Nội Luật Hóa Bốn Công Ước Geneva Và Hai Nghị Định Thư Bổ Sung Vào Pháp Luật Quốc Gia

Chương 3

THỰC TRẠNG THỰC THI VIỆC BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG BỐN CÔNG ƯỚC GENEVA VÀ GIẢI PHÁP KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT

3.1. Nội luật hóa bốn Công ước Geneva và hai Nghị định thư bổ sung vào pháp luật quốc gia

Trên thế giới chưa có một thống kê cụ thể là bao nhiêu quốc gia đã nội luật hóa bốn Công ước Geneva và hai Nghị định thư bổ sung vào pháp luật quốc gia. Nhìn một cách tổng quát, nội dung bốn Công ước Geneva và hai Nghị định thư bổ sung được thể chế hóa ở các ngành luật khác nhau, nhưng nổi bật nhất là luật hoạt động chữ thập đỏ quốc gia và luật hình sự quốc gia. Hầu hết các quốc gia thành viên đều đã thể chế một cách đầy đủ và chi tiết những nội dung cơ bản của bốn Công ước về hội Chữ thập đỏ vào trong luật hoạt động hội chữ thập đỏ của các quốc gia hoặc trong điều lệ hoạt động của các tổ chức này như: tôn trọng vị thế, vai trò, chức năng cứu trợ, tìm kiếm nạn nhân chiến tranh và các nguyên tắc hoạt động của hội chữ thập đỏ quốc gia. Để làm rõ thêm sự nội luật hóa của quốc gia thành viên ở mức độ nào, tác giả sẽ nghiên cứu bốn bộ luật hình sự của Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên bang Nga, Trung Quốc và Việt Nam để rút ra nhận xét.

Bộ luật hình sự Hoa Kỳ (1984, sửa đổi bổ sung qua các thời k) [48] đã có các quy định việc cấm sản xuất, tàng trữ, sở hữu vũ khí sinh học gây độc (Đ 175- Đ 178), vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt (Đ 229), tội khủng bố với sử dụng một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ bị xử phạt tù có thời hạn năm hoặc suốt đời, và nếu kết quả tử vong, sẽ bị trừng phạt bằng cái chết (Đ 2331- Đ 2339); Cấm các hành vi tra tấn gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với người thuộc sự kiểm soát và giam giữ của mình, nếu vi phạm bị phạt tiền hoặc bỏ tù không quá 20 năm hoặc nếu gây cái chết thì bị tử hình hoặc bỏ tù nhiều năm (Đ 2340-2340B). Đặc biệt trong luật Hoa Kỳ có quy định về “tội phạm chiến tranh” tại chương 118 (Đ 2441- Đ 2442).

Đối với tội ác về chiến tranh (Đ 2441) thì bất cứ ai dù đang ở trong hay ngoài Hoa Kỳ mà phạm tội ác chiến tranh thì tùy từng mức độ vi phạm mà bị phạt tiền hoặc chung thân hoặc phạt tù với thời hạn nhiều năm hoặc nếu gây ra cái chết thì cũng phải chịu hình phạt là cái chết. Điều kiện thỏa mãn các cấu thành tội ác chiến tranh là các hành vi vi phạm nghiêm trọng được quy định trong Điều 3 chung của bốn Công ước Geneva và được cụ thể hóa trong luật Hoa Kỳ bao gồm: “tra tấn, thô lỗ hoặc đối xử vô nhân đạo, thực hiện thí nghiệm sinh học, giết người (lỗi cố ý và vô ý), cố ý gây thương tích, cố ý gây thương tích một cách nghiêm trọng, hiếp dâm, tấn công tình dục hoặc xâm hại đến nhân phẩm, bắt giữ làm con tin” [48, Điều 2441]. Bên cạnh đó, luật có những chế tài hình phạt đối với việc tuyển dụng và sử dụng lính là trẻ em (Đ 2442). Mặt khác, luật hình sự Hoa Kỳ đã đưa ra hẳn một chương về dẫn độ (Đ 3181-Đ 3196). Điều này tạo cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng cho việc hợp tác giữa các nước trong cơ chế hoạt động của Tòa án hình sự quốc tế.

Trong nội dung luật hình sự Liên bang Nga hiện hành (1996), các loại tội phạm liên quan đến xung đột vũ trang được đề cập ở phần XII, chương 34 với tên mục “Tội phạm chống hòa bình và an toàn con người” [62] đã quy định rất cụ thể các chế tài đối với các hành vi vi phạm trong chiến tranh. Pháp luật cấm các hành vi sản xuất, buôn bán vũ khí hóa học, sinh học, cả những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà được quy định bởi hiệp ước quốc tế của Liên bang Nga, nếu vi phạm bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Bên cạnh đó, theo Điều 356 luật Liên bang Nga sẽ đưa ra các hình phạt tù đến 20 năm nếu trong xung đột có hành vi vi phạm như: “ngược đãi tù binh chiến tranh hoặc dân thường, trục xuất người dân, cướp bóc tài sản quốc gia trong lãnh thổ bị chiếm đóng” [62, Điều 356]; đối với hành sử dụng phương pháp và vũ khí hủy diệt hàng loạt bị cấm bởi hiệp ước quốc tế kí kết bởi Liên bang Nga thì bị phạt tù từ 10-12 năm. Khác với luật của Hoa Kỳ, luật hình sự Liên bang Nga quy

định “tội ác diệt chủng” [62, Điều 357] – trong trường hợp có hành động nhằm phá hoại hoàn toàn hoặc một phần nhóm quốc gia, dân tộc, chủng tộc hay tôn giáo bằng cách giết chết các thành viên của nhóm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc các hành động khác nhằm tiêu diệt các thành viên của nhóm thì tùy theo mức độ hành vi mà bị phạt tù hoặc án tử hình hoặc tù chung thân.

Một điểm rất tiến bộ trong luật hình sự Liên bang Nga đó là “các hành động hủy diệt hàng loạt hệ thực vật và động vật, làm ngộ độc khí quyển hoặc tài nguyên nước hoặc các hành động khác gây ra thảm họa môi trường” [62, Điều 358] thì sẽ bị phạt tù, quy định này nhằm hạn chế hành vi gây hại đến môi trường sống, đồng thời bảo vệ quyền sức khỏe, quyền môi trường của người dân. Và một điểm tiến bộ trong Luật hình sự Liên bang Nga không thể không kể đến việc thể chế hóa định nghĩa lính đánh thuê theo Nghị định thư (I) vào trong luật: “Một lính đánh thuê là một người hoạt động để có được bồi thường vật chất và không phải là một công dân của một quốc gia tham gia vào cuộc xung đột vũ trang hoặc thù địch, không sống trên lãnh thổ của mình, và không phải là người chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính thức” [62, Điều 359]. Cũng tương tự như luật hình sự của Hoa Kỳ, luật hình sự Liên bang Nga cũng đưa ra các chế tài đối với chủ thể sử dụng, đào tạo đối với lính đánh thuê. Mục đích của quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng lính đánh thuê đang tồn tại phổ biến hiện nay, qua đó, bảo vệ gián tiếp quyền của đối tượng bảo hộ trong chiến tranh. Đồng thời, để bảo vệ những nhân viên y tế hoạt động trong hội Chữ thập đỏ hoặc nhân viên ngoại giao, theo Điều 360, việc tấn công vào người cũng như các văn phòng, nhà ở thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 8 năm. Nhìn chung, theo sự đánh giá dưới góc độ nhân quyền, những quy định của luật hình sự Liên bang Nga đã thể chế hóa khá đầy đủ và chi tiết việc áp dụng hình phạt nếu xâm hại đến quyền lợi của những đối tượng được bảo hộ theo bốn Công ước.

Trong luật hình sự của Trung quốc (có hiệu lực 1997, sửa đổi bổ sung 1999, 2001, 2002, 2005, 2006, 2009, 2011) [61] có một điểm rất đặc biệt khác với các bộ luật hình sự của các quốc gia khác, pháp luật có các quy định liên quan đến sỹ quan đang tại ngũ, cán bộ dân sự, quân nhân, binh sỹ của quân đội giải phóng quân Trung Quốc và lực lượng cảnh sát nhân dân Trung Quốc mà rất ít quy định bảo vệ cho đối phương khi xung đột vũ trang xảy ra. Cụ thể trong Điều 444, Điều 445, Điều 446 có quy định với các nội dung như: cấm hành vi bỏ mặc thương binh, quy định chế tài hình phạt đối với hành vi của người với cương vị là người điều trị, cấp cứu, có điều kiện cứu giúp thương binh nhưng không cứu giúp họ; trong chiến tranh, trên địa bàn hoạt động quân sự, người nào có hành vi làm hại người dân vô tội, cướp bóc tài sản của người dân vô tội, phạt tù từ năm năm trở xuống, nếu tình tiết nghiêm trọng thì phạt tù từ năm năm đến mười năm; nếu tình tiết đặc biệt nghiêm trọng xử phạt từ mười năm trở lên hoặc chung thân hoặc tử hình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Như vậy, luật hình sự Trung Quốc về cơ bản đã bảo vệ được đối tượng binh sỹ bị thương, dân thường trong chiến tranh nhưng lại không có các quy định bảo vệ tù binh đối phương, điển hình chưa có quy định về tội ngược đãi tù binh hay việc gây bị thương hoặc chết đối với nhân viên y tế. Một điều đáng chú ý trong bộ luật hình sự Trung Quốc không hề có các quy định về các tội như diệt chủng, tội phạm chiến tranh, tội ác chống lại loài người như trong luật hình sự của các quốc gia khác. Do đó, có thể đưa ra nhận xét việc thể chế nội dung của luật hình sự Trung Quốc còn sơ sài, chưa thể chế đầy đủ nội dung của bốn Công ước vào trong luật quốc gia, vì thế, xét theo góc độ nhân quyền để đánh giá thì cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền con người trong chiến tranh chưa đầy đủ, chi tiết.

Trong luật hình sự Việt Nam hiện hành, việc nội luật hóa các quy định của bốn Công ước và hai Nghị định thư được thể hiện trong hai chương

Bảo vệ quyền con người trong bốn Công ước Geneva về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh - 11

XXIII về “các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” và chương XXIV về “các tội phá hoại hòa bình, chống lại loài người và tội phạm chiến tranh” Trong chương XXII với việc thể chế hóa nguyên tắc đối xử nhân đạo đối với tù binh trong bốn Công ước, luật hình sự Việt Nam đã đưa ra chế tài đối với hành vi ngược đãi đối với tù binh, hàng binh, nếu vi phạm sẽ “bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm” [33, Điều 340].

Để nâng cao trách nhiệm trong việc cứu giúp thương binh, thu lượm xác chết trong chiến tranh, ví dụ như trách nhiệm cứu giúp của các nhân viên y tế của Hội chữ thập đỏ quốc gia, nhân viên y tế trong tổ chức dân sự, quân y hoặc trách nhiệm những người trong đội tìm tìm kiếm thi thể, Điều 336 đã quy định chế tài:

Những người có trách nhiệm mà cố ý bỏ thương binh, tử sĩ tại trận địa hoặc cố tình không chăm sóc, cứu chữa thương binh gây hậu quả nghiêm trọng thì phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm; các hành vi gây hậu quả rất nghiêm trọng thì hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm [33, Điều 336].

Ngoài ra, hành vi chiếm đoạt di vật của tử sĩ cũng bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Như vậy, nguyên tắc đối xử nhân đạo đối với tù binh được thể chế hóa rất chi tiết trong luật hình sự Việt Nam.

Đặc biệt, trong chương XXIV, ba nội dung rất quan trọng của bốn Công ước và hai Nghị định thư bổ sung đã được chi tiết hóa vào trong luật hình sự Việt Nam, đó là tội chống lại loài người (Đ 342), tội phạm chiến tranh (Đ 343), tội tuyển mộ lính đánh thuê; tội làm lính đánh thuê (Đ 343) với các chế tài pháp lý tương ứng.

Nhìn chung, bốn bộ luật hình sự đều đã thể chế những nội dung cơ bản của bốn Công ước và hai Nghị định thư bổ sung với những mức độ khác nhau: luật hình sự Liên bang Nga là minh chứng cho sự thể chế hóa đầy đủ và chi tiết các quy định của Công ước Geneva nhưng ngược lại, luật hình sự Trung Quốc còn có những hạn chế nhất định. Việc thể chế hóa các quy định vào trong luật là một trong các tiêu chí để đánh giá việc bảo vệ quyền con người trong chiến tranh có tốt hay không. Và về cơ bản, các chế tài trong luật hình sự đã tạo tính răn đe trong việc tuân thủ pháp luật của những người có trách nhiệm trong chiến tranh, hành động có giới hạn để bảo vệ con người.

Tuy nhiên, chúng ta để ý đến số năm hình phạt tù thì thông thường chỉ bị phạt năm năm – mười năm – hai mươi năm, chỉ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì mới bị xử chung thân hoặc tử hình, mặt khác, trong luật hình sự của nhiều nước còn có những tình tiết giảm nhẹ để hạ bậc khung hình phạt hoặc một số quốc gia còn sử dụng hình phạt tiền là hình phạt chính và để khung hình phạt rất rộng (Hoa Kỳ). Do đó, việc xử hình phạt đối với những đối tượng này còn rất nhẹ, nên, tính răn đe trong luật hình sự chưa cao nên vẫn tạo ra kẽ hở cho các hành vi vi phạm, ví dụ, đối với hành vi ngược đãi tù binh theo luật hình sự Việt Nam chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm lại thêm một hệ thống các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, chưa phạm tội lần nào thì hình phạt sẽ không đáng kể.

3.2. Thực trạng thực thi việc bảo vệ quyền con người trong bốn Công ước Geneva và hai Nghị định thư bổ sung

3.2.1. Việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục nội dung bốn Công ước Geneva và hai Nghị định thư bổ sung

Theo tài liệu trên web của ICRC [55], tính đến 01/09/2011, 100 quốc gia thành viên đã tạo ra các Uỷ ban quốc gia và các cơ quan quốc gia khác để hỗ trợ các quốc gia đảm bảo sự tôn trọng các nghĩa vụ của bốn Công ước

Geneva và hai Nghị định thư. Nhiệm vụ của các ủy ban và các cơ quan thường bao gồm phổ biến Luật Nhân đạo quốc tế nói chung và Luật Geneva nói riêng. Việc tuyên truyền, giáo dục nội dung bốn Công ước đã được rất nhiều quốc gia thừa nhận và thể chế hóa vào trong luật bao gồm Azerbaijan, Brazil, Colombia, Croatia, Cộng hòa dân chủ Congo, Pháp, Mexico, Peru, Philippins, Tây Ban Nha, Việt Nam... cụ thể, trong chỉ thị của Bộ quốc phòng Mỹ đã khẳng định rằng các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn các hành vi vi phạm luật chiến tranh bằng việc đào tạo và phổ biến giáo dục các quy định của Luật Geneva hoặc cộng hòa dân chủ Congo quy định trong điều 47 của Hiến pháp:

Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm việc phổ biến và giáo huấn nội dung của Hiến pháp, các tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền, hiến chương châu Phi về con người và quyền con người, cũng như của tất cả các văn kiện mang tính khu vực và quốc tế liên quan đến luật nhân quyền và Luật Nhân đạo quốc tế [55, Điều 47];

hoặc luật của Peru bắt buộc phải có chương trình giáo dục về nhân quyền và Luật Nhân đạo quốc tế hoặc luật hoạt động hội chữ thập đỏ Việt Nam (2008) có quy định “nhiệm vụ tuyên truyền giá trị nhân đạo của hội chữ thập đỏ” [34, Điều 2], đồng thời thiết lập các hệ thống viện nhân quyền quốc gia được thành lập để nghiên cứu, xuất bản sách, bắt đầu đưa dần dần bộ môn liên quan đến nhân quyền và nhân đạo vào trong chương trình giảng dạy. Nhìn chung, lĩnh vực này hoàn toàn là rất mới đối với Việt Nam. Algeria thành lập ủy ban để nghiên cứu và giảng dạy và phổ biến các quy định IHL, tương tự, IHL là một phần của chương trình đại học ở Argentina hoặc theo báo cáo của Cuba, IHL được giảng dạy trong các trung tâm của luật pháp quốc tế và được bao gồm trong các khóa học sau đại học tại Cuba.

Như vậy, khảo sát việc thực hiện luật IHL nói chung và Luật Geneva

nói riêng, phần lớn các nước (100/196) đã phổ biến ở những mức độ khác nhau nội dung Luật Geneva bằng việc đưa thành bộ môn trong các trường đại học và khóa sau đại học. Các quốc gia còn lại đang nỗ lực đưa nhân quyền vào trong đời sống, và trong tương lai sẽ thúc đẩy phát triển nhân quyền.

3.2.2. Thực tiễn bảo vệ quyền con người trong xung đột vũ trang

Thứ nhất, tù binh chưa được tôn trọng và đối xử nhân đạo, việc đối xử nhân đạo hay không là phụ thuộc vào sự nhân đạo của các quốc gia chứ chưa phụ thuộc vào các quy định của pháp luật:

* Tù nhân chiến tranh trong nhiều trường hợp không được coi là người Khảo sát lịch sử các cuộc chiến tranh, chúng ta có một nhận xét chung

là tù nhân chiến tranh luôn là đối tượng bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, nhiều trường hợp họ vẫn bị tra tấn, bị giết, thiếu thốn về mọi thứ: ăn uống, vệ sinh... Điều này được thể hiện rất rõ trong chiến tranh Việt Nam và Hoa Kỳ. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tham gia bốn Công ước Geneva 1957 và Nghị định thư (I) năm 1981, Hoa Kỳ tham gia Công ước Geneva 1955, chỉ kí và chưa phê chuẩn hai Nghị định thư bổ sung.Thế nhưng trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ còn xây dựng 1 hệ thống nhà tù trên miền Nam Việt Nam như nhà tù Phú Lợi, nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc. Ở đây, tù nhân gần như không được coi là người. Theo các ghi chép của nhiều tác giả về tội ác của Hoa Kỳ và đồng minh trong chiến tranh Việt Nam, ở nhà tù Côn Đảo, “tù nhân phải nằm trên nền xi măng ẩm thấp, không có giường ngủ, đa số bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp do nền nhà ẩm thấp, bị suy dinh dưỡng do không được cho ăn, không được chữa bệnh 1 cách đầy đủ” [43].

Nhà tù Phú Quốc có những hình thức tra tấn ghê rợn: dùng kìm chích đã cũ đóng từ từ vào 10 đầu ngón tay, bắt tù nhân ăn cơm nhạt không được ăn muối – sau hai tháng mắt sẽ bị mờ và sau 6 tháng có người bị mù hẳn, sử dụng các lộn vỉ sắt để bắt tù binh chỉ mặc quần đùi cắm đầu, thân xuống vỉ sắt

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/12/2022