Nhận Thức Chung Về Bảo Vệ Quyền Con Người Trong Tths Việt Nam

- Được thẩm vấn hoặc nhờ người thẩm vấn những nhân chứng buộc tội mình và được mời người làm chứng, người đại diện cho mình tới phiên toà và thẩm vấn tại toà với những điều kiện giống như đối với những người làm chứng buộc tội mình.

- Được giúp đỡ về phiên dịch không phải trả tiền nếu người đó không hiểu hoặc không nói được ngôn ngữ sử dụng trong phiên toà.

- Không bị ép buộc phải chứng minh chống lại chính mình hoặc buộc tự thú là mình có tội.

- Xét xử người chưa thành niên phải theo thủ tục đặc biệt có tính tới độ tuổi của các em.

- Khi bị kết án là phạm tội, có quyền yêu cầu toà án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt đối với mình theo pháp luật.

- Được bồi thường thiệt hại nếu có sự nhầm lẫn tư pháp, trừ trường hợp được chứng minh rằng việc không kịp thời làm sáng tỏ sự thật một phần hoặc toàn bộ vụ án do chính bản thân người bị kết án gây ra.

- Không bị đưa ra xét xử hoặc bị trừng phạt lần thứ hai về cùng một hành vi phạm tội mà một bản án đã tuyên, đã có hiệu lực pháp luật, hoặc về một tội phạm mà người đó được tuyên trắng án phù hợp với pháp luật tố tụng của mỗi nước.

Chuẩn mực quốc tế bảo đảm quyền con người sau khi xét xử

Sau khi xét xử, bản án có hiệu lực pháp luật, người phạm tội phải chấp hành bản án do TA tuyên. Ở giai đoạn này, các văn kiện pháp lý về bảo đảm quyền con người trong quản lý tư pháp đề cao vai trò, trách nhiệm của nhà tù, cán bộ trại giam. Theo đó, việc giam tù và các biện pháp khác là tách một người phạm tội ra khỏi thế giới bên ngoài, là một nỗi khổ vì nó tước bỏ quyền tự do của người đó. Vì vậy, nguyên tắc áp dụng cho các loại tù nhân chịu án, theo Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu đối xử với tù nhân quy định:

- Hệ thống nhà tù, trừ trường hợp lấy đi chính đáng hay để duy trì kỷ luật, phải không được làm trầm trọng thêm nỗi đau vốn có và mục đích và lý do kết án tù hay bất kỳ một biện pháp tương tự nào khác tước bỏ tự do chính là để bảo vệ xã hội chống lại tội ác.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.

- Mục đích và lý do kết án tù chỉ có thể đạt được nếu thời gian ngồi tù, trong khả năng lớn nhất, đảm bảo được rằng khi người phạm tội trở về với xã hội thì người đó không chỉ sẵn sàng mà còn có khả năng sống một cuộc sống tuân theo pháp luật và tự lực.

- Để đạt được mục đích này, nhà tù phải sử dụng tất cả các sức mạnh cứu chữa, giáo dục đạo đức, tinh thần và những sức mạnh khác cùng các hình thức giúp đỡ thích hợp hiện có, đồng thời cố gắng áp dụng chúng đối với yêu cầu đối xử với từng cá nhân tù nhân.

Bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự - 4

- Nhà tù phải tìm cách giảm đến mức thấp nhất những khác biệt giữa cuộc sống trong tù với cuộc sống tự do vốn có, tôn trọng nhân phẩm của họ với tư cách là con người.

- Việc đối xử với tù nhân không phải là loại trừ họ ra khỏi cộng đồng, mà tạo điều kiện cần thiết nhằm bảo đảm cho tù nhân có sự trở về dần dần với đời sống xã hội.

- Quan tâm về mặt tín ngưỡng; đề cao giáo dục dạy nghề và hướng nghiệp, tham vấn công ăn việc làm, phát triển thể lực, đạo đức... phù hợp với nhu cầu cá nhân của tù nhân, có tính đến lý lịch tư pháp của họ, nhằm không tạo ra khoảng cách quá lớn khi trở về với xã hội.

- Lao động trong nhà tù không được tạo ra và mang tích chất khổ sai; giáo dục, nhất là cho những tù nhân mù chữ, tù nhân là người chưa thành niên là công việc bắt buộc; đồng thời chú ý duy trì và cải thiện quan hệ xã hội hiện tại và sau này như quan hệ giữa tù nhân với gia đình vì lợi ích tốt nhất cho cả hai bên.

Như vậy, chuẩn mực pháp lý quốc tế bảo đảm quyền con người trong hoạt động TTHS chính là hệ thống các văn kiện pháp lý được cộng đồng quốc tế xây dựng, dựa trên sự nhất trí và đồng thuận của các quốc gia, nhằm bảo đảm quyền con người trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và chấp hành án. Các chuẩn mực này đề cao quyền con người của cá nhân và trách nhiệm của các quan chức thực thi pháp luật là phải tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm phạm quyền và các lợi ích hợp pháp của cá nhân, khi thực thi công vụ mà không làm ảnh hưởng đến mục đích tố tụng của cơ quan tố tụng và quan chức thực thi pháp luật trong hoạt động TTHS.

1.1.3. Nhận thức chung về bảo vệ quyền con người trong TTHS Việt Nam

Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Một nhà nước mà ở đó, việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người không chỉ dừng lại ở các tuyên bố chính trị, ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật mà còn được bảo đảm thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội. Quyền con người là một giá trị thiêng liêng bất khả tước đoạt, hiện hữu trong nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực TTHS. Không phổ biến, không rộng lớn, không diễn ra hàng ngày, hàng giờ như các lĩnh vực hành chính, kinh tế, môi trường…, nhưng có thể nói quyền con người trong TTHS lại là những quyền quan trọng nhất và dễ bị xâm phạm, dễ bị tổn thương nhất và hậu quả để lại cũng nghiêm trọng nhất. Xâm hại các quyền con người trong TTHS là xâm hại quyền được sống, quyền tự do và sinh mệnh chính trị của một cá nhân. Nghiên cứu vấn đề bảo vệ quyền con người trong TTHS phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Luận văn giới hạn phạm vi nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề về quyền con người và bảo vệ quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự

Con người khi sinh ra ai cũng có quyền sống trong môi trường an toàn trong đó có sự an toàn về pháp lý. Sẽ là một xã hội bất công và quyền con người sẽ bị xâm phạm, dân chúng sẽ luôn cảm thấy bất an nếu một người có thể bị đưa vào vòng quay TTHS với tư cách là người bị buộc tội mà không có căn cứ pháp lý, không tuân theo những trình tự, thủ tục nhất định. Trong khi thực hiện nhiệm vụ chứng minh tội phạm, xử lý người phạm tội, khôi phục công lý, Nhà nước, thông qua CQĐT, VKS tiến hành các hoạt động, biện pháp, trình tự, thủ tục tố tụng hạn chế, tước đoạt tạm thời một hoặc nhiều quyền con người, đặt một hoặc nhiều người vào tình trạng bất lợi về kinh tế, chính trị là chuyện khó tránh khỏi. Nhà nước vừa phải điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm vừa phải đảm bảo không xâm phạm quyền con người. Đây là hai mặt thống nhất của xây dựng và bảo vệ, mang đậm tính nhân văn, tiến bộ, hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền con người của đại đa số người trong xã hội. Việc giải quyết hài hòa hai yêu cầu này chính là biểu hiện của một kiểu TTHS trong một nhà nước văn minh. Công việc đầu tiên ở đâu cũng đòi hỏi và nhà nước nào cũng phải làm là: ghi nhận cụ thể những quyền con người nào trong hệ thống pháp luật TTHS của mình. Việc ghi nhận này không phải là sự ban phát từ phía nhà nước mà bắt nguồn từ bản chất của nhà nước tiến bộ. Hình thức đầu tiên của nó là thừa nhận những giá trị cao quý của con người mà nhân loại đã thừa nhận. Những giá trị đó là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, không ngừng nghỉ của loài người. Từ chỗ bị chà đạp trong các phiên tòa man rợ, phi nhân tính thời trung cổ, phong kiến, phiên tòa “giàn thiêu” của giáo hội, các quyền con người, trong đó có tính mạng, sức khỏe, phẩm giá của con người đã được bảo vệ một cách toàn diện trong nền tố tụng văn minh, nhân đạo của nhà nước pháp quyền hiện nay. Những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về bảo vệ quyền con người cũng như sự phát triển năng lực của cá nhân và xã hội đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ quyền con người trong

các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự chứng minh mạnh mẽ cho tiến bộ về bảo vệ quyền con người trong TTHS hiện nay.

Chúng ta có thể tìm thấy quan điểm, tư tưởng, yêu cầu về việc ghi nhận và bảo vệ các quyền con người trong TTHS ở nhiều văn kiện quốc tế như: Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948 (UHDR); Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR); Những nguyên tắc cơ bản trong việc đối xử với tù nhân; Công ước chống tra tấn, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục con người năm 1985… Nghiên cứu các văn bản này chúng ta có thể khẳng định ghi nhận, bảo vệ quyền con người trong TTHS chính là việc cụ thể hoá các quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể, quyền được tự do... của con người trong hoàn cảnh, quan hệ, môi trường pháp lý TTHS. Đây được coi là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá tiến bộ, hiệu quả công tác bảo vệ quyền con người nói chung.

Quyền con người trong TTHS bao gồm những quyền sau: quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án độc lập và khách quan; quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và quyền tự do cá nhân khác. Mọi trường hợp áp dụng các biện pháp cưỡng chế trách nhiệm hình sự phải trên cơ sở luật định; quyền được suy đoán vô tội; quyền được bào chữa và biện hộ, quyền không bị xét xử quá mức chậm trễ; người chưa thành niên phải được áp dụng thủ tục TTHS đặc biệt; quyền kháng cáo bản án để xét xử phúc thẩm, quyền được nhanh chóng minh oan, quyền không bị kết tội hai lần về cùng một hành vi; quyền được tôn trọng, bảo vệ trong thi hành án hình sự và sau xét xử...

Những quyền trên là những quyền của người bị buộc tội – đối tượng bảo vệ quan trọng nhất trong TTHS. Tuy nhiên, tham gia vào quá trình TTHS không chỉ có những người bị buộc tội mà còn có nhiều người khác mà lâu nay khi nghiên cứu về quyền con người, chúng ta ít chú ý đó là quyền của nạn

nhân tội phạm (người bị hại), quyền của người làm chứng và những người liên quan khác. Các chủ thể này cũng có quyền con người cần được ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ như quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền được bảo vệ các quyền chính trị, dân sự, kinh tế...

Bảo vệ có thể được hiểu là chống lại sự xâm hại để giữ gìn được và đầy đủ những gì cần thiết. Bảo vệ quyền con người là chống lại sự xâm hại đến những đặc lợi vốn có của con người, mà con người được hưởng trong những điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhất định. Nhận thức chung cho rằng, chủ thể cơ bản của quyền con người là các cá nhân, ngoài ra, trong một số trường hợp, chủ thể của quyền con người còn là các nhóm người. Chủ thể cơ bản có nghĩa vụ bảo vệ quyền con người là các nhà nước mà cụ thể là các chính phủ, các cơ quan nhà nước khác cùng các viên chức hay những người làm việc cho các cơ quan nhà nước. Ngoài các chủ thể nhà nước, các chủ thể phi nhà nước như: các đảng phái chính trị, các tổ chức phi chính phủ, quốc gia và quốc tế, các doanh nghiệp, tùy theo vị thế của mình, cũng có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

Bảo vệ quyền con người là việc Nhà nước bằng sức mạnh và ý chí của mình để các quyền của con người không bị xâm phạm và được thực thi trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội. Thông qua các bảo đảm chính trị, kinh tế, tư tưởng, tổ chức, pháp luật, Nhà nước tạo cho con người các điều kiện cần và đủ để thực hiện được các quyền cơ bản của mình, đồng thời loại bỏ những rào cản làm hạn chế một phần hoặc toàn bộ các quyền đó.

Quyền con người được quy định trong pháp luật TTHS bởi các lý do sau:

1) Pháp luật TTHS là công cụ hữu hiệu nhất của Nhà nước trong việc thực hiện, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực TTHS;

2) Pháp luật TTHS quy định, định hướng, điều chỉnh, chi phối trách nhiệm, hoạt động của CQTHTT, NTHTT trong việc bảo đảm các quyền con

người, quyền công dân trong khi tiến hành tố tụng. Hoạt động, hành vi tố tụng của các CQTHTT, NTHTT là những hoạt động dễ xâm phạm đến quyền con người nhất bởi các chủ thể này đại diện cho Nhà nước, được Nhà nước trao quyền, trao biện pháp và sức mạnh cưỡng chế. Do đặc thù của hoạt động này, Nhà nước phải quy định cơ chế đảm bảo tính độc lập, tự chủ của CQTHTT, NTHTT. Các chủ thể này cũng luôn phải duy trì, thể hiện tính độc lập, chủ động khi tiến hành các hoạt động, hành vi tố tụng, trong đó có việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế hình sự, trực tiếp tác động, hạn chế, tước đoạt một hoặc một số quyền con người. Nói cách khác, CQTHTT, NTHTT độc lập, chủ động trong việc tiến hành các hoạt động, hành vi tố tụng tác động trực tiếp đến quyền con người. Quyền độc lập, tự chủ rất dễ dẫn đến xu hướng tuỳ tiện, lạm quyền, sai phạm mà hậu quả là bỏ lọt tội phạm, khởi tố, truy tố, xét xử, tuyên án, áp dụng hình phạt đối với người không có tội, không phù hợp tính chất, mức độ phạm tội, là quyền con người bị xâm hại hoặc không được phục hồi. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong TTHS, hạn chế sự tuỳ tiện, lạm quyền từ phía CQTHTT và NTHTT, Bộ Luật TTHS quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể này. Trong TTHS, các biện pháp bảo đảm pháp lý đối với quyền con người cùa các chủ thể tham gia tố tụng bao gồm các nguyên tắc cơ bản của TTHS, các quy định về thủ tục, trình tự tố tụng, trách nhiệm của CQTHTT, NTHTT. Thực chất là quy định những căn cứ, điều kiện, hình thức, mục đích, nội dung thực hiện hành vi tố tụng cụ thể, nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể tham gia tố tụng, bảo đảm tính hợp pháp của các biện pháp cưỡng chế, chống lại sự tùy tiện, lạm quyền, ngăn ngừa oan sai.

3). Pháp luật TTHS quy định rõ về tư cách, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể TTHS khi tham gia các quan hệ TTHS. Trong đó quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa, có

quyền khiếu nại đối với các hành vi tố tụng của người có thẩm quyền tố tụng, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của mình, có quyền đưa ra những tài liệu, đồ vật, yêu cầu… Các quy định này là cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo vệ quyền con người, quyền công dân đồng thời là công cụ để công dân, thông qua việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong đó có các quyền con người của mình.

4). Quy định về bảo vệ quyền con người của pháp luật TTHS là một hình thức, phương pháp cụ thể hoá, quốc gia hoá Công ước quốc tế về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực TTHS và cũng là một trong những hình thức chủ yếu, quan trọng nhất để thực hiện các cam kết giữa các quốc gia về quyền con người. Quyền con người, bảo vệ quyền con người trong TTHS có những đặc thù khác với những lĩnh vực hoạt động nhà nước khác. Những đặc thù này chính là sự phản ánh các tính chất, đặc điểm riêng biệt của hoạt động TTHS - lĩnh vực hoạt động nhà nước đặc biệt ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Để có thể phát hiện ra tội phạm, ngăn chặn các hành vi tội phạm, tiến hành các hoạt động tố tụng thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế TTHS là yêu cầu khách quan, mang tính phổ biến và hậu quả của nó là hạn chế, tác động tiêu cực đến mức độ nhất định các quyền cơ bản do Hiến pháp quy định của một hoặc nhiều người cụ thể.

Cho đến nay, Nhà nước Việt Nam đã tham gia phần lớn và cam kết thực hiện ở cả hai phương diện lập pháp và hành pháp các văn kiện, cam kết quốc tế về quyền con người. Điều đó được thể hiện rất rõ nét trong việc xây dựng, thực thi pháp luật TTHS của Nước CHXHCN Việt Nam. Bộ luật TTHS hiện hành có các nguyên tắc: thừa nhận TA là cơ quan duy nhất có quyền xét xử các vụ án hình sự; bảo vệ quyền cơ bản của công dân; bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; suy đoán vô tội; bảo đảm quyền bào chữa, quyền kháng cáo, quyền minh oan…

.....

⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/12/2022