ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm mới, đồng thời cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tiến hành CPH nhanh hơn.

+ Cần bổ sung quy định về đào tạo, đào tạo lại NLĐ để bố trí việc làm mới trong CTCP. Ngay từ khi lập phương án CPH DNNN và trong quá trình lập phương án sử dụng lao động cần thiết phải lập phương án đào tạo, đào tạo lại NLĐ để bố trí việc làm mới tại CTCP. Nguồn chi cho phương án này được trích từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

Cần động viên và có chính sách khuyến khích NLĐ tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại nghề, chuyên môn, nghiệp vụ để tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp CPH. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng, nghỉ hưu cũng cần được quan tâm thích đáng, đặc biệt là chính sách bán cổ phần, tổ chức đại hội cổ đông để NLĐ được thể hiện vai trò làm chủ của họ.

- Không ngừng nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt cho cán bộ công đoàn làm công tác xây dựng chính sách. Để tham gia xây dựng chính sách có hiệu quả nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cần thiết phải nâng cao trình độ năng lực của cán bộ công đoàn, nhất là những cán bộ công đoàn tham gia xây dựng chính sách bằng các biện pháp như: bồi dưỡng thường xuyên những kiến thức pháp luật liên quan đến CPH, đến quyền lợi NLĐ, bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn, rèn luyện kỹ năng soạn thảo văn bản và các kỹ năng thuyết phục, bảo vệ ý kiến, thường xuyên đi thực tế để nắm bắt kịp thời những bức xúc nảy sinh và những phát sinh trong quá trình CPH DNNN... Có như vậy mới có thể tham mưu, giúp Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn trong việc đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật có hiệu quả nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ trong và sau CPH DNNN.

Bảo vệ quyền lợi người lao động trong và sau quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước - Lý luận và thực tiễn - 13

Ngoài ra, tổ chức công đoàn cần thiết phải nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức lấy ý kiến công đoàn các cấp, huy động trí tuệ tập thể trong việc tham gia đóng góp ý kiến, ý tưởng hay phù hợp thực tế và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Thứ hai, nâng cao vai trò của công đoàn trong việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương CPH DNNN và chế độ, chính sách đối với NLĐ. Hiệu quả công tác này trong thời gian qua vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhiều NLĐ còn chưa nắm chắc, chưa hiểu rõ về CPH, về quyền và lợi ích của mình được hưởng khi CPH. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quyền lợi NLĐ trong và sau CPH, công đoàn cần lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, thông qua các tờ rơi, các hình ảnh minh hoạ, các sơ đồ hoặc các ví dụ cụ thể phù hợp với đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp.

Thứ ba, tại các doanh nghiệp nhà nước, Ban chấp hành công đoàn cần đề xuất các phương án cụ thể cùng doanh nghiệp triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ về CPH nói chung và chế độ, chính sách đối với NLĐ nói riêng. Công đoàn cần động viên công nhân, viên chức ủng hộ nhiệt tình và tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về CPH. Công đoàn cần chuẩn bị các kế hoạch và phương án để ký kết thoả ước lao động tập thể, xây dựng quy chế, nội quy doanh nghiệp theo hướng hiện đại, đảm bảo quyền lợi của NLĐ trong doanh nghiệp được CPH nhằm đảm bảo cho các quan hệ lao động được xác lập và thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật lao động.

Thứ tư, cần tăng cường phối hợp hoạt động giữa công đoàn với các cơ quan hữu quan và giữa các cấp công đoàn.

Công tác tăng cường phối hợp hoạt động giữa công đoàn với các cơ quan hữu quan phải được xây dựng thành chương trình, kế hoạch và mỗi bên luôn coi đó là nhiệm vụ thực hiện thường xuyên trong hoạt động của mình. Cụ thể, cần phối hợp giải quyết các vấn đề về: tuyên tuyền các chính sách, pháp luật về CPH; nắm bắt diễn biến tư tưởng, những bức xúc của NLĐ nảy sinh trong quá trình CPH; tăng cường trao đổi, xử lý thông tin về CPH một

cách nhanh chóng; kiểm tra và biểu dương kịp thời những đơn vị thực hiện tốt việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ khi CPH.

Các cấp công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về CPH nói chung, trong việc bảo vệ quyền lợi NLĐ nói riêng. Tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát về tình hình cuộc sống, việc làm, các quyền lợi về mua cổ phần ưu đãi, các chính sách đối với lao động dôi dư... để đưa ra kiến nghị đúng đắn với cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời công đoàn các cấp tăng cường phối hợp để thực hiện tốt vai trò giám sát quá trình CPH theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn trong CTCP. Có thể nói, mô hình quản lý trong CTCP về cơ bản khác với DNNN. Vì vậy, hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở không thể như hoạt động công đoàn trong DNNN, mà cần năng động hơn, mềm dẻo hơn. Cụ thể:

- Chủ động đề xuất với Hội đồng quản trị, giám đốc công ty, ban hành các quy chế phù hợp với quy chế thực hiện dân chủ ở CTCP theo quy định tại Nghị định số 87/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007[48], bao gồm: quy chế làm việc của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc; quy chế về đào tạo lao động; quy chế trả lương, trả thưởng; quy chế sử dụng quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng; quy chế công khai mua bán vật tư, quy chế kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn ...

- Chăm lo giúp đỡ, bảo vệ NLĐ về việc làm và đảm bảo việc làm, đảm bảo thu nhập như: lập danh sách những NLĐ đã có việc làm và chưa có việc làm trong CTCP để từ đó chủ động đưa ra các hình thức, biện pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho NLĐ; chủ động lập phương án sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập cho NLĐ. Tăng cường tổ chức các hoạt động xã hội để NLĐ phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhau

trong CTCP, thông qua các hoạt động như: tham quan, nghỉ mát, đi học tập trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hội diễn văn nghệ, thi đấu thể thao và các hoạt động xã hội khác. Xây dựng quỹ tương trợ để giúp NLĐ bị dôi dư hoặc gặp khó khăn trong và sau CPH.

- Tham gia hoạt động quản lý, điều hành CTCP. Tổ chức công đoàn phát tích cực, chủ động tham gia mua cổ phần với tỷ lệ theo quy định để được ứng cử vào Hội đồng quản trì, Ban kiểm soát. Ở những nơi không đủ điều kiện để sở hữu số cổ phần theo tỷ lệ quy định thì công đoàn cần tiến hành vận động các cổ đông là người lao động tín nhiệm uỷ quyền cho công đoàn đại diện cổ phần của mình để đủ điều kiện tham gia ứng cử vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và biểu quyết trong các Đại hội cổ đông.

3.6. Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa gắn với bảo vệ quyền lợi người lao động

Quản trị doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sau CPH nói riêng cũng như việc bảo vệ quyền lợi NLĐ. Quản trị tốt sẽ tạo điều kiện thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chung của công ty, mặt khác giúp ngăn ngừa, hạn chế những người quản lý lạm dụng quyền và nhiệm vụ được giao sử dụng tài sản, cơ hội kinh doanh của công ty phục vụ cho lợi ích riêng của bản thân hoặc của người khác, hoặc làm thất thoát nguồn lực do công ty kiểm soát. Để tăng cường hiệu quả quản trị công ty sau CPH trong giai đoạn hiện nay, những chủ thể có liên quan (cơ quan nhà nước, bộ máy lãnh đạo công ty, các cổ đông, người lao động của công ty...) cần thực hiện tốt một số việc cơ bản sau đây:

- Khi tiến hành CPH, cần có giải pháp đổi mới bộ máy quản trị của công ty, tạo ra những nhân tố mới, tích cực trong bộ máy quản trị của công ty sau CPH.

- Các cổ đông phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ và tích cực về vị trí, vai trò của mình trong việc thiết lập bộ máy quản trị của công ty phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể của công ty.

- Đảm bảo sự minh bạch và dân chủ trong tổ chức quản lý công ty sau

CPH.


- Nâng cao hiểu biết pháp luật về doanh nghiệp nói chung và về quản

trị CTCP nói riêng cho bộ máy lãnh đạo công ty, cho các cổ đông và toàn thể NLĐ trong công ty

- Tăng cường kiểm soát để ngăn chặn các giao kết trục lợi của bộ máy quản trị công ty

- Tăng cường giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ của người quản lý doanh nghiệp trước quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông.

- Có cơ chế khuyến khích các công ty tiếp thu và ứng dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới.

- Bảo vệ và tạo điều kiện thực hiện các quyền của các cổ đông. Cổ đông phải có cơ hội tham gia hiệu quả và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông; cổ đông phải được thông tin về quy định họp Đại hội đồng cổ đông, trong đó có các thủ tục biểu quyết.

- Đảm bảo sự đối xử bình đẳng đối với mọi cổ đông, trong đó có cổ đông thiểu số và cổ đông nước ngoài. Mọi cổ đông phải có cơ hội khiếu nại hiệu quả khi quyền lợi của họ bị vi phạm.

- Thành viên Hội đồng quản trị và cán bộ quản lý doanh nghiệp phải công khai cho Hội đồng quản trị biết họ có lợi ích đáng kể trong bất kỳ một giao dịch nào hay vấn đề gì ảnh hưởng đến công ty, dù là trực tiếp, gián tiếp hay thay mặt cho một bên thứ ba.

- Khi cổ đông tham gia vào quá trình quản trĩ hoặc giám sát công ty, họ phải được tiếp cận với các thông tin phù hợp, đầy đủ và đáng tin cậy một cách kịp thời và thường xuyên.

- Các bên có quyền lợi liên quan, bao gồm cả NLĐ và đơn vị đại diện cho họ phải có quyền tự do thể hiện những lo ngại về những việc làm không hợp pháp hoặc không phù hợp với lợi ích chính đáng của công ty trước hội đồng quản trị và Đại hội cổ đông.

- Công bố thông tin và đảm bảo tính minh bạch trong quản trị công ty. Đảm bảo công bố thông tin kịp thời và chính xác về các vấn đề thực tế liên quan đến công ty, bao gồm các vấn đề cơ bản như: tình hình tài chính, tình hình hoạt động, sở hữu và quản lý công ty...

* Tóm lại: thông qua việc phân tích các giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ trong và sau quá trình CPH DNNN cho thấy đây là một hệ thống giải pháp có mối liên hệ khá mật thiết, giải pháp này có thể là hệ quả của giải pháp kia. Và để thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi NLĐ cũng như thực hiện thành công quá trình CPH DNNN đòi hỏi phải vận dụng tất cả các giải pháp, không thể loại trừ bất kỳ giải pháp nào. Trong quá trình vận dụng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và những DNNN thuộc diện CPH hay các CTCP có vốn Nhà nước cần phải có sự phối, kết hợp đồng bộ và hiệu quả.

Xem tất cả 117 trang.

Ngày đăng: 29/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí